Tâm Vô Thỉ Vô Chung

Nhu Cầu Có Pháp Nhẹ Nhàng Trước Pháp Thực Thụ

Khi tu tập bồ tát đạo thì chúng ta đang cố gắng khắc phục lòng vị kỷ, và chỉ quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, ta sẽ không khắc phục được tất cả phiền não cho đến khi trở thành một vị A la hán, một bậc giải thoát. Từ đây cho đến lúc đó thì chắc chắn mình sẽ có một mức độ ích kỷ nào đó, không có gì đáng nghi ngờ, nhưng không cần phải cảm thấy tội lỗi về điều đó, vì ít nhất mình đang cố gắng cải thiện nó. Chúng ta đang cố giảm thiểu nó, và xem những chúng sinh khác là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, phải thực tế về bồ tát đạo.

Chúng ta đang tu tập để thuyên chuyển sự phân tích tương tự từ sự quan tâm đến chỉ kiếp này sang những kiếp tương lai, giải thoát và giác ngộ. Thật là phi thực tế, khi nghĩ rằng mình sẽ không quan tâm chút nào về những điều trong kiếp này, nên khi nói về Pháp Nhẹ Nhàng và Pháp Thực Thụ thì không phải chúng mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau, mà là có một sự tương tục giữa hai điều này.

Ít nhất, đối với người Tây phương chúng ta thì mối quan tâm cho kiếp này dường như là số 0, và trên cơ sở này, ta có thể xây dựng các giai đoạn một, hai và ba của lam-rim. Điều này cũng giống như cách mình có giai đoạn số 0 là tâm bình đẳng, trên đó thì có bài thiền bảy điểm nhân quả về bồ đề tâm. Tại sao mình cần giai đoạn số 0 này? Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta biết nhiều người còn không cố gắng cải thiện bản thân và kiếp sống này nữa. Có thể họ rất cần trị liệu, thậm chí còn không nghĩ đến việc đó, chứ đừng nói gì đến việc ngó ngàng đến Pháp Nhẹ Nhàng. Vì vậy, chúng ta cần bước Pháp Nhẹ Nhàng này, cũng như đối với việc quan tâm đến bản thân, so với quan tâm đến người khác thì ta sẽ cố giảm dần mối quan tâm chủ yếu về kiếp này, và quan tâm hơn về những kiếp tương lai. Tuy nhiên, có một chút lo lắng về kiếp này, và như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “50/50”, nghĩa là, chúng ta tập trung 50% vào kiếp này và 50% cho những kiếp tương lai và xa hơn nữa.

Pháp Thực Thụ: Dòng Tâm Thức Là Nơi An Trú Của Tứ Diệu Đế

Khi đi sâu vào Pháp Thực Thụ thì một lần nữa, ta sẽ quay trở lại với Tứ Diệu Đế, đó là khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế, đưa đến diệt đế. Đâu là nơi an trú của Tứ Diệu Đế? Đó là dòng tâm thức của một cá thể.

Nỗi khổ phải xảy ra trong dòng tâm thức. Loại chân khổ thứ ba đề cập đến các uẩn tái diễn một cách bất tự chủ, hết đời này sang đời khác, tạo thành dòng tâm thức. Nó là cơ sở để trải nghiệm hai loại khổ đầu, bất hạnh và hạnh phúc thông thường, là những kinh nghiệm trong dòng tâm thức của mình.

Khi nói về ngũ uẩn thì mình đang nói chung về thân và tâm; hay cụ thể hơn là các loại tâm thức của giác quan và tinh thần, những đối tượng của giác quan mà mình cảm nhận được, và tất cả những tâm sở, như cảm xúc, cảm giác, thái độ, v.v ... tạo ra từng sát na của kinh nghiệm của mình. Chúng phát sinh từ tâm vô minh về thực tại, được trộn lẫn với vô minh trong mỗi một sát na, và trừ khi mình làm điều gì để thay đổi vấn đề, nếu không thì chúng sẽ tiếp tục tạo ra thêm vô minh ngày càng sâu dày hơn.

Nhân tạo khổ (tập đế) là vô minh về luật nhân quả, về cách mình và vạn pháp tồn tại. Hiển nhiên là vô minh xảy ra như là một phần của dòng tâm thức. Khi ta vô minh, hay không có ý thức về nhân quả thì sẽ hành động một cách tiêu cực. Khi không ý thức về thực tại thì mình có thể hành động một cách tiêu cực hay tích cực, nhưng cả hai đều trộn lẫn với vô minh. Ngay cả khi mình hành động một cách trung lập, như gãi đầu, thì nó vẫn trộn lẫn với vô minh. Sự mê lầm hay vô ý thức này đem lại phiền não, và ta bắt buộc phải hành động theo chúng, kết quả là tạo ra nhiều đau khổ hơn. Với cơ chế này, ta sẽ thấy rằng nhân thật sự tạo khổ được chứa đựng trong các uẩn, và mỗi sát na của chúng là những gì tạo ra dòng kinh nghiệm tương tục của mình.

