Xác Định Tam Bảo

Dẫn Nhập

Đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống (skyabs-'gro, quy y) là một quá trình tích cực, không phải là một quá trình thụ động, để tìm cầu sự bảo hộ từ những oai lực cao hơn, như thuật ngữ quy y có thể ám chỉ. Chúng ta sẽ tự bảo vệ bản thân, để thoát khỏi nỗi sợ hãi và đau khổ, bằng cách phấn đấu theo hướng đi này.

Để đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống thì mình phải xác định đúng các đối tượng đã đề ra phương hướng an toàn này (skyabs-yul). Đó là Tam Bảo Quý Hiếm và Tối Thượng (dkon-mchog gsum), thường được gọi là Tam Bảo của Quy Y, Tam Bảo, hay là Ba Viên Ngọc Quý. Đó là chư Phật (sangs-rgyas, những bậc giác ngộ viên mãn), Pháp (chos, biện pháp phòng ngừa) và Tăng (dge-'dun, cộng đồng có chủ ý).

Dù có một số công thức về Tam Bảo, nhưng các truyền thống Kinh điển của cả bốn trường phái Phật giáo Tây Tạng noi theo cách trình bày của Đại thừa về Tam Bảo trong Kinh điển của Đức Di Lặc, vị Phật tương lai.

Mức Độ Rõ Rệt Và Sâu Sắc Nhất Của Tam Bảo Quý Hiếm Và Tối Thượng

Theo truyền thống dựa vào Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (mNgon-rtogs rgyan, Phạn ngữ: Abhisamaya-alamkara) của Đức Di Lặc, thì mỗi một Bảo trong Tam Bảo có một mức độ rõ rệt (kun -rdzob-pa'i dkon-mchog -dam-pa'i dkon-mchog, thiển cận)    và mức độ sâu sắc nhất (don-dam-pa'i dkon-mchog, cứu cánh). Tam Bảo ở mức độ rõ rệt che giấu Tam Bảo ở mức độ sâu sắc nhất. Cách trình bày này phù hợp với các định nghĩa về Tam Bảo mà Đức Di Lặc đã nêu ra trong một Kinh điển khác, Đại Thừa Tối Thượng Luận (rGyud bla-ma, Phạn ngữ: Uttaratantra). Ngoại trừ Pháp Bảo rõ rệt ra thì tất cả các Bảo khác đều phù hợp với những định nghĩa này.

Hãy xem giải thích về Tam Bảo ở hai mức độ của đạo sư Jetsun Chokyi-gyeltsen (rJe-btsun Chos-kyi rgyal-mtshan) của dòng Gelug, vào thế kỷ thứ 17, trong Đại Dương Của Long Vương May Mắn: Ý Nghĩa Chung Của Chương Một [của "Hiện Quán Trang Nghiêm Luận"] (sKal-bzang klu-dbang-gi rol-mtsho zhe-bya-ba-las skabs-dang-po'i spyi-don).

Đức Phật:

  1. Phật Bảo rõ rệt là rupakaya của Phật (gzugs-sku, các thân có sắc tướng, thân của sắc tướng giác ngộ, Sắc Thân). Các thân này có sắc tướng bao gồm cả sambhogakaya (longs-sku, thọ dụng thân, Báo Thân) và nirmanakaya (spul-sku, thân hóa hiện, Hóa Thân). Thân thứ nhất giáo hóa chư bồ tát thánh nhân ('phags-pa, chứng ngộ cao), những bậc đã chứng ngộ tánh Không, trong khi thân thứ hai là các hóa thân của thân thứ nhất, và giáo hóa cho chúng sinh phàm trần, đã may mắn gặp gỡ chư vị.
  2. Phật Bảo sâu sắc nhất là dharmakaya của Đức Phật (chos-sku, thân bao gồm tất cả các pháp, Pháp thân, Chân Thân). Mạng lưới của các thân này bao gồm tất cả các pháp, gồm có cả jnana-dharmakaya (ye-shes chos-sku, thân trí tuệ bao gồm vạn pháp, thân của trí tuệ về vạn pháp, Pháp Thân Trí Tuệ) và một svabhavakaya (ngo-bo-nyid sku, thân bản tánh tinh túy, tự tánh thân, Tự Nhiên Thân). Thân thứ nhất nói về tâm giác ngộ của một vị Phật, có đầy đủ tất cả chân đạo (lam-bden, chân đạo) đã tạo ra sự đoạn diệt của khổ và nhân tạo khổ mãi mãi, và tất cả ám chướng về mặt tinh thần. Thân thứ hai nói về tánh Không của tâm toàn tri của Đức Phật, và tương đương với các chân diệt của nó ('gog-bden, chân diệt) của hai loại ám chướng. Hai loại này là phiền não chướng (nyon-sgrib) – mà ám chướng là phiền não, và ngăn trở giải thoát - và sở tri chướng (shes-sgrib) – ám chướng về tất cả đối tượng của nhận thức, điều ngăn trở tâm toàn tri.

