Đức Dalai Lama Tại Đại Học Jamia Millia Islamia

Tôi muốn cảm ơn Đại Học Jamia Millia Islamia, vị khách chính ở đây [Bộ Trưởng Phát Triển Nhân Lực Ấn Độ] Tiến sĩ Kabil Sibal, ngài Hiệu Phó, các giáo sư, trưởng khoa, sinh viên, cùng tất cả các vị khách có mặt ở đây. Tôi muốn gửi lời chào tới tất cả các bạn, nhưng trên hết, tôi muốn cảm ơn Jamia Millia Islamia đã trao giải thưởng này cho tôi.

Sau khi nhận được chiếc micro này, bây giờ, tôi sẽ cố gắng nói tiếng Anh. Tất nhiên, quý vị nên biết tiếng Anh của tôi rất rời rạc, đôi khi tôi có thể sử dụng sai từ ngữ. Vì vậy, tôi thường khuyên thính chúng khi tôi nói tiếng Anh rời rạc là “hãy cẩn thận”. Tôi có thể tạo ra vài sự hiểu lầm, vì dùng sai từ ngữ. Ví dụ, tôi có thể nói nhầm chữ “bi quan” thay vì “lạc quan”; đó là sai lầm nghiêm trọng. Đó là nguy hiểm thực sự, nên hãy cẩn thận khi nghe tôi nói tiếng Anh rời rạc.

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được nhận tấm bằng này. Trước tiên, khi nhận những bằng cấp này, tôi thường nói rằng tôi chưa bao giờ thực sự dành thời gian cho việc học tập, nhưng vẫn nhận được chúng, dù không cần học hành gì. Đối với những sinh viên nhận bằng tiến sĩ, tôi nghĩ các bạn đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực, còn tôi chỉ nhận những tấm bằng này từ một số trường đại học khác nhau mà chẳng nỗ lực gì nhiều, do đó mà tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Hiện tại, ở đây, đặc biệt là một bằng cấp từ một trường Đại Học Hồi giáo nổi tiếng, tôi rất cảm kích điều này, bởi vì một trong những cam kết của tôi là thúc đẩy hòa hợp tôn giáo.

Kể từ sự kiện 11/9, tôi đã giữ vững quan điểm bảo vệ Hồi giáo, bởi vì cả cộng đồng Hồi giáo bị nhìn chung như một sự tiêu cực, chỉ vì những hành động của một vài người ngỗ nghịch xuất thân từ Hồi giáo. Điều này hoàn toàn sai. Hồi giáo là một trong những tôn giáo vô cùng quan trọng trên hành tinh này, theo lẽ tự nhiên và thực tế. Qua nhiều thế kỷ và ở thời điểm hiện tại, cũng như tương lai, Hồi giáo đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại hy vọng, tin tưởng và cảm hứng cho hàng triệu người. Đó là sự thật. Ngay từ nhỏ, tôi đã có những người bạn gần gũi là người Hồi giáo. Chẳng hạn như, tôi nghĩ ít nhất là bốn thế kỷ trước, các thương gia Hồi giáo đã định cư ở Tây Tạng, tại Lhasa, và kiến tạo một cộng đồng Hồi giáo nhỏ ở đấy. Chẳng có bằng chứng nào về bất kỳ sự tranh chấp nào từ cộng đồng Hồi giáo này, và họ là những người rất hiền lành.

Hơn nữa, tôi biết một số người Hồi giáo ở quốc gia này đã nói với tôi là tín đồ Hồi giáo chân chính phải mở rộng lòng từ bi tới muôn loài; rằng nếu một người Hồi giáo tạo ra đổ máu thì trên thực tế, người này không còn là người Hồi giáo. Ý nghĩa của từ “jihad” không phải là “tấn công người khác”. Ý nghĩa sâu sắc hơn của từ “jihad” là đấu tranh nội tâm trong tự thân [vỗ tay hoan nghênh]: sự đấu tranh chống lại tất cả các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thù hận và tham luyến: các cảm xúc tạo ra thêm khó khăn trong tinh thần của con người, rồi qua đó, tạo thêm vấn đề trong gia đình hay cộng đồng. Vì thế, đấu tranh hay chiến đấu chống lại những cảm xúc tiêu cực này, các cảm xúc phá hoại này, đó là ý nghĩa sâu xa hơn của chữ “jihad”.

