Luận Giải “Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ” – Đức Dalai Lama

Tông Khách Ba (Tsongkhapa) giải thích rằng tâm xả ly, bồ đề tâm và chánh kiến về tánh Không là ba đạo lộ thiết yếu trong tâm thức để đạt giác ngộ, bằng pháp tu Kinh thừa hay Mật thừa.

Dẫn Nhập

Ở một nơi đặc biệt như Bồ Đề Đạo Tràng thì phải phát khởi động lực đặc biệt, đó là bồ đề tâm nhắm vào thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Điều này phải hoàn toàn chân thành. Đức Phật đã đạt giác ngộ bằng mãnh lực của bồ đề tâm thanh tịnh. Tất cả những phẩm hạnh và thành tựu của Ngài đều phụ thuộc vào động lực khai sáng ấy. Để đạt được cùng một thành tựu như vậy thì chúng ta phải cầu nguyện để phát triển được một tâm thức như vậy càng nhiều càng tốt, để nó không ngừng tăng trưởng.

Trong những ngày sau cùng này, chúng ta đã tích tập công đức nhờ những giáo pháp này. Bây giờ thì hãy tiếp tục với “Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ” của Je Tsongkhapa. Ba điểm này nói về tâm xả ly, bồ đề tâm, và chánh kiến về tánh Không.

Tâm xả ly dựa trên thái độ hoàn toàn buông bỏ mọi mong cầu trong luân hồi, sự tồn tại luôn tái diễn một cách vô tự chủ. Thành tựu giải thoát phụ thuộc vào tâm xả ly như vậy. Bồ đề tâm là thái độ hay chủ ý định thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Chánh kiến về tánh Không là tâm chứng ngộ bản tánh an trụ của thực tại.

Về chánh kiến hay chứng ngộ về tánh Không, về thực tại, về sự tồn tại vô tự tánh thì nếu như nó được tâm xả ly giữ gìn, thì sẽ đưa đến giải thoát. Nó sẽ đem lại giải thoát bằng cách loại bỏ những ám chướng ngăn trở giải thoát, cụ thể là phiền não, những tâm sở khiến mình bị ràng buộc trong sự tồn tại của luân hồi. Nếu như tâm chứng ngộ chánh kiến về tánh Không được bồ đề tâm giữ gìn, thì nó sẽ đoạn trừ ám chướng về tất cả các đối tượng tri thức, điều sẽ cản trở tâm toàn tri - cụ thể là tập khí bám chấp vào sự tồn tại chân thật và có tự tánh. Việc đoạn trừ chúng sẽ đem đến thành tựu giác ngộ. Do đó, chánh kiến về tánh Không là pháp đối trị chánh, đoạn trừ hai loại ám chướng, và nó được hỗ trợ bằng tâm xả ly, hoặc bằng cả hai yếu tố, tâm xả ly và bồ đề tâm.

Giáo lý Tiểu thừa đòi hỏi tâm xả ly và chánh kiến về tánh Không để đạt được mục tiêu giải thoát. Đại thừa bổ sung thêm bồ đề tâm để đoạn trừ hoàn toàn mọi ám chướng. Do đó, ba điểm tinh yếu của đường tu – tâm xả ly, bồ đề tâm và tánh Không - kết hợp tinh túy của tất cả các giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa.

Mật điển lừng danh của chúng ta có những chủ đề sâu sắc về thân vi tế, khí, kinh mạch và giọt, cũng dựa vào nền tảng là ba điểm tinh yếu của đường tu – tâm xả ly, bồ đề tâm cực kỳ mạnh mẽ, và chứng ngộ viên mãn về tánh Không như ngài Long Thọ (Nagarjuna) và hai trưởng tử tâm linh của ngài đã dạy. Thêm vào đó, trong Mật tông, chúng ta có lòng tự hào hay phẩm giá về tiềm năng của những gì mình có thể đạt được, nhờ các luồng khí và thức vi tế. Nhờ vậy mà ta sẽ giữ phẩm cách của một Sắc thân hay Pháp thân trí của một vị Phật, hoặc cả hai. Mặc dù mình không thật sự có những thân Phật này trong lúc tu tập, nhưng dựa vào bồ đề tâm mạnh mẽ để đạt được trạng thái giác ngộ này, để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh, thì dần dần, ta có thể đạt được những thân này. Ta có thể đạt được chúng bằng các pháp tu duy trì phẩm cách của những thân Phật này.

Vì vậy, ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ là nền tảng của toàn bộ đường tu Kinh điển và Mật điển. Bất luận thế nào thì phải luôn cố gắng noi theo pháp tu kết hợp giữa phương tiện và trí tuệ, cố gắng giúp đỡ người khác, tích tập công đức và v.v...

Bản văn này khá ngắn, chỉ có một vài câu kệ. Trước hết, tôi đã thọ giáo tác phẩm này với Tagtra Rinpoche, và sau đó với nhiều vị khác, kể cả Trijang Dorjechang. Cần phải thiết lập động lực thích hợp để lắng nghe giáo huấn này. Nếu như có lòng nhân từ làm động lực, thì đó là cội nguồn hạnh phúc. Nếu như thiếu một tấm lòng như vậy, mà lại sinh tâm kiêu hãnh, tự phụ, v.v..., thì nó chỉ mang lại sự bất an và bất hạnh. Việc mình sẽ trở thành một người có tu dưỡng, hiền lành hay thô lỗ, lỗ mãng trong tương lai sẽ được thấy theo cách ứng xử của mình trong kiếp này. Ngay cả khi không chấp nhận sự tồn tại của kiếp tương lai, nhưng nếu như có lòng nhân từ thì nó sẽ đem lại hạnh phúc, trong khi mặt khác thì tính thô lỗ và ác tâm sẽ mang lại bất hạnh.

