Ruộng Phước, Thất Chi Nguyện, Mạn Đà La Và Thỉnh Cầu

Pháp Tu Thứ Tư: Quán Tưởng Ruộng Phước Dành Cho Sự Tiến Triển Tâm Linh

Pháp tu thứ tư trong số sáu pháp tu dự bị là quán tưởng một cánh đồng phì nhiêu dành cho sự tiến triển tâm linh (tshogs-zhing, Phạn ngữ: Punyakshetra). Nó thường thường được gọi là ruộng phước, nhưng có một ý nghĩa trong đó: Đó là một cánh đồng mà mình càng ngày càng gieo trồng nhiều hạt giống công đức trong đó hơn, để chúng sẽ phát triển. Và đó là một cánh đồng phì nhiêu; sẽ đem lại thu hoạch dồi dào. Một lần nữa, đây có thể là một hình ảnh cực kỳ phức tạp, hay chỉ là một hình ảnh đơn giản hơn, với vị bổn sư gốc của mình trong sắc tướng của một vị Phật ngự trên pháp tòa, như ta đã có trước đây.

Tôi sẽ không nói về thật nhiều chi tiết ở đây, nhưng chỉ một điểm nhỏ thôi. Về tư thế của Đức Phật thì tay phải của ngài chạm mặt đất, nên cánh tay hạ xuống, chạm vào đất, Đức Phật đang kêu gọi trái đất làm chứng cho việc Ngài đã đánh bại Ma vương (Mara). Ma vương là con của chư Thiên. Khi nói về Ma vương thì theo một cách, bạn có thể gọi chúng là ma quỷ, nhưng cũng là những chướng ngại mạnh mẽ. Đúng ra thì Mara xuất xứ từ tiếng Phạn mrta, nghĩa là “chết”.

Vậy thì một mặt, bạn có Ma vương trong hình thức của chướng ngại đã xảy ra cho Đức Phật, khi Ngài an tọa dưới cội bồ đề để biểu hiện tâm giác ngộ, đó là một ví dụ tuyệt vời. Bạn sẽ nghĩ rằng Đức Phật đã tích tập công đức lớn lao như vậy vào thời điểm mà Ngài sắp giác ngộ, rằng Ngài sẽ không phải gặp những chướng ngại mạnh mẽ như Ma vương, theo cách mà sự việc được miêu tả - với những cô gái nhảy múa và những điều như vậy. Nhưng càng cố gắng tạo thiện nghiệp mạnh mẽ hơn, thì mình càng có nhiều chướng ngại hơn, đó là điều mà việc này có xu hướng đem lại, và vị Bồ tát thật sự vĩ đại là người sẽ khắc phục được điều này. Vì vậy, nếu như bạn đang cố làm điều gì tích cực, mà lại gặp chướng ngại, thì không có gì đặc biệt. Hãy nghĩ về tấm gương của Đức Phật dưới cội bồ đề, hay Đức Dalai Lama và thái độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Ngài, về mặt những khó khăn mà Ngài phải vượt qua, và cách Ngài đối phó với điều đó, và cách Ngài không bị trầm cảm. Thế thì đừng bao giờ nghĩ rằng “Tội nghiệp cho mình quá. Tôi đã gặp những rắc rối như vậy.”. So với việc Đức Dalai Lama phải đối phó với người Trung Quốc thì rắc rối của chúng ta quá tầm thường.

Rồi thì Đức Phật cầm bình bát bằng tay trái và để nó trong lòng, và bình bát có ba loại cam lồ. Chữ cam lồ (bdud-rtsi, Phạn ngữ: amrita) có nghĩa là gì? Nó không truyền đạt hương vị thật sự của chữ này. Hãy nhớ Serkong Rinpoche đã nói ý nghĩa của mỗi một chữ, như vắt sữa bò - hình ảnh Ấn Độ của con bò như ý - để bạn có được tất cả những điều tuyệt vời từ nó. Amrita là từ tiếng Phạn. Mrita lại là chữ “chết”, mara, và với tiền tố a, nên nó được khắc phục - nên đây là cam lồ điều phục ma quỷ. Người Tây Tạng dịch nó ra một chữ có hai âm tiết; một âm tiết là chữ dành cho mara (bdud).

