Lời Khuyên Về Cách Thiền Quán Về Pháp Lam-rim

Nếu như muốn áp dụng giáo huấn của Đức Phật vào thực tế thì thiền hiển nhiên là một đề tài quan trọng. Tuy nhiên, thiền không phải là điểm đặc thù trong đạo Phật. Chúng ta sẽ thấy thiền trong tất cả các truyền thống Ấn Độ, cũng như trong các truyền thống ngoại đạo bên ngoài Ấn Độ.

Chữ thiền trong tiếng Phạn là “bhavana”. Bhavana có nguồn gốc từ động từ “bhu”, nghĩa là “trở thành”, hay “biến điều gì thành một thứ khác”. Vậy thì bhavana là một quá trình tu tập một giáo huấn về cách phát triển một tâm thái tích cực nào đó, và theo nghĩa bóng là mình “trở thành” trạng thái đó. Nói cách khác là nhờ quá trình hành thiền mà ta sẽ làm cho tâm thức an trú trong trạng thái ích lợi nào đó.

bhavana xuất phát từ gốc tiếng Phạn “bhu”, từ chữ “trở thành”, nên bhavana ngụ ý một sự chuyển hóa. Ví dụ, nếu như thiền quán về lòng từ, thì mình đang chuyển hóa tự thân thành một người có lòng từ ái. Khi thuật ngữ này được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, thì nó được dịch bằng chữ có ngụ ý là “tạo ra một thói quen”. Đây là từ tiếng Tây Tạng “gom”. Gom có nghĩa là làm quen với điều gì tích cực, không phải là điều tiêu cực hay trung lập, để tạo ra một thói quen tích cực, có tính cách xây dựng.

Vậy thì chữ tiếng Tây Tạng khá giống chữ tiếng Phạn về ý nghĩa, hay ẩn ý. Ý nghĩa của cả hai thuật ngữ là để chuyển hóa tự thân thành mục tiêu của mình - ví dụ như một người có lòng từ - chúng ta phải tạo lập lòng từ như một tập khí ích lợi. Phương tiện mà mình sử dụng để tạo lập tập khí lợi lạc này là thiền. 

Nghe Thuyết Pháp

Những tác phẩm triết học chánh của Ấn Độ trước thời Đức Phật là Upanishads, và các tác phẩm này đã có tài liệu tham khảo về thiền. Trong Upanishads thì thiền được thảo luận trong bối cảnh của một quá trình gồm ba bước: lắng nghe, tư duy và thiền định (văn, tư, tu). Đức Phật đã không phát minh ra quá trình ba bước này; nó đã có mặt vào thời của Ngài. Vì vậy, nếu như muốn làm cho điều gì trở thành tập khí tích cực thì hiển nhiên là trước tiên, mình phải lắng nghe về nó; rồi phải hiểu nó, bằng cách tư duy về nó; và cuối cùng thì phải kết hợp nó vào trong nội tâm.

Nếu như không biết gì về Pháp, thì trước tiên, phải có được giáo pháp cơ bản về đạo Phật, và phải chắc chắn là những giáo pháp này chính xác. Chỉ có giáo pháp cơ bản chính xác thì mới có thể làm nền tảng đáng tin cậy, để mình quan tâm đến giáo lý chân chính của đạo Phật. Tuy nhiên, vào thời Đức Phật, những giáo lý triết học không bao giờ được ghi chép xuống. Việc biên soạn chúng thành sách vở bắt đầu vào nhiều thế kỷ sau. Đây là lý do tại sao quá trình ba bước bắt đầu với nhu cầu của việc “lắng nghe” giáo pháp - nói cách khác là lắng nghe thuyết Pháp.

Hôm nay, bạn cũng có thể xem việc đọc sách hay tham khảo Internet về pháp tu, hay tâm trạng nào đó mà bạn muốn phát triển thuộc về bước đầu tiên. Tuy nhiên, điểm này tạo ra tranh luận, bởi vì khi nghe một bài Pháp trực tiếp từ một vị thầy, thì có một bầu không khí đặc biệt được vị thầy tạo ra, người đang hiện diện trước mặt mình. Khi nghe một bài giảng sống động thì mình có thể được thầy ban nguồn cảm hứng theo cách mà việc đọc sách sẽ không truyền cảm hứng như vậy. Sự việc là như vậy, dù rõ ràng là người nào đã phải viết cuốn sách này. Chúng ta sẽ thấy rằng điều này cũng đúng trong cuộc sống hàng ngày của mình. Ví dụ như khi bạn đi nghe nhạc sống, thì kinh nghiệm này sẽ mạnh mẽ hơn và tạo ra nhiều cảm hứng hơn nhiều, so với việc chỉ nghe CD ở nhà. Đó là một kinh nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Khi lắng nghe giáo pháp thì một trong những chỉ giáo hữu ích nhất là loại bỏ “ba lỗi lầm, giống như chiếc bình bằng đất sét”.

  • Trước tiên là nên tránh sai lầm giống như chiếc bình úp xuống, không thể chứa đựng thứ gì được. Nói cách khác là nếu như tâm mình khép kín, thì hiển nhiên là không thể học hỏi bất cứ điều gì mà mình lắng nghe.
  • Sau đó, cũng cần phải tránh sai lầm giống như một chiếc bình có lỗ. Trong trường hợp này thì bất cứ thứ gì được đổ vào bình, sẽ lọt ra khỏi bình ngay. Trong tiếng Anh thì cách diễn đạt là điều gì “đi vào tai này và ra khỏi tai kia”. Nên tránh vấn đề này.
  • Cuối cùng thì cũng nên tránh sai lầm giống như một chiếc bình bẩn. Khi đổ nước sạch vào một cái bình bẩn thỉu, thì nước cũng sẽ bị dơ. Nói cách khác là khi mình có nhiều định kiến, thì những định kiến này làm ô nhiễm sự hiểu biết về giáo pháp mới mẻ. Thay vì chỉ nghe những điều người đó nói, thì mình luôn pha trộn giáo pháp mới với những ý tưởng riêng của mình.

