Nền Tảng Hành Vi Đạo Đức

Ba Lãnh Vực Chánh Của Đạo Đức: Kềm Chế Hành Vi Tiêu Cực, Kỷ Luật Và Giúp Đỡ Tha Nhân

Khi nói về đạo đức hay hành vi đạo đức trong nhà Phật, thì chúng ta sẽ nói về ba lãnh vực khác nhau. Trước tiên là kềm chế hành vi tiêu cực, nghĩa là không hành động vì ảnh hưởng của tâm sân hận, tham lam, hay ích kỷ, dù có ý định làm hại hay không. Đôi khi, chúng ta sẽ hành động một cách ích kỷ, và thậm chí không nhận ra là mình đang hành động một cách ích kỷ, và không có ý làm tổn thương ai, nhưng thật ra thì điều đó đã tạo ra rất nhiều tổn hại và vấn đề.

Nếu như chỉ muốn sự việc xảy ra theo “cách của tôi”, và “tôi phải có được bất cứ điều gì mình muốn”, bởi vì chúng ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, thì sẽ bỏ mặc người khác, và thậm chí khi không có ý định làm như vậy, thì vẫn khiến cho người khác tổn thương rất nhiều. Nếu như mình tức giận, thì sẽ mất hết tính tự chủ, đúng không, và sẽ làm và nói đủ điều mà ta sẽ hối hận về sau, và chúng sẽ tạo ra rất nhiều rắc rối. Vì vậy, lãnh vực đạo đức đầu tiên là kềm chế hành vi tiêu cực.

Tuy nhiên, khi nói về đạo đức, thì chúng ta đang nói về tính kỷ luật, việc có kỷ luật có nghĩa là làm chủ đời sống, không để cho bản thân bị ảnh hưởng vì sự lười biếng, hay đủ loại phiền não, khiến cho mình không thể hoàn thành việc gì trong đời sống, nên loại hành vi đạo đức thứ hai là tham gia vào việc tích cực. Ví dụ như học hành chăm chỉ và có học vấn tốt. Điều đó đòi hỏi rất nhiều kỷ luật, đúng không, đó là kỷ luật tự giác để nghiên cứu, học hỏi. Nhưng nếu muốn hoàn thành điều gì tích cực trong cuộc sống, thì phải có trình độ, phải rèn luyện, và điều này đòi hỏi kỷ luật. Đó là một lãnh vực đạo đức.

Tại sao nó là đạo đức? Bởi vì tất nhiên là ta có thể tập luyện để trở thành một tên trộm thật lành nghề, một tội phạm rất khôn ngoan, hay có thể rèn luyện, để trở thành một người đóng góp tích cực cho xã hội. Vì vậy, nếu như sẽ đào tạo trong lãnh vực nào, thì mình phải quyết định điều gì sẽ tạo ra lợi ích tốt nhất, dựa vào những lãnh vực mà mình giỏi dang, và tài năng của ta là gì. Một phần trong đó cũng là tôi yêu thích điều gì, tôi thích làm cái gì. Khi nghĩ về những điều mà tôi thích làm, thì tất nhiên điều mà tôi thích có thể chỉ là xem truyền hình và đi chơi với bạn bè, nhưng không thể làm điều đó cả đời, đúng không? Vì vậy, khi nghĩ về những gì tôi thích làm, thì không chỉ là những điều mà tôi thích làm trong hiện tại, mà là những gì sẽ mang lại cho mình hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống.

Loại đạo đức thứ ba là đạo đức liên quan đến việc giúp đỡ người khác. Nếu chỉ rèn luyện bản thân, để có khả năng tốt thôi thì chưa đủ, mà còn phải sống trong xã hội với người khác, và chia sẻ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, cũng như tài năng và khả năng của mình với người khác là điều rất quan trọng. Dù có khả năng nào, thì ta cũng có thể sử dụng chúng, để giúp đỡ tha nhân. Suy cho cùng, khi sống trong xã hội, hạnh phúc của mình phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của cả xã hội, nên điều rất quan trọng khi thảo luận về đạo đức, là phải có tâm lượng rất quảng đại, không chỉ suy nghĩ rất hẹp hòi hay nhỏ nhoi. Điều đó có nghĩa là không chỉ nghĩ về tôi hay gia đình tôi, mà nghĩ về xã hội rộng lớn hơn nhiều, và không chỉ nghĩ về hiện tại, mà nghĩ về tương lai, và hậu quả của những điều mình làm.

