Cơ Chế Của Nghiệp

Giải Thích Về Nghiệp

Nếu sẽ tu tập để khắc phục nghiệp chướng, để loại bỏ sự thúc bách trong hành vi của mình thì ta cần phải biết nghiệp hoạt động như thế nào. Có một số giải thích chi tiết về điều này trong văn học Phật giáo. Nói chung thì có lời giải thích trong truyền thống Pali và những giải thích trong các truyền thống tiếng Phạn (Sanskrit). Tiếng Pali và tiếng Phạn là hai ngôn ngữ của Ấn Độ cổ xưa. Truyền thống Nguyên thủy (Theravada) theo phiên bản Pali. Những gì tôi sẽ giải thích xuất phát từ truyền thống tiếng Phạn, chính nó cũng có hai phiên bản. Tôi sẽ cố gắng trình bày những sự khác biệt giữa hai phiên bản này, nhưng không quá chú trọng vào sự khác biệt, bởi vì chúng chấp nhận rất nhiều điểm chung.

Nhưng trước khi làm việc này thì có một lời khuyên hữu ích. Khi tìm ra một số cách giải thích khác nhau về vạn pháp trong đạo Phật, chẳng hạn như về nghiệp thì điều quan trọng là không tiếp cận nó từ thái độ mà ta có thể thừa hưởng từ cách tư duy về kinh thánh, đó là một Thiên Chúa, một Chân Lý: “Chỉ có một cách đúng và tất cả những cách khác là sai.”. Thay vì vậy, mỗi một cách giải thích này nhìn vào nghiệp từ một góc độ khác nhau, và giúp ta hiểu nó bằng những cách giải thích khác nhau mà nó đưa ra. Tất cả đều hữu ích, để giúp ta khắc phục đau khổ, và đó là toàn bộ mục đích.

“Cảm Giác Muốn Làm Hay Nói Điều Gì” Là Bước Đầu Về Cách Nghiệp Vận Hành

Trong tiếng Phạn, A Tỳ Đạt Ma (abhidharma) là loại văn học thảo luận về nghiệp. Theo truyền thống A Tỳ Đạt Ma này, chúng ta sẽ bắt đầu với chữ "cảm giác" về mặt giải thích những gì mình trải nghiệm. Đây là một chữ rất khó, bởi vì trong các ngôn ngữ Tây phương, nó có rất nhiều ý nghĩa. Ở đây, tôi không sử dụng “cảm giác” theo ý nghĩa cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh, hay cảm thấy  cảm xúc nào đó, hay trực giác. Tôi sử dụng nó theo nghĩa cảm giác muốn làm hay nói, hay suy nghĩ điều gì đó. Từ ngữ trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là một sự mong ước, muốn làm một điều gì đó.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi cảm thấy muốn làm, nói hoặc suy nghĩ điều gì thì tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy? Có thể là do hoàn cảnh mà ta đã gặp, ví dụ như thời tiết, những người ở gần mình, hoặc thời gian trong ngày. Nó cũng bị ảnh hưởng vì việc mình cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh. “Tôi thấy không vui, nên tôi muốn đi làm việc khác.”. Đó cũng có thể là do xu hướng hành động, nói năng hoặc suy nghĩ theo những cách nào đó trong quá khứ. Một số cảm xúc thúc đẩy cũng sẽ có mặt. “Tôi cảm thấy muốn hét lên với bạn vì tức giận.”.  Có thể bạn vừa nói điều gì khó chịu với tôi, nên tôi tức giận và không vui vì điều đó. Xu hướng của tôi là hét lên bất cứ khi nào có ai nói điều gì khó chịu với tôi, nên điều đó hỗ trợ cho cảm giác này. Rồi cũng có một sự bám chấp cho một cái “tôi” vững chắc. Tôi, tôi, tôi. “Bạn đã nói điều gì  khó chịu với tôi”, hay “Sao bạn dám nói điều đó với tôi?” Tất cả những yếu tố đó kết nối với nhau, khi mình cảm thấy muốn làm, nói hoặc nghĩ về điều gì. Chẳng hạn như suy nghĩ về một điều gì đó, có thể là âm mưu, “Tôi có thể nói gì để thật sự làm tổn thương bạn?” Cách suy nghĩ như thế.

