Thúc Đẩy Hòa Bình Bằng Đạo Đức Phổ Quát

Uv promoting peace

Ngày nay, số lượng giới trẻ có vấn đề tâm thần đang gia tăng theo cấp số nhân. Đây là một sự khủng hoảng lớn của thế giới ngày nay. Với vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề.

Chúng ta thấy có quá nhiều chiến tranh, xung đột và khủng bố xảy ra, nhân danh tôn giáo. Bất cứ nơi nào mà Đức Dalai Lama đến, thì có những người dân, các nhà giáo dục, nhân viên xã hội và chuyên gia y tế, tất cả đều nêu ra một câu hỏi: Thế giới đang gặp vấn đề gì vậy? Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng với khủng bố, tham nhũng, phân biệt giới tính, khoảng cách giữa giàu nghèo, và sau đó là bệnh tâm thần trong giới trẻ. Ngày nay, số thanh niên mắc bệnh tâm thần gia tăng theo cấp số nhân, đến mức nó đã trở thành một sự khủng hoảng lớn. Vậy chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Đối với bệnh tâm thần, thì phải đặt câu hỏi tại sao lại có sự gia tăng về vấn đề này, khi mà nền giáo dục hiện đại lẽ ra phải giải quyết những vấn đề như vậy. Nói một cách chính xác, thì vấn đề nằm ở đâu? Nó đã phát sinh như thế nào? Đây là câu hỏi phổ biến, thường được nêu ra với Đức Dalai Lama. Không một chút do dự, Ngài đã nói rằng đó là vì có một lỗ hổng trong hệ thống giáo dục hiện đại. Lỗ hổng là hệ thống giáo dục chủ yếu được thiết kế để phát triển trí thông minh. Trong một lớp học, nếu như nói hai cộng hai là bốn, thì mình sẽ thi đậu. Dù có thể có tấm lòng vô cùng cao đẹp, vị tha và lôi cuốn, nhưng nếu như mình nói rằng hai cộng hai là bốn hay gì đó, thì sẽ thi rớt. Không ai đếm xỉa đến tấm lòng! Chỉ có bộ não mới được tin tưởng.

Đây là điều chịu trách nhiệm cho vấn đế. Nếu chỉ phát triển trí óc không thôi, thì sẽ không đảm bảo thế giới sẽ được hạnh phúc, hay nhân loại sẽ có  lòng từ bi và tin cậy lẫn nhau. Trên bình diện thiết thực thì điều gì là động lực, là sự thúc đẩy nhân loại tiến tới hòa bình và hòa hợp nhiều hơn? Đó là trái tim, trái tim của con người.

Để đảm bảo thế giới có thể thịnh vượng, mà không ảnh hưởng đến trái tim, thì cũng cần có trí tuệ. Trí tuệ và trái tim nên song hành với nhau. Hãy ghi nhớ điều này, rồi như một mỏ neo của đạo đức và luân lý, điều phổ quát là trái tim bi mẫn. Không ai phủ nhận điều này. Cho dù đó là người không có tín ngưỡng hay tôn giáo, có học thức hay mù chữ, điều đó không quan trọng. Tất cả mọi người đều tùy hỷ, và thích thú, khi người khác thể hiện tình cảm và quan tâm đến họ. Hãy nhớ rằng cội nguồn của đạo đức là lòng bi mẫn – lòng từ bi đối với tha nhân.

Câu hỏi tiếp theo là chúng ta có thể làm gì? Làm thế nào để thúc đẩy điều này? Thứ nhất là các trung tâm trên toàn thế giới có thể trợ giúp. Chẳng hạn như tại Trung Tâm Đạo Đức Và Giá Trị (Center for Ethics and Values) của trường Cao Đẳng Ramanujan ở Delhi, một dự án lớn đang được tiến hành dưới sự bảo trợ của Đức Dalai Lama, nhằm thúc đẩy đạo đức phổ quát.

Sau đó, phải nghĩ xem mình có thể hành động theo cách nào, để truyền cảm hứng cho người khác, giúp cho họ trở nên bi mẫn hơn? Không nên thực hiện điều này dưới hình thức sùng bái, mà là hình thức cởi mở, quan tâm và nồng nhiệt. Có thể chúng ta sẽ không thể tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trên thế giới, nhưng ít nhất, có thể cố gắng ảnh hưởng những người xung quanh, những người chắc chắn có thể hành động một cách bi mẫn hơn, nhưng lại không có biết cách làm như vậy. Làm sao mình có thể ảnh hưởng người khác? Nếu không thể gặp gỡ những người có khả năng ảnh hưởng thế giới, thì phải tìm hiểu cách mà ít nhất là chúng ta có thể truyền bá tầm quan trọng của lòng bi mẫn, bất kể người khác là ai, đặc biệt là giới trẻ. Nói cho cùng thì hy vọng của tương lai nằm trong tay của giới trẻ ngày nay.  

Top