Cách Trở Thành Ảnh Hưởng Tích Cực Đối Với Người Khác

Ta chỉ có thể giúp đỡ người khác sống một cuộc đời tích cực hơn, nếu họ cởi mở và tiếp nhận mình. Một số người mình gặp có thái độ cởi mở tự nhiên, và một số khác lại có sức lôi cuốn tự nhiên. Ngoài những trường hợp này ra, nếu ta là người rộng rãi, đưa ra lời khuyên một cách êm ái, chỉ dẫn rõ ràng cách áp dụng lý thuyết vào hành trì và nêu gương thực hành những lời khuyên của mình thì quần chúng sẽ đến với ta và tiếp thu ảnh hưởng tích cực của mình.

Khi nỗ lực hướng về giác ngộ, ta sẽ trưởng dưỡng Lục độ Ba la mật để hoàn thiện tất cả những phẩm chất tốt đẹp mà mình cần có như một vị Phật, để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Tuy nhiên, để giúp cho mọi người hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp của họ thì trước hết, cần phải tập họp quần chúng bằng ảnh hưởng tích cực của mình. Đức Phật đã dạy cách thành tựu điều này một cách hữu hiệu qua bốn bước:

1. Rộng lượng

Cần tỏ ra rộng lượng với người khác bất kỳ lúc nào mình có thể làm điều đó. Khi có ai đến thăm thì mình sẽ mời họ giải khát; nếu đi ra ngoài ăn thì mình có thể đãi họ và trả tiền cho bữa ăn. Cư xử rộng rãi không nhất thiết có nghĩa là chỉ tặng cho ai món gì bằng vật chất. Điều thật sự quan trọng là rộng rãi với thời giờ của mình. Sẵn sàng tìm hiểu một người, lắng nghe những vấn đề của họ bằng sự quan tâm, lo lắng chân thành và xem trọng đời sống của họ là một tặng phẩm quý giá mà ta không bao giờ nên đánh giá thấp. Nó khiến người ta cảm thấy được chấp nhận và thư giãn, và kết quả là họ vui vẻ và thoải mái với mình. Đây là bước đầu để họ mở lòng đối với ảnh hưởng tích cực của mình.

2. Nói Năng Một Cách Êm Ái

Để giúp cho người khác cởi mở hơn với mình thì ta phải nói năng một cách tử tế và êm ái với họ. Điều này có nghĩa là nói theo cách mà họ hiểu được, sử dụng thứ ngôn ngữ gần gũi với họ, nói về những chuyện mà họ quan tâm đến. Nói một cách cơ bản là cần phải làm cho họ thoải mái với mình. Ta sẽ hỏi thăm sức khỏe và tỏ ra quan tâm đến những gì đang xảy ra trong đời họ. Nếu ai đó thích môn đá banh thì  mình không chỉ nói rằng, “Trò đó ngu xuẩn, chỉ phí thì giờ!”. Đây là điểm quan trọng, vì nếu nói như thế thì họ sẽ không tiếp nhận mình. Họ sẽ có cảm giác là mình xem thường họ. Không cần phải nói dài dòng chi tiết về việc đội nào thắng trận ngày hôm nay, nhưng mình có thể nói một chút để họ cảm thấy được chấp nhận. Nếu ta khát khao giúp đỡ kẻ khác thì điều quan trọng là quan tâm đến tất cả mọi người và những điều mà họ quan tâm. Nếu không làm như vậy thì làm sao mình có thể liên hệ với mọi người?

Một khi ai đó mở lòng và cảm thấy được mình chấp nhận thì cách nói năng êm ái của mình có thể dẫn đến những vấn đề có ý nghĩa hơn. Vào thời điểm và khung cảnh thích hợp thì mình có thể nói về những khía cạnh của giáo lý nhà Phật thích hợp và giúp ích cho người đó. Chắc chắn là nên nêu ra một số lợi ích mà họ sẽ có được khi thực hiện những điều này.

Khi đưa ra lời khuyên thì giọng nói rất quan trọng. Cần phải tránh cách nói năng tạo áp lực, xem thường hay kẻ cả. Đó là ngụ ý của lời êm ái. Cần phải nói theo cách mà người khác dễ dàng chấp nhận, không cảm thấy bị đe dọa hay tấn công ồ ạt bằng những lời khuyên mà họ không muốn nghe. Nó đòi hỏi một sự nhậy cảm lớn và kỹ năng để biết đưa ra lời khuyên đúng lúc và đúng cách. Nếu tỏ ra mạnh mẽ quá mức và cứ khăng khăng nói những chuyện sâu xa, có ý nghĩa thì người ta sẽ thấy chán ngắt và không tiếp nhận những gì mình nói. Đó là lý do tại sao đôi khi mình cần phải sử dụng tính hài hước để câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn, nhất là khi người ta bắt đầu thủ thế khi mình đưa ra lời khuyên.