Các loại cam lồ là:

  • Thuốc men - để điều phục ma vương của các uẩn (ấm ma), (nên đó là bệnh tật)
  • Cam lồ trường thọ - để điều phục ma vương của cái chết (tử ma).
  • Cam lồ trí tuệ - để điều phục ma vương của phiền não (phiền não ma)

Càng đi sâu vào vấn đề tất cả mọi thứ đại diện cho điều gì, thì bạn lại càng thấy rất nhiều yếu tố trong đường tu được bao gồm trong tất cả những khía cạnh nhỏ này.

Pháp Tu Thứ Năm: Thất Chi Nguyện Và Cúng Dường Mạn Đà La

Có nhiều phiên bản của hành trì thất chi này. Có lẽ bản ra đời sớm nhất là trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện (Prayer of Samatabhadra), được tìm thấy ở phần cuối của Kinh Nhập Pháp Giới (Gandavyuha Sutra). Sau đó thì có một bản xuất xứ từ Bảo Hành Vương Chánh Luận (Precious Garland) của Long Thọ (Nagarjuna). Một bản rất thường được tu tập là trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior) của Tịch Thiên (Shantideva).

Lễ Lạy

Lễ lạy. Hãy tưởng tượng rằng thân mình nhân lên thành rất nhiều thân thể, và tất cả đều lễ lạy. Mỗi một chi trong thất chi này sẽ khắc phục một loại phiền não nào đó. Vậy thì điều này sẽ giúp ta vượt qua, hay đối trị tâm tự hào và kiêu hãnh. “Tôi rất tuyệt vời. Tôi sẽ không cúi đầu.”. Thái độ như vậy đó. 

Cúng Dường 

Hãy cố gắng làm điều này với các thức cúng dường Đức Phổ Hiền. Thế thì một Đức Phổ Hiền sẽ hóa hiện ra từ tim mình, ngài cầm một viên ngọc, hai vị Phổ Hiền hóa hiện ra từ tim của ngài (mỗi một vị đều cầm một viên ngọc), và từ mỗi một vị này lại hóa hiện ra thêm hai Đức Phổ Hiền, và sau đó thì số lượng của chư vị sẽ trở thành khổng lồ, như trong pháp du già (yoga) vi tế trong giai đoạn phát khởi của Vô Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra). Các ngài sẽ được hóa hiện ra theo thứ tự, và được đưa trở vào thân mình theo thứ tự. Tsenshap Serkong Rinpoche luôn giải thích mọi việc ở mức độ rất phức tạp của “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing”), luôn luôn với ý tưởng rằng điều này đi kèm với những pháp tu cao cấp hơn. Vậy thì đó là cách mà mình có được pháp quán tưởng này, dành cho pháp cúng dường Phổ Hiền.

Tôi nghĩ thật ra điều đó rất hữu ích, vì nó sẽ giúp ích rất nhiều về vấn đề kiêu hãnh, khi mình nghĩ rằng, “Ồ, nó sẽ rất đơn giản. Tôi có thể làm điều đó.". Bạn trình bày điều gì thật sự rất khó thực hiện, và nó không chỉ là một sự thử thách, mà còn là “Đây là điều mà có thể mình phải mất cả đời để tu tập một cách đúng đắn.”. Vậy thì sự kiện mà bạn sẽ hành trì điều này mỗi ngày không phải là điều ngu xuẩn, vì nó khó thực hiện, nên bạn sẽ phải tu tập và phát triển tự thân càng ngày càng nhiều hơn. Nó sẽ phát triển hạnh tinh tấn, hạnh tinh tấn hoan hỷ này, mà như Đức Dalai Lama nói - điều mang lại cho Ngài sức mạnh to lớn nhất là nghĩ về việc tích tập công đức trong ba vô lượng a tăng kỳ kiếp. Nếu bạn nghĩ về việc “Tôi sẽ thành tựu giác ngộ chỉ trong một kiếp hay ba năm”, điều mà Ngài gọi là “tuyên truyền của đạo Phật”. Mình rất dễ nghĩ rằng, “Tôi muốn có một món hời. Tôi không muốn khổ công tu tập. Nên tôi sẽ thành tựu giác ngộ với giá rẻ.”. Ý của tôi là có thể đạt được giác ngộ trong ba năm – đó không phải là điều hoàn toàn vô nghĩa - mà còn có thể được sử dụng như một sự tuyên truyền, để thu hút mọi người, vì họ sẽ nghĩ rằng đó là việc dễ dàng. Nó không dễ chút nào. Chữ “tuyên truyền” là của Đức Dalai Lama. Tôi không hề bịa đặt ra điều đó.

Pháp quán tưởng đơn giản hơn một chút dành cho pháp cúng dường Đức Phổ Hiền là bạn hóa hiện thành một Đức Phổ Hiền. Ngài cầm một viên ngọc. Vô lượng tia sáng tỏa ra từ viên ngọc này, và mỗi một tia sáng chứa đựng những lễ vật khác nhau, như chén nước, hoa, hương, v.v... Dễ dàng hơn một chút.

Pháp cúng dường sẽ đối trị tâm keo kiệt.

Sám Hối Nghiệp Chướng

Tiếp theo là công khai thừa nhận những sai sót và lỗi lầm mà mình đã tạo ra trong quá khứ, những ác nghiệp trước đây của mình, và áp dụng bốn lực đối trị. Bốn lực này là những yếu tố rất quan trọng mà mình phải luôn luôn áp dụng:

1. Ăn năn - về hành vi sai lầm trước đây của mình. Không phải là tội lỗi, mà là ăn năn. “Tôi thật sự ước gì mình đã không làm điều đó.”. Nó không phải là cảm giác tội lỗi, là điều tạo ra chuyện lớn về những điều tôi đã làm (“Nó rất xấu xa”), và đối với tôi thì vì mình đã làm điều đó, nên “Tôi rất xấu xa”, rồi không buông bỏ điều đó. 

2. Nhất quyết không lặp lại hành vi ấy - một trong những nguyên tắc cho điều này là không hứa hẹn rằng: “Tôi sẽ không bao giờ tái phạm điều này trong quãng đời còn lại”, vì có lẽ bạn sẽ không thể giữ lời hứa ấy. Hãy bắt đầu một cách chậm rãi: “Tôi sẽ không làm điều này trong tuần tới.”. Rồi tháng sau, năm sau, và kéo dài thời gian mà bạn sẽ thật sự nỗ lực, để không lặp lại loại hành vi tiêu cực mà bạn đã làm trong quá khứ.

3. Khẳng định lại quy y và bồ đề tâm.

4. Đối trị tính tiêu cực bằng hành vi tích cực - có hàng loạt các hành vi mà mình có thể sử dụng).

Nói chung thì điều này sẽ giúp mình khắc phục tam độc:

  • Tham ái - về điều gì mà bạn không có; luyến ái - nếu như đã có được nó, thì không muốn buông bỏ; và tham lam - muốn nhiều hơn nữa.
  • Sân hận hay thù địch.
  • Si mê về nhân quả hay thực tại, không phải vô minh về việc bây giờ là mấy giờ rồi.

Đây là cơ sở cho lý do tại sao mình hành động một cách tiêu cực. Chúng ta hành động vì ảnh hưởng của tam độc này. Chúng đầu độc tâm mình. 

Tùy Hỷ

Chi thứ tư trong thất chi là tùy hỷ về thiện nghiệp mà người khác và chính mình đã tạo tác. Xét về người khác thì đó là chúng sinh phàm trần, chư Thanh văn (shravaka), Duyên giác (pratyekabuddha), Bồ tát và Phật. Điều này sẽ khắc phục tâm ganh tỵ và đố kỵ.