Ý Nghiệp

Dựa trên một cảm giác như vậy mà ý nghiệp phát sinh, cụ thể là sự thúc bách. Sự thúc bách ở đây là một sự thôi thúc tinh thần, khiến mình phải suy nghĩ, để hành động những gì trước đây mình cảm thấy thích làm. Nó lôi kéo ta vào hành động suy nghĩ về nó, điều này có thể hay không thể dẫn đến việc thật sự thực hiện điều mà mình đã suy nghĩ, để nói hay làm. Một cảm xúc thúc đẩy, ý định và sự bám chấp vào cái “tôi”, tất cả đều đi kèm với sự thôi thúc tinh thần này để suy nghĩ về việc làm hay nói điều gì đó.

Nếu có thể làm chậm lại sự việc này trong khi hành thiền, để có đủ nhạy cảm để phân biệt những gì đang xảy ra trong tâm trí, thì ta có thể phân biệt các bước, mặc dù thường thì chúng xảy ra rất nhanh. Ví dụ như tôi cảm thấy muốn hét lên với bạn, vì tôi giận dữ. Một sự thôi thúc cưỡng ép khiến cho tôi nghĩ đến việc la hét, vào lúc ý nghĩ này kết thúc thì tôi sẽ quyết định mình sẽ nói điều gì hay không. Nếu tôi quyết định hét lên thì các bước tiếp theo sẽ theo sau.

Giải Thích Đơn Giản Hơn Về Thân Nghiệp Và Khẩu Nghiệp

Kế đến là thân nghiệp hay khẩu nghiệp, và đối với điều này thì có hai cách giải thích, do hai phiên bản hoặc truyền thống tiếng Phạn khác nhau. Hãy bắt đầu với phiên bản đơn giản hơn. Theo cách giải thích này thì thân nghiệp và khẩu nghiệp, giống như ý nghiệp, cũng là những sự thôi thúc tinh thần, những sự thôi thúc cưỡng ép, khiến ta bắt đầu một hành động, tiếp tục hành động và cuối cùng thì chấm dứt hành động. Sự thôi thúc trong tinh thần để suy nghĩ, hành động hay nói điều gì đó được gọi là “động lực thúc đẩy”, và sự thôi thúc trong tinh thần sẽ khiến ta thật sự làm hay nói điều đó được gọi là “nhân thúc đẩy”. Nên chú ý là thậm chí khi nghĩ về việc làm hay nói điều gì thì mình có thể hay không thể làm hoặc nói điều đó; và nếu ta làm hay nói điều gì đó thì trước đó, ta có thể nghĩ hoặc không nghĩ về nó một cách có ý thức. Tất cả bốn trường hợp đều có thể xảy ra.

Cảm xúc đi kèm với mỗi bước của một hành động có thể thay đổi và khá khác nhau. Ví dụ như con tôi đang ngủ. Có rất nhiều muỗi trong phòng. Nếu sống ở vùng hay bị sốt rét thì tôi sẽ lo lắng có thể con tôi sẽ bị muỗi cắn và bị sốt rét. “Cảm xúc thúc đẩy” đi kèm với “động lực thúc đẩy” khiến tôi suy nghĩ sẽ đập những con muỗi, có thể vì lòng bi mẫn lo lắng cho con tôi. Nếu như sau khi nghĩ đến việc giết chúng mà tôi thật sự quyết định làm điều đó thì cảm xúc của tôi rất có thể sẽ thay đổi. “Nhân cảm xúc” đi kèm với “nhân thúc đẩy” hiện nay khiến tôi thật sự đập con muỗi là sự thù địch và tức giận. Tôi cần phải có sự thù địch với muỗi, nếu không thì tôi sẽ không cố giết chúng. Tôi không muốn chỉ  làm cho chúng sợ hay đuổi chúng đi, mà muốn đánh chúng đủ mạnh để giết chúng. Cảm xúc của tôi đã thay đổi.

Nó rất thú vị, nếu bạn thật sự làm mọi thứ chậm lại để xem trạng thái cảm xúc của mình có thể thay đổi như thế nào. Chẳng hạn, nếu thấy một con gián thì lúc đầu, bạn có thể nghĩ với lòng bi mẫn lo lắng cho con của bạn, “Tôi không muốn con gián đó bò trên mặt con tôi.”. Rồi thì với sự tức giận, “Tôi thật muốn giết con gián đó, đè bẹp nó cho tới khi nó chết!” Nhưng khi bạn đạp lên nó và nghe tiếng cơ thể nó bị nghiền nát dưới chân mình thì giờ đây, cảm xúc của bạn trở thành ác cảm. Đến lúc sự thôi thúc phát sinh để kết thúc hành động dẫm lên nó bằng cách nhấc chiếc giày của bạn lên, khi bạn nhìn thấy mớ bầy nhầy đã tuông ra quanh thân thể nó, bấy giờ thì cảm xúc của bạn là hoàn toàn ghê tởm. Nên cảm xúc của bạn thay đổi rất nhiều, trong toàn bộ quá trình và tất cả những điều đó ảnh hưởng đến sức mạnh của sự thôi thúc mà dựa vào đó, bạn sẽ hành động, và sẽ ảnh hưởng đến kết quả tiếp theo.

