Chi Tiết Về Bốn Ba La Mật Sau Cùng Trong Lục Độ Ba La Mật

Chi Tiết Về Nhẫn Nhục Ba La Mật 

Ba la mật kế tiếp là nhẫn nhục, hay khoan dung. Đây cũng lại là một thái độ, một tâm trạng không sân hận, có thể chịu đựng khó khăn và gian khổ. Chúng ta không bị quấy rầy hay cảm thấy khó chịu vì nỗi khổ, hay những người đang làm hại mình. Đó là định nghĩa. Và tác dụng của nó - không có nghĩa là không còn kẻ thù hay những người cố gắng làm hại mình, mà có nghĩa là không sân hận, nản lòng hay miễn cưỡng giúp đỡ họ, không bực bội. Nếu luôn luôn mất bình tĩnh, thì ta không thể giúp đỡ người khác.

Nhẫn Nhục Với Những Người Làm Hại 

Có ba loại nhẫn, và loại đầu tiên là nhẫn nhục để không khó chịu với những người làm hại. Điều này liên quan đến những người không chỉ có hành động tiêu cực - không tức giận với họ - mà đặc biệt hơn là những người làm tổn thương, hay ác độc với mình, xử tệ với mình. Điều đó không có nghĩa là họ chỉ đánh đập mình, mà có thể là những người không cảm ơn mình, không xem trọng mình, tất cả những điều này. Đối với những người không ưa thích mình, thì ta sẽ tức giận: "Ồ, người này không thích tôi!".

Đặc biệt là khi đang giúp đỡ người khác, thì điều rất quan trọng là không nên giận họ, nếu họ không nghe lời khuyên của mình, hay khi sự việc không ổn thỏa, thì hãy kiên nhẫn. Có rất nhiều người rất khó giúp đỡ. Chúng ta phải cố gắng không nổi giận với họ, không mất kiên nhẫn, mà phải chịu đựng tất cả những khó khăn này.

Điều quan trọng đặc biệt là thầy không được thiếu kiên nhẫn với trò. Dù cho người nào có vô cùng chậm trí hay ngu ngốc, thì với tư cách là một giáo viên - không nhất thiết là giảng Pháp, mà dạy bất cứ điều gì - thì phải kiên nhẫn, không tức giận, không bực bội, mà phải giảng dạy một cách thiện xảo. Giống như khi mình dạy điều gì cho em bé, thì không thể hy vọng nó sẽ học nhanh như người lớn.

Tịch Thiên Nói Về Phát Tâm Nhẫn Nhục

Có rất nhiều cách để phát tâm nhẫn nhục. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên đã giải thích rất nhiều cách khác nhau. Chúng ta không có thời gian để xem xét tất cả những điều này, nên chỉ xem xét một hay hai điều thôi.

Nếu như bị phỏng tay vì lửa, hay vì bếp lửa, thì bạn không thể tức giận với lửa, vì lửa thì nóng, vì đó là bản chất của nó. Tương tự như vậy, thì ta mong đợi điều gì trong luân hồi? Tất nhiên người ta sẽ làm mình thất vọng, sẽ làm mình tổn thương, mọi việc sẽ khó khăn, nên ta mong đợi điều gì? Nếu yêu cầu người nào làm điều gì, thì nên nghĩ rằng họ sẽ làm sai điều đó. Nếu họ làm không đúng, làm theo cách mà mình không thích, thì đó là lỗi của ai? Đó là lỗi của mình, vì đã lười biếng và yêu cầu họ làm việc đó ngay từ đầu, mà không tự làm. Vậy thì nếu có tức giận, thì nên giận tính lười biếng của mình, bởi vì bạn mong đợi điều gì trong cõi luân hồi?

Đây là một câu rất hữu ích để ghi nhớ, về tất cả những hạnh nhẫn mà mình phải phát triển, mà cơ bản là: “Tôi kỳ vọng điều gì với luân hồi? Bạn mong chờ điều gì? Rằng mọi việc sẽ dễ dàng, sẽ xảy ra một cách tốt đẹp sao? Tôi mong đợi điều gì? Bản chất của luân hồi, đó là mỗi một sát na trong đời mình, là khổ đau và vấn đề, và sự việc không diễn ra theo cách mình muốn, người khác thì rất khó khăn và làm mình thất vọng, v.v... Vậy thì bạn mong đợi điều gì? Đừng ngạc nhiên. Đó là lý do mà mình muốn thoát khỏi luân hồi.

Nó giống như phàn nàn rằng mùa đông lạnh lẽo và tối tăm ở Lativa. Bạn mong đợi điều gì về mùa đông, rằng nó sẽ đáng yêu, ấm áp, và chúng ta có thể đi dạo, tắm nắng với áo tắm? Bạn mong chờ điều gì? Nó giống như bản chất của lửa. Bản chất của lửa là nóng. Vậy thì bạn trông đợi điều gì? Tất nhiên là bạn sẽ bị phỏng, nếu như thọt tay vô lửa, nếu như bưng cái nồi nóng hổi ra khỏi bếp. Bạn trông đợi điều gì? Vậy thì tức giận không có ích lợi gì.

Thêm một điều nữa thôi, đó là hạnh nhẫn mà mình có thể phát triển, bằng cách xem người khác như là người điên, hay trẻ thơ. Nếu một người điên hay một người say rượu hét vào mặt mình, mà ta còn điên rồ hơn, nên mới la hét với người đang say này. Hoặc khi ta nói với đứa con hai tuổi của mình rằng đã đến giờ đi ngủ và tắt truyền hình, thì đứa bé nói rằng: "Con ghét mẹ!", liệu mình có xem trọng vấn đề này, rồi tức giận và khó chịu vì đứa bé ghét mình hay không? Đó là một đứa nhỏ. Nó đã mệt rồi, nên bạn cho nó lên giường ngủ. Tương tự như vậy, hãy xem người khác theo cách này, khi họ hành xử như vậy, vì quá mệt mỏi và cáu kỉnh - “Họ giống như một đứa bé, hay hành động như một người điên.”. Điều này sẽ giúp mình không nổi giận với họ.

Hơn nữa, nếu có ai làm khó mình, thì việc xem họ như thầy luôn luôn là điều rất hữu ích: “Đây là thầy dạy cho tôi hạnh nhẫn. Nếu người khác không làm khó, thì tôi sẽ không bao giờ học được hạnh nhẫn, hay không bao giờ bị thử thách. Vậy thì họ rất tử tế, vì đã tạo ra khó khăn này cho tôi.". Đức Dalai Lama luôn nói rằng người Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, là người thầy tốt nhất của Ngài, thầy dạy hạnh nhẫn. Người phiền phức trong văn phòng chính là thầy dạy hạnh nhẫn.

Nhẫn Nhục Để Chịu Đựng Khổ Đau 

Loại nhẫn thứ hai là nhẫn nhục để chấp nhận và chịu đựng khổ đau của chính mình. Ngài Tịch Thiên nói khá nhiều về điều này, và nói rằng nếu như gặp khổ nạn, hoàn cảnh khó khăn, nếu có thể làm điều gì để giải quyết nó, thì hãy làm như vậy, chứ đừng sân hận hay bực bội, vì nó không giúp ích được gì. Còn nếu không thể làm điều gì để giải quyết vấn đề, thì tại sao phải tức giận hay bực bội, bởi vì điều đó cũng chẳng ích lợi gì. Nếu như trời lạnh, và mình có quần áo ấm, thì tại sao lại tức giận và phàn nàn là trời lạnh? Hãy mặc quần áo ấm vào. Nếu không có quần áo ấm, thì tại sao phải tức giận và bực bội, bởi vì dù sao thì nó cũng không làm cho mình ấm hơn.

Ngoài ra, ta có thể nhìn vào nỗi khổ của mình và rất vui vẻ, theo cách là nó đang thiêu đốt những chướng ngại, ác nghiệp đang trổ, và nhớ rằng việc loại bỏ nó ngay bây giờ là tốt, vì nó có thể tệ hại hơn trong tương lai. Cũng nên nghĩ rằng khi nó trổ trong hình thức này thì rất tốt, bởi vì bất kể mình phải chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ, thì nó luôn luôn có thể tồi tệ hơn. Vậy thì theo ý nghĩa nào đó, mình đang trả nghiệp một cách nhẹ nhàng hơn.

Nếu như mình đá chân vào cạnh bàn trong đêm tối, và rất đau, thì điều đó rất tốt, vì có thể mình đã bị gãy chân. "Tốt hơn là điều này xảy ra, hơn là bị gẫy chân.". Điều này sẽ giúp mình không tức giận. Nói cho cùng thì việc nhảy nhỏm và làm lớn chuyện, khi chân mình bị đau, vì mình đã đá chân vào cạnh bàn, cũng không giúp ích được gì. Ngay cả khi mẹ của mình đến và hôn vào chân, thì cũng chẳng giúp ích được gì, vì nó vẫn đau.

Ngoài ra, nếu như đang cố gắng làm điều gì rất tích cực và có tính xây dựng, mà gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn ngay từ đầu, thì rất tốt. Chẳng hạn như bạn cố gắng làm điều gì rất tích cực, như muốn tu một khóa nhập thất dài, hay muốn thực hiện một đề án Phật sự nào đó, hay làm một chuyến đi, để giúp đỡ người khác, v.v... Nếu ngay từ đầu mà công việc khởi sự với những trở ngại và vấn đề lớn - không nhất thiết là điều gì to lớn (bị gãy chân hay điều gì tương tự như vậy), nhưng nếu gặp khó khăn ngay từ đầu - thì điều này rất tốt, vì người ta có thể xem nó như: “Được thôi, việc này đang thiêu đốt chướng ngại, để phần còn lại của công việc sẽ suôn sẻ.”. Vậy thì ta có thể thấy vui, vì nó đang được thiêu đốt ngay bây giờ, thay vì tạo ra vấn đề lớn sau này.

Như ngài Tịch Thiên có nói, khổ đau và vấn đề cũng có những phẩm chất tốt. Không có nghĩa là mình sẽ tìm kiếm chúng, bởi vì con đường mà mình phải đi qua là hành hạ bản thân và gian khổ. Nó không có nghĩa như vậy. Nhưng nếu như phải khổ, thì có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà ta có thể cảm kích, bởi vì trước tiên là nỗi khổ sẽ làm giảm bớt tánh kiêu căng của mình, giúp cho mình khiêm tốn hơn. Nó cũng giúp mình phát tâm bi với những người đang gặp những vấn đề tương tự như vậy. Giả sử nếu như mình mắc một căn bệnh, thì có thể cảm thông với những người cũng có cùng căn bệnh đó; nếu không thì sẽ không biết họ đang đau khổ ra sao. Khi bạn 16 tuổi, thì không dễ có lòng trắc ẩn với người già, nhưng đến 60 tuổi, đã già nua và đau đớn vì tuổi già, và tự mình trải qua tất cả những điều này, thì bạn sẽ có lòng trắc ẩn, và thông cảm cho người già. Cũng như nếu thấu hiểu nghiệp (luật nhân quả), nếu như đang khổ, thì ta sẽ không tạo ra ác nghiệp, tức nhân tạo khổ, và sẽ tạo thiện nghiệp mạnh mẽ hơn, vì đó là nhân tạo ra hạnh phúc. Điều này sẽ khích lệ mình làm như vậy.

Nhẫn Nhục Chịu Đựng Khó Khăn Vì Giáo Pháp

Loại nhẫn thứ ba là quyết tâm kiên nhẫn chịu đựng khó khăn gian khổ vì việc tu học. Khi ta cố gắng hành thiền, tu tập để thành tựu giác ngộ, v.v..., thì sẽ mất một thời gian rất dài, phải bỏ ra rất nhiều công sức, nỗ lực, và phải rất thực tế về điều này, không được nản lòng. Hãy kiên nhẫn với điều đó. Hãy kiên nhẫn với chính mình. Điều đó không có nghĩa là tự xem mình như một đứa trẻ, mà là hãy kiên nhẫn.

Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải thấu hiểu và chấp nhận bản chất của luân hồi luôn thăng trầm. Nó không có nghĩa là mình sẽ có những tái sinh cao hơn và thấp hơn, mà nó luôn thăng giáng thất thường, nên đôi khi thì ta muốn tu hành, đôi khi thì không. Đôi khi, việc tu hành sẽ suôn sẻ, đôi khi thì không. Chúng ta mong đợi điều gì? Đây là cõi luân hồi, thì sự việc sẽ không tốt đẹp hơn mỗi ngày, nên phải kiên nhẫn với điều này, không nản lòng, không tức giận và bỏ cuộc. “Tôi nghĩ là đã giải quyết được tâm sân hận của mình, và sẽ không bao giờ nổi giận nữa”, rồi đột nhiên, điều gì xảy ra, và ta lại nổi giận. Việc này sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ không đoạn trừ tâm sân cho đến khi trở thành một bậc A la hán được giải thoát, nên hãy kiên nhẫn.

Chi Tiết Về Tinh Tấn Ba La Mật

Ba la mật thứ tư được gọi là tinh tấn. Điều này được định nghĩa là trạng thái tạo tác thiện hạnh một cách hăng hái, nhiệt tình, và không ngừng nỗ lực. Một trong những đặc điểm của hạnh này là hoan hỷ tu hành. Đó không phải là niềm vui khi chơi trò chơi điện tử hay săn bắn. Chúng ta đang nói về việc hoan hỷ với thiện hạnh, chứ không chỉ nói về thái độ làm việc chăm chỉ, nhưng lại ghét công việc của mình, và làm việc đó vì nghĩa vụ hay cảm giác tội lỗi, bắt buộc phải làm, hoặc chỉ làm một cách máy móc. Bạn biết người nghiện công việc mà. Nó không phải là cái gọi là “nhiệt tình ngắn ngủi” khi ta hào hứng để làm điều gì, và bỏ rất nhiều công sức vào đó, giống như người cuồng tín, rồi lại kiệt sức sau một tuần, và bỏ cuộc. Chúng ta không nói về lòng nhiệt tình ngắn ngủi đó, mà đang nói đến sự bền bỉ… Đó là lý do tại sao mình gọi nó là tinh tấn, bởi vì nó được duy trì, và cứ tiếp tục như thế. Một trong những lý do khiến cho nó cứ tiếp diễn, là vì chúng ta thích việc mình đang làm, và đó là điều tích cực. Hạnh tinh tấn này là pháp đối trị tâm giải đãi, đối nghịch với lười biếng.

Phi Giáp Tinh Tấn 

Có ba loại tinh tấn. Loại đầu tiên là phi giáp tinh tấn. Đây là sự sẵn sàng tiếp tục tu tập không ngừng. Dù khó khăn đến đâu, dù phải mất bao lâu, thì mình vẫn sẽ tiến lên, không nản chí, không lười biếng. Nếu như biết rằng đường tu (hay bất cứ điều gì tích cực mà mình đang làm) sẽ mất rất nhiều thời gian, và ta sẵn sàng đọa vào địa ngục để có thể giúp đỡ chúng sinh, v.v..., thì sẽ không lười biếng hay chán nản vì bất cứ vấn đề nào nhỏ nhặt hơn có thể xảy ra. "Không có điều gì có thể lay chuyển được tôi.". Nó giống như áo giáp, giúp mình thoát khỏi bất cứ khó khăn nào. “Tôi không lo lắng nó sẽ khó khăn như thế nào. Không cần biết phải mất bao lâu. Tôi sẽ làm điều đó.".

