Chú Giải về Lời Khuyên của một Lão Ông Từng Trải

Những giáo huấn về nỗi khổ được trích từ Lời Khuyên của một Lão Ông Từng Trải, của đạo sư tôn quý Gungtang Rinpoche (Gung-thang-tshang Kon-mchog bstan-pa'i sgron-me) (1762 – 1823). Các giáo huấn này chứa đựng nhiều chuyện ngụ ngôn, bắt nguồn từ một câu chuyện thuộc thể thơ, dựa trên kinh điển. Điểm chính của những lời dạy này giúp ta phát triển tâm xả ly và lòng quyết tâm đạt được giải thoát, chung quy là nhằm tạo lập nền tảng cho Bồ Đề tâm, để đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh.

Chí tâm đảnh lễ Đức Phật vô cấu, người đã tiêu diệt các hạt giống của sự tái sinh luân hồi thiếu tự chủ, do nghiệp lực và phiền não tạo ra; vì thế, Ngài đã không còn trải qua những nỗi đau khổ của lão, bệnh và tử.
Giữa đồng bằng bao la, cô độc và hoang dã của những kiếp luân hồi; một chàng trai trẻ, tự hào về tuổi xuân và thể chất của mình, viếng thăm một ông lão. Sau đây là buổi đàm luận của họ.
"Này ông lão. Tại sao ông lại cư xử, nói năng và có bề ngoài lập dị như vậy?"
Lão ông trả lời rằng, "Nếu anh bảo ta hành xử, đi đứng, cử động và nói năng khác thường, thì đừng tưởng rằng anh đang bay ở trên trời. Hãy đáp xuống đất như ta và lắng nghe lời ta nói."
Những người trẻ thường nghĩ rằng tuổi già thì chỉ thuộc về những người già, và sẽ chẳng bao giờ xảy ra với họ.Vì thế, họ rất tự mãn và không đủ kiên nhẫn để giao tiếp với người già.
Lão ông tiếp lời :"Vài năm trước đây, ta đã từng là một người mạnh khỏe, tuấn tú và cường tráng hơn con. Tình trạng lúc ta sinh ra không giống như tình trạng của ta bây giờ. Ngày đó, khi ta chạy, ta còn có thể bắt kịp những con ngựa đang phi nước đại như bay."
Đa số người già vẫn thường nói rằng hiện tại không bao giờ được tốt đẹp như những ngày xưa.
"Nếu phải nắm bắt cái gì đó, thậm chí ta có thể bắt những con trâu yak trên thảo nguyên của dân du mục bằng tay không. Thân ta vô cùng uyển chuyển, ta có thể di động như một con chim trên trời. Cơ thể ta vô cùng sung sức, ta trông như một vị thần trẻ trung. Ta đã từng khoác lên người những y phục màu sắc tươi sáng nhất với vô số trang sức vàng bạc, từng nếm qua mùi vị tuyệt vời của hàng khối thức ăn ngon; cưỡi những con chiến mã hùng dũng nhất. Hiếm khi nào ta phải ngồi một mình mà không đùa giỡn, cười vui và hưởng thụ cuộc đời. Ít có thú vui nào ở đời mà ta chưa từng trải qua.
"Lúc đó, ta chẳng bao giờ nghĩ đến sự vô thường của cuộc đời mình, hay về cái chết của chính ta. Ta cũng chẳng hề nghĩ về nỗi khổ của tuổi già như ta đang trải qua hiện nay."

Trước kia, có một chàng trai trẻ sống ở quê của ta, anh ta có một cuộc sống rất xa hoa và luôn đắm mình trong các lạc thú. Dần dần, anh ta già đi, người anh oằn xuống, thu nhập cũng ít lại. Lúc đó, anh ta mới nói với bạn bè của mình rằng, "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tuổi già có thể ập đến đột ngột như vậy".

"Khi con sống với thú tiêu khiển cùng với bạn bè, tiệc tùng và hưởng thụ những khoảnh khắc vui thú; tuổi già sẽ lặng lẽ đến gần và qua mặt con giữa những tiếng cười đùa của chính con.”

