Cải Thiện Môi Trường Bằng Việc Ăn Chay

11:51

Có nhiều cách để xử lý những vấn đề về môi trường, như sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm từ xe công nghiệp và xe cộ, vân vân, nhưng một  cách khác, có lẽ ít được công khai hơn là tác hại của việc sản xuất thịt. Việc giảm tiêu thụ thịt và khuyến khích ăn chay là những biện pháp bảo vệ môi trường không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có sự ủng hộ của hầu hết các tôn giáo trên thế giới.

Trong hầu hết các xã hội, những xã hội phát triển và đang phát triển, việc tiêu thụ thịt được coi là dấu hiệu của sự sung túc. Một trong những khát vọng đầu tiên mà mọi người có khuynh hướng nhắm vào, sau khi thoát khỏi cảnh nghèo khó là được ăn thịt. Mặc dù chế độ ăn giàu chất đạm trong thịt sẽ giúp cho việc gia tăng mức độ dinh dưỡng của những người bị suy dinh dưỡng, nhưng khoa học y tế đã phát hiện việc tiêu thụ quá nhiều thịt là điều bất lợi cho sức khỏe. Đó là vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số dạng ung thư. Từ quan điểm kinh tế thì mặc dù việc sản xuất thịt công nghiệp sẽ đem lại việc làm cho nhiều người, nhưng những tác động bất lợi lâu dài đối với kinh tế và môi trường thì vượt xa những ích lợi đó.

Theo một báo cáo gần đây của Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc thì 18% lượng khí thải nhà kính trên thế giới bắt nguồn từ việc chăn nuôi, cụ thể là từ nước tiểu và phân của những con thú được nuôi để cung cấp thực phẩm. Trên toàn thế giới, chỉ heo và gà thôi là đã sản xuất nửa triệu ký phân mỗi một giây. Đó là sáu mươi lần nhiều hơn so với toàn bộ dân số con người tạo ra. Lượng khí thải nhà kính từ chất thải động vật này nhiều hơn 40% so với lượng khí thải từ tất cả các động cơ mô tô, bao gồm máy bay và tàu thủy trên toàn thế giới. Hơn nữa, gần hai phần ba lượng khí thải amoniac chịu trách nhiệm đối với mưa axit, xuất phát từ chất thải động vật.

Nếu nhìn vào số liệu cho tất cả mọi thứ liên quan đến việc nuôi động vật để làm thức ăn thì những con số thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn nữa. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì 70% tất cả đất đai nông nghiệp và trên thực tế thì 30% của tổng diện tích đất trên bề mặt hành tinh được sử dụng để trồng thức ăn cho động vật, trong khi chỉ có 8% được sử dụng để chế biến thức ăn cho con người; phần còn lại được sử dụng để nâng cao nhiên liệu sinh học. Hơn nữa, 28,4 triệu lít nước mỗi giây được sử dụng cho động vật ở nông trại, và để tưới vụ mùa được trồng trọt để nuôi chúng. Vấn đề đất bị xói mòn vì việc phát quang đất rừng để trồng lượng thức ăn này lên tới 40 tỷ tấn đất mỗi năm. Nếu tính mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cần thiết để chế biến thức ăn chăn nuôi, vận chuyển nó đến các nhà máy và điều hành các nhà máy, vận chuyển thức ăn được xay đến các nhà máy nông trại và điều hành các nông trại đó, chuyên chở động vật đến lò mổ và điều hành những nơi này, vận chuyển thịt chế biến đến các nhà máy chế biến và điều hành những nhà máy này, và vận chuyển thịt đã được chế biến đến các cửa hàng và giữ lạnh thì cần có số nhiên liệu hóa thạch gấp mười một lần để tạo ra một calo từ chất đạm của động vật, so với một calo từ chất đạm của thực vật.

Những thống kê này đã nêu ra rõ ràng những phí tổn khổng lồ đối với môi trường và nền kinh tế toàn cầu về việc sản xuất và tiêu thụ thịt. Và nếu xu hướng hiện tại cứ tiếp tục thì kết quả là thậm chí sẽ có nhiều thịt được sản xuất hơn, và gây ra nhiều thiệt hại hơn cho môi trường. Một xu hướng như vậy sẽ không bền vững và chỉ có thể kết thúc trong thảm họa. Không có đủ đất và không đủ nước để nuôi đủ cây trồng, để nuôi số lượng động vật cần thiết, nếu tất cả mọi người trên thế giới đều ăn nhiều thịt như người dân ở Hoa Kỳ, hay ngay cả ở đây, tại Hồng Kông, sẽ tiêu thụ mỗi năm. Câu hỏi cấp bách là làm thế nào để đảo ngược xu hướng này.

