Tránh Thập Ác

17:07
Tất cả chúng ta đều muốn cải thiện hạnh phúc của mình, và hầu hết đều mong muốn phát triển mối quan hệ lành mạnh hơn, mãn nguyện hơn với người khác. Điều này sẽ không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mà đòi hỏi đạo đức. Điều đó có nghĩa là kềm chế hành vi có hại, và thay vào đó là hành động một cách xây dựng, lợi lạc. Chúng ta sẽ hành động một cách phá hoại khi bị tác động vì những phiền não như sân hận và tham lam, khiến cho mình mất bình an và tự chủ. Ta sẽ hành xử một cách bốc đồng vì những tập khí tiêu cực, không chỉ làm tổn thương người khác, mà cuối cùng còn làm tổn thương bản thân mình, vì hành vi ấy trở thành nguyên nhân của sự bất hạnh lâu dài của chúng ta. Mặt khác, nếu như biết tự chủ và hành động với lòng từ bi thì ta sẽ trở thành một người bạn đáng tin cậy đối với người khác và chính mình, và tự nhiên sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Định Nghĩa Của Ác Hạnh

Mỗi hệ thống đạo đức có một danh sách riêng về các loại ác hạnh, dựa trên những ý tưởng khác nhau về những điều được chấp nhận và không thể chấp nhận. Các hệ thống tôn giáo và dân sự dựa trên luật lệ xuất phát từ chính quyền tối cao, nguyên thủ quốc gia, hoặc một số hình thức lập pháp. Khi không tuân theo luật lệ thì chúng ta có tội, và cần phải bị trừng phạt; khi tuân theo luật lệ thì chúng ta sẽ được ban thưởng một là ở thiên đàng, hai là trong cuộc sống này, trong một xã hội an toàn và hài hòa. Các hệ thống nhân đạo chú trọng vào việc không gây hại cho người khác, nhưng điều này cũng có vấn đề, bởi vì liệu ta có thể luôn luôn phán xét điều gì thật sự có hại hay có lợi cho người khác hay không? Ví dụ như la mắng ai đó có thể làm tổn thương cảm xúc của họ, nhưng cũng có thể giúp họ tránh được sự nguy hiểm nào đó.

Đạo đức nhà Phật nhấn mạnh việc kềm chế hành vi tự hủy hoại, đặc biệt là những hành động sẽ gây hại cho chúng ta về lâu dài. Nếu ta la hét với người đang cố vượt qua xe của mình một cách điên cuồng trên đường thì điều đó có thể khiến mình cảm thấy đỡ hơn trong chốc lát, nhưng cũng làm rối loạn tâm trí và năng lượng của mình, khiến ta mất đi sự bình tâm. Khi việc la hét trở thành thói quen thì ta sẽ không thể chịu đựng bất kỳ sự bất tiện nào mà không buồn bực; điều này sẽ gây thiệt hại không chỉ cho mối quan hệ của mình đối với người khác, mà còn cho sức khỏe của chính mình.

Mặt khác, khi hành vi của ta được thúc đẩy vì sự quan tâm chân thành đối với người khác, với lòng từ bi và sự thông cảm thì tự nhiên ta sẽ không la hét, ngay cả khi tự động cảm thấy muốn la, ta sẽ khoan dung để cho người kia qua mặt xe của mình. Kết quả là người kia thấy vui, và ta cũng được ích lợi, vì vẫn bình tĩnh và bình an, với một tâm trạng vui vẻ. Ta sẽ không đè nén ý muốn hét lên và cuối cùng thì bực bội. Thay vào đó, ta sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều muốn đến đích càng sớm càng tốt, nên hiểu rằng việc cố gắng biến hành trình của mình thành một cuộc đua xe là điều vô ích và vô nghĩa.

