Giải Thích Việc Tu Tập Sau Khi Quy Y

Có nhiều loại hành vi được nêu ra cho cách tự rèn luyện bản thân, để đưa pháp quy y Phật, Pháp, Tăng vào trong đời sống. Chúng nêu ra ứng dụng thực tiễn một cách rõ ràng về pháp quy y trong đời sống hàng ngày, và những gì mình phải làm để duy trì pháp quy y này.

Đối với điều này thì có hai danh sách về các hành vi phải tu tập. Một danh sách bắt nguồn từ một bản văn được đạo sư Phật giáo Ấn Độ cổ đại Vô Trước (Asanga) sáng tác, gọi là Kinh Sách Bao Gồm Tất Cả Các Pháp Để Liễu Ngộ (gTan-la dbab-pa bsdu-ba, Phạn ngữ: Vinishcaya-samgraha). Một danh sách khác bắt nguồn từ cái gọi là “giáo pháp tinh túy”. Các giáo pháp tinh túy không xuất phát từ một bản văn cổ điển cụ thể, và có thể được ghi chép hay truyền khẩu. Mỗi một danh sách trong hai danh sách này có hai phần: chỉ giáo liên quan đến mỗi một Bảo trong Tam Bảo, và chỉ giáo liên quan đến Tam Bảo nói chung. 

Danh Sách Của Vô Trước

Trước tiên thì hãy xem qua danh sách của các chỉ giáo bắt nguồn từ sách của ngài Vô Trước. Mỗi một phần trong hai phần này có bốn hành vi để tu tập.

Sùng Mộ Đạo Sư

Song song với việc quy y Phật, thì mình phải hết lòng sùng mộ đạo sư. Lý do chính là vì mình cần có nguồn cảm hứng từ một tấm gương điển hình. Đối với vấn đề này thì cần có một đạo sư. Vị thầy không chỉ là người ban cho mình giáo pháp. Chúng ta có thể thu thập giáo pháp từ một cuốn sách, hoặc Internet. Đạo sư là người thật sự có thể truyền cảm hứng cho mình bằng tấm gương sinh động của họ, và tất nhiên là có thể giải đáp những thắc mắc và sửa sai cho mình, khi mình phạm lỗi.

Nếu như chưa có thầy, thì phải nỗ lực để tìm kiếm một đạo sư. Điều đó có thể rất khó khăn, đặc biệt là khi mình không có nhiều sự lựa chọn. Có thể không có nhiều thầy đến nơi mình sống, và ngay cả khi các thầy có đến, thì chỉ ở lại một vài ngày, rồi lại đến nơi khác, trong chuyến hoằng Pháp của cái ngài. Có thể có rất nhiều đệ tử khác, nên các thầy không có thời gian để tiếp xúc riêng với mình. Nhưng đạo sư cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Có thể có những vị thầy chỉ ban cho mình giáo pháp, hoặc chỉ cho ta cách ngồi thiền một cách đúng đắn, vân vân. Có thể có những vị thầy chỉ giúp mình với việc bàn luận về giáo pháp, và những vị thầy là những người hướng dẫn tâm linh thật sự, người ban giới nguyện cho mình, và ban lời khuyên về đường tu. Chúng ta có thể học hỏi từ tất cả các vị.

Nhưng những gì chúng ta đang nói ở đây là vị thầy truyền cảm hứng cho mình. Ta sẽ hết lòng tận tụy với một đạo sư như vậy. Vị này có thể không truyền cảm hứng cho bất cứ ai khác. Chỉ vì người khác thấy một đạo sư cao cả, không có nghĩa là mình cũng có cùng ấn tượng đó. Nếu như sử dụng biệt ngữ Tây phương ở đây, thì phải có một số phản ứng hóa học xảy ra trong đó. Nếu như sử dụng biệt ngữ đạo Phật, thì phải có mối quan hệ duyên nghiệp giữa hai người. Vị thầy mà ta thấy truyền cho mình nhiều cảm hứng, thì sẽ cho ta năng lượng để tiếp tục đi trọn đường tu.

Vậy thì tấm gương không phải là vị thầy mà mình thọ nhận rất nhiều giáo pháp, hay chỉ giáo riêng. Đó có thể là một người như Đức Dalai Lama, người mà mình chẳng bao giờ được gặp gỡ riêng với Ngài. Hiển nhiên là nếu như mình tham dự các buổi thuyết Pháp của Ngài, hoặc nghe băng Pháp âm, hay đọc sách của Ngài, thì sẽ tốt hơn nhiều.

Về việc quy y thì có thể thực hiện một buổi lễ. Bằng cách đưa việc quy y của mình vào một sự kiện, thì ta sẽ chính thức hóa rằng bây giờ thì mình sẽ thật sự quy y một cách nghiêm túc. Chúng ta sẽ thực hiện điều này với một vị thầy, nhưng không có nghĩa là vị này phải trở thành đạo sư của mình. Ta sẽ thể hiện lòng kính trọng với thầy, bởi vì theo một cách nào đó thì thầy đã mở cửa cho mình, nhưng có thể ta không thấy thầy có khả năng truyền cảm hứng cho mình một cách đặc biệt. Nó cũng không có nghĩa là bây giờ thì mình đã đi vào truyền thống Phật giáo mà vị thầy này tu tập theo. Chúng ta chưa tham gia câu lạc bộ của vị này, và trở thành một thành viên riêng biệt của “đội bóng đá” của họ. Chúng ta chỉ quy y Phật, Pháp và Tăng, chứ không quy y với vị thầy chủ trì buổi lễ.

Xin nhắc lại là khi quy y thì điều quan trọng là phải có những tấm gương, và có người nào để truyền cảm hứng cho mình, đó là một đạo sư. Theo kinh sách truyền thống thì công năng chính của thầy là ban nguồn cảm hứng và năng lượng, để mình bắt đầu đi trên đường tu, duy trì bản thân trên đường tu, và cho mình năng lượng để hoàn thành đường tu. Dù trên lý thuyết thì ta có thể có được nguồn cảm hứng đó từ những tấm gương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư thánh tăng có chứng ngộ cao, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì rất khó để tiếp cận với các ngài, và chắc chắn là mình không gặp được người nào trong số các vị này trong đời sống hàng ngày!

Nghiên Cứu Giáo Pháp Của Đức Phật

Để duy trì phương hướng của giáo pháp trong đời sống thì trước tiên, mình phải tu tập và nghiên cứu giáo lý của Đức Phật. Điều đó rất quan trọng. Đức Dalai Lama đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu như không nghiên cứu và học hỏi giáo lý, thì mình sẽ không hiểu gì cả. Ta có thể thực hiện các nghi thức và những điều tương tự, nhưng sẽ thực hành chúng mà không hiểu biết gì cả. Chẳng may là điều này sẽ không mang lại nhiều kết quả.

Khi quy y thì mình phải biết đó là phương hướng nào. Phải tìm hiểu các phương pháp là gì. Nếu như không có kiến thức này thì làm sao mình có thể đi theo phương hướng này? Chẳng hạn như nếu muốn đọc sách thì mình phải học cách đọc. Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề.

