Cầu Nguyện Là Gì Trong Đạo Phật?

Study buddhism prayer 02

Một số văn học lâu đời nhất còn sót lại của nền văn minh nhân loại liên quan đến việc cầu nguyện, từ những bài thánh ca trong đền thờ của người Sumer, đến những câu thần chú của người Ai Cập cổ đại về các vị thần. Ngày nay, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có một vài yếu tố của việc cầu nguyện. Tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo cầu nguyện với Chúa, trong khi tín đồ Ấn Độ giáo có thể chọn lựa một trong số nhiều vị thần để cầu nguyện. Nhìn bề ngoài thì Phật giáo không có gì khác biệt. Hãy viếng thăm một ngôi chùa hay tu viện ở hầu hết bất cứ quốc gia Phật giáo nào, bạn sẽ thấy rất đông du khách chắp tay trì tụng trước tượng Phật. Và đối với những người quen thuộc với Phật giáo Tây Tạng thì chúng tôi có những thứ được dịch ra tiếng Anh như tràng hạt cầu nguyện, bánh xe cầu nguyện và cờ cầu nguyện.

Hành vi cầu nguyện có ba yếu tố: người cầu nguyện, đối tượng cầu nguyện và đề tài được cầu nguyện. Vì vậy, việc cầu nguyện trong nhà Phật khá phức tạp. Sau cùng thì trong một tôn giáo vô thần không có đấng sáng tạo thì Phật tử sẽ cầu nguyện với ai, và để làm gì? Nếu không có ai ban phước lành cho chúng ta, thì cầu nguyện có ích gì? Đối với Phật tử thì câu hỏi cốt yếu là: "Liệu người khác có thể loại bỏ những nỗi khổ và vấn đề của chúng ta không?"

Chỉ cầu nguyện để có sự thay đổi thôi thì chưa đủ, mà phải hành động. - Đức Dalai Lama thứ 14

Đức Phật nói rằng không một ai, thậm chí kể cả Đức Phật với tất cả trí tuệ và khả năng, có thể đoạn trừ mọi rắc rối cho mình. Đó là điều bất khả. Chúng ta phải gánh trách nhiệm về điều đó. Nếu không muốn gặp rắc rối và đau khổ, thì phải tránh tạo ra nhân của những điều này. Nếu muốn trải nghiệm hạnh phúc, thì chính mình phải tạo ra nhân hạnh phúc. Theo quan điểm nhà Phật thì chúng ta có thể đạt được điều này, bằng cách tuân theo đạo lý và đạo đức thanh tịnh. Việc thay đổi hành vi và thái độ, để tạo ra cuộc sống như ý muốn hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân mình.

Phật Tử Cầu Nguyện Với Ai?

Khi thấy mọi người lễ lạy các tôn tượng, dâng hương ở chùa, và tụng kinh trong chánh điện, thì họ đang cầu xin điều gì và cầu nguyện với ai? Trong khi có thể có người nghĩ rằng: "Xin Đức Phật Thích Ca giúp cho con có một chiếc xe Mercedes!" hay là: “Xin Đức Phật Dược Sư chữa khỏi bệnh cho con.”, thì hầu hết các đạo sư nhà Phật sẽ nói rằng những kiểu cầu nguyện này có thể tạo ra rất ít lợi lạc.

Thay vì vậy, trong nhà Phật, chúng ta cầu nguyện với chư Phật và chư Bồ tát để được truyền cảm hứng và sức mạnh, để ta có thể tạo ra nhân hạnh phúc cho chính mình, cũng như mang lại lợi ích cho tha nhân càng nhiều càng tốt. Không phải là các ngài vẫy chiếc đũa thần, rồi bỗng nhiên mình có sức mạnh đặc biệt nào đó để làm điều đó, mà là nhờ cách nghĩ đến tấm gương của chư vị, vì các ngài làm gương cho mình, và chúng ta tràn đầy tự tin: “Tôi có thể thực hiện điều này!”.

Các hoạt động cầu nguyện trong nhà Phật, chẳng hạn như tụng kinh, lặp đi lặp lại những câu mật chú, cũng như quán tưởng chư Hộ Phật, tất cả đều nhằm kết nối với năng lực bên trong của chính mình, để phát triển những cảm xúc có tính xây dựng như lòng bi, lòng nhiệt thành, kiên nhẫn, v.v... và dấn thân vào những hành vi giúp đỡ người khác, có tính xây dựng.

Thất Chi Nguyện 

Một hành trì phổ thông là Thất Chi Nguyện, chứa đựng tinh túy của toàn bộ đường tu nhà Phật. Có bảy chi, mỗi chi có một tác dụng cụ thể:

