Thiền Quán Về Kiếp Người Quý Báu

Dẫn Nhập

Đề tài cho tối hôm nay là thiền phân tích. Hiện nay, việc cải thiện bản thân về mặt quy y và bồ đề tâm đòi hỏi một quá trình gồm ba bước:

  • Phải nghe thuyết Pháp (văn).
  • Rồi phải tư duy về giáo pháp (tư)
  • Rồi phải thiền định về giáo pháp (tu)

Tất cả mọi người đều đồng ý về điều này. Đây là giáo pháp rất tiêu chuẩn trong nhà Phật.

Tĩnh Tâm

Việc chú ý vào hơi thở để tĩnh tâm, điều mà một số người tin là phạm vi đầy đủ của shamatha (Tam ma địa), chỉ là pháp tu sơ khởi của cả ba yếu tố. Trước khi nghe thuyết Pháp thì phải tĩnh tâm; phải tĩnh tâm trước khi tư duy về Pháp; phải tĩnh tâm trước khi thiền, nên việc tập trung vào hơi thở có thể thực hiện điều này. Việc chỉ tĩnh tâm sẽ không đưa mình đến trạng thái định tâm nhất điểm, và chắc chắn không loại bỏ nguyên nhân tạo ra các vấn đề của mình (dù nó có thể giúp cho mình tỉnh táo hơn, để đối phó với những chướng ngại này).

Đương nhiên là việc chú tâm vào hơi thở có thể được xem là một đối tượng để phát triển đại định, nhưng nếu chỉ sử dụng sự chú ý này để tĩnh tâm, thì sẽ không đưa đến trạng thái định tâm này. Trên thực tế, nếu như nhìn kỹ hơn một chút thì chỉ có giáo lý Nguyên thủy mới nói rằng mình có thể đạt được đại định, bằng cách chú tâm vào hơi thở. Việc chú tâm vào hơi thở là nhận thức bằng giác quan - nó nhận thức một cảm giác về thể chất, còn theo giáo lý Đại thừa, là điều mà truyền thống Tây Tạng noi theo, thì bạn phải sử dụng ý thức, chứ không sử dụng các thức giác quan, để thành tựu đại định.

Vậy thì khi nhìn vào thiền trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, mình phải nhìn xa hơn việc chỉ tĩnh tâm bằng cách tập trung vào hơi thở. Đó là một pháp tu sơ khởi.

Lắng Nghe

Được, vậy thì mình phải nghe thuyết Pháp, tư duy và thiền định. Từ mỗi một bước trong ba bước này thì mình sẽ có được một loại trí phân biệt (thường được dịch là trí tuệ, nhưng trí tuệ là một chữ quá mơ hồ). Trước tiên thì mình phải phân biệt điều gì đó. Điều này thường được gọi là “nhận ra”. Giống như trong lãnh vực thị giác, để đối phó với nó và có bất cứ nhận thức về chiều sâu nào, thì bạn phải có khả năng phân biệt hình dạng và màu sắc của khuôn mặt của người nào đó. Đó là bước đầu tiên, phân biệt. Việc mà trí phân biệt thực hiện là bổ sung thêm sự quyết đoán về điều đó: “Nó chắc chắn là điều này, chứ không phải điều kia.”. Trí phân biệt có nghĩa là như vậy (như tôi nói, nó thường được dịch là trí tuệ, nhưng trí tuệ không thật sự truyền đạt ý nghĩa của điều mà mình đang nói đến ở đây).

Từ việc lắng nghe một số giáo lý, thì điều mà mình có được là trí phân biệt phát sinh từ việc lắng nghe, có nghĩa là phân biệt từ ngữ của giáo lý nhà Phật. Điều đó có nghĩa là phân biệt giữa lời dạy của nhà Phật với những lời dạy khác (hãy cho là lời của ngoại đạo), và quả quyết về điều đó: “Đây là giáo lý của Đức Phật.”. Để có thể tiến xa với giáo pháp, thì mình phải quả quyết rằng đây là giáo lý của nhà Phật, đúng không?

Vậy thì ở đây, những gì mà mình có được ở giai đoạn này là ý niệm về ngôn từ của Pháp, nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng. Ví dụ như tôi có một kiếp người quý báu. Mình có thể phân biệt giữa điều đó với lời dạy của ngoại đạo. Vậy thì mình có kiếp người quý giá, và ước đoán rằng đó là sự thật, vì lòng kính trọng chư Phật, nhưng ở giai đoạn này, mình không thật sự hiểu ý nghĩa của nó. Chúng ta biết rằng giáo lý nhà Phật không nói rằng kiếp người là vô nghĩa, không có mục tiêu, và đời sống không có mục đích. Mình đã phân biệt rằng: “Được rồi, lời khẳng định của đạo Phật là mình có một kiếp người quý báu.”.

Tư Duy

Bây giờ thì mình phải đi đến bước kế tiếp, đó là tư duy về nó, để hiểu ý nghĩa của nó. Điều đó có nghĩa là nghĩ về định nghĩa của kiếp người quý báu - nó có nghĩa là gì – và lý luận tại sao nó quý giá. Nếu như hiểu điều đó, thì mình sẽ hiểu giáo pháp, đúng không? Vậy thì mình phải làm việc với điều này. Phải nghĩ về nó. Phải hiểu mười tám đặc điểm của kiếp người quý báu là gì. Ví dụ như tôi không phải là một con thú. Chúng ta không nói theo nghĩa sinh học, rằng mình không phải là cây cối; mà là một con thú. Chúng ta không nói theo cách đó. Một con người là người có khả năng phân biệt giữa điều gì có lợi và có hại về lâu về dài, và có thể thấu hiểu, giao tiếp, v.v...

