Khoa Học Thiên Văn Tây Tạng

Phạm Vi Của Khoa Học Thiên Văn Tây Tạng

Khoa học thiên văn về việc làm lịch, thiên văn học, chiêm tinh học và toán học liên hệ đến nhiều khía cạnh trong đời sống của người Tây Tạng. Truyền thống của họ lan truyền từ Tây Tạng đến vùng gọi là Ngoại và Nội Mông (Outer and Innder Mongolia), Mãn Châu (Manchuaria), Đông Turkistan (East Turkistan), các nước Cộng Hòa Buryatia, Kalmykia và Tuva của Nga, và tất cả các khu vực khác, chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Tạng ở Hy Mã Lạp Sơn, Trung Á và Trung Quốc ngày nay. Khoa học này đóng vai trò quan trọng trong truyền thống y học Tây Tạng. Tất cả sinh viên y khoa đều phải học các ngành khoa học thiên văn đến một mức độ nào đó, dù các sinh viên học ngành thiên văn thì không bắt buộc phải học ngành y.

Chủ đề kiến thức này trình bày cách tính toán cho lịch thiên văn, để nêu ra vị trí của các vì sao, cũng như cho những người làm lịch và dự đoán hiện tượng thiên thực (eclipse). Nó cũng bao gồm bói toán chiêm tinh cho tử vi cá nhân, cho các thông tin trong niên giám hàng năm, về việc ngày nào là những ngày cát tường hay không, để bắt đầu các hoạt động khác nhau, chẳng hạn như trồng cây. Đó là lãnh vực nghiên cứu rất rộng rãi.

Có hai bộ phận: bói toán trắng và bói toán đen. Trắng và đen tượng trưng cho các tài liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, phù hợp với màu sắc chính của y phục truyền thống trong mỗi quốc gia này. Cũng như trường hợp của y học Tây Tạng, chiêm tinh học Tây Tạng cũng chia sẻ những khía cạnh tương tự được tìm thấy trong Ấn Độ giáo và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng được sửa đổi và pha trộn lại, và được sử dụng theo những cách khác nhau, để tạo thành hệ thống Tây Tạng đặc thù.

Bối Cảnh Triết Lý

Bối cảnh triết học của khoa học thiên văn khá khác nhau trong thế giới Ấn Độ giáo, Phật giáo Tây Tạng và Nho giáo Trung Quốc. Bối cảnh Tây Tạng bắt nguồn từ Mật Điển Thời Luân (Kalachakra Tantra). "Thời Luân" có nghĩa là "chu kỳ thời gian". Trong Mật điển này, Đức Phật đã trình bày một hệ thống các chu kỳ ngoại tại, nội tại và luân phiên. Những chu kỳ ngoại tại đối phó với sự chuyển động của các hành tinh qua các tầng trời, và các chu kỳ hay sự phân chia thời gian khác nhau, được chúng đo lường về mặt năm, tháng, ngày, v.v... Những chu kỳ nội tại đối phó với các chu kỳ năng lượng và hơi thở trong cơ thể. Các chu kỳ luân phiên bao gồm các pháp thiền của hệ thống Mật tông, liên quan đến vị Bổn tôn gọi là Kalachakra, được sử dụng để giành quyền tự chủ hay tịnh hóa hai chu kỳ trước.

Các chu kỳ ngoại tại và nội tại của thời gian đi song song với nhau, và xảy ra do các xung động năng lượng ngoại tại tập thể và nội tại cá nhân (nghiệp). Nói cách khác là có những xung động năng lượng nào đó được kết nối với tất cả chúng ta, điều khiển cả các hành tinh và chu kỳ trong cơ thể con người. Vì năng lượng và tâm trạng có liên quan chặt chẽ với nhau, nên mình có thể trải nghiệm các chu kỳ theo cách phiền não, hoặc không phiền não. Với các hành trì Kalachakra thì mình sẽ tu tập để khắc phục việc chịu ảnh hưởng của các tình huống bên ngoài và bên trong (luân hồi) cứ tái diễn một cách bất tự chủ, nên không còn bị chúng giới hạn hay làm phiền, và có thể chứng ngộ tiềm năng tối đa của mình, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt.

Người ta thường bị ảnh hưởng vì tử vi cá nhân, hay chịu sự ảnh hưởng bất tự chủ vì sự thay đổi của mùa, thời tiết, tuần trăng, hoặc nơi họ đang ở, theo chu kỳ của thời thơ ấu, tuổi trưởng thành, tuổi già, v.v... Họ cũng thường chịu ảnh hưởng của các chu kỳ năng lượng trong cơ thể, chẳng hạn như chu kỳ kinh nguyệt, hay chu kỳ dậy thì cho đến lúc mãn kinh. Những điều như vậy có thể tạo ra những sự hạn chế lớn đối với mọi người. Hệ thống Kalachakra cung cấp một khuôn khổ hành thiền mà qua đó, chúng ta có thể vượt qua sự khống chế của những ảnh hưởng này, để khắc phục sự hạn chế mà chúng áp đặt, nhờ vậy mà có thể giúp đỡ chúng sinh một cách tối đa. Hệ thống Phật giáo Tây Tạng trình bày thiên văn học và chiêm tinh học trong khuôn khổ triết học chung này. Nó hoàn toàn khác với bối cảnh Vệ đà của Ấn Độ giáo, mà các học viên sẽ học hỏi các môn khoa học này để tính thời gian chính xác, để thực hiện các nghi thức Vệ đà.

