Bất Bạo Động Và Giá Trị Tâm Linh

Hôm nay, tôi được yêu cầu nói về bất bạo động và giá trị tâm linh trong thế giới hiện đại. Đây là những đề tài đặc biệt phù hợp với sinh viên như các bạn, những người đang có kế hoạch, theo tôi hiểu, để đi vào ngành y và ngành giáo dục, bởi vì đối với các bạn thì đây là một phần trong việc giúp đỡ người khác, thì chắc chắn sẽ rất quan trọng, để thực hiện điều này theo cách bất bạo động. Rõ ràng là việc giúp đỡ thì trái ngược với bạo lực. Và việc có một vài giá trị tâm linh sẽ giúp cho công việc của mình có ý nghĩa hơn, không chỉ để kiếm tiền, mà còn có thể giúp bạn xem trọng cơ hội của mình, đối với việc giúp đỡ mọi người một cách có ý nghĩa.

Đạo Phật nói rất nhiều về bất bạo động, như tất cả các tôn giáo cũng nói như vậy, và đương nhiên những hệ thống khác nhau sẽ định nghĩa bất bạo động là gì, theo vài cách khác nhau. Chúng ta thường nghĩ về bạo lực theo nghĩa của một loại hành vi nào đó, một hành vi bạo lực, và bất bạo động có nghĩa là không tạo ra loại hành vi đó. Nhưng đạo Phật tiếp cận nó nhiều hơn từ khía cạnh tâm thức, tâm trạng liên quan với vấn đề này. Đó là vì, cho dù mình có thực hiện một loại hành vi bạo lực nào hay không, thì tất cả đều bắt nguồn từ tâm trạng bạo lực trên tinh thần, đúng không? Nếu chỉ kềm chế hành động, để không làm tổn thương người nào, trong khi có những ý tưởng rất hung hãn ở trong đầu để làm hại họ, thì chắc chắn là không ổn. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu tâm trạng hung hãn đó, và tìm cách khắc phục nó.

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Ba Loại Bạo Động Và Bất Bạo Động

Chúng ta phân chia bạo lực, trạng thái hung hãn trong tâm thức, thành ba loại khác nhau trong giáo lý nhà Phật. Và một cách khác có thể dịch chữ bạo lực ở đây là "tàn nhẫn". Chúng ta không chỉ nói về tính quyết liệt và mạnh mẽ, khi nói về bạo lực, bởi vì đôi khi, phải sử dụng phương pháp mạnh mẽ để ngăn chận người nào làm hại bản thân họ, hay người khác. Nếu con cái của các bạn chạy ra đường, và có thể dễ mất mạng vì bị xe đụng, thì bạn không chỉ nói: “Ồ! Con cưng, đừng chạy ra đường.". Có thể bạn phải giữ chặt đứa trẻ một cách khá mạnh bạo. Đó không phải là điều mà chúng ta muốn nói về bạo lực. Bạo lực là muốn làm hại, và có thể gây tổn thương theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, có ba loại này được đề cập trong đạo Phật, mặc dù tôi chắc chắn chúng ta có thể nghĩ ra nhiều loại hơn nữa.

Bất Bạo Động Với Người Khác

Loại bạo lực đầu tiên là suy nghĩ một cách hung bạo đối với người khác. Nó được định nghĩa là không có lòng bi mẫn, vì vậy mà mình muốn tạo ra tai họa, hay làm hại người khác. Lòng bi là mong muốn tha nhân thoát khổ, thoát khỏi những vấn đề và nhân tạo khổ. Ở đây, thay vì muốn người khác thoát khổ, thì ta lại muốn cho họ khổ, muốn họ gặp khó khăn, cho dù chính mình sẽ gây ra cho họ, hay người khác sẽ tạo ra điều đó, hay nó chỉ xảy ra như một cách tự nhiên. Để khắc phục tâm trạng này, thì phải nghĩ rằng mọi người đều bình đẳng ra sao, theo ý nghĩa là ai cũng muốn hạnh phúc, và không ai muốn khổ.

Vậy thì khi có ai làm hại mình, hoặc giả sử bạn đang dạy học, và một học sinh sẽ làm hại, hay gây rắc rối cho những học sinh khác, thì thay vì chỉ nghĩ đến việc trừng phạt học sinh ấy, là việc thường liên quan đến sự tức giận, thiếu kiên nhẫn và những tâm trạng bất ổn, khó chịu khác, thì sẽ hữu ích hơn nhiều, nếu như bạn nghĩ đứa trẻ này đang bị bệnh, theo một cách nào đó. Đứa nhỏ muốn được vui vẻ, nhưng không có ý tưởng rõ ràng hay đúng đắn nào về cách để được vui vẻ, nên chỉ hành động một cách rất rối loạn, với tâm trạng bối rối, nghĩ rằng việc này sẽ giúp cho nó vui vẻ hơn. Với quan điểm này về đứa bé, thì ta sẽ không nghĩ nó xấu xa, và phải trừng phạt nó; thay vì vậy, thì sẽ phát tâm bi mẫn, mong muốn cho nó vượt qua sự mê lầm này, và những vấn đề đang khiến cho nó phá phách và nghịch ngợm trong lớp.

Điều đó không có nghĩa là ta sẽ không làm gì cả, rằng mình sẽ thụ động. Bất bạo động không có nghĩa là thụ động, và không làm gì cả, mà đúng hơn thì nó có nghĩa là không tức giận, không muốn làm hại đứa trẻ phá phách này. Rõ ràng là chúng ta phải làm điều gì đó, để cho đứa trẻ ngưng phá phách, bất cứ phương pháp nào có thể chấp nhận được, trong hệ thống giáo dục của các bạn, nhưng động lực và tâm trạng đằng sau việc này thì rất khác với việc muốn phạt đứa trẻ này, vì nó xấu xa.

