Cội Nguồn Hạnh Phúc

Cội nguồn của hạnh phúc nằm ở bên trong. Khi trí óc thảnh thơi, khi có cái nhìn tích cực nhưng thực tế, khi tư tưởng của mình hướng về tha nhân một cách nhân từ, thì ta sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc, giúp cho mình có thêm sức mạnh và lòng dũng cảm, bất kể khó khăn gì sẽ xảy ra. Nếu muốn được hạnh phúc, thì như Đức Phật đã nói, ta phải điều phục tâm mình.

Hạnh Phúc Thông Thường: Khổ Vì Thay Đổi

Một số người đã mô tả đạo Phật như một tôn giáo tiêu cực, nhận diện tất cả những điều chúng ta trải qua là đau khổ, và không hề thừa nhận hạnh phúc. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai sót, vì thiếu thông tin. Đúng là đạo Phật nói rằng hạnh phúc thông thường, bình thường của chúng ta là nỗi khổ vì thay đổi (hoại khổ). Điều này có nghĩa là loại hạnh phúc này bất toại nguyện: nó chẳng bao giờ bền lâu, và mình không bao giờ có đủ. Đó không phải là hạnh phúc chân thật. Ví dụ, nếu như việc ăn kem là hạnh phúc thật sự, thì càng ăn nhiều kem hơn, mình sẽ càng hạnh phúc hơn. Nhưng chẳng bao lâu thì niềm hạnh phúc vì được ăn kem sẽ chuyển biến thành nỗi bất hạnh và đau khổ. Việc ngồi ngoài nắng, hay đi vào bóng râm cũng vậy. Đây là ý nghĩa của nỗi khổ vì thay đổi.

Tuy nhiên, đạo Phật cung cấp nhiều phương pháp để vượt qua giới hạn của hạnh phúc thông thường, nỗi khổ vì thay đổi này, để thành tựu trạng thái hỷ lạc vĩnh viễn của một vị Phật. Dù sao đi nữa, bất kể những điểm bất lợi của hạnh phúc thông thường, đạo Phật cũng giải thích về nguồn gốc để đạt được loại hạnh phúc ấy. Đạo Phật đưa ra giáo pháp này, vì một trong những tiền đề cơ bản của nó là tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc và không ai muốn khổ. Vì tất cả mọi người đều mưu cầu hạnh phúc, nhưng là chúng sinh phàm trần, chúng ta lại không biết đến loại hạnh phúc nào khác, ngoài loại hạnh phúc bình thường, thông thường này, mà đạo Phật chỉ cho mình cách để đạt được. Chỉ khi mà ước nguyện và nhu cầu hạnh phúc đó đã được hoàn thành ở mức độ cơ bản nhất của hạnh phúc thông thường, thì chúng ta mới có thể tiếp tục hướng về những mức độ thỏa mãn sâu sắc hơn, bằng những thực hành tâm linh cao cấp hơn.

Tuy nhiên, thật không may, như ngài Tịch Thiên (Shantideva), bậc thầy Ấn Độ vĩ đại đã viết trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh I.27 (sPyod-’jug, Phạn ngữ: Bodhicharyavatara, Engaging in Bodhisattva Behavior): 

muốn lánh xa nỗi khổ, họ vẫn lao đầu vào đó. Dù ước mong hạnh phúc, nhưng vì vô minh, họ lại tự hủy hoại hạnh phúc của mình, như thể đó là kẻ thù của họ.

Nói cách khác thì dù mong muốn hạnh phúc, chúng ta vẫn si mê về nguồn gốc của nó, nên thay vì tạo ra nhiều hạnh phúc hơn cho mình, thì ta chỉ tạo ra thêm nhiều khổ đau và phiền muộn. 

