Từ Tứ Diệu Đế, Phát Sinh Ra Tam Bảo

Bình Luận

Chúng ta đang tiếp tục thảo luận về vần kệ đặc biệt này của Đức Dalai Lama, giải thích cách đi từ việc lãnh hội nhị đế đến Tứ Diệu Đế, đến sự xác tín về Tam Bảo. Chúng ta đã thấy rằng nhị đế nói về cách vạn pháp thật sự tồn tại:

  • Chân lý tương đối hay quy ước; những gì thật sự hiện ra với chúng ta phát sinh phụ thuộc vào nhân duyên. Nếu ta đã thấy mọi việc vận hành như thế nào trên thế giới này, thì đây là những gì mình sẽ thấy. Nhưng thật không may là ta thường không thấy sự việc theo cách này.
  • mức độ chân lý tuyệt đối thì các pháp không tồn tại theo cách bất khả dĩ mà tâm vô minh phóng chiếu vào chúng. Chẳng hạn như nghĩ rằng các pháp sinh khởi bằng tự lực của chúng, giống như chúng có vẻ như vậy khi ta nhìn thấy chúng, độc lập với bất kỳ nhân duyên, thành phần hay bất cứ điều gì khác; nhưng đó là điều sai lầm.

Thế thì đây là nền tảng.

Tứ Diệu Đế nói về tâm vô minh về việc nhìn thực tại một cách đúng đắn. Khi chúng ta mê lầm về thực tại thì điều này đóng vai trò của nhân tạo khổ: nguyên nhân là diệu đế thứ hai, và chính nỗi khổ là diệu đế thứ nhất. Mặt khác, nếu như nhìn thực tại một cách đúng đắn, và có thể tập trung vào đó trong mọi lúc thì ta sẽ có diệu đế thứ ba, một sự chân diệt của nỗi khổ. Việc chứng ngộ là đạo đế, diệu đế thứ tư, đưa đến một chân diệt.

Khi không rõ ràng về thực tại thì ta sẽ hành động trên cơ sở vô minh và mê lầm, và duy trì vòng tái sinh vô tự chủ. Nếu như đoạn trừ được tâm vô minh này thì ta có thể đảo ngược, hay thoát khỏi tái sinh luân hồi.

Tam Bảo

Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét dòng thứ ba của vần kệ:

Nhờ có nhận thức xác thực mà tín tâm về Tam Bảo trở nên kiên định.

Như đã thấy, Ba Đối Tượng Quy Y (Three Refuges) nói về Phật, Pháp và Tăng. Đây là danh từ tiếng Phạn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả các vị Phật khác là những bậc đã đạt giác ngộ, và dạy ta cách làm như vậy. Pháp là giáo huấn của chư Phật. Tăng là tăng thân có chứng ngộ cao. Đây là một mức độ hiểu biết, nhưng chúng cũng có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Về ý nghĩa sâu xa hơn thì Pháp nói về những thành tựu thật sự, cụ thể là sự thành tựu của diệu đế thứ ba và thứ tư. Như bạn sẽ nhớ thì diệu đế thứ ba là chân diệt của khổ và nhân tạo khổ, và điều đó xảy ra theo từng giai đoạn. Khi ta thành tựu điều đó trọn vẹn thì sẽ đạt được giải thoát, thoát khỏi vòng tái sinh bất tự chủ (luân hồi). Khi tiếp tục đoạn diệt những nguyên nhân cản trở mình tường tận tất cả các chi tiết về nhân quả, để biết cách tốt nhất để đưa tất cả chúng sinh đến giải thoát thì chúng ta sẽ trở thành những vị Phật giác ngộ. Diệu đế thứ tư là sự hiểu biết đem lại những chân diệt này, và kết quả từ những chân diệt đó.

Hai điều này tạo thành sự quy y. Trong trường hợp này thì quy y là điều gì bảo hộ mình thoát khỏi nỗi khổ và sự khiếm khuyết trong việc giúp đỡ tha nhân. Nếu như đạt được các chân diệt và chân đạo thì ta sẽ ngăn chận nỗi khổ và vấn đề không có khả năng giúp đỡ tha nhân một cách tốt nhất. Không phải là người khác đã đạt được nó, nên ta chỉ cần giao phó bản thân mình cho họ, và sẽ được cứu độ một cách kỳ diệu bằng cách nào đó.

Cái gọi là “tôn giáo Abraham” - Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo - là cái được biết như tôn giáo được định hướng theo lịch sử. Mỗi một tôn giáo có một nhân vật lịch sử, trong một sự kiện lịch sử, đã có một sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Sau đó, họ đã tiết lộ sự thật này, và đó là chung cuộc. Chúng ta không thể làm những gì Moses hoặc Chúa Giê-su, hay Mohammed đã làm, mà chỉ cần có niềm tin vào họ, nhờ đó mà mình sẽ được cứu rỗi, thoát khỏi nỗi khổ của mình. Đức tin ở đây đề cập đến niềm tin vào các nhân vật, hay có niềm tin vào những gì họ đã dạy và tiết lộ, như sự kiện lịch sử mà Đức Chúa Trời đã ban Mười Điều Răn cho Moses, hoặc Chúa Giêsu tiết lộ kinh Tân Ước, hay Mohammed tiết lộ kinh Koran. Những sự kiện lịch sử quan trọng này là trọng điểm của những tôn giáo này.