Chú Trọng Vào Giáo Pháp Cụ Thể, Để Khắc Phục Phiền Não

Việc tu tập thứ hai liên quan đến Pháp là chú tâm vào những khía cạnh của giáo pháp đã được chỉ dạy, để khắc phục phiền não của mình. Có những khai thị về đủ các đề tài. Nếu chỉ tìm hiểu thọ mạng của chúng sinh trong mỗi cõi giới, trong những cõi khác nhau, thì có thể là điều hay ho, nhưng điều này sẽ không trực tiếp giúp mình khắc phục tâm sân, ví dụ vậy, hay tâm tham, hay ích kỷ của mình. Để quy y Pháp Bảo sâu sắc nhất - tức chân diệt và chân đạo - thì phải nhấn mạnh vào những khía cạnh trong giáo pháp sẽ giúp mình khắc phục phiền não.

Noi Gương Chư Thánh Tăng Có Chứng Ngộ Cao

Tiếp theo, để quy y Tăng – nói về Thánh Tăng, các hành giả có chứng ngộ cao – thì việc tu tập là noi gương của các ngài. Chúng ta không nói về tấm gương của những vị xuất gia. Không phải là mình phải trở thành tăng ni. Sau cùng thì một bậc có chứng ngộ cao có thể là một nhà tu, hay một cư sĩ. Điều mà việc này đề cập đến là mình phải noi theo gương của các ngài trong việc nghiên cứu, tu hành, học hỏi và làm việc rất là chăm chỉ. Đây là cách mà các ngài đã đạt được chứng ngộ cao - nhận thức vô niệm về tánh Không, và về tứ diệu đế v.v... - và sau đó, tiếp tục tu tập hơn nữa, để tiến đến giải thoát và giác ngộ. Đó là tấm gương mà mình phải noi theo.

Vai Trò Thích Hợp Của Bốn Pháp Tu Tập Này Trong Đời Sống Hàng Ngày

Đâu là vai trò thích hợp trong đời sống hàng ngày? Hãy xem xét cách chúng được áp dụng như thế nào. Mình có một gương mẫu nào đó, một vị thầy, và vị này sẽ truyền cảm hứng cho mình, khi khó khăn xảy ra. Chúng ta đang học hỏi các phương pháp trong giáo pháp, và tập trung vào những phương pháp có thể giúp mình khắc phục tâm sân hận, tham lam và ích kỷ, v.v... Chúng ta đang noi theo gương của chư Thánh Tăng về việc cố áp dụng giáo pháp vào việc tu tập trong mọi lúc, bất cứ khi nào mình gặp khó khăn. Ngay cả khi khó khăn không xảy ra, thì mình vẫn tiếp tục tu tập Pháp như một biện pháp phòng ngừa, để khó khăn không xảy ra. Ta chỉ làm điều đó một cách bất nhị.

Đàng sau việc tu tập quy y là động lực không muốn mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Ta hiểu rằng nếu như mình quy y, thì sẽ giúp cho mình trở thành một người hạnh phúc hơn, và tránh các vấn đề. Thêm vào đó, ta cảm thấy việc hành xử theo cách này là đúng. Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, bình an hơn. Mình không chỉ là nạn nhân của những khó khăn xảy ra trong đời sống. Chúng ta đang tu tập để vượt qua những khó khăn này, và tâm quy y Phật, Pháp và Tăng sẽ cho mình sức mạnh và phương pháp để thực hiện điều đó.

Không Theo Đuổi Thú Vui Giác Quan

Đối với việc quy y toàn thể Tam Bảo thì trước hết, mình sẽ buông bỏ việc theo đuổi lạc thú giác quan, thay vì vậy thì xem việc cải thiện bản thân như công việc chính của mình trong đời sống. Một trong những vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey, thường nói, “Chúng ta nên chấm dứt việc làm du khách trong luân hồi.”. Không cần thiết để trải nghiệm tất cả những hoàn cảnh mà kiếp luân hồi có thể đem lại cho mình. Việc theo đuổi thú vui giác quan chỉ mang lại cái gọi là “khổ vì thay đổi”. Đó là vì khi tìm hiểu những thú vui này, thì ta sẽ thấy chúng chẳng bao giờ lâu bền và mãn nguyện. Mình luôn luôn muốn có nhiều hơn, và nếu như tiêu thụ thứ gì quá nhiều trong một lúc, thì nó sẽ khiến cho mình bị bệnh. Ví dụ như, nếu như việc ăn món mà mình thích nhất sẽ tạo ra hạnh phúc chân thật, thì khi càng ăn nhiều hơn, mình sẽ càng thấy vui vẻ hơn. Nhưng rõ ràng là có một sự giới hạn ở đây.

Trái ngược với điều đó, khi xem việc cải thiện bản thân và khắc phục những điều khiến cho mình mất đi tâm an lạc là mục tiêu chính, thì rõ ràng kết quả là mình sẽ thấy an lạc hơn. Trên thực tế thì mình sẽ hạnh phúc hơn, theo một cách ổn định hơn nhiều. Nó có thể không có tính chất kịch tính như một mối quan hệ tình dục, nhưng hạnh phúc xuất phát từ tâm an lạc thì ổn định và an toàn hơn nhiều.

Nó không có nghĩa là mình phải hoàn toàn từ bỏ mọi hoạt động giải trí, thức ăn ngon và kinh nghiệm tình dục. Không cần phải cho đi tất cả tiền bạc của mình, vân vân. Điều này có nghĩa là mình phải sử dụng những thú vui giác quan này ở một giới hạn nào đó. Đôi khi thì mình phải thư giãn, để có thể làm việc một cách hiệu quả hơn, nhưng sẽ xem việc thư giãn này gần như một loại thuốc. Chẳng hạn như một trong những lời cầu nguyện cúng dường thức ăn là: “Con sẽ dùng thức ăn này không vì lòng tham, không vì ham muốn, mà như liều thuốc, để có thêm sức mạnh, để có thể tiếp tục làm việc và giúp đỡ người khác.”.

Nếu như xem việc thư giãn của mình, có thể là xem phim, hay bất cứ điều gì, như một liều thuốc để tái tạo năng lượng, thì cũng ổn thôi. Với quan điểm này thì việc theo đuổi những việc nghỉ ngơi như vậy sẽ nằm trong giới hạn nào đó, ở mức độ vừa phải, và ta sẽ không thổi phồng niềm vui mà mình có thể cảm nhận được từ điều đó.

Có một chuyện vui là bất cứ người nào tích lũy được nhiều đồ chơi nhất, nhiều tài sản vật chất nhất vào cuối đời, thì sẽ thắng cuộc. Nó không phải như vậy. Không phải toàn bộ mục đích của cuộc đời là tích lũy càng nhiều máy móc và thiết bị điện tử càng tốt, hay xem nhiều phim hơn tất cả mọi người, hoặc tài khoản ngân hàng của mình có số tiền lớn hơn tài khoản của người khác, hay mình đã ăn nhiều thức ăn kỳ lạ hơn bất cứ ai khác. Đó không phải là mục tiêu của cuộc sống, phải không? Không một điều nào trong những điều này sẽ tạo ra cho mình sự mãn nguyện lâu dài nào, đặc biệt là khi nghĩ về những kiếp tương lai.

Rõ ràng là khi trọng tâm chính của mình không phải là việc giải trí, thì nó sẽ thật sự thiết lập toàn bộ giai điệu trong đời sống hàng ngày. Đời sống hàng ngày không chỉ là để nghe nhiều nhạc hơn, hay đại loại như thế. Có những người ghiền nghe nhạc; dù họ đang làm việc, du hành, đi dạo, nên luôn nghe iPod cả ngày lẫn đêm. Khi đã quy y trong đời sống, thì việc làm sao lãng tinh thần vì âm nhạc trong mọi lúc chắc chắn không phải là một phương tiện để đi theo chiều hướng quy y. Để noi theo phương hướng quy y thì điều cơ bản trong đời sống là phải tu tập để khắc phục tâm tham ái, tham lam, ích kỷ, v.v... Nhưng hãy nhớ rằng, nó không có nghĩa là theo đuổi điều này một cách cuồng tín, cầu toàn, mà mình vẫn có thể vui chơi.

Đó là một khái niệm rất thú vị: Có gì vui? Tôi sẽ kể một trong những câu chuyện mà tôi thích nhất. Một lần nọ, khi tôi ở Hòa Lan với thầy tôi, Serkong Rinpoche đời trước, thì chúng tôi ở trong nhà của một gia đình giàu có. Họ có một chiếc thuyền rất lớn, mà neo nó ở một cái hồ rất nhỏ. Một ngày nọ, họ đưa chúng tôi đi chơi trên du thuyền. Chúng tôi ở trong cái hồ nhỏ này với rất nhiều du thuyền khác, xếp hàng dài, đi một vòng tròn quanh hồ một cách rất chậm rãi, như thể chúng tôi đang chơi một trò chơi đi vòng quanh của trẻ con trong công viên giải trí. Rinpoche quay sang tôi và nói bằng tiếng Tây Tạng, “Đây có phải là điều mà họ cho là vui không?” Vậy thì có gì vui?

Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng nếu như việc tu tập Pháp là niềm vui đối với mình, thì ta sẽ không vui vẻ, trừ khi mình đang tu hành. Điều đó bao gồm việc giúp đỡ người khác, cải thiện bản thân, v.v... Tinh tấn có nghĩa là như vậy. Là thích thú với những điều mình làm. Nếu như có thể thích thú với những gì mình đang làm, thì ta sẽ tiếp tục làm điều đó.

Thật ra thì có rất nhiều niềm vui liên quan đến việc cải thiện bản thân, đoạn trừ hay giảm bớt phiền não, xung đột nội tâm, v.v... Đó là công phu khó nhọc, nhưng rất thú vị, khi mình gặt hái được nhiều kết quả hơn. Tất nhiên, những kết quả này sẽ thăng giáng thất thường. Nó không phải là một quá trình của một đường thẳng đi lên. Tuy nhiên, khi thấy mình có một sự tiến bộ nào đó, thì rất tuyệt vời. Ta sẽ cảm thấy rằng, “Tôi đang thật sự làm điều gì đó.”.

Một ẩn dụ hữu ích có thể là về một người nào đó đang tập luyện một môn thể thao. Khi phải bơi hoài hay chạy bộ hoài thì rất là vất vả. Nhưng nhờ việc tập luyện mà khi mình có thể chạy, hoặc bơi xa hơn và nhanh hơn, và sức chịu đựng của mình tốt hơn, thì ta sẽ thấy tuyệt vời, đúng không? Mặc dù có những khó khăn, nhưng mình thấy thích thú với nó. Đối với việc tu tập Pháp thì cũng giống như vậy. Chúng ta đang tu tập, và ví dụ như mình có thể đi ăn tối với gia đình, với những người thân mà mình thấy rất khó chịu, nhưng đã không mất bình tĩnh. Ta đã có thể kiên nhẫn, và mọi việc đã diễn ra một cách ổn thỏa. Ta đã tham dự bữa ăn một cách hoàn toàn yên ổn. Trên thực tế thì mình còn thưởng thức nó nữa, dù mẹ hay cha của mình nói, “Tại sao con không kết hôn?” hay là, “Tại sao con không có con?”, hoặc là “Tại sao con không kiếm được nhiều tiền hơn?”, hay là “Tại sao con không gọi điện thoại cho ta thường xuyên hơn?”. Mình đã có được an lạc trong khi đối phó với điều này, và cảm thấy tốt đẹp.

Tóm lại thì chỉ giáo này liên quan đến việc không theo đuổi thú vui giác quan, và vấn đề là thật ra thì việc tu tập Pháp thú vị hơn.

Áp Dụng Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Đức Phật

Chỉ giáo tiếp theo từ danh sách của việc tu tập theo Tam Bảo nói chung là áp dụng tiêu chuẩn đạo đức mà chư Phật đã đề ra. Đây là một điều rất quan trọng. Khi quy y thì có nghĩa là phải hành thiện và tránh ác. Nếu mình làm như vậy là tuân theo đạo đức cơ bản trong nhà Phật. Nếu như vì phiền não mà mình hành động một cách tiêu cực, thì sẽ tạo ra nhiều đau khổ hơn, đặc biệt là cho mình và có thể cho người khác. Mặt khác, khi mình hành động một cách tích cực, thì sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn.

Đạo đức nhà Phật không dựa vào sự vâng lời. Đó không phải là nguyên tắc đạo đức. Trong các hệ thống khác thì có luật pháp, được thẩm quyền thiêng liêng nào đó thiết lập, hay cơ sở lập pháp thiết lập ra, và việc trở thành một người đạo đức có nghĩa là phải ngoan ngoãn tuân theo luật pháp. Đạo Phật không phải như vậy. Đúng hơn thì toàn bộ quan điểm trong đạo đức nhà Phật là tự mình học cách phân biệt giữa những gì có lợi và có hại. Đây là điều quan trọng. Nó hoàn toàn là vấn đề điều gì có lợi và có hại, không phải là điều gì tốt và điều gì xấu, hay điều gì là hợp pháp và điều gì bất hợp pháp. Dựa trên sự phân biệt giữa lợi và hại, được gọi là “trí phân biệt”, mà mình sẽ quyết định tránh làm những điều có hại.

Điều có hại là những điều sẽ hủy hoại bản thân, và khiến cho mình đi theo chiều hướng tồi tệ hơn, như ngày càng nghiện ngập với những tập khí tiêu cực. Một chiều hướng tiêu cực từ quan điểm sức khỏe có thể bao gồm việc hút thuốc, ví dụ vậy, nhưng cũng có những hành vi phá hoại, cảm xúc và thái độ tiêu cực từ quan điểm xã hội. Nói một cách đơn giản thì quy y là điều gì hữu ích cho việc cải thiện bản thân, và cải thiện khả năng của mình, để giúp đỡ người khác.

