Cái Tôi Quy Ước, Cái Tôi Giả Dối Và Cái Tôi Bất Diệt

Dẫn Nhập: Khảo Sát Bản Ngã Và “Tôi”

Chủ đề cho loạt bài nói chuyện này là sự phát triển lành mạnh của bản ngã, thông qua Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. “Bản ngã” là điều rất trọng yếu trong đường tu nhà Phật. Chúng ta có thể thấy điều này, ngay cả khi phát khởi động lực để lắng nghe những buổi nói chuyện này. Có lẽ chúng ta sẽ cảm động vì lòng bi mẫn, để cuối cùng sẽ thành tựu những quả vị, để giúp tha nhân khắc phục những khó khăn của họ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, ai là người cảm động vì lòng bi, để giúp đỡ tha nhân? Chúng ta sẽ phải nói đó là “tôi”. Ai là người sẽ cố gắng đưa tha nhân đến giải thoát và giác ngộ? Một lần nữa, đó lại là “tôi”. Điều gì sẽ ngăn cản tôi thực hiện điều này? Ở đây cũng vậy, chúng ta sẽ phải nói đó là “tôi”, dù cho mình đang nói về sự lười biếng, thiếu can đảm hay thiếu cảm giác đối với người khác.

Bất kể câu trả lời là gì, tất cả đều đi đến vấn đề liên quan đến “tôi”, đúng không? “Tôi không thích làm điều đó.”. “Tôi không muốn làm điều đó.”. “Tôi sợ phải cố gắng làm điều đó.”. Những cách suy nghĩ này đều xoay quanh cái “tôi”, đúng không? Tất cả đều dựa trên những điều chúng ta nghĩ về mình, và những điều  chúng ta nghĩ mình có thể làm.

Theo giáo lý nhà Phật, khi nhìn sâu hơn một chút, thì vấn đề thực tế hay trở ngại để đạt được mục tiêu từ động lực của mình là tâm vô minh về cách mình thật sự tồn tại. Một là không hiểu cách mình tồn tại, hai là có một vài khái niệm đảo lộn, ý tưởng trái ngược với những điều thật sự đúng. Do đó, việc khảo sát toàn bộ vấn đề này về bản ngã, về “tôi”, để hiểu rõ hơn thực tại là gì, là điều rất quan trọng.

Một cách để bắt đầu là mỗi một người trong chúng ta sẽ dành một khoảng thời gian ngắn để quán chiếu về những điều chúng ta đang đề cập đến, khi nói về bản thân, hay về “tôi'. Khi nói về “tôi”, thì hãy cố gắng nhận diện ra nó. Tuy có thể khó tìm ra cách để thể hiện ý nghĩa của nó, nhưng tất cả chúng ta vẫn nghĩ về “tôi”, đúng không? Tất cả chúng ta đều có ý thức về “tôi”. "Tôi sẽ làm gì đây?". “Mọi người nghĩ gì về tôi?”. “Tôi là một người thua cuộc như vậy đó.”. “Tôi là một người thắng cuộc như vậy đó.”. Chúng ta có đủ các ý tưởng về bản thân.

Ngay bây giờ, hãy thử nghĩ về “tôi”, không phải là về phẩm chất của nó, chẳng hạn như trẻ, già, đàn ông hay phụ nữ. Đừng nhận diện nó như vậy, hay đặt câu hỏi, tôi là ai? “Tôi là ai?” thật ra là một câu hỏi rất khó, nhưng nó thường đưa đến câu trả lời “Tôi là tôi”. Điều này thật sự có nghĩa là gì? Có phải mình là một cái tên, hay một từ ngữ?

Chúng ta không nói về lý thuyết tâm lý về bản ngã, ví dụ như siêu ngã (super-ego), và tất cả những thứ này. Đúng hơn thì ở đây, chúng ta đang nói về ý nghĩa thông thường về “tôi”. Chúng ta đang nói về điều gì, khi nói về “tôi”, hay khi nghĩ về bản thân mình? Hãy dành một vài phút để tư duy về điều này.

[Thiền]

Đại Diện Của “Tôi” Trong Tư Tưởng Khái Niệm

Khi cố gắng tìm hiểu xem cái “tôi” này thật sự là gì, thì không phải là điều rất dễ dàng, phải không? Chúng ta luôn luôn hoạt động trong đời sống hàng ngày, với khái niệm rất nổi bật về “tôi”, nhưng khi cố gắng chú trọng vào “tôi”, thì lại không quá dễ dàng. Nếu muốn nói theo cách kỹ thuật ở đây, thì mô tả kỹ thuật về cách chú trọng vào “tôi” bắt nguồn từ giáo lý cơ bản trong nhà Phật về nhận thức. Khi nghĩ về “tôi”, thì điều mà chúng ta đang tư duy là một đối tượng có nhiều tầng lớp.

Trước hết, phải hiểu rằng việc suy nghĩ luôn liên quan đến một phạm trù. Trong trường hợp này, đó là phạm trù “tôi”. Mỗi lần nghĩ về “tôi”, thì ta lại nghĩ về một ví dụ riêng biệt về “tôi”, mà mình đã sắp xếp vào trong phạm trù “tôi”. Chúng không phù hợp với phạm trù “bạn”, hay về bất cứ ai khác, đúng không? Những điều duy nhất phù hợp với phạm trù “tôi” là những ví dụ riêng biệt về “tôi”.

Trong biệt ngữ kỹ thuật, thì phạm trù “tôi” là một “nhãn hiệu tinh thần”, một khái niệm mà chúng ta định danh cho những khoảnh khắc riêng biệt về “tôi” trong tâm thức. Nó cho phép mình nghĩ về “tôi” bất cứ lúc nào, và luôn luôn nghĩ về cùng một người. Tuy nhiên, việc định danh “tôi” là điều tùy tiện. Chúng ta không cần phải nghĩ về “tôi” trong mọi lúc, để “tôi” tồn tại.

Hiện giờ, chúng ta không thể chỉ nghĩ về “tôi”. Cả hai yếu tố “tôi” và phạm trù “tôi” đều rất trừu tượng. Việc nghĩ về “tôi” đòi hỏi điều gì không trừu tượng, xuất hiện trong ý nghĩ của mình, điều gì đại diện cho “tôi”. Điều sẽ xuất hiện là cái gì từ ngũ uẩn của mình, các yếu tố uẩn, tạo ra mỗi sát na kinh nghiệm của mình - thân, tâm, cảm giác, cảm xúc của chúng ta, vân vân.

Khi nghĩ về “tôi”, thì những điều có thể đại diện cho “tôi”, trong số các uẩn của mình, và xuất hiện trong ý nghĩ của mình, có thể là một hình thức của hiện tượng vật lý, chẳng hạn như hình ảnh của khuôn mặt mình trong tâm thức nhìn ra sao. Nó có thể là một vài cảm giác thể chất mà mình đang cảm thấy trong bụng, như là “Tôi thấy đói”. Nó có thể là âm thanh của giọng nói dường như đang phát ra trong đầu mình, hay thậm chí chỉ là âm thanh của chữ “tôi” ở trong đầu. “Tôi” cũng có thể dựa vào tâm trạng của mình, như khi chúng ta nghĩ, 'Tôi thấy vui”, hay “Tôi không vui”, hay cảm xúc buồn bã như “Tôi đang bực bội”. Tất cả những yếu tố khác nhau có thể xuất hiện, khi ta nghĩ “tôi” là những thành phần trong ngũ uẩn của mình. Bất cứ uẩn nào cũng có thể xuất hiện, đại diện cho “tôi”, khi mình nghĩ “tôi”, vì “tôi” là một sự quy gán trên nền tảng của tất cả các uẩn này.

