37 Pháp Tu Bồ Tát – Bản Thi Kệ

07:19
Những ngôn ngữ khác

Chí tâm đảnh lễ Quán Thế Âm Bồ Tát, tâm bi mẫn trải rộng khắp chúng sinh.

Biết vạn pháp bất lai bất khứ, nỗ lực làm lợi lạc chúng sinh. Thành kính đảnh lễ thân khẩu ý bổn Sư vô thượng, Quán Thế Âm.

Cội nguồn lợi lạc, chư Phật đà, đạt giác ngộ nhờ Pháp cao cả, thấu hiểu pháp tu, cách thực hành, tôi nay nói pháp Bồ tát tu.

(1) Thân người quý hiếm nay đã đặng, cứu mình, giúp người vượt tử sanh. Bất kể ngày đêm, tâm chẳng động, siêng văn, tư, tu, Bồ tát tu.

(2) Luyến thương người thân, tâm dậy sóng hận ghét kẻ thù, lửa đốt thiêu Tâm mê, đúng sai đều chẳng biết, từ bỏ quê hương, Bồ tát tu.

(3) Tránh bất thiện, giảm dần phiền não. Không phóng dật, đức hạnh tăng lên. Trí tuệ tăng, thêm tín tâm giáo pháp. Sống nơi ẩn dật, Bồ tát tu.

(4) Lâu năm, thân quyến ắt chia tay, tài sản tích lũy đành bỏ lại. Tâm thức một ngày rời thân xác. Xả tâm tham luyến, Bồ tát tu.

(5) Thân gần bạn xấu, tam độc tăng, văn, tư, tu ắt sẽ giảm dần, từ bi vì thế mà suy thoái. Xa rời bạn xấu, Bồ tát tu.

(6) Nương tựa thầy, lỗi lầm hóa giải, đức hạnh tăng tựa trăng tròn dần. Trân quý đạo sư hơn thân xác, đấy thật hạnh lành, Bồ tát tu.

(7) Chư Thiên thế gian còn sinh tử, làm sao đủ sức bảo hộ ta? Tam Bảo độ trì không sai chạy, quy y Tam Bảo, Bồ tát tu.

(8) Quả thống khổ nơi ba cõi thấp, đều từ nhân ác đã gieo trồng. Dù cho mất mạng, không tạo ác. Chẳng hại chúng sinh, Bồ tát tu.

(9) Thú vui ba cõi tựa sương mai, tan biến tức thời trong chốc lát. Cầu bất biến, Phật quả giải thoát, nỗ lực thành tựu, Bồ tát tu.

(10) Cha mẹ bao kiếp chăm sóc ta, họ đang thống khổ, bạn vui à? Do vậy lập nguyện độ hết thảy, phát bồ đề tâm, Bồ tát tu.

(11) Nguồn đau khổ, do cầu tự lợi, hạnh lợi tha, Phật quả sinh ra. Chuyển tâm vị kỷ thành ái tha đổi vui nhận khổ, Bồ tát tu.

(12) Gặp kẻ vì lòng tham sinh khởi, tự trộm, xúi người đoạt của ta. Mạng ta, tài sản cùng công đức, hồi hướng cho người, Bồ tát tu.

(13) Dù ta chẳng tạo ra chút tội, nhưng có người đến lấy mạng ta. Hãy từ bi nhận luôn quả khổ, nghiệp người ta gánh, Bồ tát tu.

(14) Nếu có kẻ muốn phỉ báng ta, loan tin truyền khắp cả thiên hạ, khởi tâm nhân từ ta đáp trả, tán thán hạnh người, Bồ tát tu.

(15) Giữa nơi công cộng, chốn người đông, chế nhạo thị phi ta chất chồng, nghiêng mình đảnh lễ, không sân hận, kính họ như thầy, Bồ tát tu.

(16) Người ta thương mến, dưỡng dục nuôi, ngược đãi xem ta tựa kẻ thù, khởi tâm mẹ hiền chăm con bệnh, thương yêu hơn nữa, Bồ tát tu.

(17) Dù kẻ ngang hàng hay kém cỏi, vì lòng kiêu mạn nhục mạ ta, tựa đấng Bổn Sư ta tôn kính, đặt họ lên đầu, Bồ tát tu.

(18) Sống trong nghèo khó, người miệt khinh, mang bệnh nan y, ma nhiễu mình, tội ác chúng sinh ta gánh chịu, kiên cường gánh khổ, Bồ tát tu.

(19) Dù danh vọng cao, người đời kính, của cải sánh Tỳ Sa Môn Thiên, thịnh vượng thế gian đều hư huyễn, đoạn trừ kiêu hãnh, Bồ tát tu.

(20) Giặc sân bên trong chưa điều phục, giặc ngoài chế phục rồi lại tăng. Từ bi, hai đạo quân nương tựa, điều phục tâm mình, Bồ tát tu.

(21) Mọi tham ái tựa như nước muối, càng uống vào cơn khát càng tăng. Khi tham ái sinh theo trần cảnh, lập tức buông ngay, Bồ tát tu.

(22) Vạn pháp vốn đều do tâm tạo, vọng tưởng ban sơ lìa bản tâm. Biết thế, chẳng theo vòng nhị nguyên, chứng vô tự tánh, Bồ tát tu.