Do đó, mặc dù có triết lý khác nhau, nhưng cốt tủy của tôn giáo này giống với các tôn giáo khác. Nhờ việc thông tin và liên hệ với tín đồ của các tôn giáo khác nhiều hơn, tôi thấy tuy có sự khác biệt lớn trong lĩnh vực triết học, nhưng ở phạm vi thực tập thì họ đều thực hành lòng từ, lòng bi, tha thứ, bao dung, kỷ luật tự giác và lòng mãn nguyện. Vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội, tôi luôn nói với mọi người rằng chúng ta không nên có thành kiến với người Hồi giáo, chỉ vì một vài phần tử Hồi giáo ngỗ nghịch. Cũng có những phần tử ngỗ nghịch trong cộng đồng Ấn giáo, trong cộng đồng Do thái, trong Cơ Đốc giáo, cũng như trong cộng đồng Phật giáo, và cũng có một số phần tử ngỗ nghịch trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, điều này rất rõ ràng. Thế nên, tôi thực sự cảm thấy vô cùng vinh dự khi nhận được bằng cấp danh dự từ một trường đại học Hồi giáo.

Về cam kết thì cho tới khi lìa đời, tôi có hai điều cam kết. Như tôi đã đề cập lúc nãy, một là thúc đẩy hòa hợp tôn giáo; và cam kết khác, ở phạm vi con người, là thúc đẩy các giá trị nội tâm của con người, các phẩm chất tốt đẹp của con người phát triển nhờ sinh học, chủ yếu là tình người. Khi chúng ta vừa sinh ra, từ phía người mẹ, bà đã có một tình thương vô hạn đối với đứa con. Từ phía đứa bé cũng vậy, ngay khi sinh ra, tuy không biết người này là ai, nhưng về mặt sinh học, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Khi người mẹ ẵm đứa bé, nó rất vui; khi mẹ con xa cách nhau, nó cảm thấy bất an. Kể cả động vật cũng có kinh nghiệm này, đấy là cách chúng ta bắt đầu cuộc sống. Thế nên nếu một người nhận được tình thương tối đa lúc sinh ra, thì những năm sau đó và suốt cả cuộc đời, sẽ là một người khỏe mạnh và giàu lòng bi mẫn hơn. Nhưng nếu họ thiếu thốn tình cảm hay bị hành hạ khi còn nhỏ thì những kinh nghiệm này sẽ tồn tại với họ suốt đời. Không cần biết bề ngoài của họ ra sao, nhưng trong thâm tâm, họ có sự sợ hãi và ngờ vực. Sự ngờ vực giữa con người với nhau thực sự đi ngược với bản tính cơ bản của con người: chúng ta là động vật xã hội. Đối với bất kỳ động vật xã hội nào, sự hợp tác toàn diện rất cần thiết cho lợi ích cá nhân. Cá nhân là một thành phần của xã hội và tương lai của cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hay cộng đồng.

Trên cơ bản của một cuộc đời thành công, nếu bạn phát triển sự nghi ngờ và sợ hãi, nếu bạn giữ khoảng cách thì làm sao một người như vậy có thể hạnh phúc? Điều này rất khó! Do đó, tình bạn rất cần thiết để phát triển sự hợp tác chân thật. Nền tảng của tình bạn là niềm tin. Nền tảng của niềm tin là sự cởi mở, minh bạch, rồi niềm tin mới có thể phát triển. Nền tảng của điều này là lòng nhiệt tình và quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Khi những ý niệm như vậy có mặt thì sẽ không có chỗ cho việc bóc lột, lừa dối, gạt gẫm, hay dọa nạt người khác tồn tại, bởi vì bạn thật sự quan tâm đến hạnh phúc của họ một cách chân thật. Điều này không nhất thiết xuất phát từ tôn giáo, mà qua các yếu tố sinh học.