Chữ “quy gán” nói về điều gì không thể tồn tại mà không có một nền tảng, và không thể được tri giác, nếu như nền tảng của nó không xuất hiện, và được tri giác đồng thời với nó. Những thứ như vậy không phải là “các pháp được quy gán”, vì không có ai phải quy gán chúng, để chúng tồn tại. Nếu muốn có một thuật ngữ tốt hơn, hãy  gọi chúng là “các pháp quy gán”. Chúng là những pháp khách quan. Ví dụ đơn giản nhất về điều gì là một sự quy gán trên một nền tảng là một tổng thể và các thành phần của nó. Toàn bộ cơ thể là một sự quy gán trên các bộ phận của thân thể, và không thể tồn tại hay được tri giác một cách độc lập với ít nhất một vài bộ phận của nó, như là “nền tảng của sự định danh”, cũng xuất hiện, và đồng thời được tri giác với nó. Một ví dụ khác là sự chuyển động và một vật liên tục ở những vị trí khác nhau trong một khoảng thời gian.

Tương tự như vậy, một người, một bản ngã, một cái “tôi', là một sự quy gán trên các uẩn, là nền tảng của sự định danh của nó. Không có ai phải quy gán nó cả. Việc tôi là một người, dựa trên nền tảng của một thân thể, tâm thức, cảm giác và cảm xúc, là một thực tế khách quan. Khi ai nhìn thấy cơ thể của tôi, thì họ đang nhìn thấy tôi.

Tương tự như vậy, phạm trù “tôi” là một sự quy gán về những khoảnh khắc riêng biệt của “tôi”, đó là nền tảng của nó, và đại diện cho nó, giống như những khoảnh khắc riêng biệt của “tôi” là sự quy gán về những khoảnh khắc riêng biệt của thân thể, ý nghĩ hay cảm giác của mình, là nền tảng của nó, đại diện cho nó. Nhưng một người, “tôi” có thể được nhìn thấy hay nghĩ đến, trong khi phạm trù “tôi” chỉ có thể được nghĩ đến. Để làm nổi bật sự khác biệt đó, tôi sẽ gọi mối quan hệ giữa một phạm trù và một khoảnh khắc riêng lẻ thuộc về nó là “định danh trên tinh thần', trong khi tôi sẽ gọi mối quan hệ giữa bản ngã và các uẩn một cách đơn giản là “quy gán”.

Hãy bỏ một chút thời gian để nghĩ về điều này. Tôi biết nó phức tạp, nhưng nó có lý hay không? Tôi không phải là một điều hư cấu trong trí tưởng tượng của mình. Tôi tồn tại một cách khách quan, và có thể được biết đến. Tuy nhiên, trong bất cứ ý nghĩ nào mà tôi có thể có về “mình”, thì luôn luôn có cái gì xuất hiện, đại diện cho “tôi” vào lúc đó. Khoảnh khắc riêng lẻ này về “tôi” phù hợp với phạm trù “tôi”. Không cần biết điều gì sẽ xuất hiện như nền tảng của sự định danh cho “tôi”, tôi sẽ nghĩ về nó qua phạm trù “tôi”, đó là điều mà tôi sẽ đặt khoảnh khắc này của “tôi” vào trong đó.

[Thiền]

Suy Xét Đúng Và Sai Về “Tôi”

Mỗi lần mình nghĩ về “tôi”, về việc đặt tên cho điều gì, từ ngũ uẩn của mình, thì ta sẽ xem xét cái “tôi” theo một cách nào đó, đúng không? Thật ra thì có hai mức độ, về cách mình xem xét bản thân, và mỗi một mức độ có thể chính xác hoặc không chính xác, đúng hay sai. Ở mức độ bề ngoài hay thiển cận, thì ta có thể nghĩ về bản thân về mặt chi tiết cơ bản, “chân lý quy ước hay thiển cận” về bản thân mình, như tên của mình, hay trọng lượng của mình. Khi nghĩ về bản thân mình, “tôi”, về tên của mình, thì điều đó thường đúng. Tuy nhiên, nếu như nghĩ về “tôi”, về mặt trọng lượng của mình, thì điều đó có thể không chính xác.

Ở mức độ tối hậu, chúng ta có thể cân nhắc đúng hay sai về cách mà “tôi” tồn tại - cái gọi là “chân lý tối hậu” về mình. Một ví dụ rất đơn giản là lấy nền tảng của sự định danh của “tôi”, người là trung tâm vũ trụ, người quan trọng nhất, là người mà mọi người nên chú ý đến, vì món ăn sáng của mình, hay những gì mình nghĩ thì rất quan trọng, và tất cả mọi người trên thế giới nên biết điều đó qua Facebook, Instagram và Twitter. Khi nghĩ về bản thân mình, “tôi”, về một nền tảng như vậy, và xem là nó tương ứng với cách mình thật sự tồn tại, thì đây là một mức độ sâu sắc hơn, của sự cân nhắc sai lầm.

Ngược lại, chúng ta có thể xem nền tảng của sự định danh của “tôi” như một người chỉ là một trong bảy tỷ người. Trên cơ sở đó, ta có thể xem bản thân mình không tốt hơn hay không tồi tệ hơn bất cứ ai khác. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, theo cách là tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, và không muốn khổ, và tất cả chúng ta đều tương quan với nhau. Đây là sự cân nhắc đúng đắn, vì nó tương ứng với cách chúng ta thật sự tồn tại.

Trong đạo Phật, có các thuật ngữ “cái 'tôi' quy ước”, và “'cái tôi' bất khả”,  hay “'cái tôi' giả mạo”, hoặc “'cái tôi' phải được bác bỏ”. Cái “tôi” quy ước tương ứng với thực tại, nếu chúng ta có thể sử dụng chữ “thực tại” một cách rất lỏng lẻo. Cái “tôi” bất khả thì không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Cách chúng ta xem xét chân lý thiển cận, quy ước về cái “tôi” quy ước – danh tánh hay trọng lượng của mình - có thể đúng hay sai. Cách mình xem xét chân lý tối hậu về cái “tôi” quy ước được xem xét một cách chính xác hay không chính xác - cách mà chúng ta tồn tại như là trung tâm vũ trụ, hay chỉ là một trong bảy tỷ người - cũng có thể đúng hay sai.

Cái “tôi” quy ước được xem là có trọng lượng sai, thì không tương ứng với chân lý thiển cận, quy ước về nó. Tuy nhiên, thuật ngữ “'cái tôi' bất khả” thường được dành cho cái “tôi” quy ước, được xem là một cách hiện hữu bất khả trong chân lý tối hậu, dù trọng lượng của nó có được xem là đúng hay không.

Điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt này giữa cái “tôi” quy ước có tồn tại, và cái “tôi” giả dối, không phù hợp với bất cứ điều gì chân thật. Ngay cả khi lấy cái “tôi” bất khả làm nền tảng của sự định danh, là những điều như cân nặng, tuổi tác, cảm giác hay ý kiến đúng của mình, thì cái “tôi” giả dối đó vẫn không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật. Để đơn giản hóa bàn luận của mình, thì hãy sử dụng thuật ngữ “'cái tôi' quy ước”, để nói về “tôi”, được xem xét một cách đúng đắn trong chân lý tối hậu, dù cho nó có được xem xét một cách chính xác hay không chính xác trong chân lý thiển cận, quy ước hay không.

Ôn Lại Những Điểm Dẫn Nhập

Để ôn lại những điều chúng ta đã đề cập đến, bất cứ khi nào mình nghĩ về “tôi”, trong mọi trường hợp, “tôi” là một sự định danh về điều gì đại diện cho “tôi”. Chúng ta đang nghĩ về điều đó bằng phạm trù “tôi”, và có sự cân nhắc đúng hay sai về cả hai chân lý, chân lý quy ước về bản thân mình, và chân lý tối hậu về cách mình tồn tại.

  • Với việc cân nhắc một cách đúng đắn về chân lý tối hậu, chúng ta đang nghĩ về cái “tôi” quy ước.
  • Với việc cân nhắc một cách sai lầm về chân lý tối hậu, chúng ta đang nghĩ về cái “tôi” giả dối, cái “tôi” mà thật ra không hề tồn tại.

Dù sao đi nữa, dù đó là cái “tôi” quy ước, hay cái “tôi” giả dối, thì cả hai đều là những sự quy gán về điều gì từ các uẩn của mình, đại diện cho “tôi”.

Ý Thức Lành Mạnh Về Bản Ngã, Và Ý Thức Bị Thổi Phồng Về Bản Ngã

Ở phương Tây, chúng ta nói về ý thức lành mạnh về bản ngã, và ý thức bị thổi phồng về bản ngã. Với ý thức lành mạnh về bản thân, chúng ta sẽ nghĩ về bản thân mình, về cái “tôi” tồn tại theo quy ước. Với ý thức không lành mạnh hay bị thổi phồng về bản thân, thì ta sẽ nghĩ về bản thân như cái “tôi” giả dối này, một người không tương ứng với thực tại. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ bàn luận về cách tu tập Lam-rim, sẽ giúp cho mình phát triển ý thức lành mạnh về “tôi”, và đoạn trừ việc đồng hóa mình với một cái “tôi” bị thổi phồng.

Với ý thức lành mạnh về một cái “tôi” quy ước, ta sẽ nghĩ rằng bản thân mình không có gì đặc biệt. Chúng ta hiểu rằng mình là một trong bảy tỷ người, và tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Cũng giống như người khác, chúng ta không muốn đau khổ, nên phải có trách nhiệm với đời sống của mình, và những gì mình trải nghiệm. Nhận thức này phát xuất từ ý thức lành mạnh về cái “tôi”. Tuy nhiên, nếu như nghĩ về bản thân như một cái “tôi” với ý thức sai lầm, được thổi phồng, thì ta sẽ cảm thấy mình là người quan trọng nhất, và mọi việc nên luôn luôn xảy ra theo ý của mình, v.v... Ta sẽ đồng hóa mình với cái “tôi” giả dối ấy, và xem bản thân mình là loại “tôi” đó. Đó là ý thức về cái “tôi” được thổi phồng.

Hơn nữa, vì bản ngã được thổi phồng, giả dối này không tương ứng với thực tại, nên nó không bao giờ hài lòng. Việc mọi thứ phải luôn luôn xảy ra theo ý của mình, hay tất cả mọi người phải xem mình là người đặc biệt nhất, là điều bất khả. Điều đó không thể xảy ra, đúng không? Cách suy nghĩ như vậy sẽ đưa đến điều gì? Nó sẽ tạo ra thất vọng, đau khổ và bất hạnh. Mặt khác, nếu như nghĩ rằng mình chỉ là một trong bảy tỷ người, và biết rằng để có một đời sống hạnh phúc, thực tế, thì chúng ta phải hòa hợp với nhau, và quan tâm đến người khác, thì niềm tin này sẽ tạo ra đời sống hạnh phúc hơn, phải không? Nó thực tế hơn. Cách tiếp cận này sẽ phản ảnh cái “tôi” tồn tại theo quy ước, có ý thức lành mạnh về bản thân.

Hãy quán chiếu về điều này, bởi vì việc hiểu được sự khác biệt này, giữa cái “tôi” tồn tại theo quy ước, là điều thật sự tồn tại, và cái “tôi” giả dối, được thổi phồng, thì không hề tồn tại.

[Thiền]

Bản Ngã Bất Diệt

Như tôi đã đề cập, chủ đề của hội thảo này là sự phát triển lành mạnh của bản ngã, qua Lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Dù có thể có cái mà tôi gọi là Pháp Lam-rim Nhẹ Nhàng (Dharma-Lite Lam-rim), xem xét đường tu tuần tự này chỉ trong kiếp này thôi, nhưng việc tu tập Lam-rim một cách đầy đủ là cái mà tôi gọi là “Pháp Lam-rim Thực Thụ” (“Real Thing Lam-rim”). Pháp Thực Thụ giả định rằng mỗi một người chúng ta đã có những kiếp trước từ vô thỉ, và sẽ tiếp tục trải qua những kiếp sau vô chung.

Niềm tin này có ngụ ý gì? Nó cho thấy rằng bản thân, “tôi” thì bất diệt, vô thỉ và vô chung. Ngay cả khi trở thành một vị Phật, thì ta vẫn sẽ là “tôi”. Hiện nay, nếu như bất cứ điều nào trong những điều này phù hợp với mình, thì phải quán sát xem ta có tin mình bất diệt hay không? Chúng ta có bất diệt không? Hãy nghĩ về nó. Thật ra đây là một câu hỏi rất thú vị. Trên thực tế, nó thường trở thành vấn đề là ta không muốn nghĩ về việc mình không bất diệt.

Nếu chúng ta là những người có đức tin vào cái được xem là tôn giáo Abraham, như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo hay Hồi giáo, thì sẽ có xu hướng tin rằng mình có nguồn gốc vô thỉ, bởi vì trước khi Thượng đế tạo ra mình, thì ta đã là một phần của Thượng đế, mà Thượng đế thì bất diệt. Linh hồn của chúng ta, hay “tôi”, thì sẽ tiếp tục một cách bất diệt, sau khi mình được thụ thai và sinh ra. Tùy theo mình theo đạo nào trong tôn giáo Abraham, mà ta sẽ tin tưởng theo cách này hay cách khác, rằng sau kiếp này, và có thể là trong một hiện hữu trung gian ở luyện ngục, ta sẽ đi đến một thế giới bên kia vĩnh cửu, dù ở thiên đàng hay địa ngục. Đây thường là sự hiểu biết về một bản ngã bất diệt trong các tôn giáo Trung Đông này.

