Lịch Sử Của Lễ Truyền Giới Nhất Thiết Hữu Căn Bổn Ở Tây Tạng

Tuy các dòng truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada) đã được thiết lập ở Tây Tạng ba lần,  nhưng tăng đoàn Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn chưa bao giờ được thành lập một cách vững chắc. Do đó, các phụ nữ theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng trong truyền thống Luật tạng Nhất Thiết Hữu Căn Bổn và những người muốn xuất gia, đã trở thành shramanerikas, hay Sa di ni.

Lần đầu tiên lễ truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn được thành lập ở Tây Tạng là trong chuyến viếng thăm của Đạo sư Ấn Độ Tịch Hộ (Shantarakshita), cùng với ba mươi nhà sư, và thành lập Tu Viện Samye (bSam-yas) ở miền Trung Tây Tạng vào năm 775 sau Công Nguyên. Đề án này do Hoàng Đế Tây Tạng Tri Songdetsen (Khri Srong-lde-btsan) bảo trợ. Tuy nhiên, vì 12 vị Tỳ kheo ni của phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn của Ấn Độ đã không đến Tây Tạng vào thời điểm đó, cũng như không có phụ nữ Tây Tạng nào đã đến Ấn Độ để thọ giới cao hơn sau đó, nên dòng truyền thừa Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn không được thành lập ở Tây Tạng trong thời kỳ đầu tiên này.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Trung Quốc, được lưu giữ trong số các tài liệu của Đôn Hoàng (Dunhuang), thì một trong những thứ phi của Hoàng Đế Tri Songdetsen là bà Droza Jangdron (‘Bro-bza’ Byang-sgron), và ba mươi phụ nữ khác, đã thọ giới Tỳ kheo ni tại Samye. Lễ truyền giới của họ đã phải được chư Tỳ kheo Trung Quốc ban cho, đây là các nhà sư được thỉnh mời đến văn phòng phiên dịch ở Samye vào năm 781 sau Công Nguyên. Kể từ khi Hoàng Đế Zhong-zong của Trung Quốc ban sắc lệnh vào năm 709 sau Công Nguyên, rằng chỉ có dòng truyền thừa Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) mới được noi theo ở Trung Quốc, thì việc thọ giới Tỳ kheo ni ở Tây Tạng phải là từ dòng truyền thừa Pháp Tạng Bộ. Có lẽ lễ truyền giới đã được thực hiện bằng phương pháp lễ thọ giới đơn, và dòng truyền thừa của nó đã không tiếp tục, sau khi Tăng đoàn Trung Hoa bị thua trong cuộc biện luận ở Samye (792-794 sau Trung Nguyên), và bị trục xuất khỏi Tây Tạng.

Trong thời trị vì của Hoàng Đế Tây Tạng Tri Relpachen (Khri Ral-pa can, 815 - 836 sau Công Nguyên), thì ngài đã ra lệnh không có kinh sách Tiểu thừa nào, ngoài những kinh sách của phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), được dịch sang tiếng Tây Tạng. Điều này đã hạn chế khả năng mà các dòng truyền thừa không phải là Nhất Thiết Hữu Bộ Căn Bổn sẽ du nhập vào Tây Tạng.

Dòng truyền thừa Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn từ thời ngài Tịch Hộ gần như bị thất truyền, vì sự đàn áp đạo Phật của Vua Langdarma vào cuối thế kỷ thứ 9, hay đầu thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên. Ba vị Tỳ kheo Nhất Thiết Hữu Căn Bổn đã sống sót, nhờ sự giúp đỡ của hai vị Tỳ kheo Pháp Tạng Bộ Trung Hoa, đã khôi phục lại dòng truyền giới Tỳ kheo này, với lễ truyền giới của Gongpa-rabsel (dGongs-pa rab-gsal) ở miền Đông Tây Tạng. Tuy nhiên, không có thủ tục tương tự nào liên quan đến Tỳ kheo ni Pháp Tạng Bộ, để thiết lập lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn vào thời điểm đó, bằng lễ thọ giới kép của hai dòng truyền thừa.