Để tránh những sai lầm này, một khi đã lắng nghe giáo pháp nào đó, thì việc ghi chép hoặc ghi âm chúng bằng cách nào đó sẽ rất hữu ích, để có thể nhớ chính xác những điểm đã được đề cập đến. Điều này rất hữu ích, nếu như mình không có ký ức hoàn hảo, mà hầu hết chúng ta không có. Càng ghi chép những điều mình đã nghe trễ hơn, thì những định kiến sẽ càng làm cho ký ức của mình bị ô nhiễm hơn. Và ngay cả khi mình đã viết chúng xuống, hoặc ghi âm lại, thì phải đọc lại hay lắng nghe chúng nhiều lần. Nếu chỉ để những lời ghi chú về giáo pháp nằm trong một cuốn tập ở trên kệ sách, hay trong một tập hồ sơ trong máy vi tính, hoặc trong iPod của mình thì chắc chắn là không đủ!

Đạo sư dòng Sakya, Sonam Tsemo, đã nói rằng nếu muốn dấn thân vào việc tu tập Pháp thì:

  • Trước tiên, cần phải thừa nhận rằng mình có những khó khăn, và đang đau khổ.
  • Rồi thì phải ước mong thoát khỏi cảnh khổ đau này.
  • Cuối cùng thì phải quan tâm đến Pháp như một cách để thoát khổ.

Là người mới tu tập thì chắc chắn là nên có tâm thức cởi mở, và cố gắng duy trì những điều mình đã học hỏi; nhưng quan trọng nhất là phải nghe thuyết Pháp với sự quan tâm và chủ ý để đánh giá những điều mình đang nghe. Chúng ta muốn đánh giá nó, để xác định xem giáo huấn mà mình đang nghe có phải là điều có thể giúp cho mình khắc phục vấn đề hay không, nếu như mình tu tập nó. Chúng ta không học hỏi giáo pháp để đậu kỳ thi ở trường, hay để tạo ấn tượng tốt với người khác bằng kiến thức uyên bác của mình. Chúng ta đang nghe thuyết Pháp để xem liệu mình có thể tìm thấy điều gì trong đó liên hệ đến cá nhân mình, và hữu ích trong đời sống của mình hay không.

Vậy thì có nhiều cách để xem xét bản thân và hoàn cảnh, khi nghe thuyết Pháp. Trong phương pháp được gọi là “ba nhận thức” thì ta tự xem mình như người bệnh, vị thầy là y sĩ, và giáo pháp như thuốc men để trị bệnh - căn bệnh là phiền não của mình.

Khi tiến bộ hơn trong việc tu tập thì có nhiều chỉ giáo xa hơn về thái độ mà mình phải có đối với đạo sư, về việc xem thầy như Phật, v.v..., nhưng những chỉ giáo này không dành cho người mới bắt đầu tu tập.

Tư Duy Về Những Điều Mình Đã Nghe

Bước thứ hai là tư duy về những gì mình đã nghe. Chúng ta sẽ suy nghĩ về một giáo pháp, để thấu hiểu nó. Chúng ta sẽ đi đến chung cuộc của quá trình tư duy này, khi đã thấu hiểu ý nghĩa của giáo pháp này một cách đúng đắn. Mình không chỉ phải hiểu giáo pháp một cách đúng đắn, để đưa nó vào việc tu tập một cách chính xác, mà cũng phải vững tin giáo pháp này  là xác thực, và đó là điều mà mình phải áp dụng cho bản thân, vì nó sẽ giúp ta khắc phục vấn đề nào đó. Còn phải vững tin là mình có thể đạt được bất cứ điều gì mà giáo pháp này đang bàn luận đến. Nếu như mình nghĩ đó là điều bất khả dĩ, rằng mình sẽ không bao giờ khắc phục được tâm sân hận, chẳng hạn vậy, thì tại sao mình phải tu tập một pháp tu để khắc phục tâm sân hận? Phải tin chắc rằng pháp tu này sẽ hữu hiệu, để đạt được mục tiêu đã được nêu ra.

Khi tư duy về một giáo huấn thì ta sẽ nghĩ về nó từ nhiều quan điểm. Ví dụ, nếu như đang nói về thiền để phát tâm từ một cách bình đẳng cho tất cả chúng sinh, thì phải biết những bước mà mình phải thực hiện để phát triển lòng từ ấy. Chẳng hạn như tâm từ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh dựa vào điều gì? Nó phụ thuộc vào việc xem chúng sinh một cách bình đẳng, thấy rằng tất cả chúng sinh đều tử tế với mình, v.v... Vậy thì để giúp cho tâm từ phổ quát phát triển trong tâm thì mình phải biết lòng từ phụ thuộc vào điều gì, và phải phát triển những tuệ giác và tâm thái trước đó, để lòng từ phát triển trong tâm thức.

Thêm vào đó thì phải biết những yếu tố đối lập với tâm từ, điều sẽ được lòng từ khắc phục. Nói một cách cụ thể thì mình phải tin rằng các yếu tố đối lập là sân hận và thù hằn; và lòng từ thật sự có thể chế ngự những yếu tố này, và loại bỏ chúng. Cũng cần phải hiểu làm thế nào mà lòng từ sẽ tiêu diệt chúng.

Hơn nữa, phải hiểu mục đích để phát tâm từ là gì, và chúng ta sẽ làm gì với tâm từ này, một khi mình đã phát triển nó, ngụ ý là hiểu lợi ích của việc phát lòng từ. Ví dụ như khi nhìn vào nhiều sách vở có chỉ giáo về cách phát bồ đề tâm – ước nguyện thành tựu giác ngộ của mình trong tương lai, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh – thì chúng thường bắt đầu với việc mô tả lợi lạc của bồ đề tâm. Mục tiêu của các tác phẩm dẫn nhập theo cách này là để giúp mình tin tưởng rằng việc có một mục tiêu như vậy trong đời sống là điều mà mình muốn phát triển.

Cuối cùng thì phải vững tin vào lý lẽ của giáo pháp. Nó phải hợp lý, phải hữu lý, và phải có ý nghĩa về mặt các giai đoạn và chi tiết trong giáo pháp.

Vậy thì có rất nhiều điều mình phải suy nghĩ. Nếu cứ nhảy vào một bài thiền mà không hiểu mình phải phát triển điều gì trước tiên, và cách nó sẽ giúp mình thoát khỏi tâm trạng phiền toái này hay tâm trạng phiền toái kia như thế nào, và những yếu tố đối lập nào mà mình phải đề phòng, vân vân... thì đó là điều thiếu khôn ngoan. Pháp ẩn dụ cho điều đó là: “Việc lắng nghe giống như đưa thức ăn vào miệng; và việc tư duy về nó thì giống như nhai nó.”. Nếu như mình cố nuốt thức ăn mà không nhai nó trước, thì sẽ bị mắc nghẹn. Tương tự như vậy, nếu như cố gắng hành thiền mà không nghĩ về giáo pháp, thì mình sẽ gặp khó khăn.