Phật giáo định nghĩa hành vi phá hoại là hành động một cách bốc đồng, dưới tác động của những cảm xúc phiền não và tập khí tiêu cực. Chúng ta không thể phân biệt một cách đúng đắn điều gì có hại và điều gì có lợi, chỉ vì mình không biết điều gì là tốt nhất, hay có lẽ mình biết, nhưng hoàn toàn thiếu tự chủ. Các phiền não chánh là tham và sân, cộng với vô minh về hệ quả rừ cách mình hành động, nói năng và suy nghĩ, khi chúng bị những cảm xúc gây rắc rối này điều khiển. Thêm vào đó, chúng ta thường không có bất kỳ cảm giác nào về giá trị bản thân, nên không quan tâm gì đến cách mình cư xử. Chúng ta có thái độ sao cũng được, khi mà không có gì quan trọng, ngoại trừ một vài điều hời hợt như cách mình ăn mặc, mái tóc của mình nhìn ra sao, và bạn bè của mình là ai. Chắc chắn là chúng ta không quan tâm đến cách hành vi của mình sẽ phản ánh về cả thế hệ của mình ra sao, hoặc về giới tính, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hoặc bất kỳ nhóm nào mà ta đồng hóa bản thân với họ. Chúng ta thiếu phẩm giá và lòng tự trọng.

Danh Sách Truyền Thống Về Thập Ác

Có nhiều hành vi từ thân, khẩu, ý mang tính phá hoại. Phật giáo phân định mười điều có hại nhất. Chúng có hại vì chúng hầu như luôn luôn phát sinh từ những cảm xúc phiền não, không biết xấu hổ hay lúng túng, và không biết quan tâm. Chúng xuất phát từ những tập khí thâm căn cố đế, và kết quả là chúng củng cố khuynh hướng tiêu cực của mình. Về lâu dài thì ác hạnh sẽ dẫn đến một cuộc sống bất hạnh, khi mà ta tiếp tục tạo ra khó khăn cho chính mình.

Có ba loại hành vi tiêu cực về thân:

  1. Cướp sinh mạng của người khác - từ một người khác cho đến loài côn trùng nhỏ nhoi nhất. Kết quả là không có lòng khoan dung đối với bất cứ điều gì khó chịu; phản ứng tức thì đối với điều gì mình không thích là tấn công và hủy hoại nó; chúng ta thường hay dính líu vào những việc tranh đấu.
  2. Lấy những gì chưa được cho - trộm cắp, không trả lại vật mà mình đã mượn, sử dụng đồ vật thuộc về người khác mà không được phép sử dụng, v.v... Kết quả là ta luôn luôn cảm thấy nghèo nàn và trở thành nạn nhân; không ai cho mình mượn bất cứ thứ gì; quan hệ với người khác chủ yếu dựa trên việc khai thác lẫn nhau.
  3. Có hành vi tình dục không phù hợp - hiếp dâm, ngoại tình, loạn luân, v.v... Kết quả là các mối quan hệ tình dục của mình chủ yếu là ngắn hạn, ta và người tình chỉ đối tượng hóa lẫn nhau; chúng ta bị lôi cuốn vì những điều thô tục.

Có bốn loại hành vi tiêu cực về lời nói:

  1. Nói dối - cố ý nói những điều không đúng sự thật, gây ra sự hiểu lầm cho người khác, v.v... Kết quả là không ai tin tưởng hay tin cậy những gì mình nói, và ta cũng không tin những gì người khác nói; ta không thể thấy sự khác biệt giữa thực tế và điều mình bịa đặt ra.
  2. Nói lời chia rẽ - nói những điều không hay về người khác, khiến cho họ chia tay nhau, hoặc làm cho sự thù hằn hay bất hòa của họ trở nên tồi tệ hơn. Kết quả là tình bạn của mình sẽ không lâu dài, vì bạn bè sẽ nghi ngờ rằng mình cũng nói những điều không hay về họ sau lưng họ; ta sẽ thiếu bạn thân, nên cảm thấy bị cô lập và cô đơn.
  3. Nói nặng lời - nói những điều làm tổn thương người khác. Kết quả là người khác không thích mình và tránh giao tiếp với mình; ngay cả khi ở bên cạnh mình thì người khác cũng không thấy thoải mái, và thường nói những lời khó chịu với mình; ta sẽ bị cô lập và cô đơn hơn.
  4. Trò chuyện vô nghĩa – làm lãng phí thời giờ của mình và người khác bằng những chuyện vô nghĩa; ngắt lời người khác bằng câu chuyện vô nghĩa của mình, trong khi họ đang làm điều gì tích cực. Kết quả là không ai coi trọng mình; ta không thể duy trì sự chú ý trong bất cứ công việc nào mà không cần xem điện thoại cầm tay vài phút một lần; không thể làm điều gì có ý nghĩa.