Dòng truyền giới Tỳ kheo Nhất Thiết Hữu Căn Bổn của Gongpa-rabsel đã được đưa trở lại miền Trung Tây Tạng, và được gọi là truyền thống “Luật Tạng Hạ Tây Tạng” (sMad-‘dul; Lower Tibet Vinaya). Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên ở Tây Tạng, Vua Yeshey-wo (Ye-shes ‘od) đã nhờ Ấn Độ thiết lập, hay có lẽ là tái thiết lập lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn ở vương quốc của ông. Vì vậy, ông đã mời nhà học giả Hộ Pháp (Pandit Dharmapala) từ miền Đông Ấn, và một số đệ tử của ngài đến Guge, thuộc miền Tây của Tây Tạng, để thành lập dòng truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn lần thứ hai. Dòng này được xem là truyền thống “Luật Tạng Thượng Tây Tạng” (sTod-‘dul, Upper Tibet Vinaya).

Theo Biên Niên Sử Guge, thì một dòng chư Ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn cũng được thành lập ở Guge vào thời điểm này, và con gái của Vua Yeshey-wo là Lhai-metog (Lha’i me-tog), đã xuất gia theo dòng này. Tuy nhiên, không rõ là lễ xuất gia này dành cho Tỳ kheo ni hay Sa di ni (shramanerika). Trong cả hai trường hợp, thì cũng không rõ là chư Tỳ kheo ni của phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn có được thỉnh mời đến Guge để truyền giới hay không, và không có bằng chứng nào cho thấy Ni đoàn Nhất Thiết Hữu Căn Bổn đã được thành lập một cách vững chắc ở Tây Tạng vào thời điểm này.

Năm 1204 sau Công Nguyên, dịch giả Tropu Lotsawa (Khro-phu Lo-tsa-ba Byams-pa dpal) người Tây Tạng đã thỉnh mời đạo sư Ấn Độ Shakyashribhadra, vị thủ ngôi cuối cùng của Tu Viện Na-lan-đà đến Tây Tạng, để thoát khỏi sự tàn phá mà quân xâm lược Guzz Turks của Triều Đại Ghurid đã gây. Khi ở Tây Tạng, Shakyashribhadra và các nhà sư Ấn Độ tháp tùng theo ngài đã truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn cho các giới tử trong truyền thống Sakya, nên đã khởi đầu dòng truyền giới lần thứ ba ở Tây Tạng. Nó có hai dòng truyền thừa phụ, một dòng bắt nguồn từ lễ xuất gia mà Shakyashribhadra đã ban cho Sakya Pandita (Sa-skya Pan-di-ta Kun-dga 'rgyal-mtshan), và dòng kia bắt nguồn từ việc ngài ban giới xuất gia cho chư Tăng mà sau này, ngài đã đào tạo, và cuối cùng, được chia thành bốn Tăng đoàn xuất gia Sakya (tshogs-pa bzhi). Dù có bằng chứng cho thấy vẫn còn chư Tỳ kheo ni ở miền bắc Ấn Độ vào cuối thế kỷ 12 sau Công Nguyên, nhưng không có Tỳ kheo ni của phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn nào đi cùng với ngài Shakyashribhadra đến Tây Tạng. Do đó, dòng truyền thừa giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn không bao giờ được trao truyền cùng với bất cứ dòng nào trong số ba dòng truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn ở Tây Tạng.

Trong những thế kỷ sau chuyến viếng thăm của Shakyashribhadra, thì có ít nhất một sự cố gắng để thành lập lễ truyền giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn ở Tây Tạng, nhưng đã không thành công. Vào đầu thế kỷ 15 sau Công Nguyên, đạo sư phái Sakya là Shakya-chogden (Sha-kya mchog-ldan) đã triệu tập một lễ truyền giới đơn Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn đặc biệt cho mẹ của ngài. Tuy nhiên, một đạo sư Sakya đương thời khác, Gorampa (Go-ram-pa bSod-nams seng-ge), đã chỉ trích về tính hợp lệ của lễ truyền giới này một cách mạnh mẽ, và sau đó, nó đã bị đình chỉ.

Top