Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc Và Đạo Đức Là Gì?
Học Hỏi Về Xã Hội, Cảm Xúc và Đạo Đức (Social, Emotional and Ethical (SEE)) là một chương trình nuôi dưỡng những người có cảm xúc lành mạnh và trách nhiệm đạo đức, các nhóm xã hội và cộng đồng rộng lớn hơn. Tuy chủ yếu được sáng tạo để sử dụng trong các trường học và cơ quan giáo dục cao hơn, nhưng chương trình này cũng thích hợp để sử dụng trong những bối cảnh khác. Chương trình huấn luyện này, được Trung Tâm Khoa Học Tư Duy Và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức (Center for Contemplative Science and Compassion-Based Ethics) ở Đại Học Emory phát triển, tập trung toàn diện vào đạo đức. Ở đây, đạo đức không dựa vào bất kỳ nền văn hóa hay tôn giáo đặc thù nào, mà đặt nền tảng trên các giá trị phổ cập, cơ bản của con người như lòng bi mẫn, khoan dung và tha thứ. Các thực hành của chương trình Học Hỏi SEE có thể giúp cho cá nhân có khả năng chăm sóc bản thân và người khác một cách khéo léo hơn, đó là điều quan trọng cho cả sức khỏe thể chất và cảm xúc. SEE còn chú trọng vào việc gia tăng ý thức về sự tương thuộc lẫn nhau và phát triển kỹ năng tư duy phê phán, giúp cho người ta chuẩn bị trở thành công dân toàn cầu, trong một thế giới ngày càng phức tạp.
Chương trình dựa trên “giá trị phổ cập”, nên có thể được sử dụng ở mọi quốc gia và các nền văn hóa quốc tế. Dựa vào lý lẽ thông thường, kinh nghiệm thông thường và khoa học, chúng ta có thể sử dụng các phạm trù và thực hành như đã được trình bày, hay điều chỉnh chúng, rút tỉa cảm hứng từ các tôn giáo và văn hóa của những người khác nhau. Mục tiêu của chương trình bao quát, toàn diện này là giảng dạy các năng lực xã hội, cảm xúc và đạo đức cho người dân ở mọi lứa tuổi. Ở phương diện này, không có sự khác biệt về cách người ta được dạy môn toán, khoa học, ngoại ngữ hay bất cứ môn học nào khác. Giáo dục có thể, và thật ra nên được mở rộng để khuyến khích các giá trị và khả năng mang lại nhiều hạnh phúc và hòa hợp hơn cho cả cá nhân và xã hội nói chung.
Ba Chiều, Ba Phạm Vi
Học Hỏi SEE có ba chiều, bao gồm các loại khả năng mà nó muốn khuyến khích:
- Ý thức
- Bi mẫn
- Tham gia
Hơn nữa, ba chiều này nới rộng đến ba phạm vi khác nhau:
- Cá nhân
- Xã hội
- Toàn cầu
Ba Chiều
Ý thức – phát triển sự hiểu biết về tư tưởng, cảm giác và cảm xúc của mình. Ý thức giúp chúng ta nhận thức về đời sống nội tâm của mình, sự hiện diện và nhu cầu của người khác, và sự tương thuộc lẫn nhau như một đặc tính của đời sống và thế giới mà chúng ta tồn tại trong đó. Việc trau dồi yếu tố này đòi hỏi việc thực hành và tinh luyện sự chú ý.
Bi mẫn – rèn luyện cách quan hệ với bản thân mình, người khác và toàn thể nhân loại bằng lòng tốt, sự đồng cảm và quan tâm đến hạnh phúc và khổ đau của họ. Khả năng trong lãnh vực này đòi hỏi tư duy phê phán, sự hiểu biết về nhu cầu, mong muốn của riêng mình, và khả năng phân biệt điều gì sẽ đem lại phúc lạc lâu dài cho mình. Rồi phạm vi sẽ được nới rộng để bao gồm nhu cầu của người khác, và cuối cùng, để nhận ra nhu cầu chung của toàn thể nhân loại.
Tham gia – đưa những phương pháp đã thu thập được từ chương trình huấn luyện về ý thức và lòng bi mẫn vào việc thực hành. Điều này bao gồm việc học hỏi về các loại hành vi và thái độ thuận lợi cho phúc lạc của cá nhân, xã hội và cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự điều độ bản thân, kỹ năng xã hội và hành vi tham gia như một công dân toàn cầu.
Việc phát triển ba chiều này như giá trị cơ bản không chỉ là việc học hỏi kiến thức, mà là nhận thức ra sự phù hợp của chúng ở mức độ cá nhân, rồi tiếp thu chúng một cách sâu sắc. Điều này có một vài bước:
- Đầu tiên, chúng ta học hỏi bằng cách lắng nghe, đọc và trải nghiệm, tiếp xúc với thông tin cơ bản và phát triển sự hiểu biết về mỗi giá trị.
