Khi Nào Thì Chúng Ta Sẵn Sàng Tu Tập Mật Tông?

Mật Tông Là Một Pháp Tu Cao Cấp

Trong buổi họp mặt cuối cùng thì hãy để nói một chút về Mật tông. Cũng phải đưa Mật tông xuống mức độ thực tiễn.

Khi tiếp cận với giáo lý Mật tông trong Phật giáo Tây Tạng thì người Tây phương thường rơi vào một trong hai thái cực. Một cực đoan là sợ hãi và không muốn dính líu đến Mật tông chút nào. Cực đoan khác là muốn nhảy vào Mật tông ngay lập tức. Cả hai cực đoan đều có khuyết điểm.

Mật tông là một pháp tu cực kỳ cao cấp. Nó không phải là điều gì đáng sợ, cũng không phải là điều mà mình nên tu tập quá sớm. Trong các pháp tu ở mức độ Kinh điển trong đạo Phật, là mức độ sơ khởi, thì những gì mình đang thực hiện trên cơ bản là học cách phát triển rất nhiều phẩm chất, sẽ giúp mình cải thiện luân hồi, giải thoát hay trở thành một vị Phật, để có thể giúp đỡ người khác càng đầy đủ càng tốt. Việc đạt được những mục tiêu này đòi hỏi mình phải phát triển định tâm, lòng từ và lòng bi, một sự hiểu biết chính xác và sâu sắc về lẽ vô thường, tánh Không, tâm xả ly, v.v... Tất cả những điều này hoàn toàn cần thiết như là nhân để đạt được những mục tiêu này. Tuy mình có thể mô tả Mật tông theo nhiều cách khác nhau, nhưng một khía cạnh của hành trì Mật tông là một cách để kết hợp tất cả những điều này, và tu tập chúng trong cùng một lúc.

Hiển nhiên là chúng ta không thể hành trì tất cả những điều này trong cùng một lúc, nếu như trước tiên, mình chưa phát triển chúng từng bước một. Chỉ cần nhảy vào pháp tu Mật tông mà không phát triển những phẩm chất này trước tiên thì hành trì Mật tông sẽ suy thoái thành một pháp tu nghi lễ, mà không có bất cứ nội dung hay chiều sâu nào. Để đạt được bất cứ lợi ích sâu sắc nào từ một nghi lễ, thì nó phải được xem là một cấu trúc để kết hợp tất cả các phẩm chất mà mình đã phát triển.

Chẳng hạn như mình phải đặt phương hướng quy y an toàn và tích cực trong cuộc sống. Chúng ta đang làm gì với việc thực hành một nghi lễ Mật tông? Chỉ là chúng ta đã đi theo phương hướng an toàn này, bằng cách cố gắng phát triển bản thân qua nghi lễ. Chúng ta không thực hiện các nghi lễ này như một trò giải trí, hoặc giống như đi Disneyland như một trò giải trí và trốn tránh đời sống bình thường. Đúng hơn thì ta sẽ sử dụng hành trì nghi lễ như một cách để giúp mình phát triển tự thân, để đạt được các mục tiêu trong đạo Phật. Những mục tiêu này là Quy Y Tam Bảo: những điều Đức Phật đã dạy, những điều Ngài đã thành tựu viên mãn, và những điều Tăng đoàn có chứng ngộ cao đã đạt được một phần nào.

Nhu Cầu Để Có Tâm Xả Ly

Tâm xả ly là một phần khác vô cùng cần thiết cho bất cứ pháp tu Mật tông nào, nên cũng phải nhấn mạnh điều mà nó đề cập đến. Tâm xả ly có hai khía cạnh. Một là quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi những khó khăn của mình. Khía cạnh đó giúp cho ta sử dụng pháp tu Mật tông như một phương tiện để thoát khỏi những vấn đề của mình, bằng cách đạt giác ngộ. Nếu như không có khía cạnh này của tâm xả ly, quyết tâm để được tự do này, thì ta không thể áp dụng pháp tu cho bản thân mình, như một phần trọn vẹn của đường tu tâm linh.