Tuy nhiên, nếu như là người không có tín ngưỡng thì sao? Tôi nghĩ có một truyền thống của điều này ở Latvia. Có thể nó không phải là một truyền thống lâu đời, nhưng ít nhất là một truyền thống được thiết lập một cách tốt đẹp từ thế kỷ trước. Vậy thì ta sẽ tin vào điều gì, nếu như không chấp nhận sự sáng tạo của Thượng đế, sự cứu rỗi vĩnh cửu trên thiên đàng, hay sự nguyền rủa đời đời trong địa ngục? Chúng ta sẽ nghĩ gì? Nếu bạn là người không có tín ngưỡng, thì hãy xem xét câu hỏi này. Bạn nghĩ mình đến từ đâu, trước khi mình được thụ thai, và bạn nghĩ mình sẽ đi đâu, sau khi chết? Hầu hết những người không có tín ngưỡng đều đưa ra câu trả lời: không có gì cả. Chúng ta đến từ hư không, và trở về hư không. Điều đó có đúng không?

Chúng ta có thể nói rằng khi mình chết, thì sẽ đi vào ngôi mộ, và ở đó mãi mãi. Cơ thể của chúng ta nằm trong mộ, nhưng có phải “mình” ở trong mộ hay không? Khi nghĩ rằng: “Tôi ở trong mộ, và tôi chết rồi”, thì “tôi chết rồi” ngụ ý rằng vẫn còn có “tôi”, đúng không? “Tôi” ở trong giai đoạn nào? Giai đoạn đó là giai đoạn chết. Khi chúng ta phân tích câu “Tôi chết rồi” một cách hợp lý, thì nó sử dụng thì hiện tại, phải không? Đó là số phận thật khủng khiếp. Điều đó có nghĩa là gì? Có cái “tôi” này vẫn còn tồn tại trong Hư Không Rộng Lớn không?

Ngoài ra, có phải chúng ta đã chết chỉ trong một thời gian ngắn? Không. Chúng ta sẽ chết mãi mãi, hay vĩnh viễn. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng nói một cách hợp lý, thì chúng ta có thể rút ra kết luận rằng ngay cả khi là người không có tín ngưỡng, thì ta vẫn tin rằng có một bản ngã thường hằng. Hãy nghĩ về điều đó. Nó có lý không? Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng đó là kết luận hợp lý duy nhất.

[Thiền]

Thật đáng sợ, khi chúng ta sẽ không là gì cả, đúng không? Tuy nhiên, làm sao có thể đáng sợ, nếu chúng ta thật sự không là gì cả, tồn tại như không có gì cả, là một thành phần của không là gì cả? Tất nhiên, nỗi sợ hãi có thể là vì mình không biết chắc lắm. Có lẽ là mọi người đều nói nó không là gì cả; chúng ta được dạy là nó không là gì cả, nhưng thật sự thì chúng ta không biết. Ngay cả khi nó là như vậy, và chúng ta theo thuyết bất khả tri, hay không chắc chắn, nó vẫn ngụ ý rằng có thể có một cái gì đó sau đó, và nó sẽ kéo dài mãi mãi. Việc qua đời không chỉ trong một tháng, rồi sẽ chấm dứt.

Vì vậy, dù có muốn thừa nhận hay không, thì thật ra, chúng ta vẫn tin vào một bản ngã bất diệt. Tuy vậy, dĩ nhiên là cách ta xem xét các giai đoạn khác nhau về sự tồn tại của mình trong suốt thời gian vĩnh cửu sẽ khác nhau, tất cả phụ thuộc vào khuôn khổ khái niệm của mình về cái chết. Nếu như thật sự khảo sát một cách hợp lý tất cả các khả năng khác nhau, thì cuối cùng, mọi người sẽ nghĩ theo một vài khía cạnh về một bản ngã bất diệt.

Trong nhà Phật, tái sinh vô thỉ chỉ là một biến thể trong chủ đề về một bản ngã bất diệt, mà kiếp này chỉ là một đoạn thôi. Hầu hết chúng ta đều không nhớ về “mình” trong một kiếp trước, hay bất cứ kiếp trước nào, và cũng không biết về “mình” trong những kiếp sau, nhưng điều này không đáng ngạc nhiên. Khi chúng ta ở trong bụng mẹ, khi còn là một bào thai, thì đó có phải là “tôi” không? Đúng. Nhưng chúng ta có nhớ nó không? Không. Vậy thì khi chúng ta rất già nua, liệu nó có còn là “tôi” không? Nó chưa xảy ra, nhưng nó vẫn sẽ là “tôi”. Nó không phải là người khác. Chỉ vì chúng ta không nhớ những kiếp trước, và không biết về “tôi” trong những kiếp trước, không có nghĩa là mình chối bỏ sự tồn tại của những kiếp quá khứ và vị lai.

Kiếp Người Quý Báu

Tôi hy vọng các bạn thấy tất cả những điều này đang dẫn đến đâu. Chúng ta đang nhắm vào việc bàn luận về kiếp người quý giá, đó là cách mà Lam-rim bắt đầu. Đề tài này liên quan đến bất cứ người nào, bất kể chúng ta nghĩ về sự khẳng định của đạo Phật về tái sinh, hay về một tôn giáo Abraham, hay thậm chí là người không có tín ngưỡng. Xét về “cái tôi” bất diệt, thì đây là một đoạn đặc biệt, kiếp người quý báu mà chúng ta đang có hiện nay.

Tại sao điều quan trọng là có thể nghĩ về một cái “tôi” bất diệt, để xem trọng lợi ích đầy đủ của bài thiền quán về kiếp người quý báu? Nếu chỉ nghĩ về một mình kiếp này thôi, mà không nghiêm túc xem xét những kiếp quá khứ hay vị lai, thì với Pháp Nhẹ Nhàng, chúng ta sẽ tận dụng đời sống này, vì cái chết là một thực tại. Cuộc sống sẽ không kéo dài mãi mãi, nên chúng ta sẽ có một bài thiền quán hoàn toàn ích lợi về kiếp người quý báu, thuộc về phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng.

Có một cách tiếp cận Pháp Nhẹ Nhàng hợp lệ và cực kỳ hữu ích khác, mà thay vì nghĩ về tính vĩnh cửu, thì chúng ta lại nghĩ về con cháu của mình sẽ tiếp nối trong tương lai. Ngay cả khi không có con cái, thì có thể nghĩ về di sản của mình, điều sẽ tiếp nối trong tương lai, mà chúng ta hy vọng sẽ tồn tại. Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nghĩ về việc muốn sử dụng kiếp người quý báu này một cách tốt đẹp, để không phải để lại những điều rắc rối cho con cái, học sinh, nhân viên và những thế hệ tương lai, là những người sẽ thừa hưởng môi trường của mình. Chúng ta có thể nghĩ theo cách này, rằng ta sẽ tận dụng kiếp người quý báu trong hiện tại một cách tốt đẹp, để đảm bảo mình sẽ để lại một di sản tốt.