Có Lòng Bi Mẫn

Pháp tu tiếp theo là cố gắng thông cảm và bi mẫn với người khác càng nhiều càng tốt. Tôi không nghĩ là phải giải thích nhiều về điều này. Ngay cả khi chỉ tu tập để giải thoát cho riêng mình, thì chắc chắn mình vẫn phải tử tế với người khác và giúp đỡ họ.

Cúng Dường Đặc Biệt Vào Những Ngày Lễ Phật Giáo

Pháp tu cuối cùng là cúng dường hoa, quả v.v... vào những ngày đặc biệt của đạo Phật giáo, như ngày Đức Phật thành đạo. Thật ra thì đó là điều thú vị, bởi vì mình có thể có thái độ là không cần phải ăn mừng những ngày lễ đặc biệt. Vấn đề của điều này là gì? Chúng ta có thể cảm thấy gai mắt vì ví dụ ngày Giáng Sinh đã bị thương mại hóa ở phương Tây ra sao, và nghĩ rằng, “Tôi cần điều này để làm gì? Có phải nó chỉ là kiểu cách của đạo Phật về việc dựng một cây Noel, và thay vì gắn đèn trên cây Noel, thì mình sẽ chưng đèn cầy trong những cái bát nhỏ trên bàn thờ hay không?”

Tôi nghĩ toàn bộ vấn đề ở đây chỉ là việc thể hiện lòng kính trọng đối với Đức Phật, truyền thống, chư đạo sư, v.v... Việc cúng dường là dấu hiệu của lòng tôn trọng. Mình không phải làm ra chuyện lớn, và không phải chờ đến đúng ngày lễ Phật giáo nào đó để thể hiện lòng tôn trọng đó. Đó là một điều mà chúng ta có thể làm mỗi ngày. Không nên làm cho nó giống như việc đi nhà thờ vào Chủ nhật, và phần còn lại trong tuần thì cứ làm bất cứ điều gì mình muốn. Việc theo dõi một ngày lễ tôn giáo sẽ giúp cho ta cảm thấy mình cũng là một thành phần trong một cộng đồng lớn hơn; nó cũng có một chức năng hỗ trợ xã hội.

Khi nhìn vào những pháp tu tập này thì ta sẽ thấy một số điều nào đó mà không chỉ dành riêng cho đạo Phật. Việc có lòng thông cảm và bi mẫn với người khác, tuân theo đạo đức, v.v... là những điều khá phổ biến, phải không?

Nhưng để ôn lại những điểm đặc trưng của đạo Phật đã được trình bày trước đó trong danh sách này thì trước tiên, mình sẽ xem xét các ví dụ về chư đạo sư vĩ đại như những tấm gương. Tiếp theo, ta sẽ nghiên cứu các giáo pháp, đặc biệt là giáo pháp nhắm vào việc giảm thiểu phiền não của mình, và noi theo những tấm gương của các bậc có chứng ngộ cao. Tất nhiên là mình phải thật sự khổ công tu tập tất cả những điều này. Trong bối cảnh này thì có thể bổ sung thêm việc làm người đạo đức, tử tế và cảm thông, không theo đuổi dục vọng của giác quan, mà tập trung tinh thần và kiên định về những ưu tiên hàng đầu của mình, và thể hiện lòng tôn trọng với truyền thống.

Danh Sách Từ Giáo Pháp Tinh Túy

Cho đến nay thì chúng ta đã giới thiệu các pháp tu cho mỗi một Bảo riêng rẽ, và cho cả Tam Bảo nói chung, từ sách của ngài Vô Trước. Tương tự như vậy thì các chỉ giáo ban lời khuyên về những pháp tu cho mỗi một Bảo cụ thể, cũng như Tam Bảo nói chung. Về mặt các Bảo riêng lẻ thì có một hành vi nên tránh và một hành vi nên áp dụng, liên quan đến mỗi một Bảo trong Tam Bảo. Trước tiên là những hành vi nên tránh.

Đối Với Chư Phật Thì Không Quy Y Những Đối Tượng Khác

Khi quy y chư Phật và đưa pháp quy y này vào trong đời sống, thì điều mà mình phải tránh là quy y với những đối tượng khác. Đây là một điều thú vị để quan sát trong chính bản thân mình. Khi cảm thấy rất tồi tệ, có tâm trạng tồi tệ và mọi việc không trôi chảy, theo nghĩa thông thường, thì mình sẽ nương tựa vào điều gì đó, để cảm thấy an ủi? Có phải là sô cô la không, ví dụ vậy? Chúng ta thật sự cảm thấy tồi tệ, nên ăn một thỏi sô cô la lớn, để thấy vui vẻ một chút, rồi thì sự việc có vẻ không quá tệ? Khi mọi việc trở nên tồi tệ, thì mình có cần phải nói chuyện với một người bạn hay không? Chúng ta có quay qua tình dục không? Chúng ta quay qua điều gì? Có phải mình giống như một con chó, muốn được xoa đầu, rồi mình sẽ vẫy đuôi?

Chỉ giáo tinh túy ở đây là mình có thể ăn một chút sô cô la, nếu như cảm thấy hơi chán nản hay buồn bã, nhưng đó không phải là cội nguồn quy y cứu cánh trong đời sống của mình. Rõ ràng nó không phải là sô cô la. Vậy thì việc áp dụng các phương tiện giáo pháp để đối phó với tình huống khó khăn thì sao?

Tôi thấy hơi kỳ quặc, khi những người được xem là tu hành siêng năng, kể cả một số giảng sư đạo Phật người Tây phương, cũng sẽ sử dụng tâm lý trị liệu, thay vì áp dụng các phương pháp của đạo Phật, khi gặp khó khăn trong hôn nhân, hay những vấn đề khác. Tôi luôn thấy điều này hơi kỳ lạ, bởi vì nếu như mình đã thành tâm quy y Pháp, thì lẽ ra phải tin chắc rằng giáo pháp sẽ có giải đáp cho bất cứ vấn đề nào mà mình gặp phải. Rõ ràng là điều đó không có nghĩa là nếu như mình bị ung thư, thì sẽ hành thiền, và Pháp sẽ chữa khỏi bệnh ung thư của mình. Đó chỉ là điều ngớ ngẩn. Nó không có nghĩa là như vậy. Mình sẽ đi bác sĩ. Nhưng việc tu tập Pháp có thể giúp ta vượt qua bất kỳ chứng trầm cảm nào, khi bị ung thư.

Nếu như  bạn cảm thấy phải gặp một nhà trị liệu để thảo luận về những vấn đề của mình, và có được một quan điểm khác, thì cũng tốt thôi. Nhưng đó chỉ là một sự bổ sung, một cái gì phụ trội, về mặt cố gắng áp dụng những phương tiện của giáo pháp. Pháp quy y chính, phương hướng và hành trì chính mà mình đang tu tập, để giúp ta khắc phục những khiếm khuyết trong bản thân là phương tiện của giáo pháp. Có lẽ mình phải được hướng dẫn thêm về cách áp dụng chúng, nhưng sẽ tự tin rằng Đức Phật đã thấu hiểu làm thế nào để đoạn diệt tất cả các vấn đề.

