Giải Thích Về "Thất Chi Nguyện"

Tối nay, tôi muốn giải thích một cách thực tiễn hơn về các hành trì sơ khởi mà chúng ta thực hiện vào lúc đầu của mỗi buổi giảng về tác phẩm của ngài Tịch Thiên, Bồ Tát Hạnh (Bodhisattvacharya-avatara). Các hành trì sơ khởi bao gồm hành trì Thất Chi Nguyện, xuất phát từ tác phẩm này. Việc thực hiện các hành trì sơ khởi này trước khi lắng nghe và học hỏi Phật pháp sẽ giúp ta phát khởi một tâm trạng lãnh hội giáo pháp một cách đúng đắn. Chúng ta cũng sẽ áp dụng những hành trì này trước buổi hành thiền hay tu học Phật pháp mỗi ngày tại nhà.

Dọn Dẹp Phòng và Xếp Đặt Các Thức Cúng Dường

Nếu ta làm những điều này như một sự khởi đầu cho việc hành thiền tại gia, trước hết, cần quét dọn và sắp xếp phòng ốc như ta thường làm ở lớp học. Cần phải dọn dẹp phòng nếu có giấy tờ hay quần áo bừa bãi khắp nơi, thí dụ vậy. Trong khi dọn dẹp, hãy tâm niệm rằng, “Nguyện cho tâm con được sáng suốt, trong sạch và trật tự như con đang thu dọn căn phòng.”

Việc hành thiền và tu học trong một môi trường ngăn nắp, sạch sẽ và có thứ tự là điều rất quan trọng. Đối với nơi làm việc của mình cũng vậy. Những gì ta nhìn thấy, ngay cả từ ngoài xa, đều có ảnh hưởng lớn đối với tâm trạng của mình. Nếu mọi thứ chung quanh bừa bãi, tâm ta cũng có xu hướng hỗn độn. Hơn nữa, có được một nơi tu học hay hành thiền thích hợp với thẩm mỹ là điều hữu ích. Nhãn quan nhìn thấy cảnh đẹp xung quanh thường làm cho tâm thức vui vẻ, và khi được vui vẻ thì tâm ta dễ thực hiện những gì có tính cách xây dựng. Nếu nhìn thấy quan cảnh chung quanh xấu xí, ta sẽ có khuynh hướng bác bỏ nó, điều này tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm trạng của mình. Vì vậy mà ta thường trưng bày một bàn thờ thật bắt mắt trong phòng – một loại kệ hay bàn, có một tấm trải bàn đẹp, tối thiểu là ta sẽ đặt trên bàn thờ một tượng Phật hay hình Phật tượng trưng cho những gì ta đang thực hành, đó là quy y (chọn phương hướng an toàn trong đời).

Mỗi buổi sáng, sau khi rửa mặt súc miệng và dọn dẹp phòng xong, ta sẽ cúng dường nước. Không cần thiết phải cúng dường bảy chén nước như thông thường, nếu điều đó không thuận tiện. Chỉ cần cúng dường một ly nước sạch là đủ. Không cần cố gắng làm vừa lòng ai cả. Nếu muốn, ta cũng có thể cúng dường nhang, nến, hoa và v.v…; nhưng đó là tùy sự lựa chọn của mình. Không những ta đang tạo ra một không gian tốt đẹp để cung thỉnh chư Phật và các bậc đạo sư cao cả trong sự quán tưởng của mình, như đã được giải thích theo truyền thống; mà còn sắp xếp gian phòng theo cách khiến cho ta cảm thấy hoan hỷ và thoải mái. Việc này tạo cho ta trong một tâm trạng thuận lợi cho việc hành thiền, tu học hay lắng nghe các giáo huấn.

Tập Trung vào Hơi Thở

Phong tục thông thường là lạy ba lạy trước hình tượng của Đức Phật trên bàn thờ, trước khi ngồi xuống. Để tránh cho việc lễ lạy trở nên máy móc, thiếu sự cảm nhận bên trong, trước tiên, ta cần phải tạo một trạng thái đúng đắn cho tâm mình. Để làm điều này, ta sẽ chú tâm vào hơi thở và xác định lại động lực của mình. Dù ta thường làm hai điều này sau khi ngồi xuống, nhưng tốt hơn là thực hiện chúng trước, trong khi đang đứng.