Khía cạnh khác của tâm xả ly là sẵn sàng từ bỏ không chỉ nỗi khổ của mình, mà cả nhân tạo khổ nữa. Điều đó rất quan trọng. Nếu như không sẵn sàng từ bỏ nhân tạo khổ, thì không có cách nào có thể thoát khỏi nỗi khổ đó, dù mình có muốn thoát khỏi nó đến mức nào đi nữa. Chẳng may là nhân tạo ra nỗi khổ của mình không chỉ là điều gì tầm thường, như đi xem phim hoặc ăn sô cô la, hay thậm chí là quan hệ tình dục. Nó là điều gì bao trùm cả đời sống. Ở một mức độ nào đó thì nó là tất cả những cá tính tiêu cực của mình, tất cả tâm sân hận, tham ái, kiêu mạn, ganh tỵ v.v... Nếu đi sâu hơn một chút thì nó bao gồm sự bất an, băn khoăn và lo lắng của mình. Và nếu như đi sâu hơn nữa, thì đó là tâm mê lầm của mình, đó là toàn bộ quan niệm sai lầm mà mình có về bản thân và mọi thứ trong cuộc sống.

Thậm chí sâu xa hơn nữa thì điều mà mình thật sự phải đoạn trừ là loại tâm thức bình thường, khiến cho các pháp xuất hiện theo cách không phù hợp với thực tại. Trên cơ sở về cái gọi là “hiện tướng bất tịnh” này, thì tâm vô minh không biết rằng chúng giả dối và sai lầm, khiến cho mình tin rằng chúng là sự thật. Tất cả mọi vấn đề bắt nguồn từ đó.

Không phải chính tâm thức là vấn đề, mà là hoạt động hay công năng của tâm thức tạo ra hiện tướng lừa đảo này, và niềm tin sai lầm của mình rằng những hiện tướng này là chân thật. Vì vậy nên nhân tạo ra vấn đề của mình cũng không phải là những hiện tướng mà tâm tạo ra. Nếu như nghĩ rằng vấn đề nằm ở chính các hiện tướng thì đó là một sự sai lầm lớn. Cách nghĩ như vậy là một sai lầm xuất phát từ việc hiểu lầm chữ nangwa trong tiếng Tây Tạng, có thể có nghĩa là “hiện tướng”, hay “tạo tác hiện tướng”.

Khi nói về đoạn trừ “hiện tướng phàm trần” hay “hiện tướng nhị nguyên” thì mình không nói về một danh từ, về những hiện tướng “ở ngoài kia”. Chúng ta đang nói về cách ý thức về điều gì; về một động từ. Nói một cách cụ thể là mình đang nói về công năng của tâm thức, khiến cho các pháp xuất hiện theo cách không phù hợp với thực tại. Đó là điều mà mình đang cố gắng đoạn trừ; đó là điều mà mình đang cố gắng để đạt được một sự chân diệt. Và chẳng may là đời sống khó khăn, vì tâm ta liên tục làm cho các pháp xuất hiện một cách điên rồ, từ vô thỉ đến nay.

Ví dụ như ngay cả khi có một chút hiểu biết về vô thường và vô ngã, thì khi mình thức dậy vào buổi sáng và nhìn mình trong gương, tâm trí của mình vẫn làm cho nó có vẻ như người của sáng hôm nay cũng là người của đêm qua, giống hệt nhau. Chúng ta có vẻ thường hằng. Hay là chân của mình đau, nhưng tâm lại làm như có một cái “tôi” tách rời với chân: “Tôi làm chân 'của mình' đau.”. Dựa trên ngôn ngữ thì tâm khái niệm làm cho các pháp xuất hiện theo cách đó.