Càng nghĩ rằng giác ngộ sẽ mất rất nhiều thời gian, thì nó sẽ càng xảy ra nhanh hơn. Nếu như mình mong đợi nó sẽ xảy ra một cách nhanh chóng và ngay lập tức, thì nó có thể kéo dài mãi mãi. Nếu rất lo lắng về việc thành tựu giác ngộ tức thì, nhanh chóng, và cố tìm ra đường tu dễ dàng, nhanh lẹ, v.v..., thì như một số kinh sách và các bậc thầy vĩ đại đã giải thích, đó là dấu hiệu của tâm ích kỷ và lười biếng, vì ta không muốn dành nhiều thời gian để giúp đỡ tha nhân, v.v... “Hãy thành tựu giác ngộ thôi. Nó sẽ rất tuyệt vời.”. Nói một cách cơ bản là mình lười biếng, nên không muốn hạ thủ công phu, muốn giác ngộ được với giá rẻ, càng rẻ càng tốt. Chúng ta đang tìm kiếm một món hời. Điều đó sẽ không xong.

Vì vậy, nếu có lòng bi mẫn: “Tôi sẽ tu tập trong ba vô lượng a tăng kỳ kiếp (grangs-med) để tích tập công đức, bằng cách giúp đỡ tha nhân”, thì lòng bi mẫn bao la đó là điều sẽ đem lại giác ngộ mau chóng hơn nhiều.

Nhiếp Thiện Pháp Tinh Tấn

Loại tinh tấn thứ hai là tinh tấn tích lũy công đức, để thành tựu giác ngộ. Nói cách khác là duy trì nỗ lực một cách tinh tấn, không lười biếng với việc hành trì pháp tu sơ khởi (lễ lạy, v.v...), học hỏi và thiền định, tất cả những điều mình phải làm, và hoan hỷ với những điều này.

Lợi Lạc Hữu Tình Tinh Tấn

Loại tinh tấn thứ ba là tinh tấn tham gia vào việc giúp đỡ hay tạo lợi lạc cho chúng sinh. Hạnh tinh tấn làm việc để giúp đỡ chúng sinh cũng được giải thích theo bốn cách thu thập đệ tử, hay giúp cho người khác dễ tiếp nhận mình, và mười một cách giúp đỡ tha nhân (mười một hạng người mà ta sẽ giúp đỡ). Hãy nhớ rằng, chúng ta đã có giới luật để hỗ trợ trong mười một tình huống này. Cũng có thể bàn luận về nhẫn nhục với việc tu hành, về mặt giúp đỡ tha nhân theo mười một cách này. Ở đây, có hạnh tinh tấn giúp đỡ chúng sinh theo mười một cách. Điều này có nghĩa là chúng không giống nhau. Những điều mình đang đề cập đến là khi giúp đỡ những hạng người này theo nhiều cách thích hợp, thì với tâm tinh tấn này, ta sẽ thích thú, rất hoan hỷ khi nỗ lực giúp đỡ họ. Với hạnh nhẫn nhục, mình sẽ chịu đựng bất cứ sự khó khăn nào. Với hạnh trì giới, mình sẽ tránh tất cả những phiền não, sẽ ngăn chận việc giúp đỡ họ. Vậy thì các ba la mật này tương trợ lẫn nhau.

Ba Loại Giải Đãi

Những hạnh tinh tấn này sẽ bị gián đoạn vì tâm giải đãi, nên nếu muốn tu tập và phát triển chúng, thì phải khắc phục tâm lười biếng. Có ba hình thức lười biếng:

Giải Đãi Vì Trì Trệ

Trước tiên là giải đãi vì trì trệ, gác lại mọi việc sang ngày mai. Đối với vấn đề này thì phải thiền quán về cái chết và vô thường, vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và khó mà có được kiếp người quý báu, để có cơ hội làm điều thiện hảo.