Các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo (Jainism), có thể được gọi là “tôn giáo Giáo Pháp” (“Dharmic religions”) thì hoàn toàn khác biệt. Sự thật lịch sử của Đức Phật hay Krishna, hay Mahavira (người sáng lập Kỳ Na giáo) không phải là sự kiện chính, mà đúng hơn là chính mình và người khác cũng có thể đạt được trạng thái giống như những đấng cao cả này. Trong bối cảnh Phật giáo thì tất cả chúng ta đều có thể đạt được giải thoát và giác ngộ, và các tôn giáo Giáo Pháp khác cũng trình bày diễn giải riêng của họ về giải thoát. Đây là một trong những khác biệt cơ bản giữa các tôn giáo phương Tây, tôn giáo Abraham, và các tôn giáo Ấn Độ.

Khi xem xét ba đối tượng quy y thì điều quan trọng là không nên nhìn chúng qua sự phóng chiếu về các tôn giáo Abraham, là những điều mà có thể ta đã lớn lên và quen thuộc với chúng. Không phải Phật là người duy nhất đạt giác ngộ, và nếu như mình tin vào Ngài thì sẽ được cứu rỗi. Vì vậy nên tôi thường tránh dùng chữ “quy y”, vì nó tạo ra một hương vị khá thụ động, như thể điều duy nhất mà mình phải làm là nói rằng “Xin Đức Phật cứu độ con!”, rồi mình được cứu rỗi. Đó không phải là đạo Phật. Tôi thích sử dụng thuật ngữ “phương hướng an toàn”, khi mà Phật, Pháp và Tăng nêu ra một phương hướng an toàn để mình noi theo, để ta cũng có thể tự mình thành tựu những gì Đức Phật đã đạt được. Mặc dù Đức Phật đã dạy ta cách để tự bảo vệ bản thân, nhưng mình phải áp dụng nó. Đó là nỗ lực của riêng mình, đối với thành tựu của riêng mình, điều sẽ giúp mình thoát khổ.

Pháp Bảo

Khi nói về Pháp Bảo hay Ngọc Quý sâu sắc nhất, hay theo cách nào mà bạn muốn gọi nó, thì đó là điều gì hiếm hoi và quý báu, đó là nghĩa đen của hai âm tiết mà người Tây Tạng đã dịch là ngọc quý ở đây. Chúng ta đang nói về tình trạng thật sự của chân diệt, và sự thành tựu chân đạo, điều đem lại chân diệt và kết quả từ chúng. Đây là những điều mà mình phải tự thành tựu, nên phải vững tin rằng mình có thể thành tựu chúng. Việc thảo luận của chúng ta về nhị đế và tứ đế sẽ giúp mình hiểu rằng có những điều như giải thoát và giác ngộ, và ta có thể tự mình thành tựu chúng.

Phật Bảo

Chư Phật là những người đã đạt được giải thoát, rồi giác ngộ viên mãn. Điều này không chỉ bao gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn có nhiều vị Phật khác nữa. Chư Phật đã thuyết giảng và nêu ra cách ta có thể tự mình đạt được trạng thái đó. Có hai cách mà chư Phật hướng dẫn chúng ta: bằng giáo huấn của chư vị, và bằng ví dụ, dựa vào sự hiểu biết và nhận thức của các ngài. Đây là điểm quan trọng, vì nó chứng minh rằng ta có thể giúp người khác tu học không chỉ bằng lời giảng dạy, mà còn là một ví dụ sống động về những gì mình giảng dạy. Pháp không phải là giáo huấn trừu tượng, mà là điều mà mọi người và chúng ta có thể biểu hiện.

Tăng Bảo

Một số người có thể nghĩ tại sao chúng ta cần Bảo thứ ba, Thánh Tăng (Arya Sangha)? Chắc chắn Phật và Pháp là đủ chứ? Mặc dù chư tăng ni đại diện cho Tăng đoàn, nhưng đó không phải là Tăng Bảo thật sự. Giống như tượng và tranh tượng trưng cho chư Phật và kinh sách đại diện cho Pháp, nhưng chúng chỉ là những điều đại diện. Là những điều đại diện cho Phật, Pháp và Tăng nên những tôn tượng, kinh sách và chư tăng ni cho chúng ta trọng tâm để thể hiện sự tôn trọng, bởi vì không dễ thể hiện sự tôn trọng với những điều trừu tượng hơn. Tất nhiên là có một ý nghĩa sâu sắc hơn đối với điều này.