(23) Khi ta đối mặt cảnh lạ thường, giữa hạ, cầu vồng tuyệt sắc hương, ngoài trông mỹ miều nhưng thực huyễn. Xả bỏ tham chấp, Bồ tát tu.

(24) Khổ đau, như con chết trong mộng, huyễn ảnh, chấp thật chỉ nhọc công. Vì thế, nghịch cảnh khi đối mặt, thường quán như huyễn, Bồ tát tu.

(25) Mong cầu giác ngộ, thân mạng hiến, nói chi đến các vật ngoài thân? Chẳng mong đền đáp hay thiện báo, bố thí hoàn hảo, Bồ tát tu.

(26) Không giữ giới, tự lợi chẳng thành, mưu cầu lợi tha, làm sao đặng? Mong cầu thế gian, luôn buông bỏ, trì giới tinh nghiêm, Bồ tát tu.

(27) Bồ tát vun trồng bồ đức hạnh, xem kẻ hại thân tựa vàng ròng. Thế nên mọi sự không thù hận. Trưởng dưỡng nhẫn nhục, Bồ tát tu.

(28) Thanh văn Duyên giác, mong cầu riêng, lửa cháy trên đầu, miên mật thiền, độ hết chúng sinh, lời thệ nguyện, nỗ lực tinh tấn, Bồ tát tu.

(29) Thiền chỉ, thiền quán, sinh tuệ giác, đoạn trừ hết thảy mọi não phiền, vượt qua bốn tầng thiền vô sắc, tinh chuyên thiền định, Bồ tát tu.

(30) Năm hoàn hảo có, trí tuệ không, quả vị giác ngộ vẫn chưa xong. “Ta, người, hành vi” vô tự tánh, trí tuệ hoàn hảo, Bồ tát tu.

(31) Lỗi lầm tự thân không quán xét, hình tướng hành giả, tạo sai lầm. Luôn luôn thấy lỗi nơi tự thân, lỗi mình đoạn diệt, Bồ tát tu.

(32) Phiền não thôi thúc nói lỗi người, Bồ tát chẳng sao, mình tổn hại. Hành giả Đại thừa, tránh chê bai, không vạch lỗi người, Bồ tát tu.

(33) Vướng lợi danh, dễ sanh tranh cãi, văn, tư, tu sẽ giảm sút dần. Thí chủ, bằng hữu với người thân, xả tâm luyến ái, Bồ tát tu.

(34) Nói lời ác, tâm người khuấy động, đức hạnh bồ tát bị giảm vơi, thế nên với người đừng nặng lời, đoạn trừ ác ngữ, Bồ tát tu.

(35) Phiền não sâu dày, lâu khó trị, chánh niệm, tỉnh thức, luôn trang bị, tham, sân vừa sanh, liền chặt đi. Đoạn trừ phiền não, Bồ tát tu.

(36) Tóm lại, ở đâu, làm việc gì, rõ biết tâm ta, tướng trạng chi. Giữ gìn chánh niệm, luôn tỉnh thức, thành tựu lợi tha, Bồ tát tu.

(37) Chuyên cần thành tựu mọi thiện duyên, để cứu vô lượng kẻ khổ phiền. Trí thuần tịnh vượt qua ba chấp, hồi hướng giác ngộ, Bồ tát tu.

Dựa theo lời dạy của chư Bổn Sư thánh thiện và ý nghĩa được tuyên thuyết trong Kinh điển và Mật điển, do chư Phật và chư đạo sư giảng giải, tôi đã sáng tác ba mươi bảy pháp tu Bồ tát để làm lợi lạc cho những ai muốn noi theo đường tu Bồ tát.

Vì trí thông tuệ kém cỏi và học thức nghèo nàn, nên lời lẽ không được văn hoa để làm hài lòng bậc học giả uyên bác, nhưng tôi đã dựa vào Kinh điển và lời của bậc thánh nhân, nên thiển nghĩ các pháp tu Bồ tát này không sai lầm, thật sự là những pháp mà chư Bồ tát đã tu tập.

Tuy nhiên, đối với những người tâm trí trì độn như tôi thì khó mà hiểu được chiều sâu của những đợt sóng lớn của bồ tát hạnh. Xin thỉnh cầu chư Bổn Sư thánh thiện kham nhẫn, lượng thứ cho những sai sót như ý nghĩa mâu thuẫn, thiếu sự mạch lạc và những điều tương tự.

Với bồ đề tâm cứu cánh thanh tịnh, nhưng mang bản tánh quy ước của lòng từ bi, thoát khỏi biên kiến hiện hữu thế gian và nhập định trong cực lạc giải thoát, nguyện cho tất cả chúng sinh thọ nhận công đức con đã tích tập được, nhờ nỗ lực với sáng tác này, sớm có được thành tựu của Ngài, hỡi Đức Quán Thế Âm, đấng bảo hộ toàn tri, từ bi với tất cả chúng sinh.

Tác phẩm Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát (rGyal-sras lag-len so-bdun-ma), đã được Bồ tát Togme Zangpo (Thogs-med bzang-po) (1245-1369), một đạo sư tinh thông Kinh điển và luận lý, sáng tác trong một hang động gần thị trấn Ngulchu-rinchen (dNgul-chu'i rin-chen) ở Tây Tạng, để tự lợi và lợi tha.

Top