Có ba cách suy nghĩ có tính cách phá hoại:

  1. Suy nghĩ tham lam - vì ganh tị nên mãi mê nghĩ cách làm sao để có được điều gì hay phẩm hạnh mà người khác có, hoặc thậm chí tốt hơn nữa là qua mặt họ. Kết quả là ta không bao giờ được an tâm hay vui vẻ, vì luôn luôn bị dằn vặt vì những ý nghĩ tiêu cực về thành tựu của người khác.
  2. Suy nghĩ với ác ý - suy nghĩ và vạch ra cách làm tổn thương người khác, hay làm sao để trả đũa họ, vì họ đã nói hay làm điều gì. Kết quả là ta không bao giờ cảm thấy an toàn hay thư giãn; ta sống trong hoang tưởng và sợ hãi liên tục, lo sợ là người khác cũng đang âm mưu chống lại mình.
  3. Suy nghĩ lệch lạc với sự đối nghịch - không chỉ suy nghĩ một cách bướng bỉnh về điều gì trái ngược với những điều đúng đắn và chính xác, mà trong lòng còn tranh cãi với những người không đồng ý với mình, và hạ thấp họ một cách hung hăng. Kết quả là thậm chí mình trở nên khép kín hơn, hoàn toàn không chấp nhận bất kỳ đề nghị hay lời khuyên hữu ích nào; lòng mình cũng không cởi mở với người khác, luôn nghĩ về bản thân và cho rằng mình luôn luôn đúng; ta sẽ duy trì sự vô minh và ngu ngốc.

Bất kể tôn giáo hay tín ngưỡng của mình là gì thì việc kềm chế mười hành vi này đều thích hợp cho bất cứ ai muốn có một đời sống hạnh phúc hơn.

Mười Phạm Trù Rộng Hơn Của Ác Hạnh

Thập ác nêu ra mười loại hành vi rộng lớn mà chúng ta cần phải tránh tạo tác. Cần phải suy nghĩ về hành vi của mình và hậu quả của nó một cách càng rộng lớn càng tốt. Đây là một số ví dụ để ta suy nghĩ, nhưng tôi chắc rằng mỗi người trong chúng ta có thể bổ sung thêm cho danh sách này.

