“Thất Chi Nguyện” Như Một Pháp Tu Hoàn Chỉnh

Video: Thubten Chodron — “Tầm Quan Trọng Của Lòng Sùng Mộ”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tĩnh Tâm Bằng Cách Chú Ý Vào Hơi Thở

Điều đầu tiên phải làm trước khi bắt đầu công phu hành thiền nào, hay tham dự một buổi thuyết Pháp, là tĩnh tâm, để dễ tiếp thu hơn. Chúng ta sẽ làm điều này bằng cách chú tâm vào hơi thở. Hãy thở bình thường bằng mũi, không quá nhanh, không quá chậm, không quá sâu, không quá cạn, và đếm chu kỳ của hơi thở. Có một vài cách đếm. Cách tiêu chuẩn là bắt đầu chu kỳ bằng một hơi thở ra, sau đó không dừng lại, rồi hít vào và đếm số sau khi hít vào, mà không nín thở. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thấy dễ dàng hơn khi bắt đầu chu kỳ bằng cách hít vào, thở ra một cách tự nhiên, sau đó dừng lại một chút khi thở ra, và đếm số lúc tạm dừng. Theo một trong hai phương pháp này thì mình sẽ đếm đến số mười một, sau đó lặp lại chu kỳ mười một hai hay ba lần, tùy vào tốc độ của mình. Xin hãy thực hành như vậy.

Nhân tiện đây, xin nói rằng chỉ đếm hơi thở, nếu như mình bị phân tâm. Nếu như không bị phân tâm thì không cần phải đếm. Có thể mình chỉ tập trung vào cảm giác của hơi thở vào và ra, khi thở bình thường. Có thể nhìn xuống sàn nhà, hoặc nhắm mắt lại, nhưng tốt nhất là mở mắt. Nếu như mở mắt một chút thì tâm sẽ vững vàng hơn là tách rời khỏi những người xung quanh và đi vào cõi thần tiên nào trong tâm thức. Đại thừa nhấn mạnh việc kết nối với mọi người. Đó là lý do tại sao các phương pháp Đại thừa nhấn mạnh việc hành thiền mà mở mắt, chứ không nhắm mắt.

Tái Khẳng Định Động Lực

Tiếp theo, hãy xem xét và khẳng định lại động lực của mình. Trong đạo Phật, “động lực” không chỉ đơn thuần là điều mà nó thực hiện trong ngôn ngữ phương Tây. Trong ngôn ngữ phương Tây thì nó thường chỉ đề cập đến những lý do cảm xúc đằng sau những gì mình đang làm. Vậy thì điểm nhấn là tâm lý hay cảm xúc nhiều hơn. Định hướng tâm lý của mình rất quan trọng, nhưng trong đạo Phật thì động lực chủ yếu đề cập đến chủ ý của mình. Mục tiêu của mình là gì? Chúng ta muốn đạt được điều gì, từ việc hành thiền, hay nghe thuyết Pháp? Khi ngồi thiền hay nghiên cứu, hay đến lớp học, thì phải xác định lại những điều mình muốn đạt được. Rồi trên hết là để hỗ trợ cho mục tiêu thì ta sẽ khẳng định lại lý do mà mình muốn hoàn thành nó, cả về mặt lý trí và tình cảm.

Điều mà mình đang cố gắng làm đối với việc lắng nghe giáo pháp, hay thiền quán về những điều mình đã học được từ đó. là một phần của toàn bộ quá trình mà tôi gọi là “noi theo phương hướng an toàn và tích cực trong đời sống”. Nó thường được gọi là “quy y”. Hầu hết chúng ta ở đây đều có phương hướng đi này trong cuộc sống, mà mình đã chọn lựa một cách rất có ý thức. Phương hướng này được Pháp nêu ra. Pháp đề cập đến trạng thái chứng ngộ viên mãn của một vị Phật, trong đó tất cả những khiếm khuyết và hạn chế của tâm đã được đoạn trừ, và tất cả các phẩm chất và tiềm năng tích cực đã được chứng ngộ đầy đủ. Đó là những điều mình muốn đạt được. Giáo pháp chỉ cho ta biết cách để thực hiện điều này.