Chữ “động lực” là điều rất quan trọng để hiểu. Nó có hai khía cạnh. Một là mục đích hay ý định của mình, hai là cảm xúc thúc đẩy mình đạt được mục tiêu đó. Mục đích là để giúp đỡ đứa trẻ. Đó là lý do tại sao mình trở thành một giáo viên, ví dụ như vậy. Nếu như bạn theo ngành y tế thì cũng vậy, mục đích của chúng ta là giúp đỡ bệnh nhân. Hiện nay, tâm trạng nào đang thúc đẩy mình đạt được mục tiêu này? Nếu như mục tiêu chỉ là kiếm tiền, hay để người khác cảm ơn và biết ơn mình, thì đó là một động lực rất ích kỷ, đúng không? Đó là lòng vị kỷ, và vì trọng tâm suy nghĩ của mình chủ yếu nhắm vào bản thân, nên không có sự chú ý tốt nhất về điều gì tốt đẹp cho người kia. Giống như bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân nào phải giải phẫu, trong khi thật ra thì họ không cần giải phẫu, nhưng vẫn làm như vậy, đơn giản vì bác sĩ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, với một ca giải phẫu. Nhưng thay vì vậy, điều mà chúng ta nên cảm thấy rung động, để đạt được mục tiêu giúp đỡ người kia, là lòng trắc ẩn, nghĩ đến người kia, nghĩ đến phúc lợi của họ, đâu là điều tốt nhất cho họ?

Đôi khi, trong ngành y tế, nếu muốn giúp người nào, thì mình phải sử dụng một phương pháp điều trị có thể khá đau đớn như chích thuốc, hay phẫu thuật. (Việc phục hồi sau ca giải phẫu là một quá trình rất đau đớn.). Nhưng đó không phải là phương pháp hung bạo, bởi vì mục đích ở đây không phải là làm cho người đó đau đớn, mà là giúp họ hết khổ, thoát khỏi vấn đề, bệnh tật của họ.

Vậy thì khi phải dạy dỗ một đứa trẻ nghịch ngợm, thì cũng giống như vậy. Động cơ của mình cũng là không làm tổn thương học sinh. Chúng ta muốn giúp đỡ học sinh, vì nhận ra đây cũng là một con người giống như tôi, muốn được hạnh phúc, không muốn khổ, và có lẽ tôi có thể dạy họ, và chỉ cho họ cách để hạnh phúc hơn trong đời sống. Bất kể đứa trẻ này có thể làm nghề gì trong tương lai, thì đâu là điều ích lợi, nếu như nó đó có kỷ luật, nếu nó biết cách hợp tác với người khác. Đây là những điều sẽ giúp ích cho tất cả mọi người trong tương lai.

Kỷ luật có nghĩa là tự chủ. Khi đứa trẻ muốn nghịch ngợm, thì hãy dạy nó làm chủ bản thân. Vì vậy, đối với việc dạy dỗ đứa trẻ, thì chủ ý, mục đích là giúp cho nó tự phát triển kỷ luật. Và nếu như mình có tâm trạng đó, khi dạy dỗ đứa trẻ, thì theo một nghĩa nào đó, việc này sẽ nói lên rất nhiều điều với đứa trẻ. Giống như khi cha mẹ dạy dỗ con cái, thì cha mẹ không thù hận con cái, đúng không?

Đây là điều mà tôi nghĩ là việc quan trọng để học hỏi và đào tạo, nếu chúng ta đi vào các ngành nghề giúp đỡ, như y khoa hay giáo dục, nghĩa là có thái độ từ bi, vì bạn muốn giúp đỡ bệnh nhân, bạn muốn giúp đỡ học sinh, để có đời sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, không gặp khó khăn. Tất nhiên là bề ngoài thì phải chuyên nghiệp, nghĩa là nghiêm túc, và đôi khi phải khá nghiêm khắc. Rồi thì chúng ta có thể hành nghề một cách bất bạo động, theo ý nghĩa đầu tiên của bất bạo động.

Thay vì không có lòng bi mẫn với người khác, khiến cho mình muốn làm hại họ, thì ta sẽ có lòng bi mẫn, mong muốn họ không bị tổn hại, không đau khổ. Tất nhiên là rất khó để biết đâu là phương pháp tốt nhất để giúp đỡ người nào. Mỗi một đứa trẻ, mỗi một bệnh nhân là một cá nhân. Điều đó có nghĩa là những gì có thể hữu hiệu với người này, thì không nhất thiết hữu hiệu với người kia. Nên điều rất quan trọng là phải tôn trọng tính chất cá nhân của mỗi bệnh nhân, với tư cách là bác sĩ, tôn trọng mỗi một học sinh, với tư cách là một giáo viên. Có lẽ điều đó không quá dễ dàng, khi chúng ta có rất nhiều bệnh nhân để khám hàng ngày, và lớp học thì có quá nhiều học sinh, nhưng ngay cả khi không thể tìm hiểu từng người, thì điều quan trọng là tâm trạng của mình, lòng quan tâm, muốn tìm hiểu họ. Việc quan tâm đến họ dựa vào việc tôn trọng họ, và hãy cố gắng nhìn họ với cùng một cách quan tâm và tôn trọng như bạn sẽ làm đối với bạn thân hay người thân trong nhà, như con cái, cha mẹ, anh chị em của mình, vân vân, tùy theo tuổi tác của họ, và tuổi tác của mình.