  1. Cướp sinh mạng của người khác - đánh đập hoặc đối xử thô bạo với người khác, bỏ qua việc giúp đỡ người khác làm một việc tay chân khi họ cần sự giúp đỡ, đi bộ quá nhanh với người bệnh hay người già, gây ra bất cứ sự tác hại nào về phương diện thể chất, kể cả việc làm ô nhiễm môi trường và hút thuốc gần những người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em.
  2. Lấy những gì chưa được cho – hạ tải tài liệu bất hợp pháp từ internet, trộm văn, gian lận, trốn thuế, xâm phạm quyền riêng tư của người khác, và thậm chí nếm thức ăn từ dĩa của người phối ngẫu hay bạn bè mà không xin phép.
  3. Có hành vi tình dục không phù hợp – sách nhiễu tình dục đối với người nào, bỏ mặc nhu cầu của bạn tình trong khi giao hợp, thể hiện quá ít hay quá nhiều tình cảm.
  4. Nói dối - lừa dối ai đó về cảm xúc thật của mình, hay ý định của mình trong mối quan hệ giữa mình với họ.
  5. Nói lời chia rẽ - chỉ trích điều gì tích cực hay trung lập về mặt đạo đức liên quan đến ai đó, hay họ đang dự định thực hiện nó, và không khuyến khích họ tham gia vào việc đó.
  6. Nói nặng lời - la hét người khác, nói với giọng điệu hung hăng, nói một cách thiếu thiện cảm và phê phán ai đó, khi họ dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, và sử dụng ngôn ngữ thô lỗ hay mỉa mai với những người không thích hợp, hay thời điểm không phù hợp.
  7. Nói chuyện phiếm - phản bội sự tin cậy của người khác và tiết lộ bí mật riêng tư của họ với người khác, viết tin nhắn hay gởi tin tức cho người khác về những chuyện nhỏ nhặt, đặc biệt là giữa đêm khuya, đăng tải hình ảnh và bình luận về những chuyện tầm phào trong đời sống hàng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, làm gián đoạn công việc của người khác, không để cho họ phát biểu xong những gì họ đang nói, và đưa ra những nhận xét ngớ ngẩn, hay nói những điều dại dột trong buổi trò chuyện nghiêm túc.
  8. Suy nghĩ tham lam – mong muốn người mà mình đang ngồi ăn chung ở nhà hàng sẽ cho ta nếm hay uống thử món gì họ đã gọi, và khi xem ảnh hay đọc bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về khoảng thời gian thú vị, tuyệt vời mà người khác đã có thì cảm thấy tiếc cho mình và ganh tị, ước gì mình được nổi tiếng và hạnh phúc như vậy.
  9. Suy nghĩ với ác ý - khi ai nói điều gì ác độc hay tàn nhẫn với mình và ta không nói nên lời, sau đó lại suy nghĩ về những gì đáng lẽ mình nên đáp lại để làm tổn thương người đó.
  10. Suy nghĩ lệch lạc với sự đối nghịch - suy nghĩ tiêu cực, có ý nghĩ thù địch đối với người đề nghị hoặc đang cố giúp mình làm điều gì mà mình cảm thấy có thể tự xử lý, và nghĩ rằng có người ngu ngốc như thế nào, khi họ cố cải thiện bản thân về lãnh vực nào đó không có hại, nhưng lại là điều mình không quan tâm, hay nghĩ là không quan trọng.

Hành Động Tiêu Cực Đối Với Bản Thân

Cách mà ta hành xử đối với bản thân có thể tiêu cực như khi thực hiện hành vi nhắm vào người khác. Để có cuộc sống hạnh phúc hơn thì ta cần phải nhận ra những thói quen tiêu cực này và nỗ lực để sửa đổi chúng. Một lần nữa, mười cách hành động tiêu cực đề xuất các loại hành vi mà chúng ta cần phải chấm dứt.

  1. Cướp sinh mạng của người khác - ngược đãi bản thân bằng cách làm việc quá sức, ăn uống thiếu thốn, không tập thể dục, hoặc ngủ không đủ.
  2. Lấy những gì chưa được cho - lãng phí tiền cho những thứ tầm thường, hay tỏ ra keo kiệt hoặc rẻ tiền khi chi tiêu cho bản thân, khi mình có đủ khả năng, không cần hà tiện.
  3. Có hành vi tình dục không phù hợp - có hành vi tình dục có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, hoặc làm ô nhiễm tâm trí bằng sách báo khiêu dâm.
  4. Nói dối - lừa dối bản thân về cảm xúc hay động lực của mình.
  5. Nói lời chia rẽ - nói một cách khó nghe, như lúc nào cũng phàn nàn, nên người khác cảm thấy khó chịu khi ở cạnh mình, và sẽ tránh mặt mình.
  6. Nói nặng lời – sỉ nhục bản thân mình.
  7. Nói chuyện phiếm - nói bừa bãi về những vấn đề riêng tư của mình, về sự nghi ngờ hoặc lo lắng của mình, hay lãng phí hàng giờ để xem phương tiện truyền thông xã hội, chơi trò chơi video không cần phải suy nghĩ, hoặc xem internet.
  8. Suy nghĩ tham lam - nghĩ về cách qua mặt chính bản thân mình, vì ta là người cầu toàn.
  9. Suy nghĩ với ác ý - suy nghĩ với cảm giác tội lỗi về việc mình kinh khủng như thế nào, rằng mình không đáng được hạnh phúc.
  10. Suy nghĩ lệch lạc với sự đối nghịch - nghĩ rằng mình ngu ngốc vì cố gắng cải thiện bản thân, hay giúp đỡ người khác.

