Động Lực Sơ Căn

Initial level motivation

Ba Cấp Độ Động Lực Dành Cho Pháp Thực Thụ

Lam-rim trình bày ba cấp độ động lực:

  • Sơ căn - nghĩ về việc đảm bảo mình sẽ có một trong những dạng tái sinh tốt hơn, không chỉ trong kiếp sau, mà trong tất cả những kiếp tương lai.
  • Trung căn - động lực của mình là hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi, bởi vì chúng ta muốn được giải thoát.
  • Thượng căn - hướng đến thành tựu quả vị toàn giác của một vị Phật, để phổ độ tất cả chúng sinh đều thoát khỏi luân hồi. 

Điều khá rõ rệt là mỗi một cấp độ này dựa vào giả định về tái sinh. Tuy nhiên, như đã thảo luận trước đây, mỗi một phương pháp được trình bày trong số tài liệu dành cho ba cấp độ này cũng có thể được áp dụng ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-Lite). Những động lực này không phải là điều mà mình nên tầm thường hóa, bởi vì thật ra chúng khá là phi thường, nếu ta có thể phát triển chúng một cách chân thành.

Khắc Phục Cảm Giác Thương Hại Bản Thân, Bằng Cách Xem Trọng Kiếp Người Quý Báu

Với động lực sơ căn thì điều trước tiên cần phải nhận ra là xem trọng cái mà ta gọi là “kiếp người quý giá” mà mình có được. Ngay cả ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng thì điều này rất hữu ích, để khắc phục cảm giác “tội nghiệp cho mình quá”, và cảm giác chán nản xuất phát từ đó. Chúng ta sẽ quán chiếu về tất cả các tình huống kinh khiếp mà mình có thể gặp phải, và cố xem trọng việc mình không bị kẹt trong những tình huống đó là tuyệt vời như thế nào.

Có một danh sách dài liệt kê các tình huống kinh khiếp được tìm thấy trong phiên bản tiêu chuẩn, nhưng không cần thiết phải xem xét chúng, bởi vì ta có thể nghĩ về những điều kiện tổng quát. Chẳng hạn như nghĩ về việc mình may mắn ra sao, khi không phải sống trong vùng có chiến tranh, không gặp nạn đói, chết đói và không thể nuôi con. Nghĩ đến sự may mắn khi mình không sống dưới chế độ độc tài nghiêm trọng trong một xã hội bị hạn chế. Có thể những người lớn tuổi sẽ dễ cảm thông điều này hơn ở đây, tại Romania. Thật may mắn làm sao khi mình không bị tàn phế nặng nề về mặt tinh thần, thể chất hay cảm xúc. Rõ ràng là từ quan điểm của đạo Phật thì ta cũng nghĩ mình may mắn đến mức nào, khi không phải là một con gián mà mọi người chỉ muốn dẫm lên và giết chết.

Có rất nhiều hình thức mở rộng của dạng tư tưởng này, và khi thật sự xem xét bản thân một cách khách quan thì chúng ta thật may mắn vô cùng, khi có được những tự do này. Chúng ta không chỉ thoát khỏi những điều này, mà còn cần phải hiểu rằng mình có thể mất đi nó bất cứ lúc nào, ví dụ như khi bị bệnh Alzheimer. Hiện tại, có một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, và thậm chí, sự việc có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Đúng ra từ ngữ được sử dụng để mô tả trạng thái mà chúng ta đang có được là một “sự nghỉ ngơi”, có nghĩa là nó chỉ là một sự gián đoạn đối với những tình huống thật tồi tệ. Sự nghỉ ngơi này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Bên cạnh những tự do này thì cần phải xem xét các yếu tố làm phong phú cuộc sống. Ví dụ như hầu hết chúng ta tương đối khỏe mạnh. Tất nhiên, nhiều người trong số chúng ta có thể bị bệnh, nhưng ở thời điểm này thì ta có thể hoạt động. Đức Phật đã thuyết pháp, và những giáo huấn này đã được truyền lại, và vẫn còn tồn tại cho chúng ta. Có rất nhiều giảng sư và sách vở để mình học hỏi. Rõ ràng là chúng ta có nhiều cơ hội. Trong hoàn cảnh này thì cần phải nhận ra những tự do và thuận lợi mà mình có được, và thật sự xem trọng sự may mắn của mình.

