Chú Giải Về “Cách Thiền Quán Về Vô Thường”

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tác Phẩm Kệ Tụng Cách Thiền Quán Về Vô Thường (Mi-rtag sgom-tshul-gyi bslab-bya tshigs-su bcad-pa bcas) của Gungthang Rinpoche (Gung-thang-tshang dKon-mchog bstan-pa'i sgron-me) (1762-1823) khởi đầu bằng việc biểu hiện lòng tôn kính với chư bổn sư, những vị đã hiển lộ qua nhiều sắc tướng và ban truyền giáo lý, để điều phục tâm:

Xin đảnh lễ tánh hợp nhất cao cả của cực lạc và tánh Không, hiển lộ qua nhiều sắc tướng khác nhau, để phù hợp với nhu cầu và căn cơ của chúng sinh.

Thân người quý giá này sở hữu tám tự do và mười thuận lợi, chỉ có được một lần thôi. Chúng ta có nguy cơ mất đi cơ hội này, và đi đến tái sinh tiếp theo, mà không thể hoàn thành điều gì có giá trị lâu dài. Bây giờ là lúc để dẫn dắt tự thân vào con đường giải thoát. Trên thực tế thì điều đó hầu như quá muộn, vì tất cả chúng ta ở đây đều ở trong lứa tuổi hai mươi và ba mươi. Chúng ta phải giữ mình bằng lời nhắc nhở giống như móc sắt, để thực hành Pháp và tâm tỉnh giác, được ví như các giai đoạn rèn luyện một con voi. Việc cố gắng hoàn thành mọi việc thế gian và luân hồi trong tháng này, hoặc ít nhất trong năm nay, hay có ý hoãn lại việc tu tập Pháp, và làm tất cả những việc khác trong năm nay, là con ma quyến rũ các bạn. Một vị thầy đã từng nói những người có tín ngưỡng không bao giờ nên lo lắng về việc có đủ sống hay không. Một số người đưa ra lý do rằng họ phải kiếm tiền để tu tập Pháp, nhưng chưa bao giờ có người nào thực hành Pháp nghiêm túc mà lại chết đói.

Hãy phát khởi ý tưởng hoàn toàn dấn thân tu tập Pháp. Các sinh hoạt của kiếp này tựa như sóng nước. Giống như đợt sóng đầu tiên vừa ập đến, thì một đợt sóng khác sẽ theo sau ngay lập tức. Càng làm việc nhiều thì càng có nhiều hoạt động mới mẻ xảy ra, vì nó vô tận. Không phải là quyết tâm mạnh mẽ để rời xa những việc này ngay bây giờ là điều tốt hơn hay sao, khi mình không bị hạn chế gì cả, hơn là đi đây đi đó mà không có mục tiêu? Ví dụ, nếu như có việc khẩn cấp, thì bạn sẽ quyết định dứt khoát để buông bỏ những công việc khác, và lo lắng cho vấn đề này. Điều này giống như câu chuyện khi Naropa sắp gặp Tilopa. Ông dứt khoát từ bỏ chức vị Trụ Trì Tu Viện Nalanda và ra đi. Hay như Tông Khách Ba (Tsongkhapa), người đã nhận được chỉ giáo từ Đức Văn Thù Sư Lợi, để nhập thất về pháp tu sơ khởi, đã quyết tâm làm điều đó, bỏ lại hàng ngàn đệ tử và ra đi.

Đừng tự lừa dối mình. Trước khi việc tu hành sẽ xảy ra vào ngày mai, thì cái chết có thể đến sớm hơn vào ngày hôm nay. Do đó, nếu muốn thực hành Pháp, thì hãy thực hiện nó từ hôm nay trở đi.

