Diệu Đế Thứ Nhất: Chân Khổ

Thực tế cơ bản trong đời sống là tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn bất hạnh. Từ kinh nghiệm của bản thân, ta có thể dễ thấy rằng không ai muốn gặp khó khăn và đau khổ. Tuy vậy, đủ các loại vấn đề vẫn liên tục xảy ra trong đời. Trên thực tế, chúng vẫn tiếp tục xảy ra, bất kể mình có cố tránh né chúng như thế nào đi nữa. Bất kỳ khi nào phải đối mặt với một vấn đề trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường cố gắng hết sức để giải quyết nó. Nhưng việc đối phó với mỗi một vấn đề như thế này khi chúng phát sinh là một nhiệm vụ bất tận. Khi Đức Phật thành đạo, Ngài hiểu rằng có một vài sự thật trong đời sống, và những điều này sự thật đối với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi. Chúng ta gọi những điều này là Tứ Diệu Đế. Diệu đế đầu tiên mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng là chân khổ mà tất cả chúng ta phải đối mặt, và chúng ta cứ tiếp tục tự tạo ra vấn đề cho mình. Nếu không ngừng tạo ra thêm vấn đề cho chính mình, thì chúng sẽ không bao giờ chấm dứt. Vậy thì bước đầu tiên là xác định một cách chính xác thật ra chân khổ là gì.

Thăng Trầm Của Hạnh Phúc Và Bất Hạnh

Có rất nhiều loại vấn đề và nỗi khổ mà chúng ta phải đối mặt. Đời sống có thể khiến bạn bực bội và căng thẳng. Chúng ta cố gắng hết sức để tạo ra đời sống hạnh phúc, nhưng mọi việc thường không diễn ra theo cách mình hy vọng. Những điều ta chẳng hề mong muốn sẽ xảy ra, chẳng hạn như những mối quan hệ của mình trở nên tồi tệ, người ta đối xử không tốt với mình, ốm đau, mất việc làm, v.v... Dù có cố tránh những điều này bao nhiêu, thì chúng vẫn xảy ra. Thông thường, ta sẽ thấy chán nản vì những điều này, hay cố gắng bỏ mặc tất cả, nhưng điều đó thường chỉ khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí, mình còn thấy bất hạnh hơn.

Ngay cả khi mình thành công trong việc tạo ra chút ít hạnh phúc, thì hạnh phúc này vẫn có vấn đề, vì nó không dài lâu. Nó chẳng hề giúp cho mình được toại nguyện, mà còn ham muốn nhiều hơn nữa. Trên thực tế, chúng ta dành rất nhiều thì giờ và năng lượng để theo đuổi điều này “nhiều hơn nữa”. Hãy nghĩ về thái độ của mình, khi đăng ảnh tự mình chụp cho mình trên mạng xã hội. Mỗi lần bạn có một lượt “thích”, đi kèm với cảm giác vui vẻ của một liều dopamine nhẹ, thì điều này sẽ kéo dài bao lâu? Rồi thì ta lại cứ phải xem xét liệu mình có thêm lượt “thích” nào nữa hay không? Và ta sẽ cảm thấy thậm tệ như thế nào, khi không có quá nhiều lượt “thích”? Đó là khổ, đúng không?

Top