Đây là cách giải thích đơn giản hơn về nghiệp: dù đó là ý nghiệp, khẩu nghiệp hay thân nghiệp thì tất cả đều là tâm sở. Chúng đều là những sự thôi thúc tinh thần, chỉ là những dạng xung động tinh thần khác nhau, được phân biệt theo loại hành động lôi kéo ta vào một hành vi qua thân, khẩu hay ý.

Điều rất quan trọng là không nhầm lẫn nghiệp (tính thôi thúc) với cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực đi kèm với nó. Chúng không giống nhau. Không có điều gì vừa là một sự thôi thúc của nghiệp, vừa là một cảm xúc. Nghiệp giống như một thỏi nam châm thu hút ta suy nghĩ để hành động, tiếp tục hành động, rồi dừng lại. Trừ khi mình làm một cái gì đó để thoát khỏi sức mạnh thúc giục của nó, nếu không thì nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Giải Thích Phức Tạp Hơn Về Thân Nghiệp Và Khẩu Nghiệp

Theo lời giải thích thứ hai thì ý nghiệp - sự thôi thúc tinh thần cưỡng bách - lôi kéo ta vào cả ba loại hành động: suy nghĩ, nói năng hay làm một điều gì đó. Mặt khác thì thân nghiệp và khẩu nghiệp không phải là các tâm sở, mà là sắc tướng của hiện tượng thể chất. Đúng ra thì mỗi loại đòi hỏi hai loại sắc tướng, một biểu sắc (revealing form) và một vô biểu sắc (non-revealing form), tùy theo chúng có biểu lộ động lực hay không. Trong cả hai trường hợp thì nghiệp vẫn không giống như tự thân hành động. Việc đoạn trừ thân nghiệp hay khẩu nghiệp vẫn không có nghĩa là mình cần phải ngưng làm hay nói bất cứ điều gì.

Biểu Sắc

  • Trong trường hợp thân nghiệp thì biểu sắc là hình thù mà hành động của chúng ta tạo ra. Theo một nghĩa nào đó thì nó giống như sự thôi thúc hình thành các hành động thân thể mà chúng ta thực hiện, nên tạo ra những hình thù, khi thân ta thực hiện các hành động. Hình dạng biểu lộ động lực đằng sau các hành động, có nghĩa là cả ý định của mình và cảm xúc đi kèm với nó. Ví dụ, khi cảm thấy muốn chạm vào vai ai để thu hút sự chú ý của người đó thì ta có thể đánh họ một cái khá mạnh, hay đụng họ một cách khá nhẹ nhàng. Thân nghiệp là sự thôi thúc của hình thù mà hành động của chúng ta tạo ra. Nó biểu lộ ý định - để thu hút sự chú ý của ai - và cảm xúc đằng sau nó – sự khó chịu hay cảm tình.
  • Trong trường hợp khẩu nghiệp thì biểu sắc là âm thanh mà giọng nói của mình tạo ra, khi chúng ta nói điều gì đó, về mặt những từ ngữ mình chọn và âm điệu của giọng nói mà mình sử dụng để nói những ngôn từ này. Điều này cũng biểu lộ động lực tiềm ẩn, về cả ý định và cảm xúc. Ví dụ, khi cảm thấy muốn gọi tên ai để thu hút sự chú ý của họ một lần nữa thì ta có thể gào tên của họ bằng giọng điệu hung hăng, hay kêu họ bằng giọng tử tế, dịu dàng. Khẩu nghiệp là sự thôi thúc của âm thanh giọng nói của chúng ta. Nó biểu lộ ý định - để thu hút sự chú ý của họ - và cảm xúc đằng sau nó – sự khó chịu hay cảm tình.