Về điểm này, đối với việc không quy y với những đối tượng khác, ngoài Phật, Pháp và Tăng ra, thì chỉ giáo là tối hậu, không nên quy y chư Thiên thế tục. Theo quan điểm đạo Phật thì Thượng Đế trong các tôn giáo khác là chư Thiên thế tục. Rõ ràng là nhiều tôn giáo khác sẽ không xem điều này là đúng.

Một lần nọ, Serkong Rinpoche đã được tham vấn về điểm này ở Ý. Một người hỏi ngài nếu như anh ta trở thành Phật tử, thì liệu anh vẫn có thể đi nhà thờ hay không. Rinpoche trả lời rằng, “Giáo lý về lòng từ trong đạo Cơ Đốc có mâu thuẫn với giáo lý của đạo Phật hay không?”. Rõ ràng là không. Nếu như mình muốn đi nhà thờ thì không có vấn đề gì cả. Điểm cốt yếu là mình đang đi theo phương hướng tối hậu nào trong đời sống? Chúng ta phải có một sự quyết định nào đó. Điều đó không có nghĩa là mình phải vứt bỏ mọi thứ khác, mà là phải sáng suốt về phương hướng mà mình đang noi theo. Có những điều tích cực mà mình có thể học hỏi từ các truyền thống khác, và đó là điều tốt. Không có vấn đề gì.

Nhưng khi nói về hành trì và phương pháp, thì không nên pha trộn mọi thứ vào trong một món hầm. Ví dụ như mình sẽ không đến nhà thờ và lễ lạy, hoặc trong khi nghi thức nào đó đang diễn ra, thì không nên ngồi đó tụng thầm, “Om mani padme hum.”. Việc đi nhà thờ và hành trì pháp tu nhà Phật có thể được thực hiện một cách riêng rẽ và trang nghiêm, ở nơi chốn và bối cảnh riêng của chúng.

Nói một cách cụ thể hơn thì những điều mà chỉ giáo này đề cập đến trong phạm vi đạo Phật không phải là quy y cứu cánh với chư Hộ Pháp, hay thần linh thế tục. Những vị này không đáng tin cậy. Họ sẽ làm ta thất vọng. Chúng ta không muốn tôn thờ ma quỷ và thần linh. Có lẽ điều này phù hợp hơn với người Tây Tạng hay Ấn Độ, nhưng có một số người Tây phương thấy thích thú về những thần linh và Hộ Pháp, và tham gia vào các pháp tu liên quan đến những vị này.

Chữ “bảo hộ” nghe có vẻ như họ sẽ bảo vệ mình. Tất nhiên, trong một số truyền thống trong Phật giáo Tây Tạng thì người ta nói rằng một số Hộ Pháp là hóa thân của chư Phật. Phải cẩn thận ở đây. Việc tranh luận về việc mỗi vị Hộ Pháp thuộc về cấp độ nào có thể dẫn đến việc tạo ra một hệ thống giống như việc phân loại sinh học của những loại quỷ thần khác nhau, và các loại Hộ Pháp khác nhau. Tất cả những điều này sẽ hơi giống như bài học của môn sinh vật.

Phải nhận ra đâu là điều chủ yếu mà mình phải làm, để được bảo vệ và thoát khỏi đau khổ. Điều chủ yếu phải làm là nương tựa vào nghiệp của mình. Nói cách khác là với nguồn cảm hứng và tấm gương của Phật, Pháp và Tăng để dìu dắt ta, thì bất cứ điều gì mình làm và hành động như thế nào sẽ ảnh hưởng và xác định những điều mình sẽ trải qua trong tương lai. Chư Hộ Pháp có thể tạo ra những hoàn cảnh hay điều kiện nào đó, giúp cho mình thiêu đốt một số ác nghiệp, bằng cách trải nghiệm chúng bằng những chướng ngại nhỏ nhặt trong hơn hiện tại. Nhờ vậy mà thiện nghiệp của mình có thể trổ nhanh hơn. Nó cũng giống như quá trình thực hiện lễ cúng dường chư Phật Dược Sư. Các ngài có thể tạo ra hoàn cảnh hay điều kiện để giúp cho thiện nghiệp trổ quả, để ta khắc phục bệnh tật, nếu như mình đã tích tập những thiện nghiệp ấy. Vấn đề là nếu không có công đức từ những tiền nghiệp, thì không cần biết mình có nương tựa vào một vị Hộ Pháp hay Phật Dược Sư bao nhiêu, ta vẫn không có cơ sở để trải nghiệm một hoàn cảnh vui vẻ hơn.

Do đó, điều rất quan trọng là việc tu hành không trở thành việc tôn thờ Hộ Pháp, hay thậm chí là tôn thờ Phật. Tất cả mọi việc xảy ra với chúng ta đều phụ thuộc vào những gì mình làm. Nó phụ thuộc vào cách mình hành động, cách mình giao tiếp, và cách mình suy nghĩ. Một lần nữa thì chúng ta có những tấm gương, có giáo lý và mục tiêu mà mình có thể đạt được. Nhưng mình phải thực hiện điều đó, phải đi theo hướng đó. Để nhắc lại một cách ngắn gọn thì phải hiểu rõ về chiều hướng tối hậu của mình, và dù có thể tạm thời sử dụng những phương pháp khác để được giúp đỡ chút ít, nhưng phải giữ đạo lộ chính rõ ràng.

Đối Với Pháp Thì Đừng Gây Hại

Về mặt quy y Pháp thì điều mình phải tránh là gây tổn thương hay phương hại con người, thú vật và tất cả chúng sinh. Rõ ràng mình đang là cố giúp đỡ người khác, không làm họ tổn thương, nhưng điều đó có thể khá khó khăn. Chẳng hạn như mình có thể nói điều gì với ai, với chủ ý tốt đẹp nhất, không có ý xấu hay bất kính, nhưng vì lý do nào đó mà họ cảm thấy xúc phạm nặng nề vì những gì mình nói, hiểu lầm và rất bực bội, hay tức giận. Khi đi trên mặt đất thì chắc chắn ta sẽ dẫm lên một cái gì đó. Mục đích là cố gắng giảm thiểu tác hại mà mình sẽ gây ra cho người khác, và chắc chắn không có ý định làm hại. Tuy vậy, vì phần cứng (hardware) hạn chế của cơ thể bình thường mà tất cả chúng ta đều có, nên việc mình sẽ gây hại cho những chúng sinh khác là điều không tránh được, dù là vô tình đi nữa. Một lần nữa thì hãy cố gắng giảm thiểu điều đó càng nhiều càng tốt.