Vậy thì mình phải hiểu ý nghĩa của nó, tôi không phải là một con vật, và phải hiểu lý luận này, và tin chắc là nó chứng minh luận đề. Ở đây, luận đề là việc được sinh ra làm người, không phải là một con thú, là điều quý giá đối với việc tu tập và chứng ngộ giáo Pháp. Luận đề có nghĩa là điều mình đang cố gắng chứng minh. Việc được sinh ra làm một con người, không phải làm một con thú, là điều quý giá, đối với việc tu hành và chứng ngộ giáo pháp. Và lý luận là khi làm một con thú thì tôi sẽ bị thú tính áp đảo mạnh mẽ. Thú tính là gì? Là để săn đuổi và giết con mồi; để bảo vệ lãnh thổ của mình, giống như một con chó sẽ sủa, nếu như có ai bước vào trong sân; để giao cấu với bất cứ con thú nào khác, vào bất cứ lúc nào, khi dục vọng phát sinh. Là một con thú thì mình không có trí phân biệt rất thấp giữa điều gì có lợi và có hại về lâu về dài. Rõ ràng là về mặt ngắn hạn thì thú vật có thể phân biệt, vì nó sẽ tránh xa con sư tử, vì đó là điều hữu ích. Nhưng về lâu về dài thì chúng không thể phân biệt được điều gì có lợi và có hại. Nếu như tôi rơi vào hoàn cảnh như thế này, thì sẽ rất khó tu hành.

Bạn phải nghĩ về điều đó, và cố tưởng tượng nó đang nói về điều gì. Mình sẽ cố tưởng tượng việc làm một con thú thì sẽ ra sao, để thuyết phục bản thân về sự bất lợi của điều đó. Nếu như tôi liên tục có bản năng này, bản năng săn mồi rất mạnh mẽ... Ý của tôi là chỉ cần nhìn cách một con mèo đuổi theo côn trùng hay chuột, dù sẽ không ăn thịt nó, mà chỉ hành hạ nó và cố vồ lấy nó. Nếu như đây là bản năng trước tiên của mình, sự thôi thúc mạnh mẽ, khi thấy con gì nhỏ bé đang bò trên sàn, thì làm sao tôi có thể tự cải thiện bản thân, nếu như đó là bản năng tự động của mình, nếu như điều đó quá mạnh mẽ?

Đúng ra thì việc quan sát hành vi của mình rất thú vị. Mình sẽ để ý đến một con ruồi hay con gián, hoặc con muỗi trong phòng, như thể mình sẽ đội nón an toàn, lấy khẩu súng trường ra để đi săn, và không thể hành thiền, không thể làm bất cứ điều gì, cho đến khi mình bắt được và giết chết con mồi. Chúng ta không thể hành thiền, không thể nghiên cứu, không thể làm gì cả, cho đến khi giết được con này. Như tôi nói, việc đưa sự việc đến kết luận vô lý là điều rất hữu ích. Nếu như ta bắt gặp mình làm điều đó, thì sẽ liên tưởng đến việc đội nón an toàn và tham gia một chuyến đi săn ở châu Phi, thì sẽ thấy hành vi của mình kỳ cục đến mức nào. Ngay cả khi cố gắng đuổi con muỗi ra khỏi phòng, thì ít nhất là thái độ của mình đã thay đổi một chút về điều mình đang làm. Chúng ta không chỉ là một con thú đi săn mồi.

Hơn nữa, nếu như mình là một con thú, liên tục bị những con thú khác săn đuổi, và có thể bị chúng tấn công bất cứ lúc nào, thì mình phải luôn cảnh giác, và điều đó cũng không tạo ra cho mình một tình huống thuận lợi để bình tĩnh, tập trung đầu óc, vân vân, để tu học.

Vậy thì cứ như vậy, ta sẽ điểm qua các đặc tính khác của thú vật, như hành vi tình dục của loài thú, lãnh thổ của thú vật, v.v..., và xem nếu như đó là bản năng chính, bản năng mạnh mẽ của mình, thì sẽ rất khó để tạo ra sự tiến bộ nào.

Hoặc nếu như mình phải liên tục kéo một khối rất nặng, như ở Ấn Độ thì một con bò phải kéo một khối rất nặng (và luôn bị đánh bằng roi, v.v...), thì cũng rất khó để tu tập bất cứ pháp tu nào. Cứ như vậy, khi nghĩ về ví dụ này, về điểm đặc biệt này, khi được sinh ra làm thú vật thì mình phải liên tưởng nó với bối cảnh của Ấn Độ cổ đại. Mình sẽ không nghĩ đến Bambi hay con chó lông xù của người nào trong gia đình giàu có. Chúng ta đang nghĩ về một con gián. Chúng ta đang nghĩ về một con chó ở ngoài đường. Chúng ta đang nghĩ về một thú phải lao động.

Vậy thì mình sẽ có được đặc tính xác định đúng đắn ở đây, và hiểu rằng mình không giống như vậy. Thế thì mình thoát khỏi điều này. Vì thoát khỏi điều này, nên tôi mới có cơ hội và tự do để thực hành Pháp. Vì vậy nên tôi có được kiếp người quý giá.