Ở đây, chúng ta có mối quan hệ nhân quả. Nhân tạo khổ là phiền não và nghiệp mà mình tạo tác, dựa vào những phiền não này, và kết quả của chúng, cụ thể là nỗi khổ, xuất hiện trong một khoảnh khắc sau đó. Kinh nghiệm khổ, cụ thể là bất hạnh hay hạnh phúc ngắn ngủi thông thường bất toại nguyện, là một phần của các uẩn vào thời điểm đó. Do đó, cả hai diệu đế thứ nhất và thứ nhì, khổ đế và tập đế, đều xảy ra trong một dòng tâm thức, và tạo ra khía cạnh phiền não của Tứ Diệu Đế.

Khía cạnh tịnh hóa của Tứ Diệu Đế là hai diệu đế sau. Ta sẽ phát triển chân đạo, hay nói một cách đơn giản là chứng ngộ về thực tại. Điều này cũng xảy ra trong dòng tâm thức như một phần của các uẩn, tạo thành kinh nghiệm trong mỗi sát na. Kết quả thật ra không phải là chân diệt, bởi vì thật ra thì dòng tâm thức chưa bao giờ bị cấu uế vì những vấn đề này, nhưng kết quả của chân đạo là việc thành tựu các chân diệt, chứ không phải là chân diệt. Có một sự khác biệt nhỏ về mặt kỹ thuật. Vấn đề ở đây là về phía giải thoát thì ta cũng có một chuỗi nhân quả giữa chân đạo và việc thành tựu việc đoạn diệt hai diệu đế đầu.

Nói ngắn gọn thì địa điểm và cơ sở cho các diệu đế là một dòng tâm thức cá nhân, có một chuỗi sát na mà nội dung của nó có mối liên hệ nhân quả. Không khó để liên hệ điều này bằng kinh nghiệm của mình. Ví dụ, nếu chân mình đụng vào cạnh bàn thì khoảnh khắc đau đớn sẽ theo sau. Nội dung của hai khoảnh khắc đó có liên quan với nhau, và xảy ra trong dòng tâm thức của kinh nghiệm cá nhân của mình.

Giới Hạn Tạm Thời Của Quan Hệ Nhân Quả

Bây giờ, ta có thể đặt câu hỏi, giới hạn trong mối quan hệ nhân quả là gì? Giữa một nhân và quả của nó thì có thể có bao nhiêu khoảng cách, về mặt thời gian? Trong đời sống bình thường, ta có thể thấy khá nhiều khoảng cách giữa hành vi là nhân, và quả của nó. Chẳng hạn như tôi đầu tư vào thị trường chứng khoán, và nhiều năm sau, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền, hay mất rất nhiều tiền. Không phải là tôi kiếm được hay mất tiền ngay trong khoảnh khắc kế tiếp, sau khi đầu tư chứng khoán. Nó không giống như việc va chân vào cạnh bàn và thấy đau ngay lập tức. Vậy thì có giới hạn hay không? Trên thực tế, đây là một trong những luật nhân quả, rằng không có giới hạn về thời gian giữa nhân và quả của nó. Ở một thời điểm nào đó thì bất cứ điều gì ta làm sẽ trổ thành quả, trừ khi mình tịnh hóa nó.

Điều này tự nhiên dẫn đến chủ đề là liệu dòng tâm thức chỉ giới hạn trong đời này, hay có nhiều kiếp hơn, trước và sau kiếp này? Đương nhiên là nghi ngờ sẽ xuất hiện trong tâm mình, vì ngay cả các nhà khoa học cũng không thể xác định rõ ràng và quyết định thời điểm chính xác khi nào thì dòng tâm thức của kiếp này khởi đầu và kết thúc. Toàn bộ câu hỏi về việc phá thai và ngừa thai xoay quanh vấn đề sự sống thật sự bắt đầu vào lúc nào. Đối với cái chết thì ta sẽ chết khi não bộ chết, hay khi mình bị trụy tim? Các nhà khoa học không đồng ý với bất cứ điều nào. Sau đó, khi mình chết thì chỉ có một kiếp sống tương lai trên thiên đàng hay địa ngục hay sao? Có phải đó là kết thúc, hay nó còn đi xa hơn nữa? Nếu xem xét hầu hết các tôn giáo thì chắc chắn là có thiên đàng và địa ngục, và chúng ta thường an trú ở nơi này hay nơi kia mãi mãi mà không có kết thúc. Rồi thì câu hỏi vẫn tồn tại, về việc dòng tâm thức bắt đầu vào lúc nào. Có phải nó được tạo ra ở thời điểm nào, hay không được tạo ra?

