Lần đầu tiên tôi gặp gỡ và khởi sự tu học với Geshe Ngawang Dhargyey là năm 1970, tại Dalhousie, Ấn Độ. Một năm trước đó, tôi đã đến Ấn Độ với Học Bổng Fulbright để nghiên cứu luận án Tiến sĩ. Lúc đó, tôi đã liên hệ với Geshe Wangyal ở New Jersey, trong khi đang học tiếng Tạng ở Havard, và một khi đến Ấn Độ thì tôi đã nhờ Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche giúp đỡ, đó là hai vị lama tái sinh trẻ tuổi (tulku), đã học Anh văn ở Mỹ, với sự hướng dẫn của Geshe Wangyal.
Sau khi nhận ra việc viết luận án về Mật điển Guhyasamaja là quá sức của tôi, vị Phụ Giáo (Junior Tutor) của Đức Dalai Lama, Kybje Trijang Rinpoche, đã khuyên tôi nên học Lam-rim, trình tự đường tu giác ngộ. Geshe Ngawang Dhargyey là thầy của Sharpa Rinpoche and Khamlung Rinpoche, và hai ngài đã xin thầy dạy Lam-rim cho tôi, và thầy đã từ bi đồng ý. Tôi là đệ tử Tây phương đầu tiên của thầy.
Geshe Dhargyey sống trong một chuồng bò bị bỏ hoang, được xây bằng bùn và phân bò, trong một gian phòng vừa đủ rộng cho chiếc giường của thầy và một khoảng nhỏ dọc theo cạnh giường, để các đệ tử của thầy ngồi trên sàn nhà. Khedup Tarchin, người đầu bếp sún răng của thầy, là người lúc nào cũng vui vẻ thì sống trong gian bếp còn nhỏ hơn nữa. Gen Rinpoche, “Vị Trưởng Lão Cao Quý“, như chúng tôi đã gọi Geshe Dhargyey, nổi danh là thầy của các vị tulku trẻ, đã trông nom chín vị tulku, lừng danh là một nhà biện luận và hành giả uyên bác, nên tôi tin rằng thầy dư sức hội đủ các phẩm hạnh cao quý.
Lớp học của tôi là sáu ngày một tuần. Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche thông dịch cho tôi, vì Gen Rinpoche dùng thổ ngữ Khampa nặng, hầu như tôi không thể hiểu nổi vào lúc đó. Một vị tulku trẻ khác, Jhado Rinpoche, cũng tham dự lớp học của tôi. Sau đó, ngài trở thành vị Trụ Trì của Tu Viện Namgyal của Đức Dalai Lama, và hiện nay là Trụ Trì của Tu Viện Mật Tông Gyuto. Tất cả chúng tôi chen chúc trong khoảng trống nhỏ hẹp dọc theo giường của Gen Rinpoche.
Dường như túp lều luôn luôn đầy ruồi. Điều này có vẻ không làm phiền ai cả, ngoại trừ tôi. Trên thực tế, Khamlung Rinpoche còn chơi trò bắt ruồi bằng cách dùng tay bắt chúng một cách vô cùng khéo léo, lắc lắc chúng rồi thả ra. Mấy con ruồi sẽ bị chóng mặt rồi bay đi, và mọi người đều cười. Tôi thì không mấy thích thú với trò chơi này. Một ngày kia, nhìn thấy sự khó chịu của tôi nên Gen Rinpoche đứng trên giường và dùng chiếc y của ngài quạt loạn xạ để đuổi ruồi, rồi nhìn tôi và cười. Sau đó, tôi đã tập trung vào bài học nhiều hơn và học cách bỏ mặc mấy con ruồi.
Sau một thời gian, tôi đã cúng dường Gen Rinpoche một số tịnh tài để thầy dọn đến một chỗ ở tốt hơn. Thầy từ bi chấp nhận, nhưng vì thích ra vẻ bí ẩn và đùa giỡn nên thầy không nói cho bất cứ ai biết thầy đã dọn đi đâu. Thầy chỉ biến mất và chờ chúng tôi đi tìm thầy. Khi chúng tôi tìm ra chỗ ở của thầy thì thầy cười phá lên. Thầy đã dọn vào một túp lều bằng thiếc bên cạnh Tu Viện Mật Tông Gyume, là một sự cải thiện lớn. Chúng tôi tiếp tục lớp học ở đó, và thỉnh thoảng, chúng tôi đi dạo và ăn picnic ở những bãi cỏ đẹp trên núi, cùng với các vị tulku trẻ. Gen Rinpoche luôn luôn thích đi picnic.