Vô Biểu Sắc

Vô biểu sắc thì vi tế hơn. Nó không phải là thứ gì có thể nhìn thấy hoặc nghe được, và nó không biểu lộ động lực tiềm ẩn của mình. Điều gần nhất mà chúng ta có trong cách suy nghĩ Tây phương là một sự rung động vi tế. Trong khi biểu sắc của hành vi thân và khẩu của chúng ta chấm dứt khi hành vi kết thúc thì vô biểu sắc xảy ra cả trong khi ta đang làm hay nói điều gì, và tiếp tục như một thành phần trong dòng tâm thức của mình, sau khi hành động của mình đã kết thúc. Nó chỉ chấm dứt khi có một quyết định chắc chắn sẽ không bao giờ lặp lại hành động dẫn đến vô biểu sắc này, chẳng hạn như, bằng cách thọ giới hay từ bỏ giới nguyện.

Khi nói về một người hành động một cách mạnh mẽ, hay nói năng với giọng điệu hung hăng, nói cách khác, là có tính chất thôi thúc về đặc điểm, thói quen mà họ hành động hay nói, điều này nói về vô biểu sắc của thân nghiệp hay khẩu nghiệp của họ. Ngay cả khi họ không làm hay nói điều gì, nhưng ta có thể nói rằng họ vẫn là một người hung hăng.

Hãy lưu ý rằng cưỡng bách không giống như bốc đồng. Là người “bốc đồng”  có nghĩa là bạn chỉ cần làm bất cứ điều gì hiện ra trong đầu mà không cần suy nghĩ trước. Bị “cưỡng bách” có nghĩa là bạn không kiểm soát được điều gì bạn đang làm hoặc nói, hay cách bạn làm hoặc nói điều đó. Vì không thể cưỡng lại nên bạn noi theo kiểu cách hành động nào đó, như gõ ngón tay lên mặt bàn, hay nói hùng hổ mà không có sự ấm áp trong giọng nói.

Dấu Ấn Trong Dòng Tâm Thức: Nghiệp Lực Và Chủng Tử Nghiệp

Theo cả hai cách giải thích về nghiệp thì sau khi một hành động kết thúc, dù đó là hành vi thân, khẩu hay ý,  nó sẽ để lại hậu quả nào đó trong dòng tâm thức của chúng ta. Đó không phải là sắc tướng của hiện tượng vật chất (không giống như vô biểu sắc), cũng không phải là cách mình ý thức về một điều gì. Chúng trừu tượng hơn và được quy gán trong dòng tâm thức của chúng ta, chẳng hạn như tuổi của mình. Hậu quả này bao gồm nghiệp lực và chủng tử nghiệp.

Nghiệp Lực

Tiềm năng của nghiệp, mà từ một quan điểm nhất định cũng có thể được gọi là “nghiệp lực”, có thể mang tính xây dựng hay phá hoại. Nhiều dịch giả gọi những tiềm năng mang tính xây dựng là “công đức”, và những tiềm năng phá hoại là “tội lỗi”, nhưng tôi thấy những từ ngữ vay được vay mượn từ các tôn giáo thánh kinh thì không thích hợp và tạo ra sự hiểu lầm. Tôi thích diễn tả chúng như “tiềm năng nghiệp tiêu cực” hay “nghiệp lực tiêu cực” và “tiềm năng nghiệp tích cực” hay “nghiệp lực tích cực”. Ở đây, hãy chỉ gọi chúng là “tiềm năng tích cực” và “tiềm năng tiêu cực”.

Nó hơi phức tạp, bởi vì các hành động có tính cách phá hoại và xây dựng, những hành động do nghiệp phá hoại hoặc xây dựng đem lại hay gây ra, cũng là những tiềm năng tiêu cực hoặc tích cực. Vì vậy, có những nghiệp lực chính là hành động của chúng ta và có những nghiệp lực tiếp tục được quy gán trong dòng tâm thức của chúng ta.

Những nghiệp lực này đóng vai trò như “dị thục nhân” (“ripening cause”). Giống như trái cây lớn dần trên cây, và khi trái chín thì sẽ rơi xuống đất, có thể ăn được thì các nghiệp lực này tích tập với nhau, chúng hợp tác với nhau, và khi đã tích tập đủ thì sẽ chín thành nghiệp quả. Kết quả của chúng luôn trung lập về mặt đạo đức, Đức Phật không chỉ định chúng mang tính xây dựng hay phá hoại, vì chúng có thể đi kèm với bất kỳ loại hành động nào có tính xây dựng, phá hoại hay trung lập. Ví dụ như những tiềm năng tiêu cực chín thành nỗi bất hạnh, trong khi những tiềm năng tích cực lại chín thành hạnh phúc. Chúng ta có thể vui vẻ trong khi giúp đỡ ai đó, giết muỗi hoặc rửa chén bát. Chúng ta cũng có thể không vui khi làm bất cứ điều gì trong những việc này.

