Tu Tập Theo Giáo Pháp và Lánh Xa Đau Khổ

Thuật ngữ Dharma trong tiếng Phạn, chö (chos) theo tiếng Tây Tạng, có nghĩa là giữ vững, hay duy trì. Duy trì và giữ vững điều gì? Đó là đoạn trừ đau khổ và thành tựu hạnh phúc. Giáo Pháp không chỉ thực hiện điều này cho chúng ta, mà cho toàn thể chúng sinh.

Nhận Diện Đau Khổ

Nỗi khổ mà ta trải qua gồm hai loại: loại khổ mà con người có thể nhìn thấy ngay lập tức, và loại khổ mà ta không thể thấy được, nếu không có năng lực ngoại cảm. Loại khổ thứ nhất liên quan đến sự đau đớn trong quá trình sinh ra, cảm giác khó chịu mỗi khi lâm bệnh, nỗi khổ tâm vì tuổi già và sự lão hóa, và nỗi khiếp sợ về cái chết.

Người bình thường không thể nhìn thấy những nỗi khổ sau khi chết. Ta có thể nghĩ rằng sau khi chết, mình có thể tái sinh làm người. Tuy nhiên, không nhất thiết phải như vậy. Không có lý do hợp lý nào để ta cho rằng một sự tiến hóa như vậy sẽ xảy ra. Điều này cũng không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn không tái sinh sau khi chết.

Việc ta sẽ tái sinh vào cõi nào thì rất khó biết, đây là điều ngoài tầm hiểu biết của mình hiện nay. Nếu như ta tích lũy thiện nghiệp trong suốt cuộc đời này, điều tự nhiên là ta sẽ có được những tái sinh hạnh phúc trong tương lai. Ngược lại, nếu như chỉ tạo ra phần lớn ác nghiệp, ta sẽ không có một tái sinh hạnh phúc, mà phải chịu đựng những nỗi khốn khó lớn lao ở các cõi thấp. Đây là điều chắc chắn. Sự tái sinh vận hành như vậy. Nếu ta gieo một hạt lúa mì, một cây lúa mì sẽ mọc lên. Nếu ta gieo một hạt lúa, một cây lúa sẽ sản sinh ra. Cũng như vậy, bằng cách tạo ác nghiệp, ta sẽ gieo hạt giống của sự tái sinh vào một trong ba cõi thấp như địa ngục, ngạ quỷ, hoặc súc sinh.

Có bốn trạng thái hay bốn cõi địa ngục (cõi bất hỷ lạc): địa ngục nóng, địa ngục lạnh, địa ngục cận biên và địa ngục cô độc. Nếu phân loại chi tiết hơn, có tám địa ngục nóng. Tầng thứ nhất trong tám địa ngục nóng là Đẳng Hoạt Địa Ngục (Reviving Hell). Nói một cách tương đối thì đây là địa ngục ít đau khổ nhất. Để hiểu được mức độ thống khổ ở địa ngục này, sự đau đớn của một người bị thiêu đốt trong một ngọn lửa lớn được cho là rất nhẹ nhàng so với nỗi đau của chúng sinh trong tầng địa ngục nóng thứ nhất. Mức độ thống khổ ngày càng gia tăng ở mỗi một tầng địa ngục thấp hơn Đẳng Hoạt Địa Ngục.

Mặc dù không thể nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục và ngạ quỷ, ta có thể tận mắt nhìn thấy nỗi khổ của các súc sinh. Nếu tự hỏi mình sẽ ra sao nếu sinh ra làm thú vật, ta chỉ cần nhìn những con vật ngoài đường phố và loài vật phải thồ hàng nặng nhọc xung quanh ta ở đây, tại Ấn Độ, và thử nghĩ xem nếu mình rơi vào hoàn cảnh của chúng thì sẽ ra sao. Giáo Pháp là điều giữ gìn và bảo vệ ta, giúp ta thoát khỏi những kinh nghiệm đau khổ ở những cõi thấp này.