Trong tư tưởng Trung Quốc cổ điển thì người ta sẽ tư vấn thiên văn học và chiêm tinh học, để duy trì tính hợp pháp về chánh trị và luật lệ. Triết học Khổng giáo quan niệm vị hoàng đế là trung gian giữa thiên đàng và trái đất. Nếu hoàng đế, triều đình và chánh phủ hành động phù hợp với các mùa và lịch, hài hòa với các nguyên tắc chung về sự thay đổi của các mãnh lực trong vũ trụ, thì mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp cho đế chế. Hiển nhiên là họ có "thiên mệnh". Nếu như họ hành động trái ngược với những yếu tố này, thì thiên tai sẽ xảy ra, cho thấy là họ đã mất đi tính hợp pháp về mặt chính trị. Do đó, để duy trì sự hài hòa và giữ quyền lực chánh trị, điều cần thiết là phải biết chính xác thời gian của các mùa và dòng chảy của các mãnh lực chiêm tinh phổ quát.

Do đó, bối cảnh triết học của Trung Quốc về thiên văn học và chiêm tinh học cũng khác biệt rất nhiều, so với khuôn khổ Phật giáo Tây Tạng. Mục tiêu chính của nó là chánh trị. Tử vi cá nhân không xuất hiện ở Trung Quốc cho đến khoảng thế kỷ thứ 8, và có lẽ đó là vì ảnh hưởng của đạo Phật.

Bói Toán Trắng

Các tài liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ trong khoa học thiên văn Tây Tạng chủ yếu xuất phát từ hai nguồn, Kalachakra hay Mật Điển Thời Luân, là Phật pháp đặc trưng, và Svarodaya hay Sinh Khởi Từ Nguyên Âm Mật Điển (Arising from the Vowels Tantra), có những tài liệu được cả tín đồ Ấn giáo và Phật tử chấp nhận.

Đối với việc bàn luận về các chu kỳ ngoại tại của thời gian, thì Mật Điển Thời Luân trình bày các quy luật chuyển động của vũ trụ và việc tính toán lịch thiên văn, lịch và niên giám. Hai công thức toán học được phát triển từ nó: hệ thống siddhanta hay hệ thống học thuyết trọn vẹn, đã bị thất lạc, trước khi đến Tây Tạng, và hệ thống karana hay hệ thống precis. 

Giữa thế kỷ 15 và 17 thì nhiều bậc thầy Tây Tạng đã xây dựng lại hệ thống học thuyết đầy đủ. Vì vậy, các trường thiên văn Tây Tạng hiện đang dạy cả hai hệ thống tính toán. Ngay cả khi một số dòng truyền thừa Tây Tạng ủng hộ hệ thống học thuyết đầy đủ, nhưng họ vẫn sử dụng hệ thống precis, để tính toán nhật thực và nguyệt thực, vì nó đưa ra kết quả tốt hơn.

Một nguồn khác của tài liệu thiên văn có nguồn gốc từ Ấn Độ, Sinh Khởi Từ Nguyên Âm Mật Điển, còn được biết như Yuddhajaya hay Chiến Thắng Trong Trận Chiến Mật Điển, (Victory in Battles Tantra) là Mật điển Ấn Độ giáo Shaivite duy nhất được dịch sang tiếng Tây Tạng, và được đưa vào bộ Tengyur (Luận tạng) của các bài luận giải Ấn Độ. Các đặc điểm chính bắt nguồn từ đó là khuôn khổ cho lá số tử vi dự đoán. Trong chiêm tinh học phương Tây thì điểm nhấn chính trong tử vi cá nhân là xem xét hoàn cảnh sinh ra đời, và từ đó, mới phân tích và mô tả nhân cách. Tuy nó được đề cập đến, nhưng không phải là mối quan tâm lớn trong các hệ thống Ấn Độ, dù là Ấn Độ giáo hay Phật giáo. Điều đáng quan tâm nhất là phát họa cuộc đời của một người.

Tử Vi Dự Đoán

Tất cả các truyền thống thiên văn của Ấn Độ sẽ tính toán và phân tích quá trình của một cuộc đời, theo các giai đoạn được chín thiên thể nối tiếp nhau điều khiển. Hệ thống Phật giáo tính toán tuổi thọ từ thời điểm sinh ra và vị trí mặt trăng lúc chào đời, rồi chia thành chín thời kỳ theo các công thức nhất định. Phiên bản Ấn Độ giáo không xem xét tuổi thọ. Nó phân chia các thời kỳ theo quy tắc khác. Trong cả hai trường hợp thì các nhà chiêm tinh sẽ lý giải từng thời kỳ liên quan đến hành tinh trị vì của nó, lá số cá nhân và tuổi mà nó sẽ xảy ra.

Mặc dù chiêm tinh học Phật giáo có phép tính cho tuổi thọ của con người, nhưng nó không phải là một hệ thống định mệnh. Nó cũng cung cấp phép tính về cách mình có thể kéo dài thọ mạng bao lâu, nếu như thực hiện nhiều thiện hạnh. Hệ thống Kalachakra chánh gốc ở Ấn Độ đã tính toán tuổi thọ tối đa là 108, trong khi các hệ thống của Ấn Độ giáo khẳng định tuổi thọ tối đa là 120. Ở Tây Tạng, 108 đã giảm xuống 80, vì theo giáo lý nhà Phật thì tuổi thọ trung bình đang giảm xuống trong thời mạt pháp. Vào thế kỷ 19, đạo sư Mipham của phái Nyingma đã sửa đổi cách tính tuổi thọ tối đa là 100. Ngoài ra, không cần biết tuổi thọ tối đa nào được khẳng định, thì hệ thống Tây Tạng có bốn cách khác nhau để tính tuổi thọ. Như vậy, mỗi người đều có nhiều tuổi thọ khả dĩ. Chúng ta được sinh ra với nhiều nghiệp khác nhau, là những điều có thể trổ.