Nền Tảng Cho Hành Vi Đạo Đức: Thái Độ Quan Tâm

Khi thắc mắc đâu là cơ sở cho hành vi đạo đức, thì điểm nhấn chính, về mặt cơ sở, là cái gọi là “lòng quan tâm”. Lòng quan tâm này có nghĩa là tôi quan tâm cho bản thân mình, những gì tôi đang làm. Tôi sẽ không hành động một cách vô thức, làm bất cứ điều gì đang thúc dục trong đầu, mà sẽ quan tâm đến tác động của những điều mình làm, và cách sống của mình, điều đó sẽ có ảnh hưởng gì đối với bản thân và người khác.

Tương lai của mình sẽ ra sao, nếu ta sẽ dành cả đời để hành xử một cách tiêu cực, hay vì quá lười biếng, nên không làm gì cả với cuộc sống của mình, chẳng hạn vậy? Đặc biệt, nếu là một người trẻ, giống như nhiều bạn đang có mặt ở đây, thì tôi sẽ kiếm sống bằng cách nào, tôi sẽ đối phó với cuộc sống như thế nào, nếu như không rèn luyện bản thân ngay bây giờ? Nếu như chúng ta có thái độ: “Ồ, tôi không quan tâm. Điều đó không quan trọng.”, hay cảm thấy rằng “Không có hy vọng, vậy thì tại sao phải bận tâm đến việc có học vấn tốt, hay học nghề, hay công việc gì?”, rồi sau này, khi lớn lên, chúng ta sẽ rất hối tiếc, vì đã lãng phí cơ hội mà mình đã có.

Vì vậy, điều rất quan trọng là phải nghiêm túc xem tương lai, hậu quả của cách mà ta đang sống trong hiện tại. Chúng ta phải có cảm giác rằng điều này quan trọng - việc tương lai của mình sẽ ra sao là điều quan trọng đối với chúng ta. Nếu ta không quan tâm đến bản thân, thì ai sẽ quan tâm đến điều đó?

Nắm Lấy Dây Cương Kềm Giữ Con Ngựa Tâm Thức Trong Tay Mình

Có một thuật ngữ mà chúng tôi sử dụng trong nhà Phật, có nghĩa là tự mình nắm lấy mạng sống của mình; nói cách khác là để kiểm soát đời sống của mình. Nó được mô tả theo ví dụ về con ngựa. Bạn có dây cương của một con ngựa, những sợi dây thừng được sử dụng để dắt ngựa, mà kỵ mã sẽ sử dụng, và chúng tôi nói rằng ta nên nắm lấy dây cương của con ngựa của tâm mình, không để con ngựa chạy rong, hay để cho người khác kiểm soát nó.

Điều rất quan trọng là cố gắng kiểm soát những gì tôi sẽ làm với đời mình, tôi sẽ trở thành người như thế nào. Liệu tôi có trở thành một kẻ lười biếng, không làm gì cả hay không? Hay tôi sẽ trở thành người sống một đời sống có ý nghĩa, viên mãn? Việc sống một đời sống có ý nghĩa và trọn vẹn phụ thuộc rất nhiều vào cách tôi giao tiếp với mọi người. Liệu tôi đang hành động như một người tốt bụng và hữu ích, hay đang hành động như một người ích kỷ và luôn nổi giận với mọi người?