Trước tiên, ta cần giữ sự bình tĩnh và tạo ra một khoảng không giữa những gì đã thực hiện và những gì ta sắp làm. Ta cần mang tâm thức mình đến một trạng thái tĩnh lặng, trung hòa, trước khi phát khởi một thái độ tích cực. Ta thực hiện điều này bằng cách chú tâm vào hơi thở, ánh mắt nhẹ nhàng hướng về sàn nhà phía trước mặt. Nếu tâm bị xáo trộn hay căng thẳng, có thể nhắm mắt lại để cho tâm lắng dịu, nhưng cách mở mắt chút ít là phương pháp thích hợp hơn.

Ta sẽ hít thở một cách bình thường bằng mũi, không quá nhanh, không quá chậm, không quá sâu và không quá cạn. Ta không giữ hơi thở, nhưng tạm dừng lại sau khi thở ra, trước khi thở vào lần nữa. Phương pháp thông thường là đếm thầm chu kỳ thở ra, tạm dừng, và thở vào là một, nhưng nếu như cách này rắc rối, ta cũng có thể đếm hơi thở vào, thở ra và tạm ngưng thở là một. Thông thường, đếm như thế đến số mười một, rồi lập lại chu kỳ mười một như thế hai hay ba lần.

Ta chỉ sử dụng tiến trình đếm hơi thở khi nào tâm thật sự bị khuấy động, vướng mắc trong những tư tưởng không liên quan đến việc tu tập. Nếu tâm không quá sao lãng thì không cần phải đếm hơi thở; chỉ cần tập trung vào sự cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra ở lỗ mũi là đủ. Ngoài ra, có thể đếm những chu kỳ hơi thở trong vài vòng, sau đó tiếp tục mà không phải đếm. Dù chú tâm vào hơi thở bằng bất cứ cách nào, cứ tiếp tục cho đến khi đạt được một mức độ tĩnh lặng tối thiểu nào đó trong nội tâm. Nếu tâm bị khuấy động vì những tư tưởng không liên quan đến việc tu tập, ta không bao giờ có thể hành thiền tốt đẹp hay chăm chú lắng nghe những lời giảng dạy.

Xem Xét Động Lực hay Mục Tiêu

Một khi tâm thức tương đối yên tĩnh, ta sẽ xem xét tại sao mình thiền quán hay tu học, hoặc tại sao mình đến dự một lớp Phật pháp. Nói cách khác, hãy thẩm tra động lực của mình, trong đạo Phật có nghĩa là mục tiêu của một việc làm nào đó. Có phải chúng ta đã đến đây tối nay chỉ vì một thói quen máy móc mà không có một mục đích nào trong tâm, hay vì một buổi tụ họp xã giao để gặp gỡ bạn bè và hưởng một bầu không khí dễ chịu? Có phải ta muốn học hỏi điều gì đó mà chỉ là sự hứng thú về mặt trí thức, hay một điều gì thực tiễn mà ta có thể áp dụng trong đời sống của mình? Nếu nó là điều gì ta muốn học hỏi để áp dụng trong đời sống của mình, tại sao ta muốn làm như vậy? Mục tiêu của ta là gì? Nó có làm cho đời sống dễ chịu hơn một chút không? Có phải mục tiêu là để vượt qua một số khó khăn mà ta có? Hay hơn nữa, có phải nó có thể tạo ít rắc rối hơn cho người khác; có phải nó có thể giúp cho người khác nhiều hơn? Có thể nó là sự tổng hợp của một số lý do này.

Chúng ta có muốn tiến xa hơn nữa và học hỏi tác phẩm của ngài Tịch Thiên nhằm để thiết lập những thói quen sẽ đưa mình đến những tái sinh may mắn, có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục học hỏi và thực hành giáo pháp không? Thêm vào đó, có phải ta đang làm điều này để được giải thoát khỏi tất cả những sự tái sinh luôn tái diễn không có kiểm soát hay không? Hay hơn cả điều này, ta có mong muốn được học hỏi tác phẩm về bồ tát hạnh này để ta có thể giúp đỡ người khác tránh khỏi sự tái sinh hay được giải thoát khỏi vòng tái sinh thiếu sự khống chế hay không? Ngay cả nếu nó không phải là ba động lực sau cùng, ít nhất là ta có mục đích cố gắng phát triển và đi theo phương hướng đó trong đời sống của mình hay không?