Khi nói về việc khắc phục những phiền não này, thì điều bạn sẽ cố gắng làm là quán sát tự thân, “Tôi có những phiền não này hay không?”, và cố nhận ra chúng, và tu tập với những pháp tu này, không chỉ trong thời thiền ở đây. Khi bạn nghe tin người nào thành công, v.v..., thì hãy chú ý, xem mình có khuynh hướng đố kỵ này hay không: “Ồ, ước gì mình đã làm điều đó”, hay “Ước gì điều đó không xảy ra với họ. Ước gì điều đó xảy ra với tôi”, và vân vân. Đó là khi bạn phải đối trị nó với tâm tùy hỷ. Hãy mừng cho họ. Ngài Tịch Thiên có nói: “Nếu như bạn ước mong tất cả mọi người đều giác ngộ, vậy thì vấn đề của bạn là gì, khi họ thành công trong một vài lãnh vực thế tục?” 

Thỉnh Chuyển Pháp Luân

Sau đó, chi thứ năm là thỉnh cầu chư Phật và chư đạo sư thuyết Pháp. Điều này giúp ta khắc phục xu hướng từ bỏ hay loại bỏ giáo pháp. “Tôi không cần nó. Tôi biết tất cả mọi thứ.".

Thỉnh Thầy Trụ Thế

Sau đó, chi thứ năm là thỉnh cầu chư Phật và chư đạo sư không nhập niết bàn. Điều này giúp ta khắc phục lỗi lầm trong việc lạm dụng hay xem thường đạo sư của mình - “Con không thích thầy”, hay “Con không thích cách thầy dạy”, v.v... - nên dĩ nhiên là các ngài sẽ bỏ đi. Xem thường đạo sư. “Tôi không cần thầy.”.

Hồi Hướng 

Sau đó là hồi hướng cho sự giác ngộ của tất cả chúng sinh. Điều đó giúp ta ngăn ngừa tâm sân hận. Tâm sân phá hủy công đức mà mình đã tích lũy. Bạn đã tích tập một số công đức, và theo một nghĩa nào đó thì bạn muốn giữ gìn nó trong thư mục (folder) giải thoát hay giác ngộ, chứ không giữ nó trong thư mục luân hồi, và bạn không muốn làm nó yếu kém đi với tâm sân hận.

Có hai khai thị về điều này, trong các tác phẩm của chư đạo sư Ấn Độ vĩ đại:

  • Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Tịch Thiên thì ngài nói rằng khi sinh tâm sân hận với một vị Bồ tát, bạn sẽ tiêu hủy công đức của hàng ngàn a tăng kỳ kiếp. Các bài luận giải thì giải thích rằng đặc biệt là khi tâm sân hận của mình hướng về một vị Bồ tát có chứng ngộ cao hơn mình.
  • Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti), trong tác phẩm Nhập Trung Đạo (Engaging in Madhyamaka) nói rằng tâm sân tiêu hủy công đức của hàng trăm a tăng kỳ kiếp. Theo các luận giải thì đây là khi mình là một vị Bồ tát, và sân hận với một vị Bồ tát khác, có chứng ngộ ngang hàng với mình.

Vậy thì con số là hàng ngàn, nếu như vị Bồ tát ấy có chứng ngộ cao hơn mình, và hàng trăm, nếu như vị Bồ tát có chứng ngộ ngang hàng với mình. Đó là lý do có sự khác biệt về số lượng trong hai tác phẩm này.

Điều này trở thành một đề tài rất khó khăn. Trước tiên thì các sách vở này dường như chỉ nói về tâm sân hướng về chư Bồ tát. Rồi thì câu hỏi là: Liệu nó có phá hủy công đức mà tôi đã tích tập nói chung, cho tất cả mọi việc không? Tôi có nghe một lời giải thích là nó chỉ phá hủy công đức mà mình đã tích lũy riêng đối với vị Bồ tát đó thôi, và bây giờ, khi nổi giận với vị bồ tát ấy, thì nó sẽ phá hủy những công đức đó. Đúng ra thì đó là lời giải thích chủ yếu mà tôi đã nghe. Vì đã có vô lượng kiếp và vô lượng chúng sinh, nên mình đã tích tập nghiệp lực lớn lao với tất cả chúng sinh. Vậy thì ở đây, nghiệp này khá cụ thể.