Điều mà ta phải sẵn sàng từ bỏ là toàn bộ quá trình của tâm thức, làm cho các pháp xuất hiện theo cách này - thật không may là mình rất quen thuộc với nó - và tất cả những sự mê lầm, vấn đề, lo lắng và vân vân, bắt nguồn từ điều này. Nếu như không sẵn sàng từ bỏ điều đó, thì làm sao mình có thể chuyển hóa bản thân, hình ảnh về bản thân và tất cả những điều này bằng Mật tông?

Khi không sẵn sàng từ bỏ hình ảnh tự thân bình thường, đó là hình ảnh tự thân của một cái “tôi” vững chắc, với một bản sắc vững chắc, rồi tự khởi hiện như một vị Hộ Phật, thì đó là con đường dẫn đến tâm thần phân liệt, chứ không phải là con đường dẫn đến giải thoát. Chúng ta vẫn sẽ có ý tưởng điên rồ, hoàn toàn tức giận và tham ái về chính mình. Rồi thì ta sẽ thêm vào đó sự thổi phồng rằng “Tôi là một Hộ Phật”. Sau đó thì ta có thể dễ dàng điên rồ để nói rằng, chẳng hạn như, “Tôi đang tức giận: đó là khía cạnh phẫn nộ của tôi như một Hộ Phật.”. Hay sẽ quan hệ tình dục với bất cứ ai mà mà mình gặp, bởi vì “Tôi là Hộ Phật này, với vị phối ngẫu, và đây là một pháp tu Mật điển cao cấp, để giao hợp với tất cả mọi người.”. Tất cả những điều đó là một mối nguy hiểm lớn có thể xảy ra, nếu như mình chỉ nhảy vào Mật tông mà không có một nền tảng của lòng quyết tâm để được tự do – tâm xả ly về hình ảnh tự thân bình thường của mình.

Để từ bỏ hình ảnh về tự thân đó, thì việc có một sự hiểu biết đúng đắn về Không tướng (tánh Không) là điều hoàn toàn cần thiết; bởi vì nếu không thì làm sao mình có thể thực hiện việc chuyển hóa khái niệm về bản thân? Nếu không có sự hiểu biết đúng đắn thì ta có thể hoàn toàn điên rồ và nghĩ rằng, “Mọi thứ chỉ là một mạn đà la hoàn hảo xung quanh tôi, và mọi người đều là một vị Phật”, theo một cách rất kỳ lạ, rồi thậm chí mình sẽ không chú ý khi băng qua đường, và bị xe đụng.

Hơn nữa, việc có tâm từ bi và bồ đề tâm là điều rất cần thiết. Chúng ta đang thực hành tất cả những pháp tu này để giúp đỡ người khác, vì lòng quan tâm đến người khác. Bồ đề tâm thật sự thúc đẩy mình áp dụng tất cả những điều này như một phương pháp để đương đầu với thế giới và người khác. Nếu như không có những điều này thì rất dễ đi vào một Disneyland của đạo Phật, chỉ có một mình ta ở trong vùng đất giả tưởng kỳ lạ.

Khi hành trì Mật tông thì ta tưởng tượng là mình có tất cả những tay chân này, và được bao quanh bằng hào quang ngũ sắc, v.v... Mỗi một điều này là một biểu tượng cho những sự hiểu biết, những phẩm chất khác nhau như lòng từ, lòng bi, ngũ trí, vân vân. Bằng cách tưởng tượng những điều này trong sắc tướng sinh động, chẳng hạn như nhiều tay chân, nó sẽ giúp cho mình phát khởi tất cả những điều này trong cùng một lúc. Theo ý nghĩa này thì Mật tông là một pháp tu rất cao cấp, và đòi hỏi một sự chuẩn bị lớn lao, để có thể hành trì nó một cách đúng đắn.

