Cách Đối Phó Với Bát Phong

Bát Phong

Bát phong là về tám pháp tạm bợ trong đời sống ('jig-rten-pa'i chos-brgyad, tám pháp thế gian). Bát phong được liệt kê theo bốn cặp là:

  • Lời khen hay tiếng chê
  • Danh thơm hay tiếng xấu
  • Được hay mất
  • Vui sướng hay đau khổ 

Việc phiền hà, bực bội hay không thoải mái với những điều này là cảm giác phấn khích quá độ, khi trải nghiệm điều đầu tiên trong mỗi cặp, và buồn phiền quá mức, khi trải nghiệm điều thứ hai trong mỗi cặp. Chúng ta có thể hiểu điều này theo  Tứ Diệu Đế.  

Diệu Đế Thứ Nhất

  • Vấn đề về nỗi khổ - chúng ta phải nhận lãnh những lời chỉ trích, tiếng xấu, mất mát, hay đau khổ. Một khía cạnh khác, tùy theo mình có lòng tự trọng cao hay thấp, là ta sẽ trải nghiệm việc nhận lấy điều đầu tiên trong mỗi cặp này, như lời khen v.v..., với nỗi buồn hay không.
  • Hạnh phúc tạm bợ - chúng ta sẽ nhận lấy lời khen, danh thơm, lợi dưỡng hay vui sướng. Một khía cạnh khác, tùy theo mình có lòng tự trọng cao hay thấp, là ta sẽ trải nghiệm điều thứ hai trong mỗi cặp như việc đổ lỗi, v.v..., với niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ không kéo dài và không giúp cho mình toại nguyện, hay không giải quyết được tất cả vấn đề của mình.
  • Kinh nghiệm của các uẩn cứ tái diễn một cách bất tự chủ - tám pháp tạm bợ cứ lặp đi lặp lại, không ai trước việc gì sẽ xảy ra sau đó, và mình không kiểm soát được chúng. Kinh nghiệm của chúng ta luôn thăng trầm.

Diệu Đế Thứ Hai

Vấn đề xuất phát từ nghiệp và phiền não. Nghiệp đề cập đến sự thôi thúc để hành động theo một cách nào đó, dựa vào cảm giác muốn lặp lại các hành nghiệp trong quá khứ, trải nghiệm điều này bằng cách bám chấp vào sự tồn tại "vững chắc" (chân thật), "tôi" muốn làm điều này, rồi khi mình hành động theo sự thôi thúc, thì hành vi này sẽ vận hành như một ác nghiệp (sdig-pa, tội lỗi) hay thiện nghiệp (bsod-nams, công đức). Do đó, dòng tâm thức của mình sẽ đi theo theo chủng tử nghiệp của nó: việc tích tập (tshogs, tích lũy) nghiệp lực, chủng tử nghiệp (sa-bon, hạt giống, khuynh hướng), và tập khí (bag-chags).

Khi được kích hoạt bằng tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc và tham ái, thì:

  • Chủng tử nghiệp sẽ trổ thành việc kinh qua những điều sẽ xảy ra, tương tự như những gì mình đã làm trong quá khứ - được khen ngợi hay chỉ trích, v.v...
  • Việc tích tập nghiệp lực sẽ trổ thành việc kinh nghiệm chúng với nỗi khổ hay niềm vui.
  • Tập khí sẽ trổ thành tâm bám chấp vào chúng, như sự tồn tại vững chắc. Chúng ta sẽ phân chia kinh nghiệm và thổi phồng mỗi khía cạnh trong ba khía cạnh thành điều gì to lớn - cái "tôi" vững chắc, bạn "vững chắc", trải nghiệm "vững chắc". Rồi đến phiền não của tâm luyến ái hay ác cảm, không muốn chia lìa với nó, và muốn có nhiều hơn nữa, hay  muốn chia lìa với nó. Những điều này sẽ khiến cho nhiều chủng tử nghiệp trổ hơn nữa. 

Sự Vận Hành Của Nghiệp

Chủng tử nghiệp sẽ trổ thành việc kinh nghiệm những điều xảy ra tương tự như những gì mình đã làm trong quá khứ.

  • Từ việc khen ngợi hay chỉ trích người khác bằng tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, ta sẽ trải nghiệm việc nhận lãnh những lời khen, chê hay đổ lỗi. Tất nhiên, đôi khi mình phải khen ngợi hay phê bình, điếu quan trọng là làm như vậy mà không bám chấp vào sự tồn tại vững chắc (ý thức về tánh vô ngã).
  • Từ việc tạo ra danh thơm hay tiếng xấu cho người khác, bằng cách bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, hoặc la mắng người khác hay ăn nói dịu dàng, hay làm phiền người khác bằng tiếng ồn, hoặc không làm phiền họ với tiếng ồn, thì điều tương tự sẽ xảy ra cho mình.
  • Từ việc không lấy những gì không thuộc về mình, không bố thí bằng tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, hoặc không ăn cắp hay lấy thứ gì của người khác, với tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, ta sẽ kinh qua việc được hay mất.
  • Từ thiện nghiệp hay ác nghiệp nói chung, với tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, ta sẽ trải nghiệm sự việc xảy ra một cách tốt đẹp hay tồi tệ, thành công hay thất bại.