Chư Phật đã ban pháp quy y, vì các ngài đã hoàn toàn đạt được trạng thái tịnh hóa và chứng ngộ viên mãn này. Tăng nói về những bậc chứng ngộ cao, thánh nhân, những người đã có nhận thức vô niệm về tánh Không một cách trực tiếp. Các ngài đã thành tựu một vài việc tịnh hóa. Các ngài đã đoạn trừ một số khiếm khuyết mãi mãi, và chứng ngộ một số tiềm năng tích cực trong tâm thức. Các ngài đã thật sự đi đến một giai đoạn nào đó.

Cộng đồng xuất gia là một biểu tượng đại diện cho Tăng đoàn. Việc sử dụng chữ Tăng thân để nói về những người đến trung tâm Phật giáo hoàn toàn là một quy ước của phương Tây. Nó đang dịch chữ “giáo đoàn nhà thờ” thành thuật ngữ đạo Phật. Nó hoàn toàn không liên quan gì với Phật giáo truyền thống. Mặc dù cộng đồng của trung tâm Phật giáo thì quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là đối tượng quy y. Những người đến trung tâm Phật giáo có thể rất phiền não. Một trung tâm chỉ là một nhóm người có thể, hay không thể noi theo phương hướng giải thoát và Phật quả. Tăng Bảo là những người đã thực hiện những bước nào đó theo chiều hướng đó. Điểm quan trọng là phải hiểu điều này.

Điều rất thú vị là người ta nói rất cụ thể rằng khi quy y thì không phải là mình quy y nhân cách của Đức Phật hay chư thánh nhân. Nhân cách hoàn toàn là một biến số. Điều đem lại quy y là chứng ngộ của các ngài, và các trạng thái mà các ngài đã đạt được, về việc đoạn trừ khiếm khuyết.

Hơn nữa, trong công thức quy y của người Tây Tạng, có cả vị bổn sư trong đó, thì mình không bao giờ quy y nhân cách của bổn sư. Đúng hơn thì bổn sư đại diện cho Phật tánh và khả năng tu tập, tịnh hóa và thành tựu chứng ngộ Phật tánh một cách viên mãn. Đó là điều mà Đức Phật đại diện. Điều đó rất quan trọng, bởi vì nếu như rất rõ ràng là phương hướng của mình trong đời sống không liên quan gì đến nhân cách, vấn đề chánh trị của một trung tâm Phật giáo, với tất cả những thứ linh tinh trong luân hồi này, thì pháp quy của mình rất vững chắc. Đó là Phật, Pháp và những bậc có chứng ngộ cao. Như tôi thường lặp đi lặp lại là bạn mong đợi điều gì từ luân hồi? Luân hồi sẽ đem lại cho mình rác rến và đau khổ. Phương hướng trong đời sống của mình không nên được luân hồi chỉ định. Điều này phải rất rõ ràng.

Vậy thì việc hành thiền hay đi nghe thuyết Pháp là một bước trong phương hướng tích cực; vì mình khẳng định lại pháp quy y của mình. Chúng ta muốn tịnh hóa tất cả những thứ linh tinh trong tâm mình, và chứng ngộ tất cả những tiềm năng theo cách mà chư Phật đã chứng ngộ viên mãn, và cách mà các bậc chứng ngộ cao đã bắt đầu thực hiện. Sự hỗ trợ cảm xúc cho điều đó là nỗi sợ hãi và ghê tởm của mình đối với luân hồi tái diễn một cách bất tự chủ, và tự tin rằng quy y sẽ giúp cho mình thoát khỏi điều này.