Hãy dành một vài khoảnh khắc để chỉ thực hiện bước này. Chúng ta nhận ra mình đang nói về điều gì, khi đang nói về thú vật, và hiểu rằng mình thoát khỏi điều đó, và nhờ thoát khỏi điều đó, mà mình mới có cơ hội tu hành.

Chúng ta thấy mình không hoàn toàn bị sức mạnh của thú tính khống chế:

  • Tôi không phải chạy tới và vồ lấy bất cứ thứ gì nhỏ bé đang di chuyển trên sàn nhà. 
  • Tôi không phải sủa, khi tất cả những con thú khác sủa, và làm những gì chúng sẽ làm. 
  • Tôi không phải giao cấu với một con thú khác, giống như bất cứ lúc nào nhìn thấy con thú nào hấp dẫn, thì tôi phải giao cấu với nó.

Dù tôi có thể có một chút thú tính này, nhưng không thể biểu lộ nó bằng hành động. Tôi là một con người. Tôi có khả năng phân biệt giữa điều gì phù hợp và không phù hợp. Vì vậy, vì lý do này mà tôi có một kiếp người quý báu, và kiếp người quý báu với mục tiêu. Mục tiêu là để có thể tu học và hành trì giáo pháp, không chỉ quý giá để kiếm được nhiều tiền.

Vậy thì ở giai đoạn này, chúng ta đang làm gì? Tư duy và suy ngẫm về Pháp. Không chỉ dựa vào lời nói. Đó là bước đầu tiên. Nhưng nhờ cách dựa vào những đặc tính, hay nét đặc trưng của kiếp người quý giá và hoàn cảnh, tình huống cụ thể của mình, và nhờ cách dựa vào một cách lý luận mà mình mới có được sự hiểu biết bằng suy luận. Suy luận có nghĩa là dựa vào một lý luận - vì điều này, mà tôi mới biết điều kia. Và chúng ta có được trí phân biệt, xuất phát từ việc tư duy, và nó tập trung vào một ý tưởng có ý nghĩa, không chỉ là một ý tưởng về những ngôn từ vô nghĩa. Vậy thì ở đây, ý tưởng có ý nghĩa là “Tôi có kiếp người quý giá, vì không phải làm một con thú.”. Và bạn xác quyết định về điều đó. Nó phân biệt điều này. Nó phân biệt điều này với những lý do khác, với những định nghĩa không chính xác, v.v..., và xác quyết về điều đó.

Hãy cố gắng tập trung vào trí phân biệt ấy: “Tôi có một kiếp người quý giá, bởi vì tôi không phải làm một con thú.”. Hãy tập trung vào sự hiểu biết đó. Đúng ra thì thứ tự nên đi theo cách ngược lại: “Tôi không phải làm một con thú. Do đó, tôi có được kiếp người quý báu.”. Nói cách khác là dựa vào một cách lý luận, rồi đi đến kết luận, và mình phải dựa vào lý luận đó hết lần này đến lần khác.

Vậy thì bạn thấy có một sự khác biệt lớn giữa hai bước đầu tiên, lắng nghe và tư duy. Trí tuệ mà mình có được từ mỗi một bước này thì khá khác nhau.

  • Bước thứ nhất là: “Tôi có một kiếp người quý báu.”. Bạn biết đó là giáo lý nhà Phật, không có nghi ngờ gì về điều đó, nhưng mình chỉ ước đoán nó là sự thật, mà không thật sự hiểu ý nghĩa của nó.
  • Nhưng với bước thứ hai thì mình biết kiếp người quý báu có nghĩa là gì. Chúng ta biết tại sao mình có được nó (lý do của nó) và biết mục tiêu của những điều khiến cho nó trở nên quý giá (quý giá vì có khả năng tu hành). Vậy thì thay vì ước đoán nó là sự thật mà không hiểu rõ, thì mình có thể đi đến kết luận này, và hiểu nó một cách xác thực, nhờ suy luận. Nó có nghĩa là bằng cách dựa vào một cách lý luận. Và mình sẽ có trí phân biệt đối với nó. Nó có nghĩa là quả quyết về điều đó. Mình có sự xác tín chắc rằng “Tôi thật sự có một kiếp người quý báu vì lý do này, và lý do kia, và nó được sử dụng cho mục đích này và mục đích kia.”. 

Biện Luận

Hiện nay thì pháp biện luận là một cách rất hữu ích ở đây, để có được tâm xác tín, bởi vì điều mà pháp biện luận làm là giúp cho mình loại bỏ bất kỳ sự giao động, do dự nào, hay chỉ có khái niệm không chính xác về ý nghĩa. Chúng ta sẽ không do dự. Chúng ta sẽ không giao động: Mình có điều đó hay không? Tôi không có nó hay sao? Có phải nó có nghĩa là như vậy? Bởi vì người khác sẽ tìm thấy nhiều sơ hở trong sự suy nghĩ của mình hơn là chính mình có thể thấy. Nếu bạn chỉ ngồi một mình và kiểm tra sự hiểu biết của mình, thì rất dễ nói rằng, “Vậy là đủ rồi.”, trong khi người khác có thể tìm thấy lỗi lầm và sơ hở trong sự suy nghĩ của mình một cách hữu hiệu hơn nhiều, và họ sẽ kiên trì nhắm vào nó lâu hơn và hăng hái hơn nhiều, so với việc mình có thể làm như vậy với chính bản thân. Đôi khi, trong cuộc tranh luận thì bạn sẽ đi đến một mức độ mà bạn sẽ nói rằng, “Đủ rồi. Hãy để tôi yên.”. Nếu bạn chỉ tự mình thiền quán, thì tất nhiên là bạn đã dừng lại từ lâu rồi. Vì lý do này mà truyền thống Tây Tạng nhấn mạnh rất nhiều về phương pháp biện luận. Nó có chủ ý giúp cho mình có được tâm xác tín, mà không do dự về sự hiểu biết của mình.