Geshe Kamapa đã từng nói rằng, "Chúng ta nên mừng vì tuổi già đến một cách chậm chạp, bởi nếu nó ập đến ngay tức khắc, thì ta sẽ không thể nào kham nổi. Giả sử như ở tuổi ba mươi, chúng ta đi ngủ, rồi một sớm thức dậy thấy mình có khuôn mặt của một người tám mươi tuổi, ta hẳn sẽ không thể nào nhìn mặt mình nữa. Chúng ta không có ý thức đúng đắn về tuổi già của mình. Việc ta già đi như thế nào hoàn toàn là một điều bí ẩn đối với chính mình. Khi ta đột nhiên nhận ra tuổi già của mình, ta sẽ mất một thời gian để chấp nhận nó. Lúc đó thì đã muộn rồi. Mặc dù người ta nói rằng nếu thực hành Pháp trong vài giờ trước khi chết cũng rất hữu ích, nhưng nếu hành trì mật điển thì ta cần có một thân thể tráng kiện. Vì thế, điều quan trọng là nên bắt đầu tu tập mật điển lúc mình còn trẻ.

"Khi đã quá già nua, ta thường không thích nhìn thấy mình trong gương. Lúc đó, cả cơ thể và tâm hồn ta đều trở nên yếu đuối. Thân thể ta bị lão hóa dần từ đầu đến ngón chân. Đầu chúng ta lúc nào cũng cúi xuống như thể đang thọ nhận lễ quán đảnh bình.
"Khi tóc ta bạc trắng, một sợi đen cũng không còn, đó không phải là dấu hiệu của sự tịnh hóa, mà là mũi tên sương tuyết từ miệng Thần Chết đã bay xuống đầu ta. Các nếp nhăn trên trán ta không phải là đường nét của một đứa trẻ bụ bẫm còn bú sữa mẹ, chúng là con số của bao nhiêu năm dài ta đã trải qua mà sứ giả của Thần Chết đã đếm được. Khi ta nheo mắt, đó không phải là vì khói bay vào mắt ta, mà là dấu hiệu của sự bất lực, khi những năng lực giác quan đã suy thoái. Khi ta cố gắng lắng nghe bằng cách để tay kề lỗ tai ta, thì không phải vì ta muốn truyền đạt một điều gì bí mật, mà đó là dấu hiệu thính giác của ta đã suy yếu.
"Khi ta chảy nước dãi hay nước mũi, đó không phải là những hạt trai tô điểm cho gương mặt ta, mà là dấu hiệu khi tảng băng của sức sống trẻ trung đang tan chảy dưới ánh nắng chói chang của tuổi già. Mất đi vài chiếc răng không phải là dấu hiệu những cái răng mới sẽ mọc như trẻ con, mà là biểu hiện cho thấy công cụ của việc ăn uống đã trở nên yếu kém, và Thần Chết đang dần loại bỏ chúng. Khi nước miếng cứ chảy hoặc văng ra khi ta nói, nó chẳng giống như nước phun ra để rửa sạch trái đất, mà đó là dấu hiệu những lời ta sẽ nói sắp sửa chấm dứt. Khi ta nói năng không mạch lạc và vấp váp trong cách dùng từ ngữ, đó không phải là vì ta đang nói một ngôn ngữ nước ngoài lạ lùng nào, mà chính là dấu hiệu lưỡi ta đã mỏi mệt, vì cả đời đã nói quá nhiều những chuyện vô ích.
"Khi gương mặt ta trở nên xấu xí, đó không phải vì ta cố gắng che đậy sau một cái mặt nạ khỉ, mà là dấu hiệu thân xác mà ta vay mượn đã thoái hóa hoàn toàn. Khi ta cứ lắc đầu, không phải ta đang bất đồng ý kiến, mà đó là dấu hiệu năng lực mạnh mẽ từ cây gậy của Thần Chết đã giáng vào đầu ta. Khi ta bước đi với lưng còng, không phải ta đang cố tìm cây kim rớt dưới dất, mà đó là bằng chứng rõ rệt địa đại trong thân ta đã suy yếu.
"Khi ta đứng lên bằng hai tay và đầu gối, không phải là ta cố bắt chước các loài động vật bốn chân, mà vì đôi chân ta đã không còn đủ sức chống đỡ nữa. Khi ta ngồi xuống thì giống như một cái túi gì đó rơi xuống. Điều này không phải là ta đang nổi giận với bạn bè, mà vì ta đã không còn kiểm soát được thân thể của mình.