Tuy nhiên, nếu như nghĩ về kiếp này như một đoạn của dòng tương tục vĩnh cửu to lớn hơn nhiều, ngay cả khi mình không biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp, thì việc mình sử dụng kiếp này sẽ trở nên cấp bách hơn nhiều, vì thật ra, sẽ có điều gì sau đó. Đối với hầu hết chúng ta, trừ khi mình rất phát triển về mặt tâm linh, còn không thì những điều mà bản thân mình sẽ trải nghiệm trong tương lai sẽ cấp bách hơn nhiều, so với những điều mà người khác sẽ trải qua. Hãy nghĩ về điều đó. Ví dụ như, hãy so sánh, nếu như mình sẽ để lại những rắc rối, khi biết rằng người khác sẽ phải giải quyết nó, với cách mà ta xem những rắc rối mà chính bản thân mình sẽ phải giải quyết. Điều nào sẽ tạo ra sự cấp bách hơn, để không tạo ra những rắc rối như vậy? Điều đó đúng, vì chúng ta sẽ cảm thấy khẩn cấp hơn, để không tạo ra rắc rối, nếu như mình phải đối phó với nó ngay bây giờ, hơn là nếu như ta có thể để nó cho người khác giải quyết vấn đề trong tương lai.

Giống như vậy, khi xem xét việc phải trải qua hậu quả từ hành vi của mình, thì   những điều ta quyết định sẽ làm với kiếp người quý báu này sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, so với việc người khác phải trải nghiệm hậu quả từ hành vi của mình. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Đó là một ý thức lành mạnh về “tôi”, để hiểu rằng ta phải chịu trách nhiệm về những điều mình làm, và những gì chúng ta nhận xét về đời sống của mình, bởi vì ta là người sẽ phải trải nghiệm kết quả từ những hành vi của mình. Đây là một thái độ khá lành mạnh. Tuy nhiên, một cách tiếp cận trưởng thành hơn, mở rộng hơn là hiểu rằng ngoài ta ra, thì người khác cũng sẽ phải trải qua những hậu quả. Vậy thì trên thực tế, cả ta và người khác đều phải gánh lấy hậu quả. Nếu chỉ nghĩ rằng mình không phải trải nghiệm bất cứ điều gì, mà chỉ có người khác mới phải trải nghiệm điều đó, thì không hoàn toàn thích hợp về mặt tâm lý, 

Trong bất cứ trường hợp nào, khi xem trọng kiếp người quý báu mà chúng ta đang hiện có, thì phải xem xét tầm quan trọng của việc nghĩ về một cái “tôi” bất diệt, không cần biết mình nhận thức về sự bất diệt như thế nào.

Cách Tiến Tu Qua Các Giai Đoạn Trong Lam-Rim

Ngoài Pháp Nhẹ Nhàng ra, còn có hai cách, hai mức độ để tiến tu qua các giai đoạn của Pháp Lam-rim Thực Thụ, giai đoạn khẳng định một cái “tôi” bất diệt. Hai giai đoạn này phụ thuộc vào việc mình có chấp nhận và tin rằng lời giải thích của đạo Phật về tái sinh là đúng hay không. Nếu không phải là Phật tử, thì chúng ta có thể nghiên cứu và thực hành Lam-rim như những điều mà Đức Dalai Lama gọi là “khoa học Phật giáo” và “triết học Phật giáo”. Hầu hết những người Tây phương không khởi sự tu tập Lam-rim như một Phật tử, đúng không? Chúng ta bắt đầu như một người bình thường, với bất cứ niềm tin nào trong quá khứ mà mình đã tin tưởng. Tuy nhiên, ngay cả ở điểm khởi đầu này, nếu như thật sự khảo sát và phân tích, thì ta sẽ thấy rằng mình thật sự tin vào một bản ngã bất diệt. Tôi nghĩ rằng một chút tin tưởng vào một bản ngã bất diệt là tiêu chuẩn chính để tu tập Pháp Thực Thụ. Khi tiến tu qua các giai đoạn của Pháp Thực Thụ như một người ngoại đạo, chúng ta sẽ thấy giá trị và sự chính xác của tri kiến nhà Phật về thực tại, rồi cuối cùng, sẽ chấp nhận đường tu nhà Phật, và tu tập nó như một Phật tử.

Đối với câu hỏi về việc mình phải phát triển tri kiến của nhà Phật về thực tại, tri kiến về Không tướng, hay tánh Không ở thời điểm nào, để trở thành Phật tử, thì điều này có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trên đường tu tuần tự đến giác ngộ. Chúng ta có thể đưa nó vào lúc quy y, hay cái mà tôi gọi là “phương hướng an toàn”. Để pháp quy y của mình được ổn định, thì phải hiểu Tứ diệu đế, để có được bất cứ niềm tự tin nào về những điều Đức Phật đã thành tựu và giảng dạy. Và nếu muốn thật sự lãnh hội Tứ diệu đế, thì phải hiểu ý nghĩa của tánh Không, thực tại, và chân đạo. Do đó, chánh kiến về thực tại có thể xuất hiện ở giai đoạn này, hay có thể phát triển ở phạm vi trung căn, hay thượng căn. Đối với mọi người thì việc này sẽ khác nhau.

Ở phạm vi sơ căn, khi tu tập Lam-rim Thực Thụ, khởi đầu như một người ngoại đạo, thì ta chỉ đoán chừng rằng Tứ diệu đế là đúng. Tuy nhiên, ta không biết chắc nó đúng hay không. Chúng ta không biết được, dựa vào lý lẽ và suy luận, đừng nói gì đến kinh nghiệm. Chúng ta chỉ đoán chừng đó là sự thật. Chỉ ở phạm vi trung căn và thượng căn, thì mình mới đi vào bàn luận về tánh Không. Đây là khi mà sự thay đổi hướng về chánh kiến về thực tại sẽ phát triển theo truyền thống, và chúng ta sẽ có được niềm tin về Tứ diệu đế. Một khi đã đến phạm vi thượng căn, thì động lực của mình sẽ thay đổi. Với động lực Đại thừa, chúng ta sẽ nhắm vào thành tựu giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Cách thứ hai để tu tập Lam-rim Thực Thụ là tu tập như một Phật tử Đại thừa. Có lẽ chúng ta đã trải qua việc tu tập Lam-rim như một người không có tín ngưỡng, hay một người hoài nghi, và bây giờ, với sự hiểu biết đúng đắn, sơ khởi về tánh Không và động lực Đại thừa, ta sẽ quay lại từ đầu, và tu tập các giai đoạn một lần nữa, nhưng lần này thì như một Phật tử Đại thừa. Điều này rất, rất là quan trọng. Chúng ta sẽ tu tập toàn bộ quy trình của các giai đoạn của đường tu lần thứ hai, nhưng bây giờ, dựa trên cơ sở như một Phật tử Đại thừa, có động lực bồ đề tâm, vì chúng ta đang hướng về giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, và tin rằng đó là điều khả thi. Nếu muốn thành tựu giác ngộ, thì phải tận dụng kiếp người quý báu này một cách tốt đẹp nhất, bởi vì mình hiểu một cách sâu sắc rằng đời sống này sẽ không kéo dài rất lâu, v.v...