Thiền Phân Tích

Vậy thì đó là việc tư duy hay suy ngẫm về giáo pháp. Rồi thì mình phải thiền về chúng. Ý của tôi là, người ta thường nghĩ rằng giai đoạn thứ hai là thiền, nhưng thật ra nó là việc suy tư, suy ngẫm về giáo pháp. Thiền là điều gì vượt qua điều đó. Nhưng dĩ nhiên là mình không thể hành thiền, trừ khi đã thực hiện bước thứ hai. Trừ khi bạn đã lãnh hội giáo pháp, và tin chắc là nó đúng, nếu không thì bạn không thể thiền về nó. Bạn có thể hiểu điều gì, và tin chắc rằng nó sai, nhưng mình đang nói về việc thấu hiểu và tin chắc rằng nó đúng. Bởi vì thiền là bước để kết hợp điều này, sự hiểu biết và niềm tin này, vào cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

Vậy thì trước tiên, mình sẽ thực hiện thiền phân tích, mà tôi thích gọi là "thiền quán", rồi sau đó là thiền định. Hai yếu tố này là để kếp hợp và tiêu hóa giáo pháp. Bây giờ, đối với thiền quán thì chủ yếu là mình sẽ sử dụng hai tâm sở (trọng tâm là ở đây; dĩ nhiên là có nhiều tâm sở khác mà mình phải sử dụng, như định và vân vân). Cách mà tôi muốn dịch chúng là phát hiện thô sơ (rtog-pa) và nhận thức vi tế (dpyod-pa). Trong một số bối cảnh thì hai thuật ngữ này có nghĩa là “tầm” và “tư”.

Làm sao để hiểu hai tâm sở này? Hãy sử dụng một ví dụ về việc hiệu đính một bản văn, xem qua điều gì mà bạn đã viết, hoặc ai đó đã viết, để xem có nó có điều gì sai sót hay không. Trước tiên thì mình sẽ xem xét đại khái, và phát hiện là có những sai sót trên trang này. Bạn sẽ xem đại khái, và có thể phát hiện ra điều đó. Sau đó thì bạn sẽ xem xét kỹ lưỡng và phân biệt các chi tiết cụ thể. Bạn có thấy sự khác biệt hay không? Vậy thì đó là tầm, là sự phát hiện thô sơ về những gì đang diễn ra, rồi sau đó là tư, là một nhận thức vi tế về chuyện gì đang xảy ra.

Đối với việc thiền phân tích hay thiền quán về việc có được kiếp người quý báu, thì ta phải làm gì? Ta sẽ tập trung vào bản thân mình, rồi khảo sát đại khái và xem xét kỹ lưỡng xem mình có những đặc điểm xác định không phải là một con thú hay không. Vậy thì mình sẽ khảo sát đại khái, và phát hiện là mình không giống như con thú. Chúng ta phát hiện ra điều gì, khi khảo sát điều này? Ta phát hiện là mình có thể học hỏi, giao tiếp, hành động ở mức độ tinh vi hơn nhiều, so với một con thú. Đúng không? Vậy thì hãy làm điều đó. Và bạn sẽ nhìn vào chính mình, không chỉ bằng lời. Chúng ta đã thực hiện bước thứ hai. Những từ ngữ này có ý nghĩa, các bạn nhớ không? Chúng ta phát hiện ra những điều là:

  • Tôi có thể học hỏi.
  • Tôi có thể truyền đạt ý tưởng.
  • Tôi có thể hành động tế nhị hơn một con thú.

Vậy thì mình đã phát hiện ra tự do của việc không phải làm con thú. Sau đó, mình sẽ xem xét rất kỹ lưỡng, và nhận thấy tuy đôi khi mình có thể hành động như một con thú – chẳng hạn như đối với hành vi tình dục là đi đến vũ trường, ngửi mùi của những người có khả năng là bạn tình của mình, và có những mối tình qua đêm – nhưng không bắt buộc là mình phải làm như vậy. Chúng ta không bắt buộc phải hành xử như thế. Ta có thể phân biệt và thay đổi hành vi của mình. Nên ta sẽ tập trung vào việc phân biệt rằng mình không phải là một con thú. Đây là những chi tiết tinh vi về mặt hành vi của mình.

Dù đang tìm kiếm một người tình, hay lùng bắt muỗi và gián trong nhà, hay bất cứ thứ gì, thì ta sẽ cố gắng nhận ra rằng “Tôi có thể hành động như vậy, nhưng không bắt buộc phải hành xử như vậy. Tôi có thể lựa chọn. Tôi không nhất thiết phải là người như thế. Tôi là một con người. Cuối cùng thì mình không phải là một con thú. Tôi không phải sủa như tất cả những con chó khác. Nếu như có người nào tuyên bố rằng bạn phải mặc quần áo theo chiều dài này, chứ không phải chiều dài kia, bạn phải có mái tóc như thế này, không phải như thế kia, hoặc bạn phải hát bài hát này, chứ không phải bài hát kia, thì mình không phải làm như vậy. Bạn biết đó, chúng ta không phải là thú vật, mà khi những con thú khác sủa thì mình sẽ sủa theo.”. Hãy sử dụng một điểm thích hợp hơn, gần với chủ đề hơn. Khi mọi người đều hét lên: “Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh”, thì mình không phải hét theo “Chiến tranh, chiến tranh”, đúng không? Mình không phải là con chó phải sủa, khi những con chó khác sủa.