Ở nhà, chúng ta cũng áp dụng cùng một tiến trình nội tâm trước khi bắt đầu hành thiền và học hỏi bản văn của ngài Tịch Thiên. Nếu khám phá ra động lực hay mục tiêu của mình không thật cao quý, thí dụ như hành thiền vì thói quen hay vì mặc cảm tội lỗi nếu không hành thiền, thì hãy điều chỉnh động lực của mình để nó được hoàn thiện hơn. Nếu đã có sẵn động lực xây dựng, ta hãy củng cố nó thêm nữa. Đi theo tiến trình này là điều rất quan trọng, vì ta rất dễ dàng đi đến lớp học Phật pháp hay hành thiền một cách máy móc, và rồi chỉ gặt hái rất ít kết quả từ điều này.

Lễ Lạy, cùng với Quy Y và Bồ Đề Tâm

Tiếp theo, chúng ta “quy y và phát bồ đề tâm.” Điều này có nghĩa là ta khẳng định lại mục đích của mình và ước nguyện đi theo một phương hướng an toàn, tích cực trong đời sống, đây là ý nghĩa mà tôi phiên dịch chữ “quy y.” Ta cố gắng suy nghĩ và cảm nhận rằng, tôi muốn quy y để tránh những rắc rối và khó khăn; tôi không muốn những điều này. Tôi sợ phải tiếp tục trong hoàn cảnh khó khăn của mình. Điều gì biểu lộ phương hướng tích cực để tránh những rắc rối? Đó là một tâm thức thoát khỏi mê lầm và tràn đầy tất cả những phẩm chất tích cực tốt đẹp. Một trạng thái của sự tịnh hóa và tăng trưởng là giáo pháp. Những ai đã thành tựu viên mãn trạng thái như vậy và những ai vạch ra phương hướng đó là những vị Phật. Những ai đạt được phần nào trạng thái ấy cũng biểu lộ phương hướng ấy. Họ là Tăng Già. Đó là phương hướng mà tôi sẽ đưa vào đời sống của mình. Quy y có nghĩa là khẳng định lại phương hướng này trong đời sống.

Hơn nữa, tôi đang chọn sự quy y này để có thể giúp đỡ người khác tối đa một cách trọn vẹn, không chỉ để làm lợi ích cho bản thân mình. Để đạt được mục tiêu này, tôi cần phải du hành theo phương hướng này suốt cả lộ trình đến giác ngộ, không được bỏ cuộc, không thể hài lòng nếu chỉ đi được một quãng đường. Đây là những gì chúng ta làm khi xác định lại việc quy y và bồ đề tâm.

Khi đã cảm nhận được thái độ hay tâm quy y này, để có thể hỗ trợ người khác, và tiến bước trọn vẹn theo phương hướng an toàn ấy, để giúp đỡ người khác một cách tối đa, thì hãy đảnh lễ. Nếu ta đã ngồi xuống rồi và quyết định không đứng lên để lạy, ta có thể quán tưởng mình đang đảnh lễ. Từ một khía cạnh nào đó, việc lễ lạy giống như hoàn toàn lao mình vào phương hướng này; và ta làm như thế với sự tôn trọng – tôn kính những ai đã hoàn tất hành trình theo phương hướng này, tôn trọng bản thân và khả năng của mình để làm giống như vậy. Vì vậy, việc lễ lạy không phải là một hành vi tự phỉ báng; không tự hạ thấp mình, mà là tự nâng mình lên.

Đây là điều thứ nhất trong Thất Chi Nguyện: lễ lạy cùng với quy y và bồ đề tâm.

Cúng Dường

Kế đến là cúng dường. Tâm thái chính ta cần phải phát triển khi cúng dường trong bối cảnh này là: tôi đang đi theo phương hướng này. Tôi không chỉ hoàn toàn lao mình theo phương hướng đó, tôi sẵn sàng hiến dâng bản thân mình, lối sống của mình, thời giờ và năng lực của mình để đạt đến mục tiêu này. Tôi sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn tâm tư của mình để đi theo phương hướng này, nhằm hỗ trợ người khác nhiều hơn. Với tâm trạng này, ta sẽ cúng dường.