Thế thì phải phân biệt giữa luận giải về một câu cụ thể nào trong một bản văn, và lời khuyên chung. Lời khuyên chung là đừng sân hận với người khác, vì nói chung thì nó sẽ hủy hoại công đức của mình. Khi bản văn đưa ra những con số tuyệt vời này, thì đó là trường hợp cụ thể. Vậy thì phải phân biệt hai điều này, nếu không thì bạn sẽ hoảng sợ. “Ồ, tôi đã nổi giận với con chó của tôi, và bây giờ tôi đã làm tiêu tan hết rồi. Tôi đã hủy hoại công đức của hàng ngàn a tăng kỳ kiếp.”. Nếu làm như vậy là không biết sử dụng trí thông minh của con người, để phân biệt khi điều gì áp dụng được, và khi nó không áp dụng được. Đâu là bối cảnh mà mình có thể áp dụng một giáo pháp nào đó, và khi nào thì không áp dụng nó được? Phải hiểu rõ bối cảnh, để áp dụng giáo pháp. Đừng hiểu theo kiểu cuồng tín, rằng chỉ cần nổi giận với một con muỗi là mình sẽ hoàn toàn tiêu diệt công đức của hàng ngàn a tăng kỳ kiếp. Nếu sự tình là như vậy, thì không ai còn chút hy vọng nào cả.

Chữ được sử dụng ở đây có ngụ ý là tàn phá (bcom) công đức. Nó không có nghĩa là tiêu hủy hoàn toàn. Nó có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để cho nó trổ quả, và khi nó thật sự trổ quả, thì sẽ trổ một cách yếu ớt hơn nhiều. Chữ này có nghĩa là như vậy. Một lần nữa, phải luôn luôn nhìn vào ý nghĩa của những từ ngữ được sử dụng. Thường thì chúng sẽ được dịch bằng những chữ không truyền đạt đúng ý nghĩa. Vì vậy, khi bạn thấy thắc mắc vì điều gì, thì luôn luôn hỏi thầy về định nghĩa của chữ đó. Các vị Geshe Tây Tạng có thể nói về các định nghĩa, nếu các ngài được đào tạo một cách đúng đắn trong môn tranh biện. Các Thầy phải học thuộc lòng tất cả các định nghĩa.

Cúng Dường Mạn Đà La

Sau đó là cúng dường một mạn đà la thỉnh cầu [Xem thêm: Mạn Đà La Là Gì?]. Có rất nhiều chỉ giáo về cách làm điều đó. Thật ra thì đây không phải là cơ hội để chia sẻ điều này với các bạn, nhưng ở một mức độ thì mình đang cúng dường toàn bộ vũ trụ. “Con muốn cúng dường tất cả mọi thứ, để làm lợi lạc cho tha nhân.”. Điều này được đại diện bằng mạn đà la. Dù mình có tưởng tượng, hay xem núi Tu Di và các lục địa, hay trái đất, hay thái dương hệ, hoặc thiên hà, hay bất cứ điều gì là đại diện cho vũ trụ, thì không thành vấn đề. Vấn đề là nó là tất cả mọi thứ.

Hãy nhớ khai thị tuyệt vời của Tông Khách Ba về cách thực hành hạnh bố thí trong Lam-rim chen-mo (Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ). Khi mình thực hiện một pháp cúng dường nhỏ như một Bồ tát có tâm nguyện, thì đây chỉ là một sự đại diện cho việc cúng dường tất cả các pháp cho tất cả chúng sinh. Và trong bối cảnh cúng dường mọi thứ cho tất cả chúng sinh, thì tôi đã cúng dường một bát nước cho chú chó của mình. Điều duy nhất mà tôi đang cúng dường sẽ đại diện cho tất cả mọi thứ, và con chó đại diện cho tất cả chúng sinh. Vậy thì ta sẽ tự rèn luyện mình, để có được phạm vi đó đối với việc cúng dường mạn đà la, khi mà nó thật sự là toàn bộ vũ trụ, và dành cho tất cả chúng sinh.