Vậy thì mình sẽ nhận thấy trong chi tiết tinh tế này rằng “Tôi thật sự không phải là một con thú.”. Hãy làm điều đó. Chúng ta không phải là con thú, phải ngồi đó như một con chó, và đợi chủ nói, “Hãy đi lấy khúc xương.”. Chúng ta có thể suy nghĩ.

Hãy duy trì sự phát hiện và phân biệt đó, cụ thể là phân biệt rằng mình không phải là con thú, và lại đi qua dòng lý luận một lần nữa:

  • Nếu như mình là thú vật, thì không thể tu tập Pháp một cách trọn vẹn.
  • Mình có được tự do, vì không phải làm loài thú. 
  • Do đó, mình có kiếp người quý báu để tu tập Pháp.

Rồi thì hãy chú tâm vào sự hiểu biết bằng suy luận đó, và tập trung vào việc nhận thức rằng mình có được kiếp người quý báu.

Vậy thì hãy làm điều đó:

  • Nếu như mình là thú vật, thì không thể tu tập Pháp một cách trọn vẹn.
  • Mình có được tự do vì không phải làm loài thú. Tôi có thể phân biệt điều đó.
  • Do đó, mình có kiếp người quý báu để tu tập Pháp.
  • Và bây giờ, hãy nhận ra mình có một kiếp người quý giá, với sự hiểu biết bằng suy luận về lý do tại sao.

Vì có sự phân biệt này, nên nó được gọi là thiền quán. Như tôi đã nói, nó thường dịch là thiền phân tích, nhưng phân tích không truyền đạt được ý nghĩa, đúng không? Và ở đây, chúng ta có trí tuệ phát sinh từ việc hành thiền. Nó rất quả quyết, bởi vì ta có thể nhận ra là mình có kiếp người quý giá này, vì lý do này và lý do kia. Và sẽ xem xét kỹ lưỡng. Ta sẽ thấy chắc chắn là mình có nó, vì lý do này và lý do kia.

Thiền Định

Có hai bước để hành thiền, một bước là thiền quán, và một bước là thiền định. Với thiền định thì mình chỉ tập trung vào kiếp người quý giá, mà không chủ động phân biệt chi tiết về nó - chữ quan trọng ở đây là chủ động - mà không nhận thức rằng “Bởi vì tôi không phải là một con thú”, và “Nếu như mình là một con thú, thì không thể hành thiền”, v.v ... Vì vậy, những gì chúng ta đang làm là tập trung vào cảm giác là mình có một kiếp người quý báu. Cảm giác ở đây có nghĩa là niềm tin xác tín, rằng mình thật sự tin vào điều đó. Đó là điều mà bạn tập trung vào. Nó không phân biệt chi tiết. Đó là niềm tin xác tín, và cảm giác có được kiếp người quý báu. Tất nhiên là điều này dựa trên sự hiểu biết nó là gì, và sau khi đã nhận ra nó.

Hãy làm điều này trong chốc lát. 

Với pháp thiền này thì mình sẽ đoạn trừ những khiếm khuyết và vấn đề như lãng phí thời gian, và phát triển những phẩm chất tốt đẹp, bằng cách nhận ra kiếp người quý báu, nên sẽ sử dụng nó một cách tích cực cho giáo pháp. Bởi vì mình thấu hiểu điều gì về tự thân, nên sẽ cố gắng kết hợp nó; vì cảm nhận được nó. Điều này sẽ đem lại sự thay đổi, bởi vì nó loại bỏ một nguyên nhân tạo ra vấn đề, và phát triển một phẩm chất tốt.

Chúng ta có thể so sánh điều này với việc chỉ tập trung vào hơi thở, mà không có sự hiểu biết đi kèm với nó. Nó có thể giúp cho mình tĩnh tâm, nhưng việc đi ngủ và uống thuốc an thần cũng có thể làm như vậy. Nó không chấm dứt nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình. Mặt khác, nếu như mình tập trung vào hơi thở với sự hiểu biết và phân biệt – phân biệt và hiểu biết những điều như vô thường, thay đổi trong từng sát na, không có tôi là người điều khiển hơi thở, hay người quan sát quá trình - thì nó có thể bắt đầu hoạt động như một nhân tố đoạn trừ nguyên nhân tạo ra vấn đề.

Sự phân biệt này là rất là quan trọng, để tạo ra mục tiêu của Pháp, đó là đoạn trừ nguyên nhân tạo ra vấn đề, và chứng ngộ tiềm năng, các tiềm năng tích cực của mình.

Hiểu Biết Về Mặt Trí Thức, Trực Giác, Linh Cảm Và Cảm Xúc

Bây giờ, hãy lưu ý rằng cả hai pháp thiền quán và thiền định đều là khái niệm. Cả hai đều là nhận thức về khái niệm về những gì mà mình đã mô tả ở đây. Cả hai đều là khái niệm. Cả hai đều thông qua một ý tưởng về ý nghĩa của kiếp người quý báu. Khái niệm có nghĩa là như vậy - thông qua phương tiện của một ý tưởng. Thiền quán dựa vào một cách lý luận, còn thiền định thì không dựa vào một cách lý luận, nhưng cả hai vẫn tập trung vào kiếp người quý báu, thông qua ý tưởng về kiếp người quý báu. Vậy thì ý tưởng là một biểu tượng. Ý của tôi là, ý tưởng là gì? Ý tưởng là một biểu tượng cho kiếp người quý báu. Một là mình dùng lời nói để làm biểu tượng cho nó, hay một hình ảnh, hoặc cảm giác, nhưng có một ý nghĩa liên quan đến biểu tượng này. Có một ý nghĩa liên quan đến ngôn từ hay hình ảnh, hoặc cảm giác.