Video: Geshe Lhakdor — “Thông Điệp Của Tôi”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Nghĩ Về Cái Chết Và Vô Thường Để Không Lãng Phí Cơ Hội Quý Báu Của Mình

Điểm tiếp theo trong phạm vi sơ căn là thật sự hiểu rằng kiếp sống quý báu mà mình có được sẽ không kéo dài mãi mãi. Điều này không giới hạn trên thực tế là hoàn cảnh sẽ thay đổi trong cuộc sống, nhưng tất cả chúng ta sẽ chết. Vì vậy mà ta thấy có rất nhiều bài thiền quán về cái chết. Nhiều người trong nhiều xã hội cố phớt lờ với cái chết, thường là một đề tài cấm kỵ. Chúng ta không chấp nhận thực tế rằng đến một lúc nào đó thì tất cả mọi người đều sẽ chết. Điều này bao gồm những người thân yêu của mình, tất cả mọi người mà mình quen biết, và chính bản thân mình. Đây là thực tại.

Có nhiều lý do để hỗ trợ cho thực tế là chúng ta chắc chắn sẽ chết. Mọi người đã từng sống đều đã chết, vậy thì tại sao mình lại đặc biệt hơn, hay khác với họ? Nguyên nhân sau cùng của cái chết là vì mình đã được sinh ra, vì vậy, nếu đã được sinh ra thì chúng ta sẽ chết. Cơ thể thì khá yếu ớt, và bắt đầu suy sụp khi mình già nua. Nó không mạnh mẽ như chúng ta thường nghĩ, mà có thể bị tổn hại và thương tích rất dễ dàng. Cần phải thuyết phục bản thân mình về điều này một cách hợp lý, để nó từ từ lắng xuống ở mức độ tình cảm.

Ngoài việc mình chắc chắn sẽ chết thì điểm thứ hai là không bao giờ biết khi nào mình sẽ chết. Không cần phải già nua hay đau bệnh mới chết; nhiều người trẻ và khỏe mạnh lại chết trước người già và người bệnh. Gần đây, có một tai nạn máy bay lớn mà không ai ngờ là khi họ lên chiếc máy bay đó thì nó sẽ bị rớt. Chúng ta có thể bị xe buýt đụng bất cứ lúc nào. Người bạn thân nhất của tôi mới 54 tuổi, có sức khỏe hoàn toàn tốt, nhưng lại đột ngột qua đời vì một cơn đau tim chỉ hai tuần trước đây.

Có rất nhiều lý do hỗ trợ rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Cái chết sẽ không chờ đợi mình hoàn tất công việc hay bữa ăn, hay bất cứ điều gì mình đang làm. Ta không thể nói với tử thần rằng, “Chờ một chút, hãy để tôi làm xong chuyện này.”. Khi cái chết đến thì nó sẽ đến, và đời sống của mình sẽ kết thúc. Khi thời gian của mình kết thúc thì chúng ta không thể làm gì nhiều để kéo dài nó. Bạn không thể hối lộ cái chết. Chúng ta có thể duy trì cơ thể bằng một cái máy hỗ trợ sự sống, nhưng ở trong trạng thái thực vật thì có ích gì, bởi vì ngay cả như vậy thì sự sống vẫn sẽ kết thúc vào một lúc nào đó.

Điểm thứ ba về cái chết là xem xét điều gì sẽ giúp ích cho mình ở thời điểm của cái chết. Chúng ta không thể mang theo tiền bạc, bạn bè hay gia đình. Ngay cả khi mình xây dựng một kim tự tháp và tích trữ tất cả những thứ này trong đó  thì khi ta chết, họ cũng không đồng hành với mình. Từ quan điểm nhà Phật, chúng ta nói rằng những gì thật sự sẽ giúp ích khi ta chết là những tập khí tích cực mà mình đã tích tập trong tâm thức.

Có lẽ ta đã làm rất nhiều việc tích cực và giúp đỡ người khác, hoặc có lẽ ta đã tiến bộ rất nhiều trên đường tâm linh, về mặt giảm bớt tâm sân hận, ích kỷ và vân vân. Điều này sẽ tạo ra ấn tượng sâu sắc trong dòng tâm thức của mình. Từ quan điểm Pháp Nhẹ Nhàng thì khi ấy, ta sẽ chết mà không hối tiếc, và cảm thấy mình đã có một cuộc sống đáng giá, tích cực, đặc biệt là nếu mình chăm sóc những người thân yêu, hoặc trên quy mô lớn hơn, đã đóng góp cho xã hội. Ta sẽ thấy an lạc, cảm nhận và suy nghĩ rằng, “Mình đã có một cuộc sống tốt, đáng giá.”.

