Bốn Tư Tưởng Hướng Tâm Về Pháp

Pháp Tu Sơ Khởi

Tôi thích bắt đầu các lớp học với pháp tu sơ khởi. Đây là những phương tiện giúp cho mình tĩnh tâm, và có được tâm trạng thích hợp để hành thiền hay lắng nghe giáo pháp. Để có thể dấn thân vào điều gì một cách trọn vẹn thì mình phải thể nhập nó một cách chậm rãi và phù hợp. Đó là mục tiêu của pháp tu sơ khởi.

Có nhiều cách khác nhau để đi đến tâm trạng thuận lợi cho việc hành thiền hoặc lắng nghe giáo pháp. Thường thì tôi chỉ đi theo một trong nhiều khả năng. Phương pháp này bắt đầu bằng cách đếm hơi thở (sổ tức). Khi tâm mình rất sao lãng về mặt cảm xúc hay tinh thần, từ công việc, từ việc đi đến đây hay bất cứ điều gì thì điều rất quan trọng là trước tiên, hãy lắng tâm vào một trạng thái trung hòa. Điều này sẽ giúp mình thư giãn. Cách thực hiện điều này là thở bình thường qua mũi, nghĩa là không quá nhanh, không quá chậm, không quá sâu và không quá cạn. Chu kỳ là trước hết thở ra, sau đó tạm dừng một chút, và vì đã tạm ngưng thở một chút, nên tự nhiên mình sẽ hít vào sâu hơn. Đó là một cách thở sâu thoải mái hơn nhiều, so với việc hít thở sâu một cách có ý thức. Khi thở vào thì mình đếm số một trong đầu. Sau đó thì thở ra, mà không phải nín thở. Chúng ta sẽ lặp lại chu kỳ này mười một lần, rồi lặp lại mười một lần như vậy hai hoặc ba lần nữa, tùy theo tốc độ của mình. Con số thì không thật sự quan trọng. Chúng ta có thể đếm đến bất cứ con số nào. Không cần phải mê tín về điều đó. Vấn đề là dùng điều gì để chiếm lấy năng lượng bằng lời nói trong tâm mình, để không suy nghĩ về điều gì khác trong khi tập trung vào hơi thở. Bây giờ, chúng ta hãy thực hành như vậy.

Một khi đã tĩnh tâm thì ta sẽ cố gắng hướng năng lượng, tâm trí và cảm xúc của mình theo một cách tích cực. Ta sẽ làm điều này bằng cách khẳng định động lực của mình. Tại sao chúng ta ở đây? Mình muốn đạt được điều gì bằng cách ở đây, hoặc bằng cách hành thiền? Chúng ta ở đây để học hỏi thêm nhiều phương pháp để áp dụng cho cá nhân mình, để giúp bản thân mình trong đời sống. Mình không chỉ đến đây để giải trí hay tiêu khiển, hoặc để tích lũy kiến thức. Chúng ta ở đây để học hỏi điều gì thiết thực. Lúc hành thiền thì cũng vậy. Nó không chỉ để thư giãn hay là một sở thích, hay thể thao. Chúng ta hành thiền để cố giúp bản thân phát triển những thói quen có lợi, để sử dụng trong đời sống. Chúng ta không làm điều đó để làm hài lòng thầy của mình. Chúng ta làm điều đó, vì tin rằng nó có ích. Chúng ta muốn lắng nghe điều gì thiết thực, vì muốn xử lý những khó khăn trong đời sống một cách khéo léo hơn, và không chỉ làm cho cuộc sống của mình tốt hơn chút ít, mà cuối cùng là đi trọn con đường và thoát khỏi mọi khó khăn. Chúng ta muốn tìm hiểu các phương pháp sẽ giúp mình trở thành những vị Phật, để có thể thật sự giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách tốt nhất.

Khi tái khẳng định động lực của mình thì ta không chỉ nhìn vào những gì mình đang làm ở đây, ở một buổi thuyết pháp, mà điều quan trọng là phải nhìn vào mục tiêu cuối cùng. Dù chúng ta có thể nhắm đến giải thoát và giác ngộ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra qua đêm, và phép lạ thường không xảy ra. Giáo pháp không phải là yêu thuật. Chúng ta sẽ không học những trò pháp thuật, để đột nhiên giúp mình thoát khỏi mọi đau khổ. Không phải là mình học một số phương pháp, và ngày qua ngày, sự việc sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta cần phải thực tế. Nói một cách thực tế thì như chúng ta biết từ kinh nghiệm sống của chính mình, tâm trạng và sự kiện trong đời sống của mình sẽ thăng trầm, và chúng sẽ tiếp tục thăng trầm. Ta có thể hy vọng rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn trong thời gian dài; nhưng từ ngày này sang ngày khác thì mình sẽ có những lúc khó khăn. Không phải là đột nhiên mà mình sẽ không bao giờ buồn bực nữa. Nếu như mình tiếp cận việc học hỏi các phương tiện giáo pháp và thực hành chúng trong thời thiền, cũng như trong cuộc sống hàng ngày một cách thực tiễn và thiết thực, thì chúng ta sẽ không nản lòng. Ngay cả khi những điều thật khó khăn xảy ra trong cuộc sống, và ngay cả khi mình vẫn buồn bực, nhưng sẽ không đi trật đường rày. Đây là động lực của mình. Đây là mục tiêu của chúng ta. Đây là sự hiểu biết về những gì mình có thể đạt được từ việc tham dự những buổi thuyết pháp, hành thiền và tu tập.