Làm sao để thực hiện quá trình tư duy? Giai đoạn tư duy có thể là hình thức suy nghĩ một cách tự do về những điểm khác nhau mà tôi đã đề cập đến, hay một khi mình đã làm điều đó, thì nó có thể là một quá trình nghiêm chỉnh hơn.

Quá Trình Tư Duy Nghiêm Chỉnh

Quá trình tư duy nghiêm chỉnh có nghĩa là tuân theo một dòng lý luận. Khi muốn phát triển một tâm trạng nào đó, thì mình phải tạo dựng nó. Phải tạo ra tâm trạng đó bằng cách đi qua những giai đoạn, hay các bước, và thường thì những bước này bao gồm việc thiền quán về các dòng lý luận. Ví dụ như giáo pháp có thể bao gồm một dòng lý luận tạo ra một sự hiểu biết về vô thường (rằng các pháp do nhân duyên tác động sẽ thay đổi từ sát na này đến sát na khác, và đi đến kết cuộc); hay có thể có một dòng lý luận tạo ra một sự hiểu biết về tánh Không (rằng tất cả các pháp đều không tồn tại theo những cách bất khả). Bằng cách tư duy và suy luận bằng lý lẽ của các dòng lý luận, mà mình sẽ tin chắc rằng không chỉ có vô thường và tánh Không là hợp lệ, mà cả những dòng lý luận chứng minh về vô thường và tánh Không là đúng. Không chỉ vậy mà mình còn tin tưởng là nhờ cách duyệt qua lý lẽ của các dòng lý luận là ta có thể tạo ra một sự hiểu biết chính xác và quyết đoán về vô thường và tánh Không. Hãy nhớ rằng việc có được sự vững tin là một phần của quá trình tư duy.

Một cách khác là mình có thể tạo ra một tâm trạng nào đó, không nhất thiết là bằng cách lý luận, mà là bằng cách đi qua các giai đoạn. Chẳng hạn như nếu mình muốn phát tâm bồ đề, thì sẽ đi qua các giai đoạn như phát tâm bình đẳng, rồi thấy tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình trong những kiếp trước, nhớ đến lòng tốt của mẹ, tỏ lòng biết ơn với điều này, vân vân. Chúng ta sẽ đi qua các giai đoạn này, để vững tin là bằng cách thực hiện những bước này, mình có thể đạt được mục tiêu phát bồ đề tâm. Đây vẫn là một phần của quá trình tư duy.

Trong quá trình tư duy này thì cũng phải hiểu rất rõ thật ra tâm trạng mà mình đang cố gắng trưởng dưỡng là gì. Một số bài thiền nhắm vào việc giúp mình chú tâm vào một đối tượng nào đó, chẳng hạn như một vị Phật trong quán tưởng. Để thiền quán về một vị Phật trong quán tưởng thì mình phải hiểu rằng đây là pháp thiền định, và mục đích của nó là chú tâm vào một đối tượng cụ thể, cụ thể là một vị Phật nhỏ, ba chiều, sống động, được cấu tạo bằng ánh sáng mà mình đang tưởng tượng ra ở ngang tầm mắt, trước mặt mình.

Mặt khác, có những bài thiền khác nhau, để phát triển một tâm trạng cụ thể, chẳng hạn như lòng từ. Lòng từ  không phải là một đối tượng mà mình đang tập trung vào; đúng hơn thì đó là một tâm trạng, một thái độ mà mình sẽ phát triển. Vậy thì cần phải biết mình đang làm việc với pháp thiền nào: liệu mình đang cố gắng tập trung vào một đối tượng cụ thể, hay đang cố gắng phát triển một tâm trạng nào đó? Ta đang cố gắng hoàn thành điều gì?

Trong cả hai trường hợp thì ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nhấn mạnh rằng mình cần phải hiểu hai điểm:

  • Thứ nhất là phải hiểu rõ là đối tượng gì phải xuất hiện trong tâm mình. Cho dù mình đang nói về pháp quán tưởng một vị Phật, hay thiền quán về lòng từ, thì đối tượng xuất hiện trong bài thiền sẽ là gì?
  • Thứ hai là phải biết cách tâm nắm giữ đối tượng đó như thế nào, cách tâm nhận thức nó.

Nếu như không hoàn toàn hiểu rõ về hai điểm này, thì làm sao có thể phát khởi tâm trạng mà mình muốn phát triển?

Ví dụ như lòng bi: lòng bi nhắm vào điều gì? Đối tượng xuất hiện là gì? Đối tượng xuất hiện trong tâm mình khi thiền quán về lòng bi là chúng sinh, cách chúng sinh đang đau khổ. Tâm mình sẽ chú trọng vào họ, và phân biệt một khía cạnh nào đó về họ, cụ thể là nỗi khổ của họ, và nhân tạo ra nỗi khổ của họ. Làm sao để tâm nắm giữ những đối tượng đó? Tâm nắm giữ những đối tượng này với ước nguyện mạnh mẽ để những chúng sinh này thoát khổ và nhân tạo khổ, và với chủ ý tự mình cố gắng tạo ra điều này. Dựa theo cách này, nhờ việc tư duy về chỉ giáo mà mình đã nghe hay đọc, mà ta có thể nêu ra, và hiểu rất rõ tâm thái mà mình muốn phát khởi.

Nếu như mình dự tính sẽ thiền quán về bồ đề tâm, thì phải suy nghĩ và biết rất rõ ràng là tâm mình sẽ làm gì trong bài thiền như vậy. Hầu hết người ta nhầm lẫn bồ đề tâm với lòng bi mẫn; tuy nhiên, bồ đề tâm và tâm bi không giống nhau. Bồ đề tâm là một tâm thái có lòng bi làm nền tảng cho nó; nhưng bồ đề tâm đi xa hơn là chỉ muốn cho người khác thoát khỏi mọi nỗi khổ và nhân tạo khổ. Nó vượt xa hơn việc chỉ muốn đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ, và gánh lấy trách nhiệm để làm điều này. Nhưng những ước nguyện và cảm giác tốt đẹp này là những cảm xúc tích cực mà bồ đề tâm phụ thuộc vào, và nhờ đó mà phát triển. Trước tiên thì phải có nền tảng của lòng từ và lòng bi.

Chúng ta đang tập trung vào điều gì, khi ngồi trên tọa cụ và thiền quán về bồ đề tâm? Chúng ta đang tập trung vào giác ngộ cá nhân của mình, điều chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra trên cơ sở Phật tánh của mình, và trên cơ sở của tất cả những công phu khó nhọc mà mình phải trải qua, để đạt được giác ngộ ấy. Phật tánh của mình là phẩm chất và đặc điểm cơ bản mà tất cả chúng ta đều có, sẽ giúp cho mình thành Phật, chẳng hạn như bản tánh thanh tịnh của tâm mình. Chúng ta không chú tâm vào việc giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta không tập trung vào sự giác ngộ trừu tượng nói chung; mà đúng hơn là đang chú tâm vào giác ngộ cá nhân của mình, sự giác ngộ chưa xảy ra của chính mình.

Làm sao để chú tâm vào giác ngộ chưa xảy ra của mình? Điều đó không dễ dàng lắm. Trước hết thì phải hiểu điều đó có nghĩa là gì, loại hiện tượng đó là gì - một hiện tượng hay sự việc chưa xảy ra. Chẳng hạn như mình cần phải xem xét: liệu cái mầm chưa nảy nở đã tồn tại sẵn trong hạt giống, chỉ đợi đúng lúc để nở ra hay không? Hay là cái mầm chưa nảy nở hoàn toàn không tồn tại vào thời điểm của hạt giống?

Hiển nhiên là sự hiểu biết về tánh Không là điều cần thiết ở đây, để hiểu rõ về điều mà mình đang tập trung vào, khi đang chú tâm vào giác ngộ chưa xảy ra của mình. Giác ngộ chưa xảy ra của mình không ở đâu đó ngoài kia, giống như lằn chấm dứt của một cuộc đua mà mình đang nhắm vào. Nó cũng không ở đâu đó trong tâm trí mình, hay trong Phật tánh của mình, đang chờ đợi để bung ra. Nó không phải là một đối tượng có thể được tìm thấy như vậy. Mặt khác, chúng ta không chú tâm vào điều gì không hề tồn tại, không có gì cả. Đúng hơn thì phải hiểu rằng sự giác ngộ chưa xảy ra của mình là điều có thể được chứng minh một cách hợp lệ, trên dòng tâm thức của mình, trên cơ sở Phật tánh của mình. Cũng phải biết điều gì có thể được quy gán một cách hợp lệ trên một nền tảng thích hợp có nghĩa là gì.

Tuy nhiên, để chú tâm vào sự giác ngộ chưa xảy ra đó thì mình phải tập trung vào nó qua một số biểu hiện tinh thần của sự giác ngộ xuất hiện trong tâm mình. Chẳng hạn như ta có thể tưởng tượng âm thanh của chữ “giác ngộ”, hay có thể quán tưởng một vị Phật trước mặt mình. Trong Mật tông thì ta có thể quán tưởng chính mình trong sắc tướng của vị Bổn tôn. Trong mỗi ví dụ này thì phải xem âm thanh hay hình ảnh xuất hiện trong tâm mình như một biểu tượng cho sự giác ngộ chưa xảy ra của mình.

Tiếp theo thì làm sao để tâm tập trung vào đối tượng tinh thần này, điều đã xuất hiện? Mình sẽ tập trung vào sự giác ngộ chưa xảy ra, được đại diện bằng đối tượng tinh thần xuất hiện trong tâm, với hai chủ ý. Chủ ý đầu tiên là: “Tôi sẽ thành tựu giác ngộ.”. Hiện nay, việc có được chủ ý thành tựu giác ngộ sẽ phụ thuộc vào nhiều điều khác mà mình phải tư duy và thấu hiểu. Chúng ta phải biết một cách thực tiễn điều mình phải làm để đạt giác ngộ. Thái độ của mình có thể ngẫu nhiên là: “Ồ, tôi sẽ đạt được điều này.”. Mình phải biết cách để đạt được nó, và tin chắc là mình có thể thành tựu nó. Phải có một chủ ý xác thực để thành tựu trạng thái giác ngộ; nếu không thì việc thành tựu giác ngộ chỉ là một giấc mơ đẹp. Và tất nhiên là phải hiểu một cách đúng đắn giác ngộ là gì, điều này cũng không dễ hiểu lắm. Chúng ta sẽ đạt được tất cả những sự hiểu biết này, nhờ bước thứ hai trong quá trình này, đó là tư duy.

Chủ ý thứ hai mà mình sẽ có trong khi chú tâm vào biểu tượng tinh thần này là với sự giác ngộ này thì ta sẽ làm lợi lạc cho người khác càng nhiều càng tốt. Rốt cuộc thì giác ngộ không có nghĩa là trở thành Thượng Đế toàn năng. Và dĩ nhiên là việc có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh dựa vào việc đã thực hiện những bước trước đó, để đặt nền tảng mà bồ đề tâm sẽ dựa vào đó, cụ thể là lòng từ và lòng bi. Chúng ta đang gánh lấy trách nhiệm đưa chúng sinh đến giác ngộ, bởi vì mình mong muốn cho họ thoát khỏi mọi khổ đau, và có được hạnh phúc trọn vẹn.

Bước tư duy này thật ra là một bước khá dài, và đòi hỏi rất nhiều công phu. Nhưng ở giai đoạn cuối của bước này thì ta sẽ hiểu biết một cách chính xác và hoàn toàn chắc chắn về tâm thái mà mình đang cố gắng đạt được là gì, và cách tạo ra tâm thái đó. Chúng ta cũng hoàn toàn tin tưởng rằng mình có khả năng tạo ra tâm thái đó, và việc phát khởi nó sẽ vô cùng lợi lạc.

Tuy quá trình tư duy này có thể giống như thiền, nhưng nó không phải là thiền theo định nghĩa truyền thống. Những người Tây phương mà không sử dụng thuật ngữ này một cách rất chính xác thì có thể gọi quá trình tư duy này “thiền”, nhưng điều đó không đúng. Phải rõ ràng về sự khác biệt giữa tư duy và thiền.