Về mặt Pháp Thực Thụ thì ta có thể chết với niềm tự tin rằng những tập khí, khuynh hướng và bản năng tích cực trong dòng tâm thức của mình sẽ tiếp tục đi vào những kiếp tương lai. Chúng ta sẽ chết mà cảm thấy rằng, “Mình sẽ tiếp tục có một kiếp người quý báu trong những kiếp tương lai. Mình sẽ là một đứa trẻ được sinh ra với bản năng rất tích cực.”. Ta có thể thấy điều này đối với con cái của mình. Một số trẻ em, khi còn rất nhỏ thì luôn khóc nhè và tức giận, trong khi những đứa trẻ khác thì bình tĩnh và tử tế với người khác. Đây là kết quả của những tập khí tích cực mà chúng đã tích tập trong những kiếp trước. Khi tâm mình an lạc vào lúc lâm chung thì điều này sẽ giúp ích rất nhiều. Số tiền mà ta có trong ngân hàng sẽ không giúp cho mình thoải mái chút nào, bởi vì khi mình chết thì chúng chỉ là những con số trên màn hình máy vi tính.

Thiền Quán Về Cái Chết

Vì những điều nói trên mà có những bài thiền quán về cái chết, khi mà ta có thể tưởng tượng rằng hôm nay là ngày cuối cùng của mình. Chúng ta sẽ tự hỏi, liệu mình đã sẵn sàng để chết bất cứ lúc nào chưa? Liệu tôi có hối hận về cách mình đã sống hay không, nếu như tôi sẽ chết hôm nay? Điểm chính của việc này chắc chắn không phải là để chán nản, mà là khuyến khích mình tận dụng kiếp người quý báu này, và tất cả những cơ hội mà chúng ta có hiện nay. Đó là toàn bộ mục tiêu của bài thiền. Nó không chỉ là việc mỗi ngày mình đang già nua hơn, mà là mình đang liên tục đến gần cái chết hơn. Khi mỗi ngày kết thúc là mình phải sống ít hơn một ngày. Không còn nhiều thời gian, và chúng ta không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa. Do đó, ta thật sự muốn tận dụng đời sống của mình một cách tốt nhất, và không chỉ lãng phí thời gian. Nếu phải chết với nhận thức là mình đã thật sự lãng phí cuộc sống mà mình có khả năng thành tựu nhiều điều hơn nữa, thì đó là một tâm trạng hoàn toàn tệ hại.

Chúng ta phải thiết lập tâm trạng, “Tôi sẽ không lãng phí cơ hội của mình” một cách quân bình. Phải tránh làm người cuồng tín, sống trong trạng thái sợ hãi, luôn lo sợ, nên chẳng bao giờ ngưng làm việc hay hành thiền. Cần phải thư giãn và nghỉ ngơi khi cần, để có sức mạnh để tiếp tục sau khi nghỉ ngơi. Công án Zen mà tôi yêu thích nhất là: “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy thư giãn.”. Nếu bạn nghĩ về điều này thì thật ra nó rất có ý nghĩa. Đúng, chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng nếu cứ căng thẳng tinh thần và cuồng tín về điều đó là tự đánh bại chính mình.

Thông điệp chính là tận dụng kiếp người quý báu kỳ diệu này mà mình có được, nhưng phải làm điều đó một cách quân bình. Chúng ta có thể thư giãn khi cần, và thành thật với chính mình khi không cảm thấy mệt mỏi, mà chỉ lười biếng thôi. Nên cố ghi nhớ động lực của mình.

Rõ ràng là bài thiền quán ý thức về cái chết có thể áp dụng cho cả Pháp Nhẹ Nhàng và Pháp Thực Thụ. Chẳng hạn như khi có những điều mà mình chưa làm, như là nói với ai rằng bạn yêu họ, và xem trọng những gì họ đã làm, hoặc xin lỗi và làm lành với người nào thì đừng chần chờ. Ngày mai, người đó có thể không còn hiện hữu, và chúng ta có thể không còn tồn tại đến ngày hôm sau. Đây là bài học về Pháp Nhẹ Nhàng mà ta có thể có được, từ sự ý thức về cái chết. Nó rất lợi lạc và hữu ích ở mọi mức độ; đừng chối bỏ cái chết mà hãy chuẩn bị cho nó. Thậm chí, ta có thể hình dung cái chết và đám tang của chính mình, điều này có thể giúp cho nó thực tế hơn một chút. Chỉ cần bảo đảm là mình sẽ không day dứt vì điều đó và trở nên bệnh hoạn hay chán nản!