  1. Xin đảnh lễ toàn thể chư Phật, đã ban ân huệ trong cả ba thời, cùng Pháp và Tăng, xin lể lạy bằng thân thể, nhiều như vi trần trong thế giới.
  2. Tựa như Đức Văn Thù và các chư vị khác đã cúng dường ngài, Đấng Chiến Thắng, con cũng xin cúng dường ngài, đấng Thủ Hộ Như Lai và con cái của ngài.
  3. Từ vô thủy luân hồi, trong kiếp này và những kiếp khác, con đã vô tình tạo nghiệp xấu ác, hay khiến người khác tạo nghiệp như thế, vì tâm vô minh áp đảo, con đã hoan hỷ với tất cả những điều này.Thấy đó là lỗi lầm, từ đáy lòng, con xin phát lồ sám hối với ngài, đấng Thủ Hộ của con.
  4. Xin tùy hỷ biển công đức với tâm hoan hỷ, từ bồ đề tâm phát sinh nơi ngài, Để đem lại hạnh phúc cho mỗi một chúng sinh, và tùy hỷ hạnh phổ độ chúng sinh của ngài.
  5. Xin chắp tay khẩn cầu chư Phật khắp muôn phương, soi sáng đèn Pháp Bảo cho chúng sinh đang khổ đau và dò dẫm trong đêm tối.
  6. Xin chắp tay khẩn cầu Đấng Chiến Thắng đã vượt thoát ưu phiền, cầu xin ngài trụ thế vô lượng a tăng kỳ kiếp. Không lìa xa chúng sinh mù quáng, mãi lang thang trong cõi luân hồi.
  7. Với những thiện nghiệp đã tích tập, từ tất cả những điều thiện hảo con đã làm, nguyện cho con đoạn trừ mọi nỗi khổ của tất cả chúng sinh hữu tình.
  • Chi thứ nhất của bài cầu nguyện là lễ lạy. Chúng ta lễ lạy chư Phật, như dấu hiệu của lòng tôn kính đối với tất cả những điều mà các ngài đại diện, đó là lòng từ, lòng bi và trí tuệ. Lễ lạy, khi đặt phần cao nhất trong cơ thể, đó là đầu, dưới đất, cũng giúp mình khắc phục tính kiêu căng, và trưởng dưỡng lòng khiêm tốn.
  • Rồi thì ta sẽ cúng dường. Nhiều Phật tử cúng dường chén nước, nhưng bản thân vật này không quan trọng lắm. Điều quan trọng là động lực của việc cúng dường, như thời gian, công sức, năng lượng cũng như tài sản của mình, giúp mình khắc phục tâm tham ái.
  • Thứ ba, chúng ta sẽ thừa nhận khuyết điểm và sai lầm của mình. Có lẽ đôi khi mình lười biếng hay ích kỷ, và hành động một cách rất tiêu cực. Chúng ta sẽ thừa nhận những điều này, hối hận và tiếp bước với lòng quyết tâm mạnh mẽ, cố gắng không lặp lại những sai lầm như vậy nữa. Đây là một phần của việc khắc phục ảnh hưởng của ác nghiệp.
  • Sau đó, ta sẽ tùy hỷ. Ta sẽ nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà mình đã hoàn thành, và tất cả những công việc có tính xây dựng phi thường mà người khác đã thực hiện. Chúng ta cũng xem xét những công hạnh vĩ đại mà chư Phật đã thực hiện. Điều này sẽ giúp mình chuyển hóa lòng ganh tỵ.
  • Kế tiếp, mình sẽ thỉnh chuyển Pháp luân, là điều sẽ tạo ra tâm trạng dễ tiếp thu. Chúng ta đang nói rằng: "Chúng con muốn học hỏi, muốn tạo ra hạnh phúc cho tự thân và tha nhân!".
  • Chúng ta sẽ thỉnh thầy trụ thế. Trong chi trước, chúng ta đã mở lòng với giáo pháp, và bây giờ thì muốn chư đạo sư không rời bỏ mình, mà sẽ giảng dạy chúng ta cho đến khi mình đạt được giác ngộ viên mãn.
  • Cuối cùng, chúng ta có bước quan trọng nhất, đó là hồi hướng. Chúng ta sẽ hồi hướng bất kỳ công đức nào mình đã tạo ra, để nó có thể tạo lợi lạc cho tự thân và tất cả những chúng sinh khác.

Như chúng ta có thể thấy từ bài cầu nguyện này, mục tiêu của đạo Phật không phải là để một đấng ngoại tại cúi xuống, giúp ta thoát khỏi tất cả những khó khăn của mình. Giống như ngạn ngữ có câu: "Bạn có thể dẫn ngựa đến nơi có nước, nhưng không thể bắt nó uống nước.". Nói cách khác thì chư Phật chỉ đường cho chúng ta, nhưng chính mình phải nỗ lực để khắc phục tâm tham ái và vô minh, cũng như phát triển những tiềm năng có tính xây dựng vô hạn mà mình sở hữu.

Kết Luận

Tuy bề ngoài thì đạo Phật có những cạm bẫy và nghi thức cầu nguyện, nhưng ý niệm không phải là cầu xin một đấng ngoại tại giúp đỡ cho đời sống hàng ngày. Chư Phật và chư Bồ tát là những tấm gương hoàn hảo, chỉ cho chúng ta con đường, từ vị trí hiện tại của mình đến giác ngộ viên mãn. Bằng cách cầu nguyện với chư Phật và chư Bồ tát, ta sẽ có được nguồn cảm hứng từ chư vị, và đánh thức khả năng bên trong của mình, đó là lòng từ, lòng bi và trí tuệ vô hạn, mà tất cả chúng ta đều có tiềm năng trong nội tâm.

Top