Dù công hạnh của các đạo sư vĩ đại như Tông Khách Ba và Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) đã lan truyền khắp nơi trên thế giới, nhưng tất cả những đạo sư này đều đã viên tịch. Chỉ còn lại quý danh của chư vị, nhục thân của các ngài đã biến mất, và mình chỉ hiểu biết về các ngài qua lời dạy của họ. Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy tánh vô thường của chư vị, giống như tượng Phật ở Kushinagar nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Đức Phật cũng nhập diệt. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh (sPyod-‘jug, Phạn ngữ: Bodhicharyavatara) rằng nếu như chính chư Phật, hàng Duyên giác (pratyekabuddhas) và Thanh văn (shravakas) đều đã chết, thì có gì để thắc mắc về việc mình cũng sẽ chết hay không? Đây cũng là lời dạy của Đức Dalai Lama thứ Tám, giống như chư đạo sư đã viết tất cả những giáo pháp này, cũng không còn tồn tại. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nếu và khi sắc tướng của các đấng cao cả tan rã và hòa tan trở lại vào Tự Tánh thân của chư Phật (Svabhavakaya), thì điều này chỉ được thực hiện để giảng dạy về lẽ vô thường cho các đệ tử si mê.

Cũng giống như những bậc cao cả này, trong một trăm năm nữa thì không ai trong chúng ta sẽ còn tại thế. Các vị vua và chánh khách cũng vậy, những người vô cùng tự hào về sự giàu sang và oai lực của họ, và những người có thể tự hào về những vòng hoa tượng trưng cho các hoạt động dồi dào của họ cũng sẽ không sống mãi. Chỉ có quý danh của họ là vẫn còn tồn tại thôi. Điều tương tự như vậy cũng đúng với nhiều nhà lãnh đạo thế giới nổi tiếng ngày nay, vì họ sẽ không có mặt ở đây trong tương lai. Những người bằng tuổi bạn và có sức mạnh giống như bạn cũng sẽ chết. Đột nhiên, họ bị Thần Chết bắt cóc. Vậy thì điều gì khiến cho bạn tự tin rằng mình sẽ sống mãi? Việc không sợ chết, dù đã được dạy về vô thường là vô cùng ngu ngốc. Ngay cả những con vật trì độn, ngu xuẩn như trừu, khi nhìn thấy những con trừu khác bị đồ tể giết hại thì cũng run rẩy, và tim đập nhanh.

Có một câu chuyện liên quan đến Geshe Potowa. Một người sống trong làng của ông đã đến hỏi ông: “Khi cái chết của tôi sắp đến, thì ngài có thể nhắn tin cho tôi được không?”. Sau đó, một người đã chết ở làng thượng, và một thông điệp đã được gởi cho người đàn ông này, nhưng anh ta đã không làm gì cả. Điều tương tự cũng đã xảy ra cho một người ở làng hạ, rồi ở ngôi làng ở giữa, nhưng người đàn ông này vẫn không làm gì cả. Cuối cùng, dấu hiệu về cái chết của anh ta đã đến, và anh đã chạy đi tìm Geshe Potowa, để hỏi ngài rằng: “Tại sao ngài không nhắn tin cho tôi biết?”. Geshe Potowa trả lời rằng: “Tôi có gởi tin, nhưng ông không hiểu điều đó.”. Chính Geshe Potowa đã từng thiền quán về lẽ vô thường, bằng cách giữ con số về tất cả những cái chết ở Penpo, thung lũng nơi ngài đã sống.

Sự hiểu biết về vô thường không cần phải dựa trên tài liệu tham khảo kinh điển; bạn có thể nhìn thấy nó bằng nhận thức trần trụi, từ cái chết khiến cho tất cả chúng sinh đau khổ. Người ta nhìn thấy tính hiển nhiên của cái chết, nhưng lại không áp dụng nhận thức này cho bản thân họ, giống như những người mù mở mắt, hay người có cặp mắt bằng thủy tinh. Trong tương lai thì bạn bè, người thân, người hầu cận và đoàn tùy tùng của mình đều sẽ qua đời. Thời gian mà bạn sống gần với họ thì giống như những chiếc lá tụ họp lại với nhau vì cơn gió, rồi sau đó lại phân tán khắp nơi. Tuy chúng ta đang có mặt với nhau trong hiện tại, nhưng khi gặp lại nhau trong những kiếp tương lai, thì mình sẽ mang những sắc tướng khác, thậm chí sẽ không nhận ra nhau. Rất ít người nghĩ đến vô thường, nhưng ít nhất nên có sự quân bình giữa đời sống thế tục và tâm linh, vì điều này sẽ tạo ra sự ổn định.