Tăng Bảo rất quan trọng. Tăng thân đề cập đến chư thánh nhân (aryas), hay những bậc đã chứng ngộ Tứ Diệu Đế vô niệm, dựa trên nhị đế. Vì đã nhận thức những điều này vô niệm, nên chư vị đã đạt được chân diệt ở một mức nào đó, và chân đạo ở một mức nào đó, nhưng chưa viên mãn. Các thánh nhân cao hơn sẽ đạt được cả hai điều này nhiều hơn, cho đến khi các ngài đạt giải thoát, và cuối cùng thành tựu giác ngộ. Các Diệu Đế được định nghĩa như các thánh đế, đó là những điều mà chư thánh nhân, những vị có nhận thức vô niệm về thực tại, xem là đúng. Điều này cho ta biết rằng:

  • Không chỉ chư Phật là người nhận thức được tất cả những điều này, và thành tựu các chân diệt và chân đạo. Đúng hơn thì đó là một quá trình tuần tự.
  • Ngay cả trước khi đạt được giải thoát hay giác ngộ thì ta đã bắt đầu loại bỏ và đoạn trừ các khía cạnh khác nhau của khổ đế, bởi vì mình đang đoạn diệt các nguyên nhân chân thật tạo ra khổ ở những mức độ khác nhau.

Giải thoát và giác ngộ là những quá trình tuần tự, bắt đầu từ lâu, trước khi mình trở thành một vị Phật, hay một bậc giải thoát. Đối với chúng ta thì thánh nhân thường dễ liên hệ hơn chư Phật, vì các ngài vẫn có một số vấn đề, v.v..., và một số vị vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, nhưng họ đã thoát khỏi một phần nào đó. Theo cách này thì ta có thể liên hệ với các ngài dễ dàng hơn.

Chư Thánh Tăng đem lại niềm khích lệ và cảm hứng, rằng nếu mình đi theo phương hướng an toàn mà chư vị đã noi theo từng bước một thì ta cũng có thể đạt được những mục tiêu tối hậu, đó là giải thoát và giác ngộ. Tuy không thể đi trọn đường tu trong lúc này, nhưng ta có thể tự giải thoát bản thân ra khỏi một mức độ đau khổ nào đó, vì ta sẽ tự thoát khỏi vô minh ở một mức độ nào đó, tạo ra đau khổ. Nó chỉ là vấn đề mình có thể tập trung hoàn toàn vào thực tế đến mức nào thôi. Nếu vẫn còn là một thánh nhân thì bạn không thể tập trung vào thực tế trong mọi lúc, nhưng nếu là một vị Phật thì bạn có thể làm việc đó.

Giải thoát và giác ngộ không giống nhau. Giải thoát là khi mình thoát khỏi luân hồi, đó là khi ta trở thành A la hán, bậc giải thoát. Giác ngộ là khi không chỉ thoát khỏi phiền não chướng, những cảm xúc phiền não và vô minh về cách mình tồn tại, mà còn thoát khỏi sở tri chướng, những tập khí của vô minh.

Nói cách khác thì vì thói quen tin vào những sự phóng chiếu về những điều bất khả dĩ, khi tâm hành của mình tiếp tục tạo tác những sự phóng chiếu, và ta tiếp tục tin rằng chúng tương ứng với thực tế. Từ đó mà phiền não phát sinh. Ta sẽ đoạt giải thoát, khi không tin rằng những hiện tướng lừa đảo này tương ứng với thực tại. Ta sẽ hiểu rằng chúng đều là rác rến, mặc dù các pháp có thể xuất hiện như thế này, nhưng đó không phải là cách chúng tồn tại trên thực tế. Nhận thức của mình vẫn bị hạn chế, và ta sẽ có khuynh hướng nhìn các pháp như chúng tồn tại trong những chiếc hộp, nhưng sẽ biết rằng đó không phải là cách mà chúng thật sự tồn tại.

Ngay cả ở mức độ vật lý nguyên tử rất đơn giản thì chúng ta có các nguyên tử và lực trường (force fields), v.v., nhưng không có lằn ranh vững chắc nào xung quanh bất kỳ vật thể nào nói rằng, “Ở bên này của lằn ranh thì có đối tượng, và ở bên kia thì không có.”. Các pháp không cụ thể như chúng hiện ra. Nếu như đoạn diệt được sở tri chướng, khiến mình tạo ra hiện tướng lừa đảo này, thì tâm sẽ ngừng phóng chiếu chúng, và ta sẽ đạt được giác ngộ. Khi đạt giác ngộ thì ta sẽ thấy được sự tương quan của vạn pháp trong cùng một lúc. Điều này sẽ giúp ta thấy cách dẫn dắt tha nhân đến giải thoát và giác ngộ một cách thiện xảo nhất.