Tôi nêu ra điều này, bởi vì chúng ta thường lầm lẫn rất nhiều về việc thấu hiểu quá trình hành thiền của đạo Phật, và đem các thuật ngữ của phương Tây vào đó, là điều xuất phát từ một hệ thống hoàn toàn khác biệt. Thường thì trong thuật ngữ phương Tây, mình sẽ phân biệt giữa quá trình trí thức và quá trình trực giác. Vậy thì điều này sẽ tương ứng với điều gì ở đây, trong pháp phân tích của nhà Phật?

  • Nếu như mình dùng từ ngữ để đại diện cho một điều gì đó - một ý tưởng bao gồm từ ngữ - và chú ý vào một điều gì đó bằng ngôn từ, thì mình sẽ gọi đó là quá trình trí thức.
  • Trong khi đại diện cho điều gì bằng một cảm giác hay hình ảnh - một ý tưởng dựa vào cảm giác hay hình ảnh - và tập trung vào đó, thì mình sẽ gọi đó là quá trình trực giác.

Nhưng xin lưu ý là dù mình đại diện cho điều gì bằng lời nói, hay hình ảnh và cảm giác, thì trong cả hai trường hợp, sự đại diện này có thể là một biểu tượng chính xác, hay không chính xác. Và cả hai đều là khái niệm, cả hai quá trình trí thức và trực giác này đều có tính chất khái niệm, và cả hai đều phải đi kèm với sự hiểu biết chính xác về ý nghĩa của từ ngữ, hay điều mà cảm giác hay hình ảnh này biểu thị. Bạn có hiểu không?

Hơn nữa, để có thể tiêu hóa sự hiểu biết này thì mình phải tin vào nó, và phải tập trung vào nó với niềm tin xác tín. Một niềm tin xác tín. Đây là điều mà tôi nghĩ mình sẽ gọi là một sự hiểu biết bằng trực giác ở phương Tây. Và khi sự hiểu biết bằng trực giác này đi kèm với những cảm xúc có tính xây dựng như đánh giá cao - chúng ta đánh giá cao giá trị và tính hiếm hoi của kiếp người quý báu - thì ở phương Tây, chúng ta sẽ nói rằng mình thấy cảm động vì sự hiểu biết này.

Đây là lý do tại sao có hai khía cạnh về mối quan hệ lành mạnh với đạo sư, trong bài thiền về điều đó. Một là niềm tin xác tín về phẩm chất thiện hảo của vị thầy, hai là cảm kích lòng tốt của thầy, nên mình có niềm tin xác tín, và cũng cảm động vì điều đó. Khi có được hai yếu tố này, thì dù cho sự hiểu biết có được thể hiện bằng lời nói hay cảm giác hay không cũng không quan trọng, không có gì khác biệt. Vì vậy, cho dù mình có sử dụng cách tiếp cận trí thức hay trực giác từ cách phân tích của phương Tây hay không thì không quan trọng. Miễn sao mình có niềm tin xác tín và hiểu biết vững vàng về điều đó, và đánh giá nó cao, thì có thể tạo ra sự chuyển hóa. Nhưng hãy luôn luôn nhớ rằng: “Ngày nào còn ở trong luân hồi, thì sự chuyển hóa vẫn không phải là đường thẳng tiến. Nó sẽ thăng trầm. Nó sẽ không trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Về lâu về dài thì mình có thể cải thiện vấn đề, nhưng nó sẽ thăng trầm từ ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ khác.

Hãy nhớ rằng khi mình cố gắng xác định một cách tiếp cận bằng trực giác v.v..., thì vẫn phải dựa vào một cách lý luận, để có sự hiểu biết và niềm tin xác tín. Nếu không, nếu như mình chỉ có cảm giác về điều gì đó, thì nó có thể rất thiếu chính xác và mơ hồ, và không hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng nếu như sử dụng một cách lý luận, nếu như mình nhận ra nhiều điều khác nhau trong tự thân, và hiểu nó, thì mình sẽ tin chắc về điều đó, sẽ biết định nghĩa, và có thể nhận ra nó trong chính mình, vân vân. Rồi nếu như mình là một loại người có khuynh hướng trí thức, thì mình có thể dùng ngôn từ để đại diện cho nó, và tập trung vào nó bằng từ ngữ, hoặc nếu như mình là loại người nghiêng về trực giác nhiều hơn, thì có thể sử dụng hình ảnh hay cảm giác để đại diện cho nó, và tập trung vào nó bằng hình ảnh hay cảm giác. Nó không quan trọng. Cả hai đều có thể hợp lệ, và cả hai đều là khái niệm. Nhưng để làm cho nhận thức trở thành vô niệm thì điều đó rất là khó, khi chỉ nhận thức điều gì đó - nhận thức rằng mình có một kiếp người quý báu - không thông qua một ý tưởng về nó, không thông qua cảm giác về nó, v.v..., mà chỉ bằng một cách trực tiếp. Đó là điều rất khó khăn.

