Lorig: Những Cách Nhận Biết

Làm thế nào để nhận biết bất cứ điều gì? Chúng ta biết sự vật bằng cách nhận thức chúng bằng giác quan hay tư tưởng, nhưng không phải tất cả những điều mình thấy, nghe hoặc nghĩ là chính xác. Thường là ta không biết rất chắc chắn về điều mình đã thấy, và thỉnh thoảng, khi mình nghĩ điều gì như thế này hay như thế kia, thì cũng không chắc chắn lắm. Những cách nhận biết là chủ đề liên quan đến nhiều cách khác nhau mà mình nhận thức đối tượng, về độ chính xác và tính quyết đoán. Nó là một thành phần chính của bản đồ tâm thức trong đạo Phật.

Tâm Hành

Theo hệ thống học thuyết Kinh Lượng Bộ (Sautrantika; mDo-sde-pa) của Phật giáo Ấn Độ thì có bảy cách nhận biết đối tượng. Để hiểu bảy cách này chi tiết hơn thì trước tiên, phải biết một cách nhận biết là gì. Một cách nhận biết là một hình thức của tâm hành (hoạt động tinh thần), và tâm hành là cái mà thuật ngữ “tâm” đề cập đến trong đạo Phật. Tâm hành của mình thì riêng biệt, vô thỉ vô chung, tiếp diễn một cách không gián đoạn, và luôn nhận thức một đối tượng tiêu điểm - đối tượng mà nó tập trung vào. Nói chung thì nó nhận thức một đối tượng bằng cách khiến cho một tâm ảnh ba chiều về đối tượng phát sinh một cách đồng thời và tương đương với việc chú tâm vào nó, theo một cách nào đó. Tâm hành thực hiện điều này mà không có một cái “tôi” hiện hữu một cách độc lập đang thực hiện nó, hay một tâm thức tồn tại một cách độc lập mà cái “tôi” đang sử dụng để thực hiện nó. Vậy thì bảy cách nhận biết là các loại tâm hành về các đối tượng tiêu điểm. Bảy loại này là:

  1. Hiện thức (mngon-sum
  2. Tỷ lượng thức (rjes-dpag)
  3. Tái nhận thức (bcad-shes
  4. Hiển nhi bất định thức (snang-la ma-nges-pa)  
  5. Giả định thức (yid-dpyod)
  6. Hoài nghi thức (the-tshom)
  7. Tà thức (log-shes)

Hiện Lượng

Trong bảy cách nhận biết thì chỉ có hai cách trong số này có thể là những cách nhận biết điều gì một cách xác thực: hiện thức (pratyaksa, bare cognition) và tỷ lượng thức (inferential cognition).

Hiện lượng (nhận thức xác thực, valid cognition, tshad-ma) là một nhận thức mới và không lầm lẫn.

  • Mới (gsar) – nhận thức mới là nhận thức không phụ thuộc vào nhận thức vừa xảy ra trước đó về cùng một đối tượng, như là cận duyên đối với tính minh bạch, chính xác và quả quyết của nó.
  • Không lầm lẫn (mi-bslu-ba) - nhận thức không lầm lẫn là một nhận thức vừa chính xác, vừa quả quyết.

Tái nhận thức (subsequent cognition) thì không xác thực, bởi vì nó không phải là nhận thức mới. Hiển nhi bất định thức (non-determining cognition), giả định thức (presumption) và hoài nghi thức (doubt) thì không xác thực, bởi vì chúng không quả quyết. Và tà thức (distorted cognition) thì không xác thực, bởi vì nó không chính xác.

Trí Lãnh Hội

Một nhận thức sẽ lãnh hội đối tượng của nó, nếu như nó vừa chính xác, vừa quả quyết, nói cách khác là nếu như nó không sai lầm. Đối tượng nhận thức (‘jug-yul) của một nhận thức là đối tượng chánh mà một nhận thức nào đó chú tâm vào. Chẳng hạn như dù cho mình nhìn thấy ai, hay nghĩ về người nào, thì đối tượng nhận thức là hình dạng có màu sắc của một sắc tướng của hiện tượng vật chất; một đối tượng thông thường, nới rộng sang những thông tin giác quan khác, như âm thanh, mùi hương, xúc chạm, và theo thời gian; nó là loại đối tượng gì (chúng ta đang nhìn thấy một cơ thể), và cũng đang nhìn thấy một người, như một biến tố được định danh cho cơ thể.

Nhận thức không cần phải mới mẻ thì mới lãnh hội được đối tượng nhận thức của nó. Do đó, hiện thức, tỷ lượng thức và tái nhận thức đều là chứng ngộ (rtogs-pa). Có hai cách, hiểu rõ và hiểu ngầm.

  • Hiểu rõ (dngos-su rtogs-pa) - đối tượng nhận thức xuất hiện trong nhận thức, như khi suy ra rằng người mà mình thấy là Mary.
  • Hiểu ngầm (shugs-la rtogs-pa) - đối tượng nhận thức không xuất hiện, như khi suy ra người mà mình thấy không phải là Susan.

Tất cả các trường hợp cá biệt của ba loại nhận thức lãnh hội đối tượng của chúng sẽ làm như vậy với sự thấu hiểu rõ ràng; nhưng chỉ một vài loại trong ba loại này mới có cả hai yếu tố hiểu rõ và hiểu ngầm. Việt hiểu ngầm về một đối tượng không thể xảy ra, nếu như nó không xảy ra đồng thời với việc hiểu rõ điều gì. Trong bất cứ nhận thức nào thì tâm ảnh ba chiều nào đó cần phải xuất hiện.

Nhận Thức Hữu Niệm Và Nhận Thức Vô Niệm

Nhận thức khái niệm (rtog-bcas shes-pa) là nhận thức về điều gì, qua một phạm trù tinh thần như là đối tượng xuất hiện. Đối tượng xuất hiện (snang-yul) của một nhận thức là đối tượng trực tiếp phát sinh trong nhận thức, như thể nó ở ngay trước ý thức một cách trực tiếp. Trong trường hợp đối tượng xuất hiện là một phạm trù tinh thần, thì phạm trù là một hiện tượng siêu hình thường hằng (spyi-mtshan), giống như một ý tưởng, một hiện tượng chân thật bề ngoài (kun-rdzob bden-pa), không có sự xuất hiện nào của riêng nó. Nó chỉ minh bạch phân nửa, giống như một tấm màn mỏng, và qua đó, một tâm ảnh ba chiều (rnam-pa, khía cạnh tinh thần) phát sinh cho một cái gì đó, đại diện cho phạm trù trong nhận thức. Hình tướng xuất hiện trong nhận thức khái niệm là hình tướng của tâm ảnh ba chiều này; nhưng đối tượng xuất hiện là phạm trù tinh thần, vì nó là đối tượng được nhận biết trước tiên trong nhận thức. Điều thật sự mà mình đang khái niệm hóa có thể có mặt hay không có mặt, khi có nhận thức khái niệm về nó.