Tôi nghĩ một trong những nguyên tắc luôn luôn rất hữu ích để ghi nhớ là đây là một con người, và họ có cảm giác giống như tôi. Họ muốn được hạnh phúc, giống như tôi muốn hạnh phúc, họ muốn được người khác yêu thích, cũng như tôi muốn. Và nếu tôi có những ý nghĩ độc ác với họ, và hành xử một cách tàn nhẫn, rất lạnh lùng với họ, thì họ sẽ cảm thấy tổn thương, giống như tôi sẽ tổn thương, nếu người nào cư xử với tôi như vậy. Lòng tôn trọng người khác là điều vô cùng quan trọng, với tư cách là một cá nhân.

Bất Bạo Động Với Tự Thân

Loại bất bạo động thứ hai hơi liên quan đến loại mà tôi vừa mới giải thích, bởi vì ở đây, chúng ta đang nói về bất bạo động đối với bản thân (loại đầu tiên là hướng về người khác). Ở đây, chúng ta đang nói về việc không tự hủy hoại bản thân. Khi mình hủy hoại bản thân, thì đây là việc không biết thương thân, nên mới muốn tạo ra những điều phá hoại, hay làm hại chính mình. Nó có thể là cố ý hoặc vô ý làm hại bản thân. Ví dụ như với những ý tưởng như: “Tôi xấu xa”, “Tôi không tốt”, “Tôi chưa đủ tốt”.

Đặc biệt nếu như mình là bác sĩ, và một trong những bệnh nhân của mình chết, là điều chắc chắn sẽ xảy ra, thì ta sẽ nghĩ rằng: “Mình là một bác sĩ tồi tệ. Mình thật tồi tệ!”, rồi cảm thấy tội lỗi, và tự trừng phạt mình bằng cách này hay cách khác, thường là về mặt tâm lý và cảm xúc, vì mình không thể giúp người nào, nên họ đã chết. Đây là những điều mà chúng ta phải chuẩn bị tinh thần, nếu sẽ trở thành bác sĩ hoặc giáo viên. Chúng ta không phải là Phật, nên không thể giúp đỡ tất cả mọi người, ngay cả Phật cũng không thể giúp tất cả mọi người. Đôi khi, mình sẽ thất bại, và đó là điều tự nhiên. Chúng ta sẽ không thể chữa hết bệnh cho một bệnh nhân, hoặc không thể dạy một đứa trẻ. Nhưng đó chỉ là bản chất của thực tại. Nếu người nào muốn được giúp đỡ, thì họ phải tiếp nhận sự giúp đỡ. Có một số bệnh mà mình không thể chữa trị, và ngay cả khi có thể trị được, thì đôi khi, mình vẫn mắc phải sai lầm, vì suy cho cùng, thì chúng ta cũng là con người. Một số học sinh có những vấn đề nghiêm trọng về tình cảm, xã hội, bất cứ việc gì, như vấn đề trong gia đình, và chúng ta không thể giúp họ.

Vậy thì phải đề phòng những cách mà mình có thể tự hủy hoại bản thân, nói cách khác, là bạo hành đối với tự thân. Những cách tự hủy hoại bản thân, chẳng hạn như thúc ép mình quá nhiều, khi nghĩ rằng: “Mình phải trở nên hoàn hảo.”, trong khi đó là điều không thể xảy ra. Tất nhiên, ta sẽ cố gắng làm việc của mình một cách tốt nhất, nhưng không có ai hoàn hảo. Và tất nhiên, nếu không thành công với việc gì, thì chắc chắn ta sẽ hối hận, sẽ muốn có khả năng làm việc đó tốt hơn trong tương lai, nhưng phải siêng năng làm việc, để không rơi vào tình trạng trầm cảm tệ hại vì điều đó, bởi vì nếu như mình chán nản, thì chỉ làm ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc làm của mình.

Bây giờ, bạn có thể nói rằng: "Làm sao tôi có thể ngăn ngừa việc mình bị trầm cảm, hay cảm thấy rất tổn thương đây?". Bạn biết đó, khi bạn có một học sinh, và học sinh này học giỏi, nhưng rồi lại bỏ học, vì một lý do nào đó. Tự nhiên là bạn sẽ buồn, nhưng điểm mấu chốt là không được phiền muộn. Nên câu hỏi đặt ra là: Làm sao để mình không phiền muộn? Điều này sẽ trở lại những gì chúng ta đã nói về cách cư xử với người khác. Nếu thật sự muốn giúp đỡ người khác, và không làm hại họ, thì một trong những điều quan trọng nhất là tôn trọng họ, nên tương tự như vậy, chúng ta cũng phải tôn trọng bản thân. Điều quan trọng là phải luôn luôn tái khẳng định rằng: “Mình có khả năng, nếu không thì đã không thể trở thành một giáo viên hay bác sĩ.". Hãy khẳng định lại động lực của mình: “Tôi có chủ ý tốt, khi làm công việc này.”. Và “Là một con người, tôi không hoàn hảo, nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn tôn trọng bản thân, vì đã cố gắng hết sức mình.”. Điều đó sẽ giúp cho mình không phiền muộn.