Sự thay đổi của các mùa, lá rụng và các hiện tượng tự nhiên khác thì cho mình bài học về vô thường. Như Milarepa đã nói: “Tôi thấy mọi thứ quanh mình như lời khai thị.”.

Một ẩn dụ khác dành cho lẽ vô thường là một hội chợ. Mọi người từ các làng mạc tề tựu lại vì sự kiện này, rồi sau đó lại giải tán. Chúng ta không biết họ đi đâu, và sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Những nhóm bạn bè và người thân quanh mình giống như những người ở hội chợ, hay những con ruồi trong mùa thu. Họ sẽ đi tứ tán khắp nơi.

Những thứ như mùa xuân và mùa hè có thể tươi đẹp quyến rũ, nhưng tất cả đều là khai thị về lẽ vô thường và sự đổi thay liên tục, cũng như chính tứ đại. Trước tiên thì cây cối có màu sắc xanh tươi, rồi chuyển sang màu cam, rồi rụng lá. Nhiệt độ của nước trong các dòng suối, màu sắc và âm thanh của nó làm cho tất cả thay đổi theo mùa. Những dòng suối có màu xanh lục và xanh dương nổi bật, với tiếng róc rách giống như điệu múa tuyệt đẹp, tạo ra những âm thanh của bọt nước xinh đẹp, cuối cùng cũng đóng băng trên mặt nước, và những phiến băng trắng cùng với nước tạo ra tiếng động như giọng ai thì thầm. Điều tương tự cũng xảy ra với mọi người. Khi người ta còn trẻ thì tham dự nhiều tiệc tùng và thích nhảy múa, ca hát và uống rượu. Nhưng khi già nua thì thói quen của họ cũng thay đổi. Giống như trong ví dụ trước đây thì họ cũng nói thều thào!

Vào mùa hè thì những con ong vo ve hút mật hoa trong những khu vườn xinh đẹp. Điều này giống như khi chúng ta còn trẻ. Mình sẽ thưởng thức những niềm vui và tiện nghi trên thế giới. Nhưng vào mùa thu thì vườn hoa giống như sa mạc, và vào mùa đông, khi gió thổi qua khu vườn, thì nó sẽ tạo ra âm thanh buồn bã. Người ta không muốn đến đó để nhìn mọi thứ trơ trụi. Đôi khi, cả một ngọn đồi được phủ đầy hoa, rồi vào mùa đông thì hoàn toàn cằn cỗi. Điều đó cũng giống như những ngôi nhà trải qua nắng mưa, và trở nên cũ kỹ. Do đó, tất cả những điều này là ví dụ về vô thường. Tuy nhiên, vị thầy trực tiếp nhất khai thị về lẽ vô thường là hình dáng của một người. Khi già đi thì ta không còn khả năng làm những điều mà mình đã làm khi còn trẻ: chúng ta sẽ chậm chạp hơn, và ngoại hình sẽ thay đổi.

Vô thường không chỉ áp dụng cho những sinh vật sống động, mà còn áp dụng cho những vật vô tri vô giác như các tòa nhà, thiên nhiên, việc trồng trọt và thời gian. Những nơi như các tu viện lớn ở Nalanda, nơi ngài Long Thọ (Nagarjuna) và Vô Trước (Asanga) đã tu học, và ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), đã biến mất từ lâu. Điều tương tự cũng xảy ra với Ganden, Sera và các tu viện lớn khác ở Tây Tạng. Ngay cả Thư Viện Tác Phẩm Và Văn Khố Tây Tạng (Library of Tibetan Works and Archives), nơi chúng ta đang có mặt ở đây, cuối cùng cũng sẽ tan rã và trở thành tàn tích. Long Thọ đã nói trong Bằng Hữu Thư (Phạn ngữ: Suhrllekha), “Nếu toàn bộ vũ trụ sẽ bị tiêu diệt vì bị bảy mặt trời thiêu đốt, thì không có nghi ngờ gì là thân thể của chúng ta cũng sẽ bị hủy hoại như vậy.”, vì sự hủy hoại sẽ hủy diệt vạn pháp, cho đến cõi thứ nhất bất biến của Phạm Thiên (Brahma) trong sắc giới.

Một con chuột đen và chuột trắng thay phiên nhau ăn một sợi dây cột bó cỏ khô. Trong ví dụ này, chuột đen và chuột trắng tượng trưng cho đêm và ngày, bó cỏ khô là thọ mạng của mình, và sợi dây cột cỏ là thời gian của thọ mạng. Trước khi sợi dây này bị đứt hoàn toàn, và bó cỏ khô, đại diện cho thọ mạng của chúng ta, sẽ rời rã hết, thì nên tận dụng cơ hội để thực hiện càng nhiều thiện nghiệp càng tốt.

Mỗi một sát na của thời gian đang lùa chúng ta đến trước mặt Thần chết. Giống như một con vật bị mang vào lò mổ, thì mỗi một bước sẽ đưa mình đến gần cái chết hơn. Mỗi hơi thở sẽ đưa ta đến gần cái chết hơn. Kể từ khi thức dậy sáng nay thì mình đã đến gần cái chết hơn bao nhiêu? Việc có cảm giác là mình sẽ không chết, bởi vì mình còn trẻ là ngớ ngẩn. Đối với Thần Chết thì tuổi tác không có gì khác biệt. Nếu như các bậc cha mẹ rất già nua với tóc bạc và thân hình run rẩy, lưng còm như cung tên, có thể đưa thi thể của con cái họ đến nghĩa trang, thì làm sao có thể nói rằng Thần Chết phân biệt về vấn đề tuổi tác? Do đó, dù mình ở tuổi nào thì cũng phải tu tập Pháp, không chỉ chờ đến khi lớn tuổi. Điều lợi lạc duy nhất là Pháp.

Bằng hữu đáng tin cậy duy nhất là công phu tu hành của bạn. Người khác không đáng tin cậy. Khi vụ mùa của cải bị hủy hoại vì hoàn cảnh không may, thì khó mà có được sự  hưởng ứng nào, ngay cả những người lệ thuộc về mình, đã được bạn chăm sóc trước đó. Khi mình nghèo khó thì mọi người sẽ khiến ta thất vọng, và bỏ rơi ta. Đây là bản chất cơ bản của con người. Khi mình già nua và nghèo khó thì thậm chí người ta sẽ không thèm chú ý đến mình. Khi mình giàu có và nổi danh thì người ta sẽ luôn luôn muốn mình chú ý đến họ. Khi có ai giàu có thì người ta sẽ đến và giả vờ là họ đã góp phần vào danh tiếng của người này. Người ta sẽ cố gắng chia sẻ hạnh phúc của bạn, nhưng không chia sẻ nỗi buồn của bạn. Khi bạn không thể cho họ điều gì, thì họ sẽ phớt lờ bạn. Đức Phật đã hành động ngược lại, và chú ý nhiều hơn đến người nghèo và túng thiếu.

Nếu như người nào có thế lực nói với bằng hữu đáng tin cậy nhất của bạn, rằng bạn là người không tốt, thì họ sẽ đổi ý và thay lòng đổi dạ. Chỉ vài lời nói có thể khiến anh ta không yêu thích bạn nữa trong ngày hôm sau. Điều này chứng tỏ câu này là đúng: “Điều gì trước đây mình có thể đến gần trong gang tấc, thì nay không thể với được trong một thước”. Điều đó có nghĩa là vài lời nói có thể khiến cho những người từng gần gũi bạn trở nên cách xa. Ta phải tìm một người bạn vững vàng trong giáo pháp. Bạn bè thì cẩn thận với nhau, và ngần ngại khi nêu ra những sai lầm và yếu điểm của bạn. Tuy nhiên, kẻ thù của mình có thể hữu ích hơn, khi vạch ra lỗi lầm của mình.