  • Nó có mặt, khi mình nhìn thấy một cái gì đó, rồi nó phù hợp với một phạm trù của những thứ khác giống như nó.
  • Nó không có mặt, khi mình chỉ nghĩ về thứ đó, nhưng vẫn là đối tượng tri giác của nhận thức khái niệm, bởi vì mình đang nghĩ về nó.

Phạm trù tinh thần có thể là một âm thanh hay đối tượng. Một phạm trù âm thanh (sgra-spyi) là phạm trù tinh thần mà mình đặt tất cả những âm thanh của một từ ngữ cụ thể được thốt ra vào trong đó. Không cần biết chữ “xoài” được nói theo giọng gì, âm lượng hay cách phát âm nào, thì với nhận thức khái niệm, mình sẽ đưa nó vào trong cùng một phạm trù âm thanh; chúng đều là những ví dụ của cùng một chữ. Phạm trù đó được chỉ định bằng chữ "xoài", nên mình biết tất cả những âm thanh này là âm thanh của cùng một chữ, “xoài”.

Tương tự như vậy, khi nhìn thấy một giỏ đầy xoài, không cần biết kích cỡ, màu sắc hay hình dạng của mỗi trái xoài ra sao, nhưng về mặt khái niệm thì mình đều đưa tất cả những trái xoài này vào trong cùng một phạm trù đối tượng (don-spyi); chúng đều là trái cây cùng loại. Tuy về mặt khách quan thì những trái cây này đều là xoài, nhưng có thể là mình không biết loại trái cây này là gì, hay nó gọi là gì; nhưng nếu như mình biết chúng là xoài, và được gọi bằng chữ “xoài”, thì phạm trù đối tượng mà mình sẽ đưa chúng vào trong đó cũng là một phạm trù ý nghĩa (don-spyi). Tất cả những trái cây này là những gì mà âm thanh có ý nghĩa phù hợp với phạm trù âm thanh, được định danh bằng chữ “xoài”.

Những phạm trù này là những pháp thường hằng, và theo sự khẳng định của Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), thì chúng là những thực thể siêu hình. Chúng không thể thực hiện bất cứ chức năng nào, nên không thể tính là có những thứ như vậy, dựa trên thực tế là chúng làm điều gì. Chỉ có thể tính là có chúng, nhờ thực tế là mình có khái niệm về các phạm trù, và đây là điều mà khái niệm đó đề cập đến. Nếu không có cái gọi là phạm trù, thì làm sao ta có thể nhận diện những đối tượng khác nhau, vì tất cả đều là những ví dụ của cùng một loại đối tượng hay âm thanh khác nhau, vì tất cả đều là âm thanh của cùng một chữ?

Nhận thức vô niệm (rtog-med shes-pa) là nhận thức diễn ra mà không qua trung gian của một phạm trù. Khi nhìn thấy một quả xoài trong cửa hàng, thì việc mình nhìn thấy nó là vô niệm. Trên thực tế thì cái mà mình thấy là một quả xoài, nó không phải là không có gì; nhưng mình không đưa nó vào phạm trù của xoài, khi mới vừa nhìn thấy nó. Nói cách khác là mình chỉ có thể biết nó là một quả xoài về mặt khái niệm, bằng cách đưa nó vào phạm trù “xoài”.

Theo hệ thống Kinh Lượng Bộ thì các đối tượng có thể được biết bằng vô niệm một cách xác thực đều là những thực thể khách quan (rang-mtshan), là chân lý tối hậu (don-dam bden-pa). Chúng vô thường, có nghĩa là chúng chịu sự tác động của nhân duyên, nên thay đổi từ sát na này sang sát na khác, và tạo ra kết quả. Có thể tính là có đối tượng khách quan, vì sự kiện là chúng tạo ra kết quả. Các pháp vô thường bao gồm tất cả các hình thức đối tượng vật chất, như cảnh vật và âm thanh, tất cả những cách nhận biết sự vật, như nhãn thức hay ý thức, tình thương, hạnh phúc và sân hận, và tất cả các pháp vô thường mà không phải là một trong hai loại này, giống như con người, sự chuyển động và tuổi tác.

Hiện Thức

Hiện thức được định nghĩa là nhận thức không lầm lẫn, vô niệm, mà trong đó, đối tượng xuất hiện là một thực thể khách quan, cụ thể là một pháp vô thường. Nói một cách chính xác hơn thì đối tượng xuất hiện trong nhận thức, và điều xuất hiện là một tâm ảnh ba chiều của đối tượng vô thường.

Vậy thì hiện thức thoát khỏi bốn nguyên nhân tạo ra sự lầm lẫn:

1. Tính phụ thuộc - nếu nhận thức vô niệm dựa vào một bộ phận giác quan có khuyết tật, chẳng hạn như khi bị lé mắt, thì mình sẽ có song thị (double vision), và thấy hai mặt trăng. Đó là điều sai lầm.

2. Đối tượng - nếu đối tượng của nhận thức vô niệm đang di chuyển rất nhanh, giống như bạn đang xoay đèn pin trong bóng tối rất nhanh, thì sẽ bị nhầm lẫn và thấy một vòng tròn ánh sáng.

3.  Hoàn cảnh – trong xe lửa đang chạy thì mình sẽ thấy cây cối bên ngoài chạy về phía mình rất nhanh, rồi lại lùi lại rất nhanh, như thể chúng đang di chuyển về phía sau, và thấy sự việc theo vô niệm.

4. Cận duyên - nếu ngay lập tức trước khi nhìn người nào mà tâm mình bị xáo trộn mạnh mẽ, ví dụ như sợ hãi, thì mình có thể thấy những điều không có mặt ở đó.

Dù cả bốn trường hợp là nhận thức vô niệm, nhưng chúng không phải là ví dụ của hiện thức.

Có bốn loại hiện thức:

1. Căn hiện thức bằng một trong năm loại thức giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức) phát sinh bằng cách dựa vào một trong ngũ căn như là tăng thượng duyên của nó. Một tăng thượng duyên (bdag-rkyen) đối với một nhận thức là điều quyết định loại nhận thức đó là gì – nhãn thức, nhĩ thức và vân vân. Ngũ căn là các tế bào nhạy cảm với ánh sáng của mắt, nhạy cảm với âm thanh của tai, nhạy cảm với mùi hương của mũi, nhạy cảm với vị nếm của lưỡi và nhạy cảm với sự xúc chạm của thân. Xin lưu ý rằng các thức của giác quan chỉ có thể nhận thức đối tượng một cách vô niệm, trong khi ý thức thì có thể nhận thức đối tượng bằng vô niệm hay khái niệm.

2. Ý hiện thức bằng ý thức có thể là về bất cứ đối tượng vô thường nào. Nó phát sinh bằng cách dựa vào một ý căn làm tăng thượng duyên của nó. Ý căn của một nhận thức đề cập đến sát na ý thức ngay trước đó. Nếu như không có thân căn nào liên hệ với một nhận thức, thì ý thức của sát na trước đó sẽ quyết định rằng nhận thức trong sát na tiếp theo sẽ thuần túy là bằng tinh thần. Vì bộ não có liên quan đến tất cả các loại nhận thức, nên nó không được xem như một căn trong hệ thống Phật giáo. Ý hiện thức xảy ra với thần thông, chẳng hạn như đọc được ý nghĩ của người khác, cũng như đối với một khoảnh khắc ở cuối dòng căn hiện thức.