Nhu Cầu Của Pháp Tu Sơ Khởi Chuẩn Bị 

Khi nói về những cách chuẩn bị khác, như lễ lạy và trì tụng pháp tu Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) 100 âm, thì đó là để bổ sung thêm vào những điều mình vừa thảo luận. Chúng giúp cho mình tích tập công đức để thành công trong pháp tu Mật tông, và tịnh hóa nghiệp xấu ác, điều sẽ ngăn chận thành công. Nhưng nếu chỉ thực hiện những pháp tu sơ khởi này mà không có những yếu tố như lòng từ, lòng bi, định tâm, tánh Không, v.v... đi kèm theo, thì sẽ không đủ để đem đến thành công. Ví dụ như ta có thể hành trì 100,000 lạy vì một lý do thật là loạn thần như động lực của mình. Có thể là để làm hài lòng thầy mình; có thể là để tham gia câu lạc bộ của “những người đặc biệt”; có thể như một sự đền tội cho việc làm một người “xấu”; hay những điều đại loại như vậy.

Những pháp tu sơ khởi này phải được thực hiện không chỉ dựa trên tất cả những khía cạnh của giáo pháp, như lòng từ bi, mà còn phải nhằm mục đích phát triển thêm những khía cạnh đó. Điều này tương tự như những gì mình đã thảo luận về cách tiến bộ trong sự hiểu biết về tánh Không hay bất cứ điều gì, và vì vậy mà việc tích tập nhiều công đức và tịnh hóa chướng ngại về mặt tinh thần là điều cần thiết. Những pháp tu như lễ lạy sẽ giúp mình tạo ra năng lượng tích cực để có thể kết hợp tất cả những khía cạnh của giáo pháp với nhau. Nếu như thiếu những khía cạnh phải được kết hợp với nhau, thì chính năng lượng tích cực từ những pháp tu sơ khởi sẽ không đầy đủ.

Đạo Sư Và Việc Thọ Giới

Mặt khác thì không cần phải sợ hãi về Mật tông và cảm thấy rằng, “Tôi thật sự không muốn dấn thân vào việc này.”. Nhưng mình phải cẩn thận, và thực hiện nó một cách đúng đắn. Vì vậy mà mối quan hệ với đạo sư rất là quan trọng, bởi vì một lần nữa, như đã đề cập, khi mình xem đạo sư là một trong những vị Hộ Phật này, thì nó cũng vận hành theo cách ngược lại, là giúp cho mình xem chư Hộ Phật này như con người. Nói cách khác là mình sẽ tìm hiểu ý nghĩa của việc đưa tất cả các hành trì Mật tông này vào đời sống của con người. Điều đó rất quan trọng. Mặt khác, chúng ta có thể có những ý tưởng thật là kỳ lạ về ý nghĩa của việc quán tưởng bản thân mình trong những sắc tướng này suốt cả ngày.

Một điều nữa rất quan trọng trong Mật tông là thọ nhận một số giới nguyện – giới cư sĩ, bồ tát giới, và trong hai bộ Mật điển cao nhất, thì có Mật giới. Nhưng phải cẩn thận để tránh việc thọ giới từ quan điểm nghĩ rằng mình tồn tại như một cái “tôi” vững chắc, và “Tôi nên làm điều này và không nên làm điều kia.” Vì vậy mà sự hiểu biết về tánh Không rất quan trọng, để có thể thọ giới theo cách không loạn thần, để không có cảm giác tội lỗi về những gì mình đã làm trong quá khứ, hay những gì mình có thể làm trong tương lai, hay những cảm giác rằng mình đang mất sự tự chủ, vì đã thọ những giới nguyện này, hoặc là “Bây giờ thì tôi đã trao quyền kiểm soát cho người khác, và giờ đây, tôi đã trở thành nô lệ của vị thầy này.”. Nếu như nghĩ như vậy về vấn đề tự chủ, thì ta có thể sợ hãi về việc thọ giới, rằng mình không muốn dấn thân vào Mật tông chút nào cả.