Một số người dành cả đời để thu thập của cải, và kết quả là họ thay đổi rất nhiều, và phải chịu nhiều đau khổ. Vì đây là nhân tạo ra rất nhiều đau khổ, nên không nên quyến luyến với sự giàu có. Giàu sang có bề ngoài hạnh phúc, nhưng nó không phải như vậy. Sức quyến rũ của sự giàu sang đối với mình giống như sức quyến rũ của ngọn lửa đối với con bướm đêm, hay một con bướm: nếu như đến quá gần ngọn lửa, thì nó sẽ bị thiêu đốt. Những người giàu trông có vẻ hạnh phúc, đẹp đẽ, có một ngôi nhà đẹp, và dường như không phải lo lắng về tiền bạc. Điều này có vẻ hấp dẫn, nhưng khi hoàn toàn đắm chìm trong tình huống này, thì mình mới thấy những sự rắc rối và bất lợi của nó. Ví dụ như một số người theo đạo, nhưng một khi trở nên giàu có thì họ không còn quan tâm đến tôn giáo nữa, và chỉ chú tâm vào việc tích lũy thêm của cải. Chúng ta luôn mệt mỏi vì việc tích lũy đức hạnh, nhưng chẳng bao giờ mệt mỏi vì tích lũy thêm của cải.

Nói tóm lại là đời vô thường, và cái chết chắc chắn sẽ đến, do đó, phải chuẩn bị cho cái chết. Không có gì chắc chắn khi nào thì cái chết sẽ đến, nhưng một khi nó đã đến, thì mình không thể từ chối nó. Những người giàu không thể mua chuộc nó, người đẹp không thể quyến rũ nó, và người đô con không thể vật lộn với nó. Dường như ở một vài nơi thì tiền bạc có thể gia hạn thêm giấy thị thực, hay giấy thường trú, nhưng không thể mua thêm thọ mang cho mình.

Khi bị Thần Chết bắt được, thì ta phải bỏ lại cơ thể đã sống với mình từ khi sinh ra. Dù có chết trên một chiếc giường ấm áp, nhưng khi tâm thức của mình ra đi, thì thậm chí ta không có cơ hội để nhìn lại người thân, bạn bè và sự giàu sang của mình trong một sát na. Đây là thực tại của cuộc đời, và mình phải chuẩn bị cho điều này. Chúng ta phải bỏ lại sau lưng tất cả những gì mình đã tích lũy, trải qua mọi gian khó không mỏi mệt. Chúng ta phải vượt qua kiếp sống này, bằng cách mang trên lưng hành lý, gánh nặng và trách nhiệm của những hành vi thiện, ác của mình. Một số cha mẹ già xây nhà cho con cháu của họ, nhưng khi họ chết thì phải mang gánh nặng của ác nghiệp trên lưng, vì đã xây nhà, giết hại giun và côn trùng, vân vân, trong khi những đứa con chỉ hưởng thụ việc sinh sống trong ngôi nhà ấy. Do đó, mình chỉ tích lũy trọng lượng của ác nghiệp bằng những hành vi như vậy.

Khi du hành trên những con đường nguy hiểm trong cõi trung ấm, và gặp phải, hay bị lực lượng quân sự của Thần Chết chận lại, thì ta sẽ nhận ra nỗ lực mà mình đã làm để tích lũy của cải là điều vô dụng. Ngay cả khi mình thấy hối hận nhiều vào thời điểm đó, thì cũng không có lợi ích gì. Một câu tục ngữ có nói: “Nếu có thể nghĩ xa, thì đó là người khôn ngoan. Nếu như sau này mới hối hận, thì đó là người ngu ngốc.”. Người hướng đạo chân thật cho một người lạ, ở một nơi xa lạ là Pháp; các thức dự trữ cho một hành trình dài là Pháp; người chèo thuyền đưa ta vượt đại dương để sang bờ bên kia là Pháp. Từ hôm nay trở đi, hãy đưa thân, khẩu, ý của mình vào trong giáo pháp.