"Khi ta bước đi chậm chạp, không phải ta đang cố đi như một chính khách vĩ đại, mà vì cơ thể ta đã hoàn toàn mất đi sự cân bằng. Khi tay ta run, không phải ta đang cố vẫy tay để lấy cái gì đó vì lòng tham, mà đó là dấu hiệu của nỗi sợ hãi khi mọi thứ ta có sẽ bị Thần Chết mang đi. Khi ta ăn uống thật ít, chẳng phải do ta hà tiện hay bủn xỉn, mà đó là dấu hiệu thoái hóa của năng lượng tiêu hóa nơi rốn của ta. Khi ta mặc trang phục mỏng manh, không phải ta cố bắt chước những vận động viên, mà bởi cơ thể quá ốm yếu của ta đã khiến cho quần áo trở thành một gánh nặng."
"Hơi thở trở nên khó nhọc hơn, vì thế khi ta hổn hển, không phải ta đang thổi một thần chú để chữa bệnh cho ai đó, mà đó là dấu hiệu của tình trạng yếu đuối và kiệt quệ năng lượng trong cơ thể ta. Khi ta làm rất ít việc và chỉ có một vài hoạt động, không phải là ta cố ý kiểm soát những hành vi của mình, mà vì đó là giới hạn hoạt động của một ông lão. Khi ta quá đãng trí, không phải vì ta cho rằng những điều đó không quan trọng và xem thường chúng, mà đó là dấu hiệu trí nhớ của ta đã suy yếu.
"Này chàng trai trẻ, đừng vội cười nhạo ta. Những gì mà ta trải qua chẳng phải chỉ xảy đến cho riêng ta. Mọi người đều sẽ kinh qua những điều này. Hãy chờ đi và con sẽ thấy. Chỉ ba năm nữa thôi, những tín hiệu đầu tiên của tuổi già sẽ đến với con. Con sẽ không tin và không thích những gì ta vừa nói, nhưng con sẽ học được nhiều điều từ những kinh nghiệm đó. Trong thời đại của năm sự suy tàn này, con sẽ may mắn nếu được sống lâu như ta. Cho dù con có sống lâu như ta chăng nữa, con cũng không thể nói được nhiều như ta. "
Chàng trai trả lời, "Thay vì sống lâu để rồi trở nên xấu xí và bị quên lãng như ông, xếp hạng ngang hàng với loài cẩu, ta thà chết còn hơn."
Ông lão cười lớn: "Này chàng trai trẻ, anh thật vô minh và ngu ngốc biết bao, nếu anh chỉ mong sống thật lâu, có được hạnh phúc mà không bao giờ phải trải qua tuổi già. Cái chết nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó không dễ dàng. Để có thể chết một cách bình an và hạnh phúc, anh cần phải là một người chưa hề nhận các thức cúng dường có được từ việc tích tập các hành vi sai trái, hay vi phạm mười thiện nghiệp, và đã tích tập các hạnh lắng nghe Pháp, quán chiếu và thiền định. Nhờ đó, cái chết sẽ trở nên dễ dàng."
"Tuy nhiên, ta không cảm thấy như thế. Ta không tự tin rằng ta đã làm được những điều có tính cách xây dựng. Ta sợ cái chết và tri ân sự sống từng ngày một. Nguyện vọng mãnh liệt của ta là được sống mỗi ngày."
Chàng trai trẻ bỗng nhiên chuyển đổi tâm ý và nói rằng, "Ông lão ơi, những gì ông nói là sự thật. Những điều mà người khác đã từng nói với con về nỗi thống khổ của tuổi già thật trùng khớp những gì con được nhìn thấy ở ông. Sự minh chứng của ông về tuổi già đã mang lợi lạc cho tâm con. Con thực sự kinh ngạc về nỗi khổ của tuổi già. Hỡi lão ông thông tuệ, nếu như ông biết được những phương thức nào giúp cho con người thoát khỏi tuổi già, xin đừng giữ bí mật mà hãy chia sẻ với con, và chỉ cho con sự thật."