Tuy thường thực hiện điều này bằng sự quán tưởng, ta vẫn có thể cúng dường bằng thực chất nếu như đang thực hành trong phòng thiền của mình. Sau khi lạy và trước khi ngồi xuống, hãy bước tới bàn thờ, đặt ngón tay thứ tư của tay trái vào trong chén nước và vẩy một vài giọt nước lên ba lần, biểu tượng cho sự cúng dường. Từ một khía cạnh nào đó, ta đang cúng dường chư Phật, nhưng không phải bằng thái độ dâng tặng một món quà để chư Phật gia hộ cho ta, và nếu như không dâng tặng bất cứ vật gì thì các ngài sẽ thờ ơ với mình. Đúng hơn, ta đang cúng dường mọi thứ cho phương hướng mà ta đang theo đuổi trong đời sống này. Ta sẽ cố gắng làm điều này với tâm hoan hỷ, vui mừng vì ta có thể cúng dường cả bản thân mình.

Nếu muốn, ta có thể thực hiện sự cúng dường tỉ mỉ như trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên. Tuy vậy, không cần thiết phải liệt kê một danh sách dài về các phẩm vật mà ta cúng dường, mặc dù ta có thể quán tưởng tất cả các loại phẩm vật xinh đẹp. Điều quan trọng là cảm thấy mình đang trao tặng tất cả những gì thuộc về bản thân mình. Đó là chi thứ nhì của hành trì sơ khởi, cúng dường. Nếu đã hoàn tất bước này trước bàn thờ thì bây giờ hãy ngồi xuống.

Thừa Nhận Khuyết Điểm

Phần thứ ba là thành thật thừa nhận sự yếu kém, khó khăn, và các vấn đề của mình. Ta hối hận vì những điều này, vì chúng khiến ta không thể trở thành sự hỗ trợ tốt nhất cho người khác. Ta ước gì mình có thể thoát khỏi những khuyết điểm đó và quyết tâm cố gắng không tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Ta xác định lại phương hướng an toàn và tích cực mà ta đang nỗ lực đưa vào đời sống của mình, để có thể hỗ trợ người khác một cách trọn vẹn hơn; và cuối cùng, ta tự nhắc nhở mình rằng việc học hỏi tác phẩm của ngài Tịch Thiên và thiền quán về những điều này là những hành động tích cực mà ta đang thực hiện để chống lại những lỗi lầm của mình. Chi thứ ba này rất quan trọng, vì khi thừa nhận mình có những rắc rối, ta sẽ xác định lại lý do và mục tiêu cho việc có mặt trong lớp học ở đây. Chúng ta muốn học hỏi và sau đó thực tập những phương pháp để vượt qua những vấn đề của mình.

Tùy Hỷ

Chi thứ tư là tùy hỷ, điều giúp cho ta đối kháng với bất cứ cảm giác tự ty nào có thể nảy sinh từ sự thừa nhận những rắc rối, lỗi lầm và khó khăn của mình. Ta cần phải cân bằng sự ý thức về các khiếm khuyết của bản thân, bằng cách tái khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tất cả chúng ta đều có một số phẩm chất tốt đẹp và những điều tích cực nào đó mà mình đã thực hiện. Thí dụ, ta có thể khám phá ra tôi đã từng cố gắng làm người hữu ích; tôi đã cố gắng kiên nhẫn; tôi đã cố gắng thông hiểu; hay bất cứ điều gì khác. Ta nhớ lại những điều đó và tùy hỷ. Ta cũng tùy hỷ với Phật tính của mình: ta có những tiềm lực và khả năng để trưởng thành. Chúng ta có căn bản hành động; đấy là niềm hy vọng. Ta có một nền tảng để tu tập, vì vậy, còn có hy vọng. Ta cũng nhìn vào những tấm gương mang các phẩm chất tốt đẹp và hành vi tích cực của người khác, và cũng tùy hỷ với những điều này mà không cảm thấy ganh tỵ. Điều tuyệt vời là có những người rất tích cực và hữu ích như thế, đặc biệt là các bậc đại sư cao cả. Điều này không chỉ đề cập tới các đạo sư tâm linh tại thế, mà còn bao gồm cả chư Phật và ngài Tịch Thiên. Chúng ta nghĩ điều tuyệt diệu là ngài Tịch Thiên đã thật sự viết tác phẩm này. Con tùy hỷ vì điều này. Xin cảm tạ ngài Tịch Thiên. Đây là một tâm trạng quan trọng.