Cách Đối Phó Với Tập Khí Tiêu Cực

Khi khởi sự xem xét tất cả những cách tiêu cực mà mình đã hành xử trong quá khứ thì điều quan trọng là nên tránh cảm giác tiêu cực về bản thân. Thay vì bị tê liệt vì cảm giác tội lỗi thì ta nên thừa nhận rằng những gì mình làm là vì vô minh và ngây thơ về tác động mà hành vi của mình đã tạo ra, bởi vì chúng ta bị thôi thúc vì những cảm xúc phiền não, chứ không phải vì chúng ta xấu xa một cách cố hữu. Chúng ta cảm thấy hối hận về những điều mình đã làm, ước gì nó chưa hề xảy ra, nhưng nhận ra là mình không thể thay đổi quá khứ. Những gì đã  xảy ra thì đã thuộc về quá khứ, nhưng bây giờ, ta có thể quyết tâm cố gắng hết sức để không lặp lại hành vi đó. Rồi thì chúng ta tái khẳng định chiều hướng tích cực mà mình đang cố gắng thể nhập vào cuộc sống, và nỗ lực thực hiện hành vi có tính xây dựng, dựa trên lòng từ bi càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ xây dựng các tập khí tích cực hơn để đối kháng, và cuối cùng vượt xa hấp lực của những tập khí tiêu cực.

Rồi thì ta bắt đầu làm cho phản ứng đối với người khác và các sự kiện mà mình gặp trở nên chậm lại, để có thể nắm bắt được khoảng không gian trống giữa thời điểm khi mình muốn tạo ra hành động tiêu cực theo thói quen, và thời điểm mà mình thật sự hành động nó. Ta sẽ sử dụng thời điểm đó để quyết định điều gì sẽ hữu ích, và điều gì sẽ có hại, giúp ta kềm chế việc hành động, nói năng hoặc suy nghĩ điều gì tiêu cực. Như bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vĩ đại Tịch Thiên (Shantideva) có đề nghị thì “Hãy trơ trơ như khúc gỗ.”. Chúng ta có thể làm như vậy, nhưng với sự hiểu biết, lòng từ bi và tôn trọng bản thân và người khác. Không phải là đàn áp bất cứ điều gì chỉ làm cho mình lo lắng và căng thẳng. Với trí óc thông tuệ và bi mẫn, ta sẽ xua tan năng lượng tiêu cực, thúc đẩy mình làm hoặc nói điều gì mà ta sẽ hối hận sau này. Rồi thì mình sẽ được tự do để hành xử một cách xây dựng, dựa trên cảm xúc và hiểu biết tích cực.

Tóm Tắt

Khi chúng ta kềm chế hành vi tiêu cực thì không chỉ mang lại lợi ích cho người khác, mà cuối cùng, cũng mang lại lợi ích cho bản thân ta. Khi thấy rằng chính hành vi của mình là nguyên nhân cho sự bất hạnh của mình thì tự nhiên ta sẽ - đúng ra thì ta sẽ hoan hỷ đối với việc tránh các tập khí và hành động phá hoại và tiêu cực. Khi không củng cố những tập khí này thì mối quan hệ giữa mình và người khác sẽ được cải thiện và trở nên chân thật hơn, trong khi ta sẽ thấy bình an hơn đối với chính mình. Nếu thật sự mong muốn sự bình tâm thì ta cần phải nỗ lực để loại bỏ những cách hành động, nói năng và suy nghĩ tiêu cực. Điều này sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của mình một cách lớn lao.

Top