Chúng ta cũng khẳng định lại bồ đề tâm. Chẳng hạn như trong một bài giảng về nghiệp và học hỏi về nghiệp, thì mục tiêu của mình là giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt. Điều gì đang ngăn cản mình giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt? Đó là tất cả những ác nghiệp mà mình phải trải qua. Vậy thì mình muốn học cách thấu hiểu và khắc phục điều đó, để có thể giúp đỡ người khác nhiều hơn. Đó là mục tiêu của chúng ta. Đó là những gì mình sẽ khẳng định lại. Thứ hai là cũng phải khẳng định lại và củng cố lòng từ bi, đó là sự hỗ trợ cảm xúc cho mục tiêu của mình, là đạt được giác ngộ để tạo lợi lạc tốt nhất cho tha nhân.

Nếu như mình làm tất cả những điều này trước khi hành thiền, thì sẽ giúp cho việc hành thiền có ý nghĩa hơn nhiều. Ta sẽ biết mình muốn hoàn thành điều gì. Đây là lý do tại sao mình đang ngồi thiền. Chúng ta không nói về những yếu tố khác như cảm thấy bắt buộc, hay thực hiện nó một cách máy móc, là điều quan trọng để xem xét. Mục tiêu của mình là điều trọng yếu. Câu hỏi là: “Tôi đang làm gì ở đây, và tại sao lại làm như vậy?”. Phải làm cho lý do của mình là điều có ý thức. Nếu như hiểu rõ lý do, thì mình sẽ tái khẳng định nó. Đây là một bước rất có ý nghĩa. Không phải là điều tầm thường. Không chỉ là việc tụng một vần kệ. Hãy làm điều này trong chốc lát.

Rồi thì mình sẽ trì tụng và hành trì “Thất Chi Nguyện”.

Lễ Lạy

Trước tiên là lễ lạy. Khi đã xác định lại phương hướng mà mình muốn noi theo - cụ thể là đạt giác ngộ, để có thể giúp đỡ người khác một cách tốt nhất, và không chỉ để có được thời gian vui vẻ, mà việc lễ lạy sẽ hoàn toàn đưa mình vào phương hướng này. Chúng ta tự gởi mình theo phương hướng này, thể hiện lòng tôn trọng với những người đã đi theo phương hướng này, và thành tựu nó, tôn trọng sự giác ngộ trong tương lai của chính mình, mà ta đang hướng đến, để thành tựu nó với bồ đề tâm, và tôn trọng Phật tánh của tự thân, điều sẽ giúp cho mình đạt được mục tiêu này. Nhờ vậy mà mình sẽ thể hiện lòng tôn trọng đối với cấp độ kết quả, đường tu và nền tảng.

Chúng ta sẽ nhìn vào biểu tượng mà mình đang sử dụng, để nhắc nhở bản thân về cội nguồn quy y của mình - một bức tranh hay tôn tượng, thường là của một vị Phật - và cố gắng chánh niệm về điều mà nó thể hiện: những phẩm chất từ thân, khẩu, ý của một vị Phật. Đó là những điều mình muốn đạt được, để có thể giúp đỡ chúng sinh một cách trọn vẹn nhất. Với thái độ này thì mình sẽ lễ lạy. Rồi thì nó rất có ý nghĩa. Chúng ta sẽ dấn thân một cách trọn vẹn vào điều này. Mình không chỉ lạy mà không có ý nghĩ gì.

Khi hành trì Thất Chi Nguyện thì mình sẽ tưởng tượng là mình đang lạy. Vào những lúc khác thì mình sẽ lạy bằng thân thể, trì tụng câu kệ – bằng ngôn ngữ nào thì không thành vấn đề - và nghĩ về phẩm chất của Tam Bảo như điều mà mình muốn đạt được, và tự tin rằng mình có thể đạt được, với bồ đề tâm, trên nền tảng Phật tánh của mình. Theo cách này thì ta sẽ đưa hết thân khẩu ý của mình theo phương hướng này. Hãy tưởng tượng điều đó.