Video: Tiến sĩ Chönyi Taylor — “Vì Sao Quá Dễ Nghiện Ngập?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Hạnh Phúc Là Một Cảm Thọ

Tuy có rất nhiều loại hạnh phúc, nhưng ở đây, hãy chú ý vào hạnh phúc bình thường. Nếu muốn hiểu nguồn gốc của nó, thì trước tiên, phải hiểu rõ “hạnh phúc” có nghĩa là gì. Hạnh phúc (bde-ba, Phạn ngữ: sukha) mà tất cả chúng ta đều mong muốn là gì? Theo phân tích của nhà Phật, thì hạnh phúc là một tâm sở, nói cách khác, thì nó là một loại tâm hành mà nhờ đó, ta sẽ nhận thức về một đối tượng theo một cách nào đó. Nó là một phần của một tâm sở rộng lớn hơn, được gọi là “cảm thọ” (tshor-ba, Phạn ngữ: vedana), bao gồm một quang phổ kéo dài từ mức độ hoàn toàn hạnh phúc, đến hoàn toàn bất hạnh.

Định nghĩa của “cảm thọ” là gì? Cảm thọ là tâm sở có bản chất kinh nghiệm (myong-ba). Đó là tâm hành của việc cảm nhận một đối tượng, hay tình huống theo cách thật sự biến nó thành một kinh nghiệm về đối tượng, hay tình huống đó. Nếu không có một cảm thọ ở đâu đó trên quang phổ giữa hạnh phúc và bất hạnh, thì ta sẽ không thật sự cảm nhận một đối tượng hay tình huống. Máy vi tính sẽ tiếp nhận và xử lý dữ liệu, nhưng vì máy vi tính không cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh trong khi làm việc này, nên nó không cảm nhận được dữ liệu. Đây là sự khác biệt giữa máy vi tính và tâm thức.

Việc cảm nhận một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh đi kèm với nhận thức về một đối tượng của giác quan – sắc, thanh, hương, vị, hay xúc, như lạc thọ hay khổ thọ - hoặc nhận thức về một pháp trong tinh thần, chẳng hạn như khi suy nghĩ điều gì đó. Nó không cần phải quá kịch tính hay cực đoan, và có thể ở mức độ rất thấp. Trên thực tế, một số mức độ về cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh phúc sẽ đi kèm với mỗi một sát na trong đời sống của chúng ta, ngay cả khi mình đang ngủ say và không nằm chiêm bao, thì ta sẽ trải nghiệm nó như vô ký thọ.

Định Nghĩa Về Hạnh Phúc

Đạo Phật nêu ra hai định nghĩa về hạnh phúc. Một cách thì được định nghĩa theo mối quan hệ của mình với một đối tượng, trong khi cách kia được định nghĩa theo mối quan hệ của mình với tâm trạng của chính cảm thọ ấy.

  • Trước tiên, định nghĩa hạnh phúc như việc trải nghiệm điều gì một cách mãn nguyện, dựa trên việc tin rằng nó có lợi cho bản thân, dù cho vấn đề có thật sự là như vậy hay không. Bất hạnh là trải nghiệm điều gì theo cách bất toại nguyện, thống khổ. Chúng ta sẽ trải nghiệm điều gì một cách trung lập, khi nó không phải là cảm giác toại nguyện hay thống khổ.
  • Điều thứ hai định nghĩa hạnh phúc như cảm thọ mà khi nó đã kết thúc, thì ta sẽ mong muốn nó xảy ra thêm một lần nữa. Bất hạnh là cảm giác mà khi nó xuất hiện, thì ta sẽ muốn rời xa nó. Trong khi vô ký thọ là cảm thọ khi mà nó xuất hiện hay chấm dứt, thì mình không có một trong hai ước muốn này.

Hai định nghĩa này có liên quan với nhau. Khi trải nghiệm điều gì một cách mãn nguyện, thì cách mình cảm nhận đối tượng là theo nghĩa đen, đối tượng này sẽ “xuất hiện trong tâm trí của mình” (yid-du ’ong-ba, Phạn ngữ: manapa) một cách dễ chịu. Chúng ta chấp nhận đối tượng đó, và nó vẫn là đối tượng mà mình chú ý đến một cách thoải mái. Điều này ngụ ý rằng ta cảm thấy kinh nghiệm về đối tượng này có lợi cho mình, vì nó làm cho mình hạnh phúc, cảm thấy tốt đẹp. Vì vậy là mình muốn lợi ích của kinh nghiệm này sẽ tiếp tục, và nếu như nó chấm dứt, thì sẽ muốn nó quay trở lại. Nói theo cách thông tục, thì có thể nói rằng mình thưởng thức đối tượng này, và kinh nghiệm về nó.