Vì vậy, nếu như hiểu rõ điều này, thì ta có thể thấy là dù mình là loại người trí thức hay trực giác, thì vẫn cần phải thực hiện bất kỳ sự tiến triển nào mà mình phải trải qua những cách nhận biết hợp lệ này: Bạn nghe điều gì đó và ước đoán là nó đúng như vậy. Sau đó, bạn phải hiểu, phân biệt và thấu hiểu; phải có được một sự hiểu biết bằng suy luận. Và sau đó thì tập trung vào nó. Được rồi, vậy thì đó là quá trình về cách mà mình đạt được tiến triển trên đường tu, nhờ văn, tư, tu. Thiền phân tích là như vậy.

Cần phải có thời gian. Có thể là bạn mới nghe nói về điều này. Sau đó, bạn phải suy nghĩ về nó, nghiền ngẫm nó. Trước đây, có lẽ bạn chỉ có một sự hiểu biết rất thô sơ về việc thiền phân tích là gì, nên bây giờ thì đã nghe thêm một chút về cách bàn luận tinh vi. Vậy thì bạn phải suy nghĩ về nó. Hãy tư duy về nó một cách chậm rãi.

Câu Hỏi

Tôi hiểu tầm quan trọng của pháp thiền phân tích này, cũng như cách nó liên hệ đến mối quan hệ với đạo sư như thế nào. Điều tôi không hiểu là tại sao mình lại không có quyền thắc mắc về vị thầy, rằng mình phải xem những gì thầy nói và cách thầy cư xử, v.v..., một cách yên lặng, không có sự nghi ngờ hay thắc mắc nào.

Đó không phải là giáo huấn thật sự trong giáo pháp. Đặc biệt là từ quan điểm của giới luật, kỷ luật đạo đức: Nếu vị thầy có hành vi đối nghịch với giới luật, với giới nguyện, thì mình sẽ nêu ra điều đó. Mình sẽ không làm theo như vậy. Nếu như thầy yêu cầu mình làm điều gì đối nghịch với giáo huấn về đạo đức, thì sách vở nói rất rõ ràng là bạn sẽ từ chối làm việc đó, và nói 'không'.

Và nếu như đi sâu hơn vào giáo lý Kinh điển và Mật điển: Nếu như thầy nói điều gì không phù hợp với giáo lý, thì mình sẽ hỏi thầy, “Con không hiểu điều đó. Điều này mâu thuẫn với những gì Thầy đã nói trước đây. Thầy có thể giải thích nó một cách sâu sắc hơn hay không?”. “Điều này mâu thuẫn với kinh sách. Thầy có thể giải thích nó một cách sâu sắc hơn hay không?” vân vân. Bởi vì thầy có thể nói lầm, như bất cứ ai khác.

Giống như ví dụ kinh điển về một tiền kiếp của Đức Phật: Khi vị thầy bảo Phật và các đệ tử khác đi trộm cắp, thì ngài đã không làm điều đó. Thế là thầy đã hỏi ngài, và Đức Phật nói rằng, “Làm sao việc trộm cắp lại giúp ích gì cho ai?”. Vị thầy nói, “À há, con đã hiểu điểm chánh của bài học. Con là người duy nhất hiểu điều này.”.

Từ quan điểm của Tối Thượng Du Già Mật Điển thì nếu như thấy sự mâu thuẫn trong bản thân thầy, và hành vi đối nghịch với Pháp của thầy, v.v..., và khi mình chất vấn, vân vân, mà thầy không thừa nhận điều này, và không thay đổi, v.v... Nếu mình thấy tất cả những lỗi lầm này, ngay cả khi đã nhận lễ quán đảnh Mật tông với thầy, thì điều mình nên làm là giữ một khoảng cách với thầy. Không cần phải tu học hay ở gần vị thầy đó nữa, nhưng hãy giữ im lặng. Hãy giữ một khoảng cách với lòng tôn trọng. Đừng đồn đãi về thầy. Và đừng nghĩ rằng, “Ồ, vị thầy này kinh khủng biết bao nhiêu.”. Hãy cảm kích những gì mình đã học được, đánh giá cao những phẩm chất tốt đẹp về những điều mình đã học được, và chỉ cần giữ tâm bình đẳng với phần còn lại.

Khi bạn nói mình sẽ không đặt câu hỏi, thì nó có nghĩa là gì? Bạn không thắc mắc là vị thầy có Phật tánh, bạn không thắc mắc về điều đó, nhưng không có nghĩa là bạn không thắc mắc về chỉ giáo của thầy, khi nó có vẻ không phù hợp. Khi nhìn vào những ví dụ như Tilopa bảo Naropa nhảy xuống vực thẳm, và ngài đã làm như vậy: Như Đức Dalai Lama luôn nói rằng hãy xem xét vấn đề. Tilopa là một đạo sư đã đạt đến mức mà ngài có thể ăn một con cá sống, rồi để xương cá trên mặt đất rồi búng ngón tay, và con cá sẽ sống lại. Còn Naropa là Hòa Thượng Trụ Trì thông thái nhất trong thời của ngài. Nếu như thầy của mình có trình độ của Tilopa, và mình có trình độ của Naropa, thì ví dụ đó từ tiểu sử của Naropa sẽ liên hệ với mình. Nếu như mình không ở trình độ đó, và đạo sư của mình không ở trình độ đó, mà hầu hết mọi người thuộc về trường hợp này, thì đó là chuyện hoàn toàn khác. Vì vậy nên phải luôn luôn phối kiểm vấn đề. Thầy đang làm gì, và nó có phù hợp với Pháp hay không? Thầy đang giảng dạy điều gì, và điều đó có phù hợp với Pháp không? Phải luôn luôn quán sát. Nếu như không biết, thì phải tìm hiểu vấn đề. 

