Mười Một Cách Giúp Đỡ Người Khác

11 ways to help others

Mỗi ngày, có quá nhiều người và thú vật phải chịu đau khổ. Có nhiều cách để giúp đỡ họ, nhưng điều này còn tùy thuộc vào việc nhận thức hoàn cảnh của họ và hiểu biết về cách tốt nhất để giúp họ. Nếu chỉ có lòng bi mẫn và sự thiện xảo thì chưa đủ, mà chúng ta còn phải bỏ ra thì giờ, có kỷ luật tự giác, lòng kiên nhẫn, kiên trì, định tâm và trí tuệ. Có mười một cách để giúp đỡ người khác. Chúng không chỉ tạo lợi lạc cho những người gặp khó khăn, mà còn giúp ta thoát khỏi sự cô đơn và mang lại ý nghĩa cho đời mình:

1. Chăm Sóc Những Người Đau Khổ

Cần phải chăm sóc cho những người bị bệnh, có khuyết tật hay đau đớn. Nếu như có ai ở trong nghịch cảnh vì một gánh nặng, hay công việc khó khăn thì hãy giúp họ một tay, để chia sẻ gánh nặng của họ.

2. Giúp Người Đang Bối Rối, Không Biết Cách Giải Quyết Vấn Đề

Đối với những ai đang bối rối vì hoàn cảnh khó khăn thì hãy cho lời khuyên, nếu họ hỏi ý kiến của mình, hay ít nhất là lắng nghe vấn đề của họ. Nếu con chó hay con mèo của mình mắc kẹt ở trong phòng thì hãy mở cửa cho chúng đi ra. Thậm chí, nếu như có con ruồi bay chập chờn quanh cửa sổ thì mình cũng áp dụng lời chỉ dẫn này. Nếu con ruồi không muốn ở trong phòng và muốn ra ngoài thì hãy mở cửa sổ để cho nó bay ra.

3. Trả Ơn Những Người Đã Giúp Đỡ Mình

Điều quan trọng là biết ơn công sức của những ai đang giúp cho thế giới hoạt động, và cố giúp đỡ những người đã giúp ích rất nhiều cho mình, chẳng hạn như cha mẹ của chúng ta. Nên giúp họ với lòng biết ơn chân thành, chứ không chỉ vì cảm giác tội lỗi hay bổn phận.

4. An Ủi Và Bảo Vệ Những Kẻ Sợ Hãi

Nên cố gắng hết sức để an ủi những người và thú vật sống trong sợ hãi. Nếu có ai cần đi đến nơi nào nguy hiểm thì ta nên cùng đi với họ và bảo vệ họ. Đối với những người tỵ nạn đã thoát khỏi cảnh bạo lực trong quá khứ thì hãy đem lại cho họ sự an toàn và giúp họ định cư. Những người bị khủng hoảng tinh thần vì chiến tranh, hay bị hành hạ bằng bất cứ hình thức nào thì đặc biệt cần có sự cảm thông và giúp đỡ của chúng ta, để nguôi ngoai vết thương lòng.

5. An Ủi Người Đau Buồn

Khi người ta đau buồn vì việc ly dị hay người thân qua đời thì hãy cố an ủi họ bằng tấm lòng bi mẫn. Không nên có thái độ kẻ cả và nghĩ rằng “Tội nghiệp bạn quá”, mà hãy tự đặt mình trong hoàn cảnh của họ và chia sẻ nỗi đau.

6. Giúp Đỡ Vật Chất Cho Người Nghèo

Giúp đỡ hội từ thiện là điều tốt, nhưng bố thí cho người ăn xin ngoài đường cũng là việc quan trọng. Nên bớt sự dè dặt, nếu có, đặc biệt là với những người ăn xin vô gia cư dơ bẩn và khó nhìn đến nỗi mình không muốn ngó ngàng tới họ, nói gì đến việc nở một nụ cười và đối xử với họ bằng lòng tôn trọng. Hãy tưởng tượng nếu người đang sống trên vỉa hè kia là mẹ hay con trai của mình thì làm sao ta có thể lạnh lùng đi qua mà không đếm xỉa đến họ, như thể họ là rác rưởi hôi thối?