Lão ông hài lòng và trả lời, "Chắc chắn là có cách để con thoát khỏi tuổi già. Nếu con biết được thì rất dễ thực hành. Chỉ cần một chút nỗ lực, chúng ta sẽ nhanh chóng giải thoát khỏi nỗi khổ này. Mặc dù tất cả mọi người sinh ra đều sẽ chết đi, nhưng rất ít người chết ở tuổi già. Nhiều người chết yểu khi chưa đến tuổi già. Các phương tiện ở đây chính là giáo lý của Đức Phật. Các giáo lý đó chứa đựng nhiều phương tiện để đạt được giải thoát và giác ngộ, hay nói cách khác, là không còn tái sinh, lão, bệnh và tử nữa; nhưng chúng ta phải thực hành các giáo lý này."

Một lần nọ, ở một tu viện có một vị lama cao quý nhờ vào sự tu học tinh tấn của chính mình mà đạt được văn bằng Geshe. Vị lama này là một tiểu sư ở tu viện, nên phần đông các tăng sĩ trong chùa không ai để ý đến ông. Một hôm, họ có một buổi họp để bàn luận về tương lai của tu viện. Vị lama bảo họ chuẩn bị vài sợi dây thừng và vải liệm để quấn tử thi. Mọi người nghe xong cho rằng đó là một điềm gở và vô cùng tức giận. Sau đó họ lại tiếp tục thảo luận mỗi người nên làm gì để giúp đỡ tu viện. Vị lama lại nói nên thiền quán về tính vô thường. Với lời này, ông đã ban cho các tăng sĩ một giáo huấn cao cả. Các Đức Dalai Lama trong những đời sau đã ca ngợi vị lama này. Để chuẩn bị cho tương lai, ta cần chuẩn bị cho cái chết.

"Mọi người đều muốn được bất tử và mong có cách nào đó để đạt được điều này. Nhưng đã sinh ra mà lại không chết đi là điều không thể nào. Ngay cả hàng nghìn đấng giác ngộ viên mãn, kể cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đều đã nhập niết bàn. Còn các vị Bồ Tát và các bậc đạo sư vĩ đại trong quá khứ cũng chỉ còn lưu lại tên tuổi của các ngài mà thôi. Những điều tương tự cũng hiển nhiên trong lịch sử thế giới. Tất cả các nhân vật lịch sử vĩ đại rồi cũng qua đời và chỉ lưu lại những tàn tích về những công trình vĩ đại trong thời đại của họ. Vì thế, chúng ta không thể quên đi sự thật là cái chết đang treo lơ lửng trên đầu mình. Ngay cả các vị đạo sư vĩ đại đương thời rồi cũng sẽ nhập diệt. Những đứa trẻ sinh ra vào ngày hôm nay đều sẽ qua đời trong một trăm năm nữa. Này chàng trai trẻ, làm sao con có thể nghĩ rằng chỉ mình con sẽ sống còn mãi mãi? Vì thế, tốt nhất là con nên tự chuẩn bị về mặt tâm linh cho cái chết của mình.
"Một kiếp sống dài không thể mua được bằng tiền hay có được bằng các tiện nghi vật chất. Nếu con cảm thấy tự tin về mặt tâm linh và biết con muốn gì trong cuộc đời này, thì khi cơ thể càng trở nên già yếu, tinh thần con lại càng khỏe khoắn và an lạc hơn. Còn nếu con thích thú hưởng thụ những tiện nghi vật chất, nhưng lại có một cuộc đời trống rỗng, thì khi càng luống tuổi, con sẽ càng cảm thấy bất an hơn. Rồi con phải du hành như một lữ khách để làm khuây khỏa nỗi lo về cái chết. Nói cách khác, ngay cả khi con chỉ có một chút tự tin về mặt tâm linh, khi cái chết gần kề, con sẽ càng cảm thấy mình như một đứa trẻ được trở về ngôi nhà an lạc. Con sẽ không bị cái chết khuất phục, mà còn trông đợi những cuộc đời an lạc tiếp nối nữa."