Chủng Tử Nghiệp

Chủng tử nghiệp chỉ xảy ra như hậu quả của hành nghiệp của chúng ta. Nếu một hành động là trung hòa, như rửa chén bát, thì chủng tử nghiệp sau đó cũng là trung hòa. Nếu hành động mang tính xây dựng hay phá hoại thì tiềm năng tích cực hoặc tiêu cực của chúng sẽ mang bản chất thiết yếu của chủng tử nghiệp. Nói cách khác thì chúng hoạt động như chủng tử nghiệp, nhưng vẫn mang tính xây dựng hay phá hoại. Vì chủng tử nghiệp, theo nghĩa rộng của chữ này, có thể là tích cực, tiêu cực hay trung hòa, vì vậy nói chung thì chúng thường được đề cập đến như trung hòa.

Xu hướng nghiệp, nghĩa đen là “chủng tử nghiệp”, hoạt động như năng tác nhân (obtaining cause) cho quả của chúng. Nói cách khác, giống như một hạt giống đối với một mầm cây, nó là cái mà từ đó kết quả phát sinh. Chẳng hạn như kết quả có thể là lặp lại một loại hành động trước đó.

Quán Chiếu Về Nghiệp Lực Và Chủng Tử Nghiệp

Sự khác biệt giữa các loại nghiệp quả khác nhau, kể cả vô biểu sắc, rất vi tế và cực kỳ phức tạp. Khi mới học về nghiệp thì không cần thiết phải phân biệt tất cả những loại này một cách chi tiết. Quan trọng hơn là có được ý niệm tổng quát về nghiệp quả và nhận ra điều này đang đề cập đến việc gì.

Ví dụ, giả sử bạn la ai đó. Hành động la hét chính nó đã báo hiệu một tiềm năng để lại la hét trong tương lai. Một khi cơn la hét này kết thúc thì có thể nói rằng khả năng la hét một lần nữa vẫn tiếp tục trong dòng tâm thức của bạn, và chúng ta có thể mô tả điều đó là bạn có xu hướng la hét với mọi người.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Nghiện Ngập Và Nghiệp”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Hãy dành một chút thời giờ để quán chiếu về điều đó, chọn một loại hành vi điển hình mà mình có. Hãy cố phân biệt như sau: Có một lề thói nào đó đối với hành vi của tôi, bởi vì tôi có xu hướng lặp đi lặp lại cùng một loại hành động. Vì lề thói đó nên tôi chắc chắn có tiềm năng lặp lại hành vi đó lần nữa. Đó là vì tôi có xu hướng hành động theo cách đó. Trên thực tế, hành vi của tôi có tính cưỡng bách, bởi vì tôi hành động như vậy hết lần này đến lần khác, không kiểm soát được. Càng hành động như vậy thì tiềm năng của tôi càng tăng lên để lặp lại lần nữa. Hơn nữa, tiềm năng càng mạnh thì tôi càng làm điều đó nhanh hơn, chẳng hạn như la mắng ai.

Nếu mô tả cơ chế này từ quan điểm sinh lý học thì bạn có thể nói rằng hành vi lặp đi lặp lại của chúng ta tạo ra một đường dây thần kinh mạnh mẽ, và vì đường dây thần kinh đó mà ta có tiềm năng lớn để lặp lại hành vi này.

Hãy mô tả hành vi của mình một cách chi tiết hơn. Ví dụ, tôi rất dễ mất bình tĩnh và sẽ la hét với mọi người. Có một sự cưỡng ép về điều đó, nó gần giống như một sự rung động về tôi mà mọi người cảm nhận được, nếu họ rất nhạy cảm. Họ nghĩ rằng, “Mình phải cẩn thận khi ở gần người này, bởi vì anh ta có thể mất bình tĩnh rất dễ dàng.”. Họ sẽ mô tả tôi như một người có nhiều xu hướng mất bình tĩnh và la hét. Luôn luôn có tiềm năng là tôi sẽ hét lên, và khi tôi làm như vậy thì có một khía cạnh thúc bách trong giọng nói của tôi, đó là sự khắc nghiệt và thật sự hung dữ. Nếu bạn nói điều gì đụng chạm tới tôi thì chắc chắn tôi sẽ muốn nói điều gì hung dữ để trả đũa lại, và sự cưỡng bách của nghiệp của tôi sẽ khiến tôi thật sự hét lên. Tôi đã mất tự chủ.