Cúng Dường Đại Định

Khi cúng dường thì chủ đề chính cũng là quy y và bồ đề tâm. Chúng ta sẽ sẵn sàng cúng dường món gì, để có thể quy y, để đạt giác ngộ và tạo lợi lạc cho người khác? Một chén nước thì không đáng kể lắm. Nước chỉ là đại diện cho một cái gì đó. Điều mà ta sẵn sàng cúng dường là bản thân mình. Chúng ta sẵn sàng trao tặng thời gian, sức lực, mọi nỗ lực, tấm lòng của mình cho việc noi theo phương hướng tu tập này, để có thể giúp đỡ người khác càng ngày càng nhiều hơn nữa.

Điều này có thể được thực hiện một cách công phu, hay đơn giản. Chúng ta thường cúng bảy chén nước. Chúng có thể đại diện cho bảy chi trong Thất Chi Nguyện. Ở một mức độ khác thì mình có những phẩm vật gọi là cúng dường ngoại tại, đó là cúng dường nước, hoa, nhang, vân vân. Tuy nhiên, có một khai thị rất tuyệt của một bậc thầy vĩ đại phái Sakya, Chogyal Pagpa (Chos-rgyal Phags-pa). Ngài là thầy của Kublai Khan. Ngài đã đưa đạo Phật đến Mông Cổ vào giữa thế kỷ thứ 13. Ngài dạy rằng bảy phẩm vật cúng dường này có một biểu tượng sâu sắc hơn, mà ngài gọi là “cúng dường samadhi, đại định”. Nói cách khác là mình tập trung vào điều gì mà các phẩm vật này tượng trưng, khi cúng dường. Tôi thấy điều này rất hữu ích cho việc hành trì Thất Chi Nguyện. Nó làm cho pháp tu này có ý nghĩa hơn.

Thức cúng dường đầu tiên là nước. Nước đại diện cho việc đọc sách và nghiên cứu. Ta sẽ sử dụng bất cứ điều gì mà mình đọc được hay nghiên cứu, để giúp đỡ người khác. Không chỉ đọc truyện tranh hài hước để vui cười, mà là đọc những điều quan trọng hơn, dạy mình cách giúp đỡ người khác, tự hiểu mình, và cải thiện bản thân. Đây là những điều mà mình cúng dường, và không chỉ cúng dường điều này cho chư Phật, mà là cho tất cả mọi người, cho những ai mà mình muốn giúp đỡ. Ta sẽ cúng dường tất cả mọi điều mà mình đã học được cho tất cả mọi người. Đây là những điều mình sẽ sử dụng để giúp đỡ mọi người.

Tiếp theo là hoa. Hoa mọc từ nước. Điều phát triển từ việc đọc sách và nghiên cứu là kiến thức, và mình sẽ cúng dường điều này bằng hình thức của hoa.

Nhang đại diện cho giới luật, giới luật mà mình sẽ sử dụng để giúp đỡ người khác. Chúng ta sẽ không hành động theo những cách cũ, mà sẽ tự giữ giới, để hành động một cách lợi lạc, hữu ích và không làm tổn thương ai. Ta sẽ cúng dường cam kết này cho chư Phật, đạo sư và tất cả mọi người. Chư Phật không cần giới luật của mình. Chúng ta đang nói với chư Phật và chư đạo sư rằng, “Đây là những điều con sẽ làm.”. Ta sẽ cúng dường giới luật và việc phụng sự của mình cho các vị. Nhang có hương thơm tuyệt vời. Khi người nào có giới luật thanh tịnh thì sẽ tỏa ra một mùi hương tuyệt vời, được gọi là “hương thơm của giới đức”. Đây là lý do mà nhang đại diện cho việc cúng dường giới hạnh thanh tịnh.