Điều quan trọng là nhắc nhở bản thân về điều này, bằng cách xem xét và suy nghĩ về nó. Cứ cho là mình rất buồn bực trước buổi hành thiền đi, nhưng thay vì nương tựa vào thực phẩm, bạn bè, tình dục, truyền hình hay uống bia, thì chúng ta sẽ quy y Pháp và hành thiền để giúp mình vượt qua nỗi buồn bực. Ngay cả trong tình huống đó thì mình cũng phải hết sức cẩn thận, đừng hy vọng rằng nó sẽ giống như sử dụng bạch phiến, như thể mình có thể ngồi thiền và cảm thấy hưng phấn và vui vẻ, rồi tất cả các vấn đề sẽ biến mất. Nếu như điều đó xảy ra thì hãy nghi ngờ nó. Nếu như mình hành thiền một cách đúng đắn thì chắc chắn ta có thể cảm thấy tốt hơn, nhưng nó có thể không làm cho mình cảm thấy tốt hơn một trăm phần trăm. Trừ khi mình có thể tiến bộ một cách siêu việt, nếu không thì tâm trạng khó chịu có thể sẽ quay trở lại. Điều tôi thường lặp đi lặp lại là, "Bạn kỳ vọng điều gì ở luân hồi?"

Khi tái khẳng định động lực thì chúng ta sẽ nói là, "Được rồi, tôi sẽ làm điều này, vì nó sẽ giúp mình. Tôi sẽ cố áp dụng những điều này một cách đúng đắn, để thoát khỏi khó khăn này, và cuối cùng, có thể giúp đỡ người khác.". Cho dù mình có thấy nhẹ nhàng hơn trong nửa tiếng sau hay không thì không phải là vấn đề. Đó không phải là điều chủ yếu. Chúng ta đang đi theo một phương hướng nào đó trong đời sống, và đây là những gì mình đang làm để tiến xa hơn theo hướng đó. Phương hướng đó là quy y. Mỗi lần nghe thuyết Pháp hay hành thiền thì ta lại tiến thêm một bước theo hướng đó. Chúng ta sẽ tiếp tục đi, bất chấp thăng trầm. Đó là điều thực tiễn. Hãy dành một khoảnh khắc để xác nhận lại điều đó.

Sau đó, ta sẽ có ý thức quyết định, để tập trung hành thiền. Điều này có nghĩa là nếu tâm ý của mình tản mạn thì ta sẽ đưa nó trở lại, nếu buồn ngủ thì mình sẽ cố gắng tỉnh táo. Để giúp cho đầu óc minh mẫn hơn thì ta sẽ ngồi thẳng lên, và có thể sử dụng việc quán tưởng một chiếc máy ảnh đang điều chỉnh ống kính cho rõ nét.

Sau đó, mình có thể tạo ra một sự điều chỉnh tốt. Trước tiên, ta sẽ cố gắng nâng năng lượng lên, nếu cảm thấy hơi nặng nề, và năng lượng của mình quá thấp. Để làm như vậy thì hãy tập trung vào điểm giữa lông mày, mắt nhìn lên trên, nhưng giữ đầu thăng bằng.

Sau đó, nếu như năng lượng hơi rối loạn trong cơ thể, và cảm thấy hơi căng thẳng, thì hãy tập trung vào rốn, mắt nhìn xuống, nhưng đầu vẫn giữ thăng bằng, để giúp cho năng lượng ổn định. Ta sẽ hít vào bình thường và nín thở, cho đến khi cần thở ra.

Mở Đầu

Có bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp:

  1. Nghĩ về việc xem trọng kiếp người quý báu
  2. Nghĩ về cái chết và vô thường, rằng những cơ hội mà mình đang hiện có, với sự tồn tại quý giá này sẽ không bền lâu
  3. Nghĩ về luật nhân quả, nói cách khác là cách hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến những điều mình trải nghiệm
  4. Nghĩ về những bất lợi của luân hồi, của tái sinh bất tự chủ

Nếu như xem trọng những cơ hội mà mình hiện đang có với kiếp người quý giá này, và nếu ta nhận thức và thừa nhận thực tế là đời sống này sẽ không bền lâu, và đến lúc nào đó thì mình sẽ chết; nếu như ta nhận ra hành vi của mình sẽ hình thành kinh nghiệm trong kiếp này, cũng như trong những kiếp vị lai, sau khi mình chết, và bất cứ điều gì mình sẽ trải qua trong tương lai, bởi vì nó sẽ phát sinh từ việc hành xử theo vô minh, nên sẽ có rất nhiều khó khăn và rắc rối, thì mình sẽ hướng tâm về Pháp.