Pháp:

  1. Pháp Bảo rõ rệt là mười hai thể loại giáo pháp tuyên thuyết bằng ngôn ngữ giác ngộ của một vị Phật.
  2. Pháp Bảo sâu sắc nhất là chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của một thánh nhân, dù đó là một cư sĩ hay nhà tu.

Tăng:

  1. Tăng Bảo rõ rệt là cá nhân của bất cứ thánh nhân nào, dù là cư sĩ hay nhà tu.
  2. Tăng Bảo sâu sắc nhất là các chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của một thánh nhân.

Những Cách Trình Bày Khác Nhau

Truyền thống dựa vào Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận (mDo-sde rgyan, Mahayana-sutra-alamkara) trình bày một mức độ rõ rệt và sâu sắc nhất, chỉ dành cho Phật Bảo. Nó trình bày Pháp Bảo sâu sắc nhất như Đức Di Lặc đã dạy trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Filigree of Realizations), nhưng trình bày Tăng Bảo rõ rệt trong Kinh này như mức độ Tăng Bảo sâu sắc nhất.

Tam Bảo Sâu Sắc Nhất Có Cùng Bản Tánh Tinh Túy

Phật, Pháp và Tăng Bảo sâu sắc nhất, như được diễn đạt trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, có cùng bản tánh tinh  túy (ngo-bo gcig), nhưng là những thực thể cô lập khác nhau về mặt khái niệm (ldog-pa tha-cha). Mỗi một thực thể trong những điều này đề cập đến cùng một khía cạnh của một hiện tượng, cụ thể là chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức. Chúng có thể được cô lập về mặt khái niệm, và được phân biệt, vì chúng mô tả khía cạnh này của một dòng tâm thức từ các quan điểm khác nhau.

Hãy xem xét trường hợp của các chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của một vị Phật. Là các bậc hướng đạo, là nguồn cảm hứng (byin-rlabs, lực gia trì), chư Phật là Tam Bảo sâu sắc nhất. Những biện pháp phòng ngừa, là nguồn gốc của quả vị thành tựu (dngos-grub, Phạn ngữ: siddhi), tạo ra Pháp Bảo sâu sắc nhất. Là một mạng lưới tạo ra tác động giác ngộ ('phrin-las, công hạnh của Phật, thiện hạnh), chư thánh nhân hoạt động như Tăng Bảo sâu sắc nhất. Giống như y tá, chư vị sẽ hỗ trợ và giúp đỡ cho chúng ta trên đường tu.  

Cội Nguồn Quy Y Cứu Cánh Và Tạm Thời 

Pháp Bảo sâu sắt nhất và Tăng Bảo sâu sắc nhất gồm có các chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của chư thánh nhân - từ những người ở có tâm kiến đạo (Kiến đạo), đến những người đã thành tựu giải thoát như một A la hán, hay thành tựu giác ngộ như một vị Phật. Với thành tựu vô niệm về tứ diệu đế, vì vậy mà thành tựu tâm Kiến đạo, thì chư thánh nhân bắt đầu có những chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của mình. Chỉ khi nào thành tựu Phật quả thì các ngài mới thành tựu viên mãn cả hai yếu tố, chân diệt và chân đạo.

Do đó, chỉ có chư Phật là cội nguồn quy y cứu cánh (mthar-thug-gi skyabs-gnas), bởi vì chỉ có chư Phật mới chứng ngộ viên mãn các chân diệt và chân đạo. Chỉ có chư Phật mới đoạn trừ hai ám chướng mãi mãi. Thế thì chư thánh nhân, có thành tựu ít hơn một vị Phật, chỉ là cội nguồn quy y tạm thời (gnas-skabs-kyi skyabs-gnas). Các ngài không thể ban cho quy y suốt cả đường tu đến giác ngộ, vì chưa đạt giác ngộ. Đây là ý nghĩa trong lời dạy của Đức Di Lặc trong Đại Thừa Tối Thượng Luận, về mặt mức độ sâu sắc nhất của Tam Bảo thì chỉ có chư Phật là cội nguồn quy y sâu sắc nhất.

Một lý do khác sau lời dạy của Đức Di Lặc là các chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của chư thánh nhân chưa đạt được giác ngộ là những ví dụ chỉ về Pháp Bảo và Tăng Bảo ở mức độ sâu sắc nhất. Chúng không phải là Phật Bảo sâu sắc nhất. Chỉ có những chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của chư Phật mới hoạt động như toàn bộ Tam Bảo. Do đó, chỉ có chư Phật là cội nguồn quy y cứu cánh.