Một đạo sư vĩ đại có nói rằng, "Bởi vì tôi hoàn toàn tự tin vào những tái sinh trong tương lai của mình, tôi không còn lo lắng nữa. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và tôi luôn sẵn sàng."

"Vì ta không thể nào tránh được nỗi khổ do cái chết gây ra, nên ta phải làm một điều gì đó. Chúng ta không thể cứ ngồi một chỗ và buồn phiền. Là con người, chúng ta có đầy đủ trí huệ để thử áp dụng nhiều phương pháp. Ngay cả Đức Phật cũng không thể ban cho con những giáo huấn rõ ràng hơn đâu, chàng trai trẻ ạ. Ta đã nói từ đáy lòng mình. Mặc dù đây là những lời khuyên chân thành của ta, con cũng đừng chỉ dựa dẫm vào những ngôn từ ấy, mà hãy tự phân tích những lời này. Hãy tự mình thực hành những pháp tu liên hệ đến tính vô thường. Một câu ngạn ngữ nói rằng, 'Hãy hỏi ý kiến của người khác, nhưng phải tự mình quyết định.' Nếu con để cho nhiều người quyết định thay con, thì họ sẽ cho con những lời khuyên khác nhau."
Chàng trai trẻ nói: "Tất cả những lời ông nói rất chân thực và hữu ích biết bao. Nhưng trong vài năm kế tiếp đây, con chưa thể làm được những điều đó. Con có những việc khác phải làm. Con có một sản nghiệp lớn với của cải và nhiều thứ khác. Con phải lo nhiều mối kinh doanh để trông nom khối tài sản đó. Sau đó vài năm, con sẽ trở lại gặp ông và lúc đó, con sẽ bắt đầu tu tập."
Lão ông trở nên buồn rầu và nói, "Mọi điều con vừa nói với ta đã trở thành những lời trống rỗng và vô nghĩa. Ta cũng đã từng nghĩ tương tự, ước mơ sẽ làm được điều gì đó có ý nghĩa sau một vài năm nữa, nhưng ta đã chẳng làm được bất cứ điều gì, và giờ đây thì ta đã già rồi. Ta biết những điều con nói là hão huyền. Những việc con định làm trong một vài năm đó, sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Con sẽ luôn luôn trì hoãn việc thực hành Pháp. Những việc phải thực hiện trong một vài năm giống như râu của một ông lão, nếu hôm nay con cạo sạch chúng, ngày mai chúng lại mọc trở lại. Sau khi cứ trì hoãn tới ngày mai và ngay mai hoài, con sẽ sớm nhận ra rằng cuộc đời mình đã trôi qua mất rồi. Việc trì hoãn thực hành Pháp luôn lừa phỉnh mọi người. Ta không tin rằng con sẽ hành trì Pháp bao giờ. Vì thế, cuộc đàm đạo này hoàn toàn là một sự lãng phí. Con hãy trở về nhà và làm những gì con muốn. Hãy để ta trì tụng chú mani."
Chàng trai trẻ vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy hơi đau lòng. Chàng ta nói, "Sao ông lại có thể nói với con những lời như vậy? Xin hãy cho con biết, làm cách nào để đạt được thành tựu vật chất một cách nhanh chóng?"