Kết quả của cách nói năng một cách tử tế êm ái, nhưng lại có ý nghĩa khi giải thích giáo pháp cho ai đó là họ sẽ quan tâm đến việc đạt được mục tiêu của những điều mà mình đã khuyên bảo. Đó là vì họ thấy rõ và tự tin vào lời khuyên, và khi nhận chân ra lợi ích của nó thì họ sẽ coi trọng nó.                                                                                                                    

3. Thúc Đẩy Người Khác Đạt Được Mục Tiêu Của Họ

Đừng để bất cứ lời khuyên nào mà mình đã đưa ra chỉ ở mức độ lý thuyết của Phật giáo, mà cần phải giải thích rõ ràng cách áp dụng giáo pháp như thế nào trong hoàn cảnh riêng của người khác. Nhờ vậy, ta sẽ giúp người khác thực hành lời khuyên của mình, để họ có thể đạt được mục tiêu của giáo pháp. Chỉ khi nào người ta biết cách áp dụng giáo pháp, phải làm gì một cách chính xác, từng bước một, thì họ mới hăng hái thử.

Khi thúc đẩy người khác áp dụng giáo lý vào cuộc sống thì hãy cố gắng tạo ra hoàn cảnh để giúp họ thực hiện điều này dễ dàng hơn. Điều này có nghĩa là trước hết, làm cho sự việc đơn giản, nhất là đối với những người không có kinh nghiệm với Phật giáo, rồi dần dần mới đưa họ đến những kỹ thuật phức tạp, tiến bộ hơn. Kết quả là họ sẽ có tự tin để kiên trì theo đuổi các phương tiện. Họ sẽ không nản lòng khi thử áp dụng các giáo lý vượt xa trình độ hiện tại của họ.

4. Nhất Quán Với Những Mục Tiêu Này

Một trong những điều nản lòng nhất với người mà mình khuyên bảo là khi họ thấy mình đạo đức giả. Để ngăn ngừa việc họ ngoảnh mặt với giáo lý  thì ta cần phải làm một ví dụ tốt bằng cách hành động phù hợp với điều mà mình đã khuyên bảo. Ví dụ, nếu dạy cho ai đó phương pháp khắc phục cơn giận nhưng mình lại làm trò khó coi trước mặt họ trong nhà hàng, khi nửa tiếng sau thức ăn của mình mới được mang ra, thì họ sẽ nghĩ sao về việc xử lý cơn giận trong đạo Phật? Họ sẽ cho rằng phương pháp không hữu hiệu và bỏ cuộc. Và chắc chắn họ sẽ không nhận thêm bất cứ lời khuyên nào ta có thể đưa ra. Đó là tại sao cách hành xử của mình phải nhất quán với điều mình dạy. Chỉ dựa trên căn bản này thì người khác mới tin tưởng điều mình nói.

Hiện nay, dĩ nhiên mình chưa phải là Phật, nên không có cách nào mình có thể là gương mẫu hoàn hảo cho bất cứ ai. Tuy nhiên, ta sẽ cố gắng hết mình. Không  đạo đức giả không có nghĩa là bày ra màn phô trương việc tuân theo giáo lý trong khi tiếp xúc với người mà mình đang cố giúp đỡ, nhưng lại tỏ ra tồi tệ khi ở một mình hay sống với gia đình. Việc hành xử nhất quán với mục tiêu của Phật pháp cần phải là một việc toàn thời và chân thành.

Tóm tắt

Bốn bước để tập họp và giúp đỡ người khác trưởng thành qua giáo lý nhà Phật là điều thích đáng không chỉ trong quan hệ cá nhân của mình, mà còn trên bình diện rộng lớn hơn, để giúp cho giáo pháp có mặt trên thế giới.

  • Rộng lượng –  cung cấp giáo lý miễn phí
  • Nói năng một cách êm ái – giúp cho giáo lý được tiếp cận bằng ngôn ngữ dễ hiểu, thông qua nhiều phương tiện truyền thông: sách vở, trang mạng, podcast, video, truyền thông xã hội và v.v...
  • Thúc đẩy người khác đạt mục tiêu của họ – chỉ dẫn rõ ràng về cách học hỏi và tiếp thu tài liệu theo từng bước một, và làm thế nào để áp dụng giáo lý trong đời sống hàng ngày
  • Nhất quán với những mục tiêu này – minh họa những nguyên tắc Phật giáo bằng thí dụ trong cách sống của mình và cách một tổ chức được điều hành, trong trường hợp của một tổ chức Phật giáo.

Bốn bước này, được hỗ trợ bằng động lực vị tha chân thành, nếu chưa phải là bồ đề tâm toàn diện để đạt giác ngộ, là những cách tốt nhất để giúp người khác tiếp thu ảnh hưởng tích cực của chúng ta.

Top