Phương Hướng An Toàn Của Quy Y

Ý nghĩa của việc chuyển tâm về Pháp là gì? Về cơ bản thì nó có nghĩa là quy y. Điều khá rõ ràng là quy y không phải là điều mà bạn thực hiện sau khi bước vào một trung tâm Phật giáo lần đầu tiên. Nó không phải là việc tham gia một câu lạc bộ xã hội hay trung tâm Phật giáo. Quy y là một điều gì khá cao cấp, và đòi hỏi một tâm trạng thích hợp. Tôi thấy rằng thuật ngữ "quy y" không thỏa đáng, và gây ấn tượng lầm lạc. Trong ngôn ngữ của chúng ta, nó ngụ ý điều gì thụ động - rằng chúng ta đến với một người mạnh mẽ hơn, hay một bậc có oai lực, và nói rằng xin hãy cứu con, bảo vệ con, và mình sẽ được bảo vệ. Rồi thì ta không phải làm gì nhiều từ phía của mình. Đây không phải là những điều mà đạo Phật đang đề cập đến. Đúng hơn thì những điều mà chúng ta đang nói về là đưa một phương hướng chủ động, an toàn, tích cực vào trong cuộc sống. Đó là lý do mà tôi gọi nó là chọn phương hướng an toàn. Cần có bốn thái độ hay sự hiểu biết này, trước khi ta có thể đưa phương hướng này vào trong cuộc sống, với lòng xác tín chân thành. Điều này ngụ ý là phải có một số ý niệm phương hướng này là gì.

Phương hướng này là gì? Đó là Phật, Pháp và Tăng, Tam Bảo. Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta thường xem điều này một cách rất cơ bản. Chúng ta nghĩ về Pháp như là giáo lý, Đức Phật là người ban những giáo lý này bằng lời nói và về mặt chứng ngộ của Ngài, và Tăng đoàn nói về điều gì giống như hội chúng của một ngôi chùa hay trung tâm Phật giáo. Đó không phải là ý nghĩa của Tăng đoàn. Chúng ta đang nói về những hành giả rất cao cấp, những người đã có nhận thức trực tiếp về thực tại, và đang đi trên con đường đến giải thoát hay giác ngộ. Ngay cả khi chúng ta nói: "Tôi đang đi theo hướng của giáo pháp như Đức Phật đã dạy, và như các hành giả vĩ đại đang chứng ngộ chúng", thì dạng hiểu biết cơ bản về Tam Bảo này không phải là một cơ sở rất ổn định để đưa phương hướng này vào cuộc sống.

Đâu là cơ sở để được thuyết phục rằng đây là một phương hướng tích cực? Cần phải có một sự hiểu biết tinh vi hơn một chút về Phật, Pháp và Tăng. Hiểu biết càng tinh vi thì hướng đi của mình sẽ càng vững chắc hơn. Điều này có nghĩa là toàn bộ chủ đề về quy y không phải là điều mà mình nên xem thường. "Tôi đã làm điều đó ngay từ đầu, khi mới đến trung tâm, và bây giờ tôi có một sợi dây màu đỏ để đeo quanh cổ." Đây là một chủ đề mà mình phải học hỏi và đi sâu, khi chúng ta tiến xa hơn trên đường tu. Phương hướng này càng sâu sắc hơn trong đời sống thì mình càng vững chãi hơn trên đường tâm linh.

Phương hướng thật sự được biểu thị bằng Pháp Bảo phải được hiểu trong bối cảnh của tứ diệu đế. Đây là bốn sự thật mà bất cứ ai nhìn thấy thực tại, một bậc chứng ngộ cao, sẽ thấy là đúng. Chúng được gọi là "cao quý", bởi vì đó là cách mà một số người dịch chữ arya từ tiếng Phạn sang tiếng Anh. Khi trực tiếp nhìn thấy thực tại thì ta sẽ thấy bốn sự thật này. Sự thật đầu tiên là những khó khăn trong đời sống - chúng thật sự là gì? Sau đó, ta sẽ thấy nguyên nhân thật sự của những khó khăn này. Rồi ta sẽ thấy sự chấm dứt của những khó khăn trong cuộc sống và nguyên nhân của chúng. Sau đó thì có một chân đạo, nói cách khác là một cách hiểu biết, sẽ đem lại chứng ngộ về thực tại, bằng cách loại bỏ nguyên nhân chính của vấn đề, đó là vô minh. Khi thoát khỏi nhân tạo ra vấn đề, tức vô minh, thì ta sẽ tiêu diệt những vấn đề.