Khi cảm nhận một đối tượng một cách thống khổ, thì kinh nghiệm bất hạnh về đối tượng này, theo nghĩa đen, sẽ “không xuất hiện trong tâm trí của mình” (yid-du ma-’ong-ba, Phạn ngữ: amanapa) một cách dễ chịu. Ta không chấp nhận đối tượng này, và nó không duy trì như đối tượng mà mình sẽ chú ý đến một cách thoải mái. Chúng ta cảm thấy kinh nghiệm của mình về đối tượng này không có ích lợi gì, và trên thực tế, đang làm mình tổn thương, nên muốn cho nó chấm dứt. Nói một cách thông tục, thì ta sẽ nói rằng mìn

Video: Tiến sĩ Alan Wallace — “Hạnh Phúc Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Phóng Đại Phẩm Chất Của Một Đối Tượng

Việc cảm thấy thoải mái với một đối tượng có nghĩa là gì? Khi cảm thấy thoải mái với một đối tượng, thì ta sẽ chấp nhận nó như thị, mà không si mê, không phóng đại hay phủ nhận những phẩm chất tốt đẹp hay khuyết điểm của nó. Điểm này sẽ đưa đến cuộc thảo luận về phiền não (nyon-rmongs, Phạn ngữ: klesha; cảm xúc phiền não) và mối liên hệ của chúng, đối với việc mình cảm nhận một đối tượng một cách vui vẻ hay không vui.

Một nhóm phiền não là tham dục, luyến ái và tham lam. Với cả ba điều này, chúng ta sẽ phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của một đối tượng. Với tham dục, thì mình muốn có được đối tượng, nếu như không sở hữu nó. Với tâm luyến ái, thì mình không muốn mất nó, khi đã có được nó, và với tham lam, thì mình muốn có nhiều hơn nữa, ngay cả khi đã sở hữu nó. Với những phiền não này, ta sẽ có xu hướng bỏ qua khuyết điểm của đối tượng. Đây không phải là tâm trạng vui vẻ, vì ta không thấy thỏa mãn với đối tượng. Điều đó có nghĩa là mình không hài lòng với đối tượng. Chúng ta không chấp nhận nó, theo cách của nó.

Chẳng hạn như khi nhìn thấy người bạn gái hay bạn trai mà mình rất quyến luyến, thì ta có thể thấy hạnh phúc. Ta sẽ thấy mãn nguyện, thỏa mãn, khi nhìn thấy người này. Nhưng ngay khi lòng quyến luyến phát sinh, khi mình phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của người đó và việc ở gần người đó, và phóng đại những phẩm chất tiêu cực của bản thân, khi không ở gần người này, thì ta sẽ cảm thấy bất toại nguyện và không vui. Chúng ta không chấp nhận tình trạng gặp gỡ người này trong hiện tại, và chỉ tận hưởng giây phút đó thôi, mà còn muốn nhiều hơn nữa, và sợ người đó bỏ đi. Kết quả là giờ đây, bỗng nhiên, ta sẽ nhìn người thân yêu của mình với tâm bất toại nguyện, bất an và bất hạnh.

Một nhóm phiền não khác là ác cảm, sân hận và thù hằn. Với những điều này, ta sẽ phóng đại những khuyến điểm hay phẩm chất tiêu cực của đối tượng, và muốn lánh xa nó, nếu như không sở hữu nó; chúng ta muốn tiêu diệt nó, khi mình sở hữu nó; và khi nó chấm dứt, thì không muốn nó tái diễn. Ba phiền não này thường trộn lẫn với sợ hãi. Chúng cũng không phải là những tâm trạng hạnh phúc, vì mình không hài lòng với đối tượng. Chúng ta không chấp nhận nó, theo cách của nó.

Ví dụ như mình có thể lấy tủy răng. Đối tượng kinh nghiệm của mình là cảm giác đau đớn của thể xác. Nhưng nếu như mình chấp nhận nó là như vậy, mà không phóng đại những phẩm chất tiêu cực của nó, thì sẽ không đau khổ trong quá trình chữa răng. Chúng ta có thể có cảm giác trung hòa, như cách mình cảm nhận cái đau: chúng ta chấp nhận điều đó trong suốt thời gian mà việc chữa răng diễn ra, nên sẽ không cầu nguyện cho nó mau chấm dứt; và khi nha sĩ ngừng khoan chiếc răng, thì ta sẽ không muốn họ khoan nó thêm nữa. Chúng ta có tâm bình đẳng với nỗi đau của việc khoan răng - không phải là ác cảm, không bị thu hút, cũng không si mê. Trên thực tế, trong quá trình chữa răng, ta có thể thấy vui vẻ, khi tập trung vào ý tưởng là mình đang ngăn chận những cơn đau răng nhiều hơn trong tương lai.