Làm Một Người Nhân Từ, Hòa Nhã

Điều quan trọng nhất là hạnh kiểm hàng ngày của mình. Thậm chí, nếu như không có những thứ như kiếp tương lai, thì việc làm một người hòa nhã cũng không có hại, vì nó sẽ giúp ích cho đời sống hàng ngày. Nếu như có kiếp tương lai thìmình sẽ được lợi lạc nhiều hơn nữa, khi làm người hòa nhã và tử tế. Vậy thì hãy thân thiện, tử tế với nhau, không chỉ trên lý thuyết. Cần phải làm như vậy đối với những người và tình huống mà mình gặp gỡ trong đời sống hàng ngày. Đây là tinh túy của Pháp, và điều này không khó để noi theo. Nó không phải là món gì mình mua ở cửa hàng, mà là điều mình phải tự thực hành.

Hãy xem người Trung Quốc, chẳng hạn vậy. Họ là những đối tượng thích hợp với lòng bi mẫn của chúng ta. Họ không biết điều gì là đúng hay sai; họ không biết hành vi của họ sẽ tạo ra hậu quả gì, nên mình phải biểu lộ lòng bi với họ. Chính quý vị, tất cả chúng ta đều phải cố gắng để có lòng nhân từ và tế nhị. Hãy nhìn những người uống chang (bia) và rượu, đây là một phong tục rất xấu xa. Họ say sưa, ồn ào, lỗ mãng, bất lịch sự và tạo ra nhiều phiền phức. Đức Phật đã nói là vì hậu quả của việc uống rượu, nên chúng ta thường tạo ra nhiều hành vi tiêu cực qua thân, khẩu, ý. Do đó, uống rượu là điều không tốt chút nào.

Hút thuốc cũng vậy. Mặc dù Đức Phật không cấm cản điều này một cách cụ thể, và giáo lý của Ngài không đề cập cụ thể đến những khuyết điểm của việc hút thuốc, nhưng từ những điều mà bác sĩ phương Tây nói, thì mình có thể thấy nó cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu như có mục đích cụ thể nào đó đối với việc hút thuốc thì cũng ổn thôi. Nhưng nếu không có mục tiêu gì cả, như trong hầu hết các trường hợp, thì tốt nhất là không nên hút. Điều đó cũng đúng đối với việc hít thuốc phiện, và vân vân, tốt nhất là không nên sử dụng những thứ này.

Nhờ những cách như vậy, bằng cách từ bỏ những thói quen thô lỗ này thì càng ngày, chúng ta sẽ càng trở thành một người hiền lành hơn, có tu dưỡng và tế nhị hơn. Càng thực hiện được điều này nhiều hơn thì càng tốt. Nếu như mình thấy quý ông, quý bà khác thì nên tùy hỷ với tấm gương của họ, và cố gắng trở nên hòa nhã và tu dưỡng theo khả năng của mình. Quý vị hiểu chứ? Hãy càng ngày càng có nhiều chánh niệm hơn về việc hòa nhã, tu dưỡng, từ ái và có tấm lòng nồng nhiệt. Hãy xem xét những khuyết điểm của sự lỗ mãng, ồn ào, ích kỷ và thô bạo. Nên luôn luôn nhắc nhở bản thân về những điều này. Nếu như mình có một tấm lòng nhân hậu, thì nó sẽ đem lại hạnh phúc, may mắn, sức khỏe và an lạc. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong cách suy nghĩ của mình. Chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, nên đều phải làm như vậy, nên hãy hòa nhã và tử tế.

Hãy nhìn những người đã đến đây từ Tây Tạng. Họ không lải nhải về những khó khăn mà họ đã phải đương đầu trong hai mươi năm qua, nói rằng họ thảm thương như thế nào, và cảm thấy thương hại bản thân. Đúng hơn là họ đến đây vì rất quan tâm đến Pháp. Người Tây Tạng chúng ta, những người đã sống ở đây cũng không cần phải có ác cảm với người Trung Quốc. Nên thấy mình đã may mắn như thế nào, khi có cơ hội sống ở Ấn Độ và thực hành Pháp. Tôi biết nhiều người bị Trung Quốc đàn áp, giam giữ như tù nhân, và không được tu học Phật pháp, đã phát điên lên vì hận thù và tức giận. Nên điều quan trọng nhất không phải là tức giận như thế, mà là có sự tu dưỡng, và cố nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu. Nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn lao vào lúc mình lìa đời.

Hãy xem Hitler. Mặc dù ông rất mạnh mẽ suốt cả đời, nhưng lòng căm thù đã khống chế ông, rồi đến lúc chết thì ông rất tuyệt vọng và bất hạnh, nên đã uống thuốc độc và tự sát. Stalin cũng đã chết trong tình trạng vô cùng sợ hãi, và Mao Trạch Đông đã qua đời trong tình huống rất khó khăn. Do đó, điều quan trọng là phải tử tế và lòng nồng hậu suốt cả đời, rồi đến phút lâm chung thì mình có thể ra đi với tâm an lạc.