Phương hướng thật sự được biểu thị bằng diệu đế thứ ba và thứ tư. Đó là quy y Pháp. Để không xem nó như sáo ngữ thì điều mà mình nhắm vào là trạng thái mà trong đó, tất cả các vấn đề và nhân tạo ra vấn đề đều được loại bỏ theo cách mà chúng sẽ không bao giờ xảy ra nữa, cũng như tâm trạng không chỉ mang lại điều đó, mà còn đem lại kết quả từ điều này. Khi tất cả những khó khăn và khiếm khuyết được đoạn trừ thì ta sẽ có một tâm trạng mà nhờ đó, ta có thể sử dụng tất cả các khả năng của mình.

Phương hướng giáo pháp của chúng ta là gì? Đó là trạng thái giải thoát và giác ngộ. Giải thoát là một trạng thái mà tất cả những nỗi khổ của mình và nhân tạo khổ đã kết thúc. Giác ngộ là một trạng thái mà mình có thể giúp đỡ người khác một cách tối đa, và khi đó thì những điều khiến ta không thể làm điều đó sẽ được đoạn trừ mãi mãi. Chư Phật là những bậc đã đạt được cả hai điều này một cách viên mãn, và đã chỉ cho mình cách thực hiện điều này. Các ngài đã chỉ cho ta cách thực hiện điều đó, về mặt chứng ngộ, cũng như bằng cách ban cho chỉ giáo từng bước một. Tăng đoàn là những người ít nhất đã thoát khỏi một số vấn đề và nguyên nhân của họ, và đang tu tập xa hơn, nên đã tiến bộ một cách đáng kinh ngạc.

Cổng Đi Vào Pháp

Để có thể hướng tâm trí và năng lượng của mình đến giải thoát và giác ngộ thì ta phải biết hai điều. Chúng ta phải biết giải thoát và giác ngộ có nghĩa là gì. Chúng không chỉ là ngôn từ hoa mỹ. Thứ hai là cần phải tin chắc mình thật sự có thể đạt được những điều này. Nếu như không vững tin là có thể đạt được giải thoát và giác ngộ, thì tại sao mình lại muốn tu tập để đạt được chúng? Làm thế nào để tin chắc là điều này khả dĩ? Những bước nào sẽ đưa ta đến đó?

Một bậc thầy vĩ đại của dòng Sakya, Sonam-tsemo, đã viết một tác phẩm rất hữu ích, có tựa đề là Cổng Đi Vào Pháp (The Gateway To The Dharma). Ngài đã giải đáp câu hỏi này. Ngài nói cần có ba điều. Trước tiên, cần phải nhận diện và thừa nhận nỗi khổ và khó khăn trong đời sống. Nói cách khác là phải thật sự nhìn vào bản thân một cách trung thực và đánh giá những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Thứ hai là phải rất chân thành ước mong thoát khỏi nỗi khổ này, không chỉ là "tận dụng nó một cách tối đa", mà là thật sự muốn thoát khỏi nó. Điều thứ ba là có một số kiến thức về Pháp, để vững tin rằng Pháp sẽ chỉ cho ta một lối thoát. Lòng tin tưởng đó không chỉ dựa vào những lời hay ho của một người có sức lôi cuốn, mà mình phải có một số kiến thức và hiểu biết về Pháp, và về cách nó sẽ giúp ta thoát khổ.

Lối thoát là gì? Đó là thành tựu giải thoát và giác ngộ. Phật pháp chỉ cho ta cách làm điều này, dựa trên diệu đế đầu tiên, đó là khổ. Đó là những gì ngài Sonam-tsemo nói mình phải bắt đầu nhận ra vấn đề. Và có một nguyên nhân tạo ra những vấn đề đó. Chúng xuất phát từ đâu đó. Để đoạn trừ nguyên nhân của các vấn đề, tức diệu đế thứ ba, thì có một chân đạo; và đó là diệu đế thứ tư, đoạn trừ vô minh.

Không dễ tin chắc là có thể đoạn trừ nguyên nhân tạo ra những khó khăn của mình. Cần phải kiên trì để đương đầu với nó. Ta phải cố gắng hiểu điều này đang nói về những gì. Ta có thể bắt đầu đối phó với điều này một cách hợp lý. Hiện nay, mình đang trải nghiệm đời sống với vô minh. Ví dụ như ta tưởng tượng mình là người quan trọng nhất trên thế giới, và là trung tâm vũ trụ. Dựa vào đó mà mình luôn luôn cảm thấy mọi việc phải xảy ra theo ý mình, và rất tham lam, huênh hoang. Ta là người quan trọng nhất, nên mọi người phải chú ý đến mình và yêu mến mình. Nếu như mọi người không chú ý và không yêu mến mình thì ta sẽ rất tức giận.

Mình có thể đáng yêu, nhưng điều đó không có nghĩa là cả thế giới cần phải nhận ra điều đó! Với tâm vô minh thì ta nghĩ rằng mọi người nên nhận ra diều này. Hay là mình đi theo cách khác, và nghĩ rằng nếu mọi người không yêu mến hay chú ý đến mình thì có điều gì không ổn với mình, và ta là người không tốt, rồi lại cảm thấy tự ti. Trong cả hai trường hợp thì mình đều đau khổ. Chúng ta có nỗi thống khổ về tinh thần, và tất cả đều xuất phát từ sự lầm lẫn rằng mình là trung tâm vũ trụ, và mọi việc nên đi theo ý mình.