Điều gì sẽ xảy ra, khi chúng ta tự kiểm tra bản thân một cách trung thực, và phát hiện ra mình đã không cố gắng hết sức? Đáng lẽ tôi có thể làm tốt hơn. Trong tình huống này, thì chắc chắn ta sẽ thấy hối tiếc, và điều quan trọng là phải khẳng định lại: “Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”. Nhưng để ngăn chận, hay cố gắng ngăn chận việc không cố gắng hết sức mình có thể tái diễn, thì phải xem xét nguyên nhân của điều này là gì. Có thể là vì tôi quá mệt mỏi. Đối với điều đó thì một lần nữa, phải đối xử tốt với bản thân, không tự hủy hoại bản thân. Phải hiểu nhu cầu nghỉ ngơi của mình là gì, giới hạn của tôi là gì, và một lần nữa, tôn trọng điều này. Đừng cảm thấy tồi tệ về việc này. Tất cả mọi người đều có giới hạn của họ. Dĩ nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, thì ta luôn luôn có thể làm nhiều việc hơn, nhưng không phải trường hợp nào cũng khẩn cấp. Đôi khi, ta chỉ cần nói rằng: "Tôi cần nghỉ ngơi", rồi cố gắng nghỉ ngơi, nếu có thể làm như vậy - đôi khi thì không thể nghỉ ngơi - nhưng nếu có thể, thì hãy nghỉ ngơi, mà không cảm thấy tội lỗi.

Tất nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nếu như mình đang cố gắng giữ thăng bằng giữa công việc và gia đình. Trẻ em, con cái của chúng ta có rất nhiều nhu cầu. Nhưng đó phải là điều ưu tiên, về cách ta có thể sắp xếp lịch trình của mình, v.v. để không làm việc quá sức, quá mệt mỏi, rồi không làm tốt công việc nào cả, và không chỉ để cho nó tiếp tục như vậy hoài, cho đến khi mình bị suy sụp, bởi vì việc bỏ qua nhu cầu của mình, là điều bạo hành đối với bản thân mình. Vì vậy nên bất bạo động đối với bản thân là điều vô cùng quan trọng.

Không Vui Mừng, Khi Người Khác Gặp Chuyện Không May

Loại bất bạo động thứ ba là không xem nỗi bất hạnh của người khác là niềm vui. Nói cách khác là hành động này được coi là tàn nhẫn, nếu nghĩ về bạo lực, về mặt có thái độ tàn nhẫn - đó là điều tàn nhẫn, nếu như mình vui mừng khi người khác gặp khó khăn, nói cách khác là khi người ta thất bại. Bây giờ, ta có thể nghĩ rằng: "Đó không phải là điều mà tôi sẽ làm.". Nhưng nếu nghĩ về ví dụ trong chánh trị, thì nếu có hai ứng cử viên, và một ứng cử viên mà bạn không thích bị mất chức, thua cuộc trong đợt bầu cử, hay bị loại bỏ, thì bạn sẽ rất vui. Chúng ta vui mừng trước sự bất hạnh của họ, phải không? Tương tự như vậy, trong tình huống này, dù có thể vui mừng vì người mà ta cho là tốt nhất đã nhận chức, nên mình mới vui mừng, vì họ được vui vẻ, nhưng không có lý do gì để vui mừng trước sự mất mát của người khác, bởi vì họ chắc chắn cũng có gia đình, có những người phụ thuộc vào họ, và họ đang đau khổ, vì cũng là con người. Vậy thì tôi rất vui vì họ không đắc cử, nhưng tôi cũng mong cho họ được hạnh phúc trong đời sống, không mong cho họ gặp điều không may (mong cho họ gặp những điều tồi tệ).

Vậy thì chúng ta thấy ba hình thức bất bạo động này chống lại ba cách suy nghĩ tàn nhẫn, ý tưởng tàn nhẫn:

  • Không có lòng bi mẫn – muốn người khác khổ tâm và đau khổ.
  • Không biết thương thân – muốn làm hại bản thân mình một cách có ý thức, hay vô thức.
  • Hoan hỷ khi người khác gặp điều không may – vui mừng khi người khác thất bại, hay gặp phải điều gì tồi tệ. 

Như tôi đã nói, loại hành động mà mình thực hiện, sẽ khiến cho nó mạnh mẽ, nhưng không bạo động. Có một ví dụ cổ điển trong một trong những bài kinh của đạo Phật. Có hai thiền giả đang ngồi bên bờ sông, và một người đàn ông đi đến bờ sông. Đây là dòng sông chảy xiết, mà người này lại muốn nhảy xuống sông, để cố gắng bơi sang bờ bên kia. Đây là con sông mà không có ai có thể bơi qua bờ bên kia được, dù có cố gắng cách mấy, thì chắc chắn cũng sẽ chết đuối. Thế là một thiền giả chỉ ngồi đó với vẻ mặt rất ôn hòa, sẵn sàng không làm gì cả, để cho người này nhảy xuống sông, và chắc chắn sẽ chết đuối. Vị thiền giả kia đứng dậy, và không thể thuyết phục người này đừng nhảy xuống sông, nên đã đánh anh ta bất tỉnh, để anh không nhảy xuống sông. Đức Phật đã nhìn thấy tất cả những điều này (Đức Phật đã đến đó, và nhìn thấy tất cả những việc này), và nói rằng thiền giả ngồi đó bình an với nụ cười trên môi là người có hành vi bạo lực. Việc đánh người này, để ngăn chận việc họ tự làm hại mình là hành vi bất bạo động. Tại sao vậy? Vì thiền giả này có động cơ, tâm trạng muốn giúp người này thoát khổ, và không phải chết đuối.