Toàn bộ bánh xe tái sinh, toàn bộ sự luân sanh thiếu kiểm soát (luân hồi), có bản chất khổ đau. Giáo Pháp là điều bảo vệ ta khỏi mọi nỗi khổ của kiếp luân hồi. Hơn thế nữa, Giáo Pháp Đại Thừa, giáo lý của Cỗ Xe Lớn, không chỉ bảo vệ chúng ta, mà còn bảo vệ tất cả những chúng sinh khác (chúng sinh hữu tình).

Quy Y

Trong đạo Phật, ta sẽ nghe nói nhiều về Quy Y Tam Bảo – Phật, Pháp, và Tăng. Đối tượng quy y thứ nhất bao gồm tất cả những bậc toàn giác, những vị giảng dạy Giáo Pháp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Buddha Shakyamuni), người đã chuyển Pháp luân lần thứ nhất ở Ba La Nại (Varanasi) khi thuyết giảng Tứ diệu đế, là bậc thầy quan trọng nhất đối với chúng ta. Chân lý cuối cùng trong Tứ diệu đế – đạo đế – chính là Giáo Pháp phải được hành trì để đạt được giải thoát. Đây chính là đối tượng quy y, gọi là Pháp Bảo.

Sự hành trì Giáo Pháp đòi hỏi hai yếu tố: nhận diện ra nguồn gốc của nỗi khổ luân hồi và đoạn trừ nguồn gốc này. Nguồn gốc của luân hồi là gì? Đó là sự bám chấp vào một tự ngã thật sự tồn tại và sự hiện hữu chân thật của vạn pháp. Ta cần phải phát triển tâm thù ghét sự bám chấp này, vốn là điều mang đến mọi khổ đau cho chúng ta. Ta phải phát triển sự thấu hiểu về pháp đối trị tâm bám chấp vào sự hiện hữu chân thật này. Pháp đối trị này chính là trí tuệ (trí bát nhã) về vô ngã. Chính sự thấu hiểu về vô ngã này sẽ giải thoát ta khỏi khổ đau.

Nỗi khổ mà ta kinh nghiệm trong luân hồi không thể nào xảy ra mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân của khổ là những cảm xúc cùng thái độ phiền não (ảo tưởng) và nghiệp do chúng tạo ra. Căn nguyên của mọi cảm xúc, thái độ phiền não và của nghiệp chính là tâm chấp ngã. Khi hiểu được điều này, ta sẽ khát khao có được pháp đối trị với tâm chấp ngã này. Vì sao ta chưa phát triển được pháp đối trị trong dòng tâm thức của mình? Vì sao ta không hiểu tính vô ngã? Một nguyên nhân là ta không có đủ ý thức về cái chết và vô thường.

Cái Chết và Vô Thường

Một kết cuộc khả dĩ duy nhất của sinh là tử. Ta chắc chắn sẽ chết. Không có cuộc đời của một chúng sinh nào lại không kết thúc bằng cái chết. Người ta cố gắng thử nhiều phương pháp để ngăn ngừa cái chết xảy ra, nhưng điều đó bất khả thi. Không có thuốc men nào có thể giúp cho chúng ta thoát chết.

Nếu chỉ đơn thuần nghĩ rằng, “Tôi sẽ chết,” thì thật sự không phải là cách đúng đắn để quán chiếu về cái chết. Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết, nhưng chỉ đơn giản nghĩ về hiện thực này thì không hiệu quả lắm. Đó không phải là phương pháp đúng đắn. Tương tự như vậy, nếu chỉ nghĩ về hiện thực rằng mình sẽ suy thoái và tan rã, cơ thể mình sẽ phân hủy. thì không đủ. Điều mà ta phải suy nghĩ là làm thế nào để ngăn ngừa sự suy sụp của bản thân.