Tôi luôn luôn dạy y chang một điểm ở tất cả các quốc gia mà tôi đã đến. Cho dù ở phương Tây, hay thậm chí ở Liên Xô, thì tôi đều nói với đại chúng là phải có lòng nhân hậu, thân thiện với mọi người mà không có lòng thiên vị, hãy yêu thương tất cả mọi người một cách đồng đều. Bất cứ khi nào đến những nơi khác nhau thì tôi thấy những người thuộc nhiều chủng tộc, màu da, quốc tịch, tôn giáo khác nhau, và nghĩ rằng tất cả chúng ta đều là con người. Nếu như có thời gian để nói chuyện với họ, thì ta sẽ khám phá ra rằng tất cả mọi người đều có những giá trị cơ bản của con người. Ai cũng muốn được hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Do đó, tất cả chúng ta phải cố gắng làm người tử tế và có lòng từ tâm.

Quý vị hiểu không? Những điều tôi vừa nói thì không khó hiểu, đúng không? Quý vị có hiểu ý của tôi không? Hãy làm người tử tế. Quý vị đã đến Bồ Đề Đạo Tràng, và đã thọ nhận giáo pháp từ Đức Dalai Lama. Thông điệp chính của tôi là hãy làm người tử tế. Còn bây giờ thì hãy vểnh tai lên như những con thỏ và lắng nghe giáo huấn của Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ (Lam-gtso rnam-gsum) của Je Tsongkhapa.

Nét Đặc Thù Của Tác Phẩm

Tông Khách Ba ra đời ở Amdo, tu học với nhiều bậc thầy ở các tỉnh U và Tsang, thuộc miền Trung Tây Tạng. Ngài đã nghiên cứu cả Kinh điển và Mật điển, và đã chứng ngộ viên mãn. Ngài đã sáng tác mười tám tập giáo pháp xuất sắc, rút tỉa từ nhiều bản văn và luận giải khác nhau của Ấn Độ. Ngài đã nhắm bản văn cụ thể này vào một trong những đệ tử thân cận nhất của mình, Ngawang Dragpa (Ngag-dbang grags-pa).

Trong Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ và lam-rim, hay các bản văn về đường tu tuần tự đến giác ngộ thì có một sự khác biệt nhỏ, trong phong cách giảng dạy của Tông Khách Ba. Ở đây, trong tác phẩm đầu thì việc giải thích về tâm xả ly có hai phần. Phầu đầu là việc buông bỏ ám ảnh về kiếp này, bằng cách nghĩ về kiếp người quý báu và vô thường. Phần thứ hai là buông bỏ ám ảnh về những kiếp tương lai, bằng cách nghĩ đến bản chất khổ đau của toàn bộ luân hồi. Quy y ít được nhấn mạnh ở đây. Mặt khác thì các bản văn lam-rim có bàn luận về ba phạm vi động lực. Vì việc tu tập như một hành giả thuộc phạm vi sơ căn là cơ sở cho những cấp độ cao hơn, nên trước tiên thì có sự phát triển lòng quan tâm, để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, và trong bối cảnh này thì có giáo lý về quy y. Vậy thì có một sự khác biệt nhỏ, đúng không?

Hãy bắt đầu bản văn.

Kệ Kính Lễ, Lời Nguyện Sáng Tác Và Khuyến Tấn Lắng Nghe

Xin đảnh lễ chư lạt ma cao quý và hoàn hảo! 

Thuật ngữ cao quý và hoàn hảo trong tiếng Tây Tạng là “jetsun”, (rje-btsun), có ý nghĩa về một người đã quay lưng lại với tất cả các pháp trong luân hồi, hoàn toàn hướng về giải thoát. “Lạt ma” có nghĩa là một người thượng thặng, theo nghĩa của một người có cả bồ đề tâm và chánh kiến về tánh Không, đưa họ đến trạng thái giác ngộ thù thắng hay tối thượng. Ở đây, chư lạt ma cao quý và hoàn hảo đề cập đến các vị thầy của Tông Khách Ba, người đã dạy lam-rim cho ngài, đặc biệt là với vị thầy phi thường của ngài, Đức Văn Thù Sư Lợi.

Tiếp theo là vần kệ của lời nguyện sáng tác. 

(1) Tôi sẽ hết lòng giảng giải, các điểm trọng yếu trong tất cả kinh điển của Đấng Chiến Thắng, đường tu được con cái của Đấng Chiến Thắng tán thán, cửa ngõ cho những người may mắn mong cầu giải thoát. 

Các điểm trọng yếu trong tất cả kinh điển của Đấng Chiến Thắng nói về tâm xả ly. Đường tu được con cái của Đấng Chiến Thắng tán thán, nói cách khác là chư Bồ tát, nói về bồ đề tâm. Cửa ngõ cho những người may mắn, mong cầu giải thoát là trí tuệ chứng ngộ tánh Không, đưa đến giải thoát. Do đó, trong lời nguyện sáng tác, tác giả nói rằng ngài sẽ giảng giải ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ. Hết lòng giảng giải có nghĩa là ngài sẽ cố gắng làm như vậy, theo cách càng ngắn gọn càng tốt.