Giá Trị Tâm Linh

Tất cả những điều này liên hệ với phần thứ hai của chủ đề sáng nay, đó là giá trị tâm linh trong thế giới hiện đại. Chữ “tâm linh” này thật ra là một từ khó định nghĩa, và rõ ràng nó có một ý nghĩa khác, hay chắc chắn nó có một ý nghĩa khác trong tiếng Anh và tiếng Nga, nhưng hãy nhìn vào cách nó được định nghĩa, hay từ ngữ tương đương là gì, trong ngữ cảnh của đạo Phật. Trong đạo Phật, chúng ta nói về Pháp, và "Pháp" có nghĩa là một biện pháp ngăn ngừa, là điều mà chúng ta sẽ làm, để tránh khổ và các vấn đề. Đó không chỉ là suy nghĩ về tình huống trước mắt, chẳng hạn như bạn đang lái xe hơi, hoặc đi xe đạp, và để không đụng vào cái gì, thì bạn sẽ tránh qua một bên. Đó không phải là Pháp.

Vậy thì chúng ta không chỉ nói về những việc hàng ngày mà mình làm. Chúng ta không gọi đó là tâm linh, mà đúng hơn là đang nghĩ về việc muốn ngăn chận điều gì trong tương lai. Trong hầu hết các tôn giáo, bao gồm cả Phật giáo, thì đây là việc nghĩ về những kiếp tương lai, và trong một số tôn giáo khác, đó là suy nghĩ về thế giới bên kia, nghĩa là mối quan tâm chính của mình không chỉ là thành công về mặt vật chất trong kiếp này, bởi vì khi mình chết, thì tất cả những thứ này đều bị bỏ lại, và kiếp này rất ngắn ngủi, so với thời gian dài đăng đẳng trong tương lai.

Điều này rất ổn, nếu ta tin vào những tái sinh trong tương lai, hoặc thế giới bên kia, nhưng nhiều người trong chúng ta có thể không tin điều đó. Vậy thì chúng ta vẫn có thể là người có tâm linh chứ? Tôi nghĩ chắc chắn chúng ta có thể làm được, nếu không chỉ nghĩ đến phúc lợi vật chất trong đời này, đối với cá nhân tôi và có lẽ là gia đình tôi, mà lại nghĩ về khoảng thời gian dài hơn, chẳng hạn như những thế hệ tương lai. Nói cách khác là hãy cố gắng làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bằng bất cứ sự đóng góp nào mà mình có thể thực hiện, ngay cả khi nó rất nhỏ nhoi. Một lần nữa, Đức Phật đã sử dụng một ví dụ, rằng một bao gạo lớn chứa đầy những hạt gạo riêng lẻ. Vậy thì một số người trong chúng ta có thể đóng góp cả nắm gạo, và một số người chỉ có thể đóng góp một hạt gạo trong đó, nhưng mỗi người trong số hai người đó đều đóng góp. Đó là điểm chánh. Ngay cả khi chúng ta thấy mình không thể đóng góp quá nhiều, thì ít nhất là cũng cố gắng.

Vậy thì đối với việc bạn được đào tạo để trở thành giáo viên, hay nhân viên y tế, thì rõ ràng đây là một cơ hội tuyệt vời, để nghĩ về việc đóng góp vào việc làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Là giáo viên, bạn đang đào tạo những người sẽ tiến bước vào tương lai, và hy vọng sẽ có sự đóng góp của họ. Là bác sĩ, bạn đang chữa trị cho bệnh nhân, để họ có thể tiếp tục đóng góp cho tương lai. Vì vậy, điều đó có liên hệ rất tốt đẹp với việc muốn cho họ được hạnh phúc, và không khổ đau. Vì vậy, đừng có ý tưởng hung bạo hay tàn nhẫn nào với họ, và cũng phải tôn trọng họ. Hãy tôn trọng bản thân mình về mặt “Tôi có thể đóng góp cho tương lai,” và hãy tôn trọng bệnh nhân, sinh viên của mình về mặt “Họ cũng có thể đóng góp”, và đóng góp nghĩa là gì? Làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn có nghĩa là gì? Trên cơ bản, nó có nghĩa là đẩy mạnh một vài phương tiện, để mọi người được hạnh phúc hơn. Hạnh phúc hơn không đơn giản có nghĩa là ở mức độ vật chất, tuy điều đó quan trọng, mà còn là cảm giác an lạc có thể sử dụng không chỉ các kỹ năng kỹ thuật, mà còn cả kỹ năng cảm xúc, để đối phó với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống.

Vậy thì đây là những điều mà tôi xem là giá trị tâm linh; nói cách khác là chúng ta xem điều gì quan trọng trong đời sống, và những gì ta đang làm với cuộc sống của mình. Nói một cách ngắn gọn, thì tôi nghĩ điều rất quan trọng, đặc biệt là những người trẻ tuổi như các bạn, là nghĩ về động lực của mình một cách rất nghiêm túc. Tại sao tôi lại học hỏi những điều tôi đang học? Tôi muốn đạt được điều gì trong đời sống? Tôi muốn thành tựu điều gì cho gia đình của mình trong tương lai? Cuối cùng thì tôi muốn để lại điều gì cho tương lai, những thế hệ tương lai? Tại sao tôi muốn điều này? Việc này có thể đòi hỏi khá nhiều sự tìm tòi trong nội tâm, nhưng đây là việc rất đáng làm, và chúng ta có thể thấy câu trả lời cho những câu hỏi này không thỏa đáng lắm. Tôi nghĩ rằng tiêu chuẩn mà chúng ta phải sử dụng để quyết định việc "Tôi có muốn cố gắng điều chỉnh động lực của mình hay không?", là để xem liệu những gì tôi đang làm có mang lại hạnh phúc cho bản thân và người khác hay không, hay nó chỉ tạo ra vấn đề? Trên phương diện đánh giá điều này, thì ảnh hưởng lâu dài quan trọng hơn nhiều, so với ảnh hưởng tức thời ngắn hạn. Nhưng nếu như biết rõ những gì mình đang làm trong cuộc sống, và thấy mình đang đi theo một chiều hướng tốt, thì điều này sẽ đem lại cảm giác hạnh phúc và toại nguyện rất tuyệt vời.