Việc tích tập thiện nghiệp hay ác nghiệp, từ việc hành xử một cách tích cực hay tiêu cực, với tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc, sẽ trổ thành việc trải nghiệm hạnh phúc hay khổ đau trong tám kinh nghiệm này. Khi nhận lãnh lời khen, ta có thể cảm thấy vui hay buồn (không thoải mái, ví dụ như: "Tôi không đáng được như vậy."), và khi nghe những lời chỉ trích hay đổ lỗi, thì cũng giống như vậy.

Từ những tập khí, ta sẽ kinh qua tất cả những nghiệp trổ này, về mặt tin vào một "cái tôi" vững chắc - "tôi" vĩ đại như vậy, hoặc "tôi" không xứng đáng với điều này. Việc tin vào “bạn” - “bạn” thật tuyệt vời hay quá kinh khiếp. Việc tin vào một "kinh nghiệm" vững chắc - lời khen ngợi này quá tuyệt vời, hay lời chỉ trích này quá kinh khủng, thì nó sẽ làm hại "tôi" và danh tiếng của "tôi" v.v...

Sau đó, dựa vào cơ sở của tâm bám chấp vào sự tồn tại vững chắc này, ta sẽ có phiền não của lòng tham ái và phấn khích quá độ, hay sân hận và trầm cảm. Điều này tạo ra nghiệp trổ nhiều hơn, nên tạo ra luân hồi, với những thăng trầm trong luân hồi.

Diệu Đế Thứ Ba

Chân diệt. Chân diệt thật ra có nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, để không còn trải qua hạnh phúc và khổ đau ô nhiễm thăng giáng thất thường nữa. Thay vì vậy, ta sẽ cảm nhận hạnh phúc giác ngộ miên viễn. Hơn nữa, sẽ không còn trải nghiệm những điều xảy ra với mình, tương tự như những hành vi trong quá khứ của mình, thăng giáng thất thường.

Dù sao đi nữa, ngay cả trước khi thành tựu các chân diệt, khi mình vẫn trải qua việc được khen ngợi hay đổ lỗi, v.v..., và mọi việc diễn ra một cách tốt đẹp hay tồi tệ, và khi tự nhiên mình vẫn thấy vui hay buồn với những trải nghiệm này, thì vẫn có thể tạm thời chấm dứt cảm giác quyến luyến và phấn khích quá độ, hay phiền muộn và thống khổ, hay tức giận. Do đó, ta có thể thành tựu một loại tâm bình đẳng (btang-snyoms) và  thiền na (bsam-gtan, Phạn ngữ: dhyana).

Tâm bình đẳng với những kinh nghiệm này không có nghĩa là không cảm thấy gì cả - không hạnh phúc khi được tăng lương, hoặc không buồn bã khi người thân qua đời. Nó không có nghĩa là đè nén cảm xúc, dù cảm giác này sẽ trở nên khá tinh tế. Việc đè nén cảm giác và không có cảm giác gì cả thì không lành mạnh, mà có nghĩa là không bị quấy rầy hay bực bội với cảm giác này, không bị ràng buộc hay có ác cảm với nó, không phấn khích quá độ, hay chán nản hoặc tức giận - không khó chịu với những kinh nghiệm hay cảm giác đi kèm với chúng.

Điều này sẽ giúp ta phản ứng một cách thích hợp. Ví dụ như ta có thể bình tĩnh đánh giá những lời khen hay chê, để xem nó đúng hay không, và mình có học hỏi được điều gì hay không. 

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Diệu Đế Thứ Tư

Chân đạo đưa đến chân diệt này là tâm chứng ngộ tánh Không, để chấm dứt việc ngụy tạo và thổi phồng ba khía cạnh của kinh nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều đường tu tạm thời dẫn đến sự chấm dứt tạm thời, và nhiều đường tu này nằm trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (spyod-'jug, Phạn ngữ: Bodhicaryavatara) của ngài Tịch Thiên (Shantideva).

Cách Đạt Được Sự Chấm Dứt Tạm Thời: Quan Điểm

Đưa kinh nghiệm vào quan điểm.

  • Khi nghe những lời khen hay chê, thì có thể nhớ rằng mình có cả những điều đáng khen và đáng chê, vậy thì tại sao cái này lại quan trọng hơn cái kia? Tại sao ta lại đồng hóa mình với cái này mà không phải là cái kia? Hãy cảm thấy ghê tởm điều này và phát tâm xả ly.
  • Hãy làm như vậy, đối với việc nghe danh thơm và tiếng xấu, được và mất, sướng và khổ.