Thức cúng dường tiếp theo là ánh sáng, được đại diện bằng đèn bơ, nến, và những thứ tương tự. Nó đại diện cho tuệ giác mà mình đã có được, mà muốn sử dụng nó để khai sáng cho người khác.

Tiếp theo là nước thơm hay nước hoa, nước thơm để rưới lên thân thể, để làm cho thân tươi mát. Điều này tượng trưng cho tâm xác tín. Chúng ta đã đọc và nghiên cứu (nước), đã có được kiến thức (hoa), đang sử dụng giới luật (hương) để hành thiền về nó, và sử dụng nó để giúp đỡ người khác, và với giới luật này, mình đã đạt được một số tuệ giác và hiểu biết (ánh sáng). Bây giờ thì mình có tâm xác tín về giáo pháp (nước hoa). Nó giúp cho mình tươi mới, thoát khỏi nghi ngờ và do dự thiếu quyết đoán. Đó là một tặng phẩm vĩ đại. Nếu như mình vững tin, dựa vào sự hiểu biết và kinh nghiệm thật sự, không chỉ cuồng tín, thì cũng giúp cho người khác có được lòng tự tin, an toàn và vững chãi.

Thức ăn đại diện cho đại định. Khi đạt được các tầng thiền định rất cao, thì mình sẽ được nuôi dưỡng bằng định tâm, và không cần thức ăn. Chỉ khi nào mình xác tín về giáo pháp, thì mới có thể đưa định tâm nhất điểm vào đó. Nếu như mình nghi ngờ về giáo pháp, thì không thể áp dụng định tâm. Khi giúp đỡ người khác thì phải tập trung tinh thần, không suy nghĩ về điều gì khác, hay ngủ gục. Mình phải có mặt ở đó. Đó là tặng phẩm tuyệt vời để trao cho người khác.

Thức cúng dường cuối cùng là nhạc, đại diện cho việc giảng dạy và giải thích cho người khác. Nó không phải là một buổi thuyết Pháp trang trọng, hay sâu sắc và nghiêm túc. Nó có thể chỉ là cách nói năng có ý nghĩa, có lòng mà không phóng đại hay ngại ngùng. Đó là âm nhạc tuyệt vời nhất mà mình có thể trao tặng người khác.

Việc cúng dường này có thể rất sâu rộng. Nó không chỉ là điều tầm thường. Dĩ nhiên là mình cũng có thể cúng dường hoa, nước và nhang để tạo ra một bầu không khí tốt đẹp. Nó có ý nghĩa ở mức độ này, nhưng phải hiểu rằng có nhiều ý nghĩa ở nhiều mức độ về tất cả mọi điều trong giáo pháp. Việc bắt đầu đi vào mức độ sâu sắc hơn là điều hữu ích.

Như tôi đã giải thích, nói chung thì chúng ta nói rằng mình sẵn sàng trao tặng tất cả mọi thứ, thời gian, năng lượng của mình, hay bất cứ điều gì cần thiết để giúp đỡ người khác. Tịch Thiên (Shantideva), bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ, định nghĩa thái độ bố thí là “tâm sẵn sàng bố thí”, dù mình có thứ gì để bố thí hay không. Nếu không thì người nghèo không thể phát triển tâm lượng này. Chắc chắn mình có thể bố thí năng lượng, thời gian và tấm lòng cho pháp quy y này, để cải thiện bản thân và giúp đỡ người khác nhiều hơn.

Công Khai Thừa Nhận Lỗi Lầm Và Khuyết Điểm Của Mình

Chi thứ ba của pháp tu thường được dịch là “sám hối”. Nhưng điều đó đem lại sự liên kết không cần thiết và có lẽ là lầm lạc với các hệ thống tư tưởng ngoại đạo. Thay vì vậy thì ta sẽ công khai thừa nhận rằng không phải lúc nào mình cũng có thể giúp đỡ người khác; đôi khi thì mình lười biếng, phóng dật, ích kỷ, vân vân. Trong bối cảnh của nghiệp thì ta sẽ thừa nhận rằng đôi khi mình hành động một cách rất tiêu cực, nhưng cũng hối hận về điều đó, và ước gì mình đã không làm những điều đó. Không phải là mình phải cảm thấy tội lỗi. Chúng ta thật sự không muốn như vậy. Điều đó hoàn toàn khác với cảm giác tội lỗi.