Đây là hai cách khác nhau mà chúng ta có thể tu tập Pháp Lam-rim Thực Thụ. Vào lúc đầu thì như một người ngoại đạo, hay lần thứ hai như Phật tử Đại thừa, với niềm tin vững vàng. Trong cả hai trường hợp, điều giúp cho mình tu học Pháp Thực Thụ là nghĩ về một bản ngã bất diệt. Ngược lại, chúng ta có Pháp Nhẹ Nhàng mà trong đó, mình sẽ tu tập tất cả các giai đoạn của Lam-rim trong khuôn khổ và mối quan tâm về việc cải thiện chỉ kiếp này thôi. Như tôi đã nói, chủ ý này có thể rất ích lợi, nhưng có một số vấn đề, đặc biệt là trong việc bàn luận về nghiệp, khi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không gánh lấy quả của hầu hết các hành vi của bản thân trong kiếp này. Điều này có thể khiến cho sự hiểu biết của mình về đạo đức và nghiệp trong nhà Phật không ổn định.

Nếu tóm tắt tất cả những giai đoạn được đề cập đến, thì chúng ta có:

  • Pháp Nhẹ Nhàng
  • Pháp Thực Thụ, khởi đầu như một người ngoại đạo, không vững tin, hay thậm chí không hiểu giáo lý nhà Phật về thực tại, tức tánh Không.
  • Pháp Thực Thụ, trên cơ sở đã tu tập đường tu nhà Phật, trở thành Phật tử, dựa vào một chút hiểu biết về tánh Không và Tứ diệu đế, và bây giờ, với động lực Đại thừa, quay trở lại, và làm cho nó mạnh mẽ hơn.

Nhìn chung, đây chỉ là một sự giới thiệu. Chúng ta sẽ tiếp tục bàn luận về sự phát triển lành mạnh của bản ngã, nhờ Pháp Lam-rim Thực Thụ, khởi đầu từ giai đoạn sơ căn, chưa thật sự chấp nhận tri kiến nhà Phật. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bắt đầu như người bình thường, sau khi đã khảo sát một cách sâu sắc, hiểu rằng mình tồn tại như một bản ngã bất diệt theo cách này hay cách khác, ngay cả khi về mặt Hư Không To Lớn, như là “Bây giờ thì tôi chết rồi.”.

Trước khi mở rộng điều này, để nêu ra thắc mắc hay nhận xét, có lẽ chúng ta chỉ có thể quán chiếu về cách mình tiếp cận Lam-rim trong việc học hỏi trước đây. Có phải mình đã tu tập đường tu tuần tự đến giác ngộ ở một độ sâu nào đó, hay chỉ làm như vậy một cách thiển cận thôi? Chúng ta đã có được lợi lạc gì từ việc này?

[Thiền]

Câu Hỏi

Cảm Nhận Nỗi Khổ Bằng Cái “Tôi” Quy Ước, Hay Bị Thổi Phồng

Ông đã nói về cái “tôi” quy ước và cái “tôi” bị thổi phồng. Làm sao để hiểu về bệnh tật của cơ thể theo cách phân chia này, giữa cái “tôi” quy ước và cái “tôi” bị thổi phồng? Điều đó ăn khớp ở chỗ nào, nếu chúng ta nói rằng nỗi khổ và vấn đề của mình bắt nguồn từ việc nghĩ về một cái “tôi” được thổi phồng?

Trước tiên, ai là người trải qua những nỗi khổ về thể xác, vì bệnh tật? Đó là cái “tôi” quy ước, không phải là cái “tôi” giả dối, không hề tồn tại. Vì vậy, cái “tôi” giả dối không thể trải nghiệm bất cứ điều gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể trải qua bệnh tật và nỗi khổ vì bệnh tật, trong khi xem bản thân mình tồn tại một cách sai lầm như một cái “tôi” giả dối, như là “Tội nghiệp cho mình quá. Tôi là một nạn nhân, và không ai trải qua mọi việc một cách tệ hại như mình. Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?". Khi nghĩ như vậy, thì ta sẽ có rất khổ não về mặt tinh thần, bên cạnh bệnh tật.

Thật ra đây là một vấn đề khá phức tạp, và tuy một số người có thể đưa ra những câu trả lời rất ngắn gọn một cách rất khéo léo, nhưng tôi không khéo léo về vấn đề này, nên sẽ phân tích một cách chi tiết hơn.

Như tôi đã giải thích, cái “tôi” quy ước trải qua nỗi khổ vì bệnh tật, còn cái “tôi” giả dối thì không. Đó là điều rõ rệt. Tiếp theo, chúng ta có thể nói rằng bệnh tật là kết quả của nghiệp. Chúng ta đã làm điều gì trong một tiền kiếp, chẳng hạn như rút ngắn thọ mạng của người khác và kết quả là thọ mạng của mình cũng ngắn ngủi, hay sẽ bị bệnh, vân vân. Chúng ta đã hành động vì vô minh, không nhận thức được cách mình thật sự tồn tại. Vì nghĩ như vậy, nên ta sẽ dễ nghĩ về bản thân như một cái “tôi” giả dối. Kết quả là lời giải thích và hiểu biết của mình sẽ quá đơn giản.

Tuy nhiên, hãy khảo sát kỹ càng hơn. Trong khai thị của Tông Khách Ba về các đối tượng mà hành giả sẽ tập trung vào, để phát triển định tâm, trạng thái định tĩnh, ngài nói rằng việc chú tâm vào hơi thở sẽ ích lợi cho những người có nhiều ý nghĩ trong đầu, nhưng đối với những người vô minh về thực tại, thì ngài khuyên nên chú trọng vào tánh duyên khởi của các uẩn.

Làm sao để làm việc này, đối với bệnh tật của mình? Nó không quá dễ dàng như vậy, nhưng điều mà ta đang chú trọng vào, trong một căn bệnh về mặt thể chất là tình huống mà mình đang trải qua. Nó đã sinh khởi từ nhân duyên. Nói một cách cụ thể thì kinh nghiệm của mình đã phát sinh như kết quả của một tập khí. Đó là điều được xem như “chánh nhân”, điều mà từ đó, chúng ta phải trải qua bệnh tật. Ngoài ra, còn có tất cả những trợ duyên, là lý do bệnh sẽ trổ vào thời điểm này. Nếu không có trợ duyên thích hợp, thì bệnh sẽ không trổ ngay bây giờ. Có thể nó đã trổ vì thời tiết, vì một hoạt động, dinh dưỡng, thói quen tập thể dục, bệnh dịch hiện thời, hay từ những người mà mình tiếp xúc, v.v... Có thể liệt kê tất cả những trợ duyên góp phần vào lý do tại sao hiện giờ, mình đang bị bệnh.