Do đó, một trong những cam kết chính của tôi là nói chuyện và chia sẻ với mọi người sự thật là “chúng ta là động vật xã hội”. Hiện tại, trên thế giới ngày nay, vì nền kinh tế toàn cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, và toàn thế giới hiện có gần bảy tỷ người, lợi ích của mỗi người đều liên hệ với nhau. Vì vậy, dựa trên thực tại này thì khái niệm “chúng ta” và “họ” không phù hợp. Hiện tại, chúng ta phải xem loài người là một gia đình nhân loại. Thế nên tôi thường nói với mọi người rằng chúng ta phải phát triển thái độ xem cả thế giới này là một phần của tôi, một phần của chúng ta. Khi có một ranh giới vững chắc giữa “chúng ta” và “họ” thì bạo lực sẽ xảy ra. Nếu chúng ta phát triển ý niệm về toàn thể loài người là một phần của “tôi”, một phần của “chúng ta” thì không có chỗ cho việc sử dụng bạo lực.

Do đó mà nỗ lực chính của tôi, cùng với các bạn của tôi, chúng tôi nghĩ rằng thế kỷ trước, thế kỷ 20, đã trở thành thế kỷ của bạo lực. Trong thế kỷ đó, hơn 200 triệu người bị giết vì bạo lực. Tôi vừa trở về từ Nhật Bản, trong một buổi nhóm họp với một số người đã đoạt giải Nobel ở Hiroshima, nơi mà quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống con người. Thật là khủng khiếp! Thế kỷ đó còn sử dụng vũ khí hạt nhân trên con người! Thế nên thế kỷ đó, mặc dù có rất nhiều phát triển, nhưng theo một chiều hướng, nó đã trở thành thế kỷ của sự đổ máu. Hiện nay, nếu như bạo lực mãnh liệt và đổ máu thảm khốc thực sự giải quyết một số vấn đề của con người, hay mang lại lợi ích nào đó thì cũng tốt thôi, vì ta có thể biện minh cho chúng, nhưng chẳng có điều gì biện hộ được. Thế thì dựa trên kinh nghiệm của quá khứ, giờ đây, chúng ta phải thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo thế kỷ 21 sẽ trở thành thế kỷ của đối thoại. Chúng ta cần có ý thức về sự hợp nhất lan rộng trên toàn thể nhân loại. Tôi cảm thấy sự khác biệt về quốc tịch, văn hóa, chủng tộc, niềm tin tôn giáo, đều là thứ yếu. Quan trọng là ở mức độ cơ bản, chúng ta đều là con người.

Đôi khi, tôi nghĩ rằng một số vấn đề mà chúng ta đối mặt ngày nay chủ yếu là sự tạo tác của chính mình. Những điều này, những vấn đề do chính chúng ta tạo ra, đã xảy ra bởi vì chúng ta quá nhấn mạnh vào tầm quan trọng của mức phụ trội, mà quên đi mức độ cơ bản. Thế nên bây giờ, thời gian đã điểm; để xây dựng một thế giới hạnh phúc, một thế giới hòa bình, chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng lớp con người. Chúng ta, tất cả mọi người đều có quyền lợi làm người hạnh phúc như nhau; và lợi ích của mỗi cá nhân phụ thuộc vào những người còn lại. Vì thế, chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Đó là phương thức đúng đắn để đạt được lợi ích tối đa cho bản thân.

Đó chính là cam kết thứ hai của tôi. Cam kết thứ nhất của tôi là thúc đẩy hòa hợp tôn giáo; thứ hai là thúc đẩy các giá trị căn bản của con người. Do đó, tôi đã cam kết với bản thân sẽ thực hiện những điều này cho tới khi tôi chết.