Ngay cả khi nói về một người có thọ mạng cụ thể, thì các trường hợp đặc biệt có thể phát sinh, để kéo dài hay giảm thiểu nó. Nếu như người nào bị bệnh nan y, thì họ có thể không có nghiệp lực để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, lời cầu nguyện và nghi lễ của một Lạt ma vĩ đại có thể đóng vai trò như một tình huống cho công đức ẩn tàng dành cho thọ mạng lâu dài trổ quả, mà thông thường thì nó sẽ không xuất hiện trong kiếp này. Tương tự như vậy, một sự kiện bên ngoài như một trận động đất hay chiến tranh có thể tạo ra tình huống cho ác nghiệp ẩn tàng dành cho một thọ mạng ngắn ngủi trổ quả, mà thường cũng sẽ không có hiệu quả trong kiếp này. Trong trường hợp như vậy thì ta có thể chết theo cách gọi là "chết không đúng lúc". Trong cả hai trường hợp, nếu không có nghiệp ẩn tàng, thì thậm chí một tình huống bi thảm trong kiếp này sẽ không tạo ra hiệu quả. Các nghi lễ đặc biệt sẽ không tạo lợi lạc cho một số người, và một số cá nhân sẽ sống sót sau một trận động đất.

Vậy thì tử vi Tây Tạng là một dự đoán chung về một khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống. Không có gì đảm bảo rằng đời sống của mình sẽ thật sự diễn ra theo cách này. Ngoài ra, còn có những khả năng khác, vì chiêm tinh học cũng có thể tiên đoán những thọ mạng khác. Mỗi khả năng giống như một mức độ lượng tử. Tất cả đều khả thi, tùy thuộc vào hành động và thực hành của mình, cũng như hoàn cảnh dị thường bên ngoài. Điều gì xảy ra trong đời sẽ phụ thuộc vào nghiệp lực mà mình đã tích tập bằng những hành vi trước đây trong kiếp này và những kiếp trước. Nếu không thì một con người và một con chó sinh ra cùng một lúc, ở cùng một nơi, sẽ trải nghiệm cuộc đời giống y như nhau.

Mục đích chính của tử vi Tây Tạng là cảnh báo mình về những quá trình có thể xảy ra trong cuộc sống, mà ta có thể trải qua. Việc nó có xảy ra hay không là tùy theo mình. Tuy mình có nhiều tiềm năng, nhưng thậm chí chỉ cần biết một tiềm năng trong số này từ lá số tử vi cũng có thể truyền cảm hứng cho mình, để tận dụng kiếp người quý báu, để thành tựu mục tiêu tâm linh. Trong bối cảnh Kalachakra thì chúng ta đang cố khắc phục mọi giới hạn của nghiệp, ngăn cản mình có được khả năng trọn vẹn để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Thiền quán về nỗi khổ của mình sẽ giúp ta phát triển quyết tâm thoát luân hồi (tâm xả ly), cũng như phát tâm bi với tha nhân. Tương tự như vậy, việc tư duy về những nỗi khổ mà mình có thể trải qua trong cuộc đời, như đã được phác họa trong lá số tử vi, có thể giúp ta trên đường tu tập. Vậy thì tử vi Tây Tạng có thể là một phương tiện thiện xảo để giúp những người quan tâm đến chiêm tinh học tiến bộ trên đường tu. Tử vi Tây Tạng không bao giờ là dự báo về một tương lai tiền định, chân thật một cách cố hữu.

So Sánh Với Các Hệ Thống Chiêm Tinh Học Khác

Hệ thống bói toán trắng, thông qua cơ sở được tất cả các truyền thống của Ấn Độ chấp nhận, chia sẻ một số đặc điểm nào đó thông dụng với các hệ thống thiên văn Hy Lạp cổ đại. Ví dụ nổi bật nhất là sự phân chia hoàng đạo thành 12 cung và cung địa bàn, cùng tên với các cung mà hệ thống phương Tây hiện đại sử dụng, nhưng theo tiếng Tây Tạng. Do đó, lá số tử vi cá nhân sắp xếp các hành tinh trong các cung và cung bản địa, giống như trong lá số phương Tây. Tuy nhiên, cách giải thích thì rất khác biệt. Như trong sơ đồ của Ấn Độ giáo thì một hệ thống cung bản địa bằng nhau được sử dụng, các góc giữa các hành tinh không được xem xét, và cung Mọc (ascendant) không phải là điểm đáng chú ý.

Hoàng đạo là vành đai mà qua đó, mặt trời, mặt trăng và các hành tinh xoay quanh trái đất theo sơ đồ tâm địa cầu. Đối với hầu hết các phép tính toán thì vành đai này được chia ra thành 27 lâu đài hay chòm sao thuộc về mặt trăng, thay vì thành 12 cung. Sơ đồ này không được tìm thấy trong các hệ thống Hy Lạp cổ đại hay phương Tây hiện đại, nhưng lại phổ biến trong các hệ thống Ấn Độ giáo cổ điển. Đôi khi, 28 chòm sao được chỉ định, nhưng trong khi hệ thống Ấn Độ giáo sẽ chia hoàng đạo thành 28 phần bằng nhau, thì hệ thống Tây Tạng sẽ chia một trong 27 phần bằng nhau thành hai.

Một hệ thống của 28 chòm sao thuộc về mặt trăng cũng được tìm thấy trong thiên văn học cổ đại Trung Quốc. Ở đó, điểm nhấn là Sao Bắc Cực như trung tâm của thiên đàng, giống như hoàng đế Trung Quốc. Các lâu đài, giống như các vị thượng thơ, xoay quanh nó dọc theo xích đạo tinh tú, do đó, gồm có các cụm sao hơi khác biệt, so với cụm sao trong các lâu đài ở khắp nơi trong Ấn Độ. Hơn nữa, 28 chòm sao Trung Quốc không phân chia bầu trời một cách đồng đều.

