Tha Thứ Cho Người Khác

Thay vì chú tâm vào sai lầm hay vi phạm của ai, thì ta lại chú tâm vào người đó, và nhận ra họ đang bực bội hay bối rối, thì với lòng trắc ẩn, ta sẽ không tức giận và tha thứ cho họ.
Meditation forgiving others 1

Giải Thích

Theo tự điển Oxford thì tha thứ có nghĩa là chấm dứt việc tức giận hay thù oán người nào vì một hành vi xúc phạm, thiếu sót hoặc sai lầm của họ. Đối với một số người thì nó có thêm ý nghĩa là người bị xúc phạm hay cấp trên ban ân xá, giúp cho kẻ phạm tội thoát khỏi bất cứ hình phạt nào, do hành vi của họ. 

Phân tích của nhà Phật về tâm sở không có thuật ngữ dành cho việc tha thứ một cách rõ rệt, nhưng lại bao gồm tâm sân, hận (kể cả việc ôm hận) và những tâm sở đối nghịch với chúng, cụ thể là vô sân và vô hận.

  • Vô sân là không có ý muốn trả đũa và hãm hại người khác hay chính mình, là kẻ đang đau khổ, hay sẽ phải đau khổ, vì hành vi của mình.
  • Vô hận bổ sung thêm cho lòng bi mẫn này, ước nguyện cho họ thoát khổ và nhân tạo khổ.

Vậy thì theo quan điểm nhà Phật, chúng ta sẽ mong muốn tha nhân hay tự thân thoát khỏi bất cứ nỗi khổ nào, là hậu quả của những hành vi tai hại của mình. Tuy nhiên, không ai có quyền lực để tha thứ cho ai, để thoát khỏi nghiệp quả của những hành vi sai trái của họ, nên không có nguy cơ về cảm giác phóng đại mình là người thánh thiện hơn kẻ khác, như một linh mục hay thẩm phán trong tòa án có thể có, khi tha bổng cho tội nhân.

Chìa khóa cho cách tiếp cận của nhà Phật đối với sự tha thứ là phân biệt giữa con người - dù là người khác hay bản thân mình – và những hành vi tai hại hay phá hoại của họ, hay lỗi lầm của họ. Hãy nhớ rằng chúng ta hành động một cách tiêu cực và phạm sai lầm không phải vì mình xấu, mà vì vô minh về luật nhân quả và thực tại, và cũng vì sự hiểu biết của mình có giới hạn, nên mới phạm sai lầm. Chúng ta là những chúng sinh hữu hạn trong luân hồi, với tâm mê lầm và gặp rắc rối lặp đi lặp lại một cách bất tự chủ, do đó, là đối tượng thích hợp của lòng bi. Chúng ta đã gây ra đủ điều tai hại và đau khổ cho chính mình, nên không cần phải có thêm những điều này nữa.

Vậy thì tha thứ trong bối cảnh nhà Phật có nghĩa là: 

  • Phân biệt giữa con người và hành vi - dù là người khác hay chính mình.
  • Không tức giận hay tàn nhẫn với họ hay chính mình, mà thay vì vậy, 
  • Phát tâm bi, ước mong cho mình hay họ sẽ thoát khỏi bất cứ điều gì khiến cho mình hành động một cách tiêu cực, hay phạm sai lầm. 

Tuy nhiên, xét về hành vi tai hại hay sai lầm, thì mình không chỉ ngồi đó, không làm gì cả, mà sẽ thực hiện bất cứ bước nào ta có thể thực hiện, để ngăn chận những hành vi tiêu cực khác và sửa sai, mà không tức giận hay ôm hận, hay có một vài cảm giác kiêu căng rằng mình tha thứ cho những hành vi ấy.

Thiền

Tuy cần phải phát triển lòng tha thứ cho cả hai, tha nhân và tự thân, nhưng hôm nay, chúng ta sẽ chú trọng vào tha nhân. Lần sau, chúng ta sẽ chú trọng vào tự thân.