Không ai thích người lúc nào cũng tức giận và mất bình tĩnh, người ta thường thấy sợ một người như vậy, và không muốn ở gần người đó, bởi vì… họ có thể nổi giận với tôi: “Tôi không muốn ở gần người này.”. Hay người nào luôn phàn nàn và chỉ trích, v.v..., thì chẳng có gì vui vẻ, khi ở gần một người như thế, phải không? Nhưng nếu như ta là người luôn nghĩ đến người khác, nhạy cảm với người khác, thật sự quan tâm đến người khác, thay vì chỉ trích lỗi lầm hoặc sai sót của người khác, thì lại giúp họ phát triển và tiến bộ, thì tất cả mọi người đều yêu thích ta, đều muốn ở gần ta.

Vậy thì việc ta là loại người nào, và sẽ trở thành loại người nào, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức. Chúng ta sẽ quan tâm đến ảnh hưởng mà hành vi của mình tạo ra, và những gì ta làm đối với bản thân, loại người mà mình sẽ trở thành, và quan tâm đến việc điều đó sẽ ảnh hưởng đến những người khác như thế nào, trong việc giao tiếp với người khác. Đây là thái độ quan tâm.

Chữ (bag-yod, Phạn ngữ: apramada) mà tôi dịch là “thái độ quan tâm”, cũng là chữ có nghĩa là “cẩn thận”. Do đó, phải cẩn thận với những điều mình làm, những gì mình nói, những gì mình nghĩ, bởi vì nếu như mắc phải những tập khí xấu, thì tập khí sẽ ngày càng trở nên sâu đậm hơn, và ta chỉ tự động cư xử – hãy cho là nếu như mình có những tập khí xấu – một cách xấu xa.

Tôi sẽ cho một ví dụ: Rất nhiều người, khi nói chuyện thì sẽ sử dụng rất nhiều câu văng tục - ngôn ngữ rất thô lỗ và cộc cằn. Đây chắc chắn là trường hợp trong tiếng Anh, và tôi nghĩ cũng có thể là trong tiếng Nga nữa. Tôi không biết ngôn ngữ thông dụng của các bạn, nhưng tôi nghĩ hầu hết các ngôn ngữ đều có những câu chửi thề, những chữ thô tục. Những người trẻ tuổi sẽ có thói quen sử dụng ngôn ngữ thô tục này, và nó trở thành một phần trong cách họ ăn nói, đến nỗi sau này, trong cuộc sống, họ sẽ rơi vào những tình huống không may, thì những lời xấu xa này sẽ tự động xuất hiện mà không cần suy nghĩ, và điều đó rất xấu hổ.

Để ngăn chận điều đó, thì phải cẩn thận - hiện nay, chúng ta đang cẩn thận - về những tập khí mà ta sẽ huân tập. Phải cẩn thận, bởi vì chúng ta quan tâm đến tác động của cách mà mình đang sống trong hiện tại, nên với kỷ luật, ta sẽ cố gắng lưu tâm hay ý thức về cách ăn nói, cách suy nghĩ, cách hành động của mình, và nhận ra nếu như tôi bắt đầu đi vào khuôn mẫu và tạo dựng thói quen, cách cư xử tiêu cực, v.v..., thì sau này, sẽ rất khó thay đổi những điều đó.

Hiện giờ, khi bạn còn trẻ – giống như rất nhiều người trong thính chúng – thì đây là lúc mà tập khí của bạn được hình thành. Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải nắm lấy dây cương kềm giữ con ngựa tâm thức và hành vi của mình, kiểm soát loại người mà bạn sẽ trở thành. Liệu tôi có muốn đi theo chiều hướng tiêu cực, hay muốn đi theo hướng tích cực? Khi ta nói như vầy thì sẽ không xong: "Tôi không thể kiểm soát đời sống của mình: xã hội là như thế này và kinh tế là như thế kia", và chỉ cần phàn nàn, bởi vì bất kể hoàn cảnh của mình có như thế nào đi nữa, thì việc ta là loại người gì, vẫn tùy thuộc vào bản thân mình. Ngay cả khi đang sống trong điều kiện tồi tệ nhất, thì ta vẫn có thể là người tử tế, hay là người rất xấu xa, độc ác, chúng ta có thể rất ích kỷ, hay cố gắng sống hòa thuận với mọi người.