3. Tự chứng phần hiện thức. Theo các hệ thống học thuyết Kinh Lượng Bộ, Duy thức (Chittamatra) và Trung quán Y tự khởi (Yogachara Svatantrika) thì cách nhận biết điều gì không chỉ bao gồm một vài loại tâm vương và tâm sở, mà còn bao gồm tự chứng phần (rang-rig). Tự chứng phần đi kèm với mọi sát na nhận thức vô niệm và khái niệm về một đối tượng, mặc dù bản thân nó thì luôn luôn vô niệm. Nó tập trung vào, và chỉ nhận thức các loại nhận thức khác liên quan đến việc nhận thức - cụ thể là tâm vương và các tâm sở. Nó không nhận thức đối tượng của tâm vương và tâm sở mà nó đang chú trọng đến. Nó gieo trồng bất tương ưng hành pháp của một dấu ấn tinh thần hay tập khí nhận thức mà nó nhận thức, là điều cho phép việc hồi tưởng lại nhận thức đó với chánh niệm. Việc hồi tưởng lại nó xảy ra bằng nhận thức khái niệm về một tâm ảnh ba chiều, giống như đối tượng được nhận thức trước đó, và một phạm trù đối tượng xuất phát từ đối tượng đó, mà tất cả tâm ảnh ba chiều giống với đối tượng này sẽ nằm trong đó. Tự chứng phần hiện thức cũng xác định liệu nhận thức mà nó đi kèm có phải là nhận thức xác thực hay không.

4. Du già hiện thức là bằng ý thức, dựa vào cặp định (shamatha) và tuệ (vipashyana) để sinh khởi. Đối tượng của nó là tánh vô thường vi tế, hay sự vắng bóng của một linh hồn thô trược hay vi tế bất khả của một hữu tình. Nó chỉ xảy ra với thánh nhân, và chỉ trong thời thiền nhập định, ngoại trừ trường hợp của một vị Phật.

Hiện thức có ba nhóm: hiện lượng, tái nhận thức và hiển nhi bất định. Căn hiện thức, ý hiện thức và tự chứng phần hiện thức có tất cả ba nhóm này. Du già hiện thức chỉ có hai nhóm hiện lượng và tái nhận thức, chứ không bao giờ là hiển nhi bất định.

Chỉ một phần triệu giây đầu tiên của căn hiện thức về một đối tượng là hiện lượng. Nó được theo sau bằng một chuỗi tái nhận thức bằng căn hiện thức, mà nhận thức về đối tượng không còn mới mẻ nữa, Giai đoạn này được tiếp nối bằng hiển nhi bất định căn hiện thức của đối tượng, mà trong thời gian này thì đối tượng không còn được nhận thức một cách xác quyết nữa, mặc dù nó vẫn xuất hiện một cách chính xác. Tiếp theo là một giai đoạn ngắn của ý hiện thức, nhưng quá ngắn ngủi, đến nỗi nó và tự chứng phần hiện thức đi kèm với nó không thể xác quyết về đối tượng của mình. Vì vậy, trên thực tế thì chúng là hiển nhi bất định hiện thức. Giai đoạn nhất thời của hiển nhi bất định hiện thức này là điều cần thiết, để có ý thức về đối tượng, trước khi mình có nhận thức bằng khái niệm về nó.

Cho dù hiển nhi bất định hiện thức xảy ra sau một chuỗi căn hiện thức, hay sau một chuỗi hiện thức, rồi đến thần thông tái nhận thức, được tiếp nối bằng nhận thức bằng khái niệm về đối tượng, trong thời gian đó thì đối tượng được nhận thức qua máy lọc của phạm trù tinh thần.

Du già hiện thức thì thoát khỏi hôn trầm vi tế, nên luôn luôn sống động. Nhưng chỉ sát na đầu tiên của nó là mới mẻ, theo nghĩa là nó không phụ thuộc vào sát na ngay trước đó của cùng một đối tượng như cận duyên cho tánh quang minh và hiểu biết của nó. Vì vậy, ngoài trường hợp của chư Phật ra thì du già hiện thức của thánh nhân được tiếp nối bằng một giai đoạn du già tái nhận thức hiện thức. Nhưng ngay cả đối với thánh nhân thì không có du già hiển nhi bất định hiện thức.

Tỷ Lượng Thức

Tỷ lượng thức là một nhận thức khái niệm xác thực về một sự kiện ẩn tàng hay cực kỳ ẩn tàng, dựa vào một lý do đúng đắn làm cơ sở. 

Có ba loại đối tượng có thể được nhận biết một cách xác thực:

1. Hiện tiền phần (mngon-gyur, obvious objects) - giống như cảm giác bệnh hoạn trong người. Có thể nhận biết chúng một cách vô niệm bằng hiện thức, bằng cách chỉ dựa vào các căn của mình. Ta có thể biết mình không khỏe, nhờ vào thân thức của mình. Tất nhiên là mình phải có khả năng phân biệt giữa việc bị bệnh thật, hay chỉ là người mắc chứng nghi bệnh (hypochondriac).

2. Ít ẩn tế phần (lkog-gyur, obscure objects) - giống như căn bệnh làm cho mình trải nghiệm những điều mà ta cảm nhận. Chỉ có thể biết những điều như vậy, bằng cách dựa vào lý luận, như khi bác sĩ chẩn đoán mình bị bệnh gì, dựa vào thông tin sau khi mình đã đi khám bệnh kỹ lưỡng: “Nếu có những triệu chứng này, thì nó là bệnh này hay bệnh kia.”. Tất nhiên, không phải việc chẩn bệnh nào cũng đúng.

3. Cực ẩn tế phần (shin-tu lkog-gyur, extremely obscure objects) - giống như tên của người đã tìm ra cách chữa căn bệnh mà mình đang mắc phải. Mình chỉ có thể biết điều đó bằng cách dựa vào một nguồn thông tin hợp lệ, giống như điều gì mà mình thấy trên internet, và suy luận rằng thông tin đó là đúng, vì nguồn thông tin đó có thẩm quyền. Nhưng tất nhiên là phải có một số lý do hợp lệ, để suy luận rằng những điều mà mình đọc là từ một nguồn tin hợp lệ. Đây là điều mà không phải lúc nào cũng dễ đánh giá, như trong trường hợp của một bài trong Wikipedia, hay blog. 

