Đôi Khi Đạo Sư Và Thông Dịch Viên Mắc Lỗi

Thông dịch viên thường mắc lỗi. Không nên mù quáng dựa vào bất cứ điều gì được nói ra, ghi chép hay trong máy ghi âm của mình. Điều đó không khôn ngoan. Tương tự như vậy, khi thuyết giảng, tôi có thể lỡ lời hoặc đôi khi nói sai điều gì đó. Vào những lúc đó, quý vị không nên tin tưởng một cách mù quáng vào những gì mình nghe được sau này trong máy ghi âm. Như Đức Phật đã nói về khai thị của Ngài, không nên chấp nhận điều gì chỉ vì ta đã nói, mà nên phân tích nó như người thử vàng. Đừng dựa vào đức tin hay tiếp nhận tất cả mọi điều trong máy ghi âm theo nghĩa đen.

Từ đây cho đến khi thành tựu Bồ tát địa thứ chín, bạn vẫn mắc phải sai lầm. Chỉ khi đã thành tựu tâm thức ở địa thứ chín, thì bạn mới không còn lầm lỗi khi giải thích mọi việc. Chính vào thời điểm đó mà bạn nhận được bốn sự hiểu biết chính xác và trọn vẹn. Một khi đã đạt được sự viên thành đó, thì bạn sẽ không mắc phải sai lầm nào nữa.

Chẳng hạn như ở phần đầu của bài thuyết pháp về Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior, Bodhicharyavatara), dù không biết nó được dịch như thế nào, nhưng điều tôi đã nói là, khi Kunu Lama Rinpoche mất hai năm ở Bồ Đề Đạo Tràng để đọc một bản thảo bằng tiếng Phạn của ngài Phật Hộ (Buddhapalita), thì bản văn đó không được dịch sang tiếng Tây Tạng. Đó là tôi lỡ lời. Điều tôi muốn nói là bản thảo cụ thể đó, ấn bản cụ thể đó chưa được dịch sang tiếng Tây Tạng. Lời tuyên bố chung rằng bản văn của ngài Phật Hộ chưa được dịch sang tiếng Tây Tạng là không đúng. Bạn có thể nhớ tôi đã nói rằng Je Tsongkhapa đã nghiên cứu bản văn đó và đạt được chứng ngộ về mặt đó. Lẽ ra bạn nên phối kiểm với tôi và đặt câu hỏi, vì đó là trình tự nên được thực hiện. Đôi khi lỗi lầm sẽ xảy ra như vậy.

Chẳng hạn như hôm nọ, lần đầu tiên khi trình bày về trường phái Cụ Duyên (Prasangika) và Duy Thức (Chittamatra), tôi đã nói một cách chính xác rằng trong trường phái Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), có một bộ gồm ba từ đồng nghĩa với chân lý cứu cánh: pháp duyên sinh, thực thể khách quan và pháp vô thường. Tôi cũng đã nói rằng có một bộ từ khác đồng nghĩa với chân lý quy ước: pháp vô vi, thực thể siêu hình và pháp thường còn. Tôi tiếp tục nói rằng trong trường phái Duy Thức, có khai thị về các pháp tự tính tùy thuộc, tự tính tuyệt đối và tự tính giả lập. Trong hệ thống đó, các pháp tự tính giả lập không có sự tồn tại thật sự được thiết lập, không được quy gán. Hôm qua, khi xem lại tài liệu, dù nó không được dịch theo cách đó – thông dịch viên đã tự sửa nó – tôi đã tự sửa sai, vì tôi đã đảo ngược việc phân bố các bộ từ đồng nghĩa dành cho hai loại pháp chân thật theo Kinh Lượng Bộ. Dựa theo cách này thì rất dễ nói sai.

Phải luôn luôn phối kiểm mọi thứ bạn thấy, nghe, đọc và làm. Ngay cả với tư cách là đạo sư, sau khi thuyết pháp, tôi sẽ quay lại, ôn lại những gì mình đã nói, và phối kiểm xem mình có mắc lỗi gì không. Tương tự như vậy, người nghe thuyết pháp cũng nên làm như vậy.

Top