Để khắc phục tất cả những điều đó, để có thể thọ giới và giữ giới một cách không loạn thần thì một lần nữa, cần có sự hiểu biết về tánh Không. Xin lập lại là để tu tập Mật tông thì cần có tâm xả ly, bồ đề tâm và trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Nếu như đã chuẩn bị một cách đúng đắn, thì Mật tông cực kỳ quan trọng, bởi vì nó giúp cho mình kết hợp mọi thứ lại với nhau. Việc rất là thận trọng, cẩn thận và không nhảy vào pháp tu này trước khi mình đã chuẩn bị là điều đúng đắn, nhưng cũng không nên nghĩ rằng, “Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy sẵn sàng, nên không bao giờ muốn liên hệ với điều này.”. Cần có một trung đạo nào đó trong cách tiếp cận của mình.

Khi Nào Thì Sự Hiểu Biết Của Mình Đầy Đủ?

Khi nào thì mình sẽ biết rằng “Bây giờ thì tôi đã có đầy đủ hiểu biết về tánh Không, về bồ đề tâm và tâm xả ly, để dấn thân vào Mật tông?”. Điều đó không quá dễ dàng. Trước hết là ta sẽ hiểu bản thân mình hơn bất cứ ai khác. Nếu như nói rằng, “Ồ, thầy tôi biết mà”, vân vân, thì thật sự là mình đang lãng mạn hóa toàn bộ tình huống. Nó trở thành một phương pháp quay lưng với việc chịu trách nhiệm cho đời sống của mình, đó là điều rất non nớt. Tất nhiên, nếu như mình có một mối quan hệ chặt chẽ với một đạo sư, thì việc bàn luận với thầy và vân vân có thể hữu ích. Không nên suy nghĩ một cách rất kiêu ngạo, “Tôi không phải hỏi ý kiến của thầy.”. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều có mối quan hệ cá nhân gần gũi với một vị thầy, nên nó không dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ mình phải nhìn vào nội tâm, và trung thực với chính mình, không đùa giỡn với những trò chơi tự lừa dối bản thân như là: “Tôi quá cao cấp”, vân vân.

Tôi nghĩ rằng điểm chính để tập trung vào bản thân - và tôi nghĩ rằng chỉ có mình mới có thể đánh giá chính mình - là lòng bi mẫn của mình mạnh mẽ đến mức nào, vì điều đó sẽ quyết định bồ đề tâm của mình sẽ mạnh mẽ đến mức nào. Nói cách khác là tôi thật sự quan tâm đến người khác và có thể giúp đỡ họ đến mức nào? Nếu điều đó khá mạnh, thì nó có thể đưa đến tâm xả ly và bồ đề tâm mạnh mẽ. “Tôi phải từ bỏ tất cả những nguyên nhân ngăn cản mình giúp đỡ người khác, và phải phát triển tất cả các phẩm chất tốt đẹp, để có thể giúp đỡ họ càng nhiều càng tốt.”.

Cách duy nhất mà ta có thể có thể buông bỏ nhân tạo ra sự hạn chế, và phát triển tất cả những phẩm chất tốt đẹp, là nhờ sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về tánh Không, và không bám chấp vào một khái niệm vững chắc về cái “tôi” - “Tôi rất kinh khủng, tôi không thể làm bất cứ điều gì”, hay là, “Tôi rất tuyệt vời, tôi là tặng phẩm Thượng Đế dành cho thế giới, tôi không cần phải học hỏi bất cứ điều gì.”. Đúng hơn là mình phải hiểu nhân quả.