Có ba loại tỷ lượng thức:

1. Tỷ lượng thức dựa vào mãnh lực của sự thật, hay lý luận loại suy (dngos-stobs rje-dpag) - thông qua điều này, mình sẽ sử dụng lý lẽ không sai lầm để đi đến kết luận đúng đắn về điều gì ẩn tàng. Chẳng hạn, giả sử người hàng xóm của mình đang làm gì rất ồn ào. Ta có thể bực bội và nóng nảy, bởi vì vấn đề âm thanh vô thường không phải là điều rõ rệt. Tuy nhiên, nếu như dựa vào bằng chứng, thì ta có thể tự chứng minh tiếng ồn này sẽ kết thúc, đơn giản là vì nó là nhân tạo. Nếu như muốn làm như vậy, thì phải dựa vào dòng lý luận như sau: Một người đàn ông đã tạo ra tiếng ồn này; tất cả những gì nhân tạo đã trôi qua như những sự kiện lịch sử; không có điều gì do nhân tạo mà lại tồn tại mãi mãi, như dòng tâm thức của mình. Do đó, ta có thể chắc chắn là tiếng ồn này cũng sẽ kết thúc, vì nó là điều nhân tạo. Với kiến thức đúng đắn như vậy thì ta có thể kiểm soát cơn giận của mình.

2. Tỷ lượng thức dựa vào danh tiếng (grags-pa'i rje-dpag) – nhờ có điều này mà mình mới hiểu được ngôn ngữ. Khi nghe ai nói, hay thiết bị điện tử tạo ra những âm thanh nào đó, thì mình cũng suy ra điều gì mơ hồ: chắc đó là âm thanh này, đó là âm thanh của chữ này và chữ kia, và suy diễn thêm rằng nếu đó là âm thanh của chữ này và chữ kia, thì nó sẽ có ý nghĩa như thế này và như thế kia. Chúng ta cũng sử dụng lý lẽ tương tự để đọc: khi thấy những nét vẽ theo kiểu mẫu nào đó, thì mình sẽ suy luận chúng là những chữ được viết như vậy, và có nghĩa như thế này và như thế kia. Một ví dụ khác là khi nghe thấy tiếng “một cộng một” thì mình sẽ suy ra điều này có nghĩa là “hai”, hoặc khi nghe câu “bằng hữu tốt nhất của người đàn ông” trong tiếng Anh, thì ta sẽ nghĩ rằng điều này nói về con chó.

3. Tỷ lượng thức dựa vào tín tâm (yid-ches rjes-dpag) – nhờ có điều này mà mình mới  nhận biết điều gì cực kỳ ẩn tàng, chẳng hạn như ngày sinh của mình. Để biết ngày mà mình được sinh ra thì phải dựa vào một nguồn thông tin hợp lệ, chẳng hạn như mẹ của mình. Sau đó, ta sẽ suy luận rằng mẹ mình là nguồn thông tin hợp lệ về ngày sinh nhật của mình, bởi vì bà đã có mặt khi mình được sinh ra. Do đó, tôi có thể tin chắc rằng ngày tháng mà bà cho tôi biết là đúng.

Tái Nhận Thức

Tái nhận thức là một nhận thức không xác thực, thấu hiểu điều gì đã được hiểu rồi. Nó chính xác và xác quyết, nhưng không phải là cách nhận biết xác thực, bởi vì nó không mới mẻ. Điều đó có nghĩa là nó phụ thuộc vào nhận thức ngay trước đó về đối tượng tương tự như cận duyên cho tánh quang minh và hiểu biết của nó. Nó thiếu sức mạnh để thiết lập tính mới mẻ của riêng mình.

Có ba loại tái nhận thức phát sinh trong một dòng tương tục nhận thức về một đối tượng:

1. Tái nhận hiện thức - giai đoạn thứ hai của hiện thức về một đối tượng, tiếp nối từ sát na đầu tiên của hiện thức về nó. Tái nhận thức hiện thức có thể là giác quan, tinh thần, tự chứng phần, hay du già. Tuy nhiên, du già tái nhận thức hiện thức chỉ xảy ra trong trường hợp của thánh nhân chưa thành Phật.

2. Tái nhận tỷ lượng thức - giai đoạn thứ hai của tỷ lượng thức về một đối tượng, tiếp nối sát na đầu tiên của tỷ lượng thức về nó.

3. Tái nhận thức không thuộc về hai loại trên – chẳng hạn như nhận thức khái niệm về việc ghi nhớ điều gì một cách đúng đắn, mà đã được nhận thức một cách xác thực trước đó. Cả sát na đầu tiên, cũng như giai đoạn thứ hai của tiến trình là những sự tái nhận thức, vì cả hai đều dựa vào việc đã nhận thức điều gì trước đó rồi, ngay cả khi điều đó không xảy ra ngay lập tức, trước khi mình ghi nhớ nó. Ví dụ là việc nhớ tên ai đó, hay nhớ là đã gặp họ trước đó rồi, cũng như nhớ rằng một cộng một là hai.

Hiển Nhi Bất Định Thức

Hiển nhi bất định thức là một cách nhận biết, khi một thực thể khách quan xuất hiện rõ ràng trước một trong những loại tâm vương, mà đối tượng nhận thức lại không được xác định. Do đó, nó chỉ xảy ra với nhận thức vô niệm. Trong một nhận thức khái niệm thì tâm sở tác ý có thể yếu ớt, nên ta trải nghiệm tâm trạo cử vi tế, chứa đựng một dòng tư tưởng ngoại lai, nhưng đây không phải là hiển nhi bất định thức, mà chỉ là lỗi lầm của tác ý.

Có ba loại hiển nhi bất định thức:

1. Hiển nhi bất định căn hiện thức  - ở khúc cuối của một chuỗi tái nhận căn hiện thức, khi nhận thức sắp chuyển sang trước tiên là ý hiện thức, rồi đến nhận thức khái niệm về cùng một đối tượng nhận thức. Hiển nhi bất định căn hiện thức cũng bao gồm nhận thức bằng giác quan trong tiềm thức, chẳng hạn như việc nhận thức đối tượng tri giác của một thức của giác quan, trong khi có hiện thức của một đối tượng khác với một giác quan khác; chẳng hạn như có hiện thức về cảm giác quần áo đang chạm vào thân thể mình, trong khi đang nhìn một cái gì đó. Tuy nhiên, nó không bao gồm việc không chú ý đến của một số khía cạnh của đối tượng của căn hiện thức, trong khi tập trung vào một vài khía cạnh khác, chẳng hạn như không chú ý đến các bức tranh trên tường, khi mình đang nhìn người nào.

2. Hiển nhi bất định ý hiện thức - ở khúc cuối của chuỗi tái nhận thức ý hiện thức, chẳng hạn như khả năng tha tâm thông, đọc được tâm của người khác, khi nhận thức sắp chuyển sang nhận thức khái niệm của cùng một đối tượng. Ngoài ra, hiển nhi bất định là sát na ngắn ngủi của ý hiện thức, xảy ra giữa một sát na của hiển nhi bất định căn hiện thức và nhận thức khái niệm về một đối tượng.