Điều này làm tôi nhớ đến công án Thiền mà tôi thích nhất: "Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nên hãy thư giãn.". Nếu nghĩ về điều này thì rất tốt. Điều đó có nghĩa là đúng là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng nếu như mình quá căng thẳng, lo lắng và khẩn trương, thì không bao giờ có thể hoàn thành điều gì - "Tôi phải làm tất cả mọi việc ngay hôm nay" - và bạn sẽ trở thành kẻ cuồng tín. Đúng, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu muốn tận dụng lợi thế và làm mọi việc ngay bây giờ, thì bạn phải thoải mái, chứ không căng thẳng vì sợ chết: "Mình sẽ không có đủ thời gian.".

Giải Đãi Vì Bám Chấp Vào Những Điều Nhỏ Nhặt

Loại thứ hai là giải đãi vì bám chấp vào những điều nhỏ nhặt. Đúng không? Chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian để xem truyền hình, hay chỉ nói chuyện phiếm với bạn bè, bàn luận về thể thao… Tất cả những việc này đều lãng phí rất nhiều thời giờ, và đó là lười biếng. Ngồi xem truyền hình thì dễ hơn nhiều, so với việc hành thiền, hay quyến luyến với những việc tầm thường, thế tục, bởi vì ta thấy điều đó hứng thú, dù đó là chiêm tinh học, hay bất kể là việc gì - thì một lần nữa, ta sẽ quyến luyến những thứ này, vì đó là tâm giải đãi, và không muốn cố gắng làm điều gì khó khăn hơn và quan trọng hơn.

Điều này không có nghĩa là mình sẽ không bao giờ ngưng làm việc, để giải trí hay thư giãn. Đôi khi, ta phải làm như vậy, để phục sức, nhưng quan trọng là không nên dính mắc với những điều này. và nghỉ ngơi quá mức vì lười biếng. Bạn sẽ nghỉ ngơi, đi dạo hay làm điều gì tương tự như vậy, nhưng đừng dính mắc vào nó. Khi đã nghỉ ngơi đủ rồi, thì hãy trở lại với điều gì tích cực hơn mà mình đang làm nửa chừng.

Cách khắc phục điều này là nghĩ về cách mà các thú vui và sự mãn nguyện về những thành tựu được xem là những điều thế tục. và những hoạt động thế gian này không bao giờ mang lại hạnh phúc lâu dài. Chỉ có việc rèn luyện bản thân bằng các phương pháp của đạo Phật, thì mới tạo ra hạnh phúc lâu dài. Nếu ta có thể sút một quả bóng vào lưới, và dành toàn bộ thời gian để làm việc này. và luyện tập nó, thì điều đó sẽ không đem lại cho mình một tái sinh tốt hơn. Chắc chắn việc đá một trái banh sẽ không giúp cho mình thành tựu giải thoát hay giác ngộ.

Vậy thì điểm chính là không khởi tâm tham luyến. Nếu như mình chơi đá banh để thư giãn hay giải trí, thì đó là một chuyện, nhưng nếu chỉ quyến luyến với điều đó, và nỗ lực hết mình vì điều đó, bởi vì không muốn làm điều gì thiện hảo hơn, vì lười biếng, thì đó là tâm giải đãi. Đây là pháp đối nghịch, tạo trở ngại cho tâm hoan hỷ, khi làm điều gì có tính xây dựng.

Hãy khắc phục tính lười biếng, không thay pin của máy thu thanh.

Giải Đãi Vì Không Có Khả Năng

Loại giải đãi thứ ba là giải đãi vì không có khả năng. “Điều này quá khó. Tôi không thể làm được. Làm sao một người thấp kém như tôi lại có thể giác ngộ, hay làm điều gì trong số những việc này?". Đó là một hình thức lười biếng. Thậm chí, ta còn không cố gắng, vì nghĩ rằng: "Tôi không có khả năng.".