Video: Khandro Rinpoche — “Kiếp Người Quý Báu Là Gì?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Hành Vi Đạo Đức Đòi Hỏi Trí Tuệ: Biết Điều Gì Có Hại, Điều Gì Có Lợi

Vậy thì khi nói về đạo đức trong nhà Phật, chúng ta không nói về việc: "Đây là luật lệ, đây là quy tắc, và tôi chỉ cần vâng lời và tuân theo chúng.". Đó không phải là cách tiếp cận của nhà Phật. Chúng ta không sống như đang ở trong quân đội, và: “Vâng, thưa ngài! Tôi sẽ tuân theo những quy tắc này.”. Không phải như vậy, mà đúng hơn là đạo đức trong nhà Phật dựa vào cái gọi là “trí tuệ”. Chúng ta phải phân biệt điều gì có lợi, điều gì có hại. Bởi vì ai cũng muốn hạnh phúc, và không ai muốn khổ, nên nếu tôi muốn lánh xa nỗi khổ, thì phải tránh những gì có hại, những gì sẽ phá hủy hạnh phúc của tôi và người khác. Nếu tôi muốn hạnh phúc, thì phải làm những điều có ích, những điều mang lại hạnh phúc.

Trên thực tế là chúng ta đang sống trong xã hội, và không phải là người duy nhất trên hành tinh này, nên khi nghĩ về phạm vi hạnh phúc mà mình phải hướng đến, thì phải nhắm vào phạm vi hạnh phúc của tất cả mọi người. Bây giờ, chúng ta có thể thắc mắc: "Làm sao tôi có thể giúp cho tất cả mọi người được hạnh phúc?". Hiển nhiên là chỉ với nỗ lực của riêng mình, thì điều này sẽ không giúp cho mọi người hạnh phúc, nhưng như Đức Phật đã nói, một xô nước sẽ được làm đầy bằng từng giọt nước. Vậy thì ta có thể đổ thêm giọt nước của mình vào trong thùng. Tôi muốn thêm loại nước nào vào trong thùng đây? Có phải là tôi sẽ thêm một giọt rắc rối vào trong xô, để chỉ gây rắc rối cho người khác? Hay tôi muốn thêm một giọt để giúp đỡ chút ít, bất kể sự giúp đỡ đó là gì? Ngay cả khi sự giúp đỡ đó chỉ là nuôi dạy một gia đình, với những đứa trẻ, thì cũng có giá trị tích cực trong đời sống, thì đây là một giọt nước ích lợi. Không cần phải là điều gì lớn lao, đúng không? Vậy thì tất cả những điều này nằm trong tay của mình.

Ý Thức Về Giá Trị Của Bản Thân

Một cơ sở khác cho đạo đức là ý thức về giá trị. Phải tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp, tích cực, và những người có những phẩm chất này. Tôi phải noi gương của ai? Có phải tôi ngưỡng mộ một tên tội phạm lớn nào đó, hay ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo xuất sắc, người luôn giúp đỡ tha nhân? Đó là câu hỏi thú vị, phải không? Tôi có ngưỡng mộ ngôi sao nhạc rock and roll nào không? Tôi có ngưỡng mộ ngôi sao điện ảnh nào không? Hay một số vận động viên thể thao? Một số người trong số những người này rõ ràng đã làm những điều tốt đẹp, vậy thì tốt thôi. Nhưng một số thì không. Hay tôi có ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại - chẳng hạn như Đức Dalai Lama?

Đâu là những giá trị mà tôi cho là quan trọng nhất trong cuộc sống? Có phải là việc sút bóng vào trong lưới? Hay đó là việc làm điều gì để giúp ích cho đời sống của mọi người? Chúng ta có thể học cách sút bóng vào lưới. Điều đó rất hay, và sẽ làm rất nhiều người hài lòng, nhưng bạn cũng có thể huấn luyện một con thú để đá banh vào trong lưới. Vì vậy, tuy điều này có thể là một mục tiêu tốt đẹp, để trở thành một vận động viên thể thao tuyệt vời, nhưng còn có điều gì nữa, mà tôi có thể rèn luyện bản thân, để làm điều mà có lẽ một con thú không thể làm được không? Vâng, chắc chắn là được, bởi vì chúng ta là con người, và có khả năng làm được nhiều việc hơn, bởi vì chúng ta có trí thông minh, có cảm giác, có khả năng không chỉ giúp người khác giải trí, mà còn giúp họ theo nhiều cách khác nữa.