Trong khi việc bảo đảm hạnh phúc của tự thân còn nằm trong khả năng của mình, thì ta phải làm như vậy. Nếu không thì sẽ có lúc mình sẽ bối rối, và không biết phải làm gì. Khi người ta chết thì có rất nhiều sự khác biệt giữa một người có tín ngưỡng, và một người vô đạo đức. Người thứ hai sẽ chết mà không có ý thức và đau đớn. Người thứ nhất sẽ chết trong an lạc, và đã chuẩn bị trước cho thời điểm này, đã chia sẻ của cải của mình cho người nghèo, người thân của họ, các đối tượng quy y, v.v... Để được như người có tín ngưỡng, thì nên cố gắng học hỏi từ những giáo pháp này càng nhiều càng tốt. Không nên có tâm xả ly sai lầm, và từ bỏ mọi thức ăn, giấc ngủ và sự giàu sang, mà thay vì vậy thì hãy có giữ thăng bằng về mặt tâm linh và vật chất, và cố gắng tu hành càng nhiều càng tốt.

Việc tu hành không phải là cách mặc trang phục và làm theo phong tục, mà là có một tấm lòng nồng hậu, từ bi. Có một câu chuyện về một phụ nữ Tây Tạng đã chết, đọa vào địa ngục và gặp Thần Chết. Cô nói với ngài rằng tuy về mặt thể chất thì cô đã gây ra tổn hại, nhưng về mặt tinh thần thì cô đã làm như vậy với động lực tốt lành. Vì vậy mà cô đã được sống trở lại, trong cùng một thân xác trước đây. Điều này cho thấy mình phải có một tấm lòng nhân hậu, bất kể hành động bên ngoài của mình ra sao đi nữa.

Một câu ngạn ngữ có nói: “Những người nói nhiều về Pháp thì lại ít thực hành.”. A Đề Sa (Atisha) luôn nhấn mạnh điều này, và bất cứ khi nào gặp ai, thì ngài luôn luôn hỏi: “Anh có có lòng nhân hậu hay không?”. Khi Dromtonpa nghe tin A Đề Sa đã viên tịch thì ông rất buồn, vì đã không có mặt, khi ngài viên tịch. Tuy nhiên, A Đề Sa đã để lại một thông điệp, nói với chư đệ tử rằng khi ngài không còn tại thế nữa, nếu như họ có tấm lòng nhân hậu, thì cũng giống như đang nhìn thấy ngài. Việc nhớ lời khai thị của Kadampa cũng rất tốt, rằng dù mình phàn nàn về việc không thể tạo lợi lạc cho người khác hiện nay, nhưng nếu như có thể kềm chế bản thân, để không làm hại người khác, thì đó là lợi lạc lớn lao ở trình độ của mình. Hãy cố gắng đừng làm ai đau khổ.”.

Trong khi hơi thở chưa đứt quãng thì người ta vẫn có cơ hội và sức mạnh để tích lũy công đức, và đảm bảo cho tương lai của họ. Đồng thời, bạn là người bạn thân của mình, và cũng là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Bất cứ hạnh phúc nào trong tương lai cũng đều tùy thuộc vào bạn. Một người chết mà không tu tập Pháp thì cũng giống như một con chó đang hấp hối, đặc biệt là trong cõi trung ấm. Dù bạn đã sinh ra làm người thì cũng không có sự khác biệt nào. Không có sự khác biệt nào giữa một hoàng đế Chuyển Luân Thánh Vương (Chakravartin) không tu tập Pháp, và một con chó chết trên đường phố. Trên thực tế, khi họ đã chết thì có thể con chó đã tạo ra ít ác nghiệp hơn nhà vua. Do đó, việc tư duy về lẽ vô thường thì quan trọng vào lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối của việc tu hành. Ngay cả những bậc thầy có chứng ngộ cao, và giàu kinh nghiệm nhất, cũng thiền quán về vô thường.