Khi hiểu được tánh Không thì tự nhiên mình sẽ tôn trọng nhân quả, làm thế nào để phát triển những phẩm chất để giúp đỡ tha nhân. Với quyết tâm thật sự mạnh mẽ, để giúp đỡ người khác, “Tôi phải từ bỏ nhân tạo khổ. Tôi muốn làm như vậy. Không phải là tôi 'nên' từ bỏ, mà là thật sự muốn và cần phải làm điều đó”, thì mình sẽ được thúc đẩy hay xúc động, với lòng vị tha, để làm điều đó. Và ta sẽ nhận ra rằng để có thể thật sự giúp đỡ tha nhân, thì mình phải noi theo nhân quả. Phải tạo lập tất cả các phẩm hạnh, để giúp đỡ người khác một cách tốt nhất, và điều đó chỉ có thể thông qua quá trình nhân quả, điều chỉ có thể hoạt động trên cơ sở của tánh Không.

Dựa trên cơ sở của động lực và sự hiểu biết đó, rồi thì mình phải kiểm tra điều gì đang diễn ra trong pháp tu Mật tông, nó nói về cái gì? Phải có niềm tin là Mật tông cung cấp những phương tiện mạnh mẽ nhất để loại trừ những gì đang ngăn cản mình giúp đỡ người khác, và phát triển những phẩm chất mà nhờ đó, mình có thể giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt. Nói cách khác là phải tự tin rằng việc tu tập Mật tông là cách hiệu quả nhất để hoàn thành mục tiêu giác ngộ, và có thể giúp đỡ người khác một cách tốt nhất.

Khi có động lực đúng đắn, và một sự hiểu biết về tánh Không, cũng như sự cảm kích và hiểu biết về quá trình tu tập Mật tông, để có một chút tự tin về nó, và một số ý niệm về những gì mình đang thực hiện với nó, thì ta đã sẵn sàng dấn thân vào pháp tu Mật tông. Rồi thì ta sẽ thấy pháp tu này lôi cuốn một cách rất tích cực, có tính xây dựng, và sẽ sử dụng nó một cách xây dựng và tích cực.

Video: Geshe Tashi Tsering — “Khi Nào Thì Chúng Ta Sẵn Sàng Với Mật Tông?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Những Điểm Phải Lưu Ý, Trước Khi Dấn Thân Vào Mật Tông

Nói tóm lại thì tôi nghĩ rằng mình là người đánh giá bản thân tốt nhất, về vấn đề mình muốn giúp đỡ người khác chân thành như thế nào, hay đó chỉ là những lời sáo rỗng? Nếu như tu tập Mật tông trước khi mình sẵn sàng, thì có rất nhiều nguy hiểm. Chúng ta có thể thật sự bị rối loạn tâm lý, nếu như chỉ thực hành một số nghi lễ trống rỗng, vì lý do loạn thần nào đó. Cách tu hành sai lầm như vậy có thể dễ dàng tạo ra nền tảng cho sự thổi phồng bản thân quá nhiều với những ảo tưởng kỳ lạ, kiêu mạn, vân vân, và mặt khác là vỡ mộng, vì hành trì nghi lễ không thật sự thành tựu bất cứ điều gì. Khi chỉ giữ cam kết hành trì nghi lễ nào đó mỗi ngày, và ta vỡ mộng, vì không biết cách áp dụng nó vào đời sống, thì việc tu tập hàng ngày của mình sẽ trở thành một sự thử thách mà ta cảm thấy là một nghĩa vụ, một bổn phận: “Tôi phải làm điều đó.”. Rồi thì mình sẽ sớm cảm thấy thù hận nó, và điều này trở nên rất khó chịu. Nếu như chuẩn bị một cách đúng đắn, và có thái độ đúng đắn đối với Mật tông, thì pháp tu Mật tông sẽ vô cùng lợi lạc. Nhưng điều này đòi hỏi phải thật sự kết hợp tất cả mọi điều trong giáo pháp với nhau.