Ở một mức độ khác, nếu như nhìn vào lời kệ cúng dường mạn đà la, thì mình cũng đang tưởng tượng vạn pháp là tịnh độ, nên ta đang cúng dường cảnh trí của một tịnh độ, giống như những điều mà chư Bồ tát thánh nhân có được trong môi trường của họ, khi các ngài thọ nhận giáo pháp từ chư Phật, hiển lộ qua Báo thân. Vậy thì hãy tưởng tượng rằng “Nguyện cho tất cả chúng sinh đều có được điều kiện hoàn hảo nhất để tu học.”.

Pháp Tu Thứ Sáu: Đưa Nguồn Cảm Hứng Từ Chư Đạo Sư Dòng Truyền Thừa Vào Trong Tâm Thức

Pháp tu dự bị thứ sáu là ban nguồn cảm hứng từ chư đạo sư dòng truyền thừa cho tâm thức của mình, theo chỉ giáo để thực hiện lời thỉnh cầu. Thế thì ta sẽ thỉnh cầu đạo sư và Đức Phật quang lâm, và ở lại với mình không chỉ trong suốt thời thiền, mà là trong mọi lúc.

Chúng ta có rất nhiều kệ thỉnh cầu và pháp tu, thường thì nó được dịch là ban phước (bless) cho con về điều này hay điều kia. Một lần nữa thì điều này cho ta một ý nghĩa khá lầm lạc. Điều mà mình muốn có là nguồn cảm hứng, và ta đang mở lòng ra: xin truyền cảm hứng cho con, nâng cao tinh thần của con, giúp cho con sáng suốt. Đây là tất cả những ý nghĩa của chữ byin-gyis rlabs, mà chẳng may được dịch là ban phước cho con.

Chư Phật đang ban nguồn cảm hứng, vì công hạnh giác ngộ của các ngài, trinley ('phrin-las). Đúng ra thì công hạnh giác ngộ của chư Phật là ảnh hưởng giác ngộ. Các bản văn luôn mô tả rằng chư Phật không phải làm gì cả; chỉ là cách hiện hữu của các ngài sẽ ban nguồn cảm hứng, và thăng hoa tất cả chúng sinh. Vậy thì đó là công hạnh giác ngộ, mà tôi thích dịch là ảnh hưởng giác ngộ của một vị Phật. Không phải là Phật đi ra ngoài và giúp đỡ người này, người kia, dù hiển nhiên là có những hóa thân đang làm điều gì tương tự như vậy, nhưng đó là điều bất dụng công từ phía một vị Phật.

Vậy thì không phải là mình phải thỉnh cầu điều đó, bởi vì nếu như không thỉnh cầu, thì một vị Phật sẽ không tạo ra ảnh hưởng giác ngộ này. Ảnh hưởng giác ngộ giống như mặt trời; nó luôn luôn tỏa sáng trong mọi lúc. Vấn đề là khi dâng lời thỉnh cầu thì mình đang mở lòng ra, để nhận ảnh hưởng giác ngộ này. Chúng ta nghe trong những bài giảng là phải luôn luôn thỉnh cầu đạo sư thuyết Pháp, vì vị thầy sẽ không tự tiện thuyết Pháp, mà chỉ giảng dạy khi được thỉnh cầu. Bạn phải hiểu điều đó một cách đúng đắn. Một đạo sư luôn luôn giảng dạy. Đức Phật luôn luôn phát huy ảnh hưởng giác ngộ này. Mặt trời luôn chiếu sáng, nhưng chúng ta sẽ không nhận được giáo pháp này, trừ khi mình thỉnh cầu, nên hãy mở lòng ra. Thế thì đó là việc thỉnh cầu.