Tất nhiên, hiện giờ thì việc giúp cho người khác giải trí là một cách giúp họ thư giãn, bình tĩnh lại, nên không có gì tiêu cực. Nhưng nếu ta có khả năng làm nhiều hơn như vậy, thì tại sao không? Chúng ta có thể vừa là một vận động viên thể thao giỏi, vừa là một người làm việc để tạo lợi lạc cho xã hội theo những cách khác. Điều này tùy thuộc vào ý thức về giá trị. Điều gì sẽ giúp ích cho người khác? Giải trí là việc sẽ giúp ích cho người khác. Nếu họ bị bệnh, thì việc chăm sóc họ là một mức độ khác của những điều sẽ giúp đỡ cho người khác. Giáo dục cũng là một cách khác để giúp đỡ tha nhân. Nếu tôi là một người thành công trong lãnh vực giải trí hay thể thao, thì tốt thôi. Nhưng tôi sẽ sử dụng tiền bạc và danh vọng của mình để làm gì? Tôi có thể dùng nó chỉ để xây một cung điện để ở trong đó, hay có thể dùng nó để xây bệnh viện và quyên tiền giúp người khác. Đó là ý thức về giá trị. Đâu là điều quan trọng, tự mình sống trong cung điện, hay giúp đỡ người khác?

Nếu xem xét bản thân, thì tất cả chúng ta đều có rất nhiều khả năng, và có thể sử dụng tất cả những khả năng này. Điều quan trọng là cố gắng tự hiểu mình: Khả năng của tôi là gì? Tài năng của tôi là gì? Đúng không? Mọi người đều có một số khả năng. Có thể tôi là một đầu bếp giỏi, nhưng không cần phải là điều gì khác thường. Rồi thì hãy nghĩ rằng: “Làm sao tôi có thể sử dụng điều này? Tôi có thể tận dụng tài năng này, khả năng này để giúp đỡ người khác như thế nào?”. Chắc chắn rồi, nếu ta có thể giúp họ ngay lập tức, ngay bây giờ, trong tình huống hiện tại, như nấu một bữa ăn ngon cho họ, hay chiêu đãi họ, thì tốt thôi. Không có gì sai trái với điều đó. Nhưng nếu tôi có thể giúp họ về lâu về dài, không chỉ là việc gì ngay bây giờ, chẳng hạn như nấu một bữa ăn ngon, thì điều đó không tốt hơn hay sao?

Vậy thì tất cả những điều đó nằm trong tay ta: “Bây giờ, tôi sẽ tuân theo loại kỷ luật nào? Có phải tôi sẽ thiếu kỷ luật? Kỷ luật yếu ớt? Hay tôi sẽ có kỷ luật tự giác trên cơ sở đạo đức?”. Như tôi đã nói, thì tất cả những điều đó đều dựa vào thái độ quan tâm, và tất nhiên là cẩn thận, kiểm soát đời sống của mình, phân biệt giữa “Điều gì có lợi? Điều gì có hại?", rồi chỉ cần thực hiện nó: Rèn luyện bản thân - tạo dựng thói quen tích cực; cố khắc phục những thói quen tiêu cực. Cố gắng chánh niệm và ý thức về “Tôi đang hành động như thế nào? Tôi đang giao tiếp ra sao? Tôi đang suy nghĩ như thế nào?”. Đừng hài lòng với một vài mức độ không giúp cho đời sống của mình thật hạnh phúc, mà luôn luôn có thể làm tốt hơn.