Đối với vấn đề này, thì hãy nghĩ về Phật tánh, những phẩm chất mà mình có được, v.v... Có rất nhiều điều mà ta có thể nhắc nhở bản thân, để chống lại điều này. “Nếu rất nhiều người có khả năng dành cả ngày làm việc, chỉ để kiếm một chút lợi nhuận, bằng cách bán kẹo cao su hay thứ gì tương tự, và sẵn sàng ngồi đó hàng giờ đồng hồ mỗi ngày, thì mình cũng có khả năng dành thời gian để làm điều gì quan trọng hơn. Nếu tôi có khả năng đứng xếp hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ để mua vé xem buổi hòa nhạc, hay xếp hàng mua bánh mì, thì không nên nghĩ rằng mình không có khả năng làm điều gì có tính xây dựng hơn, để thành tựu giác ngộ.".

Bốn Pháp Hỗ Trợ Để Phát Tâm Tinh Tấn

Ngài Tịch Thiên đã giải thích về bốn pháp hỗ trợ, để phát tâm tinh tấn.

Xác Tín Về Lợi Lạc Của Giáo Pháp

Trước tiên là xác tín về các phẩm chất tích cực và lợi ích của giáo pháp.

Tính Ổn Định, Dựa Vào Lòng Tự Tin Và Phật Tánh

Thứ hai là tâm kiên định và vững vàng, dựa vào lòng tự tin và Phật tánh. Nếu như vững tin vào Phật tánh - những khả năng cơ bản có mặt ở đó - thì ta sẽ tự tin, và nếu có lòng tự tin, thì sẽ có nỗ lực vững vàng và ổn định. Đây là sự hỗ trợ.

Hoan Hỷ Với Việc Đang Làm

Thứ ba là hoan hỷ với việc mình đang làm, cảm giác hài lòng với bản thân. Việc phát triển tự thân, làm việc để giúp đỡ chúng sinh là điều rất mãn nguyện và vui lòng, khiến cho mình vui vẻ.

Biết Khi Nào Phải Nghỉ Ngơi

Điều thứ tư là biết khi nào mình phải nghỉ ngơi. Đừng nỗ lực quá mức, đến độ kiệt sức, bỏ cuộc và không muốn trở lại với công việc. Đừng thúc ép bản thân quá đáng, nhưng mặt khác, cũng đừng đối xử với bản thân như một đứa bé, mỗi khi thấy hơi mệt mỏi là lại nằm xuống để chợp mắt.

Thật ra đó là một điểm rất thú vị. Trijang Rinpoche, vị cố Trợ Giáo của Đức Dalai Lama đã đưa ra lời khuyên sau đây. Ngài nói rằng khi tâm trạng của mình rất tồi tệ và tiêu cực, thì hãy chợp mắt một chút, và khi thức dậy thì tâm trạng sẽ khác hẳn, nhờ việc chợp mắt một chút. Điều này rất thực tiễn. Bạn thích điều này không?

Hai Yếu Tố Khác Về Việc Phát Tâm Tinh Tấn

Bên cạnh bốn yếu tố hỗ trợ hạnh tinh tấn, ngài Tịch Thiên đã nêu ra thêm hai yếu tố hữu ích. Đó là (a) chấp nhận những gì mình phải làm, và những gì phải chấm dứt; và (b) chấp nhận khó khăn. Tất cả những việc này dựa vào việc khảo sát ba điều này, và khả năng đối phó với chúng một cách thực tế, để chấp nhận rằng tôi phải làm điều này, điều kia và điều nọ, để giúp đỡ người khác, và thành tựu giác ngộ, hay làm bất cứ điều gì thiện hảo mà tôi muốn làm, và chấp nhận sự thật là mình sẽ phải ngưng làm việc này và việc kia, và sẽ gặp khó khăn. Chúng ta sẽ chấp nhận điều đó, tự gánh vác lấy nó, sau khi đã xem xét những điều liên quan đến việc thực hiện điều này, và khả năng làm điều đó một cách kỹ càng và thực tế.