(2) Những ai không tham luyến thú vui của luân hồi, nỗ lực khiến cho cuộc đời có tự do và thuận lợi tràn đầy ý nghĩa, đặt niềm tin vào đường tu làm vui lòng các Đấng Chiến Thắng, hỡi những người may mắn, hãy lắng nghe với tấm lòng mở rộng.  

Đây là lời yêu cầu người khác lắng nghe cho kỹ. Nó cho thấy loại động lực mà mình phải có, khi lắng nghe khai thị này. Đường tu làm vui lòng các Đấng Chiến Thắng là một đường tu không vướng lỗi lầm và viên mãn, không thiếu sót điều gì. Khi mình noi theo đường tu không sai chạy và viên mãn như vậy, thì sẽ làm chư Phật vui lòng.

Mối Tương Quan Giữa Ba Đạo Lộ

Việc giảng giải về nội dung chính của bản văn này được chia ra ba phần: giảng giải về tâm xả ly, bồ đề tâm và chánh kiến về tánh Không. Ba phần này tạo ra sự hiểu biết về các giai đoạn tiệm tiến.

Tâm xả ly đối với cái gọi là những điều tốt đẹp trong luân hồi càng mạnh mẽ, thì lòng bi mẫn đối với tha nhân sẽ càng mạnh mẽ hơn. Ví dụ như tại các ga xe lửa ở Ấn Độ, chúng ta thấy những người mù, những người bị cụt tay chân, những người ăn xin và vân vân, và việc phát tâm bi mẫn đối với họ thì tương đối dễ dàng. Nhưng nếu như không có tâm xả ly thì khi đến một thành phố lớn, thay vì phát tâm bi thì ta chỉ thấy ganh tỵ với những điều mình thấy, hay tự hào về những điều mình sở hữu. Mặt khác, nếu như đã quen thuộc với tâm xả ly, với ý niệm về cách mà tối hậu thì những điều tốt đẹp trong luân hồi đều vô nghĩa, thì khi đến một nơi như New York và thấy tất cả những người này, thì ý tưởng đầu tiên theo bản năng của mình là phát tâm bi với họ.

Tâm xả ly có hai hướng nhìn. Một mặt, với thái độ như vậy thì ta sẽ nhìn xuống nỗi khổ của luân hồi, không thích thú với nó, cảm thấy ghê tởm và muốn đoạn diệt nó hoàn toàn. Mặt khác thì mình sẽ trông lên giải thoát, và muốn đạt được nó. Thái độ có hai hướng nhìn này càng mạnh mẽ thì bồ đề tâm sẽ càng mạnh mẽ hơn, điều mà tương tự như vậy, cũng có hai hướng nhìn, cả lên và xuống. Sau đó, dựa vào những điều này, nếu như có được chánh kiến về tánh Không, thì có thể thành tựu giải thoát hay giác ngộ.

Chánh kiến là về mặt nhị đế, xuất phát từ Tứ Diệu Đế. Đức Phật, người là cội nguồn quy y của chúng ta, đã thuyết Pháp bằng lời nói của Ngài. Cụ thể là Ngài đã thuyết giảng tứ đế và nhị đế, những điều không phải là lời dối trá, chẳng bao giờ sai chạy.

Do đó, điều quan trọng là phải thấu hiểu và chứng ngộ chúng. Với bồ đề tâm thì việc chứng ngộ tánh Không sẽ đem đến cho ta tâm toàn tri của một vị Phật. Nếu chỉ có tâm xả ly thì nó sẽ đưa đến giải thoát. Ở đây, trong bản văn này thì đề tài bàn luận trước tiên là tâm xả ly.

Tâm Xả Ly

(3) Nếu không có tâm xả ly thanh tịnh thì không có cách chế ngự lòng khao khát niềm vui và hoa trái của biển luân hồi, và khi bị trói chặt vì lòng tham đắm vào sự hiện hữu, trước tiên, hãy tìm cầu tâm xả ly chân thật.  

Cụm từ tâm xả ly thanh tịnh” được đề cập ở đây. Tâm xả ly phải thanh tịnh, theo nghĩa là hoàn toàn không quan tâm đến những sự vinh quang, hay những điều được xem là tốt đẹp trong luân hồi. Nếu như thiếu tâm xả ly thanh tịnh như vậy, và hoàn toàn bị ám ảnh vì những lo toan thế tục, thì không có cách nào để đạt giải thoát. Nếu như còn dục vọng và tham ái, thì dù có bao nhiêu thiện nghiệp đi nữa, vẫn không thể chặt đứt gốc rễ luân hồi. Do đó, cần phải phát tâm xả ly. Làm thế nào để phát tâm này?

(4) Bằng cách trưởng dưỡng ý tưởng kiếp người thật khó tìm, không còn thời gian để phung phí, mối bận tâm với cuộc đời này sẽ chấm dứt. Bằng cách tư duy nhiều lần về chân lý của nghiệp và nỗi khổ trong luân hồi, mối bận tâm về kiếp tương lai sẽ chấm dứt. 