Trong tất cả các dấu chân thì dấu chân của voi là lớn nhất. Trong tất cả các ý tưởng thì điều để lại ấn tượng tốt nhất là ý tưởng về vô thường.

Milarepa đã bước vào cửa Pháp, khi nhìn thấy những cái chết mà ngài đã gây ra bằng tà thuật Guru's Guru (Bổn Sư Của Bổn Sư). Gampopa bước vào cửa Pháp, khi vợ của ngài qua đời. Tương tự như vậy, khi Đức Phật nhìn thấy cái chết lần đầu tiên, Ngài đã được truyền cảm hứng để đi vào cửa Pháp, và tìm ra giải pháp cho nỗi khổ này. Vô thường được nói đến như trung lộ (không nên lầm lẫn với Madhyamaka, hay Trung Đạo). Đó là con đường ở giữa, có công năng ngăn chận lòng quyến luyến với kiếp này, và thiết lập tư tưởng tích cực cho công phu tu tập của một hành giả. Câu này nói về lẽ vô thường như là “trung lộ”, cũng có một cách diễn giải sâu xa hơn. Nó cũng có thể được giải thích về mặt Trung Đạo. Vô thường là nền tảng để phát triển tuệ giác về triết học Trung Đạo, loại bỏ các khái niệm sai lầm về bản ngã, và thiết lập tự thân trong thực tại của bản ngã quy ước.

Sau khi đã lánh xa tâm phóng dật, và chú tâm vào Pháp, thì phải làm như sau. Dù có nhiều truyền thống tu tập nổi tiếng là sâu sắc trên thế gian, nhưng sau khi mình đã hoàn toàn tiếp thu việc tu tập Pháp, thì tốt nhất là nên cố gắng tuân theo toàn bộ tinh túy trong giáo lý của chư Phật trong ba thời, qua truyền thống được thành lập một cách tốt đẹp của Tông Khách Ba. Để thực hiện điều này thì phải tuân theo các phương tiện kết hợp, hợp nhất của Kinh điển và Mật điển, bao gồm cả hai phần giảng giải và hành trì. Để noi theo pháp này thì phải hiểu biết bản tánh, giai đoạn và sự phân chia của đường tu, và noi theo chúng một cách đúng đắn. Ví dụ như không nên tu tập Mật điển trước Kinh điển, hay nghiên cứu bồ đề tâm mà không biết về tái sinh làm người quý báu, quy y, lý duyên khởi v.v... 

Hãy cố tạo lập bản năng cho đường tu trọn vẹn không bị lầm lạc, và các khai thị tinh túy của đường tu trong tâm thức ngày qua ngày. Giống như thương gia cố bán được hàng càng nhiều càng tốt mỗi ngày, thì mình nên cố gắng gieo càng nhiều bạch chủng tử càng tốt mỗi ngày, để tạo ra càng nhiều công đức càng tốt. Trên thực tế thì ta có thể thực hiện pháp thiền lướt quán (glance meditation) về một bản văn ngắn, về những đường tu chung của Kinh điển và Mật điển, như Nền Tảng Của Mọi Phẩm Hạnh Tốt Đẹp (Yon-tan gzhi-gyur-ma), thường được học thuộc lòng, trì tụng một cách chậm rãi, và thiền quán, cũng có thể được tìm thấy trong Jorcho (sByor-mchod) pháp tu sơ khởi. Một văn bản khác là Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Nhiếp Tụng (Lam-rim bsdus-don), đề cập đến lục độ ba la mật. Tác phẩm này không rõ ràng như Nền Tảng Của Mọi Phẩm Hạnh Tốt Đẹp, nhưng bao gồm ba loại giới luật, là điều cũng gồm có lục độ ba la mật. Một tác phẩm khác mà mình có thể sử dụng cho pháp thiền lướt quán này là phần lam-rim trong Guru Puja-Lama Chopa (Bla-ma mchod-pa). Thiền lướt quán là một phương tiện hiệu quả, để ôn lại những gì mình đã học, và sắp xếp nó trong tâm trí một cách chung chung. Nó giống như việc xem xét một bản đồ, để xem tất cả các địa điểm nằm ở đâu, hay có tầm nhìn từ một đỉnh núi, từ trên không trung nhìn xuống khắp cả đồng bằng.