Đừng có thái độ không thực tế. Nếu như mình sẽ lạy một trăm ngàn lạy, thì hãy xem xét việc này một cách thực tế. Sẽ có những khó khăn, vì chân tôi sẽ đau, tôi sẽ mệt mỏi, tất cả những điều này, nhưng cũng hãy tự nhắc nhở mình về lợi ích của pháp tu này. Tôi sẽ phải ngưng làm điều gì? Tôi sẽ phải dành thời gian để lễ lạy, và sẽ việc này sẽ khó khăn. Vậy thì hãy tự quán xét tự thân một cách thực tế, để xem: "Liệu mình có thể làm được điều này hay không?" - liệu tôi có bị viêm khớp hay thấp khớp, khiến cho mình không thể lạy hay không, rồi chấp nhận đây là thực tế về những điều liên quan đến việc tu tập như vậy. Nếu như chấp nhận điều này, thì ta có thể dồn hết sức lực vào đó.

Dựa và thái độ thực tế chấp nhận những điều liên quan trong đó, thì điều thứ hai mà mình phải có là tự chủ, để chuyên tâm tu tập. Nói cách khác là có ý chí, đại loại là những điều như vậy. Đừng hành động theo những phương cách cũ, mà là: “Được rồi, tôi sẽ không để cho tâm lười biếng khống chế bản thân, v.v...”. Hãy tự chủ và chuyên tâm vào điều tích cực mà mình muốn làm. "Hãy dồn hết tâm trí của mình vào đó", như cách nói theo tiếng Anh. 

Chi Tiết Về Thiền Định Ba La Mật

Hiện nay, không có quá nhiều thời gian cho hai ba la mật cuối cùng. Mỗi một ba la mật này, đặc biệt là trong văn học Lam-rim, chỉ được đề cập một cách rất ngắn gọn, rồi có một đề mục lớn nói về cách phát triển định tâm và thiền định, và cách phát triển trí tuệ chứng ngộ tánh Không.

Đối với thiền định, thì một số sách nói về trạng thái có thể nhất tâm chú ý vào đối tượng thiện hảo nào, mà không bị tán tâm, hay hôn trầm, buồn ngủ, v.v... Vậy thì mình sẽ nhất tâm bất loạn, dù đang hành thiền, hay chỉ giúp đỡ người nào, hay lắng nghe họ nói.

Cách ngài Tịch Thiên giải thích điều này là về mặt tâm ổn định. Bên cạnh đó, điều liên quan để có được loại định tâm này là thiền na, khi tâm không thăng trầm vì phiền não, vì chính phiền não khiến cho mình bị tán tâm, để nghĩ về điều gì hấp dẫn, hay bị hôn trầm và trì trệ, nên Tịch Thiên đã mô tả nó trong phạm vi lớn hơn, về tính ổn định của tinh thần và cảm xúc. Có nhiều cách phân chia khác nhau, để phân chia các loại thiền na. Hầu hết các sách vở và truyền thống đều phân chia nó theo những cách khác nhau, nên sẽ không có ích lợi gì, để thảo luận dài dòng về tất cả những cách mà nó có thể được phân chia - về mặt mình đang chú tâm vào điều gì, định tâm về việc làm điều này, về mặt làm điều kia, v.v...

Chi Tiết Về Trí Tuệ Ba La Mật

Trí phân biệt đôi khi được dịch là trí tuệ, là tâm trạng có thể phân biệt vạn pháp một cách chính xác và dứt khoát, về cách chúng tồn tại. Chúng ta có thể phân biệt giữa điều gì có lợi, điều gì có hại, điều gì thích hợp, điều gì không thích hợp, và tất cả những điều này, nên nó được áp dụng, để phân biệt cách mà các pháp tồn tại, và cách chúng không tồn tại (điều bất khả), nhưng cũng có thể có một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, không chỉ quan tâm đến việc chứng ngộ tánh Không.

Một lần nữa, điều này có thể được phân chia theo nhiều cách khác nhau, và các kinh sách khác nhau phân chia điều này theo những cách khác nhau, tùy theo trí phân biệt này nhắm vào điều gì, dù đó là về mặt thực tại, về các pháp quy ước – như loại thuốc thích hợp hay thuốc không thích hợp để kê toa, nếu như mình là bác sĩ, v.v... Có nhiều nguyên tắc để phân chia nó.

Top