Quá trình tư duy này là một hoạt động rất đáng giá, và suy nghĩ về giáo lý là điều mà mình có thể làm bất cứ lúc nào. Trên thực tế thì đó là điều rất hữu ích để thực hiện, trong khi mình đang tham gia vào những hoạt động khác trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như khi bị kẹt xe thì mình có thể nghĩ về một tâm thái cụ thể, ví dụ như lòng từ, sẽ được áp dụng như thế nào trong tình huống này. Nó phù hợp với hoàn cảnh này như thế nào? Lợi ích của nó là gì, vân vân. Đây là những điểm mà ta có thể tư duy trong ngày.

Thiền

Bây giờ thì chúng ta đi đến giai đoạn thứ ba trong quá trình ba bước: chính là thiền. Thiền tương tự như việc tiêu hóa thức ăn, một khi mình đã nhai nó. Mục đích của thiền là làm cho một tâm trạng tích cực cụ thể trở thành một tập khí, để mình thật sự trở thành tâm trạng đó, một khi đã tư duy và thấu hiểu trạng thái đó, và vững tin là mình có thể phát khởi nó.

Thiền chủ yếu là một quá trình gồm hai bước. Một bước là điều mà tôi dịch là “thiền quán”. Nó thường được dịch là “thiền phân tích”, nhưng gọi nó là “phân tích” có xu hướng nhầm lẫn với bước tư duy. Tôi nghĩ rằng chữ “quán chiếu” là cách dịch chính xác hơn của thuật ngữ này. Trong bối cảnh này, “quán chiếu” có nghĩa là xem xét kỹ lưỡng một cái gì đó rất cẩn thận, và hiểu nó theo một cách nào đó. Khía cạnh thứ hai của thiền là thiền định, khi mà mình chú tâm vào trạng thái đó, và tiếp tục tập trung vào nó. Chúng ta có thể gọi giai đoạn thứ hai này là “thiền định”.

Làm thế nào để thực hiện bước đầu tiên, tức thiền quán? Trong quá trình tư duy thì mình đã đi qua một dòng lý luận, hay đã đi qua các giai đoạn và những bước để tạo lập một tâm trạng nào đó. Mình đã làm điều đó với mục tiêu để đạt được sự hiểu biết tâm trạng đó là gì mà mình muốn phát triển, và cũng như sự hiểu biết về cách phát triển nó. Bây giờ, với thiền quán thì ta sẽ đi qua dòng lý luận hay những bước để phát khởi một tâm trạng nào đó. Nhưng bây giờ thì mình đang trải qua quá trình này, để phát khởi tâm trạng đó, để cho nó tươi mới trong tự thân. Ví dụ như để phát tâm bi cho tất cả chúng sinh thì ta sẽ noi theo dòng lý luận rằng: “Tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của tôi, đều đã tử tế với tôi...”, vân vân, để mình phát khởi tâm trạng có chủ ý này, và thật sự cảm nhận nó.

Một khi đã tự mình làm việc trong quá trình từng bước một này, với tâm thái mà mình muốn quen thuộc, rồi thì ta sẽ chủ động phân biệt hay thấu hiểu đối tượng trọng tâm theo cách đó. Chẳng hạn, nếu như đang thiền quán về lòng bi thì mình sẽ tập trung vào tất cả chúng sinh, và đặc biệt là vào chi tiết này, mà ta sẽ phân biệt về họ: những khó khăn và đau khổ của họ. Ta nhận thấy rằng họ đang đau khổ, và mong họ có thể thoát khỏi nỗi khổ ấy, và phát tâm giúp họ thoát khổ. Chúng ta đang nhìn thấy chúng sinh trong tâm mình, đang nhìn họ trong tâm trí theo cách này; hay có thể là ở ngoài đời thật, khi mình thật sự nhìn thấy mọi người. Lòng bi mẫn tập trung vào tha nhân và nỗi khổ của họ, kèm theo ước nguyện để họ được thoát khổ.

Trong một quá trình năng động thì mình sẽ ở lại với nhận thức đó trong một thời gian. Sau đó, trên cơ bản thì thiền định là để cho những điều mình đã nhận thức một cách sâu sắc lắng xuống, với định tâm đầy đủ về đề tài hay tâm trạng này. Hiển nhiên là mình cũng phải có định tâm, khi đang thực hiện giai đoạn thiền quán; nhưng trong giai đoạn ổn định này, thì ta sẽ để cho cảm giác lắng sâu trong lòng, vì mình đang cảm nhận lòng bi một cách mạnh mẽ.

Chúng ta sẽ xen kẽ hai giai đoạn này, chỉ và quán, qua lại và cuối cùng, có thể kết hợp chúng. Việc kết hợp các giai đoạn chỉ và quán của thiền là điều rất khó. Việc bàn luận về các giai đoạn mà mình kết hợp chúng thì rất phức tạp. Nếu muốn biết một số chi tiết thì bạn có thể đọc thêm về điều này trên trang mạng của tôi.

Ngoài ra, khi đã rất tiến bộ thì không cần phải thực hành cái gọi là “thiền dụng công”. Thiền dụng công là pháp thiền mà quá trình thiền quán bao gồm việc đi qua các giai đoạn, và tạo ra một tâm trạng. Ở mức độ cao thì mình có thể thiền quán một cách bất dụng công. Ta có thể phát khởi tâm trạng mà mình muốn có ngay lập tức, mà không cần tạo dựng ra nó qua từng bước, hay một dòng lý luận. Tuy nhiên, mình vẫn sử dụng tâm trạng này để phân biệt đối tượng trọng tâm của mình, như ta đã làm, khi bài thiền quán của mình đang ở giai đoạn dụng công.

Các Pháp Thiền

Chúng ta thường nghe về hai loại thiền. Từ ngữ tiếng Phạn dành cho chúng là “shamatha” (“thiền định”) và “vipashyana” (“thiền minh sát”), hoặc trong tiếng Tây Tạng là “shinay” và “lhagtong”. Shamatha là một tâm trạng tĩnh lặng và an định. Nó tĩnh lặng theo nghĩa là nhờ có nó mà mình sẽ làm lắng dịu tất cả những mức độ hôn trầm và trạo cử, hay kích động tinh thần (một tâm thức chạy theo một đối tượng hấp dẫn khác). Shamatha cũng an định theo nghĩa là trọng tâm của nó được đặt để vào một đối tượng một cách vững chắc. Rồi thì điểm nhấn mạnh là thiền định.