Sau đó thì mình nói rằng sẽ cố gắng hết sức để không lặp lại điều đó. Chúng ta sẽ cố gắng. Ta không thể hứa sẽ không bao giờ hành động một cách tiêu cực nữa. Điều đó vô lý, nhưng mình sẽ cố gắng. Làm sao để khắc phục điều này? Đó là bằng cách noi theo phương hướng an toàn của quy y và bồ đề tâm. Ta sẽ khẳng định lại rằng đó là những điều mình sẽ làm. Đó là nền tảng của mình. Cuối cùng thì hãy áp dụng các lực đối trị để chống lại những sai lầm và khuyết điểm của mình, điều đó có nghĩa là áp dụng bất cứ điều gì mà mình học được ở đây như một pháp đối trị. Ta sẽ sử dụng nó để noi theo phương hướng này, không chỉ làm điều đó mà không có lý do. Đó là chi thứ ba, công khai thừa nhận lỗi lầm và khuyết điểm của mình.

Tùy Hỷ

Thứ tư là tùy hỳ. Là người Tây phương thì tôi cảm thấy điều này khá quan trọng đối với chúng ta, để thay đổi thứ tự ở đây. Thông thường thì trước tiên là mình tùy hỷ với chư Phật và vân vân. Tôi nghĩ rằng vì rất nhiều người trong số chúng ta có vấn đề với lòng tự ti, nên sau khi nêu ra những khuyết điểm của mình thì trước tiên, phải tùy hỷ về những phẩm chất tốt của tự thân. Chúng ta đã thừa nhận rằng đôi khi thì mình hành động một cách phá hoại và ích kỷ, nhưng đôi khi thì mình cũng có hành động xây dựng. Cần phải khẳng định lại và tùy hỷ trong tất cả những điều tích cực và xây dựng mà mình đã từng làm. Ở mức độ cơ bản hơn thì tất cả chúng ta đều có Phật tánh, nghĩa là tất cả chúng ta đều có khả năng để giúp đỡ, có lòng bi mẫn và hiểu biết. Điều đó tuyệt vời. Thật là tuyệt diệu. Chính trên cơ sở này mà mình có thể phát triển và thành Phật, nhờ vào tất cả những điều tích cực và xây dựng mà ta đã làm. Điều quan trọng là cảm thấy tích cực về bản thân và khả năng của mình, sau khi đã thừa nhận khuyết điểm của mình.

Rồi thì ta tùy hỷ với chư Phật, những bậc đã chứng ngộ Phật tánh của các ngài, và với những người đang tu tập theo hướng đó. "Con tùy hỷ với các ngài! Các ngài đã thực hiện điều đó! Hoan hô!”. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta tùy hỷ vì thực tế là các ngài đã dạy cách làm điều đó. Chúng ta tùy hỷ vô cùng về điều đó. “Con không thể tạ ơn chư Phật và chư đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng đủ, vì đã giảng dạy điều này, đã giải giảng và viết chúng trong sách vở. Điều này thật là tuyệt vời và vô cùng nhân từ! Xin cảm tạ các ngài! Con thật sự xem trọng điều này một cách sâu xa.”. Đó là tình cảm mà mình muốn cảm nhận ở đây. Các ngài đã có thể thành tựu các chứng ngộ này một cách dễ dàng, rồi đi đến một cõi Phật để nghỉ ngơi mà không thèm ngó ngàng gì đến mình.