Lão ông cười, "Con hỏi ta điều này ư? Thế thì ta đoán ta sẽ phải trả lời câu hỏi phải mất bao lâu để thành tựu bất cứ điều gì. Thần Chết ngự trị ở hướng Nam không cần biết con đã hoàn thành công việc của mình hay chưa. Ngài sẽ làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Nếu con có thể tạo được mối quan hệ thân mật với Ngài để được Ngài cho phép thành tựu một điều gì đó trong đời, thì con có thể được thoải mái. Bằng không, con sẽ chẳng bao giờ được thoải mái. Người ta chết trong lúc uống một ly trà, giữa một bữa ăn, trong lúc đang đi, hay trước khi họ có thể hít xong bột thuốc lá trong một hơi thở.
"Điều này xảy ra cho tất cả mọi người, kể cả những bậc thầy vĩ đại. Rất nhiều giáo huấn của các vị vẫn còn viết dở dang, bởi các vị đã qua đời trước khi hoàn tất các tác phẩm này. Vì thế khi Thần Chết đến, con không thể nói, 'Tôi có một sản nghiệp lớn và còn nhiều việc phải làm.' Con không thể khoe khoang bất cứ thứ gì với Ngài, và con sẽ phải từ bỏ tất cả. Trên khía cạnh này, chúng ta hoàn toàn bất lực. Chúng ta không thể tự quyết định thọ mạng của mình. Vì thế, nếu có thể làm được điều gì đó, thì con hãy bắt đầu thực hành Pháp ngay bây giờ. Điều này sẽ có ý nghĩa, nếu không, những tài sản của con chỉ là những thứ vô nghĩa. Tuy vậy, ngày nay, rất ít người nói với con sự thật về những điều mang lại lợi lạc cho con. Điều hiếm hoi hơn nữa là những ai chịu lắng nghe lời khuyên chân thành."
Chàng trai trẻ vô cùng cảm động, và với lòng kính trọng lớn lao đối với ông lão, chàng lùi lại vài bước và quỳ lạy dưới chân ông. Chàng nói, "Không có vị lama nào, dù được che phướn vàng, không có vị Geshe hay hành giả du già (yogi) nào khác có được giáo huấn thậm thâm hơn những điều mà Ngài vừa dạy cho con. Ngài mang hình tướng của một ông lão bình thường, nhưng thực sự lại là một người bạn tâm linh cao cả. Con xin hứa danh dự rằng con sẽ thực hành những giáo huấn Ngài đã dạy bằng tất cả khả năng của con. Về sau, xin Ngài hãy ban cho con thêm nhiều giáo huấn khác nữa."
Lão ông đồng ý và chấp thuận lời yêu cầu của anh. Ngài đáp: "Ta không biết gì nhiều, nhưng ta đã kinh qua rất nhiều kinh nghiệm. Ta sẽ dạy con bằng kinh nghiệm của mình. Việc khó khăn nhất là có sự khởi đầu và thiết lập bản thân trong Giáo Pháp. Nếu con bắt đầu thực hành Pháp lúc con đã già thì sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, điều quan trọng là hãy bắt đầu thực hành khi con còn trẻ."
"Khi còn trẻ, trí nhớ của con còn minh mẫn; con có trí thông minh năng động và thân thể khỏe mạnh để tích tụ năng lực tích cực bằng cách lễ lạy. Về mặt tu tập mật điển, sức mạnh và khí lực của các kinh mạch của con rất tốt khi còn trẻ. Nếu khi còn trẻ, con có thể vượt qua các chướng ngại của lòng tham và sự bám chấp vào việc sở hữu tài sản, dấn thân vào hoạt động tâm linh, thì điều này rất đáng quý. Một khi con đã chấp nhận được Pháp, hiểu những điểm then chốt, và dấn thân vào tinh thần của Pháp, thì tất cả những gì con làm, nói và nghĩ, đều là Pháp."