Tất cả mười thiên thể đều được gọi là "hành tinh" trong hệ thống Kalachakra. Tám thiên thể đầu là mặt trời, mặt trăng, sao Hỏa, sao Thủy, sao Mộc, sao Kim, sao Thổ và sao chổi. Sao cuối cùng này không được sử dụng trong tử vi. Hai thiên thể còn lại có thể được gọi là các hành tinh của các giao điểm phía Bắc và phía Nam của mặt trăng.

Dù quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng đều nằm trong vành đai của hoàng đạo, nhưng chúng lại nằm chéo nhau. Hai giao điểm của chúng được gọi là giao điểm Bắc và giao điểm Nam của mặt trăng. Vào mỗi mùa trăng non thì mặt trời và mặt trăng gần như kết hợp với nhau, nói cách khác là ở cùng một điểm. Chỉ khi sự kết hợp này xảy ra ở giao điểm Bắc hay Nam, nơi quỹ đạo của chúng cắt ngang nhau, thì sự kết hợp đó là chính xác và nhật thực sẽ xảy ra. Vào lúc trăng tròn thì mặt trời và mặt trăng đối lập nhau. Khi điều này trùng hợp với một cái kết hợp ở giao điểm Bắc, và cái kia ở giao điểm Nam, thì sự đối lập là chính xác, và nguyệt thực sẽ xảy ra.

Cả hai hệ thống Ấn Độ giáo cổ điển và Kalachakra đều xem các giao điểm Bắc và Nam của mặt trăng như các hành tinh, trong khi hệ thống Hy Lạp cổ đại thì không. Cả hai hệ thống Ấn Độ giải thích nhật thực như sự kết hợp của mặt trời và mặt trăng với các hành tinh ở giao điểm.

Hệ thống Kalachakra gọi hành tinh giao điểm Bắc là La Hầu (Rahu), nghĩa đen là "người hay càu nhàu" hay hành tinh đầu rồng, và hành tinh giao điểm Nam là Kế Đô (Kalagni), có nghĩa là "ngọn lửa thời gian" hay hành tinh đuôi rồng. Mặc dù các hệ thống của Ấn Độ giáo gọi sao thứ hai là Ketu, nghĩa đen là “đuôi dài”, nhưng cũng đề cập đến việc nó là đuôi rồng. Theo thần thoại được tất cả các truyền thống trong Ấn Độ chấp nhận thì cái gọi là "con rồng" này sẽ nuốt mặt trời hay mặt trăng trong một thiên thực. Tuy nhiên, trong Kalachakra, Kế Đô (Ketu) là tên được đặt cho hành tinh thứ mười, tức sao chổi, không được tính trong các hệ thống Ấn Độ giáo hay Hy Lạp cổ điển, mà chỉ tính chín hay bảy thiên thể theo đúng thứ tự.

Hệ thống cổ điển Trung Quốc không hề đề cập đến các giao điểm Bắc và Nam của mặt trăng. Người Trung Quốc chỉ nói về mặt trời, mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ. Vào thời sau này, khi khái niệm về giao điểm Bắc và Nam của mặt trăng xuất hiện trong thiên văn học Trung Quốc, thì chúng được gọi là đầu và đuôi rồng, cho thấy rõ nguồn gốc Ấn Độ của chúng. Tuy nhiên, chúng không được xem là các hành tinh.

Một đặc điểm chung khác với các hệ thống Hy Lạp và Ấn Độ giáo cổ đại là việc đặt tên các ngày trong tuần theo các hành tinh: Chủ Nhật (Sunday) cho mặt trời (sun), thứ Hai (Monday) cho mặt trăng (moon), thứ Ba (Tuesday) cho sao Hỏa (Mars), thứ Tư (Wednesday) cho sao Thủy (Mercury), thứ Năm (Thursday) cho Sao Mộc (Jupiter), thứ Sáu (Friday) cho sao Kim (Venus), và thứ Bảy (Saturday) cho sao Thổ (Saturn). Vì vậy mà các từ ngữ Tây Tạng dành cho ngày trong tuần cũng giống như vậy, theo các hành tinh.

Theo truyền thống thì người Trung Quốc có một tuần mười ngày, và chỉ bắt đầu sử dụng một tuần bảy ngày trong thế kỷ thứ 7 của kỷ nguyên chung, vì ảnh hưởng của các cộng đồng thương nhân Cơ Đốc giáo Nestorian của người Ba Tư (Persians) và người Sogdian sống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, người Trung Quốc đề cập đến các ngày trong tuần bằng những con số của họ, chứ không theo tên của các hành tinh.

Một trong những khác biệt chính giữa các hệ thống Hy Lạp và Ấn Độ giáo cổ đại thì liên quan đến loại hoàng đạo được sử dụng. Giống như hệ thống phương Tây hiện đại, người Hy Lạp cổ đại sử dụng hoàng đạo nhiệt đới (tropical zodiac), trong khi các hệ thống Ấn Độ giáo sử dụng sao hoàng đạo cố định, hay vòng hoàng đạo thiên văn. Sự khác biệt giữa hai hoàng đạo này liên quan đến vị trí của 0 độ Dương Cưu (Aries). Trong hoàng đạo nhiệt đới thì bất cứ khi nào mặt trời ở điểm xuân phân ở bán cầu Bắc, thì vị trí này sẽ được gọi là 0 độ Dương Cưu, không cần biết vị trí của mặt trời đối với chòm sao Dương Cưu nằm ở đâu vào lúc đó. Sao hoàng đạo cố định thì quy gán là mặt trời ở vị trí 0 độ Dương Cưu, trong khi thật ra thì mặt trời liên kết sự khởi đầu của chòm sao này.