Thỉnh Cầu Giáo Huấn

Sau khi tùy hỷ những phẩm chất của các đại sư cao cả và cảm tạ ngài Tịch Thiên đã sáng tác bản văn này, ta chuẩn bị cho chi thứ năm, thỉnh cầu giáo huấn. Chúng ta nghĩ rằng, kính thưa ngài Tịch Thiên, thật tuyệt vời là ngài đã viết tác phẩm này. Xin hãy dạy con điều gì trong tác phẩm này; con rất muốn học hỏi. Lời thỉnh cầu này đối kháng với thái độ mà ta thường có khi đọc hay nghe được điều gì từ tác phẩm và chỉ nghĩ đến những điều ngoại lệ, chẳng hạn như làm sao các giáo huấn về nhẫn nhục có thể hữu hiệu trong trường hợp tàn bạo của Hitler? Mặc dù việc nghiên cứu giáo huấn một cách cẩn thận để xem lời giảng dạy có giá trị hay không là điều quan trọng, nhưng trước tiên, ta nên suy nghĩ các giáo huấn ấy sẽ được áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình như thế nào. Một khi đã thấu hiểu và nhận thức cách giáo huấn có tác dụng ra sao, rồi thì ta có thể xem xét liệu có bất kỳ ngoại lệ nào hay không. Kế đến, ta có thể phân tích những thí dụ cực đoan như trường hợp của Hitler là những trường hợp hoàn toàn không thể áp dụng giáo huấn về nhẫn nhục, hoặc là những trường hợp mà giáo huấn chỉ được áp dụng ở một trình độ cao cấp. Khi lắng nghe một giáo huấn mới, phản ứng tức thời bằng chữ “nhưng” là một điều phản tác dụng đối với thái độ cởi mở mong muốn học hỏi điều gì. Vì vậy, sự tiếp cận sách vở với thái độ “hãy dạy cho tôi điều gì đó” là điều chủ yếu. Với một thái độ như thế, trước tiên, ta sẽ cố gắng xem mình có thể áp dụng những gì đã đọc hay nghe được bằng cách nào. Ta sẽ thấy tất cả những điều trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên là một giáo huấn thực tiễn, có thể áp dụng cho cá nhân mình, ở nhà mình, tại văn phòng, với gia đình và bạn bè của mình.

Nếu ta thực hiện hành trì sơ khởi Thất Chi Nguyện trước một buổi thiền tập, ta cũng thỉnh cầu các vị thầy và bản văn giảng dạy thêm cho mình, ngụ ý rằng ta muốn tiến bộ thêm, bằng việc hành thiền. Chúng ta thỉnh cầu các vị và bản văn tạo nguồn cảm hứng, để ta có thêm tuệ giác, thấu hiểu nhiều hơn và đạt được nhiều thực chứng hơn từ những gì các ngài và bản văn đã giảng dạy.

Thỉnh Cầu Đạo Sư Đừng Nhập Diệt

Tiếp theo, ta sẵn sàng cho chi thứ sáu, đó là thỉnh cầu đạo sư đừng nhập diệt. Ta sẽ nghĩ rằng, xin các đạo sư đừng bao giờ ngưng giảng dạy; xin hãy tiếp tục mãi mãi! Không phải chúng ta thỉnh cầu như vậy vì tâm luyến ái đối các đạo sư của mình. Đúng hơn là ta đang xác định lại sự nghiêm chỉnh và chân thành trong việc tu tập. “Con muốn đi hết con đường dẫn đến giác ngộ, để có thể phổ độ tất cả chúng sinh. Vì thế, xin chư đạo sư đừng ra đi! Con phải tu học.” Chúng ta cũng tự bày tỏ với chính các giáo huấn rằng, xin hãy tiếp tục giảng dạy con – hỡi ngài Tịch Thiên và tác phẩm của ngài. Xin hãy giảng dạy cho con nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Hãy giúp con gia tăng sự hiểu biết và tiến bộ hơn, đối với việc học hỏi tác phẩm này. Xin đừng bao giờ ngừng lại cho đến khi con đạt được giác ngộ, cho đến khi mọi người đều giác ngộ.