Xin lưu ý rằng hạnh phúc hay lòng mãn nguyện với điều gì đó không loại trừ việc mình muốn có nó nhiều hơn hay ít hơn, dựa theo nhu cầu. Nó không làm cho mình trở nên thụ động, để không bao giờ cố gắng cải thiện sự việc hay bản thân, hoặc tình huống trong đời sống. Ví dụ như ta có thể chấp nhận và hài lòng, nhờ vậy mà sẽ vui vẻ với sự tiến triển mà mình đã đạt được, khi đang thực hiện một dự án ở công sở, hay phục hồi sức khỏe, sau khi làm phẫu thuật. Nhưng dựa trên nhu cầu, thì ta vẫn có thể muốn tiến bộ hơn nữa, mà không thấy buồn bực với những điều mình đã đạt được cho đến nay. Vấn đề cũng tương tự như vậy, đối với số thức ăn trên dĩa của mình, hay số tiền mà mình có trong ngân hàng, nếu như thực tế là mình không có đủ, và cần có nhiều hơn nữa. Khi không phóng đại những khía cạnh tiêu cực của việc không có đủ thức ăn hay tiền bạc trong ngân hàng, hay phủ nhận lợi ích của việc có nhiều hơn, thì ta có thể nỗ lực, để có thêm thức ăn hay tiền, mà không thấy đau khổ vì điều đó. Nếu như mình thành công, thì tốt thôi; và nếu như mình thất bại, thì cũng không sao, vì ta sẽ xoay sở, theo cách nào đó, nhưng vẫn sẽ cố gắng. Điều quan trọng nhất là ta sẽ cố gắng đạt được nhiều hơn nữa, nhưng không tán tâm vì kỳ vọng mình sẽ thành công, hay lo lắng về thất bại.

Trong chương sách nói về hạnh nhẫn nhục (VI.10), ngài Tịch Thiên đã viết một câu rất hay:  

Nếu có thể khắc phục vấn đề, thì tại sao phải lo lắng? Nếu không thể khắc phục vấn đề, thì lo lắng có ích lợi gì?

Thiện Hạnh Như Cội Nguồn Chính Của Hạnh Phúc

Về lâu về dài thì nguyên nhân chính cho hạnh phúc là thiện hạnh. Điều này có nghĩa là không hành động, nói năng hay suy nghĩ dưới tác động của phiền não như tham dục, luyến ái, tham lam, ác cảm, sân hận, si mê v.v... mà không quan tâm đến tác động lâu dài từ hành vi của mình đối với tự thân và tha nhân. Ác hạnh là nguyên nhân chính tạo ra nỗi khổ, không phải là kềm chế loại hành vi đó, mà là tham gia vào nó. Ví dụ như với dục vọng, thì mình phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của một món đồ trong cửa hàng, và bỏ qua những hậu quả về mặt pháp lý, nên mới ăn cắp nó. Với tâm sân, ta sẽ phóng đại những phẩm chất tiêu cực của điều gì mà người bạn đời của mình đã nói, và bỏ qua ảnh hưởng mà nó sẽ tạo ra đối với mối quan hệ của mình với họ, ta sẽ la mắng họ, và nói những lời cay độc.