Nếu như ta nghĩ về nỗi sợ hãi sẽ xảy ra vào thời điểm của cái chết và cách diệt trừ nỗi sợ ấy, thì công phu thiền quán của ta về cái chết sẽ có hiệu quả. Những người đã tích tập một số ác nghiệp to lớn trong suốt cuộc đời sẽ vô cùng khiếp sợ vào phút lâm chung. Họ khóc, nước mắt họ lăn dài trên má, họ chảy nước dải, bài tiết ra cả áo quần và tinh thần họ hoàn toàn bị áp đảo. Đây là những dấu hiệu rõ ràng của nỗi thống khổ sẽ xảy ra vào thời điểm của cái chết, bởi nỗi sợ hãi đã sản sinh ra từ những ác hạnh họ đã tạo ra trong suốt cuộc đời.

Một cách khác là nếu như tránh tạo ra ác nghiệp trong suốt đời, ta sẽ rất dễ dàng đối mặt với thời điểm của cái chết. Kinh nghiệm của ta sẽ là niềm vui, như sự vui mừng của một đứa trẻ được về nhà với cha mẹ nó. Nếu đã tịnh hóa bản thân, ta có thể chết một cách hạnh phúc. Bằng cách kềm chế mười nghiệp bất thiện và trau dồi những điều ngược lại, tức mười thiện nghiệp, cái chết của ta sẽ dễ dàng và kết quả là ta sẽ không phải trải qua tái sinh trong một hoàn cảnh đau khổ. Ta có thể yên tâm rằng mình sẽ tái sinh vào những tình trạng may mắn hơn. Bằng cách gieo hạt giống thảo dược, ta sẽ thu hoạch được những cây có dược tính. Nếu gieo hạt giống của những cây độc hại, ta chỉ tạo ra các quả độc. Nếu ta gieo hạt giống của hành vi xây dựng trong tâm thức, ta sẽ trải nghiệm hạnh phúc trong kiếp lai sinh. Ta sẽ gặp thuận duyên về cả hai mặt, thân và tâm. Giáo huấn cơ bản của Phật pháp, đó là ngăn ngừa ác hạnh và trau dồi thiện hạnh, được trình bày không chỉ trong Phật giáo, mà còn ở nhiều tôn giáo khác, kể cả Cơ Đốc giáo (Christianity).

Chúng ta sẽ quán chiếu về cái chết và vô thường như thế nào? Như đã đề cập ở trên, chỉ đơn thuần nghĩ, “Tôi sẽ chết,” không mang lại nhiều lợi ích. Ta cần phải nghĩ, “Nếu tôi đã thực hiện bất cứ điều gì trong mười nghiệp bất thiện, khi chết, tôi sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi và đau khổ, và hậu quả là tôi sẽ có một tái sinh bất hạnh. Mặt khác, nếu như suốt đời, tôi đã tích lũy được nhiều thiện nghiệp (công đức), khi chết, tôi sẽ không phải trải qua sự sợ hãi hay đau khổ và sẽ được tái sinh vào một cõi giới may mắn hơn.” Đó là phương cách đúng đắn để quán chiếu về cái chết.

Việc thiền quán này không nhất thiết chỉ là những suy nghĩ u sầu, bi quan, “Tôi sẽ chết và tôi chẳng thể làm gì được.” Thay vào đó, ta cần phải nghĩ điều gì sẽ xảy ra vào lúc chết. “Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Tôi đã tạo ra những loại nhân nào? Tôi có thể chết một cách hạnh phúc không? Làm sao để thực hiện được điều này? Tôi có thể làm cho những tái sinh của mình được hạnh phúc không? Bằng cách nào?”

Khi quán chiếu về những kiếp tương lai, ta cần nhớ rằng không nơi nào trong cõi luân hồi là đáng tin cậy. Bất kể là ta sẽ sinh ra trong loại hình hài nào, cuối cùng, nó cũng phải chết. Ta đã đọc trong lịch sử có những người sống đến hàng trăm hay hàng nghìn năm. Tuy nhiên, dù những trường hợp này có ly kỳ như thế nào, cuối cùng, không có ai là không phải chết. Bất cứ dạng thân xác nào mà ta có được trong cõi luân hồi cũng đều phải chết. Cũng không có nơi chốn nào ta có thể đến để thoát khỏi cái chết. Bất kể ở đâu, khi đến đúng thời điểm, ta sẽ phải chết. Rồi thì không có thuốc men nào, thần chú nào, hay sự hành trì nào có thể giúp ta. Các phẫu thuật có thể chữa lành một số căn bệnh trong cơ thể ta, nhưng không có phẫu thuật nào có thề ngăn chận được cái chết.