Đức Phật nói rằng có thể đoạn diệt tất cả khổ đau mà mình kinh qua, bằng cách đoạn trừ thái độ mê lầm tạo ra nó. Điều gì sẽ đoạn trừ tâm mê lầm? Đó là hiểu biết. Nếu chúng ta hiểu cách mình và mọi người trên thế giới tồn tại thì sẽ không lầm lẫn về nó. Không thể có cả hai yếu tố mê lầm và hiểu biết trong tâm thức trong cùng một lúc. Hiểu biết là đối thủ chính xác của vô minh. Vì không thể có cả hai trong cùng một lúc, vậy thì cái nào sẽ thắng? Nếu như mình khảo sát tâm vô minh thì càng khảo sát kỹ hơn, ta sẽ thấy nó thật sự không đứng vững với sự phân tích. Thật sự tôi có phải là trung tâm vũ trụ hay không? Không, bởi vì tất cả những người khác cũng nghĩ rằng họ là trung tâm vũ trụ. Mặt khác, nếu như quán sát sự hiểu biết thì nó sẽ đứng vững. Không có ai là trung tâm vũ trụ cả. Điều đó có nghĩa là không có ai quan trọng hơn những người khác. Không ai là trung tâm của sự chú ý của mọi người, và được mọi người yêu mến. Càng quán sát điều này thì ta càng thấy nó có ý nghĩa. Nó không chỉ đúng trên lý lẽ, mà còn từ kinh nghiệm và cách nhìn cuộc sống vận hành ra sao.

Vì tâm hiểu biết có thể được xác minh, và tâm mê lầm sụp đổ, khi mình khảo sát nó, và không chỉ tâm hiểu biết có thể tạm thời thay thế tâm mê lầm, mà còn có thể đoạn diệt nó mãi mãi. Khi hiểu rằng không có trung tâm vũ trụ thì ta sẽ biết rằng không phải ai cũng chú ý đến mình và yêu thương mình. Không phải ai cũng yêu thương và chú ý đến Đức Phật, vậy thì tại sao họ phải làm như vậy với mình? Kết quả của sự phân tích này là ta sẽ không buồn bực nữa. Nếu như người khác không chú ý đến mình thì không sao hết. Mình kỳ vọng điều gì ở luân hồi? Bởi vì không buồn bực, nên mình có thể đối xử với mỗi một người một cách nồng nhiệt, thương yêu, cảm thông, v.v., mà không lo lắng về việc họ sẽ lắng nghe mình hay ưa thích mình hay không. Ta sẽ cố gắng hết sức. Theo cách này thì mình sẽ tu tập ở cấp độ sơ căn, để vững tin hơn rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, rồi thì sẽ không điên loạn vì tu tập theo chiều hướng thành tựu giải thoát và giác ngộ.

Bốn Tư Tưởng Theo Tiến Trình Ngược Lại

Bốn ý nghĩ hướng tâm về Pháp cho ta thấy ở một mức độ sâu hơn một chút rằng điều này khả dĩ. Chúng ta đã bàn luận cách làm thế nào có thể có được niềm tin vào khả năng giải thoát và giác ngộ theo ba ý nghĩ cơ bản cần thiết để thể nhập vào Pháp: đau khổ, mong muốn thoát khổ và có niềm tin rằng mình có thể thoát khổ. Bốn ý nghĩ hướng tâm về Pháp thật sự hướng tâm trí của mình về ba ý nghĩ này, cụ thể là bước đầu tiên trong ba bước này, nhận ra và thừa nhận những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống. Điều cuối cùng trong bốn tư tưởng này là về sự bất toại nguyện của luân hồi, đó là sự thừa nhận về những khó khăn và vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta cần phải đi ngược lại để đánh giá cao thứ tự và nhu cầu của mỗi một bước.

Những khó khăn và vấn đề mà mình phải đối mặt là gì? Đức Phật đã đưa ra nhiều danh sách, nhưng danh sách ngắn gọn hơn gồm có ba điều. Chúng ta có thể gọi chúng là ba loại vấn đề. Thứ nhất là nỗi khổ thô thiển: đau đớn và bất hạnh. Nó bao gồm nỗi đau thể xác cũng như tinh thần. Hầu hết thì mọi người có thể nhận ra điều này không mấy khó khăn. Không ai thích khổ, nên hầu hết mọi người đều muốn thoát khổ.