Phát Tâm Sợ Hãi Những Tái Sinh Tệ Hại Hơn, Có Thể Xảy Ra Sau Khi Chết

Sau đó, ta sẽ tiếp tục với việc khảo sát về những gì sẽ xảy ra sau khi mình chết. Ở đây, có một sự trình bày về những trạng thái tái sinh tồi tệ nhất mà ta có thể trải nghiệm, và cách mà điều này phải được tiếp thu một cách nghiêm túc. Một lần nữa, nó không dễ dàng chút nào, vì cách trình bày trong đạo Phật không chỉ bao gồm việc tái sinh thành thú vật, còn tệ hại hơn tái sinh hiện tại của chúng ta, mà còn có những sắc tướng mình không thể nhìn thấy.

Khi xem xét tái sinh thành thú vật thì phải nhớ rằng nó bao gồm tất cả các loại côn trùng, cá và mỗi một chủng loại và loài thú hiện hữu. Có rất nhiều ví dụ về việc tái sinh trong vương quốc động vật thì kinh khiếp như thế nào, với tất cả những nỗi sợ hãi và đau khổ mà chúng phải chịu đựng. Khi nghĩ về tái sinh thành loài thú thì mình sẽ không tưởng tượng cuộc sống của một con chó lông xù được sơn móng tay trong một ngôi biệt thự. Thay vào đó, ta sẽ nghĩ về những con gián và chuột mà hầu hết mọi người đều chán ghét, những loài côn trùng và cá nhỏ bị động vật lớn hơn ăn sống, và dĩ nhiên là những con vật được con người nuôi dưỡng trong ngành công nghiệp và làm thịt.

Ở đây, cảm xúc phát sinh về những triển vọng như vậy trong tương lai thường được dịch là “sợ hãi”, nhưng tôi không chắc đó có phải là chữ tốt nhất hay không, bởi vì nó ám chỉ sự vô vọng, như thể mình không thể làm gì về điều đó. Tuy nhiên, ta có thể làm một điều gì đó để tránh nó, nên tôi thích chữ "khiếp đảm", có nghĩa là mình thật sự không muốn điều đó xảy ra một cách mãnh liệt.

Giả sử có một cuộc họp về vấn đề kinh doanh thật là nhàm chán mà mình phải tham dự. Chúng ta thấy khiếp đảm khi phải đi dự cuộc họp. Nó sẽ rất nhàm chán và khủng khiếp, nhưng ta không sợ hãi khi phải đi họp. Đây là cảm xúc mà mình nên tạo ra. Chúng ta có đời sống quý báu có thể mất đi bất cứ lúc nào, nên muốn tận dụng lợi thế của nó, để đảm bảo rằng mình sẽ không phải là một con gián trong kiếp sau. Việc làm con gián sẽ thật là kinh khủng, và mình thật sự không muốn điều đó xảy ra, nên phải làm điều gì để tránh vấn đề đó.

Trong Pháp Thực Thụ thì không chỉ nói về tái sinh thành thú vật và côn trùng, mà còn về tái sinh ở cõi ngạ quỷ và địa ngục. Không nên xấu hổ khi bao gồm những điều này. Nếu như giấu giếm những sự mô tả này trong tủ áo thì sẽ không công bằng cho đạo Phật. Thay vì vậy, ta có thể cởi mở và nói rằng, “Tôi thật sự không hiểu điều đó.”.

Cách Thấu Hiểu Những Trạng Thái Tái Sinh Phi Nhân

Chúng ta có thể tiếp cận với điều này về mặt tâm hành, hay nói cách khác là mỗi một khoảnh khắc trải nghiệm điều gì đó. Với mỗi khoảnh khắc thì ta có sự phát sinh của một tâm ảnh ba chiều, đó là ý nghĩa của việc nhìn thấy, nhận biết hay suy nghĩ về điều gì đó, v.v... Kèm theo từng khoảnh khắc kinh nghiệm thì có một số cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh. Đây thật sự có vẻ là điều phân biệt giữa mình và máy vi tính. Có thông tin trong máy vi tính mà nó xử lý và hiểu biết, theo một nghĩa nào đó. Nhưng máy vi tính không có cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh, và nó không thật sự trải nghiệm thông tin. Việc mình có cảm giác hạnh phúc và bất hạnh là điều định nghĩa kinh nghiệm, và thể loại hạnh phúc và bất hạnh thì vô cùng rộng lớn. Số lượng của thể loại mà chúng ta có thể trải nghiệm phụ thuộc vào phần cứng (hardware) của mình; nói cách khác là loại cơ thể của mình.