Bất kể tái sinh vào cõi nào, ta cũng sẽ chết. Tiến trình sẽ luôn luôn tiếp diễn. Quán chiếu về những hệ quả lâu dài từ các hành vi của bản thân và về cách tiến trình sinh ra, sống, chết và tái sinh tiếp diễn ra sao sẽ giúp ta tạo nên nhiều thiện nghiệp.

Mặc dù đôi lúc ta có dự định cho việc tu tập Pháp, ta thường lên kế hoạch sẽ thực hiện điều này vào ngày mai, hay ngày kế tiếp. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta biết được mình sẽ chết vào lúc nào. Nếu có một sự bảo đảm rằng mình chắc chắn còn sống được 100 năm nữa, ta sẽ có thời gian thoải mái để sắp xếp việc hành trì. Tuy nhiên, không có một sự chắc chắn nhỏ bé nào về thời điểm mà ta sẽ chết. Trì hoãn việc tu tập là điều rất dại dột. Một số người thậm chí chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra, những người khác chết khi còn là một đứa trẻ chưa biết đi. Không có gì đảm bảo ta sẽ sống lâu cả.

Cơ thể ta rất mong manh. Nếu chúng được làm bằng sắt hay đá, có lẽ chúng sẽ khiến ta cảm thấy vững vàng hơn. Nhưng nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy cơ thể con người rất yếu ớt. Nó rất dễ bị trục trặc ở đâu đó. Nó giống như một chiếc đồng hồ đeo tay tinh vi được tạo ra từ vô số bộ phận nhỏ bé dễ vỡ. Nó không phải là điều đáng tin cậy. Có rất nhiều tình huống có thể gây ra cái chết như: ngộ độc thực phẩm, bị một côn trùng nhỏ đốt, hay thậm chí bị cây gai độc đâm trúng. Những việc nhỏ như vậy có thể giết hại ta. Thực phẩm và thức uống mà ta dùng để duy trì cuộc sống có thể trở thành tình huống kết liễu đời mình. Không có gì chắc chắn về thời điểm ta sẽ chết, hay hoàn cảnh nào sẽ dẫn đến cái chết của mình.

Thậm chí, nếu ta chắc chắn rằng mình sẽ sống 100 năm, nhiều năm trong khoảng thời gian này đã trôi qua mà ta vẫn chưa hoàn thành được bao nhiêu việc. Ta tiến dần đến cái chết như một người ngủ say trên toa xe lửa, đang liên tục tiến gần đến đích, mà không hay biết gì về tiến trình này. Ta không thể làm gì nhiều để chấm dứt tiến trình này. Ta cứ liên tục tiến dần đến cái chết.

Bất kể bao nhiêu tiền bạc, châu báu, nhà cửa hay áo quần mà ta đã tích lũy được trong suốt cuộc đời, chúng sẽ không tạo ra sự khác biệt nào vào thời điểm của cái chết. Khi chết, ta phải ra đi với hai bàn tay trắng. Thậm chí, ta không thể mang theo một vật dụng nhỏ bé nhất. Chính cơ thể ta cũng bị bỏ lại. Cơ thể và tâm thức tách rời nhau và dòng tâm thức tiếp tục một mình nó. Không những không thể mang theo một tài sản nào, ta cũng không thể mang theo thân xác của mình.

Nghiệp

Sau khi ta chết, cái gì sẽ đi cùng với ý thức? Nếu ta phải từ bỏ thân xác, bạn bè, và tất cả tài sản của mình, có trợ thủ nào hay bất cứ điều gì sẽ đi cùng với ý thức của ta đến kiếp sống tương lai hay không?