Vấn đề thứ hai là vấn đề của sự thay đổi. Điều này nói về kinh nghiệm thông thường của mình về hạnh phúc bị ô nhiễm vì vô minh. Chúng thay đổi và không bền lâu. Chẳng hạn như mình ăn uống và cảm thấy sung sướng khi no bụng, nhưng điều này không kéo dài, và mình lại đói. Vấn đề là gì? Vấn đề không phải là hạnh phúc không bền lâu. Đó chỉ là bản chất của loại hạnh phúc này. Có được chứng ngộ thậm thâm nhất, trực tiếp chứng ngộ tánh Không sẽ không thay đổi thực tế là loại hạnh phúc này vô thường. Không có gì sẽ thay đổi điều đó. Chúng ta có thể bớt khó chịu hơn, vì thực tế là nó thay đổi, nhưng đó không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề thật sự với loại hạnh phúc này là yếu tố không chắc chắn, khi mà nó kết thúc thì mình không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ vui vẻ với bạn bè. Thời gian vui vẻ sẽ kết thúc, và ta không biết mình sẽ vui vẻ, mệt mỏi, không vui hay là gì nữa. Đó là vấn đề thật sự ở đây. Chỉ theo đuổi hạnh phúc tạm thời này sẽ không giúp ích gì cho mình, dù ta sẽ thấy ổn thỏa trong một thời gian. Nó không chỉ không đoạn trừ tất cả những vấn đề của mình, mà mình còn ở trong tình trạng bất an nữa, vì không biết kế tiếp thì điều gì sẽ xảy ra.

Loại vấn đề thật sự thứ ba là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi. Đó là loại thân tâm và cảm xúc mà mình sở hữu, khiến cho tất cả những vấn đề khác tồn tại mãi mãi. Chúng đang tự tồn tại. Chúng ta có loại cơ thể này. Lúc nào mình cũng phải cho nó ăn và chăm sóc nó. Và khi mình ăn thì niềm vui không kéo dài, và mình phải ăn lần nữa, rồi thêm lần nữa. Chán biết bao nhiêu! Chúng ta có một mối quan hệ khó khăn với ai đó, nhưng không học hỏi được điều gì, và bị tổn thương, nên lại bắt đầu một quan hệ khác. Sự mê lầm cứ tiếp diễn như vậy. Người này đã không trở thành Hoàng tử hay Công chúa quyến rũ, nên ta lại đi tìm người khác. Những cảm giác bất an cứ phát sinh. Đây thật sự là vấn đề; nó cứ lặp đi lặp lại. Thấu hiểu ba loại khổ này là tư tưởng thứ tư, khuyết điểm của khổ. Đó cũng là diệu đế đầu tiên, đó là những vấn đề.

Đâu là cơ sở cho sự hiểu biết này về những bất lợi của luân hồi? Tư tưởng thứ ba, tức sự hiểu biết về nghiệp và nhân quả. Đây là nhân tạo khổ trong luân hồi. Đây là diệu đế thứ hai. Tại sao chúng ta trải qua loại chân khổ đầu tiên, nỗi khổ thô thiển? Từ hành vi tiêu cực. Chúng ta hành động một cách tiêu cực vì vô minh. Chúng ta không hiểu kết quả hành động của mình, hay nghĩ rằng hành vi của mình không có kết quả.

Loại vấn đề thứ hai là sự thay đổi và bất định. Để hiểu lý do tại sao mình trải nghiệm điều đó thì cần phải hiểu nghiệp. Nếu như hiểu về nghiệp thì ta sẽ hiểu rằng những gì mình trải nghiệm rất phức tạp. Chúng ta đã làm rất nhiều điều, cả hai việc tích cực và tiêu cực, xen lẫn với vô minh từ vô thỉ. Ta có thể nghĩ rằng mình là trung tâm vũ trụ và đối xử tốt với mọi người, hay xử tệ với họ. Chúng ta đã tích tập hàng triệu và hàng triệu thiện nghiệp và ác nghiệp. Vì vậy nên mình cảm thấy vui vẻ trong một lúc, vì điều này bắt nguồn từ một công đức. Rồi thì nó chấm dứt. Rồi thì sao? Có vô số khả năng của nghiệp đang chờ trổ quả. Tiếp theo thì điều gì sẽ trổ? Nó không đơn giản chút nào. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như thái độ của mình, hoàn cảnh, những điều người khác làm, sức khỏe của mình và vân vân. Không có gì ngạc nhiên khi không có gì chắc chắn, và không có gì lạ khi kinh nghiệm của mình trong luân hồi cứ thăng trầm thất thường. Thập nhị nhân duyên mô tả cách nghiệp và vô minh khiến cho luân hồi tồn tại mãi mãi. Khi hiểu nghiệp một cách sâu sắc thì ta sẽ hiểu cách toàn bộ cơ chế của nghiệp thăng trầm, tự nó tồn tại mãi mãi, đó là vấn đề thâm nhập khắp nơi.

Tư tưởng thứ ba hướng tâm về Pháp sẽ đưa mình đến tâm trạng thấu hiểu tại sao lại có sự bất định này. Điều gì sẽ khiến mình nghĩ như vậy? Đó là ý thức về cái chết và vô thường. Thọ mạng của mình thì không chắc chắn. Đây là tư tưởng thứ hai hướng tâm mình về Pháp. Nếu như nghiêm túc về cái chết và vô thường, nhận ra rằng tình huống này sẽ không kéo dài ở mức độ thô thiển, thì ta có thể bắt đầu xem trọng giáo huấn về nghiệp, chỉ cho mình thấy sự bất định của những gì xảy ra từng sát na.