Đối với các bạn, các bạn trẻ, những sinh viên, trước tiên, tôi muốn chúc mừng các bạn. Tôi nghĩ rằng các bạn nhận được tấm bằng này nhờ kết quả nỗ lực to lớn của mình. Tôi nghĩ có lẽ trong mấy ngày qua, có thể các bạn đã mất ngủ, vì quá nôn nao. Tối nay, tôi nghĩ các bạn có thể ngủ ngon hơn. Dù sao thì tôi cũng muốn gửi lời chúc mừng tới các bạn, rồi tôi muốn nói và chia sẻ với các bạn rằng: Cuộc sống không dễ dàng; chẳng có gì đảm bảo. Các bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta là một thành phần của xã hội loài người, nên không cần biết những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đương đầu là điều gì, chúng ta đều có khả năng để vượt qua khó khăn. Sự tự tin và lạc quan rất cần thiết. Và đối với các bạn trẻ, các bạn cũng cần có thêm kiên nhẫn. Các bạn trẻ, đôi khi mong muốn tất cả những điều gì thì các bạn muốn có được chúng ngay lập tức. Khi gặp một số trở ngại hay cản trở thì các bạn sẽ nản lòng. Có một câu nói của người Tây Tạng rằng: “Chín lần thất bại, chín lần cố gắng.”. Đó là điều quan trọng, hãy giữ nó trong lòng.

Còn điều này nữa: các bạn là thế hệ thực sự thuộc về thế kỷ 21. Tôi thuộc về thế kỷ 20 cũng như một số giáo sư và bộ trưởng ở đây, tôi cho rằng chúng tôi thuộc về thế kỷ 20. Trong thế kỷ 21, chỉ có 10 năm mới trôi qua, 90 năm nữa còn chưa tới. Vì vậy, những người thực sự tạo ra hình dáng mới mẻ cho thế kỷ này chính là các bạn; nên các bạn phải chuẩn bị cho điều này. Nhằm tạo ra một thế giới tốt hơn, thế giới hòa bình và hạnh phúc, các bạn phải có tầm nhìn, và các bạn không chỉ cần có nền giáo dục, mà còn cần có nguyên tắc đạo đức. Tôi nghĩ rằng rất nhiều vấn đề mà chúng ta tạo ra ở thế kỷ 20 và kể cả những năm đầu của thế kỷ này không phải là do việc thiếu giáo dục, mà là thiếu các nguyên tắc đạo đức. Do đó, để phát triển và kiến tạo một thế giới hạnh phúc và hòa bình, giáo dục và đạo đức luân lý phải đi đôi với nhau.

Bây giờ nói về đạo đức, có nhiều cấp độ. Một cấp độ là niềm tin tôn giáo. Ở cấp độ cơ bản hơn, không có niềm tin tôn giáo, mà chỉ đơn giản sử dụng kinh nghiệm của con người và lý lẽ thông thường, cùng với các kết quả khoa học mới nhất, các bạn sẽ vững tin rằng lòng nhiệt tình và cởi mở hơn sẽ có lợi ích to lớn, kể cả đối với sức khỏe của bản thân. Ai cũng chăm sóc sức khỏe của bản thân. Yếu tố quan trọng của sức khỏe tốt là tâm bình an. Do đó, những nỗ lực lớn hơn để phát triển lòng bi mẫn thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sức khỏe của bản thân và rất quan trọng để kiến tạo một gia đình hạnh phúc.

Vì vậy, về mặt giáo dục, các bạn đã nhận được bằng cấp cao hơn. Bây giờ, hãy chú ý đến các giá trị tinh thần của mình nhiều hơn: đó là giá trị và đạo đức thật sự của con người. Ngài Hiệu Phó đã nhắc đến đạo đức, về cách tiếp cận nhân văn; điều này vô cùng quan trọng và tôi muốn chia sẻ với các bạn. Chỉ có thế thôi, cảm ơn các bạn rất nhiều.

Top