Có một thứ sẽ đi theo ý thức sau khi chết: các chủng tử (hạt giống) mà chúng ta đã tích tập trong suốt cuộc đời này. Nếu ta đã phạm phải bất cứ điều gì trong mười điều bất thiện, một chủng tử tiêu cực hay món nợ nghiệp sẽ đi kèm với dòng tâm thức của ta đến những kiếp tương lai. Khi ta giết hại các chúng sinh khác, trộm cắp tài sản của người khác, hoặc ham mê tà dâm, các chủng tử tiêu cực từ những hành vi tiêu cực của thân sẽ được gieo vào dòng tâm thức. Khi ta nói dối, vu khống người khác và chia rẽ mọi người, gây tổn hại cho người khác bằng lời nói, hoặc nói những lời vô nghĩa, những món nợ nghiệp tiêu cực từ những hành vi tiêu cực bằng lời nói sẽ theo ta vào phút lâm chung. Nếu ta có những ý tưởng tham lam, thường là mong muốn có được tài sản của người khác; nếu ta có ác tâm đối với người khác, muốn họ bị tổn thương hay gặp phải điều gì tồi tệ; hoặc nếu ta có những suy nghĩ sai trái và lệch lạc, ví dụ như “không có kiếp quá khứ hay kiếp tương lai,” “không hề có nhân quả,” “không hề có điều gì gọi là quy y,” những hành vi tiêu cực của tâm sẽ tạo ra những chủng tử tiêu cực cùng du hành với tâm thức, dẫn dắt nó đến kiếp sống tương lai.

Điều ngược lại cũng đúng. Nếu ta đã tạo ra các thiện hạnh và từ bỏ những hành động tiêu cực, các chủng tử của năng lượng tích cực sẽ theo dòng tâm thức và tạo nên những hoàn cảnh tốt đẹp hơn trong những kiếp sống tương lai.

Khi thật sự nghĩ về hoàn cảnh hiện tại, ta sẽ quyết tâm bằng mọi cách gầy dựng nhiều thiện nghiệp và tiêu trừ ác nghiệp. Ta cần tịnh hóa tối đa những điều tiêu cực của bản thân, không để sót lại dù là món nợ nghiệp nhỏ nhất, khiến ta phải đền bồi lại trong những kiếp sống tương lai.

Ta cần phải nhìn rõ những loại hệ quả nào có thể xảy ra trong luật nhân quả. Có một trường hợp một người có rất nhiều phẩm tính tốt đẹp, nhưng lại thô lỗ trong lời nói. Anh ta đã lăng mạ người khác, khi nói rằng, “Anh nói chuyện như một con chó.” Kết quả là chính anh ta đã tái sinh làm chó trong 500 kiếp. Một hành vi tưởng chừng nhỏ bé, lại có thể gây ra hệ quả lớn lao.

Tương tự như vậy, một thiện hạnh nhỏ bé có thể tạo nên thành quả to lớn. Có trường hợp của một đứa trẻ đã có một sự cúng dường khiêm tốn cho Đức Phật, kết quả là đứa trẻ đã tái sinh làm vua A Dục (Ashoka), người đã xây dựng hàng nghìn công trình tưởng niệm Phật giáo và thực hiện vô số thiện hạnh siêu phàm.

Tâm Xả Ly và Lòng Bi Mẫn

Quán chiếu về những loại hành vi tiêu cực mà ta đã gây ra và hậu quả của chúng là một cách rất hiệu quả để bảo đảm cho phúc lợi và hạnh phúc của bản thân. Khi nghĩ về đau khổ mà bản thân ta phải gánh chịu từ kết quả của nghiệp tiêu cực, và nhờ vậy, khiến cho ước muốn không phải trải qua sự thống khổ này phát sinh một cách mạnh mẽ, khi ấy, ta đã phát triển được “tâm xả ly.”