Đối Với Tăng Thì Nên Tránh Liên Hệ Gần Gũi Với Những Người Tiêu Cực

Đối với việc quy y Tăng thì điều mình muốn tránh là liên hệ gần gũi với những người tiêu cực. Đây là một vấn đề rất tế nhị ở đây. Khi chưa có nền tảng vững chắc trên đường tu, thì bạn bè có thể ảnh hưởng mình một cách rất dễ dàng, bằng cách này hay cách khác. Ở đây thì mình muốn tránh những người luôn tham gia vào những hoạt động tiêu cực, phá hoại. Những người như vậy có thể là, ví dụ như một băng đảng liên quan đến những tội nhỏ nhặt, hay một nhóm bạn luôn luôn sử dụng ma túy, hoặc luôn say sưa.

Ở giai đoạn này trong quán trình phát triển của mình thì rất khó để không bị bạn bè ảnh hưởng. Mình muốn được chấp nhận, và không muốn làm bạn bè buồn lòng. Kết quả là mình có thể uống rượu, chơi ma túy, đi rạch xe, hay vẽ graffiti lên các tòa nhà. Sau một thời gian thì chính mình sẽ ghiền những hoạt động này.

Điều này không có nghĩa là mình phải nói với bạn bè rằng họ là những người khủng khiếp. Vấn đề là không dành nhiều thì giờ với những người như vậy, khi họ thật sự sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho mình. Nếu như mình thấy yếu lòng, thì tốt hơn hết là hoàn toàn lánh xa họ. Chẳng hạn như, nếu như mình đang cố khắc phục chứng nghiện rượu, thì không nên giao hảo với bạn nhậu. Chúng ta sẽ tham gia một nhóm khác, Alcoholics Anonymous (Hội Người Nghiện Rượu Ẩn Danh), rồi thì mình sẽ ở gần những người khác giống như mình, cũng đang nỗ lực khắc phục chứng ghiền rượu. Mình sẽ được họ hỗ trợ, và tấm gương tốt của họ. Sự việc hơi giống như vậy.

Điều đáng chú ý là cách mà tất cả những điểm này tương quan với nhau. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách xem xét đâu là điều quan trọng nhất trong đời sống của mình. Có phải điều quan trọng nhất trong đời là được một nhóm bạn có thói hư tật xấu chấp nhận và yêu thích hay không? Đó có phải là điều quan trọng nhất trong đời mình hay không? Liệu điều đó sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài không? Hay là việc khắc phục những thiếu sót của mình, nhờ vậy mà có thể giúp đỡ người khác tốt hơn, là điều quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn?

Điều đó không có nghĩa là ta không quan tâm hay yêu thương những người mình phải xa lánh. Dĩ nhiên là mình mong cho họ được hạnh phúc, nhưng cũng phải cẩn thận ở đây. Một mặt thì mình không muốn bị họ ảnh hưởng, và dính mắc với những thói hư tật xấu. Nhưng mặt khác thì mình không muốn đi đến cực đoan của việc suy nghĩ một cách kiêu căng rằng ta là Phật tử, và tốt hơn họ rất nhiều. Cũng không phải là cuối cùng thì mình sẽ độ những người thấp kém hơn, để họ thoát khỏi cuộc đời tội lỗi. Đây rõ ràng là một thái độ khủng khiếp.

Mọi người sẽ xa nhau. Đó là điều tự nhiên sẽ xảy ra trong đời sống. Vấn đề là mình có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì cách hành xử tiêu cực của một số người, nên tốt nhất là nên tránh họ, mà không làm cho họ có cảm giác là mình không tán thành họ, hay ai là người xấu. Điều đó không có nghĩa là mình phải sống trong một cộng đồng Phật giáo “thánh thiện”, hay mặc y phục trắng, và là một người thuần chay (vegan). Nó không có nghĩa như vậy. Nhưng phải xem chừng những ảnh hưởng sẽ tác động đến bản thân mình. Hãy cố gắng tránh những ảnh hưởng bất lợi càng nhiều càng tốt. Ảnh hưởng bất lợi đó không chỉ bắt nguồn từ người khác. Nó có thể xuất phát từ truyền hình, tài liệu khiêu dâm trên Internet, hay phim ảnh và trò chơi bạo lực trên video. Tất cả những điều này có thể tạo ra cho mình ảnh hưởng tiêu cực, bằng cách gia tăng dục vọng hay tánh hung hăng của mình.

Ba Hành Vi Tôn Trọng Nên Áp Dụng

Giáo pháp tinh túy liên quan đến pháp quy y gồm có ba hành vi để áp dụng như dấu hiệu của lòng tôn kính. Đối với chư Phật thì ta sẽ thể hiện lòng tôn kính với những tôn tượng, tranh vẽ và những miêu tả nghệ thuật khác về chư Phật. Đối với Pháp thì mình sẽ thể hiện lòng kính trọng đối với tất cả sách vở, đặc biệt là kinh sách. Thêm vào đó, đối với Tăng thì sẽ bày tỏ lòng kính trọng với những người thọ giới xuất gia, ngay cả với y áo của các vị.

Như một dấu hiệu của lòng tôn trọng thì ta sẽ muốn tránh việc biểu lộ lòng bất kính. Đối với vấn đề này thì không nên treo tranh Phật trong phòng tắm. Không được ngồi trên kinh sách, hay dùng kinh sách để chêm cho chân bàn không bị chênh. Khi có chư tăng ni ở trung tâm Phật giáo thì không đối xử với quý thầy cô như những người phục vụ, nên cung cấp tất cả các phương tiện cho mình, bởi vì mình là hành giả vĩ đại, thánh thiện. Quý thầy cô không chỉ ở đó để pha trà cho mình, thu tiền vô cửa và dọn dẹp sau buổi thuyết Pháp. Thật không may là điều này đã xảy ra ở nhiều trung tâm Phật giáo. Giới xuất gia là những người quan tâm nhất đến việc thọ nhận giáo pháp, và là những người không phải lúc nào cũng có thể tham dự các buổi thuyết Pháp, vì phải làm ban trị sự và tổ chức tại đây. Điều này không đúng đắn chút nào.

Để làm sáng tỏ điều này thì không phải là mình tôn thờ bức tượng. Không phải là mình tôn thờ kinh sách hay tôn thờ chư tăng ni, hay y áo của các vị. Toàn bộ trọng tâm là thể hiện lòng tôn trọng với những đối tượng này, vì họ đại diện cho Phật, Pháp và Tăng.

Kết Hợp Những Tu Tập Này Vào Trong Đời Sống

Một lần nữa, để ôn lại những gì chúng ta vừa nói đến, thì mình muốn đưa quy y vào trong đời sống. Để thực hiện mục tiêu này thì nói một cách chính xác là chúng ta đang làm gì?

  • Không để cho phương hướng chính trong đời sống của mình hướng về những đối tượng khác.
  • Không làm hại người khác.
  • Tránh xa ảnh hưởng tiêu cực của người khác.
  • Tôn trọng các biểu tượng quy y mà mình đang noi theo.