Điều này có thể được hiểu theo nghĩa không chỉ là hạnh phúc và bất hạnh, mà với mỗi giác quan của mình. Một số người có thể nhìn xa hơn những người khác, một số người có thể thính tai hơn những người khác, và một số người có thể chịu đựng nóng và lạnh hay hơn những người khác. Nói về động vật thì một con chó có thể nghe được tần số cao hơn nhiều so với con người, vì nó có loại cơ thể khác với cơ thể con người, nên có phần cứng khác. Một con đại bàng có thể nhìn xa hơn nhiều bằng mắt của đại bàng, so với mắt người. Nếu điều này là như vậy đối với những giác quan khác nhau, thì tại sao nó cũng không thể đúng đối với thể loại về cảm giác hạnh phúc và bất hạnh?

Có thể bao gồm lạc thú và đau đớn trong thảo luận này, mặc dù chúng không hoàn toàn giống nhau. Hạnh phúc và bất hạnh được trải nghiệm về mặt tinh thần, trong khi lạc thú và đau đớn, ít nhất là với những từ ngữ mà mình có trong tiếng Anh, thì hầu hết là về thể chất. Đối với phần cứng của con người thì khi thể xác quá đau đớn thì mình sẽ bất tỉnh. Đối với nỗi đau về cảm xúc thì ta sẽ cảm nghiệm cú sốc, và cơ thể có thể ngưng hoạt động.

Mặt khác, lạc thú thì thú vị. Nếu bạn phân tích một cơn ngứa thì thật ra nó là lạc thú mãnh liệt. Nó không đau đớn chút nào, mà trên thực tế thì quá dễ chịu, nên mình tiêu diệt nó theo bản năng, bằng cách gãi nó. Đó là một cách để đối phó với bệnh da mãn tính bị ngứa dữ dội, đó là việc xem cơn ngứa là niềm vui. Nó rất tiên tiến, rất khó để thử thư giãn và tận hưởng nó, đặc biệt là nếu việc gãi ngứa sẽ gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, đó là điều khả dĩ. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu như nghĩ về mặt khoái cảm tình dục thì nó càng mãnh liệt hơn, thì ta càng muốn đạt được cực khoái và cao điểm, để hủy diệt nó.

Vì vậy, ta có thể thấy rằng phần cứng của con người chỉ có thể trải nghiệm một phần nào đó của các thể loại về hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và đau đớn. Chúng ta cũng đã xác định rằng động vật có thể trải nghiệm nhiều hơn qua các thể loại giác quan như thị giác và âm thanh. Do đó, nói một cách hợp lý thì có thể có những loại phần cứng khác có khả năng trải nghiệm nhiều hơn qua thể loại của đau đớn, lạc thú, hạnh phúc và bất hạnh. Tại sao không?

Đó là tâm hành mà mình nói về sự tương tục từ kiếp này sang kiếp khác. Không có lý do gì tại sao nó không thể trải nghiệm toàn bộ thể loại từ đau khổ và đau đớn nghiêm trọng đến lạc thú và hạnh phúc cực kỳ mãnh liệt. Nó chỉ là vấn đề của phần cứng mà mình có trong mỗi một kiếp. Đây là một cách hợp lý để thử và ít nhất là đủ cởi mở để xem xét các dạng sống khác được mô tả trong đạo Phật, điều mà chúng ta không thể thấy. Chúng ta không thể nhìn thấy vi khuẩn amip, nhưng với sự phát triển khoa học của kính hiển vi thì ta có thể thấy và chấp nhận chúng như một dạng sống. Tương tự như vậy, chúng ta có thể không thể nhìn thấy ma, nhưng với sự phát triển của tâm thức thì có lẽ điều đó khả dĩ.

Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng giảm thiểu tất cả các cảnh giới khác thành những loại kinh nghiệm của con người. Chẳng hạn như ai đó có thể quá khủng hoảng tinh thần, như thể họ đang sống trong địa ngục. Điều này cũng có thể giúp ta có thiện cảm với họ, và mong muốn mình sẽ không lâm vào hoàn cảnh như thế trong tương lai. Điều đó ổn thỏa như một chức năng ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng. Tuy nhiên, Pháp Thực Thụ thì không chỉ nói về kinh nghiệm của con người, mà còn về những trải nghiệm mà chúng ta và mọi người có thể có, trên cơ sở của một dòng tâm thức. Tâm hành này có thể đi kèm với bất cứ điều gì thuộc về quang phổ hạnh phúc đến bất hạnh, lạc thú đến đau đớn. Chắc chắn là ta không muốn có một số cơ sở hạn chế, chỉ có thể hỗ trợ những kinh nghiệm đau đớn khủng khiếp trong tương lai. Điều này thì quá rõ ràng.