Ngoài ra, còn có tất cả những tác nhân khác nhau, liên quan đến phản ứng về cảm xúc của mình, về mặt toàn bộ bối cảnh tâm lý của chúng ta - tất cả mọi thứ đã ảnh hưởng đến nó, như gia đình và giáo dục, v.v... Tất cả những yếu tố này sẽ giải thích tại sao có một sự thương hại bản thân, và tất cả những cảm xúc đi kèm với bệnh tật của mình. Mỗi một khía cạnh này đều phát sinh từ một loại tập khí khác nhau. Tình huống mà chúng ta đang trải qua thì không tồn tại trong chân không.

Hơn nữa, cũng có một vài hoàn cảnh nào đó, như phương tiện y tế, hay việc mình có bạn bè và gia đình hỗ trợ hay không, để chăm sóc cho chúng ta, hay mình hoàn toàn cô đơn. Có rất nhiều yếu tố khác góp phần vào hoàn cảnh, và phản ứng về mặt cảm xúc của mình đối với việc này.

Về nguyên nhân, hành vi hay những hành động trước đó, cũng được tạo tác vì hàng loạt trợ duyên và hoàn cảnh. Đây cũng là một phần của mạng lưới duyên khởi rộng lớn. Để thành tựu định tâm, với duyên khởi như đối tượng của mình, Tông Khách Ba nói rằng nên nhất tâm chú trọng vào tình huống, với sự hiểu biết về nó như một pháp duyên sinh, nói một cách cụ thể, thì nó là điều gì phát sinh từ một phức hệ lớn lao của các nhân duyên. Cách chú trọng vào những yếu tố này cũng đi kèm với sự hiểu biết rằng không có cái gì là một cái “tôi” tồn tại một cách chân thật, cái “tôi” giả dối, là:

  • Kẻ tội lỗi, mà hành vi của họ là nguyên nhân duy nhất tạo ra điều này, vì đã tạo ra những điều bất thiện trong một kiếp trước.
  • Nạn nhân tội nghiệp, người đang trải qua điều này như kết quả.
  • Người xứng đáng để gánh lấy điều này như một hình phạt.

Chúng ta sẽ chú tâm, với chánh kiến rằng tình huống này đã phát sinh, dựa vào một mạng lưới nhân duyên khổng lồ. Và chúng ta sẽ làm như vậy, mà không đi vào tất cả chi tiết. Đó là đối tượng của mình trong thiền định. Đây là một pháp thiền lỗi lạc, hoàn toàn lỗi lạc.

Bên cạnh thực tế đây là một pháp thiền tuyệt vời, tôi đã nói về nó, bởi vì khi học hỏi giáo pháp, chúng ta sẽ nói rằng căn nguyên của tất cả những vấn đề là vô minh về cách mình tồn tại, cách bản ngã tồn tại, cái “tôi”, cũng như cách người khác hiện hữu. Trong Thập nhị nhân duyên thì khoen đầu tiên, cội nguồn của mọi vấn đề, là tâm vô minh này. Chúng ta không thật sự biết, hay hiểu sai về cách mình tồn tại, và tất cả vấn đề đều bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết này.

Dù phân tích này đúng, nhưng ta cũng có thể hiểu lầm nó. Đâu là sự hiểu lầm? Điều này được dạy liên quan đến bốn tà kiến về diệu đế thứ hai, xét về mười sáu thuộc tính của Tứ diệu đế. Đâu là sự hiểu biết sai lầm về nguyên nhân chân thật tạo ra khổ? Đó là mọi nỗi khổ bắt nguồn từ một nguyên nhân. Có thể có một chánh nhân, một nguyên nhân cơ bản nhất, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Không phải chỉ vì “tôi” và “vô minh của tôi”, mà chúng tôi đang đau khổ.

Bạn có thấy rằng khi nghĩ như vậy, thì đó là cách gia tăng tầm quan trọng của bản ngã, và nguy cơ của cách suy nghĩ như vậy không? Nó không chỉ là vì “mình”, hay vì tôi ngu ngốc và không hiểu được, và đó là lý do mà tôi là nạn nhân đáng thương. Không phải là nếu như mình chỉ cần thức dậy và hiểu một cách đúng đắn, thì tất cả các vấn đề sẽ biến mất. Điều đó quá đơn giản. Đó là việc nghĩ rằng kết quả thật sự bắt nguồn từ một nguyên nhân mà thôi. Trên thực tế thì kết quả phát sinh từ một mạng lưới nhân duyên rộng lớn.

Tuy chúng ta đang đốt giai đoạn trong trình tự của Lam-rim, đây là một điểm quan trọng như vậy. Các bạn có thấy sự khác biệt giữa cái “tôi” lành mạnh và cái “tôi” bị thổi phồng, trong điểm cụ thể này hay không? Đâu là trách nhiệm của mình, đối với nỗi khổ mà ta phải gánh lấy? Một cái “tôi” bị thổi phồng là cái “tôi” to lớn, nghĩ rằng “tất cả đều là lỗi của tôi”. Đó là sự thổi phồng của cái “tôi” quy ước, thành cái “tôi” giả dối, khi ta nghĩ rằng mọi việc xảy ra là lỗi của mình, vì nghiệp xấu của mình. Chúng ta có thể bắt đầu khá lo sợ vì hoang tưởng, nghĩ rằng mình đã làm điều tồi tệ hay ngu ngốc này trong kiếp trước, và đó là lý do mà bây giờ, mình phải khổ.

Với ý thức lành mạnh về “tôi”, chúng ta sẽ hiểu rằng thông thường thì mình đã hành động như thế này hay thế khác, nên có những chủng tử nghiệp đưa đẩy mình đến kinh nghiệm này và kinh nghiệm kia. Tuy nhiên, có hàng tỷ nhân duyên liên quan trong đó. Ta sẽ không thổi phồng ý thức về “tôi”, nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm cho mọi thảm họa xảy ra trên thế giới, đặc biệt là mọi thảm họa xảy ra cho bản thân mình. Việc nghĩ rằng “Nó hoàn toàn là lỗi của tôi.”, là bị thổi phồng quá đáng.

Vậy thì điều rất khó khăn là tránh hai cực đoan:

  • “Nó hoàn toàn là lỗi của tôi” là một cực đoan, cực đoan của cái “tôi” được thổi phồng.
  • Một cực đoan khác là: “Tôi không có trách nhiệm gì cả. Tôi đang trải nghiệm điều này, và nó đang xảy ra vì những nguyên nhân bên ngoài. Tôi không có làm gì cả. Tôi hoàn toàn vô tội.”.

Đây là hai cực đoan, và ý thức lành mạnh về “tôi” và ý thức trách nhiệm lành mạnh là điều ở giữa. Những thông số của “vô tội” hay “tội lỗi” không phù hợp trong bối cảnh đạo Phật. Điều rất thú vị là làm thế nào để có được những quan niệm sai lầm, bằng cách áp đặt những điều trong văn hóa, bắt nguồn từ ý thức về pháp luật của mình, vào đạo Phật. Trong trường hợp này thì việc có tội hay vô tội đều không liên quan gì cả.