3. Hiển nhi bất định hiện thức tự chứng phần – ở người bình thường thì sát na nhỏ nhất của hiện thức của tự chứng phần đi kèm với căn hiện thức hay ý hiện thức thì luôn luôn là hiển nhi bất định. Đó là vì phải mất hơn một sát na để tự chứng phần của họ xác định được đối tượng của mình. Tuy nhiên, hiển nhi bất định hiện thức tự chứng phần không xảy ra vào khúc cuối của một chuỗi du già hiện thức. Đó là vì du già hiện thức thì không bao giờ là hiển nhi bất định.

Giả Định Thức 

Giả định thức là một cách nhận biết không xác thực, nhận thức đối tượng của nó một cách đúng đắn, bằng khái niệm một cách mới mẻ. Giống như tỷ  lượng thức, nó mới đi đến một kết luận đúng, nhưng không thật sự lãnh hội nó, hay hiểu biết một cách đúng đắn tại sao nó là sự thật. Vì không quả quyết, nên nó không phải là một cách xác thực để nhận biết điều gì.

Có năm loại giả định thức:

1. Giả định điều gì đúng là sự thật, mà không có lý do - kết luận đúng rằng ở Bắc bán cầu thì ngày trở nên ngắn hơn vào mùa đông, nhưng không biết tại sao nó là như vậy. Ở đây còn kể cả ước đoán đúng đắn, như khi mình không nhớ tên ai đó, nhưng lại đoán đúng.

2. Giả định điều gì đúng là sự thật, vì lý do mâu thuẫn - kết luận rằng ngày trở nên ngắn hơn vào mùa đông, vì Bắc bán cầu nghiêng về phía mặt trời trong thời gian đó.

3. Giả định điều gì đúng là sự thật, vì lý do vô xác định - kết luận rằng ngày trở nên ngắn hơn vào mùa đông, vì trái đất xoay quanh mặt trời.

4. Giả định điều gì đúng là sự thật, vì một lý do không liên quan đến nó - kết luận rằng vào mùa đông thì ngày ngắn hơn, vì ngày lạnh hơn.

5. Giả định điều gì là đúng là sự thật, vì một lý do đúng, nhưng không quả quyết - kết luận rằng vào mùa đông thì ngày ngắn hơn, vì Bắc bán cầu cách xa mặt trời hơn trong thời gian đó, nhưng không hiểu điều đó ảnh hưởng đến khoảng thời gian trong ngày như thế nào.

Kiến thức thu thập được nhờ giả định thức thì không ổn định. Khi mình đọc hay nghe một vài sự kiện, và chỉ chấp nhận nó bằng tín tâm mà thiếu sự phê phán, không khảo sát nó, để hiểu nó đúng như thế nào, nên thường không thể nhớ nó.

Hoài Nghi Thức

Nghi là một tâm sở có thể đi kèm với nhận thức khái niệm về đối tượng nào đó, và tự hỏi về hai kết luận liên quan đến đối tượng này. Nói cách khác là nó lưỡng lự giữa hai phạm trù mà nó có thể sử dụng để nhận thức đối tượng. Có ba loại:

  1. Nghi ngờ nghiêng về sự thật.
  2. Nghi ngờ không nghiêng về sự thật.
  3. Nghi giờ đồng đều giữa hai bên.

Tà Thức

Tà thức là một cách nhận biết mà nắm bắt đối tượng của nó một cách không đúng đắn. Có hai loại:

1. Tà thức hữu niệm - nhận thức lầm lạc về đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm. Một đối tượng như vậy là đối tượng tồn tại theo cách mà nó được nhận thức. Một ví dụ là nhận thức khái niệm chấp trước vào một linh hồn bất khả của một chúng sinh. Không có cái gì là linh hồn bất khả của một chúng sinh, tương ứng với nhận thức này, và tồn tại theo cách mà nó được nhận thức. Tà thức hữu niệm là nhầm lẫn, bởi vì nó tin rằng đối tượng được ám chỉ bằng khái niệm, một linh hồn bất khả dĩ của một người thật sự tồn tại; trong khi nó không hề tồn tại.

2. Tà thức vô niệm - nhận thức lầm lạc về đối tượng mà nó chú ý đến, dù đối tượng này xuất hiện một cách rõ ràng đối với nó. Ví dụ là nhãn thức vô niệm về hai mặt trăng của một người bị lé mắt. Khi nhìn lên mặt trăng thì có hai mặt trăng xuất hiện rõ ràng, nhưng trên thực tế thì không có hai mặt trăng.

Nhận Thức Dường Như Là Hiện Thức, Hay Nhận Thức Lầm Lẫn

Nhận thức dường như là hiện thức hay nhận thức lầm lẫn là một cách nhận biết nhầm lẫn về đối tượng của nó. Nó lẫn lộn đối tượng xuất hiện của nó với thực thể khách quan thật sự, là đối tượng nhận thức của nó. Mặt khác thì tà thức lầm lẫn rằng điều gì thật sự tồn tại. Nó nhầm lẫn đối tượng của nó, với điều gì không hề tồn tại.

Cả hai nhận thức lầm lẫn và tà thức có thể là hữu niệm hoặc vô niệm.

  • Trong một nhận thức khái niệm thì đối tượng xuất hiện là một thực thể siêu hình, cụ thể là một phạm trù, chẳng hạn như một con chó. Đối tượng nhận thức của nó là một con chó thật sự, một thực thể khách quan. Nhận thức khái niệm thì lầm lẫn, khi nó lẫn lộn một phạm trù với đối tượng thật sự liên quan với nó. Chẳng hạn như, khi nghĩ về một con chó nào đó thuộc về loài chó nói chung, thì mình nghĩ rằng tất cả những con chó đều giống con chó này. Nếu như một nhận thức khái niệm hóa điều gì không tồn tại, thì nó không chỉ lầm lẫn, mà còn là tà thức nữa. Một ví dụ là phạm trù kỳ lân bị nhầm lẫn với kỳ lân thật. Mặc dù chúng ta có thể nghĩ về kỳ lân, nhưng phạm trù đó không tương ứng với bất cứ điều gì, bởi vì không có kỳ lân thật.
  • Trong một nhận thức vô niệm thì đối tượng xuất hiện là một tâm ảnh ba chiều, trong khi đối tượng nhận thức là một thực thể khách quan thật sự. Trong một nhận thức vô niệm lầm lẫn, chẳng hạn như một người bị lé nhìn thấy hai mặt trăng, thì đối tượng xuất hiện là một tâm ảnh ba chiều của hai mặt trăng, trong khi đối tượng nhận thức thật sự là một mặt trăng. Nhận thức này không chỉ nhầm lẫn, mà còn là tà thức, bởi vì nó nhầm lẫn hai mặt trăng với điều gì không tồn tại, cụ thể là có hai mặt trăng.

Có bảy loại nhận thức dường như là hiện thức, 6 loại đầu là hữu niệm, và loại cuối cùng thì vô niệm:

1. Nhận thức dường như là hiện thức về điều gì lầm lẫn - tà thức hữu niệm không phù hợp với thực tế, chẳng hạn như quan niệm sai lầm rằng âm thanh là thường hằng, và nhận thức dường như hiện thức của những đối tượng xảy ra trong chiêm bao và ảo tưởng của người bình thường là việc nhầm lẫn điều hư cấu với thực tế. Điều cũng được kể đến ở đây là ý niệm sai lầm mà một đứa trẻ nghĩ rằng có một con quái vật ở dưới gầm giường.