Chúng ta có thể phát triển tâm trạng định tĩnh này bằng cách tập trung vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm hơi thở, một vị Phật trong quán tưởng, v.v... Có một danh sách dài về những đối tượng này.

Ngay cả với thiền shamatha thì mình phải lắng nghe chỉ giáo, rồi tư duy về các giai đoạn của thiền. Chẳng hạn như, nếu như đang quán tưởng một vị Phật, thì ta sẽ lắng nghe chỉ giáo về cách tạo dựng hình ảnh quán tưởng từng bước một, rồi sẽ nghĩ về những gì mình phải làm ở bước thứ nhất, thứ hai, vân vân.

“Vipashyana” có nghĩa là một trạng thái nhận thức đặc biệt. Đó là một tâm trạng có thể nhận thức mọi thứ một cách rất đặc biệt. Vậy thì thiền minh sát nhấn mạnh về nhận thức sâu sắc. Khi nói về việc đạt được vipashyana thì nó có thể được thành tựu như một tâm trạng nhận thức đặc biệt, nhận thức ra lẽ vô thường hay tánh Không, nhưng nó không chỉ dành riêng cho một trong hai điều đó. Trong Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra), bộ Mật điển cao nhất, thì một phương tiện để phát triển vipashyana, tâm trạng nhận thức đặc biệt này, là bằng cách quán tưởng một chấm hay một giọt nhỏ ở chóp mũi. Rồi trong khi duy trì hình ảnh của chấm nhỏ đó, bạn lại quán tưởng hai dấu chấm ở hàng tiếp theo, rồi bốn, tám, mười sáu, ba mươi hai, v.v... Bạn phải giữ tất cả các dấu chấm này theo thứ tự một cách hoàn hảo, rồi hòa tan hình ảnh theo từng giai đoạn. Nhờ thực hiện cách quán tưởng này mà bạn sẽ phát triển một tâm thức cực kỳ nhạy bén, nhận thức đặc biệt. Nếu như thật sự muốn phát triển tâm thức này đến một mức độ rất cao, thì có những thực hành khác mà bạn sẽ quán tưởng trong mỗi một giọt chứa đựng toàn bộ mạn đà la của hệ thống Hộ Phật mà bạn đang tu tập, với tất cả chư Hộ Phật và tất cả các chi tiết của cái ngài. Nếu như bạn hoàn thành điều này, thì sẽ thật sự có được nhận thức đặc biệt!

Hai loại thiền này, shamathavipashyana, tồn tại trong tất cả các truyền thống Phật giáo, cũng như trong nhiều hệ thống ngoại đạo của Ấn Độ. Trong các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì chúng được biết bằng các thuật ngữ Pali là “samatha” và “vipassana”. Cả hai cũng được thấy trong Zen. Ví dụ như trong Phật giáo Son, một hình thức Zen của Hàn Quốc, có một công án: “Cái gì đây?”. Khi mình tập trung vào “Cái gì đây?”, thì điểm chánh không phải là có một câu trả lời, chẳng hạn như: “Đây là cái bàn; đây là mắt kiếng”, vân vân. Đúng hơn là mình sẽ phát triển tâm thức để ở trong trạng thái “nghi ngờ sâu sắc” - luôn luôn đặt câu hỏi về thực tế của “Cái gì đây?”. Rồi thì tâm mình sẽ có nhận thức rất mực bén nhạy.

Có một câu chuyện vui, cho thấy hầu hết các đạo sư Tây Tạng chưa nghiên cứu truyền thống Zen, vì các ngài không quen thuộc với nó. Có một cuộc gặp gỡ nổi tiếng giữa một thiền sư và Kalu Rinpoche. Thiền sư đưa một quả cam lên và hỏi Kalu Rinpoche, “Cái gì đây?”. Kalu Rinpoche nhìn người thông dịch của mình một cách thắc mắc và hỏi, “Chuyện gì vậy, bộ ông ấy không có trái cam ở nước của ông hay sao?”.

Vậy thì chúng ta có shamathavipashyana. Shamatha không chỉ là định tâm hoàn hảo, được phát triển qua chín tầng thiền định, bằng cách sử dụng các dạng chú ý khác nhau, v.v... Nhưng ngoài định tâm hoàn hảo, shamatha là điều được biết như một “tâm trạng phấn khích”. “Một cảm giác sung mãn” đúng ra là thuật ngữ kỹ thuật. Ngoài định tâm hoàn hảo, còn có một cảm giác sung mãn, đó là một trạng thái phấn khích trong thân tâm. “Cảm giác sung mãn” tương tự như trạng thái của một vận động viên được rèn luyện một cách hoàn hảo.

Tsenshap Serkong Rinpoche, thầy của tôi, giải thích rằng việc có được shamatha thì giống như có một chiếc máy bay phản lực khổng lồ: nếu như bạn đặt nó trên mặt đất thì nó sẽ ở đó, và nếu bạn cho nó bay lên không trung, thì nó sẽ bay. Có một cảm giác là bạn có thể tập trung vào bất cứ điều gì, trong bất cứ khoảng thời gian nào. Cơ thể sẽ không mệt mỏi; tâm trí sẽ không mệt mỏi; bạn cảm thấy hoàn toàn sung sức, và phấn khởi. Shamatha là một tâm trạng rất phấn khởi, thăng hoa, hoan hỷ. Nhưng không vui vẻ theo kiểu chạy ra đường múa hát như trong phim, không phải như vậy. Với shamatha thì tâm thức hoàn toàn được mài giũa, giống như một vận động viên được rèn luyện một cách cực kỳ tốt đẹp.

Điều quan trọng là phải làm sáng tỏ rằng tâm trạng của vipashyana là một trạng thái bổ sung cho trạng thái shamatha. Ngoài định tâm hoàn hảo và trạng thái sung mãn của shamatha, vipashyana còn bổ sung thêm vào đó cảm giác sung mãn thứ hai. Đây là một cảm giác của tâm trí thích hợp để lãnh hội và nhận thức bất cứ điều gì.