Hệ thống Kalachakra chỉ trích hoàng đạo của Ấn Độ giáo, và ủng hộ hoàng đạo nhiệt đới. Tuy nhiên, người Tây Tạng đã loại bỏ đặc điểm này của chiêm tinh Kalachakra, và trở lại hệ thống sao cố định. Tuy nhiên, hoàng đạo nhiệt đới trong Kalachakra và hoàng đạo nhiệt đới trong Hy Lạp cổ đại và phương Tây hiện đại không giống nhau, và tương tự như vậy, các hệ thống sao cố định của Ấn Độ giáo và Tây Tạng cũng không tương ứng với nhau. Chi tiết của những sự khác biệt này là khá phức tạp. Nếu muốn thảo luận một cách đơn giản, thì hãy bỏ qua việc xem xét hệ thống Hy Lạp cổ đại.

Vào khoảng năm 290 sau Công nguyên thì điểm xuân phân thật ra được định vị ở đầu chòm sao Dương Cưu, như được quan sát trên trời. Kể từ đó, nó đã lùi lại một cách chậm chạp, với tốc độ xấp xỉ 1 độ, sau mỗi 72 năm. Hiện tượng này được gọi là “tuế sai của phân điểm” - nói cách khác là chuyển động ngược của vị trí phân điểm của mặt trời. Sự khác biệt giữa vị trí được quan sát của 0 độ Dương Cưu và vị trí 0 độ Dương Cưu như được định nghĩa theo xuân phân là vì trục nối cực của trái đất dần dần xoay theo định hướng của nó đối với các sao “cố định”, với một vòng quay mất 26,000 năm.

Điểm xuân phân hiện nay nằm giữa 23 và 24 độ trở lại với Song Ngư {Pisces), là cung ngay trước cung Dương Cưu (Aries). Do đó, hiện nay, hệ thống phương Tây hiện đại đang xem điểm nào giữa 6 và 7 độ trong Song Ngư như 0 độ Dương Cưu, như được quan sát trên bầu trời - nói cách khác là vị trí nhiệt đới trừ giữa 23 và 24 độ.

Thật ra, tình hình phức tạp hơn một chút. Có năm hệ thống tính toán chiêm tinh Ấn giáo Ấn Độ cổ điển khác nhau. Loại phổ biến nhất, vẫn được sử dụng ở Ấn Độ, là của Surya Siddhanta (Phép Tính Hệ Mặt Trời). Nó xem vị trí của điểm xuân phân ở khoảng 500 sau Công nguyên là 0 độ Dương Cưu, trong khi trên thực tế thì vị trí này đã có một vài độ vào trong Song Ngư, như được quan sát trên bầu trời. Rồi thì Surya Siddhanta tạo ra một hoàng đạo sao cố định, dựa trên vị trí này của xuân phân như điểm khởi đầu của Dương Cưu.

Các hệ thống Ấn giáo Ấn Độ đã nhận thức ra tuế sai của phân điểm, và đưa ra các công thức toán học để tính giá trị của nó. Tuy nhiên, mặc dù sự khác biệt giữa vị trí được quan sát của Dương Cưu và điểm xuân phân gia tăng theo tuyến tính, cho đến khi hai yếu tố này hội tụ sau khoảng 26,000 năm, nhưng Surya Siddhanta giải thích rằng sự khác biệt có giao động. Đầu tiên, điểm xuân phân dần dần đi ngược về phía sau, cho đến khi đi đến 27 độ, đằng sau vị trí cố định ban đầu của 0 độ Dương Cưu. Sau đó, nó sẽ đảo ngược hướng và di chuyển về phía trước, cho đến khi nó được định vị 27 độ đằng trước vị trí đã được đặt ra đó. Rồi thì sự giao động lặp lại. Vậy thì mô hình giao động này không tương ứng với vị trí thay đổi thật sự của mặt trời tại điểm xuân phân, liên quan đến vị trí 0 độ Dương Cưu, như được Surya Siddhanta bố trí ngay từ đầu, hay với vị trí được thật sự quan sát của điểm bắt đầu chòm sao Dương Cưu trên trời.

Hệ thống chiêm tinh Kalachakra chỉ trích các hệ thống hoàng đạo sao cố định được Surya Siddhanta sử dụng, và bốn hệ thống Ấn giáo Ấn Độ khác, và khái niệm về một tuế sai của phân điểm giao động. Thay vì vậy, nó ủng hộ một hoàng đạo nhiệt đới được sửa đổi. Theo hệ thống Kalachakra thì điểm xuân phân phải được đo lường bằng cách quan sát 60 năm một lần. Rồi thì điểm phân đó sẽ được giữ cố định như việc xác định 0 độ Dương Cưu trong toàn bộ thời kỳ 60 năm, sau đó thì phải được điều chỉnh lại vào đầu thời kỳ 60 năm tới. Hơn nữa, như trong hệ thống phương Tây hiện đại, nó mô tả tuế sai của phân điểm như là gia tăng theo tuyến tính, khi nó từ từ di chuyển ngược xung quanh hoàng đạo, mà không có sự giao động nào.

Tuy nhiên, khi hệ thống Kalachakra đến Tây Tạng vào đầu thế kỷ 11, thì người Tây Tạng đã chấm dứt việc điều chỉnh định kỳ điểm xuân phân. Do đó, hệ thống hoàng đạo Tây Tạng đã thoái hóa thành một hệ thống sao cố định, nhưng lại là một hệ thống mà sự khác biệt giữa vị trí cố định của nó của 0 độ Dương Cưu và vị trí thật sự được quan sát của 0 độ Dương Cưu khác với sự khác biệt trong bất cứ hệ thống Ấn giáo Ấn Độ nào. Hiện nay thì nó khoảng 34 độ.