2. Nhận thức dường như là hiện thức về việc nhận biết điều gì một cách thiển cận - nhận thức khái niệm mà mình sử dụng để nhận thức một thực thể khách quan, thông qua một phạm trù thường hằng ở bề ngoài, và nhầm lẫn các phẩm chất của phạm trù đó với phẩm chất của thực thể khách quan. Chẳng hạn như nghĩ về đối tượng vật chất nào, như một cái bàn, hay một trạng thái tinh thần, chẳng hạn như nỗi buồn, thông qua phạm trù chân thật bề ngoài của một “cái bàn”, hay “nỗi buồn”. Vì là trung gian của phạm trù thường hằng, nên cái bàn có vẻ như vững chắc, và nỗi buồn dường như kéo dài miên viễn, không thay đổi theo thời gian. Nhưng thật ra cái bàn là do các nguyên tử tạo ra, và nỗi buồn thay đổi theo từng khoảnh khắc. Những nhận thức như vậy là lầm lẫn, vì chúng lẫn lộn phạm trù của một đối tượng vững chắc và thường hằng với đối tượng nhận thức, là điều được tạo ra bằng các nguyên tử, hay bao gồm một chuỗi những khoảnh khắc thay đổi. Tuy nhiên, những nhận thức dường như là hiện thức như vậy không phải là tà thức, bởi vì nói một cách khách quan thì có những cái bàn theo lý lẽ thông thường là vững chắc, và những khoảng thời gian dài của cảm giác buồn bã.

3. Nhận thức dường như là hiện thức trong một tỷ lượng thức - nhận thức khái niệm của 3 phẩm bao hàm hợp lý (logical pervasions) được sử dụng, để chứng minh một tôn (luận đề) trong một tỷ lượng thức, thông qua các phạm trù của 3 yếu tố đồng ý, tương đẳng và bất tương đẳng, tạo thành một lý luận. Chẳng hạn như trong tỷ lượng rằng tiếng ồn mà người hàng xóm của mình đang tạo ra sẽ trôi qua, bởi vì một người đàn ông đã tạo ra nó, thì các phạm trù trong 3 yếu tố của một lý luận là các đối tượng xuất hiện. Các đối tượng nhận thức là các phẩm bao hàm hợp lý rằng tiếng ồn mà người hàng xóm của tôi đang tạo ra là nhân tạo, tất cả những thứ nhân tạo đã trôi qua, như các sự kiện lịch sử, và không có gì tồn tại mãi mãi, như dòng tâm thức của mình là nhân tạo. Nhận thức dường như là hiện thức về ba sự thật này trong tỷ lượng thức về chúng là lầm lẫn, ở chỗ nó đã lẫn lộn các phạm trù của 3 yếu tố đồng ý, tương đẳng và bất tương đẳng với tam đoạn luận.

4. Nhận thức dường như là hiện thức về điều gì xuất phát từ một tỷ lượng thức - nhận thức khái niệm về kết luận xuất phát từ lý luận được nhận thức trong một tỷ lượng thức. Chẳng hạn như vào lúc kết thúc của tỷ lượng thức nói trên về 3 yếu tố của lý luận, thì nhận thức dường như là hiện thức khái niệm của kết luận bắt nguồn từ tỷ lượng thức này, cụ thể là tiếng ồn mà người hàng xóm của mình đang tạo ra chắc chắn sẽ trôi qua là điều lầm lẫn, bởi vì nó lẫn lộn giữa phạm trù “tánh vô thường của tiếng ồn do nhân tạo” với sự kiện này.

5. Nhận thức dường như là hiện thức về điều gì mà mình nhớ - nhận thức khái niệm mà nhờ đó, ta mới nhớ lại điều gì mình đã nhận thức trước đây, ví dụ như nhớ mẹ mình nhìn ra sao. Ở đây, ta nhận thức mẹ của mình bằng khái niệm, thông qua phạm trù của mẹ mình, và một tâm ảnh ba chiều đại diện cho cách bà nhìn ra sao. Nhận thức dường như là hiện thức về mẹ mình, khi ta nhớ đến bà là lầm lẫn, vì nó lẫn lộn phạm trù của mẹ mình và một tâm ảnh ba chiều đại diện cho bà, với đối tượng nhận thức, là người mẹ thật sự của mình.

6. Nhận thức dường như là hiện thức về điều gì mà mình hy vọng - nhận thức khái niệm mà mình tưởng tượng điều gì chưa xảy ra, chẳng hạn như tưởng tượng ra ngôi nhà đã hoàn tất, dù mình đang xây dựng nó. Ở đây, mình nhận thức ngôi nhà chưa xây xong bằng khái niệm, qua phạm trù của ngôi nhà đã xây xong. Nhận thức dường như là hiện thức của ngôi nhà đã xây xong chưa xảy ra là lầm lạc, vì nó trộn lẫn và nhầm lẫn giữa phạm trù của căn nhà đã xây xong với đối tượng nhận thức, ngôi nhà chưa xây xong.                              

7. Nhận thức dường như là hiện thức của một đối tượng mờ ảo - nhận thức vô niệm về điều gì không tồn tại trên thực tế. Khi nhìn thấy một cảnh mờ ảo thì nhận thức dường như là hiện thức về nó là nhầm lẫn, vì nó lẫn lộn đối tượng xuất hiện, một cảnh mờ ảo, với đối tượng nhận thức, một đối tượng khách quan như một cái bàn, là thứ không mờ ảo. Nhận thức này cũng điên đảo, bởi vì tính mờ ảo không tồn tại trong thực tại khách quan.

Nhận Thức Tự Xác Định Đối Tượng Của Nó, Hay Được Xác Định Bằng Một Nhận Thức Khác 

Một cách phân loại khác, để phân chia những cách nhận biết xác thực thành hai loại là nhận thức tự xác định đối tượng của nó, và nhận thức cần một nhận thức khác để xác định đối tượng của nó.

Hiện lượng tự xác định đối tượng của nó (hiện lượng tự xác định, rang-las nges-kyi tshad-ma) là một hiện lượng tự xác định đối tượng của nó là gì. Nó không cần phải dựa vào một nhận thức khác để xác định nó là gì. Có năm loại:

1. Hiện thức tự chứng phần - nó tự xác định tâm vương và tâm sở mà nó đang nhận thức là gì.

2. Du già hiện thức - nó tự xác định đâu là vô thường thô hay vi tế, hoặc cái gì không có một cái “tôi” thô hay vi tế bất khả.

3. Tỷ lượng thức - nó tự xác định một kết luận, dựa vào một lý luận.

4. Căn hiện thức về điều gì đang thực hiện công năng của nó - nó tự xác định điều gì đang xảy ra.

5. Căn hiện thức về điều gì quen thuộc - nếu thấy người nào đi bộ trên đường, mà ta thường nhìn thấy hàng ngày, thì mình sẽ tự biết đó là ai.