Điều gì sẽ khiến ta suy nghĩ về cái chết? Quý trọng cuộc sống và những cơ hội mà mình đang hiện có: kiếp người quý báu này. Thế thì việc nghĩ về kiếp người quý báu mà mình hiện có là tư tưởng đầu tiên hướng tâm về Pháp.

Tóm Tắt

Bằng cách đi ngược lại như vậy thì ta có thể thấy cách mỗi thái độ phát sinh từ thái độ trước đó như thế nào. Người ta có thể giải thích nó đi từ một đến bốn trong một tiến trình hợp lý, nhưng vì hầu hết các bạn đã học giáo lý này rồi, nên tôi muốn trình bày nó theo thứ tự ngược lại, để cho thấy mỗi tư tưởng phụ thuộc vào tư tưởng trước đó như thế nào. Theo thứ tự đi xuôi thì mình sẽ nghĩ về kiếp người quý báu, rằng nó sẽ không kéo dài mãi mãi, rằng những gì xảy sẽ ra sau khi mình chết, trong những kiếp tương lai, đều tùy thuộc vào nghiệp. Ngay cả khi mình được sinh ra trong một tình huống thuận lợi thì sẽ có nhiều vấn đề. Khi nhận thức ra điều này thì mình sẽ muốn thoát khổ. Đối với việc này thì phải tin chắc Pháp thật sự giảng dạy một lối thoát, và mình thật sự có thể giải thoát khỏi mọi vấn đề và giác ngộ. Điều đó sẽ đưa ta đến quy y và phát bồ đề tâm, khi mà mình sẽ hoàn toàn dấn thân để đạt giác ngộ, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Theo tiến trình đi ngược thì như ta đã thấy, để đưa quy y và bồ đề tâm vào đời sống thì cần có lòng xác tín rằng mình có thể thoát khổ và nhân tạo khổ. Để thực hiện điều đó thì mình phải hiểu bản tánh của vô minh, và cách mà tâm chứng ngộ sẽ đoạn trừ vô minh. Để làm được điều đó thì mình phải nhận thức những khó khăn trong đời sống, những khó khăn trong luân hồi, đó là vấn đề cứ tái diễn, và tính bất định. Tính bất định đó là vì nghiệp. Để bắt đầu tư duy về tính bất định thì trước tiên, cần phải nghĩ về nó, về mức thô sơ của cái chết. Ta sẽ không lo lắng về cái chết, nếu như không nghĩ về cuộc sống mình đang hiện có với những cơ hội trong đời, và không muốn đánh mất nó.

Dù chúng ta xem xét bốn tư tưởng này theo trình tự đi xuôi hay đi ngược thì chúng rất cần thiết để giúp mình vững chãi trên đường tu, để mình có thể giúp đỡ tự thân và tha nhân nhiều hơn.

Câu Hỏi

Làm thế nào mà sự bất định phù hợp với những mối quan tâm thế tục, và nghĩ rằng nếu như tôi có thể có cái này hay cái kia, thì mình sẽ được hạnh phúc?

Tùy theo mình nghĩ điều gì sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nếu chúng ta nghĩ rằng, "Nếu như có thể đạt được giác ngộ, thì tôi sẽ hạnh phúc" thì sẽ khác với cách suy nghĩ, "Nếu như có được người bạn đời hoàn hảo, thì tôi sẽ hạnh phúc mãi mãi và không bao giờ có bất cứ nỗi khổ nào.". Nếu như đang tìm cách đoạn trừ đau khổ hoàn toàn, để nó không bao giờ quay trở lại nữa, từ sô cô la, người bạn đời, tình dục hay bất cứ điều gì, thì mình sẽ luôn luôn thất vọng. Tuy nhiên, nếu như ta thừa nhận loại hạnh phúc thông thường theo cách nó là như vậy, thì có thể nhắm vào nó như một mục tiêu tạm thời. Nếu như mình có một mức độ hạnh phúc nào đó, thì có thể sử dụng nó như một hoàn cảnh để tiến xa hơn trên đường tu tập. Đó là lý do tại sao phạm vi sơ căn của đường tu tuần tự lam-rim nhắm vào tái sinh may mắn. Chúng ta cần có hạnh phúc thế gian nói chung, như một hoàn cảnh để hướng về giải thoát và giác ngộ. Tất cả đều phụ thuộc vào việc nhận thức loại hạnh phúc thông thường như cách nó là như vậy, mà không thổi phồng nó. Chúng ta cần phải đứng trên mặt đất một cách vững vàng.