Khi nói về thánh nhân thì chúng ta không chỉ nói về Bồ tát thánh nhân, những người đang nhắm đến giác ngộ, mà còn nói về những bậc thánh nhân chỉ nhắm đến giải thoát. Khi nói về Tam Bảo trong bối cảnh quy y thì chúng ta đang nói về những người chỉ nhắm vào giải thoát, hoặc nhắm vào cả giải thoát và giác ngộ, không chỉ những vị Bồ tát nhắm đến giác ngộ.

Phát Tâm Xác Tín Vào Tam Bảo

Nếu như hiểu được nhị đế và tứ đế về cách mình bị mắc kẹt trong luân hồi, và làm thế nào để có thể thoát khỏi luân hồi, thì ta sẽ vững tin rằng Pháp Bảo sâu sắc nhất thật sự tồn tại, và đó là sự thật. Ta sẽ hiểu rất rõ rằng tâm vô minh tạo ra hiện tướng lừa đảo về những gì bất khả dĩ không phải là một đặc điểm bẩm sinh của tâm hành của chúng ta. Tại sao? Bởi vì ta có thể đoạn diệt nó, khi chú tâm vào điều trái ngược với vô minh.

Nói cách khác là khi tập trung vào nhận thức về nhị đế về cách vạn pháp tồn tại thì bạn không có hiện tướng lừa đảo, và chắc chắn không tin vào chúng. Nếu bạn có thể hoàn toàn tập trung vào nhận thức này, là chân đạo, thì bạn sẽ đạt được một chân diệt, và điều này được lý lẽ hỗ trợ. Bạn có thể chứng thực rằng điều này phù hợp với thực tế, và nó sẽ tạo ra hiệu ứng này. Bạn sẽ không còn phải chịu đựng nỗi bất hạnh và hạnh phúc bình thường nữa, và sẽ không còn vướng mắc trong luân hồi.

Bạn có thể phản đối và nói rằng, “Nếu như lúc nào cũng tập trung vào tâm vô minh thì bạn không thể có sự hiểu biết hay ý thức”, vậy thì điều nào mạnh mẽ hơn - tập trung vào tâm vô minh không phù hợp với thực tế, hay tập trung vào nhận thức phù hợp với thực tế?

Nếu như phân tích điều này thì ta sẽ thấy rằng không có gì đáng kể để chống đỡ tâm vô minh, trong khi lý lẽ thì hỗ trợ sự hiểu biết đúng đắn. Vạn pháp sinh khởi từ nhân duyên, và chúng không thể tồn tại bằng tự lực của chúng. Thêm vào đó, nếu như duy trì tâm ý vào sự hiểu biết đúng đắn trong mọi lúc thì điều này sẽ tạo ra hiệu quả của nó: ta sẽ không còn phải chịu khổ đau hay tái sinh trong luân hồi.

Điều này đưa ta trở lại Tứ Diệu Đế một lần nữa. Chúng ta đang nhắm đến điều gì? Liệu mình có muốn khổ đau trong mọi lúc, mãi mãi hay không? Nếu mình muốn thì có thể tập trung vào tâm vô minh, và chúng ta sẽ đau khổ; đơn giản như vậy thôi. Bạn cứ chào đón nó! Nhưng nếu bạn muốn thoát khỏi tất cả khổ đau, đó là mục tiêu của đường tu nhà Phật, thì rõ ràng là bạn cần phải chú tâm vào nhận thức dựa trên thực tế.

Cách tiếp cận chủ đề quy y này được nhận thức xác thực nêu ra, rồi thì tâm xác tín rằng Ba Đối Tượng Quy Y là sự thật sẽ trở nên vững chắc. Chúng ta không còn võ đoán, hay hy vọng rằng nếu mình đi theo hướng này thì sẽ thoát khổ, bởi vì ta tin rằng “thầy của mình đã nói nó là như vậy!”. Nó sẽ dựa trên nhận thức xác thực, dựa trên sự hiểu biết nhờ suy luận và lý lẽ.

Có hai cách để có được nhận thức xác thực – một là bằng suy luận thông qua lý lẽ, hai là nhận thức trần trụi, giống như nhìn, nghe hoặc trải nghiệm nó bằng vô niệm. Với cách thứ hai này thì vấn đề là bạn phải tu tập rất, rất là cao để tự mình trải nghiệm nó, nên phải khởi đầu với suy luận làm cơ sở cho nhận thức xác thực.

Tiến Triển Trên Đường Tu Tâm Linh

Bây giờ thì chúng ta có dòng thứ tư:

Xin ban lực gia trì để con cấy rễ đường tu giải thoát.