Đức Dalai Lama biết về lớp học của chúng tôi và bắt đầu cho chúng tôi dịch những tác phẩm nhỏ từ Tạng ngữ sang Anh ngữ để ấn tống. Rồi đến năm 1971, Đức Dalai Lama cho xây dựng Library of Tibetn Works & Archives (Thư Viện Tác Phẩm & Văn Khố Tây Tạng) ở Dharamsala. Mùa thu ấy, tất cả chúng tôi đều có mặt ở Dharamsala để thọ nhận giáo pháp Guhyasamaja (Bí Mật Tập Hội) mà Đức Dalai Lama ban cho, khi Ngài bảo Gen Rinpoche làm thầy của người Tây phương tại Thư Viện, còn Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche làm thông dịch viên. Tôi xin phép Ngài để giúp một tay, và Đức Dalai Lama đồng ý, nhưng khuyên tôi nên trở về Harvard để nộp luận án, nhận bằng tiến sĩ trước, rồi trở lại Ấn Độ. Tôi đã làm theo lời Ngài và trở lại Ấn Độ vào năm sau, làm việc với Gen Rinpoche và hai vị tulku tại Dharamsala. Chúng tôi đã cùng nhau thành lập Translation Bureau (Văn Phòng Phiên Dịch) ở Thư Viện.
Trong vòng 12 năm sau, ngoại trừ những chuyến hoằng pháp quốc tế dài thì Gen Rinpoche đã giảng dạy sáu ngày một tuần tại Thư Viện. Tôi đã dự thính hầu như tất cả các lớp của thầy, và ghi chép đầy đủ tất cả những gì thầy dạy. Vào thời gian đó, các công dân Commonwealth có thể ở Ấn Độ mà không cần giấy thị thực (visa), nên nhiều đệ tử có thể sống ở Dharamsala nhiều năm. Điều này giúp cho Gen Rinpoche có thể dạy các lớp dài vài năm về nhiều luận thuyết lớn của Phật giáo, và hướng dẫn chúng tôi về các chỉ giáo hành thiền liên tục. Thầy còn ban các lễ quán đảnh Mật tông và giáo huấn sâu rộng về các hành trì. Cứ vài tuần là chúng tôi tụ họp lại với thầy để thực hành Guru Puja (Lễ Cúng Dường Bổn Sư) mà thầy đã dạy chúng tôi cách hành trì. Đó là thời gian lạ thường, bởi vì chúng tôi vô cùng may mắn, có được cơ hội duy nhất.
Điều đặc biệt đáng nhớ là bất cứ lúc nào giảng dạy thì Gen Rinpoche cũng rất nhiệt tình, và luôn luôn pha trộn lời giảng giải sâu sắc với tính hài hước thực tiễn. Thầy không bao giờ mệt mỏi khi phải giảng đi giảng lại một điều, khi chúng tôi không nhớ những gì thầy đã dạy. Đó là một ví dụ đầy cảm hứng về lòng bi mẫn và kiên nhẫn. Thầy còn rất tỉ mỉ về kỷ luật và giới nguyện của nhà sư. Ngay cả khi thức dậy nửa đêm để đi vệ sinh mà thầy cũng đắp y.
Gen Rinpoche đã giúp tôi vượt qua nhiều thời kỳ khó khăn. Khi Tsenshap Serkong Rinpoche viên tịch một cách bất ngờ ở Spiti, tôi đã đến phòng của Gen Rinpoche ngay sau khi nghe tin này. Serkong Rinpoche cũng là một trong những vị thầy của Gen Rinpoche. Tôi bước vào phòng thầy và thấy Gen Rinpoche ngồi uống trà và trò chuyện vui vẻ với một vài người bạn Tây Tạng. Thầy bảo tôi ngồi xuống và chờ cho đến khi những người này ra về. Khi họ ra về, tôi nói với thầy rằng tôi vừa hay tin Serkong Rinpoche đã viên tịch, thầy nói thầy cũng nghe tin này. Rồi thầy bắt đầu dùng chuỗi tràng hạt để đếm mỗi một vị thầy của thầy đã qua đời. Thầy nói cái chết đến với tất cả mọi người, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng nếu như ta giữ gìn các vị thầy và lời khuyên của họ trong lòng thì các thầy sẽ luôn luôn có mặt với ta, dù cho thân của các ngài có mất đi chăng nữa. Và rồi đời sống tiếp tục. Điều này đã giúp tôi rất nhiều.
Gen Rinpoche rời Thư Viện năm 1984, khi thầy nhận lời mời định cư và giảng dạy ở Dunedin, Tân Tây Lan. Việc thầy dọn đến một nơi xa xôi, cách xa châu Âu và Bắc Mỹ dường như là điều thích hợp, vì thầy luôn luôn thích ra vẻ bí ẩn và bắt các đệ tử nỗ lực đi tìm thầy và nhận giáo huấn của thầy.
Gen Rinpoche đã sống ở Tân Tây Lan cho đến khi thầy viên tịch năm 1995. Thầy đã bị mù vì bệnh tiểu đường, nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy và hành trì tất cả các pháp tu hàng ngày mà thầy đã học thuộc lòng cho đến cuối đời.
Tôi chỉ gặp lại Gen Rinpoche hai lần nữa sau khi thầy dọn sang Tân Tây Lan, nhưng tôi mãi mãi tri ơn thầy đã truyền thụ kiến thức về tất cả các giáo pháp cơ bản và pháp tu cho tôi một cách vững vàng, và dạy tôi các luận thuyết vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng. Vị tái sinh của thầy, Yangsi Rinpoche, đã ra đời năm 1996 và hiện đang tu học tại Tu Viện Sera Je ở Nam Ấn.