Việc quan sát bầu trời cho thấy 0 độ Dương Cưu của hệ thống phương Tây thật sự tương ứng với vị trí được quan sát của đầu chòm sao Dương Cưu, trừ đi yếu tố tuế sai của giữa 23 và 24 độ. Khi nó đi đến cung tiếp theo trở lại, tức Bảo Bình (Aquarius), trong khoảng bốn thế kỷ kể nữa, thì từ bây giờ, nói về mặt kỹ thuật thì cái gọi là “Thời Đại Mới của Bảo Bình” sẽ bắt đầu. Trong thảo luận chung thì khi nói về Thời Đại Bảo Bình bắt đầu rất sớm, có lẽ họ đã nhầm lẫn điều này với quan niệm Cơ Đốc giáo, rằng sự thay đổi của một thiên niên kỷ sẽ đánh dấu một thời kỳ hoàng kim mới.

Trong thời kỳ Mughal ở Ấn Độ, đặc biệt từ thế kỷ 18 trở đi, khi sự quan sát về vị trí của các hành tinh trở nên phổ biến, nhờ ảnh hưởng của môn thiên văn Ả Rập, và việc tiếp xúc với thiên văn học phương Tây, nhiều hệ thống Ấn giáo Ấn Độ đã loại bỏ các mô hình toán học truyền thống, để tính toán vị trí không chỉ của mặt trời, mà còn của tất cả các hành tinh. Họ thấy rằng các mô hình phương Tây cho kết quả chính xác hơn, điều có thể được xác nhận bằng kính thiên văn, và các thiết bị đo lường thiên tượng khác nhau mà người Mughals đã chế tạo trong đài quan sát của họ. Họ cũng thấy rằng khái niệm về một tuế sai của phân điểm giao động là không đúng. Do đó, trong khi giữ hoàng đạo sao cố định, nhiều người đã áp dụng kỹ thuật mới, trừ đi một giá trị tuế sai tiêu chuẩn một cách thống nhất, từ các vị trí hoàng đạo nhiệt đới của tất cả các hành tinh bắt nguồn từ phương Tây, để rút tỉa vị trí của chúng, trong hoàng đạo sao cố định. Mỗi dòng truyền thừa Ấn Độ giáo đã áp dụng một giá trị tuế sai hơi khác biệt, như yếu tố chuyển đổi của họ. Cái thường được sử dụng phổ biến nhất là giữa 23 và 24 độ, đó là sự sai biệt thật sự được quan sát.

Tuy nhiên, một số nhà chiêm tinh Ấn Độ tuyên bố rằng các vị trí hành tinh được tính toán theo truyền thống thì cung cấp thông tin chiêm tinh chính xác hơn. Đây là một điểm rất quan trọng, bởi vì chiêm tinh học Tây Tạng hiện đang ở giai đoạn chiêm tinh của Ấn Độ giáo vào thế kỷ thứ 18, khi nó tiếp xúc với thiên văn học phương Tây. Vị trí của các hành tinh xuất phát từ các mô hình toán học của hệ thống Kalachakra cũng không tương ứng một cách chính xác với những điều được quan sát. Tuy nhiên, việc có cần phải tuân theo ví dụ của Ấn Độ giáo để loại bỏ truyền thống, và sử dụng các giá trị phương Tây, được sửa đổi bằng yếu tố suy đoán được quan sát hay không, thì vẫn chưa được quyết định.

Người ta có thể tranh cãi rằng vị trí thật sự được quan sát của các hành tinh là điều không quan trọng, bởi vì hệ thống thiên văn của Phật giáo Tây Tạng không bao giờ có ý định bắn hỏa tiễn lên mặt trăng hay lái một chiếc tàu. Dữ liệu thiên văn được tính toán cho mục đích chiêm tinh, và nếu thông tin chiêm tinh chính xác và hữu ích về mặt thực nghiệm, thì đó mới là điều quan trọng.

Chiêm tinh học Tây Tạng có chủ ý giúp cho ta biết được tình huống nghiệp cơ bản trong đời của mình, để có thể đối phó với chúng, để vượt qua mọi giới hạn, và chứng ngộ mọi tiềm năng của mình, để tạo lợi lạc tốt nhất cho tha nhân. Chính trong bối cảnh Phật giáo này mà các nghiên cứu về thiên văn Tây Tạng phải được xem xét. Dường như việc đánh giá và thay đổi nó, dựa trên dữ liệu thiên văn của nó không tương ứng với các vị trí hành tinh được quan sát, là điều không thích hợp.

Để học hỏi lẫn nhau và có được lợi ích từ các hệ thống khác nhau, cả người phương Tây và Tây Tạng đều phải tôn trọng tính toàn vẹn của khối kiến thức và trí tuệ của nhau. Ý tưởng có thể được chia sẻ, và sự biểu thị sẽ được thành tựu trong các lãnh vực nghiên cứu mới, nhưng nếu như vứt bỏ những cách tiếp cận truyền thống, và áp dụng các phương pháp nước ngoài, thì đó là điều đáng buồn. Như có thể thấy từ lịch sử của cả y học và chiêm tinh học Tây Tạng, những ý tưởng từ các nền văn hóa nước ngoài đã không được mô phỏng theo một cách mù quáng. Nó chỉ kích thích người Tây Tạng tự tạo ra những hệ thống đặc thù của riêng họ, dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của chính mình, mà trong đó, các ý tưởng từ nước ngoài đã khoác lấy những hình thức mới. Đây là cách mà sự tiến bộ nên xảy ra, vì lợi ích của tất cả. 