Đối với những người không theo tôn giáo thì lý lẽ thông thường sẽ cho họ biết rằng việc ăn chay, hay ít nhất việc giảm tiêu thụ thịt là đường hướng hợp lý duy nhất để chọn lựa. Đặc biệt, đó sẽ là vấn đề, nếu như những người này nghĩ đến hậu quả mà con cháu họ sẽ phải đối mặt, nếu họ không cải thiện thói quen thiển cận của mình. Đối với những người chỉ quan tâm về mặt vật chất thì bên cạnh đó, nền kinh tế cũng cho họ biết rằng tác động tiêu cực lâu dài của xu hướng tiêu thụ thịt ngày càng tăng hiện nay sẽ vượt xa lợi ích ngắn hạn của lợi nhuận từ ngành công nghiệp sản xuất thịt.

Tuy nhiên, đối với những người theo tôn giáo hoặc triết học thế giới thì mỗi một hệ thống tín ngưỡng này sẽ ủng hộ việc ăn chay, từ giáo lý của họ. Đạo Phật nhấn mạnh lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Vì tất cả chúng sinh đều có thể tái sinh trong bất kỳ dạng sống nào, nên những con vật chúng ta nuôi để làm thức ăn và ăn thịt rất có thể đã từng là tổ tiên của mình trong những kiếp trước, và chúng ta cùng với tổ tiên của mình cũng có thể tái sinh thành động vật trong những kiếp sau. Rồi thì ta sẽ nghĩ về nỗi khổ của những con vật này, chẳng hạn như đời sống của những con gà được nuôi bằng kỹ nghệ công nghiệp, trong những nơi mà một số đạo sư của nhà Phật đã mô tả là nhà tù của gà. Những con gà đáng thương này phải sống suốt đời trong những cái chuồng rộng 20 cm vuông, và không bao giờ được phép đi lại tự do. Bạn sẽ thích điều này hay không, nếu mình hay tổ tiên của mình phải sống như vậy, rồi cuối cùng chỉ trở thành thức ăn cho chó, hay được chế biến thành gà viên chiên (chicken nuggets) ở McDonalds để cho một đứa bé ăn, một nửa còn lại thì bị ném vào thùng rác?

Kinh điển nhà Phật ủng hộ việc ăn chay được tìm thấy trong Kinh Phạm Võng (Brahmajala Sutra; The Brahma Net Sutra), được ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva) dịch sang tiếng Hoa là Fanwang Jing (梵網經). Việc kiêng ăn thịt là một trong 48 giới luật, được liệt kê như những điểm phụ cho mười bồ tát giới trọng. Rồi dựa vào lòng từ bi, Phật tử Đại thừa trong các truyền thống Đông Á sẽ không ăn thịt như một phần trong bồ tát giới của họ. Đại sư Tối Trừng (Saicho), người sáng lập Thiên Thai tông (Tendai) ở Nhật Bản, trên thực tế đã bổ sung thêm phiên bản này về Bồ tát giới và giới nguyện như một phần của giới xuất gia.

Việc ăn chay dựa vào lòng bi mẫn đối với thú vật, mặc dù không được đề cập rõ ràng trong giáo lý Khổng giáo (Confucian) của Mạnh Tử (Mengzi/Mencius), tuy nhiên, đây là kết luận hợp lý mà người ta có thể rút ra từ những giáo lý này.  Trong một cuộc bàn luận với vua Hui của nước Lương (Liang, 梁惠王), Mạnh Tử nói ông nghe nói khi nhìn thấy một con bò bị giết để lấy máu cúng tế một cái chuông thì nhà vua đã ra lệnh tha mạng cho nó, và một con cừu đã được hy sinh thế mạng. Mạnh Tử đã chỉ dẫn nhà vua rằng:

Điều này không sai lầm; đó là một hành động của lòng từ (仁 術). Đó là cách quân tử (君子) hành xử đối với thú vật. Khi nhìn chúng sống thì không thể chịu đựng khi thấy chúng chết; nghe tiếng khóc của chúng thì không thể ăn thịt chúng. Do đó, một quân tử sẽ rời xa các lò mổ và bếp nấu thịt.

Tuy nhiên, Mạnh Tử không ủng hộ việc ăn thịt, miễn là bạn không nhìn thấy hay nghe thấy động vật sống. Thay vì vậy, ông đã dùng ví dụ này để khuyên nhà vua mở rộng lòng nhân từ (恩) đối với tất cả người dân, như cách ngài đã thể hiện đối với loài thú. Mặc dù lời khuyên của ông là không phải ngừng ăn thịt, nhưng đây là thông điệp ngầm trong lời khuyên của ông, để thể hiện lòng nhân từ bình đẳng đối với toàn dân và tất cả thú vật.