Hồi Hướng

Hồi hướng là điều thứ bảy và là chi cuối cùng. Ta sẽ nguyện rằng bất cứ điều gì con đã học, bất cứ điều gì con thấu hiểu, sẽ trở thành nhân của giác ngộ và nhờ vậy, có thể làm lợi lạc tối đa cho những chúng sinh khác. Nguyện cho sự thấu hiểu của con trở nên sâu sắc hơn và thâm sâu hơn. Nguyện cho sự hiểu biết này thâm nhập vào con và tạo nên một ấn tượng sâu sắc đối với con, để con có thể áp dụng nó trên suốt đường tu đến giác ngộ. Cụ thể là nguyện cho con có thể áp dụng những gì mình đã học vào trong đời sống hằng ngày, để tạo ra một sự khác biệt trong cách ứng xử với người khác, và có thể mang lại thêm hạnh phúc cho họ.

Thất Chi Nguyện của ngài Tịch Thiên

Kế đó, nếu muốn, ta có thể tụng những dòng kệ của ngài Tịch Thiên, bao hàm bảy điểm này, cùng với những câu kệ trước đó, để thiết lập động lực và những dòng kệ theo sau, dành cho việc cúng dường mạn đà la:

Con quy y Phật, Pháp, Tăng Cho đến ngày đạt được giác ngộ nhờ công đức của hạnh thí và các ba la mật khác, nguyện thành tựu Phật quả để phổ độ chúng sinh.

Nguyện cho mặt đất ở mọi phương đều thanh tịnh, không có một hòn sỏi, mịn màng như lòng bàn tay trẻ thơ, bóng láng tự nhiên như viên ngọc bích. 

Nguyện cho phẩm vật cúng dường thiêng liêng và phẩm vật của con người, thật sự bày ra và trong quán tưởng như những đám mây cúng dường vô song của Đức Phổ Hiền, tràn đầy hư không.

(1) Con xin đảnh lễ tất cả chư Phật đã ban ân huệ trong cả ba thời, cùng Pháp và Tăng, con cúi lạy bằng thân thể nhiều như vi trần trong thế giới.

(2) Tựa như Đức Văn Thù và các chư vị khác đã cúng dường ngài, đấng Chiến Thắng, con cũng xin cúng dường ngài, đấng Thủ Hộ Như Lai và con cái của ngài.

(3) Từ vô thủy luân hồi, trong kiếp này và những kiếp khác, con đã vô tình tạo nghiệp xấu ác, hay khiến người khác tạo nghiệp như thế, vì tâm vô minh áp đảo. Con đã hoan hỷ với tất cả những điều này. Thấy đó là lỗi lầm, từ đáy lòng, con xin phát lồ sám hối với ngài, đấng Thủ Hộ của con.

(4) Con xin tùy hỷ biển công đức với tâm hoan hỷ từ bồ đề tâm phát sinh nơi ngài, để đem lại hạnh phúc cho mỗi một chúng sinh và tùy hỷ hạnh phổ độ chúng sinh của ngài.

(5) Xin chắp tay khẩn cầu, chư Phật khắp muôn phương soi sáng đèn Pháp Bảo cho chúng sinh đang khổ đau và dò dẫm trong đêm tối.

(6) Xin chắp tay khẩn cầu, đấng Chiến Thắng đã vượt thoát ưu phiền, cầu xin ngài trụ thế vô lượng a tăng kỳ kiếp không lìa xa chúng sinh mù quáng, mãi lang thang trong cõi luân hồi.

(7) Với những thiện nghiệp đã tích tập từ tất cả những điều thiện hảo con đã làm, nguyện cho con diệt trừ mọi nỗi khổ của tất cả chúng sinh hữu tình.