Hiện lượng cần một nhận thức khác để xác định đối tượng của nó (hiện lượng được xác định bằng nhận thức khác, gzhan-la nges-kyi tshad-ma) là một nhận thức nhận biết một cách xác thực là nó cần có một nhận thức khác để xác định đối tượng của nó là gì. Khi được phân chia theo ý nghĩa từ nguyên học của danh xưng của cách nhận biết này, thì có 3 loại:

1. Căn hiện thức lần đầu tiên về một điều gì đó - ví dụ, khi nhìn vào một thiết bị mới mà mình đã mua mà không rõ ràng về cách sử dụng, thì mình có thể biết rằng để xác định cách sử dụng nó sẽ cần thêm thông tin.

2. Căn hiện thức khi không chú ý – chẳng hạn như khi mải mê suy nghĩ về điều gì đó, và có ai nói điều gì với mình, thì ta biết rằng người đó sẽ phải lặp lại những gì họ đã nói, thì mình mới biết chắc họ đã nói điều gì.

3. Căn thức có tác nhân tạo ra sự lầm lẫn – chẳng hạn, khi không đeo kiếng mà nhìn vào một ký hiệu, và thấy nó mờ, thì ta biết mình phải đeo kiếng, và nhìn lại, để biết ký hiệu đó nói gì.

Hai cách nhận biết cuối cùng này chỉ có giá trị theo nghĩa từ nguyên học, bởi vì cách thứ hai là một hiển nhi bất định thức, và cách thứ ba là một tà thức.

Còn có ba thể loại khác nữa:

1. Hiện lượng mà khi một hiện tướng được nhận thức, nhưng việc xác định thật ra đó là cái gì thì phải được tạo tác bằng một nhận thức khác - ví dụ như với căn hiện thức, thì mình thấy cái gì màu đỏ ở đàng xa. Ta biết chắc đó là một vật màu đỏ, nhưng cũng hiểu là nếu như muốn biết nó thật sự là cái gì, ví dụ như một ngọn lửa, thì phải đến gần hơn và nhìn kỹ lại.

2. Hiện lượng tự nhận thức điều gì nói chung, nhưng việc xác định cụ thể nó là gì thì phải được tạo tác bằng một nhận thức khác - ví dụ như với căn hiện thức thì mình thấy một người ở đằng xa. Ta biết rằng đó là một người, nhưng cũng hiểu là nếu muốn xác định một cách cụ thể người đó là ai, thì phải đến gần người đó hơn và nhìn lại.        

3. Hiện lượng mà khi muốn xác định xem điều gì đã xuất hiện hay chưa, thì phải được quyết định bằng một nhận thức khác - ví dụ như mình không biết chắc là có thấy xe buýt của mình ngừng ở đèn đỏ trên đường hay chưa, và nghĩ có lẽ là mình có thấy. Ta biết chắc là nếu muốn xác định xem mình có thật sự thấy xe buýt của mình hay không, thì phải nhìn lại cẩn thận hơn.

Loại cuối cùng này chỉ hợp lệ trên danh nghĩa, vì trên thực tế thì nó có thể là một hiển nhi bất định thức, nếu đó là xe buýt của mình, hay là một tà thức, nếu nó không phải là xe buýt của mình.

Các Thể Loại Của Trường Phái Cụ Duyên

Cụ Duyên định nghĩa hiện lượng là nhận thức không lầm lạc, nói cách khác là chính xác và quả quyết. Nó không bao gồm “mới mẻ” trong định nghĩa của nó, bởi vì không có nhận thức nào phát sinh bằng tự lực của nó, theo sự bác bỏ của Cụ Duyên về sự tồn tại tự lập. Nếu một nhận thức có thể phát sinh bằng tự lực của nó, thì nó sẽ tự lập. Do đó, Cụ Duyên không khẳng định tái nhận thức.

Cụ Duyên định nghĩa lại điều mà Kinh Lượng Bộ gọi là “hiện lượng”. Kinh Lượng Bộ định nghĩa cách nhận biết xác thực này là luôn luôn vô niệm: nó nhận thức đối tượng của mình mà không có phạm trù tinh thần làm trung gian. Nó phải mới mẻ, vì nó làm nổi bật tiền tố “pra” trong “pramana”, là tiếng Phạn cho chữ “lượng”, có nghĩa là “đầu tiên” hay “mới”. Đối với Cụ Duyên thì “pra” có nghĩa là xác thực hay đúng. Do đó, họ định nghĩa lại cách nhận biết xác thực này như một cách không dựa vào sự phát sinh của nó bằng lý luận. Do đó, đối với Cụ Duyên thì hiện lượng là nhận thức trực tiếp. Do đó, cái mà Kinh Lượng Bộ khẳng định là tái nhận thức căn hiện thức, thì Cụ Duyên phân loại là căn thức vô niệm trực tiếp, và cái mà Kinh Lượng Bộ gọi là du già tái nhận hiện thức, thì Cụ Duyên phân loại là du già trực tiếp vô niệm thức. Và điều mà Kinh Lượng Bộ phân loại là tái nhận tỷ lượng thức, thì Cụ Duyên gọi là nhận thức khái niệm trực tiếp, bởi vì nó không còn dựa vào lý luận nữa.

Ý thức trực tiếp cũng có thể là khái niệm. Một ví dụ về ý thức khái niệm trực tiếp là bồ đề tâm bất dụng công, là điều sinh khởi mà không dựa trên lý luận.

Cụ Duyên không khẳng định tự chứng phần. Trong khi các hiện lượng hiểu rõ đối tượng của nó thì sẽ hiểu ngầm về nó, và tính xác thực của nó.

Như được trình bày trong Minh Cú Luận (Phạn ngữ: Prasannapada) của Nguyệt Xứng (Chandrakirti), thì trường phái Cụ Duyên luận giải về Chánh Văn Kệ Tụng Trung Đạo của Long Thọ, khẳng định bốn cách nhận biết xác thực:

  • Hiện lượng  
  • Tỷ lượng
  • Hiện lượng chứng giáo lượng - tương đương với khẳng định của Kinh Lượng Bộ về tỷ lượng dựa vào tín tâm
  • Ví dụ hiện lượng (nyer-‘jal tshad-ma) – chẳng hạn như biết cách đi du lịch đến nơi mình phải đến, bằng cách nhìn vào tuyến đường được vẽ trên bản đồ. Ví dụ cổ điển là biết một con bò u (zebu) là gì, bằng ví dụ tương tự về việc nó giống như một con bò trắng, có một cái bướu trên lưng, và một cái yếm bò thòng xuống dưới cổ. Điều này cũng có thể được phân loại là một loại nhận thức suy luận.

Bảy Cách Nhận Biết Tánh Không

Bảy cách nhận biết mô tả quá trình đạt được nhận thức vô niệm về tánh Không. Việc hiểu biết về những giai đoạn này là điều rất hữu ích, để có thể đánh giá cách mình đang tiến triển ra sao.