Khi nói về đường tu giải thoát thì nó có thể được trình bày theo nhiều cách, một trong số đó là ba phạm vi động lực, thường được biết đến theo thuật ngữ Tây Tạng “lam-rim” (đường tu tuần tự đến giác ngộ). Các giai đoạn được phân loại này là ba mục tiêu tiến triển:

  • Phạm vi thứ nhất là để tránh những tái sinh tồi tệ hơn, và có được những tái sinh tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn có được tái sinh tốt hơn, với ít đau khổ hơn, bởi vì mình sẽ có những điều kiện tối ưu, để có thể tiếp tục trên đường tu. Nếu như tái sinh thành một con gián thì ta không thể làm gì nhiều về mặt phát triển tâm linh. Để tránh những tái sinh tồi tệ hơn thì phải đoạn trừ tâm vô minh về sự thật tương đối, đó là nhân quả. Nguyên nhân chính cho những tái sinh tồi tệ hơn là hành vi tiêu cực, và ta hành động một cách tiêu cực vì vô minh về hậu quả của hành động của mình, hay nghĩ rằng chúng sẽ làm cho mình hạnh phúc.
  • Phạm vi trung bình là nhắm vào mục tiêu giải thoát khỏi cả ba loại khổ - bất hạnh, hạnh phúc thông thường, và nền tảng cho hai loại này, đó là luân hồi. Để thực hiện điều này thì cần phải đoạn diệt tâm vô minh về chân lý tuyệt đối, bằng cách chứng ngộ tánh Không. Trên thực tế thì chúng ta cần phải lãnh hội về toàn bộ Tứ Diệu Đế trong mọi lúc. Rất khó để tập trung vào tất cả những điều này trong cùng một lúc, trong mọi lúc, nên mình cần phải đi xa hơn.
  • Phạm vi cao là đạt được trạng thái giác ngộ của một vị Phật, để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh bằng cách tốt nhất. Trong khi tập trung vào chân lý tuyệt đối thì ta sẽ hoàn toàn thấu hiểu chân lý tương đối. Chỉ có một vị Phật mới có thể chú tâm vào hai chân lý cùng một lúc.

Nếu chúng ta nhìn sâu hơn vào dòng này, “Từ nhị đế dẫn đến tứ đế; từ tứ đế dẫn đến Tam Bảo”, đó là cội nguồn của ba phạm vi ở trên, và các pháp tu dẫn đến những mục tiêu này. Nó nói đó là cội rễ, mà gốc rễ thì không phải là hạt giống. Rễ cây là cái tạo ra sự ổn định và sức mạnh cho một cái cây. Nếu ta vững tin bằng lý lẽ rằng ba mục tiêu có thể đạt được, rằng chúng tồn tại, và việc ta có thể tự mình thành tựu được chúng là điều thực tiễn, thì dĩ nhiên nó sẽ tạo ra sự ổn định cho mình, điều sẽ hỗ trợ toàn bộ đường tu, hướng đến mục tiêu ấy.

Những bài thuyết trình khác nói rằng cội nguồn của ba phạm vi là mối quan hệ lành mạnh với vị thầy tâm linh, và bạn sẽ tìm thấy điều này trong tất cả các sách lam-rim. Mối quan hệ lành mạnh này là cội nguồn của toàn bộ đường tu, theo ý nghĩa là mình có được nguồn cảm hứng từ vị thầy, và chính nguồn cảm hứng này đem lại cho ta sức mạnh và năng lượng để tiếp tục hướng đến các mục tiêu.

Một lần nữa, chúng ta thấy có hai thể loại về cách mình có thể tiến triển trên đường tu một cách ổn định:

  • Một cách là sử dụng sức mạnh và nguồn cảm hứng từ mối quan hệ của mình với các bậc thầy tâm linh. Dựa vào đó, chúng ta sẽ sử dụng một dòng lý luận rằng: “Thầy mình là một nguồn thông tin xác thực. Do đó, những gì thầy nói, rằng có thể đạt được giác ngộ, là đúng. Không có lý do tại sao thầy sẽ bịa đặt ra điều đó.”. Vì vậy, có một loại lý lẽ nào đó ở đây, nhưng hầu hết mọi người cảm nhận nó nhiều hơn ở mức độ cảm xúc, khi mà vị thầy truyền cảm hứng cho họ rất nhiều về mặt cảm xúc, và điều đó mang lại cho ta sức mạnh lạ thường, để tu tập trên đường tu. Nó tương tự như cách đầu tiên trong hai cách phát bồ đề tâm. Với điều này, mình sẽ bắt đầu với việc phát bồ đề tâm tương đối, khi mà mình muốn giúp đỡ tha nhân, và từ đó, muốn đạt được giác ngộ, dựa vào niềm tin rằng đó là điều khả dĩ. Chỉ về sau thì mình mới bị thuyết phục vì lý lẽ là có thể đạt được giác ngộ.
  • Mặt khác, khi quán chiếu về phương thức thực hành mà trước tiên, ta sẽ phát bồ đề tâm tuyệt đối, và phát triển tâm xác tín vào tánh Không như được mô tả trong vần kệ. Trước hết, mình sẽ vững tin rằng có thể đạt được giác ngộ, rồi sẽ làm việc ở khía cạnh cảm xúc để thật sự tu tập hướng đến giác ngộ, mở rộng lòng mình, v.v...