Với phẩm vật cúng dường dâng lên các cõi Phật Nền tảng này, tẩm đầy nước thơm, rải rắc nhiều bông hoa trang nghiêm với núi Tu Di, bốn lục địa, mặc trời và mặt trăng, nguyện tất cả chúng sinh trôi lăn trong luân hồi đều được đưa về Tịnh độ

Om idam guru ratna mandala-kam-nir-yatayami. Con kính dâng mạn đà la này đến chư bổn sư tôn quý.

Việc Điều Chỉnh Tâm Ý Sau Cùng để Tập Trung Tinh Thần

Với tâm trạng cởi mở ta đã tạo ra, ta sắp sẵn sàng để bắt đầu tham dự lớp học hay buổi hành thiền. Tuy nhiên, trước tiên, việc tạo ra ý thức quyết định lắng nghe, học hỏi hay hành thiền với định tâm là điều hữu ích. Ta quyết định là nếu tâm ý bị tản mạn, ta sẽ đem nó trở lại và nếu bắt đầu buồn ngủ, ta sẽ đánh thức mình dậy. Khi có ý thức quyết định như thế, ta sẽ có nhiều cơ hội để tập trung tinh thần hơn.

Sau cùng, ta sẽ điều chỉnh sự tập trung tinh thần và năng lượng của mình. Trong trường hợp cảm thấy hơi buồn ngủ hay hôn trầm, cần nâng cao năng lượng của mình và tự đánh thức mình dậy. Để làm điều này, như giáo huấn Thời Luân (Kalachakra) đã chỉ dẫn, hãy tập trung tâm ý vào điểm giữa hai chân mày, mắt nhìn lên và đầu giữ cân bằng. Trong trường hợp cảm thấy kích động hay căng thẳng, và tâm tản mạn khắp nơi, ta cần hạ mức năng lượng của mình xuống để tâm trở nên tĩnh lặng hơn. Để thực hiện điều này, hãy tập trung tâm ý vào một điểm dưới rốn, ở trung tâm của cơ thể, mắt nhìn xuống và đầu giữ cân bằng. Sau khi hít vào một cách bình thường, ta sẽ giữ hơi thở cho đến khi cần phải thở ra.

Điều này hoàn tất toàn bộ quá trình sơ khởi cho việc tham dự lớp giáo pháp, thiền tập hay tu học riêng tư. Chính ngài Tịch Thiên đã nhấn mạnh những lợi ích và nhu cầu của việc thực hành Thất Chi Nguyện, và mỗi một vị đạo sư Tây Tạng mà tôi đã từng gặp gỡ cũng nhấn mạnh về điều này như nền tảng căn bản cho hành trì hằng ngày. Thậm chí tự nó cũng đã thiết lập một hành trì trọn vẹn hằng ngày. Ta có thể thực hiện hành trì sơ khởi này bằng cách trì tụng những câu kệ, chẳng hạn như trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên, hay có thể không tụng theo bài kệ, mà chỉ sử dụng ngôn từ riêng của mình, hoặc chỉ bằng sự cảm nhận. Điều chính yếu là có một cảm nhận nào đó đối mỗi một điều trong Thất Chi Nguyện. Cảm nhận được điều gì chính là yếu tố đem tâm thức ta đến một tâm trạng thích hợp cho việc hành thiền hay tu học.

Trong các thời hành thiền chính, sau hành trì sơ khởi này, ta có thể tập trung vào hơi thở, vào một chủ đề trong đường tu tuần tự đưa đến giác ngộ (lam-rim), hay những câu kệ nào đó của ngài Tịch Thiên. Các hành trì sơ khởi sẽ tạo cho ta một tâm trạng lãnh hội giáo pháp một cách đúng đắn, bất kể đề mục mà ta chọn lựa cho buổi tu tập chính là đề tài nào. Thậm chí ta có thể chọn thực hiện hành trì sơ khởi mà thôi, vì chính nó đã là một hành trì thù thắng. Thời gian dành cho các hành trì sơ khởi có thể khác nhau và tùy theo ý mình. Tuy nhiên, dù thực hành nhanh hay chậm, ta phải tránh thực hiện chúng như một nghi lễ trống rỗng. Ta cần giữ ý nghĩa của những hành trì này trong tâm thức, và cố gắng để cảm nhận mỗi một bước bằng một cách chân thành.

Top