Cũng nên lưu ý rằng khi dấn thân vào pháp tu Mật tông thì hành trì của mình sẽ tiến hóa. Không nên vẽ một lằn vững chắc xung quanh nó và nghĩ rằng pháp tu của mình phải là điều ngớ ngẩn giống nhau từ ngày này qua ngày khác, “Tôi đang trì tụng nghi  lễ này, và có thể tụng nó từ dưới lên trên.”. Pháp tu sẽ tiến hóa theo thời gian. Đó là một quá trình, thay vì nhiệm vụ nhàm chán là trì tụng một điều cho đến muôn đời. Mặc dù việc có đạo đức, tâm xả ly, bồ đề tâm, định tâm và chứng ngộ tánh Không là những điều mà mình muốn sở hữu mãi mãi, nhưng mức độ nhận thức về chúng sẽ tiến hóa, khi ta sử dụng hành trì nghi lễ để kết hợp chúng lại với nhau.

Nhưng hãy luôn nhớ rằng giống như đặc điểm của luân hồi là sự thăng trầm, thì hành trì Mật tông của mình cũng sẽ thăng trầm như vậy. Nó không bao giờ phát triển như một đường thẳng đi lên, luôn luôn tốt đẹp hơn theo từng ngày. Cần phải kiên nhẫn và tinh tấn.

Quý vị có thắc mắc gì không?

Lễ Điểm Đạo

Ở phương Tây, điều xảy ra rất thường xuyên là bạn nhận các lễ điểm đạo, và sau đó, phải thực hiện các nghi lễ mà không có sự hiểu biết này; và thực tế là bạn cần có những sự hiểu biết này, là điều không được giải thích, trước khi bạn nhận lễ điểm đạo.

Vâng, thật đáng buồn là điều này xảy ra quá thường xuyên. Bạn thấy đó, một trong những vấn đề là tất cả những lễ điểm đạo này được ban truyền, và chúng ta, là những người Tây phương, xem chúng như là, “Bây giờ, tôi nên làm điều này, và không nên làm điều đó.”. Một người Tây Tạng không tiếp cận chúng theo cách đó. Khi những lễ điểm đạo này được ban truyền thì hầu hết thái độ của người Tây Tạng bình thường là, “Mình đang tham dự, để gieo chủng tử hoặc bản năng vào dòng tâm thức cho những kiếp tương lai.”. Hầu hết người Tây Tạng không có ý định tu tập Mật tông trong đời này.

Xin lưu ý là tôi đang nói về những người Tây Tạng bình thường tại gia. Họ mang theo con nhỏ và thậm chí cả con chó của họ đến dự lễ điểm đạo. Họ cảm thấy rằng bất kỳ ai, kể cả em bé và con chó, đều sẽ gieo chủng tử trong dòng tâm thức cho những kiếp tương lai bằng cách tham dự lễ điểm đạo. Đó là cách mà họ nhìn sự việc. Nhưng là người Tây phương thì chúng ta không nghĩ theo cách đó. Chúng ta dự lễ điểm đạo, ngay cả khi không biết chuyện gì đang diễn ra trong buổi lễ, và hoàn toàn vô thức về quá trình trong lễ điểm đạo, sau đó thì mình nói rằng, “Ôi Chúa ơi! Tôi đã nhận cam kết này, và bây giờ thì tôi nên thực hiện điều này, nếu không thì sẽ rơi vào địa ngục Kim Cang!”.

Đó là một sự hiểu lầm về tánh Không và lý duyên khởi. Sự việc không xảy ra một chiều. Việc thọ nhận một lễ điểm đạo phụ thuộc vào những điều mà người ban lễ điểm đạo và người thọ nhận nó đang thực hiện. Ví dụ như để thật sự nhận lễ điểm đạo thì mình cần phải thọ giới một cách có ý thức, với nhận thức đầy đủ về những điều ta đang làm. Nếu như không làm điều đó, thì mình không khác gì với con chó đang có mặt ở đó.

