Cách Sở Hữu Và Sắp Xếp Phẩm Vật Cúng Dường

Hành trì dự bị thứ hai là quan tâm đến việc sở hữu các thức cúng dường mà không có đạo đức giả, và sắp xếp chúng một cách đẹp đẽ. 

Các Loại Phẩm Vật Cúng Dường 

Khi A Đề Sa (Atisha) đến Tây Tạng thì ngài đã khuyên mọi người nên cúng dường nước. Hiển nhiên là dân chúng rất nghèo, và Tây Tạng có nguồn nước trong sạch tuyệt vời như vậy, nên đó sẽ là một món tuyệt diệu để cúng dường. Ngoài ra, nó còn miễn phí, nên bạn không thể phàn nàn là mình không có tiền, vì bạn không bao giờ quá nghèo để cúng dường chỉ một cốc nước nhỏ (mà sau đó thì bạn có thể uống). Truyền thống là cúng dường nó trong bảy cái chén, vậy thì có bảy bát nước, và có cách để cúng dường và sắp chén. Đó là điều mà người nào có thể chỉ cách cho bạn.

Vậy thì có một cách truyền thống để làm điều này. Một lần nữa thì nó nên biểu hiện lòng tôn trọng. Bảy chén là dành cho bảy chi trong Thất Chi Nguyện. Khi thức dậy vào buổi sáng, sau khi đi vệ sinh hay làm bất cứ điều gì mà bạn phải làm, thì hãy quét dọn và dọn dẹp phòng ốc, rồi sắp xếp chén nước. Bạn sẽ dọn dẹp chúng vào cuối ngày, thường là vào buổi chiều (nếu bạn ở nhà và có khả năng dọn dẹp chúng vào buổi chiều; nếu không thì vào lúc hoàng hôn). Hãy dẹp nước một cách tôn trọng, điều đó có nghĩa là không chỉ đổ nó vào trong bồn cầu. Người ta có thể tưới cây, nhưng nếu như làm như vậy mỗi ngày thì bạn sẽ làm cho cây bị úng. Vậy thì ít nhất là đổ nước vào bồn rửa chén, chứ không phải bồn cầu, dù rõ ràng là nó sẽ chảy đến cùng một nơi, nhưng lại là cách thể hiện lòng tôn trọng hơn một chút.

Thông thường thì người ta sẽ cúng một chút trà hay cà phê đầu tiên trong ngày. Và nếu như bạn cúng dường thực phẩm hay điều gì tương tự - điều này khá phổ biến - thì đừng để thức ăn ở đó cho đến khi nó bị hư. Hoặc nếu như bạn sống ở một nơi có chuột hoặc gián, hay những loại côn trùng khác sẽ bu lại để ăn đồ cúng dường, thì việc giữ nó trong chai thủy tinh là điều mà Rinpoche luôn đề nghị, đặc biệt là ở Ấn Độ. Đó là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ. Tôi không biết ở đây thì sao. Và với việc cúng dường thức ăn thì sau đó, mình có thể dùng nó, nhưng không được vứt vào thùng rác. Và hiển nhiên là nếu bạn sẽ cúng dường hoa hay những thứ tương tự như vậy thì hãy dùng hoa tươi, đừng để cho nó héo.

Rõ ràng là việc cúng dường rộng rãi thì rất tốt, nếu bạn có khả năng làm như vậy, nhưng đừng bị phụ thuộc vào nó; đừng nghĩ rằng bạn không thể hành thiền, trừ khi bạn sắp xếp những thức cúng dường này. Phải rất linh hoạt với việc hành thiền và tu tập hàng ngày. Điều đó có nghĩa là nếu như đang đi du lịch, cho dù bạn đang ở trên xe lửa, một chuyến xe lửa qua đêm, hoặc chuyến bay qua đêm, hay ở ga xe lửa, hoặc sân bay, hay bất cứ nơi nào, thì bạn vẫn có thể hành trì pháp tu hàng ngày. Điều quan trọng là tâm trạng và lòng tôn trọng đối với những gì bạn đang làm, và ít nhất là hãy tưởng tượng xung quanh mình là một nơi sạch sẽ, tôn nghiêm.

Đối với chúng ta thì có lẽ hơi khó khăn, vì hầu hết chúng ta đều thích một nơi yên lặng khi hành thiền. Đối với những người trong số các bạn đã từng sống trong một tu viện Tây Tạng - hoặc ở Ấn Độ, đối với vấn đề này – thì sẽ biết rằng nó không yên tĩnh chút nào, gần như không bao giờ yên tĩnh. Các chú tiểu sẽ tụng lớn tiếng bài kinh mà các chú phải học thuộc lòng, và sẽ làm điều đó vào đêm khuya. Sau đó, mọi người thức dậy rất sớm vào buổi sáng và rung chuông, thổi kèn vân vân. Tất cả mọi người đều tu tập lớn tiếng. Nếu bạn có bao giờ đến thăm sân biện luận trong một tu viện Tây Tạng, thì có thể có hàng trăm người biện luận - theo cặp, hai hoặc ba người – đứng kế bên nhau hét lên trong khi biện luận. Đây là cách luyện khả năng tập trung khó mà tưởng tượng nổi. Bạn không thể thể tồn tại trong một tu viện Tây Tạng và trải qua khóa tu tập biện luận, trừ khi bạn có khả năng tập trung thật là tốt.

Nếu bạn đã từng tham dự một trong những lễ điểm đạo hay nghi lễ này với Đức Dalai Lama, thì sẽ thấy nó phi thường ra sao, bởi vì trong khi Ngài đang tự thực hiện nghi lễ, thì vị chủ lễ sẽ hướng dẫn chư tăng và trì tụng điều gì hoàn toàn khác biệt trên loa phóng thanh, và Đức Dalai Lama không hề bị ảnh hưởng chút nào vì điều này. Đó không phải là tiếng tụng niệm nhỏ, mà được phát ra từ hệ thống loa phóng thanh khổng lồ trong giảng đường, đặc biệt là ở phương Tây. Vậy thì đây là một ví dụ về hình thức tu tập này.

Chúng ta cũng phải có khả năng hành trì pháp tu vân vân, ngay cả khi có tiếng động xung quanh. Điều này có thể rất khó khăn. Hãy cho là bạn sống trong một căn phòng, và vì bạn sống chung với người khác, nên họ vặn truyền hình lên. Để có thể công phu trong khi người khác đang vặn truyền hình ở trong phòng, hay ở căn hộ kế bên, thì điều này có thể rất khó khăn. Đó là lý do tại sao bạn quán tưởng và tưởng tượng đây là tịnh độ, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo, và thuận lợi cho việc hành thiền, thay vì ngồi đó càu nhàu và chửi rủa vì có tiếng truyền hình ồn ào ở căn hộ kế bên.

Tám Phẩm Chất Của Nước

Bây giờ, nói về nước thì rất thú vị. Trong Đại Thừa Tối Thượng Luận  - Uttaratantra trong tiếng Phạn, Gyu lama (rGyud bla-ma) trong tiếng Tây Tạng - của Đức Di Lặc, một bản văn Ấn Độ tuyệt vời về Phật tánh và quy y, có nói về tám phẩm chất của nước, và người ta có thể rút ra những lợi lạc từ mỗi một phẩm chất của nước. Đó là một danh sách khá thú vị. Ý của tôi là, bạn không chỉ nhìn vào các danh sách như là những danh sách, và nói rằng “Ồ, chán quá”, nhưng sẽ thấy là mình có thể học hỏi được điều gì từ đó.     1. Nước thì phải mát - lợi ích của điều này là nó có thể trổ thành khả năng giữ giới thanh tịnh. Bây giờ thì điều này có phù hợp hay không? Mát mẻ. Bạn sẽ hạ nhiệt, từ sức nóng của phiền não, nên có thể giữ giới. Thế thì nó gợi ý về những điều có lợi. Toàn bộ ý tưởng thật ra là bạn sẽ thấy mọi nét đặc trưng, mọi khía cạnh có thể nhắc nhở chúng ta điều gì trong hành trì của mình, để giữ chánh niệm. “Chánh niệm” (dran-pa) có nghĩa là “giữ gìn”, “ghi nhớ”. Nó giống như chất keo tinh thần. Vậy thì hãy nhớ. Làm sao bạn có thể nhớ các việc? Vậy thì tất cả mọi thứ sẽ đại diện cho một điều gì khác.

Chúng không phải là những biểu tượng. Biểu tượng là điều mà khi nhìn vào thì bất cứ ai trong nền văn hóa nào cũng biết nó là gì. Khi thấy một vòng tròn màu vàng với những tia màu vàng nhỏ tỏa ra thì mọi người sẽ biết đó là biểu tượng của mặt trời. Trong khi những điều này là những sự đại diện, có nghĩa là bạn phải học hỏi, phải được dạy nó đại diện cho điều gì, vì nó không rõ ràng. Vậy thì nếu bạn chỉ cho người nào xem bức ảnh của Đức Quán Thế Âm, thì họ sẽ không bao giờ có được ý niệm hay manh mối nào rằng đây là điều đại diện cho lòng bi mẫn. Nó không phải là một biểu tượng; nó đại diện cho điều đó. Vậy thì chúng ta phải học hỏi những điều này.

2. Rồi thì nước phải ngon - lợi ích của điều này là mình có thể có được thức ăn ngon miệng nhất. Nếu như nó ngon, thì mình cũng nghĩ là có thể cúng dường những món có hương vị tốt nhất, để làm hài lòng người khác.

3. Nước thì phải nhẹ – tôi không chắc là nước nhẹ nhàng có nghĩa là trái ngược với nước nặng nề hay không. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì nó phải nhẹ nhàng. Lợi ích của điều này là tâm trí và cơ thể của bạn sẽ bền bỉ – nên nó chỉ nhắc nhở mình về điều này - và nó rất nhẹ nhàng, linh hoạt. Nói cách khác thì tôi đoán là nó không bị đóng băng, bởi vì nếu như nó đông đặc lại thì mới nặng nề.

4. Trôi chảy – giống như dòng hiểu biết của mình sẽ trôi chảy.

5. Trong trẻo – để tâm trạng của mình được minh mẫn.

6. Không dơ bẩn – vậy thì nó thanh tẩy các ám chướng, và tâm thức của mình không dơ bẩn.

7. Không làm hại bao tử – để mình không bị bệnh.

8. Không làm hại cho cổ họng, bằng cách tạo ra bướu cổ - tôi nghĩ rằng người ta đã nhận thức ra rằng việc thiếu chất iốt (iodine) trong nước có thể tạo ra bướu cổ. Bướu cổ là sự tăng trưởng của khối u lớn trên cổ, vì thiếu tuyến giáp, thiếu chất iốt. Lợi ích của đặc điểm này là giọng nói sẽ du dương.

Trong bất cứ trường hợp nào thì khi cúng dường nước tinh khiết và trong sạch - vậy thì nếu như nước vòi của bạn có đủ các loại hóa chất, thì hãy cúng dường nước khoáng (mineral water), nước tinh khiết hơn – thì mình sẽ có lòng tôn trọng hơn một chút, đúng không? Hoặc nếu như bạn có máy lọc nước, thì sẽ rẻ hơn. Nói cách khác là khi cúng dường bất cứ món gì, thì bạn muốn nó phải là những thứ sạch sẽ nhất, đẹp đẽ nhất và tinh khiết nhất mà mình có được. Và nó sẽ tích tập nhân cho bản thân, tâm thức và tất cả mọi thứ của mình được trong sáng và thanh tịnh. Và điều này cũng thể hiện lòng tôn trọng, như một phẩm vật cúng dường.

Có Được Các Thức Cúng Dường Mà Không Liên Quan Đến Vấn Đề Đạo Đức Giả

Nếu như mình nhận được các thức cúng dường, thì kinh sách có nói hãy làm điều đó mà không có đạo đức giả. Bây giờ, điều này trở nên rất, rất là thú vị. Kinh sách phân biệt giữa hàng cư sĩ (chủ hộ) và giới xuất gia (tăng ni). Đối với các chủ hộ thì điều quan trọng là bạn sinh nhai một cách trung thực. Vậy thì nếu như bạn sắm sửa các thức cúng dường từ việc kiếm sống và có được chúng mà không gian lận, không bán giá quá cao, không có loại hành vi thiếu trung thực này. Tuy trong các giáo pháp khác thì ta có thể nghe là có một số ngành nghề mà mình nên tránh, như chế tạo và buôn bán vũ khí, và đại loại như vậy - sản xuất, buôn bán và phục vụ rượu, nhân viên pha rượu (đó không phải là nghề nghiệp tốt, vì nó chỉ là một nghề khuyến khích và giúp cho người khác say sưa) - nhưng điểm nhấn ở đây, và thường là điều quan trọng hơn, là tính trung thực.

Có rất nhiều người chăn gia súc ở Tây Tạng và Mông Cổ, và bán một số thú vật này để người ta làm thịt, chứ không phải để chúng cung cấp các sản phẩm làm từ sữa thôi. Khi tôi ở Úc với Khensur Ogyen Tseten, một vị Lạt ma vĩ đại – ngài là một vị cựu Trụ Trì của một trong những trường cao đẳng Mật tông, và là thầy của Geshe Ngawang Dhargyey - và người ta đã hỏi ngài rằng: “Con sống ở một vùng xa xôi ở Úc. Kỹ nghệ duy nhất ở đó, nghề duy nhất ở đó là nuôi trừu, và hiển nhiên là chúng sẽ được gởi đi để làm thịt. Vậy thì con nên làm gì?". Và ngài đã nói rằng, “Nếu không có cách nào khác để kiếm sống, thì điều chủ yếu là phải đối xử tốt với trừu, nuôi chúng với lòng nhân từ và bi mẫn càng nhiều càng tốt, theo khả năng của mình, và trung thực với việc làm ăn của mình.”. Nhưng tôi nghĩ điều này hơi khác một chút, so với việc người nào buôn bán vũ khí.

Nhưng đối với chư tăng ni thì đây là những lời khai thị về điều thường gọi là năm bất chánh mạng, nên phải hiểu điều đó trong bối cảnh này. Rồi thì rất là thú vị, bởi vì nó đưa đến cả một đề tài gây quỹ cho trung tâm Phật giáo, giống như việc gây quỹ cho tu viện. Làm thế nào để bạn có được cúng dường, hay việc đóng góp tịnh tài từ các thí chủ? Đây là những điều mà bạn phải tránh:

1. Tâng bốc - “Bạn rất tuyệt vời”, và vân vân. Vậy thì bạn sẽ tâng bốc người đó, để họ đóng góp tịnh tài.

2. Gợi ý là mình cần điều gì - “Ồ, trung tâm Phật giáo thật là cần cái này hay cái kia.”. Bạn không yêu cầu họ trực tiếp, nhưng gợi ý - cố gắng đánh lừa họ, theo một cách nào đó. Hay là “Lần trước bạn đóng góp thì ích lợi biết bao nhiêu. Bạn rất tử tế. Bạn giúp ích rất nhiều.” Vậy thì đây là điều gợi ý: “Hãy đóng góp thêm đi!”.

3. Hăm dọa - “Nếu như bạn không đóng góp, thì những điều nguy hiểm sẽ xảy ra cho bạn, và bạn sẽ bị nghèo.”. Vậy thì đây là tiền bảo kê: “Hãy đóng góp tịnh tài cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm puja (lễ cúng dường) cho bạn, và sẽ không có điều gì nguy hiểm xảy ra cho bạn.”. Điều này giống như mafia (ông trùm), như tiền bảo kê, đúng không? Nhưng người ta lại làm điều đó; đó chính là vấn đề.

4. Hối lộ - Bạn cho người ta món gì nho nhỏ, và hy vọng họ sẽ cho mình món gì lớn hơn. Bạn cho họ một sợi mala (chuỗi tràng hạt), hay một ít đồ rẻ tiền, một bức tranh Quán Thế Âm nhỏ, hay món gì tương tự, và hy vọng là họ sẽ tặng cho mình một món gì lớn. Bạn biết mà, giống như trong lá thơ gởi đi để quyên tiền, và bạn để một món quà nhỏ trong đó. Đại loại như vậy. “Nếu như bạn đóng góp mười nghìn rúp (rubles), thì chúng tôi sẽ gởi cho bạn như một món quà đặc biệt, đó là một chiếc áo thun có hình Đức Quán Âm. Và nếu bạn đóng góp một trăm ngàn, thì chúng tôi sẽ gởi cho bạn một cái máy nướng bánh mì”, hay món gì tương tự như vậy.

5. Giả vờ - bạn giả vờ thánh thiện, khi những người bảo trợ đến – bạn sẽ ngồi một cách hoàn hảo, và mọi việc thật là tốt đẹp - để cố gây ấn tượng với họ là mình thánh thiện như thế nào.

Điều này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ khá nhiều, đặc biệt, nếu như mình tham gia vào việc gây quỹ cho trung tâm Phật giáo.

Hiện nay thì đương nhiên là phương pháp truyền thống mà chư tăng sử dụng là đi khắp nơi khất thực bằng bình bát, và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhưng đó là trong một xã hội mà các hộ gia đình có phong tục thí thực cho chư tăng ni. Điều này khó khăn hơn nhiều trong xã hội của chúng ta, nơi mà người dân nói chung không có phong tục này. Vì vậy, như tôi có nói là nó sẽ khó khăn, vì toàn bộ hoạt động kinh doanh quảng cáo vân vân, sẽ được phát họa theo nhiều cách để dụ người ta mua món gì đó. Vậy thì trong khi cố gắng gây quỹ thì bạn phải thật sự xem xét rất kỹ phương pháp mà mình sẽ sử dụng, và cố gắng không dùng những cách không thích hợp này, hoặc giống như một công ty quảng cáo, đừng cố lừa gạt người khác bằng những mẹo quảng cáo và những điều như vậy.

Top