Đạo Đức Phổ Quát Là Gì?

Uv what are universal values

Ý Nghĩa Của Đạo Đức Phổ Quát

Tại sao chúng ta có thuật ngữ “đạo đức phổ quát”? Phổ quát có ý nghĩa của điều gì mà tất cả mọi người, có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, có thể chấp nhận. Cho dù họ là người theo Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo, Do Thái giáo hay Kỳ Na giáo (Jain), hay bất cứ điều gì, thì những giá trị này đều có thể được chấp nhận. Dù là nhà khoa học hay không phải là nhà khoa học, có học thức hay không học thức thì mọi người đều có thể chấp nhận những giá trị này, và thấy rằng chúng rất quan trọng để noi theo, vì hạnh phúc của chính mình. Đó là phần phổ quát. Đạo đức là cách hành xử mà khi dấn thân vào đó thì sẽ giúp bạn trở thành người hạnh phúc, và hỗ trợ hạnh phúc của người khác. Cộng đồng sẽ được hạnh phúc, và bạn sẽ hạnh phúc. Hai điều này kết hợp với nhau là đạo đức phổ quát.

Con người là một thành phần của toàn bộ cái mà chúng ta gọi là vũ trụ, một phần bị giới hạn về thời gian và không gian. Họ tự kinh nghiệm, tư tưởng và cảm giác của họ như là điều gì tách rời với phần còn lại, một loại ảo tưởng quang học trong ý thức của họ. Ảo tưởng này là một loại nhà tù đối với chúng ta, hạn chế mình trong  khát vọng và tình cảm cá nhân với một vài người gần gũi với mình nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là giải thoát bản thân khỏi nhà tù này, bằng cách mở rộng vòng tròn trắc ẩn, để bảo bọc tất cả các sinh loài, và toàn thể thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó. - Albert Einstein

Einstein nói rằng tất cả những vấn đề mà mình gặp phải là vì tư tưởng rất hẹp hòi, bị bản ngã giam cầm, từ suy nghĩ về bản thân và chỉ một vòng tròn nhỏ bên trong, và quên đi phần còn lại của vũ trụ. Ông nói rằng việc chỉ chấp trước vào một vòng tròn nhỏ bên trong chỉ là ảo ảnh. Tại sao? Đó là vì tất cả chúng ta đều tương quan với nhau. Làm thế nào để thoát khỏi nhà tù này? Ông nói rằng mình phải mở rộng vòng tròn bi mẫn, để bao gồm những người khác, và nếu người khác cũng mở rộng vòng tròn bi mẫn của họ đối với mình, thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc. Đây là những điều mà ông khuyến khích.

Vì Sao Phải Thực Hành Đạo Đức?

Đạo đức là hành động của con người, được thực hiện với lương tâm, đưa đến sự hài hòa, hòa bình và hạnh phúc to lớn hơn cho cá nhân và xã hội nói chung. Dù một người trải qua hạnh phúc hay khổ đau thì ta có thể xem đó là kết quả từ hành động của họ, là điều có cùng bản chất với những gì mình tìm kiếm. Tất cả các hành động được ý nghĩ và cảm xúc của mình thúc đẩy. Ngày nay, những tư tưởng phi đạo đức làm phát sinh những hành động đưa đến kết quả bất như ý, mà chúng ta có thể thấy trong thế giới này. Đó là vì mình không hiểu được mối quan hệ nhân quả đúng đắn giữa ba điều này:

  • Tư tưởng và cảm xúc
  • Hành vi của mình
  • Hệ quả dưới hình thức hạnh phúc hay khổ đau

Chúng ta có thể có khát vọng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng vì bị một loạt ý tưởng thúc đẩy, nên lao vào những hành động chỉ tạo ra đau đớn và bất hạnh. Vì vậy, nên có kiến thức đúng đắn về ý thức là gì, tư tưởng và cảm xúc là gì, và cuối cùng thì những tư tưởng và ý thức này sử dụng cơ chế gì để chi phối hành động của mình, để tạo ra một kết quả cụ thể. Sau đó, chúng ta sẽ nuôi dưỡng những thái độ đó một cách khôn ngoan, tạo điều kiện cho hành động làm phát sinh kết quả như ý muốn, và từ bỏ lớp tâm thức hạ thấp hành động của mình. Đây là đạo đức, và điều nhấn mạnh tất cả các nguyên tắc đạo đức là lòng bi mẫn.

Thế thì điều tạo ra hạnh phúc và bất hạnh là tâm mình. Nó cũng phụ thuộc vào cảm xúc và yếu tố tình cảm. Cảm xúc thúc đẩy tư tưởng của mình, và suy nghĩ sẽ điều khiển hành động của mình. Những cảm xúc tạo ra hạnh phúc là những “cảm xúc tích cực”. Theo ý nghĩa phổ quát thì không thể nói về “trọng tội” hay trọng này, hay trọng nọ. Chúng ta phải nói một cách rất phổ quát. Ta có thể nói một cách phổ quát rằng những gì làm hạnh phúc chân thật phát sinh là cảm xúc tích cực, và những gì làm đau khổ phát sinh là cảm xúc tiêu cực. Chúng ta phải nghiên cứu và học hỏi những điều này như một phần của bản đồ tâm trí, cần phải đào tạo con người với một bản đồ như vậy.