Hãy thỉnh cầu bổn sư giáng lâm, ngự trên hoa sen và mặt trăng trên đỉnh đầu mình - Phật ở khắp mọi nơi, nên đây chỉ là nghĩa bóng - để mở lòng ra, hãy ở gần con, chăm sóc con bằng lòng nhân từ, và ban cho con những thành tựu thân, khẩu, ý của ngài, để con được giống như ngài. Thế là một bản sao của Đức Phật ở trước mặt sẽ quang lâm và ngự trên đỉnh đầu bạn - ngài nhỏ bé, được làm bằng ánh sáng, trong suốt, nên không phải là “Ồ, ngài rất nặng” - và bạn thỉnh cầu Đức Phật ở trước mặt ban những làn sóng cảm hứng cho mình trong dạng các tia sáng. Chúng thấm vào tim, và thân ta tràn đầy ánh sáng, đoạn trừ bóng tối của những thái độ thiếu cởi mở của mình, những chướng ngại về mặt tinh thần. Rồi vị Phật ở phía trước hòa tan vào bản sao trên đầu mình - trong các bản văn nghi lễ thì ta sẽ hành trì một bài thất chi nguyện ngắn, và cúng dường mạn đà la một lần nữa – rồi Đức Phật ngự ở đó trong suốt thời thiền, trên đỉnh đầu mình, để nhắc nhở ta tập trung tinh thần, không tán tâm, cởi mở và tiếp thu, để có được tuệ giác và thật sự phát khởi những tâm trạng mà mình đang tu tập trong thời thiền, hay nếu như đang hành trì một thời công phu ngondro, thì sẽ phát khởi tâm trạng của pháp tu sơ khởi.

Thông thường, nếu như có một thời thiền sau đó, thì bạn sẽ tụng bài Khấn Nguyện Đức Văn Thù: Tán Thán Bậc Thông Tuệ (Manjushri Prayer: Praise to the Intelligent One) - đó gọi là Gang-loma (Gang blo-ma) trong tiếng Tây Tạng - để có được cảm hứng, và cũng có nhiều pháp quán tưởng khác nhau với bài này, để giúp cho tâm trở nên nhạy bén hơn.

Chúng ta cũng có thể giữ bổn sư trên đỉnh đầu với thời gian còn lại trong ngày. Nếu như đang hành trì rất nhiều lễ lạy ngondro, thì đừng hiểu nó theo nghĩa đen một cách quá khích, rằng bổn sư sẽ rớt khỏi đầu tôi, nếu như mình lễ lạy. Tóc của bạn không rớt khỏi đỉnh đầu khi bạn lễ lạy, đúng không?

Serkong Rinpoche đã có những ví dụ tuyệt vời này, khi mọi người lo lắng rằng: “Con đang sinh hoạt trong ngày, vậy thì làm sao mà tưởng tượng mình mang sắc tướng của vị Hộ Phật này, với tất cả những tay chân này, v.v...”. Ngài nói rằng, “Con có mặc quần áo suốt ngày, phải không?”. Vậy thì dù bạn có nhận thức được quần áo của mình nhìn ra sao hay không, và bạn trông như thế nào, v.v..., thì bạn vẫn mặc quần áo suốt cả ngày, nên bạn vẫn mang sắc tướng của vị Hộ Phật này.

Trong bất cứ trường hợp nào, thì cũng có một cách khác để quán tưởng, trong đó bạn có thể tưởng tượng vị bổn sư ngự trên đỉnh đầu sẽ đi vào trong tim của mình.

Kết Luận

Đây là pháp tu sơ khởi gồm có sáu phần, và là một pháp tu rất hữu ích, để hành trì dưới hình thức này hay hình thức khác, vào phần khởi đầu của thời thiền, hay trong thời khóa của pháp tu sơ khởi. Bạn cũng thấy nhiều pháp tu trong số những pháp tu này ở phần đầu của tất cả nghi quỹ Mật tông dài. Luôn luôn có pháp quy y, bồ đề tâm, cầu nguyện dòng truyền thừa và thỉnh cầu nguồn cảm hứng. Chúng là những yếu tố trọng yếu trong tất cả các pháp tu của mình.

Top