  • Hãy tĩnh tâm bằng cách chú ý vào hơi thở.
  • Nhớ lại người nào đã làm điều gì làm mình tổn thương hay khó chịu, mà bạn đã tức giận và thù oán, thậm chí có thể ôm hận, để sau này, bạn cứ nghĩ về những gì họ đã làm, rồi tức giận và bực bội.
  • Hãy cố gắng nhớ lại cảm giác của bạn, và thấy rằng cảm giác như vậy không phải là tâm trạng vui vẻ hay thoải mái.
  • Bây giờ, hãy cố gắng phân biệt giữa người đó và hành vi của họ. Đây chỉ là một sự cố, ngay cả khi nó đã xảy ra nhiều lần, trong bối cảnh suốt đời của họ.
  • Người đó, cũng như tất cả những người khác, kể cả bản thân ta, đều muốn được hạnh phúc, chứ không muốn khổ, nhưng đã mê lầm, không biết điều gì sẽ mang lại hạnh phúc cho họ, và vì họ đau khổ, rồi vì không có ý thức và vô minh, họ đã hành động một cách tiêu cực, bằng cách làm tổn thương bạn, hay làm điều gì đó khiến cho bạn bực mình.
  • Hãy lưu ý rằng càng chú tâm vào sự cảm thông này, thì tâm sân hận càng lắng xuống.
  • Hãy phát tâm bi cho họ, mong họ thoát khỏi tâm mê lầm và đau khổ, đã khiến họ làm tổn thương bạn, hay làm điều gì phiền phức.
  • Hãy quyết tâm rằng ở một thời điểm thích hợp nào đó, khi bạn bình tĩnh và họ chịu tiếp thu, thì bạn sẽ nêu ra những gì họ đã làm tổn thương bạn, và cố gắng giải quyết vấn đề.

Hãy lặp lại điều này với người nào đã phạm sai lầm: 

  • Hãy nhớ lại sai lầm mà họ đã mắc phải, và bạn đã nổi giận với họ ra sao.
  • Cố gắng nhớ lại cảm giác của mình, và thấy rằng cảm giác như vậy không phải là tâm trạng vui vẻ hay thoải mái.
  • Bây giờ, hãy cố gắng phân biệt giữa người đó và hành vi tạo ra lỗi lầm của họ. 
  • Người đó, giống như bất cứ ai khác, kể cả bản thân ta, đều muốn giúp ích và không phạm sai lầm, nhưng vì mê lầm, không biết đâu là cách tốt nhất để làm điều gì, hay cách tốt nhất để hành động, hoặc có thể không chú ý hay lười biếng, hay bất cứ điều gì, và vì vô minh và phiền não, đã phạm sai lầm. Họ là một chúng sinh hữu hạn, nên nếu như mình trông mong họ luôn luôn hoàn hảo và không bao giờ phạm sai lầm, thì không thực tế.
  • Hãy chú ý rằng càng chú trọng vào sự cảm thông này bao nhiêu, thì cơn giận càng lắng xuống bấy nhiêu.
  • Hãy phát tâm bi với họ, mong cho họ thoát khỏi tâm mê lầm, vô minh và phiền não, khiến cho họ mắc phải sai lầm.
  • Hãy quyết tâm rằng ở một thời điểm thích hợp, khi mà bạn bình tĩnh và họ chịu tiếp thu, thì bạn sẽ nêu ra lỗi lầm của họ, và giúp họ sửa sai.

Tóm Tắt

Tha thứ không có nghĩa là tha thứ cho ai đó vì hành vi tiêu cực hay lỗi lầm của họ, như thể mình thánh thiện và hoàn hảo hơn họ, và họ tồi tệ hơn mình, nên có quyền kiêu căng, ta sẽ tha thứ và bỏ qua cho họ, ngay cả khi họ không biết ăn năn. Tha thứ có nghĩa là không tức giận, không oán hận, không ôm hận và muốn trả thù. Phải phân biệt giữa người đó và hành vi hay lỗi lầm của họ, phát tâm bi với họ và thực hiện những bước để sửa sai hành vi của họ, hay giúp họ không lặp lại lỗi lầm đó nữa. Nhờ vậy, ta sẽ tránh được cạm bẫy và khổ đau mà cơn giận sẽ tạo ra cho mình, đặc biệt là khi cơn giận sẽ đưa đến những ý niệm sân hận, lời nói hung hăng, thù địch và hành vi nóng nảy, liều lĩnh.

Top