Hiện nay thì có lẽ khó có được kinh nghiệm về lam-rim, nhưng việc hành thiền lướt quán mỗi ngày sẽ gieo trồng chỉ giáo về nguyên cả bộ sưu tập giáo pháp trong tâm thức của mình. Khi thiền quán về lam-rim thì phải tuân theo đúng quy trình được nêu ra trong chỉ giáo. Trước hết, nên thiết lập động lực bồ đề tâm, và sau cùng, hãy hồi hướng. Khi thiết lập động lực ở đầu thời thiền, thì nên nghĩ rằng mình đang hành thiền vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Nếu như không thể thực hiện điều này, thì ít nhất nên phát tâm xả ly. Vào cuối thời thiền thì nên hồi hướng công đức mà mình đã tích tập cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh, và thành tựu Phật quả của tất cả hữu tình. Tôi khuyến tấn các bạn nên tận dụng tinh túy của kiếp người quý báu của mình, bằng cách thực hiện pháp tu này. “Tận dụng tinh túy” có ba cấp độ diễn giải: lớn, trung bình và nhỏ. Cấp độ lớn là để thành Phật trong kiếp này, cấp độ trung bình là để đạt được giải thoát, thoát khỏi mọi phiền não thô trọng, và cập độ nhỏ là để có được tự do, thoát khỏi những tái sinh thấp hơn.

Hồi Hướng

Nhờ mãnh lực của công đức tích tập được từ công hạnh này, nguyện cho con đoạn trừ căn nguyên của nỗi khổ, là tâm chấp vào tính thường hằng, tham ái và sân hận. Đặc biệt, nguyện cho con đoạn trừ mãnh lực chấp vào sự hiện hữu chân thật, là cội nguồn của khổ đau trong luân hồi. Nguyện cho tất cả chúng sinh thành tựu trạng thái bất tử cát tường, đó là Phật quả.

Hiện nay, trong thời mạt pháp thì việc thực hành giáo pháp trong một ngày sẽ tốt hơn hàng trăm hành vi đạo đức được thực hiện trong thời giáo pháp đang hưng thịnh. Thực hành Pháp có nghĩa là có một tấm lòng nhân hậu, tử tế, ân cần, bi mẫn, và tránh làm hại người khác. Đây là cách để đền đáp lòng nhân từ của chư bổn sư (guru). Thay vì giả vờ có lòng bi mẫn, trong khi nuôi dưỡng lòng hận thù, thì việc tu tập Pháp mà không tự phụ là tốt nhất. Milarepa có nói rằng: “Đừng chỉ tu tập vì hạnh phúc của riêng mình, mà còn vì hạnh phúc của tha nhân. Đây là cách để đền đáp công ơn của đấng bổn sư-từ phụ.”.

Cách tốt nhất cho những người mới bắt đầu tu học là trước tiên, học hỏi về thập ác và kềm chế tự thân, để không tạo tác chúng. Sau đó thì có thể từ từ tạo dựng pháp tu và hành thiền. Việc hành thiền ngay từ đầu có thể đưa đến sự thất vọng, “lung” (“tẩu hỏa nhập ma”) và lầm lẫn, do đó, người ta có thể dễ dàng có ác cảm với thiền. Đây là nền tảng vô hại nhất, được thiết lập vững chắc nhất, và không giả mạo, đối với việc tu tập Pháp. Đối với việc hành trì đạo đức trong thập thiện, thì phải có lòng tự trọng, quan tâm về cách hành vi của mình sẽ phản ánh về người khác như thế nào, có chánh niệm và tỉnh giác. Không nên làm bất cứ điều gì để làm hài lòng bản thân, mà hãy nghĩ về cách mình ăn mặc, hành động, suy nghĩ và nói năng sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao. Điều quan trọng nhất là không nên làm hại ai.

Top