Tôi nghĩ một trong những yếu tố đôi khi làm cho người ta chán nản, là thấy cuộc sống của mình không có ý nghĩa, không có phương hướng. Chúng ta đang theo đuổi một nghề nghiệp, nhưng tâm tư của mình không có mặt ở đó, và cảm thấy rằng những vấn đề của thế giới, những vấn đề của đất nước tôi, những vấn đề trong quận của tôi, những vấn đề của gia đình tôi, của bản thân tôi - tất cả những điều này đều quá khủng khiếp, quá to lớn. Vậy thì việc sống một đời sống với tâm trạng như vậy sẽ có ý nghĩa gì? Điều này rất đáng buồn, vì đó không phải là đời sống hạnh phúc. Nên một lần nữa, chúng ta phải có lòng tôn trọng đối với bản thân, để cố gắng vượt qua cảm giác tuyệt vọng này. Chúng ta phải tái khẳng định rằng "Bất kể hoàn cảnh bên ngoài ra sao, tôi vẫn có khả năng cải thiện bản thân, và trở thành người tốt hơn.". Điều này rất quan trọng, không chỉ giúp cho bản thân mình trở thành người hạnh phúc hơn, khi thừa nhận điều này, mà cả tâm trạng của tôi cũng sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, nên việc làm việc để giúp đỡ người khác về mặt y tế hay sư phạm… là một việc làm có ý nghĩa. Chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng lại biết rằng nếu như mọi người có sức khỏe tốt, nếu như mọi người được giáo dục, thì sẽ có hy vọng, rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Có lẽ điều đó thật khó tưởng tượng. Nhưng ngay cả khi có nhiều khó khăn hơn trong tương lai, thì ta có thể giúp mọi người chuẩn bị tốt hơn, để đối phó với chúng.

Vậy thì đây là ý nghĩ của tôi về bất bạo động và giá trị tâm linh, trong thế giới hiện đại.

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Câu Hỏi

Trong thế giới hiện đại, tất nhiên chúng ta hiểu rằng trong các giá trị của nhà Phật, thì có lòng bi. Nhưng trong cuộc sống thực tế, hoàn cảnh thật sự khó khăn, và đôi khi trẻ em lớn lên không có cha mẹ, rồi rất hoang đàng. Và đối với chúng ta, nếu như mình là giáo viên, thì rất khó để chứng minh cho họ thấy được nhu cầu của lòng bi mẫn - rằng họ phải học cách bảo vệ những người yếu ớt hơn, không làm hại và ngông cuồng với những người yếu ớt hơn họ. Với tư cách là giáo viên, làm sao chúng tôi có thể truyền đạt thông điệp này với các học sinh, đặc biệt là những học sinh khá bạo động, lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế và xã hội rất khó khăn?

Tôi nghĩ một trong những phương pháp có thể giúp đỡ những đứa trẻ hoang đàng này là tập cho chúng bố thí, và có lòng rộng lượng. Nói cách khác là nếu như người nào (chẳng hạn như một đứa trẻ) có cơ hội trao tặng thứ gì cho những đứa trẻ khác - nói cách khác là cho chúng tờ giấy hay bài kiểm, hay làm điều gì rộng lượng, đó là làm điều gì để giúp đỡ người khác. Điều đó sẽ giúp cho đứa trẻ này ý thức về giá trị bản thân. Nói cách khác là khi một đứa trẻ xuất thân từ hoàn cảnh rất khó khăn, và cảm thấy không được yêu thương, thì sẽ thường thể hiện cảm giác bị từ chối này, bằng những hành vi rất ngông cuồng. “Nếu tôi bị người đời xem là phần tử bất hảo, bởi vì tôi không có xuất thân tốt, thì sẽ cho mọi người thấy mình bất hảo như thế nào,” theo một nghĩa nào đó. Vì vậy, nói cách khác là họ có hành vi chống đối xã hội, không phải là một thành phần của xã hội, và sẽ phạm tội, v.v... Đây là điều khá điển hình. Nhưng nếu họ có cơ hội để chứng tỏ rằng họ là người tốt, rằng họ có điều gì để cho đi, ngay cả khi họ không trao tặng một cách rất tốt đẹp - ý tôi là làm việc đó một cách rất hiệu quả - nhưng nó sẽ cho họ cảm giác rằng mình có điều gì tích cực để đóng góp, không chỉ tạo ra những điều tiêu cực.

Theo quan điểm của đạo Phật, thì hành động bố thì sẽ tích tập một số công đức. Nhưng không cần phải giải thích điều này theo đạo Phật. Tôi nghĩ chỉ dựa vào khía cạnh tâm lý, thì những điều tôi đã giải thích, đôi khi có thể hữu ích. Nhưng khi giúp cho họ làm điều gì tích cực và có tính xây dựng, thì điều rất quan trọng là đừng cho họ ý tưởng rằng đây là một hình phạt.