Cả hai đều là những cách xác thực để tiếp cận đường tu, và tất cả đều phụ thuộc vào phạm vi hay năng lực của chính mình. Nó được mô tả trong sách vở rằng những người có căn cơ rất nhạy bén và trí thông tuệ cao sẽ thấy nó phù hợp hơn với cá tính của họ, để dựa vào cách trình bày hợp lý, trong khi những người không nhạy bén thì sẽ làm việc nhiều hơn ở mức độ cảm xúc. Đối với nhóm thứ hai thì những gì hữu hiệu nhất là dựa vào nguồn cảm hứng từ vị thầy, và cảm xúc được phát triển về mặt lòng từ và lòng bi để làm cơ sở.

Theo nhiều cách thì tôi nghĩ rằng việc cân bằng cả hai cách tiếp cận là tốt. Và chúng ta có thể bổ sung thêm vào đó khía cạnh thứ ba, là lòng sùng mộ. Một số người có được cảm hứng để noi theo đường tu đưa đến giác ngộ bằng cách tham dự và thực hiện các nghi lễ mà các hành giả đã tham gia trong nhiều thiên niên kỷ. Không nên hạ thấp những cách khác để tiếp cận đường tu nhà Phật, chỉ vì nó thoải mái hơn khi mình tiếp cận nó theo một phong cách cụ thể nào. Nếu muốn phát triển tự thân và tiềm năng của mình một cách trọn vẹn thì phải cân bằng cả ba cách tiếp cận.

Đây là phần trình bày cơ bản của vần kệ này, trong bài khấn nguyện này của Đức Dalai Lama. Như thầy của tôi thường nói, giống như vắt sữa bò thì bạn có thể rút ra rất nhiều ý nghĩa từ những vần kệ ngắn này.

Vấn Đáp

Ứng Dụng Thực Tiễn Của Tứ Diệu Đế

Nếu một người bạn của tôi lúc nào cũng lo lắng, thì tôi có thể nói với anh ta là hãy bình tĩnh và đừng xem vấn đề quá nghiêm trọng. Đó là lời nhắc nhở mà ta có thể dành cho chính bản thân mình và người khác. Nhưng đến khi tôi ích kỷ và phải đối phó với người khác thì có mật chú hay lời nhắc nhở nào mà tôi có thể sử dụng, để không quên việc khảo sát đâu là sự phóng chiếu của tâm vị kỷ của tôi và đâu là thực tế không? 

Theo bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng Tông Khách  Ba (Tsongkhapa) thì trừ khi mình nhập định trong tánh Không vô niệm, ngoài ra thì tâm hành của chúng ta sẽ phóng chiếu những cách tồn tại bất khả dĩ. Nó đang diễn ra trong mọi lúc. Đối tượng của sự phủ định là mọi khoảnh khắc trải nghiệm của mình, ngoài thời thiền định thậm thâm đó.

Có rất nhiều điều nhỏ nhặt có thể giúp ta giải mã những hiện tướng lừa đảo mà mình nhận thấy. Một hình ảnh hữu ích là để “chọc thủng quả bong bóng” của ảo tưởng, nhưng nó cần phải được thực hiện theo cách bất nhị, như là, không có cái “tôi” nào với một cây kim ở đây và một quả bong bóng lớn ở đó, và “tôi” đi chọc thủng cái bong bóng. Nó chỉ đơn giản là quả bong bóng, sự phóng đại về cách mọi thứ tồn tại, bị chọc thủng. Hiện tướng lừa đảo có thể là “Bạn là người bạn rất kinh khủng”, hay “Tôi đang ở trong tình huống rất kinh khủng”, và mình không thấy nó trong bối cảnh của tất cả các nhân duyên và những người khác cũng đang gặp phải điều tương tự. Sau đó, ta sẽ nghĩ rằng, “Tội nghiệp cho mình quá!”. Ta chỉ cần tưởng tượng rằng tất cả những điều này sẽ bị chọc thủng. 

Một hình ảnh khác là một cuốn sách được mở ra, với một trang là “Tội nghiệp cho mình đang đau khổ vì điều này”, và tình huống khủng khiếp khác mà ta không thể xử lý. Nó giống như một câu chuyện cổ tích kinh hoàng. Ta sẽ có tâm ảnh của cuốn sách gấp lại, và đó là phần cuối của câu chuyện cổ tích. Nếu như sử dụng nhiều thuật ngữ hơn thì ta sẽ xem nó như mình đang gấp lại cuốn sách nhị nguyên.