Làm quen dần với lối suy nghĩ này là một dạng thiền quán. Trước hết, ta cần phải phát triển chánh niệm về nỗi khổ của chính mình; sau đó, ta cần mở rộng chánh niệm này đến toàn thể chúng sinh. Hãy xem xét về cách tất cả chúng sinh đều không muốn bất cứ một nỗi khổ nào, nhưng lại vướng vào tình trạng khó khăn đầy đau khổ. Cách suy nghĩ này sẽ giúp ta phát khởi lòng bi mẫn. Nếu không phát triển được ước muốn thoát khỏi mọi đau khổ của chính mình, làm sao ta có thể phát triển ước mong cho những chúng sinh khác thoát khỏi nỗi khổ của họ? Ta có thể chấm dứt mọi nỗi khổ của bản thân, nhưng điều đó chưa phải là lợi ích rốt ráo. Ta cần phải mở rộng tâm nguyện này đến toàn thể chúng sinh hữu tình, những chúng sinh cũng khát khao hạnh phúc. Ta có thể tôi luyện tâm thức và phát triển ước mong tất cả chúng sinh hoàn toàn thoát khổ. Đây là lối suy nghĩ phóng khoáng hơn và mang đến nhiều lợi ích hơn.

Tại sao ta cần phải quan tâm đến chúng sinh khác? Vì ta đã thọ nhận quá nhiều từ họ. Ví dụ, sữa mà ta uống bắt nguồn từ lòng tốt của loài bò và trâu, quần áo ấm giúp ta chống lạnh và gió rét xuất phát từ lông của loài cừu và dê, v.v… Đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy vì sao ta cần phải cố gắng tìm ra một giải pháp, nhằm đoạn trừ đau khổ của chúng sinh.

Bất kể hành trì pháp môn nào – trì tụng minh chú hay bất cứ pháp thiền nào – ta cần phải luôn ghi nhớ ý tưởng này, “Nguyện cho sự hành trì này mang lại lợi lạc cho toàn thể chúng sinh.” Điều này cũng sẽ mang đến lợi lạc cho bản thân mình một cách tự nhiên. Những hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống có thể giúp ta nhận ra giá trị của điều này. Ví dụ, nếu một người rất ích kỷ và chỉ hành động cho lợi ích bản thân, anh ta sẽ không được người khác yêu mến. Ngược lại, người nào tử tế và luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thì thường được mọi người quý mến.

Tư tưởng cần được phát triển trong dòng tâm thức ta là, “Nguyện cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc và nguyện cho không một ai phải đau khổ.” Ta phải cố gắng kết hợp tư tưởng này vào dòng tâm thức của mình bằng cách nhớ nghĩ về nó nhiều lần. Điều này có thể vô cùng lợi lạc. Những chúng sinh nào trong quá khứ đã phát triển được tư tưởng này hiện tại đều là những vị Phật, bồ tát, hay những vị thánh; tất cả những người thật sự vĩ đại trên thế giới cũng đều xem tư tưởng này là kim chỉ nam. Nếu chúng ta có thể cố gắng phát khởi tư tưởng này thì tuyệt diệu biết bao!

Nghiệp Quả của Việc Gây Tổn Hại Đến Người Khác để Bảo Vệ Người Thân của Mình

Có phải chúng con được khuyên không nên tự vệ khi có ai hãm hại mình?

Câu hỏi này mở ra một chủ đề rất rộng lớn. Nếu có ai dùng gậy hay dùi cui đánh vào đầu bạn, phản ứng tốt nhất là quán chiếu rằng bạn phải trải qua việc này vì hành động tiêu cực trong quá khứ của bạn. Hãy nghĩ rằng người đó đã làm cho chủng tử này chín ngay bây giờ, thay vì ở thời điểm nào đó trong tương lai. Bạn cần phải biết ơn người này vì anh ta đã giúp bạn tiêu trừ món nợ ác nghiệp này trong dòng tâm thức của bạn.

Con phải làm gì nếu có người tấn công vợ hay con của con, những người mà con phải che chở? Con có nên bảo vệ họ không? Đó có phải là hành động tiêu cực không?

Bởi vì nghĩa vụ và trách nhiệm của bạn là phải bảo vệ cho vợ con, bạn phải cố gắng hành động một cách khéo léo nhất. Bạn phải khôn ngoan. Cách tốt nhất là bảo vệ họ mà không gây tổn hại cho người đã tấn công họ. Nói cách khác, bạn cần phải tìm một cách thức bảo vệ họ mà không gây ra bất cứ sự tổn thương nào.