Điều này có ý nghĩa, và là điều mà mình có thể kết hợp vào đời sống hàng ngày. Nó có liên quan đến đời sống của mình hay không? Ta sẽ tôn trọng những điều nào đó, và kiên định đối với điều quan trọng nhất trong đời sống của mình. Chúng ta sẽ coi chừng những ảnh hưởng tiêu cực có thể khiến cho mình bỏ cuộc, làm cho ta xa rời phương hướng của mình trong đời sống, và cũng cố gắng tìm kiếm thuận duyên, để giúp mình noi theo phương hướng quan trọng này. Việc thể hiện lòng tôn trọng đối với tranh Phật, kinh sách và hàng xuất gia là dấu hiệu bên ngoài. Nhưng bên trong thì cũng phải tôn trọng những gì mình đang thực hiện với cuộc đời của mình. Điều này rất quan trọng, bởi vì ta có thể ở trong hoàn cảnh mà không thể để cho người khác nhìn thấy việc tu hành của mình. Có thể là mình ở trong quân đội, hoặc nhà tù, hay thậm chí nằm trong một khu điều trị với những người khác trong bệnh viện. Mình không thể luôn luôn thắp nhang, thờ tượng Phật và làm những việc như vậy.

Ví dụ như, hãy tưởng tượng việc ở trong một dacha (nhà nghỉ ngoại ô) chỉ có một phòng, nên phải ở chung với cha mẹ của mình vào cuối tuần. Rõ ràng là việc lễ lạy trước mặt cha mẹ thì không thích hợp cho lắm. Ông bà có thể nghĩ điều này khá kỳ lạ, và bắt đầu nêu ra những câu hỏi khó xử, nên mình không phải làm điều đó. Việc uyển chuyển theo hoàn cảnh là điều rất quan trọng, nhưng hãy giữ hướng đi và ưu tiên của mình khá rõ ràng. Điều thật sự quan trọng là thái độ tôn trọng bản thân, và tôn trọng những gì mình đang làm.

Sáu Pháp Tu Tập Chung

Tiếp theo là sáu pháp tu chung dành cho Tam Bảo, theo giáo pháp tinh túy.  

(1) Trước hết thì hãy tái khẳng định pháp quy y bằng cách liên tục nhắc nhở tự thân về những phẩm chất thiện hảo của Phật, Pháp và Tăng. Việc quy y có thể trở thành hơi máy móc, nếu như mình chỉ tụng một câu kệ, nên điều quan trọng là khẳng định lại động lực, bằng cách nhắc nhở mình về những phẩm chất thiện hảo của Phật, Pháp, Tăng, và về lợi ích của việc quy y. Điều này sẽ giúp ta duy trì cái mà mình gọi là “cảm giác” đằng sau pháp quy y.

(2) Tiếp theo, để tri ân lòng nhân từ, công dưỡng dục tâm linh và năng lượng của Tam Bảo, và mọi sự hỗ trợ mà Tam Bảo đã ban cho mình, thì ta sẽ cúng dường phần đầu tiên của thức uống nóng và bữa ăn hàng ngày cho Phật, Pháp và Tăng. Có thể rót một ít nước trà hay cà phê trong ly đầu tiên của mình vào buổi sáng vào một cái cốc nhỏ, và đặt nó lên bàn thờ, hay có thể cúng một phần trái cây. Mình cũng có thể thực hiện việc cúng dường đơn giản trong trí tưởng tượng. Không có sao hết. Nhưng nếu cúng dường thức gì thì đừng có để cho nó thối rữa, như ở Ấn Độ, đợi chuột đến ăn. Ta sẽ cúng dường với lòng biết ơn, nhưng hiển nhiên là chư Phật không cần một tách trà hay một miếng trái cây nhỏ. Các ngài sẽ không uống hay ăn nó. Nó chỉ đơn giản là một biểu hiện, và sau một thời gian thì mình sẽ tưởng tượng rằng các ngài ban nó lại cho mình, và ta sẽ uống, hay ăn nó. Nếu đó là trà hay thứ gì tương tự, thì không thể đổ vào bồn cầu. Điều đó hơi bất kính. Tốt hơn là nên uống nó.                 

Hiện nay, tất nhiên là một vấn đề thực tế có thể xảy ra về việc phải làm gì với lượng nước từ bảy chén nước mà nhiều người trong chúng ta sẽ cúng dường mỗi ngày trên bàn thờ. Với một lượng nước khá lớn thì mình có phải uống nó mỗi ngày hay không? Chúng ta có phải dùng nó để tưới cây mỗi ngày không? Cây cối có thể sẽ chết, khi được tưới nhiều nước như vậy mỗi ngày. Nhưng ít nhất là mình sẽ đổ nó xuống bồn rửa tay, chứ không đổ vào bồn cầu. Tôi đang nghĩ đến một vài ví dụ ở một số nước trên thế giới, khi mà họ sẽ đổ nó ra ngoài cửa sổ. Điều đó cũng không xong.
       
Trong bất cứ trường hợp nào, khi cúng dường trà hay thức ăn thì không nhất thiết phải tụng một câu kệ đặc biệt bằng tiếng nước ngoài mà mình không hiểu. Gần đây, Dzongsar Khyentse Rinpoche đã thuyết Pháp ở Berlin, và nói rằng nếu người Tây Tạng phải đọc một vần kệ bằng tiếng Đức mà họ không hiểu, mỗi khi cúng dường hay làm bất cứ điều gì, thì chắc chắn là họ sẽ không làm điều đó. Điều quan trọng là thực hiện việc cúng dường. Chúng ta có thể chỉ nói, như Serkong Rinpoche đã từng đề nghị, “Xin chư Phật thọ dụng các thức cúng dường này.”. Đó là tất cả những gì mình cần phải nói, và cũng không phải nói lớn tiếng. Tôi thường nói rằng, “Con xin cúng dường phẩm vật này cho Phật, Pháp, Tăng và tất cả chúng sinh. Nguyện cho tất cả chúng sinh tận hưởng những thức ăn ngon như vậy.”. Không cần phải phô trương, như trì tụng “om ah hum” bằng một giọng trầm, rồi ngồi đó cúng dường thức ăn trong năm phút, trong khi những người khác ở bàn ăn đang muốn ăn, mà phải chờ cho mình cúng dường xong. Ta có thể chỉ cúng dường một cách âm thầm trong đầu thôi. Không có ai khác cần phải biết mình đang làm gì. Nếu như những người khác ngồi chung bàn cũng cúng dường, thì hãy để họ làm điều đó theo nhịp độ riêng của họ.
     
Không cần phải phô trương việc tu hành, đặc biệt là khi nó sẽ làm người khác khó chịu, hay khi họ bắt đầu trêu cười mình. Điều đó rất quan trọng. Ta không muốn làm cho mình trở thành trò cười của thiên hạ. Khi người khác trêu chọc việc tu hành của mình, thì họ sẽ lấy hết năng lượng ra khỏi việc này. Việc tu hành phải được giữ kín. Rồi thì nó sẽ trở thành một điều thiêng liêng đối với mình.