Câu hỏi thú vị là liệu con chó có ghi khắc các bản năng nhờ việc có mặt ở đó hay không? Từ các tài liệu cổ điển thì có vẻ như con chó có làm điều đó, bởi vì nó trải qua việc ở đó, nên có một số ấn tượng trong dòng tâm thức của nó, dù nó có thể khá yếu ớt. Chúng ta cũng có thể có mặt và có một ấn tượng nào đó, vì đã hiện diện ở đó. Ở phương Tây thì chúng ta gọi việc nhận lễ điểm đạo như một sự “gia trì”. Nhưng làm như vậy không có nghĩa là mình đã nhận lễ điểm đạo, và bây giờ thì đã có tất cả những cam kết và giới nguyện. Trừ khi mình có ý thức chấp nhận cam kết và giới nguyện, còn không thì mình sẽ không sở hữu chúng.

Không có gì sai trái khi nhận lễ điểm đạo theo cách mà một người Tây Tạng bình thường sẽ nhận nó, như một sự kiện truyền cảm hứng, để tạo ra ấn tượng là ở thời điểm nào đó trong tương lai thì nó sẽ là điều mà mình có thể sử dụng để tạo lợi lạc cho bản thân và người khác. Không nên tự phụ và nghĩ rằng, “Bây giờ thì tôi là một người cao cấp như vậy. Bây giờ thì tôi là một hành giả Mật tông thật sự”, khi mà mình chỉ tham dự lễ điểm đạo ở mức độ thiển cận, và không thật sự có ý thức cam kết với bất cứ điều gì. Phải sẵn sàng chấp nhận rằng “Tôi đã tham dự lễ điểm đạo ở mức độ của một con chó, và điều đó cũng ổn thôi.”.

Dù sao đi nữa thì việc tham dự một lễ điểm đạo ở mức độ của một con chó vẫn có thể đầy cảm hứng và hữu ích, không có vấn đề gì. Nhưng chính lòng tự phụ đã khiến cho ta không muốn chấp nhận là mình chỉ có được lợi lạc ở mức độ này thôi. Rõ ràng là ta có thể bối rối và nghĩ rằng, “Nếu như mình đi khắp nơi và thu thập càng nhiều lễ điểm đạo càng tốt, thì mình sẽ là một người cao cấp như vậy.”. Điều này cũng hơi ngớ ngẩn, phải không? Ngay cả khi mình thu thập các lễ điểm đạo, vì thấy chúng truyền cảm hứng và hữu ích, thì điều quan trọng là không xem mình là một hành giả Mật tông vĩ đại. Tính khiêm nhường luôn luôn là điều cần thiết với tất cả những khía cạnh của việc tu tập Pháp.

Tóm Tắt 

Tất cả những gì Đức Phật đã dạy là để giúp cho con người khắc phục những khó khăn trong đời sống. Với ý nghĩ này thì khi gặp những điểm trong giáo lý mà dường như mình không thể tiếp cận được, hay không liên quan đến những gì mà ta xem là đường tu của mình trong lúc này, thì nên cẩn thận để không gạt bỏ chúng. Cách tiếp cận cổ điển với những điểm này có thể quá tiên tiến đối với trình độ hiện tại của mình, hoặc có lẽ ý niệm của mình về chúng đã đi lạc hướng.

Khi đã xác định vấn đề và sự nhầm lẫn mà mình có về những giáo lý như vậy, rồi thì ta có thể áp dụng các phương pháp thực tiễn để tiếp cận chúng. Khi mình sử dụng những phương pháp không thực tiễn để cố đạt được những mục tiêu mà mình thật sự không hiểu, thì ta sẽ đi lạc với sự nhầm lẫn, và cuối cùng, có thể bỏ cuộc. Nhưng với những phương pháp thiết thực, thực tế, phù hợp với trình độ hiện tại của mình thì ta có thể đạt được kết quả thực tế. Đối với điều này thì mình phải đâm thủng những chiếc bong bóng ảo tưởng về giáo lý nhà Phật, và đưa chúng xuống mặt đất.

Top