Tôi xin lỗi là đã tốn hết thời giờ cho một câu hỏi. Sẽ có thời gian cho nhiều câu hỏi hơn, trong những buổi thảo luận khác. Nhưng câu hỏi của bạn là một thắc mắc tốt, đưa đến những điểm rất quan trọng. Việc nhìn vào những vấn đề như bệnh tật, từ quan điểm trách nhiệm, đối với những gì mình trải qua, sẽ giúp ta bắt đầu hiểu sự khác biệt giữa ý thức lành mạnh về “tôi”, và ý thức thổi phồng về “tôi”.

Tâm Ái Ngã Và Căn Nguyên Của Vấn Đề, So Với Nguyên Nhân Tạo Ra Vấn Đề

Nếu cái “tôi” giả dối này là tâm ái ngã, liệu chúng ta cũng có thể nói rằng bản ngã tồn tại theo quy ước là tâm ái ngã không?  

Cái “tôi” giả dối không thật sự tồn tại. Vậy thì ai là người đang ái ngã? Nó không thể là cái “tôi” giả dối, vì cái “tôi” giả dối không tồn tại, nên đó là cái “tôi” quy ước.  Việc mình cảm nhận thế giới là một phần của tâm sở ái ngã, đi kèm theo những sát na kinh nghiệm của mình. Cộng thêm với điều gì khác đang diễn ra trong ngũ uẩn của mình, thì hợp thể của điều tạo nên kinh nghiệm của mình cũng bao gồm việc xem xét sai lầm về “tôi”. Chúng ta nghĩ về cái “tôi” quy ước tồn tại như cái “tôi” giả dối. Ví dụ là, “Tôi tốt nhất. Tôi là điều tuyệt vời nhất. Mọi việc nên luôn luôn xảy ra theo ý của tôi.”. Do đó, chúng ta chỉ nghĩ về “mình”, và những gì tôi sẽ có được, mà không nghĩ đến người khác.

Khi học hỏi về những tâm sở này, ta có thể nghĩ về chúng như những mảnh kiến thức thú vị. Tuy nhiên, nếu có thể bắt đầu phân tích kinh nghiệm của mình về mặt những hệ thống này, thì chúng thật sự chỉ cách, để mình giải quyết vấn đề. Chung quy, tất cả những điều Đức Phật dạy là nhằm tạo điều kiện để khắc phục vấn đề và nỗi khổ.

Ví dụ như người nào mua được tấm vé cuối cùng cho buổi hòa nhạc mà ta muốn đi xem, và ta cảm nhận nó với tâm ái ngã. Chuyện gì đang xảy ra? Cái “tôi” quy ước đang trải nghiệm tình huống này, nhưng vì mình đã sai lầm, khi xem cái “tôi” quy ước là cái “tôi” giả dối, với tâm ái ngã, chỉ nghĩ về bản thân, nên mới tức giận và nghĩ rằng: “Tội nghiệp cho mình quá”. Chúng ta không nghĩ đến việc người khác được đi xem buổi hòa nhạc thì tuyệt vời như thế nào.

Nếu có thể loại bỏ quan niệm sai lầm về “tôi”, thì sẽ không có tâm ái ngã này. Quan niệm sai lầm này về “tôi” là điều mà chúng ta thật sự phải sửa đổi. Mặt khác, nếu chỉ tu tập để tiêu diệt tâm ái ngã, nhưng lại không giải quyết được ý thức về cái “tôi” được thổi phồng, thì ta vẫn đang nghĩ về điều này, về mặt cái “tôi”, “tôi”, “tôi” này. Chúng ta vẫn nghĩ về việc trở thành kẻ tử vì đạo, gánh chịu mọi nỗi khổ. Có một cái “tôi” lớn được thổi phồng. Trong trường hợp này, chúng ta vẫn nghĩ về mình như một cái “tôi” giả dối, mà chưa đi đến căn nguyên của vấn đề.

Nguyên nhân của vấn đề mà ta gặp phải, khi người khác mua được tấm vé cuối cùng của buổi hòa nhạc, thật ra rất phức tạp. Nó gồm có nhiều thành phần, nhiều yếu tố, nhưng nói chung, thì quan niệm sai lầm về bản ngã là căn nguyên của nỗi khổ mà ta cảm nhận, khi điều đó xảy ra.

Bây giờ, có một sự khác biệt lớn giữa việc nói rằng “Đây là căn nguyên của vấn đề, và giống như với một cái cây, nếu muốn tiêu diệt nó, để nó không mọc trở lại, thì phải bứng rễ của nó lên”, và nói rằng “Rễ cây là nguyên nhân duy nhất đối với cái cây.”. Cây đã mọc nhờ nhiều điều kiện và hoàn cảnh như đất, mưa, thời tiết, vân vân.

Tương tự như vậy, có nhiều nhân duyên tại sao mình không mua được tấm vé cuối cùng ấy, và tại sao mình rất đau khổ, khi điều đó xảy ra. Chúng ta đã đến chỗ bán vé trễ, vì đủ mọi lý do như thời tiết, giao thông, một cú điện thoại, v.v... Chúng ta muốn đi xem buổi hòa nhạc đó, vì rất thích ban nhạc đó, bạn bè của mình đã có vé, và ta sẽ đi chơi với họ sau buổi hòa nhạc v.v... Việc không mua được vé và cảm thấy rất buồn rầu phụ thuộc vào tất cả những tác nhân này, không phải chỉ phụ thuộc vào chánh nhân, đó là quan niệm sai lầm về bản ngã. Nó thật sự là một pháp duyên sinh phức tạp.

Xin hãy nghiền ngẫm sự khác biệt giữa chánh nhân của một vấn đề, và quan niệm sai lầm rằng tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân, nên ta là người tội lỗi. Trên cơ bản thì tất cả đều quy về sự khác biệt giữa việc diệt trừ gốc rễ của vấn đề, và nghĩ rằng “Nó hoàn toàn là lỗi của tôi.”.

[Thiền] 

Liệu chúng ta có thể trải nghiệm kết quả của tình huống mà mình chưa hề tạo ra các nguyên nhân không?

Đó là quy luật thứ tư về nghiệp, rằng chúng ta sẽ không trải nghiệm kết quả, trừ khi mình đã tích tập các nguyên nhân. Nếu như nó là như vậy, để ta có thể trải nghiệm kết quả của những hành vi mà mình không hề thực hiện, thì đó sẽ là cực đoan của việc “Tôi hoàn toàn vô tội. Tôi không có làm điều gì cả, vậy thì tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Đó là đoạn kiến của việc mình là nạn nhân.

Hãy kết thúc buổi tối này ở đây, với lời hồi hướng. Hãy nghĩ rằng bất cứ sự hiểu biết nào, bất kỳ công đức nào mình đã tích tập từ buổi bàn luận này, nguyện cho nó có thể ngày càng trở nên sâu sắc hơn, và trở thành nhân để đóng góp cho tâm giác ngộ của tất cả chúng sinh, không chỉ là “tôi”, “tôi”, “tôi”. Đó là lý do tại sao chương Mười trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên (Shantideva), chương Hồi Hướng, thật tuyệt vời, bởi vì nó luôn nói về việc “Nguyện cho tất cả chúng sinh” đều được như thế này, và nguyện cho tất cả chúng sinh đều được như thế kia, chứ không bao giờ là “Nguyện cho con”.

Top