Lòng Từ Là Gì?

What is love zach lucero unsplash

Lòng từ là ước mong người khác được hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc. Nó phổ quát và vô điều kiện, dựa trên sự hiểu biết rằng tất cả mọi người đều muốn có được điều này một cách đồng đều. Nó bao gồm sự nhạy cảm về nhu cầu của người khác, và sẵn sàng đóng góp cho hạnh phúc của họ. Nó có thể được nới rộng đến tất cả mọi người, không cần biết quan hệ của họ đối với mình ra sao, hay họ đã làm gì, và không trông mong sự đền đáp nào cả. Trong đạo Phật, lòng từ là cội nguồn hạnh phúc to lớn nhất.

Lòng Từ So Với Lòng Tham Luyến

Các cảm thọ khác thường đi kèm với lòng từ. Với tâm tham luyến, chúng ta phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của một người, dù có thật hay là tưởng tượng ra, và chối bỏ những khiếm khuyết của họ. Ta bám víu vào họ và bực bội khi họ không để ý đến mình, và nghĩ rằng, “Tôi yêu bạn; đừng bao giờ rời xa tôi; tôi không thể sống thiếu bạn.”.

Lòng từ chân thật là ước muốn duy trì hạnh phúc cho tất cả chúng sanh không thiên vị, không cần biết mình ưa thích họ hay không. -  Yongdzin Ling Rinpoche

Lòng từ trong đạo Phật có cảm giác gần gũi với tha nhân, nhưng không dựa trên nền tảng họ có thương yêu và chăm sóc cho mình hay không, nên không có sự dựa dẫm vào ai. Tình thương pha trộn với tâm tham luyến và sự phụ thuộc thì không bền vững. Nếu người mình thương làm điều gì tổn thương mình, thì chúng ta sẽ không thương họ nữa. Hãy xem bao nhiêu cuộc hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu và kết cuộc bằng ly dị! Khi ta không có kỳ vọng gì thì không có điều gì có thể khiến cho mình lung lạc. Giống như cha mẹ luôn luôn thương yêu và muốn cho đứa con hư hỏng của mình có được điều tốt đẹp nhất thì việc phát triển lòng từ vững chãi sẽ ban cho ta sức mạnh, thậm chí để đương đầu với những người khó khăn nhất. Việc này đòi hỏi sự rèn luyện, nhưng tất cả chúng ta đều có khả năng.

Thương Yêu Bản Thân

Tình thương phổ quát bao gồm một khía cạnh thường bị bỏ qua, đó là: chúng ta cũng cần phải thương yêu bản thân mình, không phải theo cách vị kỷ, tự tôn, mà là chân thành quan tâm đến phúc lợi trước mắt và dài lâu của mình. Ta có thể không thích những khía cạnh tự hại bản thân trong cá tánh của mình, nhưng điều này không có nghĩa là mình muốn cho bản thân phải đau khổ, đó là điều đối ngược với tình thương. Dĩ nhiên là ta muốn mình được hạnh phúc.

Khi đem tình thương hướng về bản thân thì không chỉ là ước muốn điều gì làm thỏa mãn sự ham muốn lạc thú và giải trí không ngừng. Chút ít hạnh phúc mà ta có được từ những điều như vậy thì chẳng bao giờ bền lâu, và cuối cùng thì mình luôn luôn muốn có thêm nữa. Nếu như thương yêu bản thân một cách chân thành thì mình sẽ cố tìm cầu hạnh phúc chân thật lâu dài, không chỉ theo đuổi lạc thú tạm bợ. Khi thật sự yêu thương bản thân thì mình mới có thể thật sự yêu thương người khác.

Video: Matthieu Ricard — “Bí Mật Đơn Giản Để Đem Lại Hạnh Phúc”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.
Top