Giảng Dạy Đạo Đức Phổ Cập Trong Hệ Thống Trường Học

Làm thế nào để giúp cho mọi người thích thú về việc giảng dạy những điều có ý nghĩa cho cá nhân và cộng đồng? Có những người mà đạo đức của họ dựa vào việc kinh sợ Thượng Đế. Có những người không tin vào Thượng Đế, nhưng lại có niềm tin vào nghiệp thì sẽ nghĩ rằng, dựa vào nghiệp mà họ nên cẩn thận, để cư xử tử tế. Nhưng cũng có những người tin vào cả Thượng Đế lẫn nghiệp. Nếu như họ không có khái niệm về Thượng Đế và nghiệp thì làm sao mình có thể thuyết phục mọi người rằng đạo đức là điều nên được chấp nhận? Đối với điều này thì Đức Dalai Lama đã đưa ra ba điểm sau: 

  • Kinh nghiệm phổ biến
  • Lý lẽ thông thường
  • Phát hiện khoa học

Dựa trên những điều này, Đức Dalai Lama đã đề xuất ba bước để giảng dạy đạo đức phổ quát trong hệ thống giáo dục hiện đại.

Một ví dụ về việc dạy học, dựa trên kinh nghiệm phổ biến, dù là cho người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, là việc bú sữa mẹ khi còn nhỏ. Đây là một kinh nghiệm phổ biến mà không có bất cứ tôn giáo hay triết lý nào - đó là tình thương và tình cảm thuần khiết mà mình nhận được từ các bà mẹ. Tình thương và tình cảm này mang lại cho hai mẹ con sự tin tưởng và tự tin vào nhau, và từ đó, tất cả mọi việc khác sẽ tan biến. Cảm xúc tiêu cực sẽ tan biến và tất cả những sự hỗn loạn trên thế giới cũng tan biến. Chỉ còn lại tình thương và tình cảm. Khủng bố, phân biệt giới tính và khoảng cách giàu nghèo đều tồn tại vì thiếu tình thương và tình cảm với người khác.

Lý lẽ thông thường là khi mình thấy rằng nếu một người có lòng thương yêu nhiều hơn thì họ sẽ có nhiều bạn bè hơn, họ cảm thấy như đang sống trong mái ấm gia đình nhiều hơn, và xem những người xung quanh họ giống như anh chị em của mình. Khi không cảm thấy tình thương và tình cảm này đối với người khác thì dù đang sống ngay trong nhà, mà ta cũng không có được cảm giác như đang sống ở nhà. Ngay cả anh chị em của mình cũng bị xem là kẻ thù. Từ quan điểm của lý lẽ thông thường thì mình phải tin rằng tình thương và tình cảm là cái neo của đạo đức phổ quát.

Cuối cùng, ví dụ như phát hiện khoa học đề cập đến các thí nghiệm được tiến hành, khi mà khỉ con bị tách rời khỏi khỉ mẹ, và lần này, không có kinh nghiệm được khỉ mẹ chăm sóc. Sau đó, khi lớn lên thì chúng rất hung dữ. Chúng không biết cách chơi với nhau, mà chỉ tự vệ và đánh nhau với những con khỉ khác. Mặt khác, những con khỉ được sống với khỉ mẹ thì lại hạnh phúc và thích nô đùa.

Trên cơ sở của ba khái niệm này, Đức Dalai Lama lý luận rằng tình thương và tình cảm chân thật - là neo của đạo đức phổ quát - là những điều phải được trưởng dưỡng trong tâm thức của tất cả mọi người.

Giữ Gìn Bản Sắc Phổ Quát Như Một Con Người

Một thử thách đối với việc giới thiệu đạo đức phổ quát là bản sắc của mình. Khi chúng ta cảm thấy, “Tôi là người Tây Tạng, tôi là người Trung Quốc, tôi là Phật tử, tôi là con chiên Ấn Độ giáo” - khi mà tâm chấp thủ như vậy đối với bản sắc riêng của mình xuất hiện thì một sự ác cảm đối với người khác chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là một thách thức lớn, và là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Một cá nhân có thể có hàng trăm bản sắc khác nhau. Ví dụ, tôi có thể nói rằng tôi là một người đàn ông và trên cơ sở đó, chủ nghĩa sô vanh nam (male chauvinism) sẽ phát sinh. Trên cơ sở của chủ nghĩa sô vanh nam thì chủ nghĩa nữ quyền phát sinh. Nếu tôi nghĩ tôi là một Phật tử, thì bạn là không phải là Phật tử. Nếu tôi là người theo Ấn Độ giáo hoặc Hồi giáo, thì bạn là người không theo Ấn Độ giáo, hay không theo đạo Hồi. Trừ khi một người có khả năng tiến hóa cao, còn không thì sẽ có hiểm họa, hoặc xu hướng giữ một bản sắc ít quan trọng hơn là bản sắc quan trọng nhất. Chủ nghĩa cơ bản và chủ nghĩa cấp tiến đều ra đời vì họ nắm giữ một bản sắc ít quan trọng hơn như là điều tối thượng.

Tại sao tất cả chúng ta không chỉ nhận diện mình là con người? Nếu người ngoài hành tinh đến và bắt đầu bắn mình, nói rằng đó là vì chúng ta đến từ hành tinh Trái đất, thì tất cả chúng ta sẽ có bản sắc rằng mình đến từ hành tinh trái đất, và tất cả mọi người sẽ đoàn kết với nhau. Tại sao mình phải chờ đợi một yếu tố thứ ba để tạo ra bản sắc của mình? Tại sao lại không tạo ra bản sắc riêng của mình ngay bây giờ? Bản sắc nào làm cho chúng ta hạnh phúc hơn và thế giới hạnh phúc hơn? Khi giữ gìn bản sắc như một con người thì mình sẽ thấy rằng chúng ta hạnh phúc hơn, và xem mọi người như anh chị em của mình.

Top