Hãy đưa kinh nghiệm vào viễn cảnh của cả kiếp sống, không chỉ trong bối cảnh hạn hẹp của khoảnh khắc hiện tại.

  • Khi được khen ngợi, thì hãy nhớ rằng luôn luôn có người khác chê bai.
  • Hãy nhớ lại việc được khen ngợi, rồi nhớ lại mình đã từng bị chê bai trong quá khứ. Hãy nghĩ rằng: Sẽ có người khác chỉ trích mình trong tương lai. Hãy chú tâm vào nhận thức rằng kinh nghiệm này không có gì đặc biệt.
  • Hãy làm như vậy, khi bị chỉ trích.
  • Phát tâm xả ly - chán ghét những cảm xúc thăng trầm này, và muốn thoát khỏi chúng 
  • Hãy lặp lại những bước này, khi nghe về danh thơm hay tiếng xấu (với người đang giao tiếp với mình, hoặc không giao tiếp, hành xử tốt đẹp, hay xấu xa, v.v.), được và mất, và sướng hay khổ.

Kinh Nghiệm Hiện Tại Có Chân Thật Hơn Không?

  • Khi nhận lãnh lời chỉ trích hay đổ lỗi, thì ta có thể suy ngẫm về điều gì khiến cho lời nói của người này chân thật hơn lời khen ngợi của người khác. Điều gì khiến cho nó thực tế và quan trọng hơn? Tại sao người này đúng, còn người khác thì sai?
  • Ngay cả với cùng một người, thì điều gì khiến cho lời nói trong hiện tại của người này dường như phản ánh tình cảm chân thật của họ đối với mình? Điều gì làm cho nó trở nên quan trọng, chân thật và thực tế hơn, so với lúc họ đã ca ngợi mình trong quá khứ? Hay điều gì làm cho nó ít quan trọng hơn, ít chân thật và thiếu thực tế hơn, so với lúc họ ca ngợi mình trong quá khứ, để mình bỏ mặc nó? Hãy chú trọng vào tâm nhàm chán điều này, và phát tâm xả ly. 
  • Hãy làm như vậy với lời khen, nghe danh thơm hay tiếng xấu, được hay mất, sướng hay khổ.

Tôi Mong Đợi Điều Gì Từ Luân Hồi?

  • Ngay cả Đức Phật cũng không thể làm cho tất cả mọi người hài lòng, và không phải ai cũng tán thán hay yêu thích Đức Phật, vậy thì tôi trông mong điều gì cho bản thân mình?
  • Tôi mong đợi điều gì từ luân hồi? Ngày nào tôi chưa tịnh hóa hết nghiệp chướng, thì sẽ nhận lãnh danh thơm và tiếng xấu, được và mất – sự việc sẽ suôn sẻ hay tồi tệ. Nếu như mình bực bội vì điều đó, thì hãy chuyển hóa cảm giác đó thành tâm nhàm chán, và phát tâm xả ly.

Chọc Thủng Bong Bóng Ảo Tưởng

  • Khen, chê, danh thơm, tiếng xấu, được, mất, sướng hay khổ chỉ là sự rung động trong không khí. Chúng chỉ là bề ngoài. Làm sao chúng có thể có sức mạnh để biến "tôi" thành một người thật sự tuyệt vời, hay thật sự khủng khiếp? 
  • Thậm chí còn hơn thế nữa, làm sao chúng có sức mạnh để biến một cái "tôi" có vẻ cụ thể thành một người thật sự tuyệt vời, hay thật sự kinh khiếp? Ví dụ như "tôi" xứng đáng với điều này. Rốt cuộc thì cái "tôi" quy ước chỉ là điều gì được quy gán vào một dòng tương tục về kinh nghiệm luôn luôn biến đổi của các uẩn, và điều này cũng đúng về "bạn" quy ước.
  • Làm sao mà việc nhận một món quà từ người nào lại có thể đe dọa tính độc lập của một “cái tôi” như vậy? Làm thế nào mà sự việc lại trở nên tồi tệ, hay việc mất mát có thể thiết lập một cái "tôi" tội lỗi và đáng phải chịu đau đớn, hay bị trừng phạt?
  • Hãy xem cách mà những ý nghĩ và niềm tin sai lầm này có thể khiến cho mình ngăn cản bản thân tận hưởng niềm vui và hạnh phúc trong vô thức, khi mọi việc đang xảy ra một cách tốt đẹp, hay người nào đang yêu thương mình? Hãy tưởng tượng rằng tuệ giác này sẽ làm bể những chiếc bong bóng của những ảo tưởng như vậy, và tưởng tượng mình đang tận hưởng hạnh phúc. 
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.
Top