Cần phải nghĩ về kiếp người quý báu mà mình đã có được với tự do và thuận lợi, và về sự thật là mình sẽ mất đi nó, vì nó vô thường, và cái chết chắc chắn sẽ đến. Nhờ vậy, ta sẽ nhận ra cơ hội mình đang hiện có thì hiếm hoi như thế nào, và không thể lãng phí thời gian. Đây là cách giúp cho mình không chỉ quan tâm đến kiếp này.

Đối với cái chết và vô thường thì có nhiều điểm khác nhau để thiền quán, chẳng hạn như sự thật là cái chết thì chắc chắn sẽ đến, nhưng không biết lúc nào nó sẽ xảy ra. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và không có điều gì khác có thể giúp mình khi nó xảy ra, ngoại trừ giáo pháp. Nếu như hiện nay mà mình không làm điều gì để chuẩn bị cho cái chết sắp xảy ra và những kiếp tương lai, thì sẽ không xong. Càng nghĩ về cái chết như thế này thì sẽ càng giảm bớt nỗi ám ảnh về chỉ riêng kiếp này.

Tiếp theo, cần phải nghĩ về luật nhân quả không sai chạy, định luật về nghiệp. Việc thấu hiểu toàn bộ chi tiết về luật nhân quả là một trong những điều khó khăn nhất. Nhưng theo hình thức đơn giản thì từ nhân lành sẽ tạo ra quả lành, từ nhân ác sẽ tạo ra quả ác, nên nghiệp là điều chắc chắn. Từ thiện hạnh thì chắc chắn kết quả sẽ là hạnh phúc. Từ ác hạnh thì sớm hay muộn gì đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra.

Vì vậy, nếu như mình có nhân tạo khổ trong dòng tâm thức, thì làm sao ta có thể hài lòng và thảnh thơi? Nó giống như bom nổ chậm, vấn đề chỉ là thời gian thôi, vì chắc chắn là nó sẽ nổ. Nếu như không đoạn trừ nguyên nhân này thì không bao giờ mình có thể yên nghỉ. Nếu suy nghĩ một cách cẩn thận về nhân quả như vậy, thì mình sẽ phát tâm mãnh liệt, mong muốn đoạn trừ tất cả những nhân tạo khổ.

Chúng ta sẽ trải qua nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử vào những thời điểm khác nhau. Dù có uống bao nhiêu thuốc thì mình không thể chữa trị tuổi già, và không thể ngăn ngừa bệnh tật. Những nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử có nguồn gốc trong sự kiện là mình có thân này để trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Thân ta là một tập hợp của các uẩn cấu uế (ô nhiễm). Nói cách khác là chúng cấu uế vì nghiệp và phiền não. Nếu như không đoạn trừ nguyên nhân sâu xa nhất của chúng, thì mình sẽ luôn luôn nếm khổ.

Thân này là một sự tập họp của những lực xung đột, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ như, hãy xem xét các lực nóng lạnh trong cơ thể. Nếu như mình bị sốt thì sẽ uống thuốc mát, và nếu như uống quá nhiều thuốc này thì sẽ bị cảm lạnh. Nếu như dùng một loại thuốc nóng để chữa bệnh cảm lạnh này, và khi uống quá nhiều thì cán cân sẽ bị lệch, và lại bị sốt. Chỉ khi nào mà có sự cân bằng giữa hai lực nóng và lạnh trong cơ thể, thì tạm thời mới có thể nói là mình khỏe mạnh. Nhưng điều này chẳng bao giờ kéo dài. Nó rất là bấp bênh, và chỉ cần có một cú sốc nhẹ nhàng nhất, là sự cân bằng sẽ bị đảo lộn. Thánh Thiên (Aryadeva) đã nêu ra điều này trong Tứ Bách Kệ Tụng (Four Hundred Verse, bZhi-brgya-pa, Phạn ngữ: Catuhshataka). Trong đó, ngài đã giải thích rằng cơ thể là một chiếc bình chứa đựng những lực xung đột, đối lập với nhau. Do đó, nó chỉ đem lại khó khăn và đau khổ.

Chúng ta nghĩ rằng thân này rất đẹp đẽ, nhưng phải phân tích nó một cách tỉ mỉ, và xem xét mỗi một bộ phận riêng biệt, chẳng hạn như đầu, hay một sợi tóc với chân tóc nhỏ ở phía dưới. Hãy nhìn vào cái tai, nhìn vào một con mắt thôi, nhìn một mảnh da, một trái tim, vào một lá phổi. Nếu như để những thứ này ở trên bàn thì chúng sẽ nhìn ghê gớm và không đẹp đẽ chút nào. Điều tương tự cũng đúng đối với những chất tiết ra trong thân này như nước tiểu, phân, nước mũi, vân vân. Trong lúc đang đi mà mình nhìn thấy những thứ này trên mặt đất, thì ta sẽ bịt mũi lại để tránh mùi hôi thối của chúng. Những chất tạo ra sự khó chịu này xuất phát từ đâu? Chúng không mọc lên từ mặt đất, mà xuất phát từ cơ thể của mình.