Trong đời sống, chúng ta thường phải dạy dỗ người nào, nhưng cũng có một quá trình dạy dỗ lại, khi mình cố gắng dạy người nào một lần nữa. Và trong quá trình này, điều gì sẽ có lợi nhất đối với người đang bị kỷ luật, có phải đó là hình phạt, hay có thể là một số công việc, như công việc xã hội, hay cách giáo dục đạo đức nào đó cho người này? Giả sử như những người đang ngồi tù, tội phạm, những người mà chúng ta muốn dạy dỗ, lại không phải là trẻ em.

Nói chung thì điều này rất khó trả lời, bởi vì một lần nữa, tất cả mọi người đều là những cá thể. Cá nhân tôi không tham gia vào việc giảng dạy trong các nhà tù, nhưng nhiều đồng nghiệp, những đồng nghiệp Phật tử của tôi thì đã từng tham gia vào công việc này. Một trong những điều họ nhận thấy là nhiều người ở trong tù, tất nhiên không phải tất cả mọi người… cần rất nhiều thời gian, bởi vì họ có rất nhiều thời gian để xem xét đời sống của họ, xem xét những gì họ đã và đang làm với cuộc sống của mình, và họ muốn điều gì trong cuộc sống. Do đó, có một số tù nhân khá quan tâm đến việc học cách xử lý cơn giận, cách xử lý tính bạo động của mình, nên rất dễ tiếp thu pháp thiền cơ bản trong đạo Phật, để tĩnh tâm, chẳng hạn bằng cách chú tâm vào hơi thở, nên dĩ nhiên những người như vậy sẽ dễ tiếp nhận sự giúp đỡ này. Không phải ai cũng dễ tiếp nhận sự giúp đỡ, và nếu họ không tiếp nhận, thì mình không làm được gì nhiều. Nếu chỉ trừng phạt họ về mặt thể xác, khi họ không có mong muốn thay đổi cuộc sống hay cải thiện, thì chỉ khiến cho họ phát sinh thêm lòng thù địch và giận dữ thôi.

Có những hình thức đào tạo nào đó được sử dụng trong tâm lý học, có thể không áp dụng được ở đây, nhưng chỉ để cho bạn một khái niệm: Khi có một đứa trẻ, thường là một thiếu niên, hoàn toàn bất hợp tác và rất ngông cuồng, thì người này sẽ bắt đầu một cuộc hành trình với một nhóm người, và một người lãnh đạo, và họ có một con la. Tất nhiên, con la là loài thú rất cứng đầu, và rất khó để bắt nó làm theo ý bạn. Thiếu niên này sẽ chịu trách nhiệm về con la này, nên phải đối phó với nó, và học cách khắc phục tâm sân và thiếu kiên nhẫn của mình, v.v... và tìm cách để làm việc với con la này. Vậy thì một lần nữa, điều này có nghĩa là giao cho họ một vài trách nhiệm, để làm điều gì có tính xây dựng, đó là làm việc với con la này.

Vậy thì đôi khi việc giao cho đứa trẻ trách nhiệm chăm sóc một con vật, sẽ khiến cho nó… con vật không chỉ trích đứa bé, còn người ta thì sẽ chỉ trích nó. Đối với con chó… cho dù bạn có phạt nó như thế nào đi nữa, thì nó vẫn thích bạn. Vậy thì một lần nữa, hãy để cho họ đối phó với một chúng sinh khác, trong trường hợp này là một con chó, đôi khi có thể có tác dụng thuần hóa họ, giúp cho họ bình tĩnh và có trách nhiệm. Nhưng dĩ nhiên là có một số người rất hung hăng, là những người mà nếu bạn đưa con chó cho họ, thì họ sẽ hành hạ con chó, nên phải cẩn thận.

Tôi có một người bạn là bác sĩ tâm thần, và chủ yếu là cô làm việc với những thanh thiếu niên bạo động, thường là những người vô gia cư, sống trên đường phố, nên tất cả những khó khăn sẽ xảy ra. Một trong những phương châm mà cô sử dụng, và nói với tôi là trở lại với những điều chúng ta đã nói, đó là đối xử với những đứa trẻ này, những người có thể khá bạo động, với lòng quan tâm và tôn trọng, như một con người. Hãy nhìn họ một cách nghiêm túc. Hãy dành thời gian để nghe họ nói, và tìm hiểu vấn đề của họ. Nhưng một trong những điều mà bạn không nên làm, là nếu đang lắng nghe họ, thì đừng nói rằng: “Ồ, hết giờ rồi. Bạn phải đi ngay bây giờ.", vì họ thường phản ứng rất dữ dội đối với việc này, vì đó là một sự từ chối.

Thế thì bài học rút ra từ đó là: Nếu đang làm việc với một học sinh ngỗ ngược, thì hãy dành thời gian với học sinh đó. Bạn sẽ lắng nghe học sinh này nói. Bạn muốn cố gắng hiểu vấn đề của họ là gì. (Ngay cả khi bạn không thể đưa ra giải pháp, thì chỉ cần lắng nghe với làm cảm thông là điều hữu ích.) Nhưng đừng đặt ra giới hạn thời gian, và hãy tôn trọng đứa bé này như một con người.

Nhưng phải làm gì để phạt họ, thì rất khó nói. Tôi không biết điều gì được chấp nhận trong xã hội của các bạn, điều gì không thể chấp nhận. Nhưng nếu chỉ trừng phạt họ, đặc biệt là vì tức giận, thì không giúp ích được gì.