Milarepa và Ra Lotsawa đã từng nói như thế, "Khi ta ăn uống, đi lại, ngồi hay ngủ – đó là cách thực hành Pháp."

"Không có bất kỳ một nguyên tắc cứng nhắc nào trong Phật pháp cả. Vì vậy, hãy cố gắng đừng có quá nhiều tạp niệm hay tâm ý thất thường. Con hãy bắt đầu ngay bây giờ và tiếp tục quan tâm đến Pháp. Đừng thay đổi tâm ý không ngừng. Ngay khoảnh khắc này, hãy cống hiến cả cuộc đời con – thân, khẩu, và ý – cho việc thực hành Pháp ."
Bấy giờ, lão ông nói với chàng trai những yêu cầu của việc thực hành Pháp," Trước tiên, con hãy tìm một vị đạo sư tâm linh hội đủ phẩm chất và cống hiến mọi ý tưởng cùng hành vi của con cho ngài một cách đúng đắn. Việc con sẽ tạo ra bao nhiêu lợi lạc cho người khác tùy thuộc vào việc tìm được một đạo sư tâm linh đúng đắn và mối quan hệ tận tụy hết lòng của con đối với ngài."

A-Đề-Sa (Atisha) đã nhấn mạnh điểm này. Ngài thường kể rằng Ngài có lòng tận tụy đồng đều đối với tất cả 155 vị bổn sư (guru) của Ngài.

"Sau đó, con cần tuân theo những lời đã phát nguyện và thệ nguyện hành trì mười thiện nghiệp. Hãy bảo vệ những hạnh nguyện này như chính cặp mắt của con. Hãy lìa bỏ sự bám chấp vào đời sống này, như một con voi rừng bẻ gãy xiềng xích của nó. Sau đó, hãy tích tập các hạnh văn, tư, tu và hành trì cả ba cùng một lúc. Hãy hỗ trợ điều này bằng hành trì Thất Chi Nguyện. Đó là phương pháp để tích tụ năng lực tích cực và tích lũy công đức cho con. Khi đã hoàn tất những hành trì này, Phật quả sẽ ở đầu ngón tay của con."

Đức Dalai Lama đời thứ Năm đã từng nói, nếu một đạo sư hội đủ phẩm chất cao quý hướng dẫn cho một đệ tử có đủ điều kiện, thì Phật quả có thể thành tựu trong tầm tay người đệ tử. Milarepa cũng có nói rằng, nếu bạn có một vị đạo sư hội đủ phẩm chất cao quý và một đệ tử có đủ điều kiện, thực hành những giáo huấn cao cả của ngài, thì Phật quả không phải ở bên ngoài, mà chính là ở bên trong vị đệ tử ấy. Tuy nhiên, điều luôn luôn cần được nhấn mạnh là vị đạo sư phải hội đủ các phẩm chất cao quý.

"Đây chính là niềm hạnh phúc, an lạc. Con trai yêu quý, nếu con hành trì theo cách này thì tất cả những ước nguyện của con sẽ được thành tựu."

Các giáo huấn này vô cùng lợi lạc cho việc điều phục tâm và khiến cho một tâm thức cứng cỏi trở nên mềm dịu. Ngạn ngữ có câu, "Đừng giống như một chiếc túi da chứa bơ. Đừng giống như hòn sỏi trong giòng suối." Chiếc túi da không bao giờ mềm đi dù có chứa bao nhiêu là bơ ở bên trong. Dù cho hòn sỏi có ở trong giòng suối bao lâu đi nữa, nó cũng không thể trở nên mềm mại được.

Từ hôm đó, chàng trai trẻ đã thực hành Pháp thanh tịnh, không xen lẫn với bát phong.

Chúng ta cũng cần phải thực hành như thế. Càng nghe được nhiều giáo huấn, chúng ta càng nên hành trì chúng và tu tập bản thân, đừng để mình giống như những hòn sỏi trong giòng suối, không bao giờ trở nên mềm mại được.

Lão ông nói, "Ta đã thọ nhận các giáo huấn này, từ các bậc đạo sư tâm linh của ta, cũng như dựa trên chính kinh nghiệm của bản thân ta. Nguyện cho giáo huấn này mang lại lợi lạc cho vô lượng chúng sanh, vì hạnh phúc của họ."

Lời kết của tác giả: Mặc dù tôi tu tập rất ít và thiếu kinh nghiệm về Pháp, tuy nhiên, vì căn cơ của mỗi chúng sanh khác nhau, mong rằng những giáo huấn này sẽ làm lợi lạc cho một số người. Tôi đã viết câu chuyện này bằng một động lực thanh tịnh và chân thành, với hy vọng mang lại lợi lạc cho tâm thức của chúng sanh. Những giáo huấn về vô thường này không chỉ là một câu chuyện thú vị do tôi hư cấu rồi kể lại, mà nó dựa trên tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng (The Four Hundred Verses) của ngài Thánh Thiên (Aryadeva).
Top