Làm sao mà cơ thể của mình có thể sạch sẽ, khi nó chỉ là nguồn gốc của những thứ bẩn thỉu? Cơ thể của chúng ta bắt nguồn tinh trùng và trứng của cha mẹ. Nếu như để những chất này ở trên bàn và nhìn vào chúng, thì bất cứ ai cũng thấy ghê tởm. Mình rất gắn bó với chúng, vì chúng trở thành nguồn gốc của những chất liệu trong thân này, nhưng tự thân chúng thì lại nhìn rất buồn nôn. Ví dụ như nếu đã sống được bốn mươi năm, thì một mặt, hãy nghĩ về tất cả những thức ăn mà mình đã ăn trong bốn mươi năm, rồi ở mặt khác thì cơ thể của mình đã biến chúng thành phân và nước tiểu. Làm sao thân này có thể sạch sẽ, nếu như nó phải làm một việc như vậy?

Do đó, phải từ bỏ tâm quyến luyến với một thân thể như vậy. Nó xuất phát từ nghiệp và phiền não, là những điều chỉ đem lại nỗi khổ. Nếu như nghiệp và phiền não cạn kiệt, hay được đoạn trừ, thì mình sẽ không bao giờ phải nhận lãnh các uẩn cấu uế hay đau khổ nữa. Phiền não phát xuất từ những tư tưởng và quan niệm sai lầm, tất cả đều phát sinh từ tâm vô minh, xem các pháp như những sự tồn tại có tự tánh. Nếu như có thể chứng ngộ rằng vạn pháp đều không có sự tồn tại như vậy, thì phiền não sẽ tan biến. Chúng sẽ cạn kiệt trong pháp giới của tánh Không. Thế thì đó là điều mà mình cần phải có.

(5) Khi đã quen thuộc với điều này, tâm mong muốn những sự thù thắng trong luân hồi sẽ không phát sinh, dù chỉ trong khoảnh khắc, và khi ý tưởng mong cầu giải thoát phát khởi ngày đêm, khi ấy, tâm xả ly chân thật đã phát sinh. 

Do đó, cần phải phát tâm xả ly. Tiếp theo thì cần có bồ đề tâm.

Bồ Đề Tâm

(6) Tâm xả ly này cũng sẽ không trở thành nhân của tâm cực lạc hoàn hảo của giác ngộ vô song, nếu như không có sự duy trì của bồ đề tâm thanh tịnh, vì vậy, hỡi những người thông tuệ, hãy phát tâm bồ đề. 

Như đã nói trước đây, nếu như thiếu bồ đề tâm thì không thể giác ngộ.

(7) Chúng sanh bị bốn giòng sông chảy xiết cuốn trôi liên tục, bị xiềng xích của nghiệp ràng buộc chặt chẽ khó mà thoát khỏi, bị mắc bẫy trong lưới sắt của tâm chấp ngã, bị bao bọc trong bóng tối dày đặc của vô minh từ mọi phía.  
(8) Họ tái sinh trong luân hồi không có kết cuộc, nơi mà họ bị ba nỗi khổ dày vò. Bằng cách quán chiếu tất cả bà mẹ khổ đau trong cảnh ngộ ấy, hãy phát tâm bồ đề vô thượng.  

Bị bốn giòng sông chảy xiết cuốn trôi đề cập đến bốn nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta bị xiềng xích ràng buộc chặt chẽ vì ác nghiệp của mình, và những ác nghiệp này chắc chắn sẽ trổ một ngày nào đó. Chúng ta bị mắc kẹt trong bẫy lưới sắt của tâm vô minh, và trong bóng tối dày đặc, khi không nhìn thấy chân tánh của thực tại. Dường như cả hai loại, hữu tình và vạn pháp đều có tự tánh, nhưng chúng hoàn toàn không tồn tại như vậy.

Chúng ta có một dòng tương tục của các uẩn luôn biến đổi, và cái “tôi” chỉ đơn thuần là điều được dán nhãn trên dòng tương tục luôn biến đổi ấy, là nền tảng định danh của nó. Tuy nhiên, vì vô minh nên mình chấp vào cái “tôi” này, điều được định danh cho một tập hợp của các pháp luôn biến đổi, và lầm chấp nó là một cái “tôi” thường hằng, tĩnh tại, có thể tìm thấy được, có tự tánh. Bóng tối vô minh này khiến cho ta tạo ra vô lượng ác nghiệp. Ác nghiệp này ném ta vào một cái hố trong lưới sắt của nghiệp, nơi mà mình bị trói buộc vì kiết sử của nghiệp và phiền não. Kết quả là mình sẽ kinh qua ba nỗi khổ từ kiếp này sang kiếp khác một cách tự nhiên, như đã nói ở đây. Đó là khổ vì đau khổ (khổ khổ), khổ vì thay đổi (hoại khổ) và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Vì đây cũng là cảnh ngộ của tất cả những bà mẹ hữu tình, nên mình phải giúp họ, bằng cách phát bồ đề tâm.

Tiếp theo là tánh Không.

Chánh Kiến Về Tánh Không

(9) Nếu không có trí tuệ thực chứng bản tánh tối hậu, dù có quen thuộc với tâm xả ly và bồ đề tâm, con sẽ không thể nào cắt đứt cội nguồn của hiện hữu luân hồi, vì vậy, hãy nỗ lực bằng các phương tiện chứng ngộ lý duyên khởi. 