(3) Phương châm thứ ba là chánh niệm về lòng bi mẫn của Phật, Pháp, Tăng, bằng cách gián tiếp khuyến khích người khác noi theo phương hướng của Tam Bảo. Nó không có nghĩa là mình trở thành người truyền giáo, và cố gắng độ tất cả mọi người bằng cách giúp họ cải đạo sang đạo Phật. Chắc chắn không phải như vậy. Nhưng nếu như người khác cởi mở, nếu như họ thích thú, thì mình có thể khuyến khích họ. Sự khuyến khích tốt nhất là nói từ kinh nghiệm riêng của mình. Ta có thể giải thích rằng pháp tu nhà Phật đã mang lại lợi ích cho mình, nhưng liệu chúng có tạo lợi lạc cho người khác hay không thì mình không biết. Ta biết rằng nó đã giúp ích cho mình. Khi làm như vậy thì mình đã gián tiếp khuyến khích người khác tự thử nghiệm điều đó.

(4) Điều hướng dẫn thứ tư là ghi nhớ lợi ích của việc quy y, rồi tái khẳng định nó ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm một cách trang trọng. Chúng ta thường làm điều đó ngay khi thức dậy vào buổi sáng, và trước khi đi ngủ. Mình không chỉ lặp đi lặp lại một cách vô thức những câu, “Con quy y Phật, Pháp, Tăng”, mà còn tự nhắc nhở mình một cách rõ ràng về phương hướng này. Thông thường thì mình sẽ lạy ba lạy kèm theo với việc này, nhưng không nhất thiết phải lạy.
 
(5) Điều hướng dẫn thứ năm là dù cho điều gì có xảy ra, thì ta sẽ nương tựa vào pháp quy y, để được dìu dắt. Trong những trường hợp khủng hoảng và vân vân, thì đây là những điều mình sẽ nương tựa vào. Ta không chỉ cầu nguyện, “Xin Phật cứu con”, mà đang tự hỏi, “Đức Phật sẽ khuyên dạy như thế nào về cách xử lý tình huống này?”. Rồi thì mình sẽ cố gắng thực hiện điều đó.

Bạn bè có thể thông cảm và giúp đỡ ta, và có thể giúp đỡ với những vấn đề về máy móc như máy vi tính, hoặc xe hơi của mình bị hư. Nhưng đối với những vấn đề cá nhân trong đời sống thì bạn bè sẽ bị hạn chế. Họ cũng có vấn đề riêng của họ. Chẳng may là bạn bè chắc chắn sẽ khiến cho ta thất vọng. Mình có hy vọng không thực tế là họ sẽ làm giảm bớt nỗi đau hay rắc rối của mình, và quên mất sự kiện là mình không phải là điều duy nhất trong cuộc sống của họ. Tại sao mình phải là điều quan trọng nhất mà họ phải dồn toàn bộ thời gian và sức lực của họ cho mình? Điều đó rất ích kỷ, đúng không? Chắc chắn là với lòng kỳ vọng như vậy thì họ sẽ làm cho ta thất vọng. Họ có những việc khác để làm, có những mối quan tâm khác, và có những vấn đề khác.

Thầy của mình có thể bận rộn, và có thể không có thời gian. Các ngài có thể đang ở một nước khác, hay sao đó, nhưng nguồn cảm hứng của các thầy luôn có mặt. Giáo pháp, điều mà mình có thể áp dụng, thì luôn luôn có mặt sẵn sàng. Điều này sẽ không làm cho ta thất vọng, nếu như mình chịu tiếp nhận nguồn cảm hứng ấy, và cố gắng thực hành những phương pháp này.

(6) Cam kết cuối cùng của những chỉ giáo này là không bao giờ từ bỏ pháp quy y trong cuộc sống, dù cho điều gì sẽ xảy ra. Bản chất của luân hồi, bản chất của đời sống là thăng giáng thất thường. Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của những bậc thầy vĩ đại ở Tây Tạng. Các ngài đã từng là những hành giả tinh tấn như vậy suốt đời, rồi sống trong trại tập trung của Trung Quốc trong hai mươi năm. Hoàn toàn có khả năng là cái ngài sẽ bỏ cuộc, cảm thấy việc tu hành là vô ích, nhưng lại không làm như vậy. Một ví dụ khác là một người đã tu tập rất nhiều trong đời sống, rồi bỗng nhiên mắc phải bệnh ung thư đau đớn khủng khiếp, nhưng cũng không từ bỏ việc tu hành.

Như một vị đạo sư Tây Tạng đã nói một cách rất ngắn gọn, thì chúng ta mong đợi gì ở luân hồi? Liệu mình có hy vọng là mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, hay trở nên tốt đẹp hơn? Bản chất của luân hồi là thăng trầm. Đôi khi thì nó sẽ đi xuống, và mình sẽ trải nghiệm những điều rất khó chịu, không cần biết mình đã làm điều gì tích cực trước đây. Hãy cố không nản lòng vì điều đó và, bất kể điều gì sẽ xảy ra thì hãy tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực này.

Đôi khi, người Tây Tạng thích sử dụng các ví dụ trong thế giới động vật. Serkong Rinpoche luôn luôn thích đến rạp xiếc, hay bể cá, nơi người ta huấn luyện hải cẩu, hoặc cá heo. Khi ta tu tập và làm điều gì tích cực, thì có trông mong là mình sẽ giống như một con hải cẩu được huấn luyện, hay một con cá heo được huấn luyện, và Đức Phật sẽ ném cho mình một con cá hay không? Ta có nghĩ rằng mỗi khi mình hành xử một cách tích cực thì sẽ nhận được phần thưởng hay không? Rõ ràng, đây không phải là cách mà mình thực hành những pháp tu này.

Điều này sẽ cho ta điều gì để suy nghĩ. Theo một nghĩa nào đó thì có phải là mình chỉ tu hành như một mánh khóe không? Giống như một con thú được huấn luyện, có phải mình đang làm điều gì tích cực chỉ để nhận được phần thưởng không? Hay mình đang làm điều đó để cải thiện đời sống, và cuối cùng, để giúp đỡ người khác một cách tốt nhất? Cho dù sự việc đang diễn ra tốt đẹp hay không thì ta sẽ tin chắc rằng về lâu về dài thì sự việc sẽ tốt đẹp hơn. Vậy thì ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Lời Kết

Điều này đã hoàn tất bài thuyết trình ngắn về những cách tu tập do ngài Vô Trước nêu ra, và về các giáo pháp tinh túy, nói về cách tự tu tập để quy y Phật, Pháp và Tăng trong đời sống. Điều này cho ta một dấu hiệu hoàn toàn rõ ràng về ứng dụng thực tiễn của việc quy y trong đời sống, cũng như những gì mình sẽ thực hiện hàng ngày, và sự hướng dẫn đối với việc quy y trong đời sống hàng ngày. Quy y không chỉ là làm người tốt, mà còn bao gồm việc nghiên cứu, học hỏi giáo pháp, thể hiện lòng tôn kính với đường tu và những người đang noi theo đường tu, và tất cả những điểm cụ thể khác. Đây là một chương trình đầy đủ để đưa một ý nghĩa tích cực vào trong đời sống.

Top