Hãy thử cách quán chiếu nội tâm này. Nếu có thể nhận diện chủng tử nghiệp và nghiệp lực của mình thì ta có thể bắt đầu tu tập để loại trừ chúng. Vậy thì hãy tự hỏi, xu hướng của tôi là gì? Đâu là những lề thói mà tôi bắt buộc phải làm theo? Hãy nhớ rằng, những lề thói cưỡng ép này có thể là tích cực hoặc tiêu cực, như la hét hay làm một người cầu toàn.

Nghiệp Quả

Khi hoàn cảnh đã đầy đủ thì các nghiệp lực và chủng tử nghiệp khác nhau sẽ đem đến kinh nghiệm về một hay nhiều điều: hạnh phúc, bất hạnh, lặp lại hành vi của mình, kinh qua những điều xảy ra tương tự như những gì mình đã làm với người khác, v.v... Một lần nữa, nó rất phức tạp, nhưng rất quan trọng để hiểu rằng chúng ta không nói về nghiệp lực và chủng tử nghiệp đem đến những điều mà chúng ta trải nghiệm. Chúng đem lại cho ta kinh nghiệm về chúng. Chẳng hạn, nếu tôi bị xe đụng thì nghiệp lực và chủng tử nghiệp của tôi không tạo ra chiếc xe hơi, và chúng không khiến cho người đó tông xe vào tôi. Người lái xe tông xe vào tôi là kết quả của nghiệp quả của anh ấy hay cô ấy. Nghiệp quả của tôi chỉ chịu trách nhiệm cho việc tôi bị xe đụng.

Bạn có thấy sự khác biệt không? Chúng ta đang nói về những gì tôi trải nghiệm. Tôi cảm nhận thời tiết, chẳng hạn vậy, nhưng nghiệp lực của tôi không tạo ra thời tiết. Nghiệp lực của tôi làm tôi bị ướt khi ra ngoài mưa mà không có dù, nhưng chúng không tạo ra mưa. Dĩ nhiên nước mưa là thứ khiến tôi bị ướt, nhưng đó không phải là nghiệp. Sự kiện là bất cứ khi nào đi ra ngoài khi trời có thể mưa thì tôi lại quên mang theo dù, đó là vì một nghiệp lực và chủng tử nghiệp. Vì xu hướng đó mà kết quả là tôi bị ướt.

Các Loại Nghiệp Quả Khác Nhau

Chúng ta trải nghiệm nhiều thứ tùy thuộc vào hoàn cảnh. Chúng ta trải nghiệm những gì?

  • Chúng ta trải nghiệm cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh. Điều đó rất thú vị, bởi vì tất cả những điều tốt đẹp có thể xảy ra quanh ta, và ta vẫn có thể cảm thấy không vui. Ta có thể làm điều tương tự ở hai thời điểm khác nhau và một lần thì ta cảm thấy vui vẻ trong khi làm điều đó, nhưng lần khác thì lại thấy không vui. Điều này xảy ra như kết quả của nghiệp lực.
  • Chúng ta trải nghiệm những tình huống nào đó riêng biệt đối với mình, như nhìn thấy hoặc nghe thấy điều gì đó. Ví dụ, tại sao ta thường xuyên chứng kiến những cảnh bạo lực người ta đánh nhau? Rõ ràng là nghiệp của mình không tạo ra những trận đánh này, nhưng dường như ta luôn chứng kiến chúng, và không kiểm soát được điều đó. Kinh nghiệm của việc nhìn thấy những điều như vậy cũng là kết quả của nghiệp lực và chủng tử nghiệp của mình.
  • Trong các tình huống khác nhau, chúng ta muốn lặp lại hành động trước đây. Chẳng hạn, tôi muốn hét lên với bạn, hay muốn ôm bạn. Những gì chúng ta thích làm hay muốn làm xuất phát từ nghiệp quả của việc đã hành động như vậy trước đây. Xin lưu ý rằng nghiệp không chín từ nghiệp. Nghiệp quả không chín thành sự cưỡng bách khiến ta lặp lại một hành động; mà nó chín thành sự mong muốn hay cảm giác thích làm điều đó. Cảm giác thích làm một điều gì có thể hay không dẫn đến sự thúc bách mà nhờ đó, ta sẽ thực hiện hành động.
  • Trong một số tình huống khác, chúng ta trải nghiệm những điều xảy ra với mình tương tự như những gì trước đây ta đã làm với người khác. Thế thì từ xu hướng la hét với mọi người, ta sẽ bị người khác la hét. Nếu mình lừa gạt người khác thì sẽ bị người khác lừa gạt.