Làm thế nào để khắc phục việc bực bội trong mối quan hệ hàng ngày với những người xung quanh?

Nếu như phân tích bất cứ tình huống nào mà mình thấy khó chịu và phiền phức, thì sẽ thấy rằng nó đã phát sinh vì rất nhiều nhân duyên, hoàn cảnh khác nhau, như điều kiện xã hội, điều kiện kinh tế, những gì đang xảy ra trong nhà của những người trong cuộc, xuất thân của họ, v.v... Khi bực bội và tức giận với tình huống đó, thì điều ta đang làm trong tâm trí của mình là biến sự việc đó, hay bất cứ điều gì mà mình thấy phiền phức, thành một con quái vật lớn khủng khiếp, thành điều quái dị. Chúng ta đã quên mất tất cả những nhân duyên mà nó phụ thuộc vào, và phóng chiếu vào đó những phẩm chất tiêu cực hơn nhiều, so với thực tế. Vì mình không muốn nó như vậy, nên tức giận là một sự từ chối rất mạnh mẽ đối với nó, về mặt cảm xúc.

Hiện nay, nếu như nghĩ về nó, thì sự từ chối… cơ chế đằng sau đó là: “Tôi mong cho nỗi khổ này, khó khăn này sẽ biết mất, không có mặt ở đây.”. Đó là lòng bi. Vậy thì pháp đối trị với tâm sân hận và bực bội luôn luôn là lòng từ. Lòng từ là mong muốn người kia có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc. Họ đang hành động một cách tồi tệ, vì tất cả những điều kiện này, và vì họ không vui. Tôi muốn họ hạnh phúc, để không hành động một cách bực bội, tồi tệ nữa. Nếu muốn họ hạnh phúc, thì tôi phải tìm hiểu tất cả những điều kiện khiến cho họ không vui, và hành động một cách ngỗ ngược như vậy, rồi xem tôi có thể thay đổi điều gì hay không.

Đó là một số phương pháp mà mình sẽ sử dụng. Về cơ bản, thì đó là việc phân tích: Điều này phát sinh từ nguyên nhân này và nguyên nhân kia. Tôi muốn họ không hành động như vậy, và nó đã được tạo ra vì những nguyên nhân này, nên tôi có thể làm gì, để thay đổi những điều đang ảnh hưởng đến hành vi của họ?

Là giáo viên, chúng tôi sẽ đối phó với trẻ em từ những hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như hoàn cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo khác nhau. Liệu việc kiên nhẫn với tất cả những đứa trẻ này, những loại trẻ em khác nhau, để kỷ luật và giáo dục chúng, thì có đủ hay không? 

Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng nhất là lòng quan tâm với những đứa trẻ này. Điều đó có nghĩa là phải quen thuộc với bối cảnh tôn giáo và xã hội của những đứa trẻ này. Càng thấu hiểu những người mà bạn đang cố gắng giáo dục, thì bạn sẽ hiểu thêm họ thật sự cần thiết điều gì. Và hy vọng rằng điểm chánh của việc giáo dục không chỉ là giúp học sinh vượt qua kỳ thi, mà còn giúp chúng trở thành những người tốt hơn. Vậy thì hãy tìm hiểu về chúng. Bạn có thể yêu cầu học sinh viết những bài tiểu luận về bản thân, hay về gia đình, hoặc xuất thân của họ, hay những điều tương tự. Hãy bảo họ nói điều gì về bản thân. Rồi thì bạn sẽ hiểu họ hơn một chút.

Tôi thường gặp những người do dự, khi phải nói ra ý kiến của mình, hay điều gì về bản thân, vì họ sợ bị từ chối. Câu hỏi của tôi là làm thế nào để giúp những người này khắc phục tính khép kín và sợ sệt của họ.

Tôi nghĩ đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với thanh thiếu niên, những người rất quan tâm đến sự chấp thuận của bạn bè cùng trang lứa. Làm thế nào để giúp họ khắc phục tính nhút nhát? Một trong những phương pháp được sử dụng trong nền giáo dục trong tu viện là sau một bài học, thì tất cả các tăng sinh phải chia thành từng cặp, rồi thảo luận với nhau – họ sẽ tranh luận, thật ra là tranh luận về luận lý học - nhưng sẽ thảo luận về những điều vừa được dạy, để xem họ có hiểu hay không. Vậy thì họ không phải nói chuyện trước cả lớp, là trường hợp mà có thể một số học sinh không được tử tế cho lắm, và sẽ cười nhạo họ. Nhưng khi chỉ có hai người nói chuyện với nhau, thì bạn phải nói điều gì. Vị thầy có thể đi vòng vòng và lắng nghe mỗi nhóm trong một hoặc hai phút, để đảm bảo là họ đang nói về đề tài này, chứ không phải về điều gì khác, nhưng đây là một phương pháp sư phạm rất tốt, vì không cho phép học sinh chỉ ngồi đó một cách thụ động và lắng nghe, hoặc không chú ý và không tiếp thu được gì. Họ phải nói điều gì đó, phải cho đối phương thấy rằng họ đang thảo luận điều đó, rằng họ thật sự chú ý lắng nghe, và không thể nhút nhát. Nhưng bạn phải đảm bảo rằng họ không được chọn cùng một người để thảo luận hoài, mà phải thảo luận với những người khác nhau. Đó là phương pháp được sử dụng trong hệ thống giáo dục của các tu viện. Đó có thể là điều hữu ích.

Top