Có những lý do hỗ trợ tinh thần khác đối với việc không ăn thịt. Nói chung, tất cả các tín đồ Ấn giáo (Hindus) tôn vinh lệnh huấn thị trong Rg Veda không được ăn thịt gia súc hay thịt ngựa. Ngoài ra, những người theo Ấn giáo tôn kính Vishnu và Krishna sẽ tuân theo chế độ ăn chay, theo lệnh trong Yajur Veda. Các bản văn đưa ra ba lý do chính cho việc này. Đầu tiên là tầm quan trọng của bất bạo động, được áp dụng trong trường hợp này đối với thú vật. Thứ hai, hệ thống y học Ayurveda cảnh báo rằng ăn thịt là bất lợi cho tâm thức và sự phát triển tâm linh. Thứ ba, thịt được coi là không tinh khiết, và chỉ có thực phẩm tinh khiết mới được cúng dường cho thần thánh, rồi được ăn như prasad, tặng phẩm từ thần thánh.

Thậm chí, các tín đồ Kỳ Na giáo (Jains) còn ăn chay nghiêm ngặt hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Trên thực tế thì ăn chay là điều bắt buộc, đối với những người theo tôn giáo Ấn Độ cổ đại này. Sự hạn chế này phù hợp với tầm quan trọng lớn lao mà Kỳ Na giáo nhắm vào tính bất bạo động và thuần khiết trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Thịt được xem là hoàn toàn bất tịnh.

Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều dạy rằng Chúa tạo ra động vật cho con người sử dụng. Tuy nhiên, không ai trong số các tôn giáo này dạy rằng Chúa tạo ra thú vật để con người hành hạ. Mặc dù theo Do Thái giáo và Hồi giáo thì Chúa cấm ăn thịt của những sinh vật ô uế như lợn, nhưng có những biểu thị khác trong kinh điển về tôn ý Chúa. Câu 15:20 trong Kinh Koran (Qur’an) nói rằng:

Và chúng ta đã tạo ra cho các con (có nghĩa là trong thế giới mà Chúa đã tạo ra) phương tiện sinh sống và những chúng sinh (cụ thể là thú vật) mà con không phải là người nuôi dưỡng chúng (đối với sự sinh nhai của chúng).

Điều này ngụ ý rằng Chúa tạo ra các loại động vật khác phù hợp để loài người ăn thịt, chẳng hạn như trừu, dê và gia súc, nhưng con người không có trách nhiệm phải nuôi chúng, chẳng hạn như bằng cách trồng trọt thức ăn đặc biệt. Nói cách khác là Thiên Chúa có chủ ý cho những thú vật này được ăn cỏ tự do để sinh sống, và không được nuôi dưỡng bằng kỹ nghệ công nghiệp để con người tiêu thụ hàng loạt.

Nói tóm lại thì hầu hết các tôn giáo và triết học lớn trên thế giới đều đưa ra sự ủng hộ tinh thần đối với kết luận được rút ra từ kinh tế, luận lý và lý lẽ thông thường, cụ thể là thế giới cần giảm thiểu việc tiêu thụ thịt một cách mạnh mẽ, có càng nhiều người theo chế độ ăn chay thì càng tốt. Tuy nhiên, chỉ vì khoa học y tế, tôn giáo, triết học và lý lẽ thông thường nói rằng chúng ta nên ngừng ăn thịt, hoặc ít nhất là cắt giảm số lượng và số lần tiêu thụ thịt; nhưng người ta sẽ không có được lợi ích gì, trừ khi họ thật sự sửa đổi hành vi của mình.

Nhiều người nghĩ rằng theo một tôn giáo có nghĩa là chỉ cầu nguyện, hoặc đối với một số người thì chỉ dâng hương. Tuy nhiên, việc chuyển hóa là một quá trình bên trong. Bất kể chúng ta áp dụng biện pháp bên ngoài nào để bảo vệ môi trường thì công việc thật sự là thay đổi cách suy nghĩ và hành xử của mình, dựa trên sự hiểu biết và chấp nhận thực tại về những thiệt hại mà nhân loại đang tạo ra cho hành tinh này. Công việc này chỉ có thể diễn ra ở mức độ cá nhân. Trách nhiệm của mỗi một người trong chúng ta là hành động một cách thông tuệ và bi mẫn.

Top