Điều này không phải lúc nào cũng dễ hiểu, vì nó thường kéo theo kiếp trước. Nhưng nó rất thú vị để phân tích những lề thói trong bản thân mình. Ví dụ như việc nói lời chia rẽ là nói xấu về ai đó với người khác, chẳng hạn như bạn bè của họ, để làm cho họ không giao tiếp với người này nữa. Ta sẽ trải nghiệm việc bạn bè chia tay với mình như nghiệp quả của hành vi như vậy. Mối quan hệ với bạn bè hay với người phối ngẫu của mình không kéo dài; người ta sẽ ra khỏi đời mình. Ta đã khiến người khác chia tay, nên giờ đây, mối quan hệ của mình sẽ không lâu bền.

Bạn có thể hiểu điều đó ở mức độ nghiệp dĩ, mà còn ở mức độ tâm lý nữa. Nếu tôi luôn luôn nói những điều xấu xa về người khác với bạn, mà bạn là bạn của tôi, đặc biệt khi tôi nói xấu về bạn bè của bạn cho bạn nghe thì bạn sẽ nghĩ gì? Bạn có thể nghĩ rằng, “Liệu anh ấy có nói gì về tôi sau lưng tôi không?” Tự nhiên là ta sẽ thấy tình bạn của mình sẽ kết thúc.

Nếu nghĩ sâu hơn về các mối quan hệ nhân quả này thì chúng sẽ bắt đầu có ý nghĩa. Chúng ta trải nghiệm những điều xảy ra với mình tương tự như những điều mà ta đã làm với người khác. Hãy nhớ rằng, ở đây, chúng ta đang nói về những gì mình trải nghiệm, không phải về những gì người khác làm đối với mình. Họ có những nghiệp nhân riêng, khiến họ phải làm những gì họ đã làm.

Tuy nhiên, một loại nghiệp quả khác là cùng với người khác trải qua những kinh nghiệm chung, chẳng hạn như sống trong một dạng môi trường hay xã hội nào đó, và cách tất cả chúng ta được đối xử ở đó. Ví dụ, được sinh ra hay sống ở một nơi rất ô nhiễm, hoặc rất ít ô nhiễm. Hay chúng ta có thể sống trong một xã hội có rất nhiều tham nhũng, hoặc ở một nơi mà người dân trung thực. Đây là những điều mà ta cùng có kinh nghiệm chung với những người khác ở cùng một nơi, hay xã hội.

Quán Chiếu Về Cách Nghiệp Vận Hành

Đây là tất cả những điều chúng ta trải nghiệm như kết quả của nghiệp quả. Chúng ta trải nghiệm cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh, nhìn thấy hoặc nghe thấy nhiều điều khác nhau, những điều xảy ra với mình, và tất cả những điều này sẽ hoạt động như những tình huống mà ta cũng muốn làm như lặp lại lề thói hành động trước đây. Nếu ta thực hiện mong muốn đó thì có một sự cưỡng bách thúc đẩy mình thực hiện nó. Ta thường có cảm giác như thể mình không có quyền quyết định. Chẳng hạn, một khi tôi muốn hét lên với bạn, rồi thì tôi hét lên và sẽ lặp lại thói quen ấy. Mặc dù có thể quyết định không thể hiện cảm giác muốn hét lên, nhưng mọi thứ xảy ra quá nhanh đến mức mình lại hét lên. Chúng ta sẽ lặp lại lề thói đó và gia tăng tiềm năng la hét hết lần này đến lần khác, bởi vì xu hướng đó có mặt ở đó, và có một sự thúc bách nào đó về cách mình nói và một sự thúc bách nào đó về cách mình hành động. Đó là cách nghiệp hoạt động.

Hãy dành một thời gian để quán chiếu về tất cả những điều này và để cho nó lắng xuống.

Top