Có cách nào để tránh điều đó không? Đây là câu hỏi quan trọng! Đầu tiên, chúng ta phải đưa một phương hướng tích cực nào đó vào trong cuộc sống, điều này sẽ giúp mình tránh những tái sinh tồi tệ hơn. Trên thực tế, nó không chỉ thực hiện điều này, mà còn đưa ta đến giải thoát và giác ngộ.

Đưa Phương Hướng An Toàn Vào Trong Đời Sống: Quy Y

Tôi không thích thú lắm với chữ “quy y”, có vẻ hơi sai lạc, vì nghe quá thụ động, như thể mình đến với Đức Phật như một vị cứu tinh, “Xin Đức Phật hãy cứu con!”, cũng không giống như chúng ta là những con thú, được đưa đến một nơi trú ẩn dành cho động vật hoang dã. Chúng ta đang nói về một điều gì đó rất tích cực, và không thụ động chút nào. Tôi mô tả điều này như đưa một “phương hướng an toàn” vào đời sống. Nếu như đi theo chiều hướng này thì ta sẽ giúp cho bản thân thoát khỏi những tái sinh tồi tệ hơn, những tái sinh hoàn toàn bất tự chủ, cũng như không có khả năng giúp đỡ tha nhân với hiệu quả tối đa.

“Pháp”, thường được dịch là giáo huấn của Đức Phật, đúng ra là một biện pháp phòng ngừa. Nó là điều mà chúng ta hội nhập vào bản thân, để ngăn chặn hay tránh những khó khăn và nỗi khổ trong tương lai. Chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp này trong đời sống, để tránh ba hoàn cảnh tái sinh tồi tệ hơn, hoàn toàn thoát khỏi tái sinh, và không có khả năng giúp đỡ người khác một cách trọn vẹn.

Phương hướng được Đức Phật nêu ra là gì? Phương hướng đó thật ra là những gì Đức Phật đã đạt được, đó là một sự chấm dứt hoàn toàn mọi chướng ngại, thiếu sót, vô minh và phiền não. Đồng thời, Đức Phật đã chứng ngộ tất cả tiềm năng tích cực của tâm thức. Đây là phương hướng mà ta đang nói đến. Đó thật sự là những gì mình đề cập đến, khi nói về phương hướng an toàn của Tam Bảo quý hiếm Phật, Pháp và Tăng. Pháp là những gì Đức Phật đã thành tựu, và khai thị của Ngài về cách mà tất cả chúng ta đều có thể thành tựu như nhau. Phật nói về người đã chứng đắc Pháp một cách trọn vẹn. Tăng đoàn không chỉ là những người trong tu viện hay trung tâm Phật giáo, mà là tăng thân. Trên thực tế, ngay cả điều này cũng không thật sự là phương hướng an toàn của chúng ta. Tăng đoàn, như một thành phần của Tam Bảo, đề cập đến các bậc có chứng ngộ cao, những người đã thành tựu một phần của những gì một vị Phật đã thành tựu viên mãn.

Theo đó, đây là những gì mình phải thực hiện trước tiên. Chúng ta phải thành tâm quy y Tam Bảo; đó là những gì mình đang nỗ lực hướng đến. Chúng ta sẽ tu tập để đạt được những gì một vị Phật đã thành tựu, cách mà một vị Phật đã thực hiện một cách trọn vẹn, và cách mà Tăng thân đã thực hiện một phần. Việc đưa phương hướng này vào trong cuộc sống sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn lao ở mọi cấp độ, bởi vì giờ đây, cuộc đời của chúng ta thật sự có ý nghĩa và một hướng đi. Chúng ta đang cải thiện bản thân để đoạn diệt những khiếm khuyết và chứng ngộ tiềm năng của mình. Nếu như chịu làm như vậy thì mình sẽ hạnh phúc hơn về mặt cảm xúc nói chung, vì ta sẽ không nghĩ rằng “Tôi không biết đời sống là gì. Tôi không biết mình đang làm gì ở đây. Cuộc sống của mình vô nghĩa.”. Đó là một tâm trạng khủng khiếp, và khi người ta có tâm trạng này thì nó thường có nghĩa là cuộc sống của họ chỉ xoay quanh tiền bạc. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng sự thật là “tiền không thể mua được hạnh phúc cho mình”.