Nếu muốn có một mật chú thì bạn có thể nói là “rác rưởi” hay “nhảm nhí” để nhớ rằng trên cơ bản thì những gì xuất hiện với mình là rác rưởi. Vấn đề chính là cần phải nhớ điều đó. Lúc cần có nó nhất là khi mình bị phiền não nặng nề. Ví dụ được người Tây Tạng sử dụng là cảm giác khi bạn bị vu oan là đã làm điều gì đó, và ý thức rất mạnh mẽ về “Tôi không có làm điều đó! Ý của anh là tôi là người nói dối và ăn trộm hay sao?!” Ý thức mạnh mẽ về một cái tôi vững chắc sẽ phát sinh.

Sự Khác Biệt Giữa Đạo Phật Và Các Tôn Giáo Giáo Pháp Khác

Ông đã đề cập rằng có những tôn giáo Giáo Pháp khác, và mỗi tôn giáo nói rằng có những vấn đề, nhưng cũng có sự giải thoát khỏi vấn đề. Tất nhiên, mỗi tôn giáo sẽ nói rằng phương pháp của họ là tốt nhất, vậy thì ông có thể giải thích những điều cụ thể trong đạo Phật, từ quan điểm này hay không?

Bạn nói đúng. Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo đều nói về việc đạt được giải thoát khỏi luân hồi, và mô tả trạng thái giải thoát ấy ra sao. Mỗi một tôn giáo trong số họ nói rằng cách để đạt được giải thoát là nhờ sự thấu hiểu về thực tại, cách họ mô tả thực tại. Theo cách này thì đạo Phật hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của một tôn giáo Ấn Độ. Điều thật sự đặc biệt về Phật giáo là Tứ Diệu Đế. Đạo Phật dạy rằng:

  • Người khác có thể mô tả nỗi khổ là gì, nhưng Đức Phật đã nói về khổ đế.
  • Người khác có thể nói rằng một loại vô minh nào đó là nguyên nhân tạo khổ, nhưng Đức Phật đã nói về loại vô minh sâu sắc nhất, là tập đế.
  • Điều mà các tôn giáo Giáo Pháp khác có thể xem là một sự chân diệt thì không kéo dài mãi mãi, hay không hoàn toàn tự do.
  • Sự hiểu biết mà người khác nói đến có thể đưa bạn đến một trạng thái nào đó, nhưng nó không phải là một đạo đế, có thể dẫn dắt bạn suốt đường tu đến giải thoát.

Tự nhiên là tất cả những người khác sẽ nói điều tương tự về đạo Phật, nên người ta phải thật sự khảo sát thực tại là gì. Như đã thấy trong vần kệ thì toàn bộ nền tảng của đường tu, và điều này đúng với Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo, không chỉ trong Phật giáo, là quan điểm về thực tại. Điều này phải được trắc nghiệm bằng lý lẽ, kinh nghiệm và sự hiểu biết.

Có một sự khác biệt lớn giữa việc noi theo đường tu để trở thành một người tử tế hơn, bi mẫn hơn trong kiếp sống này, hay muốn đạt giải thoát. Nếu như nói về giác ngộ thì bạn có thể khảo sát trên cơ sở hợp lý, và tranh luận để xem giải thích nào là xác thực nhất. Tuy nhiên, hầu hết mọi người tu tập theo một đường tu lại không thật sự hướng đến giải thoát. Họ có thể nói là họ hướng về giải thoát, nhưng lại không có ý niệm điều đó có nghĩa là gì, và chỉ đang cố gắng cải thiện đời sống của họ trong kiếp này. Vậy thì cũng tốt thôi, không có gì sai trái.

Vì vậy, khi Đức Dalai Lama được hỏi tôn giáo nào là tốt nhất thì ngài nói tôn giáo tốt nhất là tôn giáo nào giúp cho cá nhân bạn trở thành một người tử tế và bi mẫn hơn. Mỗi người đều khác nhau, nên không thể nói rằng có một đường tu xác thực hơn để phát triển lòng bi, lòng tử tế, kiên nhẫn, tha thứ, v.v. Chúng có thể được phát triển một cách đồng đều theo nhiều tôn giáo khác nhau. Đây là cơ sở cho sự hài hòa tôn giáo.

Cách Tiến Bộ Trên Đường Tu

Tôi muốn hỏi về việc tiến bộ trên đường tu. Ở Liên Xô, chúng   tôi đã có kế hoạch 5 năm để phát triển kinh tế. Có lẽ ông có thể đưa ra lời khuyên cho những ai đang bắt đầu tu tập đạo Phật,   về những gì họ có thể làm trong một hoặc ba, hay năm năm, để không đi lạc hướng. 

Cách phổ biến và đáng tin cậy nhất, ít nhất là trong các truyền thống mà tôi đã được đào tạo, là tu tập qua lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Nó nêu ra từng bước một về những điều chúng ta cần phải hiểu, thẩm thấu và phát triển để tiến triển trên đường tu.