7. Giúp Những Người Gần Gũi Đến Với Phật Pháp

Ta còn phải hành động để giúp những người luôn luôn muốn gần gũi với mình. Tuy không muốn họ phụ thuộc vào mình, nhưng nếu có mối liên hệ rất chặt chẽ với họ thì mình có thể giúp đỡ bằng cách dạy họ về các phương pháp căn bản trong đạo Phật để tạo ra hạnh phúc và giúp đỡ người khác, với điều kiện là họ phải thích thú với điều này. Đó không phải là việc cải đạo người khác, mà nói chung là giúp đỡ và khuyên nhủ họ. Nhờ vậy mà ta có thể giúp cho mối quan hệ với họ có ý nghĩa.

8. Giúp Đỡ Người Khác Theo Ước Muốn Của Họ

Nên cố giúp người khác theo cách phù hợp với họ. Nếu có ai nhờ mình dạy họ điều gì, dù đó không phải là điều ta thích thú, nhưng nếu có khả năng và nó phù hợp với họ thì ta cũng nên cố gắng hết sức mình. Giống như khi đi ăn nhà hàng với bạn bè, nếu ta luôn luôn muốn gọi thức ăn mà mình thích thì đó là thái độ không quan tâm đến bạn bè và ích kỷ. Đôi khi, mình cũng có thể chiều ý người khác, giống như trong một mối tình, phải có sự quân bình giữa những gì mình và người kia muốn. Không phải lúc nào bản thân mình và những gì mình thích cũng là điều quan trọng.

9. Khuyến Khích Những Người Sống Ngay Thẳng

Ta có thể giúp đỡ bằng cách khen ngợi những người sống ngay thẳng, theo đuổi con đường tích cực và làm việc tốt, nhưng cũng nên cẩn thận, để không khiến họ trở nên kiêu căng. Đặc biệt đối với những người mang mặc cảm tự ty thì điều này rất thích hợp. Đối với những người có phẩm chất tốt nhưng lại kiêu căng thì ta có thể khen ngợi họ với những người khác, nhưng không nên khen trước mặt họ. Ta vẫn khuyến khích họ sử dụng khả năng để giúp ích cho người khác, nhưng cũng giúp họ bớt tự hào bằng cách chỉ ra những sai lầm mà họ vấp phải.

10. Dạy Hành Vi Tích Cực Cho Những Người Sống Đời Tiêu Cực

Không nên xua đuổi, chối bỏ hay kết tội những người sống đời vô cùng tiêu cực. Thay vì phê phán họ thì nên cố chỉ cho họ cách khắc phục hành vi tiêu cực, nếu như họ chịu cởi mở để thay đổi.

11. Hãy Sử Dụng Khả Năng Phi Thường, Nếu Như Không Còn Cách Khác

Một số người trong chúng ta có những khả năng vượt bực. Ta có thể là một người giỏi võ, nhưng không thích khoe khoang với người khác. Tuy nhiên, nếu như thấy ai bị tấn công thì ta nên dùng khả năng võ thuật để khống chế kẻ tấn công, nếu như không còn cách nào khác để ngăn chận họ.

Video: Matthieu Ricard — “Lợi Ích Của Lòng Vị Tha”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Có rất nhiều cách để giúp ích cho người khác. Sự khéo léo không chỉ là ở chỗ biết cách giúp đỡ hay làm điều gì để giúp ai, mà là khi nào nên giúp và khi nào thì nên để người khác học cách tự lo cho họ. Những người đau khổ về thể chất hay tinh thần sẽ cần sự giúp đỡ của ta ngay lập tức, nhưng phải giúp đúng mức, không quá nhiều và không quá ít. Cần phải giúp những người bất hạnh phục hồi sự sống, nhưng về lâu về dài thì tốt hơn hết là nên tạo cho họ điều kiện và cung cấp công cụ, để họ có thể tiếp tục tiến bước và tự lo liệu cho mình.

Top