Thỉnh Cầu Giáo Pháp 

Chi tiếp theo là thỉnh cầu giáo pháp. Nó thường được gọi là “thỉnh chuyển Pháp luân”, nhưng điều đó nghe có vẻ hơi trừu tượng. Chúng ta rất biết ơn chư Phật đã thuyết Pháp. Bây giờ thì mình nói rằng, “Xin hãy dạy cho con! Con muốn học hỏi. Con hoàn toàn cởi mở.”. Ta có thể làm điều này trước khi vào lớp học, trước khi hành thiền, hoặc trước khi học hỏi kinh sách ở nhà. Không phải là thỉnh cầu ai ban cho mình một cái gì đó, nhưng khi thực hiện thỉnh cầu này thì mình đang thật sự truyền cảm hứng cho tự thân. Chúng ta muốn đạt được một cái gì đó, để học hỏi một cái gì đó. Bạn có thể thấy cách mà điều này đang tạo ra một tâm trạng dễ tiếp thu hơn hay không?

Thỉnh Thầy Trụ Thế

Chi thứ sáu là thỉnh cầu chư đạo không nhập niết bàn (parinirvana), có nghĩa là không bỏ đi. Điều này có nghĩa gì ở mức thực tế? Nó nói với chư Phật và chư đạo sư rằng “Con thật sự nghiêm túc. Xin các ngài đừng bỏ đi. Xin hãy dạy dỗ con, cho đến khi con đạt giác ngộ. Con muốn đi trọn đường tu. Xin đừng bỏ đi nửa chừng.”. Đó là điều chính: ta thật sự sẽ làm điều đó, dù phải mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu kiếp.

Hồi Hướng

Bước cuối cùng là hồi hướng. Đó là bước quan trọng nhất trong mọi bước. Ta sẽ hồi hướng bất kỳ công đức và nhận thức sâu sắc nào mình đã tích tập được từ hành trì này cho tự thân và cho tất cả chúng sinh, để đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. 

Tóm Tắt

Chúng ta sẽ hành trì pháp tu sơ khởi thất chi này trước buổi thuyết Pháp, trước khi học hỏi, trước khi hành thiền, hay trước khi làm điều gì tích cực. Điểm chính là mình không chỉ muốn tạo nghiệp tốt, mà còn muốn làm những hành động tạo dựng giác ngộ. Vì vậy, nếu như mình hành trì pháp tu Thất Chi Nguyện này như một hành động để tạo dựng giác ngộ, thì nó sẽ tuyệt vời như một pháp tu hàng ngày. Không cần nhiều thời gian. Chúng ta có thể thực hành nó trong một phút, nửa giờ, hay một giờ. Nó tùy vào cách mình thích làm điều đó. Nếu như mình muốn tụng một vài câu kệ, thì rất tốt. Chúng ta có thể tụng một vài câu kệ, sau khi đã phát khởi ý nghĩa của nó trong lòng. Nếu như mình tạo ra ý nghĩa trước, thì những vần kệ không chỉ trống rỗng. Ngay cả khi mình không tiếp tục thực hiện bài thiền nào khác, thì tự thân nó cũng là một hành trì trọng đại.

[Về bài kệ cầu nguyện của Tịch Thiên, xin xem: Thất Chi Nguyện]

Xin đừng xem thường pháp tu Thất Chi Nguyện. Pháp tu này rất dễ bị xem thường, cũng như pháp quy y.

Câu Hỏi Về Việc Cúng Dường

Đôi khi thì mình cúng dường tám chén nước, và hai chén đầu tiên có nước, sau đó là hoa, vân vân. Tại sao vậy?

Trong các truyền thống Phật giáo thì có rất nhiều cách để làm mọi việc, nên không có một cách nào là “đúng”. Đó là điều rất quan trọng để nhận ra. Khuynh hướng của chúng ta ở phương Tây là tư duy về Kinh Thánh: một chân lý, một Thượng Đế, một cách đúng đắn, và tất cả những thứ khác đều sai, đều là dị giáo. Tám chén nước bao gồm hai chén cúng dường nước; nếu có chín chén nước thì có ba chén cúng dường nước; nếu như có mười chén nước thì có bốn chén cúng dường nước, vân vân.

Theo nghĩa đen thì ta đang thỉnh mời chư Phật và Bồ tát đến nhà mình, như thể các ngài đang đi chân trần trên đường bụi bặm, nóng bỏng ở Ấn Độ. Trước tiên thì mình sẽ cúng dường cho cái ngài nước uống. Rồi đến nước rửa chân. Đó là nếu như mình chỉ cúng dường hai chén nước. Chén thứ ba là để rưới lên thân các ngài để tắm rửa. Tiếp theo, ta sẽ thỉnh mời các ngài dùng một bữa ăn, nên chén nước thứ tư sẽ thỉnh mời các ngài rửa miệng.

Ở trên bàn thì có những bông hoa rất đẹp. Thường thì người Ấn Độ sẽ rải hoa trên mặt đất, khi một vị khách danh dự đến bàn tiệc, hay sẽ choàng một vòng hoa vạn thọ trên cổ của vị khách. Rồi họ sẽ thắp nhang. Thường thì nếu như đó là một đạo sư, thì họ sẽ thắp nhang và cung thỉnh ngài đến bàn ăn, hay đặt nhang ở gần bàn, để có hương thơm. Rồi họ sẽ thắp một ngọn nến trên bàn. Nước hoa giống như khăn ăn có hương thơm. Chúng ta cũng có phong tục giống như vậy, đúng không? Rồi thì mình sẽ dọn một bữa ăn ngon, và mở nhạc du dương. Đây là nguồn gốc theo nghĩa đen của các phẩm vật cúng dường này - chúng là những thứ mà mình sẽ cúng dường, khi cung thỉnh chư Phật và chư Bồ tát đến nhà của mình, để làm các ngài vui lòng và thoải mái.

Việc cúng dường như vậy là một cách rất tốt, không chỉ làm cho chư đạo sư và chư Phật vui lòng, mà khi tưởng tượng điều này thì mình cũng cố tận hưởng nó, và cảm thấy vui vẻ mà không phải theo cách phiền não. Chúng ta không phàn nàn là hoa không đủ đẹp, nhang thơm sẽ làm cho mình ho, thức ăn sẽ làm cho mình mập, và vân vân. Không có những sự lo lắng này, chỉ đơn giản có sự tận hưởng và lạc thú thanh tịnh. Việc không phàn nàn là một điều rất tuyệt vời để trưởng dưỡng. 

Không phải tất cả các chén đều có nước, mà một số thì có gạo. Ý nghĩa của gạo là gì? Chén đựng hoa thì nên có nước hay là gạo? 

Cả hai đều ổn. Những bông hoa mà người Tây Tạng sử dụng thường là những hạt giống khô mà người ta tìm thấy ở miền nam Ấn Độ, nên sẽ không tươi lâu trong nước. Chúng ta sẽ không để hoa hay nhang trong chén nước. Chỉ vì lý do thực tế này mà mình mới để chúng trên chén gạo. Nó không có sự khác biệt nào.

Tôi không thể nhấn mạnh đủ là có nhiều cách để làm cùng một việc. Khi đến một trung tâm khác, hay một tu viện khác ở Ấn Độ, và thấy sự việc hơi khác biệt một chút, thì mình không cần phải thấy sốc là họ đang làm “sai” điều đó, và cách làm của mình là “đúng”. Ngay cả trong cùng một truyền thống thì các tu viện khác nhau sẽ làm những điều khác nhau. Điều quan trọng đối với việc cúng dường là tâm trạng, và việc có một hình thức hay cấu trúc nào mà ít nhất là có lòng tôn trọng và hài lòng về mặt thẩm mỹ, bởi vì mình muốn tạo ra niềm vui.

Top