Cách truyền thống để tu tập theo lam-rim là bạn sẽ có được một điểm, và bạn sẽ tu tập về điểm này mà không cần biết điểm kế tiếp là gì. Một khi hiểu được một phần thì bạn sẽ chuyển sang phần tiếp theo. Ngày nay, toàn bộ đường tu được trình bày trong sách, để bạn có thể đọc toàn bộ cùng một lúc, nhưng vẫn cần phải dành một thời gian đáng kể cho mỗi một điểm. Ngay cả sau khi đã đọc xong toàn bộ nội dung thì bạn cần phải quay lại và xem mỗi điểm được kết nối với tất cả các điểm khác như thế nào.

Phải nhớ rằng tiến bộ không bao giờ là đường thẳng, mà luôn luôn trồi sụp. Nên nếu như một ngày thì việc tu tập diễn ra tốt đẹp, và ngày hôm sau lại không tốt đẹp thì không có gì đặc biệt cả. Bạn chỉ cần tiếp tục thôi. Đây là cụm từ mà một vị thầy tái sinh trẻ tuổi của tôi ưa thích: “Không có gì đặc biệt.”. Không có gì đặc biệt về những điều bạn trải nghiệm. Nó tiến triển tốt, nó không tiến triển tốt. Vậy thì sao?

Vì vậy, việc thiết lập kế hoạch 5 năm là không thực tế, vì mỗi người có sự tiến bộ khác nhau. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama nói rằng cách để biết liệu bạn có tiến bộ hay không thì không phải là nhìn từ ngày này sang ngày khác, hay tháng này qua tháng khác, mà hãy nhìn vào khoảng thời gian 5 năm. Chúng ta có thể so sánh cách mình đối phó với những khó khăn trước đây, và cách mình đối phó với nó bây giờ. Có phải là mình đã bình tĩnh hơn không? Rồi thì ta có thể thấy sự tiến bộ của mình.

Cũng có những phong cách khác, như tu tập ngondro, pháp tu sơ khởi, khi bạn lạy 100,000 lạy, tụng quy y, v.v... Người ta thường bắt đầu như thế này. Tôi nghĩ hai cách tiếp cận này phản ánh hai cách tiếp cận giáo pháp. Khi bạn bắt đầu tu tập ngondro thì nó thường dựa trên nguồn cảm hứng từ một vị thầy. Bạn có thể không biết nhiều, nhưng bạn cảm nhận được nguồn cảm hứng vô cùng mạnh mẽ từ vị thầy, và tự tin rằng những gì thầy giải thích sẽ có ích, nên bạn sẽ tu tập những pháp tu 100.000 lần trong ngondro

Cách tiếp cận mà tôi được đào tạo là cách tiếp cận mà tôi đã giải thích từ vần kệ này, cách tiếp cận mà chính Đức Dalai Lama thường dạy. Đầu tiên, bạn có được lòng xác tín và sự hiểu biết về đường tu, rằng nó khả dĩ, mục tiêu là gì, v.v..., rồi thì bạn sẽ tu tập một ngondro.

Hiển nhiên là người ta có thể thực hiện một trung đạo giữa những điều này. Trong khi bắt đầu sớm với ngondro thì bạn cũng khởi sự tu tập để có sự xác tín về khả năng có thể đạt được mục tiêu. Hoặc trong khi đang tu học và hành trì thì bạn đã có thể bắt đầu tu tập ngondro, nên có nhiều cách khác nhau để phối hợp chúng với nhau. Tôi nghĩ điều này sẽ phù hợp, nếu một người thật sự bắt đầu nghĩ về cách mà các vị thầy Tây Tạng khác nhau giảng dạy giáo pháp, trong cấu trúc này mà tôi đã giải thích. Điều này quay trở lại với ngài Long Thọ (Nagarjuna), và hai cách khác nhau để phát bồ đề tâm, trước hết là tương đối, rồi đến tuyệt đối, hoặc là bồ đề tâm tuyệt đối trước, rồi đến tương đối. Người ta phải tự quyết định cái gì phù hợp với bản thân mình nhất.

Tóm Tắt

Làm thế nào mà Tứ Diệu Đế liên hệ đến Phật pháp trong nhị đế trên thực tế, và rồi đến Tam Bảo, là một sự phân tích rất cao cấp. Nó không chỉ làm sáng tỏ tất cả các Diệu Đế và Tam Bảo, mà còn cung cấp một cấu trúc rõ ràng trong triết lý và pháp tu của nhà Phật. Chúng ta đã sử dụng một vần kệ ngắn gọn nhưng thâm thúy của Đức Dalai Lama, để làm cơ sở cho việc điều tra thêm về những chứng ngộ này. Kết quả phi thường cho thấy không chỉ một trật tự hợp lý để gia tăng sự hiểu biết của chúng ta, mà còn cả cách mỗi một chứng ngộ thiết yếu trong nhà Phật sẽ hỗ trợ lẫn nhau ra sao. Nhờ vậy mà một đường tu phức tạp và toàn diện được hiển bày. 

Top