Tránh Hành Vi Phá Hoại

Giờ đây, ta đã có phương hướng an toàn này trong đời sống. Trên cơ sở này thì đâu là cách để tránh những tái sinh tệ hại hơn? Phương pháp là dùng để tránh hành động một cách phá hoại về thân, khẩu hay ý. Điều đó có nghĩa là ta sẽ cố gắng tránh bất kỳ điều nào trong số ba hành vi này, dưới sự ảnh hưởng của một phiền não như sân hận, tham lam, luyến ái, ngây thơ, ganh tỵ, kiêu hãnh và cả một danh sách dài của những phiền não khác. Cách tốt nhất để tận dụng kiếp người quý báu ngay trong hiện tại, ở phạm vi sơ căn, là tránh hành động, nói năng và suy nghĩ một cách tiêu cực.

Tuy nhiên, cần phải làm điều này trong khuôn khổ đạo Phật. Nói chung, tất cả các tôn giáo đều dạy không hành động một cách tiêu cực như giết hại và trộm cắp, nhưng đặc biệt là cơ sở đạo Phật không phải là luật lệ. Không có luật lệ nào được đấng thiêng liêng nào, cơ quan lập pháp hay chánh phủ nào tạo ra. Đạo đức nhà Phật không dựa vào việc tuân theo luật pháp như cách, “Hãy tuân theo luật lệ, nếu không thì bạn sẽ bị trừng phạt.”. Đối với luật dân sự thì mình có thể hối lộ, hay mướn một luật sư giỏi để trốn tránh hình phạt. Ngoài ra, không phải nếu mình tuân theo luật pháp thì là người tốt, và nếu không tôn trọng luật pháp thì là người xấu, hay là tội phạm. Việc vâng lời không phải là nền tảng của đạo đức nhà Phật.

Tham Gia Vào Hành Vi Xây Dựng

Điều quan trọng là hiểu hành vi xây dựng có nghĩa là gì trong đạo Phật. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách xem xét nó về mặt hành vi tiêu cực. Chẳng hạn như một cách giết hại hay cướp đi sự sống là săn bắn. Nhưng nếu ta không bao giờ săn bắn và không có hứng thú với việc này thì sự kiện mình không săn bắn không được tính là hành vi xây dựng, ngay cả khi đó là một việc tốt. Hành vi xây dựng đề cập đến khi mình cảm thấy muốn đập một con muỗi để giết nó, nhưng không hành động theo cảm giác ấy. Chúng ta hiểu rằng nếu mình tạo tác hành vi ấy thì mình đã hành động vì tức giận, chỉ nghĩ về tôi, tôi, tôi. Hơn nữa, ta biết rằng nếu như mình giết muỗi thì nó sẽ tạo ra một tập khí mạnh mẽ đối với bất cứ điều gì mà mình không thích, ta sẽ cố gắng đối phó với nó bằng cách giết hại nó. Vì vậy, thay vì đập muỗi thì ta sẽ tìm cách đối phó với nó một cách êm thắm, như bắt nó bằng ly, và đem nó ra ngoài. Hành động xây dựng là kềm chế việc giết hại một chúng sinh khác, khi ta thật sự muốn giết nó. Vì thấu hiểu nhân quả nên mình kềm chế hành vi đó. Loại hành động xây dựng này sẽ tích tập tiềm năng tích cực mạnh mẽ trong tâm thức của mình.

Thậm chí còn có những mức độ hành vi mang tính xây dựng mạnh mẽ hơn, không chỉ là không giết muỗi, mà còn nuôi dưỡng nó. Chúng ta có thể cho nó nếm một chút máu của mình. Dù gì thì mình cũng có rất nhiều máu. Có một vài người mà tôi đã gặp có thể làm điều đó. Sự kiện không săn bắt không phải là một hành động tích cực mạnh mẽ như chúng ta nghĩ.