Ngoài ra, còn có một pháp thiền khác thường được gọi là “thiền lướt qua” (“glance meditation”). Khi đang tu tập một pháp thiền cụ thể nào, thì đôi khi, mình phải ôn lại toàn bộ đường tu. Mục đích là để nhắc nhở bản thân là chủ đề thiền quán của mình nằm ở đâu trong toàn bộ bức tranh, để không quá coi trọng một chủ đề, và bỏ qua, hay thờ ơ với một chủ đề khác. Vậy thì thiền lướt qua có nghĩa là ôn lại toàn bộ đường tu; đó là một cách ôn lại.

Nhiều năm trước, tôi đã đến Mạc Tư Khoa (Moscow) với Tiến sĩ Tenzin Choedrak, là bác sĩ riêng của Đức Dalai Lama. Chúng tôi đang thực hiện một dự án sử dụng thuốc Tây Tạng để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm bức xạ Chernobyl. Chúng tôi đã ở trong những khách sạn rất đẹp, và chính thức được các quan chức của Bộ Y Tế hộ tống. Thông thường thì chúng tôi sẽ được khoản đãi bữa tiệc bảy món nổi tiếng của Nga. Bấy giờ, Tiến sĩ Tenzin Choedrak đã trải qua hai mươi năm trong một trại tập trung của Trung Quốc, trước khi ông có thể rời Tây Tạng và đến Ấn Độ. Thế là món đầu tiên của bữa tiệc bảy món được mang ra, và dù chúng tôi đã cảnh báo ông bao nhiêu lần trước đó, nhưng ông sẽ ăn món đầu tiên càng nhiều càng tốt, như thể đây là thức ăn duy nhất mà ông sẽ có được trong tuần tới. Rồi thì ông rất no, và không thể ăn thêm món nào khác trong sáu món tiếp theo. Đây là một ẩn dụ về tình huống mà chúng ta muốn tránh, bằng cách hành thiền lướt qua. Chúng ta muốn ôn lại và ghi nhớ toàn bộ thực đơn của tất cả bảy món, để không “ăn quá nhiều”, và thiền định quá nhiều về một chủ đề. Điều đó sẽ giống như ăn ngốn món đầu tiên, và không thể ăn những món còn lại trong bữa ăn.

Bây giờ thì tôi đã mô tả pháp thiền mà mình sẽ tạo ra một tâm trạng nào đó, nhưng đó không phải là pháp thiền duy nhất được hành trì trong đạo Phật. Trong một số pháp thiền, ví dụ như trong một số pháp thiền của phái Kagyu về bản tánh của tâm, hoặc trong những phương pháp Zen nào đó thì có một cách tiếp cận khác. Thay vì tạo dựng ra một tâm trạng, thì mình sẽ làm tâm lắng dịu đến một trạng thái, để khám phá ra là có những phẩm chất bẩm sinh nào đó trong tâm thức, như lòng từ, hay tánh quang minh của tâm thức, và tiếp cận với chúng. Nhưng ngay cả khi mình đang hành thiền theo cách này, thì trước tiên, phải  lắng nghe chỉ giáo, rồi tư duy cho đến khi thấu hiểu chúng. Cng phải biết tâm trạng mà mình đang lắng dịu xuống dựa trên điều gì, mình sẽ đạt được những gì, phải làm gì ở bước thứ nhất, thứ hai, v.v... Cấu trúc của cách thiền “lắng dịu” giống như với cách thiền “tạo dựng”.

Môi Trường Thuận Lợi Nhất Cho Việc Hành Thiền

Có nhiều chỉ giáo về cách thiết lập một thời thiền, cách sắp xếp không gian hành thiền, quét nhà và dọn dẹp phòng ốc, và chỉ giáo về việc lễ lạy, cúng dường, v.v... - tất cả đều rất quan trọng, để có một môi trường thuận lợi cho việc hành thiền. Tuy điều quan trọng là phải có hoàn cảnh thuận lợi, và môi trường thích hợp để hành thiền, đặc biệt là một chỗ ngồi đàng hoàng và một môi trường yên tĩnh, sạch sẽ; nhưng không cần thiết phải dàn cảnh công phu xung quanh mình. Không cần phải chi nhiều tiền để có được tất cả những thứ bằng vàng, nhang, nhạc của Thời Đại Mới (New Age music), và tất cả những thứ này. Chắc chắn là Milarepa không hề có tất cả những thứ này, và ngài đã khá thành công với công phu hành thiền! Ta sẽ cố gắng làm cho không gian hành thiền của mình càng đẹp đẽ càng tốt, nhưng không quá trớn, và làm cho mọi thứ trở nên cầu kỳ, chỉ để phô diễn.

Hơn nữa, mình phải có khả năng hành thiền ở bất cứ nơi nào. Nếu như đang đi một chuyến dài bằng xe, thì ta sẽ không nói rằng, “Tôi không thể hành thiền trên tàu, vì không có chén nước, và không thể thắp nhang, không thể lạy”, v.v... Thật ra thì mình có thể hành thiền ở bất cứ nơi nào, một khi đã thành thạo chút ít - trên xe lửa, bất cứ nơi nào, trong khi sắp hàng chờ đợi. Ngay cả trong đời sống hàng ngày, giữa các thời thiền chánh thức, ta có thể cố nhớ, để đối xử với người khác một cách từ bi - đó là thiền, đúng không?

Hãy nhớ rằng, toàn bộ mục tiêu của thiền là kết hợp giáo pháp, biến chúng thành một phần của mình, để có thể áp dụng chúng trong đời sống hàng ngày. Nhưng khi thiền cách biệt hoàn toàn với đời sống hàng ngày, thì đó chỉ là một sở thích. Đặc biệt là khi bài thiền của mình liên hệ đến pháp quán tưởng Mật tông kỳ lạ, thì nó có thể dễ dàng trở thành một chuyến đi Disneyland, đến một vùng đất giả tưởng, không liên quan gì đến cuộc sống hàng ngày. Nếu như đi theo con đường đó, thì ta sẽ trở nên bất ổn về tinh thần, và việc hành thiền sẽ có rất ít tác động đến đời sống hàng ngày. Hãy nhớ rằng toàn bộ mục tiêu của thiền là để áp dụng nó trong cuộc sống.