Điểm chính của Tông Khách Ba là để cho tâm chứng ngộ tánh Không sinh khởi như ý nghĩa của duyên khởi, và tâm chứng ngộ duyên khởi như ý nghĩa của tánh Không. Thế thì phải nỗ lực tu tập các phương tiện để chứng ngộ tánh Không như duyên khởi, nhưng bằng cách nào?

(10) Khi thấy luật nhân quả không bao giờ sai chạy, đối với vạn pháp trong luân hồi và niết bàn, và bất cứ đối tượng quan sát nào cũng bị tiêu diệt, khi ấy, con đã thể nhập con đường làm vui lòng chư Phật. 

Vạn pháp trong luân hồi và niết bàn sinh khởi bằng nhân quả. Điều này không bao giờ sai chạy, chẳng sai lầm. Khi hiểu được điều này, cộng thêm vào đó, lại khiến cho sự hỗ trợ tiềm ẩn, bền vững của tâm bám chấp vào sự tồn tại có tự tánh sẽ tan rã, thì ta đã thể nhập đường tu làm hài lòng chư Phật. Khi chứng ngộ tánh Không thì ta sẽ không còn nhận thức nhắm vào sự tồn tại có tự tánh. Nhờ vậy, cơ sở cho những nhận thức sai lầm này phát sinh - đó là sự hỗ trợ bền vững của nó, là tâm bám chấp vào sự hiện hữu có tự tánh - sẽ tan rã, hay biến mất.

(11) Ngày nào hai sự thấu hiểu – về hiện tướng, là duyên khởi không sai chạy, và tánh Không xa lìa mọi luận điểm – còn tách rời nhau, con vẫn chưa chứng ngộ tôn ý của bậc Hiền Thánh. 

Khi chứng ngộ tánh Không thì ta sẽ thấy mình không thể chỉ vào bất cứ cái gì, và nói đây là món này. Tất cả các pháp đều không thể được tìm ra qua sự phân tích tối hậu. Tuy nhiên, ở mặt khác thì ta sẽ thấy vạn pháp chỉ là hiện tướng đơn thuần. Khi nghĩ rằng hai điều này hoàn toàn tách biệt, là những tuệ giác không quan hệ gì với nhau – rằng các pháp không thể được tìm thấy ở một mặt, và chỉ là hiện tướng ở mặt khác – thì đó không phải là tôn ý của Đức Phật về tánh Không và nhị đế. 

(12) Tuy nhiên, khi cả hai được xem là không tách rời nhau và đồng hiện khởi, sự xác định đơn thuần thấy lý duyên khởi không lầm lạc sẽ tiêu diệt mọi cách bám chấp vào đối tượng. Khi ấy, con đã hoàn tất việc phân tích về tri kiến. 

Vậy thì phải thấy là vì các pháp do duyên sinh - vì hiện tướng dựa vào nhân duyên mà sinh khởi, nên chúng không có tự tánh, không có sự tồn tại độc lập. Sự kiện là chúng có thể sinh khởi phụ thuộc vào nhân duyên, đơn giản là vì chúng không có sự tồn tại độc lập. Do đó, càng có sự hiểu biết và xác tín mạnh mẽ rằng các pháp đều do duyên sinh, rằng các pháp phụ thuộc vào nhân và quả, thì sự hiểu biết và xác tín của mình sẽ càng mạnh mẽ hơn, rằng các pháp không có sự tồn tại độc lập, có tự tánh, và ngược lại. Khi lãnh hội được hai điều này đồng thời, kết hợp với nhau như thế này, thì mình đã hoàn thành việc phân tích đúng đắn về tánh Không.

(13) Hơn nữa, khi hiện tướng đoạn trừ cực đoan thường kiến, và tánh Không đoạn trừ cực đoan đoạn kiến, nếu hiểu được tánh Không sinh khởi như nhân và quả, con sẽ không bao giờ bị quyến rũ vì quan kiến bám chấp các cực đoan.  

Thông thường thì ta sẽ thấy nó được giải thích rằng hiện tướng đoạn trừ cực đoan đoạn kiến, rằng không phải là các pháp hoàn toàn không tồn tại, bởi vì chúng có xuất hiện. Hơn nữa, tánh Không đoạn trừ cực đoan thường kiến – các pháp không hiện hữu bằng tự tánh, bởi vì chúng không tồn tại theo cách bất khả ấy bao giờ. 

Tuy nhiên, ở đây thì có một cách khẳng định ngược lại. Sự kiện về hiện tướng sẽ đoạn trừ cực đoan thường kiến. Đó là vì, để cho các pháp xuất hiện thì chúng phải không có tự tánh. Chúng phải là các pháp do duyên sinh. Do đó, việc chúng xuất hiện sẽ loại trừ khả năng chúng có thể tồn tại một cách cố hữu, có tự tánh.

Hơn nữa, sự thật về tánh Không sẽ đoạn trừ cực đoan đoạn kiến. Sự kiện rằng điều gì không có tự tánh, nghĩa là nó có thể xuất hiện bằng duyên khởi, nên không thể nào hoàn toàn không tồn tại. Do đó, sự thật về tánh Không sẽ đoạn trừ cực đoan đoạn kiến.