Nếu như được tạo dựng theo một cách khác thì chư Phật là điểm chánh, bởi vì các ngài là cội nguồn quy y suốt cả đường tu đến giác ngộ, và là điểm kết thúc của Tăng đoàn. Chư vị trở thành Phật vì nhờ có Pháp, trải qua các giai đoạn là Tăng đoàn.

Cội Nguồn Tác Nhân Và Thành Quả Của Quy Y

Việc quy y Tam Bảo ở mức độ rõ rệt và sâu sắc nhất chỉ là quy y (skyab-'gro tsam-pa-ba). Nó cũng được gọi là tác nhân quy y (rgyu'i skyabs-'gro, causal refuge), vì cội nguồn của quy y là những người, hay các pháp, đóng vai trò như nguyên nhân cho việc thành tựu Tam Bảo của riêng mình.

Pháp quy y đặc biệt (skyabs-'gro khyad-par-ba), còn được gọi là thành quả quy y ('bras-bu'i skyabs-'gro; resultant refuge), xem cội nguồn quy y của nó là Tam Bảo mà mình sẽ thành tựu trong tương lai, dựa vào việc viên thành Phật tánh của mình.

Do đó, khi đảnh lễ Tam Bảo, với cả hai pháp quy y ở mức độ rõ rệt và đặc biệt, thì mình không chỉ thể hiện lòng kính trọng những người đã trở thành thánh nhân, A la hán, và chư Phật, và thành tựu của chư vị, mà còn tôn trọng những thành tựu của mình trong tương lai.

Tam Bảo Trên Danh Nghĩa

Mỗi một Bảo trong Tam Bảo Quý Hiếm và Tối Thượng có một đại diện, chỉ là một Bảo trên danh nghĩa (brdar-btags-pa'i dkon-mchog), chứ không phải là nguồn gốc thật sự cho quy y. Vì Phật, Pháp và Tăng thật sự thì không có mặt như những đối tượng mà mình có thể gặp gỡ, nên đại diện của Tam Bảo đóng vai trò như các đối tượng để mình thể hiện lòng tôn kính.

  1. Phật Bảo trên danh nghĩa gồm có tranh  ảnh và tượng Phật. 
  2. Pháp Bảo trên danh nghĩa bao gồm Kinh sách từ mười hai thể loại giáo pháp.
  3. Tăng Bảo trên danh nghĩa nói về một hội chúng gồm có bốn vị tỳ kheo hay nhiều hơn (dge-slong, Phạn ngữ: bhikshu) hay bốn tỳ kheo ni (dge-slong-ma, Phạn ngữ. bhikshuni), với giới nguyện thanh tịnh, và ở mức độ từ một phàm nhân (so-skye) (một người chưa phải là thánh nhân) trở lên.

Vì Tam Bảo trên danh nghĩa không phải là Tam Bảo thật sự, nên việc tu tập đạo Phật không đòi hỏi việc thờ cúng các thần tượng, sách vở, hay chư tăng ni.

Cách phương Tây hiện đại sử dụng thuật ngữ sangha để chỉ các thành viên của một trung tâm hay tổ chức Phật giáo, như thể đó là thuật ngữ tương đương với giáo đoàn của một nhà thờ, là một cách sử dụng thuật ngữ không theo truyền thống. Nếu như các thành viên tăng lữ của một tăng đoàn gồm có những người còn phiền não, thậm chí là những người vô đạo đức, những người không hội đủ điều kiện, cũng như không đáng tin cậy để đóng vai trò là đối tượng quy y, thì các thành viên của một trung tâm Phật giáo càng có ít khả năng này hơn nữa.

Nhân Quy Y

Nói chung thì hai nguyên nhân để quy y được Tam Bảo nêu ra là tâm kinh sợ ('jigs-pa) và tín tâm (dad-pa).

Tâm Kinh Sợ

Trong bối cảnh này thì tâm kinh sợ là một tâm chú trọng vào hai diệu đế đầu tiên (sự thật về đời sống) - những vấn đề thật sự (khổ đế) và nguyên nhân chân thật của chúng. Tuy thường được dịch sai là "sợ hãi", nhưng đó không phải là một phiền não. Với tâm sợ hãi thì mình sẽ thổi phồng những khía cạnh tiêu cực của nỗi khổ và nhân tạo khổ, và phóng chiếu sự tồn tại được thiết lập một cách chân thật (bden-grub, sự tồn tại chân thật) lên chúng, và bản thân mình. Rồi thì ta cảm thấy những đối tượng thật sự tồn tại đối với nỗi sợ hãi của mình sẽ áp đảo cái "tôi" thật sự tồn tại, và tuy muốn thoát khỏi những đối tượng này, nhưng ta cảm thấy bất lực khi làm như vậy.