Và dù mình đang ở đâu, khi hành thiền thì trước tiên là phải thiết lập động lực, khẳng định động lực, và có chủ ý hành thiền với định tâm. Nếu như tâm đi lang thang, thì hãy đem nó trở lại. Nếu như buồn ngủ, thì ta sẽ tự đánh thức mình dậy. Và cuối cùng thì hãy hồi hướng công đức. Nếu như không hồi hướng công đức mà mình đã tạo ra nhờ công phu hành thiền, thì nỗ lực trong thời thiền chỉ là để cải thiện kiếp luân hồi của mình thôi. Chúng ta muốn hồi hướng công đức cho giác ngộ, cho lợi lạc của tất cả mọi người.

Hành Thiền Một Mình, So Với Hành Thiền Theo Nhóm

Một số người hành thiền một mình. Trên thực tế thì hầu hết người Tây Tạng hành thiền một mình; họ không hành thiền trong nhóm, mặc dù trong các tu viện thì chư tăng ni thường tụng kinh cầu nguyện và trì tụng nghi quỹ với nhau. Tuy nhiên, ở phương Tây thì chúng ta đã phát triển phong tục hành thiền theo nhóm. Đối với hầu hết mọi người thì lợi ích lớn nhất của nhóm hành thiền là kỷ luật. Nếu như tu tập một mình thì chúng ta không có kỷ luật để chỉ ngồi thiền thôi. Chúng ta sẽ đứng lên rất sớm, trước khi có ý định kết thúc thời thiền; trong khi nếu có người khác ở xung quanh, thì mình sẽ có kỷ luật nhiều hơn. Chúng ta có khuynh hướng ít loay hoay hơn nhiều, bởi vì mình sẽ mắc cỡ, khi làm điều đó trước mặt người khác.

Một số người thấy việc hành thiền theo nhóm là điều hoàn toàn đáng sợ, bởi vì người khác làm cho họ phân tâm. Đặc biệt là khi có người nào ho, hoặc là loay hoay, thì họ sẽ thấy điều đó làm phiền họ, trong khi đang hành thiền, nên thích hành thiền riêng một mình. Đặc biệt là nếu như cả nhóm đồng thanh trì tụng điều gì, và một số người tụng chậm hơn nhiều so với bình thường, thì ta sẽ rất chán và tức giận. Và ngược lại, nếu như họ tụng quá nhanh, thì mình cũng nổi giận.

Phải tự phán đoán xem việc nào sẽ tốt hơn cho mình – hành thiền một mình, hay hành thiền theo nhóm. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một đặc điểm thú vị, khi hành thiền trong một nhóm nhỏ, có nghĩa là hành thiền với một hay hai người khác. Việc hành thiền có thể rất thành công, khi bạn có một mối liên kết và kết nối gần gũi đặc biệt với những người trong nhóm, nên bạn cảm thấy rất hài hòa với họ. Như thể là năng lượng của mọi người củng cố cho nhau. Bối cảnh hành thiền với họ sẽ cung cấp cho bạn năng lượng và sự sáng suốt nhiều hơn rất nhiều. Nhưng khi năng lượng của những người đang hành thiền trong một nhóm nhỏ mâu thuẫn với nhau, thì hiệu quả sẽ ngược lại: nó sẽ tạo ra sự khó chịu, và khiến cho tâm bạn hôn trầm hơn nhiều. Do đó, nên phối kiềm xem bạn sẽ hành thiền với ai, nếu như bạn sẽ hành thiền với người khác.

Tầm Quan Trọng Của Tính Kiên Trì

Lời khuyên cuối cùng là một trong những điều quan trọng nhất, và đó là bản chất của luân hồi là thăng trầm, nên tự nhiên là công phu hành thiền của mình cũng sẽ thăng trầm. Nó không bao giờ là một quá trình tuyến tính, sẽ tốt đẹp hơn mỗi ngày. Có những ngày thì công phu hành thiền sẽ diễn ra tốt đẹp, và những ngày khác thì không tốt đẹp. Có những ngày thì mình muốn hành thiền, những ngày khác thì không muốn thiền chút nào. Điều này hoàn toàn bình thường và tự nhiên - đó là bản chất của luân hồi. Vấn đề là dù cho cảm thấy như thế nào thì bạn cũng nên kiên trì và tiếp tục. Nếu như bạn có ý nghĩ là: “Tôi không thích hành thiền” - vậy thì sao? Cứ thiền đi. Hãy duy trì tính liên tục. Hãy làm điều đó mỗi ngày, ngay cả khi chỉ trong hai hoặc ba phút. Sự liên tục này rất quan trọng, đối với việc tạo ra sự vững chãi trên đường tu.

Ngoài ra, đừng làm cho các thời thiền quá dài, đặc biệt là vào lúc đầu. Ba đến năm phút là đủ. Nếu không thì bạn sẽ nghĩ rằng, “Tôi chỉ mong cho nó mau kết thúc”, rồi sau đó thì bạn không muốn quay trở lại thời thiền. Nếu như kết thúc thời thiền trong khi bạn vẫn muốn tiếp tục, thì bạn sẽ rất vui vẻ khi quay trở lại. Nó giống như khi ở gần với người nào, và bạn vẫn muốn có nhiều thời gian hơn với người đó, thì bạn sẽ muốn sớm gặp lại họ, khi hai người phải chia tay. Nhưng nếu như họ ở lâu hơn mức mà bạn muốn, thì bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi với họ, và ước gì họ biến mất luôn, thì bạn sẽ không vui, khi gặp lại họ.

Cuối cùng thì điều quan trọng là dần dần, kéo dài thời thiền hơn nữa. Hãy linh hoạt - điều rất quan trọng là phải linh hoạt. Như tôi đã nói: Không bao giờ bỏ công phu hành thiền, ngay cả một ngày. Nếu như hành thiền mỗi ngày thì bạn sẽ có được tính ổn định, đáng tin cậy và tự tin. Nhưng hãy linh hoạt: đôi khi, bạn có thể công phu nguyên thời thiền theo ý muốn, và có những lúc khác thì bạn không có thời gian, nên hãy hành trì một thời khóa ngắn. Nhưng ít nhất là hãy làm một cái gì đó mỗi ngày. Đừng làm người cuồng tín; đừng thúc đẩy bản thân quá mạnh mẽ. Công án Zen mà tôi yêu thích nhất là: “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy thư giãn!".

Top