Kết Luận

Nó khá hữu ích để tu tập với bốn tư tưởng này. Chúng được gọi là pháp tu sơ khởi, theo nghĩa là chúng đưa mình đến một tâm trạng thích hợp để thể nhập đường tu một cách rất vững chắc, giống như những bài học sơ khởi trước khi một lớp học bắt đầu, để đưa ta đến một tâm trạng thích hợp để lắng nghe giáo pháp. Việc thể nhập đường tu của Pháp có nghĩa là gì? Mình có thể nói về nó về mặt kỹ thuật, nhưng đừng nói về nó ở mức độ đó. Dấn thân trên đường tu có nghĩa là thật sự vững tin vào những gì mình đang làm, và toàn tâm toàn ý với điều này. Nếu không thì mình sẽ không ổn định cho lắm. Chúng ta có thể làm chút ít điều đó như một sở thích, đó là vì người khác đang làm điều đó, nhưng ta không thật sự thích thú với nó.

Việc thật sự dấn thân đòi hỏi việc thay đổi thái độ. Nó đòi hỏi một cách nhìn nào đó về cuộc sống. Nó đòi hỏi phải thật sự thấy tình hình cuộc sống của mình, và thừa nhận rằng có những vấn đề và khó khăn trong đó. Điều quan trọng là xem trọng kiếp người quý báu của mình, và biết rằng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Cuộc sống của chúng ta có vấn đề, và trên cơ bản thì những vấn đề này phát sinh là vì vô minh và nghiệp. Mặc dù chúng ta có hạnh phúc trong đời sống của mình, nhưng nó không thật sự mãn nguyện, vì nó không bền lâu, và không thể bảo đảm là mình sẽ có tâm trạng vui vẻ. Nếu như chỉ vui vẻ trong một thời gian nào đó thôi thì chưa đủ.

Chúng ta có thể biết mình có những mối quan hệ không lành mạnh, nhưng vì chúng rất sôi nổi và vui vẻ vào lúc đầu, nên ta đã đi vào một mối quan hệ mới, dù biết rằng mình hay người kia sẽ làm cho nó rối rắm. Rồi thì mình lại có một quan hệ khác, và một quan hệ khác nữa. Cuối cùng thì chúng ta cảm thấy mệt mỏi và nói rằng: "Tôi thật sự muốn chấm dứt việc này!" Chúng ta tin chắc là mình có thể chấm dứt nó. Dựa trên sự xác tín đó, mình có thể tu tập để chấm dứt nó một cách thiết thực.

Trong khi đang tu tập thì mình phải cố gắng để có được hạnh phúc tạm thời, bởi vì nó sẽ giúp bạn đi trên đường tu dễ dàng hơn, nhưng kinh nghiệm của mình sẽ thăng trầm. Thay vì liên tục ra ngoài để tìm Hoàng tử và Công chúa quyến rũ thì mình có thể có một mối quan hệ nào đó không hoàn hảo - nó sẽ không bao giờ hoàn hảo ở mức độ này - và có thể sử dụng nó như cơ sở để tu tập nhiều hơn nữa. Đối với tiền bạc cũng vậy. Nếu mình chỉ dành cả đời để kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa, thì điều này sẽ không bao giờ kết thúc.

Chúng ta cần một sự thoải mái về vật chất ở mức độ nào đó, để có thể sinh sống, và tương tự như vậy, mình cũng cần một mức độ tình cảm, tình yêu và quan hệ tình cảm nào đó để có hoàn cảnh thuận lợi để cải thiện bản thân. Mối quan hệ với người bạn đời sẽ không bao giờ hoàn hảo. Số tiền mà mình có trong ngân hàng sẽ không bao giờ hoàn hảo. Những tiện nghi trong nhà sẽ không bao giờ hoàn hảo. Đây là vấn đề của sự thay đổi. Việc cố gắng làm cho những điều này hoàn hảo thì chỉ giống như đập đầu vào tường mà thôi. Khi đã có đủ những yếu tố này, để có thể tiếp tục với đời sống tâm linh, thì mình phải tiếp tục với đời sống tâm linh! Vấn đề là sử dụng mức độ không hoàn hảo mà mình có được, để hướng đến điều gì mà ta có thể đạt được một cách thực tế, đó là trạng thái tối hậu. Ta có thể đoạn trừ vô minh trong tâm thức, và điều đó có nghĩa là có thể đoạn trừ khổ đau. Tất cả là như vậy đó. Bằng cách này thì mình sẽ hạnh phúc, và có thể làm cho người khác hạnh phúc. Liệu mình có thể giúp đỡ người khác nhiều hơn, bằng cách luôn cố gắng để có được người bạn đời hoàn hảo, hay bằng cách tu tập để đoạn trừ tâm sân hận?

Video: Mingyur Rinpoche — “Một Cuộc Đời Thành Công”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Hồi Hướng

Hãy kết thúc với lời hồi hướng. Nguyện cho bất cứ sự hiểu biết nào mà có thể mình đã thu thập được ngày càng trở nên sâu sắc hơn, để nó bắt đầu tạo ấn tượng với mình một cách chậm rãi, và tích tập thêm công đức, để ta bắt đầu nhìn thấy mọi việc theo bốn tư tưởng này. Nguyện cho ta có thể dần dần quy y vững chãi hơn, để cuối cùng, có thể đạt được giải thoát và giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Top