Mặt khác thì tâm kinh sợ khổ đế và tập đế một cách khách quan, mà không thổi phồng chúng, hay phóng chiếu sự tồn tại thật sự được thiết lập vào chúng hay vào bản thân mình. Với tâm kinh sợ thì mình sẽ thật lòng không muốn phải chịu đựng những đối tượng của nỗi kinh sợ của mình. Tuy nhiên, nó không ngụ ý cảm giác bất lực; dù trong trường hợp này thì ta thừa nhận là mình cần sự giúp đỡ. Đúng hơn là nó dẫn đến tâm xả ly (nges-'byung), quyết tâm thoát khỏi khổ đế và tập đế.

Phạm vi hiểu biết của chúng ta về hai diệu đế đầu tiên sẽ mở rộng ra, khi mình tiến tu qua ba cấp độ động lực lam-rim (được phân loại). Ở cấp độ sơ căn thì khổ đế bao gồm tái sinh vào một trong những cõi tồi tệ hơn, và kinh nghiệm về nỗi khổ thô thiển; tập đế là ác hạnh, dựa vào tâm vô minh về nhân quả. Ở cấp độ trung căn thì khổ đế gồm có bất cứ sự tái sinh vô tự chủ nào trong luân hồi, và tất cả những hình thức đau khổ được kinh qua trong đó; tập đế là phiền não chướng ngăn trở giải thoát. Ở cấp độ thượng căn thì khổ đế gồm có việc không có khả năng đưa những chúng sinh khác đến giải thoát một cách hiệu quả nhất; tập đế là sở tri chướng, ngăn trở tâm toàn tri. Ở cấp độ cao nhất này thì nhân bổ sung cho quy y là lòng bi - mong muốn cho tha nhân thoát khỏi khổ đế và tập đế của họ.

Tín Tâm 

Nguyên nhân thứ hai để quy y Tam Bảo là tín tâm vào sự thật là Ba Viên Ngọc Quý Hiếm và Tối Thượng có khả năng giúp mình thoát khỏi khổ đế và tập đế. Nói cách khác thì mình phải tin vào sự thật là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo sâu sắc nhất – diệu đế thứ ba và thứ tư (chân diệt và chân đạo đem lại thành tựu) - có khả năng đoạn trừ hai diệu đế đầu mãi mãi. Hơn nữa, cần phải hiểu sự thật này ở hai mức độ.

Ở mức độ nhân tố quy y (causal refuge) thì các chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của chư thánh nhân, A la hán và chư Phật sẽ chỉ cách cho mình. Khi đưa phương hướng của các ngài vào trong đời sống thì ta sẽ có nguồn cảm hứng, thành tựu thật sự và sự nuôi nấng từ hoạt động giác ngộ của chư vị trên suốt đường tu. Tuy nhiên, điều thật sự loại trừ khổ đế và tập đế là những thành tựu về chân diệt và chân đạo - những thành tựu về Tam Bảo trong tương lai của mình. Rồi với thành quả quy y, thì mình sẽ tu tập, để hướng đến mục tiêu ấy.

Trong trường hợp này thì tín tâm rằng một sự thật là đúng - rằng hai diệu đế sau sẽ đoạn trừ hai diệu đế đầu - không phải là niềm tin mù quáng. Khi được phát triển một cách đúng đắn thì nó có ba khía cạnh.

  1. Tín tâm rằng một sự thật là đúng, dựa vào lý lẽ (yid-ches-kyi dad-pa). Để có thể quy y một cách vững vàng, thì phải có sự hiểu biết sâu sắc về tứ diệu đế, và lý do tại sao hai diệu đế cuối cùng sẽ đoạn trừ hai diệu đế đầu mãi mãi. 
  2. Tín tâm sáng suốt rằng một sự thật là đúng (dangs-ba'i cha-pa) xóa tan phiền não trong tâm thức. Khi thấu hiểu tứ diệu đế một cách đúng đắn thì tín tâm vào sự thật về chúng sẽ xóa tan sự vô vọng và tuyệt vọng. Càng tiến xa hơn theo phương hướng an toàn này và bắt đầu thành tựu Tam Bảo trong tự thân, thì dần dần, ta sẽ xóa tan phiền não trong tâm thức mãi mãi.
  3. Tín tâm vào một sự thật, với ước nguyện hướng về điều này (mngon-'dod-kyi dad-pa). Khi không chỉ thấu hiểu tứ diệu đế, mà còn hiểu rằng Phật tánh sẽ giúp mình đạt được Tam Bảo thành quả (resultant Triple Gems), thì tự nhiên ta sẽ có ước nguyện quy y, dựa vào niềm tin rằng mình có thể đạt được mục tiêu này. Còn về hai giai đoạn bồ đề tâm (giai đoạn tâm nguyện và tâm hành), thì mình không chỉ ước nguyện đi theo phương hướng này, mà còn chủ động quy y.
Top