Tôi là đệ tử cấp một. Tôi là một người mới đến trung tâm, mới đến với giáo pháp. Dĩ nhiên là tôi biết vì sự khiếm khuyết và thiếu hiểu biết của mình mà tôi phải đương đầu với khó khăn này, nhưng tôi thấy nó rất là khó hiểu, và khó chấp nhận về khái niệm tái sinh và những kiếp sau, và hiểu rằng đây là một điều rất quan trọng trong Phật pháp. Vì vậy, ví dụ như khi thiền quán về kiếp người quý báu của mình, là điều mà tôi đã hành trì một cách sâu sắc như cách tôi muốn tiếp cận với đề tài này, và xem nó như một tặng phẩm, như một khả năng, một cơ hội để thay đổi, tôi biết rằng mình phải nghĩ đến những kiếp tương lai, đó là điều rất, rất khó khăn đối với tôi. Nên tôi có cảm giác là không cần biết mình sẽ thiền quán sâu xa đến mức nào và thường xuyên ra sao về kiếp người quý báu, mà vì không có sự hiểu biết về những kiếp tương lai, thì việc đánh giá đầy đủ về kiếp người quý báu của mình sẽ luôn luôn không được trọn vẹn. Nên đây là vấn đề nan giải. Làm sao để khắc phục nó?

Quan sát của bạn rất tốt. Một trong các Mật giới là không bao giờ cảm thấy hài lòng với sự hiểu biết của mình về bất cứ điều gì, cho đến khi đạt được giác ngộ. Và điều đó có nghĩa là sự hiểu biết về vạn pháp, kể cả kiếp người quý báu, sẽ ngày càng sâu sắc hơn, khi tiến triển trên đường tu. Ngay cả khi hiện giờ thì mình hiểu vấn đề tái sinh, nhưng bạn vẫn có thể đi sâu hơn nhiều, về mặt thấu hiểu về kiếp người quý báu. Điều đó không có nghĩa là sự hiểu biết ở một giai đoạn sớm hơn không có lợi ích. Mỗi giai đoạn đều ích lợi cho đường tu, đặc biệt là nếu như mình luôn nghĩ rằng mức độ hiểu biết mà mình đang có hiện giờ là bước đệm trên con đường đưa đến sự hiểu biết sâu xa hơn và sâu sắc hơn nữa. Với sự khiêm tốn này thì sự việc sẽ hoàn hảo.

Điều này rất rõ ràng trong giáo pháp: Đừng bao giờ cảm thấy rằng bạn đã hiểu nó một cách đủ sâu sắc. “Ồ, bây giờ thì tôi đã hiểu rồi. Tôi không cần phải tư duy về kiếp người quý báu nữa.”. Đó là một sai lầm lớn. Bạn luôn luôn có thể đi sâu hơn và sâu hơn nữa.

Như ông đã giải thích, là con người thì mình có khả năng phân biệt. Chúng ta có thể chọn không sủa, hoặc không làm tất cả những điều mà ông nói. Nhưng rồi, nếu như mình có khả năng phân biệt này, thì điều đó có nghĩa là mình có tiềm năng, hãy cho là vậy đi. Vậy thì làm sao mà khi tái sinh thành thú vật thì mình lại mất đi những tiềm năng đó? Ý của tôi là, nghe có vẻ phi lý và không phù hợp, rằng mình có thể mất đi những tiềm năng đó, tiềm năng phân biệt mà mình đã có hiện nay, nếu như mình tái sinh thành một con vật. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Bạn phải phân biệt giữa một tiềm năng và khả năng rõ ràng. Một đứa trẻ có rất nhiều tiềm năng. Nó có tiềm năng để lái một chiếc xe hơi, nhưng không có khả năng thật sự. Và khi bị bệnh thì mình vẫn có tiềm năng để suy nghĩ một cách rõ ràng, làm việc, v.v..., nhưng hiện giờ thì vì chướng ngại, nên mình không có khả năng biển hiện điều đó. Tương tự như vậy thì tiềm năng vẫn có mặt trong một con thú - tiềm năng Phật tánh vẫn còn đó - nhưng khả năng biểu hiện nó thì không (hoặc là nếu có, thì ở mức độ rất thấp so với con người).

Hồi Hướng

Hãy kết thúc bằng lời hồi hướng. Điều quan trọng là công đức được tạo tác từ hành vi mà mình đã thực hiện ở đây để lắng nghe và thiền quán, v.v... - nếu như không hồi hướng điều này cho giác ngộ, nếu như không làm gì cả, không thiết lập mặc định, thì nó sẽ vận hành như một nguyên nhân để cải thiện luân hồi. Ví dụ như mình sẽ đánh giá cao kiếp người có khả năng kiếm được nhiều tiền. Do đó, để giúp cho điều này vận hành như nhân giác ngộ, thì phải hồi hướng công đức cho điều đó. Nên mình sẽ làm điều này bằng cách rất là có ý thức. Chúng ta sẽ nói rằng, “Nguyện cho hành vi này là nhân để thành tựu thân, khẩu, ý của một vị Phật, để có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”. Rồi thì nó sẽ trở thành nhân như vậy. Và “Nguyện cho sự thấu hiểu và cảm kích này sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn, để nó bắt đầu đem lại kết quả trong hành vi của con, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, trong suốt đường tu đến giác ngộ.  

Top