Nền Tảng Của Đạo Đức Nhà Phật Là Thấu Hiểu Nhân Quả

Thế thì trong đạo Phật, toàn bộ nền tảng của đạo đức là hiểu rằng việc hành động theo những cách nào thì sẽ tạo ra một số hậu quả nào đó, và phân biệt giữa điều gì có hại và điều gì có lợi. Chẳng hạn như, nếu ta hành động một cách phá hoại thì điều đó sẽ tạo ra một tâm trạng không vui hay xáo trộn cho chính mình. Chúng ta hành xử như vậy vì tâm vô minh căn bản. Thứ nhất, có thể mình không biết rằng hành động phá hoại thật ra là tự hủy hoại bản thân, giống như khi mình nghiện ma túy hay rượu. Ngoài ra, ta có thể nghĩ một cách ngược lại rằng nếu lúc nào mình cũng lâng lâng hay say sưa thì có thể tránh né những vấn đề của mình.

Vì vậy, với sự hiểu biết về cơ sở hành vi đạo đức, chúng ta sẽ nhận ra rằng khi mình hành xử một cách tiêu cực thì không phải vì mình xấu xa, mà là vì vô minh. Khi người khác hành xử một cách tiêu cực thì không phải là họ là người xấu và đáng bị trừng phạt, mà là vì họ rất vô minh và bất an. Họ trở thành đối tượng của lòng trắc ẩn, khi mà mình muốn giúp họ diệt trừ tâm vô minh. Đúng vậy, có thể phải nhốt họ lại, nếu họ có khả năng tiếp tục phương hại người khác, nhưng điều này nên được thực hiện với một tâm lý khác. Không cần trừng phạt hay làm tổn thương họ, mà là cố giúp đỡ họ. Họ có một dòng tâm thức sẽ tiếp nối mãi mãi, và nếu không cố gắng chuyển hóa họ trong lúc này bằng cách nào đó thì họ sẽ tiếp tục hành động một cách rất tiêu cực trong tương lai.

Tuy nhiên, ở phạm vi sơ căn này, ta sẽ chủ yếu tập trung vào bản thân mình và muốn tránh những tình huống kinh khiếp trong tương lai, một là trong cuộc đời này đối với tiếp cận Pháp Nhẹ Nhàng, hay trong những kiếp tương lai, đối với tiếp cận Pháp Thực Thụ. Ở mức độ này thì đây là cách ta sử dụng kiếp người quý báu này, bằng cách tìm ra phương hướng an toàn. Chúng ta sẽ quý trọng kiếp sống này, bởi vì ta biết rằng mình sẽ mất đi nó, và muốn đảm bảo là mình sẽ tiếp tục có kiếp người quý báu trong tương lai. Chúng ta cần có kiếp người, bởi vì sẽ cần rất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu giải thoát và giác ngộ. Giống như Pháp Nhẹ Nhàng là một bước đệm cho Pháp Thực Thụ thì phạm vi sơ căn mà chúng ta đã xem xét là một bước đệm cho các phạm vi trung căn và thượng căn.

Tóm Tắt

Động lực sơ căn bắt đầu với việc quý trọng kiếp người vô cùng quý giá này mà mình có được. Chúng ta có thân thể này, chúng ta có cơ hội, và trên hết là có trí thông minh của con người; hầu như không có gì mà mình không thể đạt được, nếu ta để hết tâm trí vào đó.

Hoàn cảnh tuyệt vời mà mình đang hiện có sẽ không kéo dài mãi mãi, vì không có gì là miên viễn. Không cần biết mình giàu đến mức nào, hoặc nổi tiếng ra sao, hay có bao nhiêu bạn bè, hoặc cơ thể mình mạnh mẽ như thế nào thì chúng ta sẽ chết. Không những là không có điều gì có thể ngăn chận điều này, mà còn không có cách nào để biết mình sẽ chết lúc nào. Tương truyền rằng nếu thật sự nhận chân ra cái chết thì ta sẽ không thể sống một đời sống bình thường.

Khi thấy rằng cuộc sống này rất mong manh và có thể kết thúc bất cứ lúc nào thì ta sẽ bắt đầu nghĩ về những gì xa hơn cái chết. Bởi vì có rất nhiều trạng thái khả dĩ, nhiều trạng thái trong số đó thì kinh hồn, mà mình có thể tái sinh trong đó, nên ta sẽ quy y Tam Bảo.

Việc quy y sẽ thôi thúc mình kềm chế những hành vi phá hoại, gây ra đau khổ trong tương lai, và dấn thân vào các hành vi mang tính xây dựng, tạo ra hạnh phúc trong tương lai. Nhờ vậy, ta sẽ đảm bảo những tái sinh trong tương lai của mình sẽ tốt đẹp hơn.

Top