Việc hành động, nói năng và suy nghĩ, trong khi không chịu ảnh hưởng của phiền não, sẽ hình thành thói quen kềm chế, để mình không phải gánh chịu ảnh hưởng đó trong tương lai. Kết quả là, nếu một phiền não nào sinh khởi trong tương lai, thì ta sẽ không hành động dựa vào nó, và dần dần, mãnh lực của phiền não này sẽ yếu đi, và cuối cùng, hầu như phiền não sẽ không sinh khởi. Mặt khác, càng hành động dựa vào phiền não, thì chúng sẽ càng phát sinh trong tương lai và, sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Như chúng ta đã thấy, khi cảm thấy vui vẻ với một đối tượng nào đó, thì ta sẽ trải nghiệm nó, mà không có những phiền não như si mê, tham dục, luyến ái, tham lam, ác cảm, hay sân hận. Kinh nghiệm của mình về đối tượng sẽ dựa trên việc chấp nhận bản chất thật sự của nó, theo cách nó là như vậy, mà không phóng đại hay phủ nhận những điểm tốt hay xấu của nó. Vậy thì cách trải nghiệm các pháp bắt nguồn từ tập khí của thiện hạnh, mà ta sẽ hành động, nói năng và suy nghĩ tương tự như vậy, dựa vào việc chấp nhận bản chất thật sự của con người hay sự vật, hoặc tình huống, mà không phóng đại hay phủ nhận điểm tốt hay xấu của họ.

Hoàn Cảnh Để Tiềm Năng Của Hạnh Phúc Trổ Quả

Vậy thì cách mình trải nghiệm các đối tượng hay tư tưởng - với hạnh phúc hay khổ đau - không được chính đối tượng hay tư tưởng đó quyết định. Như chúng ta đã thấy, nếu như với hành vi lâu dài trước đây của mình, mà ta đã tạo ra thói quen kềm chế việc phóng đại hay phủ nhận những điều tích cực hay tiêu cực của những điều này, thì thậm chí, mình có thể cảm nhận cái đau trong khi lấy tủy răng, với tâm trạng vui vẻ. Quay trở lại với định nghĩa về hạnh phúc, chúng ta sẽ trải nghiệm quy trình này một cách mãn nguyện, dựa vào việc tin rằng điều đó có lợi cho bản thân.

Tuy có thể mình đã tạo dựng thói quen kềm chế việc hành động, nói năng hay suy nghĩ dưới ảnh hưởng của phiền não, nên đã tích lũy tiềm năng để cảm nhận đối tượng và ý nghĩ một cách vui vẻ, nhưng hoàn cảnh nào đó vẫn cần thiết, để tiềm năng đó trổ thành kinh nghiệm hạnh phúc. Như chúng ta đã thấy, đối tượng của kinh nghiệm của mình không nhất thiết sẽ quyết định liệu mình sẽ trải nghiệm nó với hạnh phúc hay khổ đau. Đúng hơn thì việc cảm nhận một đối tượng với niềm vui phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ của mình, đối với việc chấp nhận thực tại về đối tượng đó là gì, bất kể đối tượng đó có thể là gì, là cảm giác đau đớn trong khi lấy tủy răng, hay bóng dáng của người yêu. Vậy thì thái độ, tâm trạng của mình rất quan trọng, đối với việc mình cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh vào thời điểm này, bất kể đối tượng mà mình có thể đang nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm hay nghĩ đến là gì.

Chúng ta cũng thấy rằng khi mình chấp nhận thực tại của điều gì là như thế nào, và không si mê về nó, thì sẽ không phóng đại hay phủ nhận những phẩm chất tốt hay xấu của nó, rồi thì ta sẽ không cảm nhận đối tượng bằng dục vọng, tham lam, luyến ái, ác cảm hay sân hận. Do đó, điều sẽ kích hoạt việc hạnh phúc trổ quả vào bất kỳ thời điểm nào, sẽ thoát khỏi tâm si mê.

Si Mê

Trong bất kỳ khoảnh khắc khổ đau nào, thì tâm si mê (gti-mug, Phạn ngữ: moha) không nhất thiết bị giới hạn vào việc si mê về đối tượng mà mình đang cảm nhận. Si mê có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Nó cũng có thể chú trọng vào bản thân mình. Khi gặp một vấn đề mà mình rất đau khổ, thì với tâm si mê, ta sẽ có xu hướng chỉ chú trọng vào bản thân mình, thậm chí có thể nghĩ rằng mình là người duy nhất đã trải qua vấn đề này.

Ví dụ như mình bị mất việc. Thực tế là có hàng triệu người trên thế giới bị mất việc, và hiện đang thất nghiệp. Chẳng hạn như ta có thể nghĩ về hoàn cảnh của mình, mà không si mê về tính vô thường. Ta sẽ nhớ rằng vạn pháp sinh khởi dựa vào nhân duyên, sẽ bị tác động vì những nhân duyên khác, và cuối cùng, sẽ hoại diệt. Điều này có thể rất hữu ích. Nhưng điều hữu hiệu hơn nữa là mở rộng phạm vi suy nghĩ của mình hơn nữa, để bao gồm không chỉ vấn đề mất việc của chính mình, mà còn của người khác nữa, nếu điều đó đã xảy ra với họ. Hãy nghĩ rằng: “Đây không chỉ là vấn đề của riêng mình, mà là vấn đề của rất nhiều người. Tôi không phải là người duy nhất cần có giải pháp, mà người khác cũng cần có một giải pháp. Mọi người phải khắc phục khó khăn và khổ đau như vậy.”. Trên thực tế, đó là thực tại.

Với lối suy nghĩ không si mê như vậy, thì mình sẽ phát tâm bi (snying-rje, Phạn ngữ: karuna) với tha nhân, thay vì chìm đắm trong sự tủi thân. Tâm ta sẽ không chú trọng vào bản thân mình một cách hẹp hòi nữa, mà cởi mở hơn nhiều, khi nghĩ đến những người khác, đang rơi vào tình huống tương tự như mình. Với ước nguyện giúp tha nhân khắc phục vấn đề của họ, thì tầm quan trọng của những vấn đề riêng của mình sẽ giảm thiểu, và ta sẽ có lòng can đảm và sức mạnh để giải quyết chúng một cách khách quan. Chắc chắn là mình không muốn mất việc, nhưng với tâm bình đẳng, ta sẽ chấp nhận thực tế về hoàn cảnh, và nghĩ đến người khác, thậm chí, ta có thể thấy vui, khi nghĩ rằng bây giờ, mình có cơ hội để giúp đỡ họ.

Mối Quan Hệ Giữa Lòng Bi Và Hạnh Phúc

Vậy thì lòng bi là một trong những yếu tố quan trọng, để kích hoạt tiềm năng của mình, để cảm nhận một đối tượng hay tình huống một cách vui vẻ. Nhưng nó hoạt động như thế nào? Lòng bi là ước mong tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ, giống như mình cũng mong muốn điều tương tự cho bản thân. Nhưng khi chú trọng vào nỗi khổ và bất hạnh của người khác, thì tự nhiên, ta sẽ thấy buồn vì điều đó, và không vui. Hay có thể cảm thấy bế tắc, và không cảm nhận được điều gì cả. Trong cả hai trường hợp, ta sẽ không thấy vui vì nỗi khổ của họ. Vậy thì làm sao mà lòng bi sẽ tạo ra tâm trạng vui vẻ?

Để hiểu được điều này, thì phải phân biệt giữa cảm giác bực bội (zang-zing) và  không bực bội (zang-zing med-pa). Ở đây, tôi đang sử dụng các thuật ngữ này, không phải với định nghĩa nghiêm chỉnh của chúng, mà theo một cách thông tục hơn, không có tính kỹ thuật. Sự khác biệt là có hay không có cảm giác hạnh phúc, bất hạnh hay vô ký, được trộn lẫn với tâm si mê và mê lầm về chính cảm giác đó. Hãy nhớ rằng, khi phân biệt giữa hạnh phúc và bất hạnh nói chung, thì biến số là liệu mình có si mê về đối tượng mà mình đang trải nghiệm hay không. Ở đây, ngay cả khi không phóng đại hay phủ nhận những phẩm chất của một đối tượng mà mình cảm nhận với nỗi khổ, ví dụ như ta vẫn có thể biến cảm giác không vui đó thành một “thứ” gì vững chắc, thật sự tồn tại, giống như một đám mây đen nặng trĩu treo lơ lửng trên đầu mình. Rồi thì ta phóng đại những phẩm chất tiêu cực của cảm giác đó, và tưởng tượng nó là “một cơn trầm cảm kinh khủng”, chẳng hạn vậy, và cảm thấy mình bị mắc kẹt trong nó. Trong trường hợp này, thì tâm si mê là việc không chấp nhận cảm giác đau khổ đối với điều đó. Rốt cuộc thì cảm giác bất hạnh là điều luôn thay đổi trong từng sát na, khi cường độ của nó thay đổi: nó không phải là thứ gì vững chắc, nhất thể, tự nó tồn tại một cách chân thật, không bị tác động vì bất cứ điều gì khác.

Chúng ta có thể áp dụng cách phân tích tương tự như vậy, khi không cảm nhận được điều gì cả, khi nghĩ đến nỗi khổ của tha nhân. Trong trường hợp này, khi phóng đại chất lượng tiêu cực của cảm giác buồn bã hay khổ đau, thì mình sẽ sợ phải cảm nhận nó, nên mới chận nó lại. Sau đó, ta sẽ cảm nhận một cảm giác trung lập, không buồn cũng không vui. Nhưng rồi mình cũng phóng đại cảm giác trung lập đó, tưởng tượng nó như thứ gì vững chắc, giống như một khối “hư không” vững chắc, đang ngự trị ở trong lòng mình, khiến cho ta không thể cảm nhận bất cứ điều gì.

Nếu muốn phát tâm bi, thì điều quan trọng là không phủ nhận là hoàn cảnh khó khăn của người khác là điều đáng buồn, cũng như tình cảnh của mình, chẳng hạn như khi mình mất việc làm. Việc cảm thấy sợ hãi, khi cảm nhận nỗi buồn đó, hay ngăn chận nó, hoặc ức chế nó, là điều không lành mạnh. Phải cảm nhận nỗi buồn này, nhưng với thái độ không bực bội, để có thể cảm thông với nỗi khổ của người khác, phát khởi ước nguyện chân thành sâu xa, mong cho tha nhân thoát khổ, và gánh lấy trách nhiệm cố gắng giúp họ khắc phục khổ đau. Nói tóm lại thì lời khuyên của nhà Phật là: “Đừng làm cho cảm giác buồn bã trở thành 'điều gì' vững chắc; đừng làm lớn chuyện.”.             

Tĩnh Tâm

Để trải nghiệm cảm giác buồn bã một cách dễ chịu, thì ta phải làm cho tâm thoát khỏi trạo cử và hôn trầm. Với tâm trạo cử, thì sự chú ý của mình sẽ nhắm vào những ý tưởng phiền nhiễu ngoại lai, như ý nghĩ đầy lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi, hay tràn đầy kỳ vọng về những gì mà mình hy vọng sẽ là điều dễ chịu hơn. Với hôn trầm, thì ta sẽ rơi vào lớp sương mù trong tâm thức, nên không thể chú ý đến mọi việc.

Đạo Phật có nhiều phương pháp để đoạn trừ tâm trạo cử và hôn trầm. Một trong những phương pháp cơ bản nhất là tĩnh tâm, bằng cách chú tâm vào hơi thở. Khi trạo cử và hôn trầm trở nên tối thiểu, thì tâm sẽ tĩnh lặng và thanh thản. Trong một trạng thái như vậy, thì mình cũng có thể dễ bình tĩnh hơn, và khiến cho bất cứ sự phóng đại, ác cảm hay thờ ơ nào về những vấn đề và nỗi khổ của người khác, cũng như cảm giác của mình đối với chúng lắng dịu xuống. Sau đó, ngay cả khi mình sẽ thấy buồn bã vào lúc đầu, nhưng không bực bội.

Tuy nhiên, cuối cùng, khi tâm mình buông thư và bình tĩnh hơn nữa, thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy hỷ lạc ở một mức độ thấp. Trong trạng thái tĩnh lặng, thì sự ấm áp và hỷ lạc tự nhiên của tâm thức sẽ hiển lộ. Nếu như đã tích tập đủ tiềm năng mạnh mẽ để trải nghiệm hạnh phúc, bằng cách tạo tác thiện hạnh, thì tâm trạng tĩnh lặng cũng sẽ giúp cho chúng trổ quả.

Phát Tâm Từ

Sau đó, ta sẽ củng cố niềm hạnh phúc này, bằng những ý tưởng về lòng từ (byams-pa, Phạn ngữ: maitri). Lòng từ là ước nguyện tha nhân có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc. Ước nguyện như vậy sẽ sinh khởi một cách tự nhiên, theo sau lòng bi. Tuy ta sẽ thấy buồn vì nỗi đau và ưu phiền của ai đó, nhưng sẽ khó mà có cảm giác như vậy, trong khi chủ động mong cho người đó được hạnh phúc. Khi không nghĩ về bản thân nữa, mà lại chú trọng vào hạnh phúc của tha nhân, thì tự nhiên lòng mình sẽ cảm thấy ấm áp. Điều này sẽ tự động tạo ra cảm giác hỷ lạc nhẹ nhàng hơn nữa, và có thể kích hoạt thêm nhiều tiềm năng hơn nữa, để cảm nhận niềm hạnh phúc đã được tích lũy trong một thời gian dài, bằng thiện hạnh của mình. Vậy thì khi có tình thương vị tha và chân thành, thì hạnh phúc nhẹ nhàng sẽ đi kèm với nó, mà không có sự bực bội, và nỗi buồn cũng tan biến. Giống như một người mẹ hay người cha đang bị nhức đầu, thì sẽ quên đi nỗi đau của mình, trong khi an ủi đứa con đang bị bệnh, thì tương tự như vậy, nỗi buồn mà ta cảm nhận, trước nỗi bất hạnh của người nào sẽ tan biến, trong khi mình tạo ra ý tưởng yêu thương. 

Tóm Tắt

Nói tóm lại là theo nhà Phật thì nguồn hạnh phúc lâu dài, cơ bản nhất là tạo dựng thói quen kềm chế cách hành động, nói năng hay suy nghĩ một cách tiêu cực, dưới ảnh hưởng của những phiền não như tham dục, tham lam, luyến ái, ác cảm và sân hận, tất cả đều bắt nguồn từ vô minh. Hành vi tích cực như vậy sẽ tích tập tiềm năng trong dòng tâm thức của mình, để trải nghiệm hạnh phúc trong tương lai. Ta có thể khiến cho những tiềm năng đó trổ quả, bằng cách không phóng đại hay phủ nhận những phẩm chất tốt hay xấu của bất cứ đối tượng hay tình huống nào mà mình trải nghiệm, hay bất kỳ mức độ hạnh phúc hay bất hạnh nào mà mình trải qua - bất kể đối tượng hay tình huống đó có thể là gì. Khi không có tâm vô minh, vì vậy mà không có tâm luyến ái, ác cảm hay thờ ơ, rồi thì ta phải giúp cho tâm thoát khỏi trạo cử và hôn trầm. Đặc biệt là phải giúp cho tâm thoát khỏi lo âu hay kỳ vọng. Trong trạng thái thanh thản và tĩnh lặng ấy, ta cũng đã cảm nhận hạnh phúc ở một mức độ thấp, và kích hoạt những tiềm năng mà mình có thể có, để cảm nhận nhiều hạnh phúc hơn nữa.

Sau đó, chúng ta sẽ mở rộng tâm trí, bằng cách chuyển sự chú ý của mình sang vấn đề của người khác, và cách họ có thể rơi vào tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn tình cảnh của mình. Ta sẽ không nghĩ về bản thân nữa, mà sẽ nghĩ rằng nếu như tất cả mọi người có thể thoát khổ, thì sẽ tuyệt vời biết bao nhiêu, và nếu ta có thể giúp họ đạt được điều đó, thì tuyệt vời biết bao. Lòng trắc ẩn mạnh mẽ này sẽ dẫn đến cảm giác yêu thương, mong cho họ được hạnh phúc. Việc nghĩ về hạnh phúc của họ càng kích hoạt thêm nhiều tiềm năng hạnh phúc của mình, để chúng trổ quả.

Với những tư tưởng về lòng từ và lòng bi, thì ta có thể hướng tư tưởng của mình đến chư Phật, hay bất cứ vĩ nhân có lòng nhân đạo nào. Khi nghĩ về tấm gương của họ, thì ta sẽ có được nguồn cảm hứng (byin-gyis rlabs, Phạn ngữ: adhisthana) để gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ tha nhân. Điều này giúp cho mình có sức mạnh và lòng can đảm, để giải quyết không chỉ vấn đề của người khác, mà còn giải quyết vấn đề của chính mình - nhưng một lần nữa, không phóng đại chúng, và không lo lắng về thất bại hay kỳ vọng về thành công.

Top