Bói Toán Đen

Bói toán đen bắt nguồn từ Trung Quốc, còn được gọi là phép tính các đại, bổ sung thêm một vài đặc điểm nữa vào lịch Tây Tạng, chẳng hạn như sự tương quan với chu kỳ các con giáp và các đại, như năm Kim Ngọ (iron-horse). Nó cũng cung cấp thêm các bộ biến số, để khảo sát cả việc phân tích nhân cách, cũng như để tiên đoán lá số tử vi chung. Rồi thì những đặc điểm này được tích hợp với thông tin tử vi, bắt nguồn từ hệ thống bói toán trắng.

Các tài liệu bắt nguồn từ Trung Quốc có những phép tính dành cho năm lãnh vực chính. Lãnh vực đầu tiên là cho vận hạn cơ bản mỗi năm, để xem điều gì sẽ xảy ra trong mỗi một năm trong đời. Lãnh vực thứ hai liên quan đến bệnh tật, xác định xem các vong hồn có gây ra bệnh tật hay không, và nếu có, thì đó là loại vong hồn nào, và nghi thức nào nên được thực hiện, để xoa dịu họ, cũng như dự đoán bệnh tình sẽ kéo dài bao lâu. Lãnh vực thứ ba dành cho người chết, đặc biệt là giờ nào thì nên đưa thi thể của người chết ra khỏi nhà, và theo hướng nào, và phải thực hiện những nghi thức nào, để diệt trừ những mãnh lực có hại. Lãnh vực thứ tư là phép tính về chướng ngại, khi chúng sẽ xảy ra trong lịch nói chung, và trong đời của một người. Lãnh vực thứ năm liên quan đến hôn nhân, đặc biệt là sự hòa hợp giữa cặp vợ chồng tương lai. Rồi thì phép tính các đại được sử dụng chủ yếu cho mục đích chiêm tinh.

Cũng như trường hợp của tài liệu bắt nguồn từ Ấn Độ và hệ thống Ấn giáo Ấn Độ, tài liệu bắt nguồn từ Trung Quốc có nhiều đặc điểm chung với các trường phái thiên văn cổ điển của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách người Tây Tạng phát triển và sử dụng chúng thì có nhiều điểm khác biệt.

Hệ thống tính toán các đại sẽ tương quan giữa lịch và những chu kỳ 60 năm, mỗi năm được trị vì bằng một trong 12 con giáp. Thứ tự cổ điển Trung Quốc bắt đầu bằng con chuột (Tý), trong khi trình tự Tây Tạng bắt đầu bằng con giáp thứ tư của Trung Quốc, tức là thỏ. Do đó, vị trí trong trình tự mà chu kỳ 60 năm bắt đầu sẽ khác nhau.

Danh sách 12 con giáp được ghép với một đại, trợ lực cho một năm, đó là một trong các bộ ngũ đại cổ điển của Trung Quốc - mộc, hỏa, thổ, kim và thủy. Mỗi một đại trị vì hai năm liên tiếp, năm đầu tiên là nam, và năm thứ hai là nữ. Người Tây Tạng không bao giờ sử dụng âm dương của Trung Quốc. Do đó, phải mất 60 năm để một sự kết hợp cụ thể lặp lại, chẳng hạn như năm Mộc-Nam-Tý, đứng đầu trong danh sách cổ điển của Trung Quốc, hay năm Hỏa-Nữ-Thỏ, đứng đầu trong danh sách Tây Tạng.

Hệ thống thiên văn Tây Tạng không sử dụng hệ thống cổ điển của Trung Quốc, gồm có mười thân cây trên cõi trời (heavenly stems) và mười hai nhánh trần gian (earthly branches). Người Trung Quốc tương quan điều này với chu kỳ 60 năm, và nhấn mạnh nó trong lịch và chiêm tinh của họ rất nhiều, so với con giáp và các đại.

Thêm vào đó, sự kết hợp giữa con giáp và đại cho năm sinh, sự kết hợp vận hạn cũng có nguồn gốc từ mỗi năm tuổi, nhưng được tính theo cách khác nhau cho nam và nữ. Trên thực tế, hầu hết các tính toán bắt nguồn từ Trung Quốc cho nam và nữ đều khác nhau. Nên lưu ý rằng thời đại của chúng ta, trong cả hai hệ thống Tây Tạng và Trung Quốc, đều đề cập đến số năm mà mình đã sống, bất kể khoảng thời gian đó có thể ngắn đến mức nào, trong bất cứ năm nào. Ví dụ, nếu như người nào sinh ra vào tháng 10 theo lịch Tây Tạng trong một năm nào đó, thì người đó 1 tuổi cho đến Tết Tây Tạng, rồi sau đó, sẽ lên 2 tuổi ngay lập tức. Đó là vì dù người này chỉ mới sống được ba tháng, nhưng điều này đã diễn ra trong hai năm lịch. Do đó, người Tây Tạng đều thêm một tuổi vào ngày Tết Tây Tạng, và không tổ chức sinh nhật, hay tính ngày sinh nhật theo cách của phương Tây. Vậy thì tuổi Tây Tạng không phải là một khái niệm tương đương với ý tưởng về tuổi theo phương Tây, là cách tính số năm đầy đủ đã trôi qua, kể từ khi chào đời.

Mỗi một con giáp trong 12 con giáp trong những cặp kết hợp khác nhau với ngũ đại trong chu kỳ 60 năm có một bộ ngũ đại liên quan trong đó, được sử dụng cho cái gọi là phép tính sỏi (pebble calculation). Có sinh lực, thân thể, oai lực hay khả năng, thung lũng-vận may, và linh hồn theo đại của sỏi. Bốn yếu tố đầu tiên cũng được tìm thấy trong chiêm tinh học cổ điển Trung Quốc, khi mà oai lực được gọi là sự thịnh vượng. Linh hồn hay nguyên tắc tổ chức trong đời sống (Tạng ngữ: bla) là một khái niệm của người Tây Tạng, cũng được thấy trong truyền thống Bon bản địa.