Không Tướng (Tánh Không) Của Nhân Quả

Điều này đưa đến chủ đề về Không tướng (tánh Không) của nhân quả. Liệu một quả có thể không xuất phát từ nhân nào cả hay không? Liệu nó có phát sinh từ chính nó không? Việc này xảy ra như thế nào? Đạo Phật có một sự khảo sát rất chi tiết về tánh Không của nhân quả. Chẳng hạn như, nếu các pháp sinh khởi mà không có nguyên nhân thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu những điều xảy ra với mình không có ý nghĩa gì cả, thì ngay cả mối quan hệ giữa việc đá chân vào cái bàn là nguyên nhân khiến tôi cảm thấy đau đớn cũng không nhất thiết là hợp lệ.

Một điểm phân tích khác là liệu quả đã tồn tại ở thời điểm của nhân chưa. Nói cách khác là nếu như cái gì xuất phát từ chính nó, thì điều này sẽ giống như mọi việc đã được tiền định. Tất cả mọi thứ sẽ có sẵn ở đó, và vấn đề chỉ là việc chúng biểu hiện ra thôi. Nếu như điều này đúng thì việc vạn pháp vô thường và thay đổi từ sát na này đến sát na khác, và chịu ảnh hưởng của những điều xảy ra trước đó sẽ không có ý nghĩa gì. Mọi thứ sẽ có mặt sẵn ở đó, nhưng chỉ biểu hiện hay không biểu hiện thôi, như thể mọi việc đều xảy ra cùng một lúc. Rồi thì sẽ không có những thứ như thời gian. Với sự tiền định thì có nghĩa là mọi việc trong quá khứ, hiện tại và vị lai đang xảy ra cùng một lúc.

Ngoài ra, chúng ta có thể phân tích từ quan điểm duyên khởi. Nếu mình chọn một hiện tượng nào đó, và nhìn vào việc nó phụ thuộc vào những gì xảy ra trước đó, thì ta sẽ gọi nó là quả. Nếu như nhìn vào nó dựa vào những điều sinh khởi từ nó mà ra thì ta sẽ gọi nó là nhân. Sự tồn tại của một cái gì là nhân hay quả phụ thuộc vào dòng tương tục. Kinh nghiệm của tôi về ngày hôm nay là kết quả của kinh nghiệm của tôi về ngày hôm qua, và nó là nguyên nhân cho kinh nghiệm của tôi trong ngày mai. Không có gì tồn tại từ chính phía nó một cách độc lập như một nhân hay quả, mà chỉ liên quan đến những gì xảy ra trước hoặc sau nó. Do đó, liệu mình có thể có một cái gì đó giống như một khoảnh khắc của cái chết, là kết quả của điều gì trước đó, mà không phải là nguyên nhân của điều gì sau đó? Việc phân tích tánh Không của nhân quả đánh vào điểm này.

Nói ngắn gọn thì để trở thành một hành giả thuộc phạm vi sơ căn, tu tập để đảm bảo mình sẽ tiếp tục có được kiếp người quý báu, với khả năng tiếp tục trên đường tu tâm linh thì mình phải vững tin về vấn đề tái sinh. Đối với điều đó thì phải có sự hiểu biết về dòng tâm thức vô thỉ vô chung, và cách nó hoạt động về mặt nhân quả. Nói cách khác là để đoạn trừ nỗi khổ và nhân tạo khổ chân thật mãi mãi thì ta phải xem cách những nguyên nhân thật sự này đã được tích tập như thế nào trong thời gian vô thỉ, không chỉ trong kiếp này. Để đạt được chân diệt và chân đạo thì ta phải làm việc với nơi an trú của chúng, cụ thể là dòng tâm thức của mình; và vì việc thành tựu giải thoát và giác ngộ sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong một thời gian dài, nên ta phải hình dung quá trình này về mặt vô lượng kiếp trong tương lai.

Tóm Tắt

Nếu không tin vào việc tái sinh trong tương lai thì việc đi sâu vào Pháp Thực Thụ sẽ không có ý nghĩa gì. Pháp lam-rim giả định niềm tin vào những kiếp tương lai, và các giáo huấn dựa trên điều này. Để hiểu được tất cả những điều này thì bắt buộc phải nghiên cứu và tư duy về bản tánh của tâm.

Khi nhìn vào nhân quả, và cách mà tâm mình hoạt động trong cuộc sống bình thường hàng ngày thì ta sẽ đi đến kết luận rằng dòng tâm thức của mình không chỉ vô thỉ, mà còn vô chung. Sự xác tín về điều này sẽ buộc ta phải suy nghĩ về những kiếp tương lai của mình, và những gì mình có thể làm cho chúng trong hiện tại.

Những chủ đề này rất khó hiểu, nhưng chúng là con đường mà nhờ đó, ta có thể tự thuyết phục mình rằng việc thành tựu ba mục tiêu của lam-rim là khả dĩ, và ta có thể tự mình đạt được chúng. Một khi đã vững tin thì ta có thể tu tập để phát triển mãnh lực cảm xúc, thúc đẩy mình tu tập để đạt được những mục tiêu này.

Top