Sống Đời Đạo Đức Là Cách Để Hạnh Phúc Hơn

Nhưng khi nói về việc làm tốt hơn, thì không có nghĩa là tự hành hạ bản thân - “Tôi không tốt” - và cảm thấy bản thân mình rất tiêu cực, nên việc tuân theo lối sống đạo đức nào đó sẽ trở thành một hình phạt. Đó không phải là hình phạt. Chúng ta phải nhận ra việc noi theo đời sống đạo đức, hay sống đời đạo đức, là một cách để được hạnh phúc hơn. Và nó sẽ giúp ta đem lại nhiều hạnh phúc hơn cho người khác, điều này sẽ củng cố hạnh phúc của mình.

Vậy thì tương lai của ta tùy thuộc vào bản thân mình. Ta sẽ trở thành người như thế nào trong hiện tại và tương lai - tất cả đều phụ thuộc vào chính mình. Vậy thì dù hiện nay, ta là một thanh niên đang đi học, hay là một người lớn, hay người già, thì đều có thể theo học khóa học này.

Câu Hỏi

Chúng ta nên làm gì, để phát triển ý thức về giá trị?

Nếu muốn phát triển ý thức về giá trị, thì phải nhận thức mình có những phẩm chất tích cực: Tất cả chúng ta đều có một cơ thể, nên có thể ứng xử với người khác, và làm các việc. Tất cả chúng ta đều có khả năng giao tiếp. Tất cả chúng ta đều có trí óc, nên có thể hiểu mọi việc, có thể học hỏi các việc. Tất cả chúng ta đều có một trái tim, có cảm xúc, có khả năng, có những tình cảm nồng nhiệt và tử tế. Vậy thì đây là những điều mà ai cũng có, bất kể mình là ai, và nhận ra đây là những tài nguyên của mình. Ta sẽ làm gì với chúng là tùy theo ý của mình. Nếu nhận ra mình có những tài nguyên cơ bản này, thì ta sẽ có ý thức về giá trị của bản thân, lòng tự trọng - “Mình không có gì sai trái hết. Tôi có thể làm điều gì tích cực với tài nguyên của mình.”- điều này sẽ cho ta ý thức về giá trị.

Làm thế nào để đánh giá những phẩm chất tốt đẹp của mình, và áp dụng chúng vì lợi ích của tha nhân?

Cách đánh giá phẩm chất tốt đẹp của mình là chức năng của việc nhìn vào nội tâm, những tài nguyên cơ bản này… Không cần phải nhìn rất xa, để nhận ra là mình có những điều này - rằng tôi có trí óc, tôi có cơ thể, tôi có thể nói, v.v... Không khó để xác định những điều này. Và chúng ta phải khảo sát: "Tôi đã học được điều gì trong đời sống chưa?". Dù còn trẻ đến đâu, thì chắc chắn ta đã học được những điều trong cuộc sống: chúng ta học cách đi đứng, học cách nói chuyện… những điều rất cơ bản. Nếu muốn xem ta đang đi theo chiều hướng nào, về mặt sử dụng những phẩm chất cơ bản của mình, thì bạn sẽ thấy rằng: “Điều gì đã xảy ra với mình một cách dễ dàng? Điều gì dễ cho mình học hỏi?”. Một số người trong chúng ta rất giỏi ngôn ngữ, và không giỏi toán học. Một số người giỏi toán và khoa học, nhưng lại không giỏi về việc viết lách.

Vậy thì phải khảo sát bản thân, để xem: "Mình giỏi ở mặt nào?", và một phần của điều này là: “Tôi thích làm điều gì? Tôi thích cái gì?". Phải tự mình trải nghiệm cuộc sống của mình. Những gì tôi làm trong đời sống…  tôi là người sẽ trải nghiệm đời sống của mình: Liệu mình sẽ thấy hạnh phúc hay không? Liệu mình sẽ đau khổ hay không? Về mặt lý tưởng thì ta sẽ cố gắng làm điều gì trong cuộc sống, mà ta thật sự yêu thích, và cảm thấy điều đó có ý nghĩa. Nếu nó sẽ giúp ích cho người khác theo cách nào đó, thì điều đó sẽ làm cho nó có ý nghĩa. Nó không nhất thiết phải lớn lao và nghiêm trọng, trên quy mô toàn cầu.