Dựa vào sự phân tích về mối quan hệ giữa đại của sỏi cho sinh mạng, và đại của bất cứ năm chuyển tiếp nào, thì từ đại của sinh lực, ta có thể tiên đoán nguy cơ có thể xảy ra cho cuộc đời trong năm đó, và từ đại của cơ thể, tiên đoán về tác hại đến sức khỏe và thể chất. Từ đại của oai lực, ta có thể dự đoán về thành công, như trong việc kinh doanh. Từ đại của thung lũng-vận may, ta có thể dự đoán về vận may nói chung và việc du lịch, và từ đại của linh hồn, có thể dự đoán phúc lạc và sự ổn định của nguyên tắc tổ chức cơ bản trong đời sống. Nếu có những mối quan hệ khó khăn trong năm đó, thì các nghi lễ tôn giáo sẽ được đề ra, để đối trị với những sự bất hài hòa này.

Mỗi một con giáp trong số 12 con giáp cũng liên hệ đến ba ngày trong tuần - một ngày sinh lực, một ngày linh hồn, và một ngày chết chóc. Đối với tất cả những người có cùng một con giáp, thì hai ngày đầu là những ngày tốt trong tuần, trong khi ngày cuối cùng thì không tốt. Điều này được sử dụng đặc biệt trong chiêm tinh học y tế, để chọn ngày điều trị.

Các ma phương (magic-squares) cũng được sử dụng, cụ thể là một phương pháp có một ô vuông lớn, gồm có ba ô vuông nhỏ trong mỗi hàng ngang và hàng dọc (3x3), với các con số từ 1 đến 9, được sắp xếp, mỗi ô có một con số, theo cách mà dù có cộng 3 số theo chiều ngang, chiều dọc hay đường chéo, thì tổng số của bất cứ chiều nào sẽ là 15. Chín con số kết hợp với chu kỳ 60 năm, để cứ mỗi 180 năm, thì cùng một số ma phương sẽ tương quan với một năm có cùng một đại và con giáp. Trình tự bắt đầu bằng số 1, rồi tiếp tục theo thứ tự ngược lại: 9, 8, 7, v.v... Mỗi trong số chín ma phương thì được tương quan với một màu, và mỗi một con số sẽ tương quan với một đại trong ngũ đại của Trung Quốc. Các con số thường được nói đến, theo việc kết hợp với màu sắc của chúng. 1-trắng là kim, 2-đen là thủy, 3-xanh da trời là thủy, 4-xanh lá cây là mộc, 5-vàng là thổ, 6-trắng là kim, 7-đỏ là hỏa, 8-trắng là kim, và 9-màu hạt dẻ hay đôi khi là 9-đỏ là hỏa. Khi ma phương được in ra, thì màu sắc của mỗi ô vuông sẽ phù hợp với sơ đồ này.


Từ con số của năm sinh mà một ma phương vận hạn sẽ được tính ra cho mỗi năm tuổi. Giống như về vận hạn theo kết hợp của đại và con giáp, thì việc tính toán cho nam và nữ sẽ khác nhau. Mỗi số năm sinh trong ô vuông có một cách lý giải, bao gồm việc mô tả về tiền kiếp, với thiên hướng còn sót lại của chúng trong kiếp này, cũng như có thể trong kiếp kế tiếp, cùng với các nghi lễ tôn giáo và tôn tượng phải xây dựng, để cải thiện đời sống, và loại tái sinh nào có thể xảy ra sau này. Vậy thì đây là nguồn thông tin về kiếp quá khứ và vị lai, được nêu ra trong tử vi Tây Tạng. Các số ma phương về cơ thể, sinh lực, oai lực và thung lũng-vận may cũng có thể được tính toán và xem xét, như cách được thực hiện với các đại.

Bát quái (eight trigrams) của Kinh Dịch (I Ching), hay Sách Về Sự Biến Đổi (Book of Changes) – gồm có ba dòng liên tục hay đứt đoạn, được sắp xếp theo chiều ngang - cũng được sử dụng trong phép tính các đại theo Tây Tạng, hay bói toán đen, mặc dù không bao giờ là 64 hình ngôi sao sáu cạnh (hexagram). Một bát quái vận hạn cho mỗi năm tuổi được lập ra từ một sự sắp xếp nào đó của các bát quái. Cách tính toán sẽ khác nhau cho nam và nữ. Tất cả những người có cùng giới tính, đều có bát quái vận hạn giống nhau cho cùng một độ tuổi.

Ngoại trừ biến thể Bon của chiêm tinh học Tây Tạng ra, thì không có bát quái quá cảnh hàng năm, điều sẽ đòi hỏi một đại được chỉ định cho mỗi năm nói chung, theo một trình tự cụ thể. Rồi thì bát quái của năm sinh cho cả nam và nữ không được tính từ năm sinh của họ, mà được tính như bát quái vận hạn của người mẹ của họ, cho tuổi của bà, vào năm mà bà sinh ra họ. Việc lý giải các bát quái năm sinh và vận hạn sẽ cung cấp thêm thông tin cho tử vi dự đoán.

Thêm vào đó, bát quái cơ thể, sinh lực, oai lực và thung lũng-vận may cũng có thể được tính toán, và được rút tỉa từ bốn loại số ma phương, được tính từ số năm sinh. Bốn bát quái này, cũng như các đại của sỏi cho năm sinh về cơ thể, sinh lực, oai lực và thung lũng-vận may của một cặp vợ chồng tương lai, là những yếu tố sẽ được so sánh trong phép tính hôn nhân, để xác định việc hai người hợp với nhau đến mức nào.

Top