Đầu tiên, là chúng sinh vật phàm trần thì chúng ta có tà thức về Không tướng (tánh Không) đi kèm với vô minh. Chúng ta hoàn toàn vô minh về nó. Nhận thức của mình về vạn pháp bị lệch lạc, đối với cách mà các pháp tồn tại - chúng ta nhận thức vạn pháp như thể tự chúng được thiết lập. Rồi mình có tà thức về nó, với tâm vô minh, nhận biết nó một cách không đúng đắn, và cũng có thể với tà kiến về nó. Ta tưởng tượng rằng nó ám chỉ hư vô, và là sự khẳng định về chủ nghĩa hư vô. Nếu muốn đi xa hơn nữa, thì phải có lòng cởi mở, chứ không phải sân hận.

Sau đó, ta sẽ nghe thuyết Pháp về tánh Không. Nếu như mình nhìn vào điện thoại di động, trong khi thầy đang giải thích, thì việc lắng nghe về tánh Không sẽ là hiển nhi bất định. Ta sẽ không nhớ một chữ nào mà thầy đã nói. Nếu như tâm trí của mình lạc lõng trong ý nghĩ, thì mình chỉ có nhận thức về âm thanh dường như là hiện lượng về những ngôn từ này, nhưng lại không nhớ chúng, vì đã không chú ý.

Nhưng nếu như mình thật sự nghe những ngôn từ với nhĩ căn hiện thức, và chắc chắn về những điều mình đã nghe, thì sau các giai đoạn của nhĩ căn tái nhận thức và nhĩ căn hiển nhi bất định hiện thức, rồi đến một khoảnh khắc nhỏ của ý hiện thức về âm thanh của chữ “tánh Không”, rồi thì sẽ nhận thức tánh Không bằng khái niệm (chúng ta nghĩ “tánh Không”) qua phạm trù thính giác của âm thanh về chữ “tánh Không”. Nhưng một là mình cũng không nhận thức được nó qua một phạm trù ý nghĩa (ta vẫn không biết nó có nghĩa là gì), hay nhận thức nó nhờ một phạm trù ý nghĩa không đúng đắn (có một ý tưởng không đúng đắn về ý nghĩa của nó là gì, nên nhận thức khái niệm của mình không xác thực).

Sau đó, ta có thể nghi ngờ về việc tánh Không có đúng hay không. Trước tiên, tâm nghi ngờ này sẽ nghiêng về phía không chấp nhận nó là đúng, rồi thì có thể nó sẽ trở nên đồng đều, nhưng cuối cùng thì sẽ nghiêng về việc chấp nhận nó là đúng. Trong giai đoạn này thì mình sẽ biết rõ là nếu muốn biết chắc tánh Không có nghĩa là gì, thì phải dựa vào nhận thức xa hơn. Phải học hỏi thêm và tư duy nhiều hơn về nó. Ít nhất là khi mình hiểu tánh Không có nghĩa là gì một cách thiển cận, thì ta có thể nghĩ về nó với tâm nghi ngờ bằng khái niệm, qua cả phạm trù âm thanh và phạm trù ý nghĩa chính xác.

Tiếp theo, ta sẽ nghĩ về tánh Không bằng giả định thức, cho rằng đó là sự thật, nhưng phải thật sự vững tin về nó. Xin lưu ý là mình cũng có thể cho rằng một ý nghĩa sai về tánh Không là đúng. Đó là tà thức hữu niệm. Nếu muốn hoàn toàn vững tin về ý nghĩa đúng của tánh Không, thì phải kết luận rằng vạn pháp đều không có sự tồn tại tự lập, dựa trên lý luận hợp lệ. Nhưng ngay cả khi mình biết lý luận hợp lệ về điều đó, mà nếu vẫn không vững tin, hoặc không thật sự hiểu lý luận đó, thì vẫn chỉ có giả định rằng tánh Không là đúng. Với tỷ lượng về tánh Không thì mình hiểu lý luận, và tin chắc rằng nó chứng minh tánh Không là đúng.

Bây giờ, khi thiền quán tánh Không thì lúc đầu, ta sẽ có tỷ lượng về nó, khi nhận thức của mình còn mới, sau đó thì nó là tái nhận thức tỷ lượng, và cuối cùng là hiển nhi bất định tỷ lượng. Nhưng pháp thiền của mình chỉ là hai giai đoạn đầu của tỷ lượng, miễn sao mình tập trung vào tánh Không qua phạm trù ý nghĩa đúng đắn của nó, và làm như vậy với sự xác quyết. Nếu như bị tán tâm, hay chỉ chú tâm vào từ ngữ qua phạm trù âm thanh, nhưng không có bất cứ phạm trù ý nghĩa nào, thì sẽ không chứng ngộ tánh Không trong thời thiền. Khi đạt được định tuệ hợp nhất, chú trọng vào tánh Không, thì pháp thiền quán hữu niệm về tánh Không sẽ chỉ có tỷ lượng và tái nhận tỷ lượng.

Theo sơ đồ phân loại của trường phái Cụ Duyên, thì dù có hay không có sự kết hợp của định và tuệ, thì tái nhận tỷ lượng của mình về tánh Không sẽ là nhận thức hữu niệm trực tiếp về tánh Không. Khi không còn phải sử dụng lý luận để phát khởi nhận thức khái niệm đúng đắn về tánh Không, thì ngay cả sát na đầu tiên về nhận thức khái niệm về tánh Không sẽ là nhận thức hữu niệm trực tiếp về nó.

Cuối cùng, khi đã đạt được nhận thức vô niệm về tánh Không, thì Kinh Lượng Bộ sẽ phân loại điều này là du già hiện thức về tánh Không (mặc dù, tất nhiên là Kinh Lượng Bộ không khẳng định tánh Không). Cụ Duyên sẽ phân loại nó là nhận thức du già vô niệm trực tiếp.

Qua tất cả những điều này, nếu như ta có thể nhớ rằng mình đang thiền quán về tánh Không, thì Kinh Lượng Bộ sẽ giải thích nó là công việc của hiện thức và tái nhận thức tự chứng phần, đi kèm với nhận thức của mình. Cụ Duyên sẽ giải thích rằng khi mình chứng ngộ tánh Không bằng tỷ lượng, hay nhận thức khái niệm, hoặc vô niệm trực tiếp, thì ta đã hiểm ngầm rằng nhận thức này đã xảy ra, và đó là hiện lượng. Trong cả hai trường hợp thì khi hồi tưởng lại việc thiền quán về tánh Không, thì đó là với nhận thức dường như là hiện thức lầm lẫn, khái niệm, thông qua phạm trù ý nghĩa “thiền quán về tánh Không”.

Do đó, nếu như ta biết rằng sự hiểu biết hiện tại của mình về tánh Không đang ở giai đoạn nào, và biết mình phải đi theo giai đoạn nào, để đạt được nhận thức vô niệm về nó, thì sẽ tự tin về trình tự đường tu giác ngộ.

Top