Đây là cách khẳng định đặc biệt của Tông Khách Ba, và nó phù hợp với luận giải của Choney Rinpoche (Co-ne Rin-po-che) về tác phẩm Xưng Tán Duyên Khởi (Praises to Dependent Arising; rTen-'brel bstod-pa) của Tông Khách Ba. Do đó, sự lãnh hội rằng các pháp không có tự tánh, vì chúng do duyên sinh, và các pháp do duyên sinh, vì chúng không có tự tánh, sẽ giúp mình không rơi vào một trong hai cực đoan bám chấp vào sự tồn tại chân thật, có tự tánh, hay hoàn toàn không tồn tại. 

Tiếp theo là huấn thị để tu tập.

Huấn Thị Để Tu Tập

(14) Vì vậy, khi đã thấu hiểu các trọng điểm của ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ là như thị, hỡi con trai, hãy tìm nơi cô tịch và nỗ lực tinh tấn, để nhanh chóng thành tựu mục tiêu tối hậu. 

Một khi đã thấu hiểu tâm xả ly, bồ đề tâm và tánh Không, nhờ mãnh lực của việc lắng nghe giáo lý đúng đắn về những đề tài này, rồi tư duy và phân tích chúng cho đến khi có được sự xác tín về ý nghĩa của chúng, thì hãy sống nơi cô tịch, dấn thân thiền định và chứng ngộ những điểm này. Cần phải thực hiện điều này với tâm tinh tấn hoan hỷ lớn lao như các bậc thầy lừng danh trong quá khứ đã làm, chẳng hạn như Milarepa (Mi-la Ras-pa) lừng danh, Gyalwa Ensapa vĩ đại (rGyal-ba dBen-sa-pa) và các trưởng tử tâm linh của ngài, Kedrub Sanggye Yeshe (mKhas-grub Sangs-rgyas ye-shes), v.v... Rồi thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu giác ngộ. “Con trai” ở đây nói về đệ tử thân cận của Tông Khách Ba, Ngawang Dragpa, người mà chúng ta đã đề cập đến trước đây.

Kết Luận Về Tinh Thần Bất Bộ Phái

Điều này kết thúc bài bình luận ngắn về Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ. Đó là một bản văn rất quan trọng và, đã bao gồm trong đó tinh túy của đường tu Kinh điển và tâm yếu của đường tu Mật điển viên mãn. Giáo pháp về tánh Không thì hơi khó khăn, đúng không? Trừ khi mình rất quen thuộc với từ ngữ kỹ thuật, nếu không thì khi nói về chánh kiến, nhị đế, tánh Không và vân vân, chúng có thể tạo ra sự nhầm lẫn. Có nhiều cách khác biệt để định nghĩa và khẳng định các thuật ngữ này trong bốn trường phái Phật giáo Ấn Độ về các học thuyết triết học của Kinh điển, và những cách khác nhau trong bốn bộ Mật tông. Ngoài ra, còn có một cách định nghĩa khác trong bốn truyền thống khác nhau của Phật giáo Tây Tạng, trong bối cảnh và hệ thống cụ thể của riêng họ.

Phải cố gắng hiểu tất cả những điều này, để hiểu được ẩn ý của ngôn từ, theo ngữ cảnh của chúng, để không bị nhầm lẫn. Nếu như mình chỉ biết một hệ thống thôi, rồi chỉ trích những hệ thống khác, đơn giản là vì chúng khác nhau, và mình không hiểu chúng theo cách riêng của chúng thì đó là điều rất tiêu cực. Như ngài Long Thọ đã nói trong Bảo Hành Vương Chánh Luận (The Precious Garland; Rin-chen 'phreng-ba, Phạn ngữ: Ratnavali) và ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior; sPyod-'jug, Phạn ngữ: Bodhisattvacharya-avatara) trong những trường hợp như vậy thì tốt hơn hết là nên giữ trung lập và im lặng, không nói gì cả.

Ngay cả trong giáo lý của một truyền thống, chẳng hạn như Gelug, có những sự khẳng định về sự hiểu biết về tánh Không theo Kinh điển và theo Mật điển. Không có sự khác biệt về tính vi tế liên quan đến đối tượng và tánh Không trong Kinh điển hay Mật điển. Sự khác biệt nằm trong tâm thức chứng ngộ tánh Không. Hơn nữa, trong cả hai Kinh điển và Mật điển có những định nghĩa và giải thích khác nhau về chân lý tương đối và tuyệt đối, và cách thiền quán về hai điều này. Ngay cả trong bộ Mật tông của Tối Thượng Du Già Mật Điển (Anuttarayoga) thì các hệ thống cũng khác nhau. Chẳng hạn như các phương pháp được nêu ra trong hệ thống Guhyasamaja thì khá khác biệt so với các phương pháp trong giáo lý Kalachakra (Thời Luân). Hơn nữa, chúng ta cũng thấy sự khác biệt trong những cách để thực hành thiền định và thiền quán. Nếu như không nghiên cứu tất cả các hệ thống này, thì mình sẽ thấy rất rắc rối.

Nói tóm lại thì nếu như không hiểu biết gì về một hệ thống nào, thì không nên nói gì về nó, và chắc chắn là không nên chỉ trích nó. Chỉ có cách dựa trên tinh thần bất bộ phái, thì mới có thể đánh giá đầy đủ phạm vi giáo lý của Đức Phật.

Đọc và nghe bản chánh văn “Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ” của Tông Khách Ba.

Top