Vậy thì việc đánh giá phẩm chất tốt của mình phụ thuộc vào việc thấy rằng: "Cho đến nay, tôi đã làm những điều gì?" và "Hiện nay, điều gì đã xảy ra một cách dễ dàng, và tôi thích làm nó?". Hãy để tôi đưa ra một ví dụ mà một số người có thể bỏ qua. Phẩm chất tốt của một số người là thích nói chuyện với người khác, vì họ không nhút nhát, có thể nói chuyện rất dễ dàng với tất cả mọi người, và cảm thấy thoải mái với người khác. Hiện giờ, có lẽ ta không nghĩ đó là phẩm chất quá tốt đẹp hay ngoạn mục gì, nhưng thật ra, đó là một phẩm chất tuyệt vời, bởi vì, chẳng hạn như bạn làm việc trong một cửa hàng. Bạn có thể nghĩ, "Ồ, đó không phải là nghề nghiệp rất lớn lao.". Nhưng nếu bạn có thể nói chuyện tử tế với những người đến cửa hàng, giao dịch với họ một cách thân thiện, mà không nhút nhát và lạnh lùng (và cũng có thể là người máy làm việc trong cửa hàng) – thì mọi người sẽ yêu thích bạn, thích đến cửa hàng, và sẽ bước ra khỏi cửa hàng với nụ cười trên môi. Đây là một chất lượng tốt, là điều đáng quý. Nó sẽ giúp ích cho mọi người.

Khi ở gần một người rất ích kỷ, thì ta phải làm sao?

Tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào việc người này có tiếp nhận sự giúp đỡ nào hay không. Tôi đang nghĩ về ví dụ của một người mà tôi biết ở Berlin, nơi tôi sống, người luôn luôn nghĩ về bản thân mình, và khá vị kỷ, chỉ nói không ngừng về bản thân, chủ yếu là phàn nàn và chỉ trích. Khi tôi ăn trưa với cô ấy, thì cô sẽ dành phần lớn thời gian để phàn nàn về việc cô ấy không thể tìm được loại vải thích hợp để may một cái màn mới cho phòng của cô. Vậy thì làm sao bạn sẽ đối phó với một người như vậy? Nhận thức cơ bản mà người ta phải có về một người như vậy là họ vô cùng bất hạnh, và rất cô đơn, nên cô ấy sẽ nói không ngừng, khi gặp bất cứ người nào, trên cơ bản là để được người khác chú ý. Vậy thì ý định của cô chắc chắn không phải là làm cho tôi khó chịu và chán nản, khi ăn trưa với cô ấy, mà là để tạo ra sự chú ý và thông cảm, nên trong hoàn cảnh như vậy, thì tôi không thể nói điều gì mạnh mẽ (vì cô ấy sẽ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề) - “Đừng phàn nàn nữa, và hãy nói về điều gì có ý nghĩa hơn là tấm màn.” - điều tôi có thể làm là thực hành hạnh nhẫn với cô ấy, nghe cô nói với lòng cởi mở, và thông cảm cho cô ấy một chút, điều này có thể giúp cô bình tĩnh lại, bởi vì nếu như nói như vậy và chỉ trích cô, thì sẽ khiến cho cô rất căng thẳng.

Vì vậy, tôi nghĩ đây là những đặc điểm của hầu hết những người ích kỷ, vị kỷ. Họ không vui vẻ, rất căng thẳng, chỉ nói không ngừng, và muốn được chú ý. Nên tôi nghĩ rất khó để làm nhiều việc hơn, bên cạnh việc giúp họ bình tĩnh lại, và thông cảm với họ một chút, chứ không chỉ cố chấp. Rồi dần dần, họ sẽ nhận ra là bạn cũng có mặt ở đó, không chỉ với tư cách là khán giả, mà còn là người đang giao tiếp với họ

Top