Anh ta có thể làm tổn thương các con của con, nhưng con không được làm hại anh ta ư? Không phải nghĩa vụ của chúng con là bảo vệ con cái của mình tránh khỏi những hành vi dã man và tàn nhẫn hay sao? Nếu chỉ hy sinh mạng sống của mình thì có được không?

Để đối phó với tình huống này một cách khéo léo, bạn cần phải rất dũng cảm. Có một sự tường thuật về một tiền kiếp của Đức Phật, khi đó, Ngài là một thủy thủ ra khơi cùng một nhóm gồm có 500 người, để đi tìm kho báu đã được chôn giấu. Có một người trong đoàn rất tham lam và để chiếm đoạt hết châu báu cho riêng mình, anh ta đã mưu toan giết hại 500 người kia. Vị bồ tát (tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tiền kiếp) biết được âm mưu này, và nghĩ rằng nếu như để tình trạng này tiếp diễn thì sẽ là điều sai trái, vì một người sẽ giết cả 500 người. Do đó, vị bồ tát này đã có ý nghĩ vô cùng dũng cảm để cứu 500 người bằng cách giết chết người nọ, sẵn sàng nhận lãnh mọi trách nhiệm về việc giết người. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận việc tái sinh vào địa ngục để cứu người khác, bạn có một tư tưởng rất dũng cảm. Rồi thì bạn có thể thực hiện những hành động này, như Đức Phật đã làm.

Trong những tình huống như vậy thì giết người có bị xem là một hành vi tiêu cực không?

Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã viết trong Bức Thơ cho Một Người Bạn (Letter to a Friend) rằng nếu một người thực hiện hành động tiêu cực dưới danh nghĩa để bảo vệ cha mẹ, con cái, Phật pháp, hay Tam Bảo, người ấy sẽ phải gánh chịu hậu quả. Sự khác biệt là ở chỗ bạn có nhận thức được các hậu quả và có sẵn sàng gánh chịu chúng để bảo vệ vợ con một cách vị tha hay không? Nếu bạn hãm hại kẻ thù, bạn sẽ trải qua một tái sinh đau khổ. Tuy nhiên, bạn cần phải sẵn sàng đối mặt với hệ quả này bằng ý nghĩ, “Tôi sẽ tự mình gánh chịu nỗi khổ đó và vợ con tôi sẽ không phải khổ.”

Như vậy thì theo đạo Phật, đó vẫn là một hành vi tiêu cực?

Bảo vệ vợ con là hành vi tích cực, nhưng hãm hại kẻ thù là hành vi tiêu cực và hủy hoại. Bạn phải sẵn sàng chấp nhận hệ quả của cả hai.

Ngài nói rằng nếu ai gây ác nghiệp thì sẽ chịu đau khổ trong tương lai, còn ai làm việc tốt thì sẽ có hạnh phúc. Những thiện hạnh này có thể dẫn tới sự cứu độ hoàn toàn hay không, nghĩa là không phải trải qua sự tái sinh nữa?

Nếu bạn muốn đạt được sự cứu độ, bạn phải tu tập theo các giáo lý một cách toàn vẹn và chính xác. Ví dụ, nếu bạn theo con đường Cơ Đốc giáo, bạn phải tu tập theo giáo lý của Chúa Giê-su (Christ) một cách hoàn hảo. Rồi thì sự cứu rỗi của Cơ Đốc giáo là điều khả thi. Một mình Chúa Giê-su không thể cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi của mình; bản thân chúng ta phải làm điều gì đó. Nếu không, tại sao Chúa Giê-su lại dạy rằng không được gây ra tội lỗi? Nếu chúng ta noi theo những lời dạy của Chúa Giê-su một cách đúng đắn, tôi nghĩ rằng sự cứu rỗi của Cơ Đốc giáo là khả thi. Nếu chúng ta noi theo các giáo huấn của Đức Phật một cách đúng đắn, thì sự “cứu độ” trong Phật giáo – tức sự giải thoát – là điều khả thi.

Top