- Rồi chúng ta sử dụng tư duy phê phán để tìm hiểu các giá trị, sử dụng những cách tiếp cận khác nhau và áp dụng chúng vào hoàn cảnh riêng của mình, điều này đưa đến “tuệ giác phê phán”. Điều này nói đến những khoảnh khắc “à há”, khi chúng ta có tuệ giác cá nhân, liên kết kiến thức ở mức độ thứ nhất với đời sống của mình.
- Việc làm quen nhiều lần sẽ chuyển hóa các giá trị vào ưu điểm của cá tính và bẩm chất nhân cách. Điều này xuất phát từ việc duy trì thực hành, thảo luận và tranh luận, cho đến khi các giá trị tự phát.
Ba Phạm Vi
Cá nhân – nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác và cộng đồng rộng lớn hơn thì trước tiên, chúng ta phải học cách đáp ứng nhu cầu và đời sống nội tâm của mình. Điều này được tạo ra bằng cách phát triển sự hiểu biết về cảm xúc, khi ta có khả năng nhận diện các cảm xúc và hiểu được tác động của chúng, giúp mình kềm chế những hành vi bốc đồng có thể phương hại bản thân và người khác.
Xã hội – là con người, chúng ta có bản chất hợp quần, và điều rất quan trọng là có quan hệ tốt với người khác. Chúng ta có thể trau dồi tính cách hợp quần qua việc học hỏi, suy ngẫm và thực hành.
Toàn cầu – trong một thế giới ngày càng phức tạp mà chỉ có lòng bi mẫn thì không đủ. Chúng ta còn cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về hệ thống toàn cầu tương thuộc lẫn nhau mà mình sống trong đó. Biết cách nhìn hoàn cảnh từ nhiều quan điểm khác nhau giúp cho việc giải quyết vấn đề trở thành một quá trình toàn diện hơn, tránh khuynh hướng phân chia vấn đề thành những phần nhỏ, rời rạc.
Chủ Đề Học Hỏi
Chủ đề học hỏi là cách khám phá, đánh giá và tiếp thu ba giá trị kể trên. Chúng giúp cho kiến thức và hiểu biết của mình về chúng phát triển và đào sâu theo thời gian, trên một nền tảng vững vàng. Có bốn chủ đề:
- Tư duy phê phán – khám phá các đề tài và kinh nghiệm bằng lập luận hợp lý, nhiều quan điểm, đối thoại và tranh luận để đạt được hiểu biết sâu sắc hơn.
- Thực tập phản ánh – chú ý vào những kinh nghiệm cá nhân theo cách có cấu trúc, để tiếp thu các kỹ năng.
- Quan điểm khoa học – thấu hiểu cảm xúc của mình và thế giới theo quan điểm khoa học, để đưa ra một cách tiếp cận bất thiên vị về văn hóa hay tôn giáo.
- Tham gia học hỏi – tham gia vào các phương pháp tham dự học hỏi, như thể hiện sáng tạo (nghệ thuật, âm nhạc, viết lách) hay học hỏi về sinh thái (trực tiếp tham gia vào thế giới tự nhiên), giúp cho sự phản ánh xảy ra sau đó.
Cả bốn chủ đề học hỏi đều dựa trên nguyên tắc bi mẫn, nằm trong trung tâm của ba chiều. Thường thì lòng bi bị hiểu lầm là sự yếu đuối, để cho người khác có được những gì họ muốn bằng sự mất mát của mình, hay thậm chí cho phép việc bắt nạt hay những hành động tiêu cực khác xảy ra. Chương trình Học Hỏi SEE hiểu rằng bi mẫn là lòng bi can đảm, một lập trường quan tâm và tôn trọng người khác, cả hai đều bắt nguồn từ, và là kết quả của sức mạnh nội tâm lớn lao.
Tóm Tắt
Nhờ tham gia chương trình Học Hỏi SEE, chúng ta sẽ có được nhiều ý thức hơn về tư tưởng và cảm giác của mình, cũng như của người khác và đời sống tinh thần của họ. Chúng ta sẽ trau dồi kỹ năng vệ sinh cảm xúc và tự chăm sóc bản thân, có lòng bi mẫn dũng cảm đối với người khác, và sự nhận thức về nhân loại chung, tôn trọng tất cả mọi người ở mọi nơi. Cuối cùng, nhờ khả năng phân biệt giữa hành vi lợi ích và hành vi tổn hại, ta có thể có quan hệ phong phú với người khác và quan tâm đến họ, giúp cho việc tham gia ở mức độ toàn cầu, vì lợi ích xã hội rộng lớn. Do đó, Học Hỏi SEE là một chương trình toàn diện, giúp ta hướng đến các giá trị và kỹ năng để giúp mình phát triển ý thức tự tin lành mạnh, quan hệ tốt với người xung quanh, và trở thành những công dân có trách nhiệm toàn cầu.
Nếu bạn muốn đi sâu hơn thì xin đọc phiên bản đầy đủ của Khuôn Khổ Học Hỏi SEE và học hỏi về những chương trình khác của Trung Tâm Khoa Học Tư Duy và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức.