Lý Do Và Cách Tu Tập Theo Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ

Lam-rim Là Gì, Và Nó Bắt Nguồn Từ Giáo Pháp Của Đức Phật Như Thế Nào?

Đường tu tuần tự, Lam-rim, là một cách để tiếp cận và kết hợp các giáo pháp cơ bản của nhà Phật vào đời sống. Đức Phật đã sống cách đây 2,500 năm, với một tăng đoàn, và sau này, với một ni đoàn. Ngài không chỉ dạy cho tăng thân xuất gia, mà còn thường được thỉnh mời đến nhà của nhiều người khác, nơi Ngài được thỉnh mời để thọ trai, rồi thuyết pháp.

Đức Phật luôn thuyết pháp với điều mà chúng ta gọi là “phương tiện thiện xảo”, nói về phương tiện giảng dạy người khác theo cách mà họ có thể lãnh hội được. Đó là điều cần thiết, bởi vì đã có, và tất nhiên vẫn còn có rất nhiều căn cơ khác nhau. Điều này dẫn đến việc Đức Phật thuyết giảng về nhiều đề tài, ở những cấp độ rất khác biệt.

Nhiều đệ tử của Đức Phật đã có những ký ức phi thường. Vào thời điểm đó, không có gì được ghi chép lại, và các bài pháp đã được các nhà sư ghi nhớ, để truyền khẩu cho các thế hệ sau. Cuối cùng, giáo pháp đã được ghi chép, và được gọi là Kinh điển. Bao nhiêu thế kỷ sau, nhiều đạo sư vĩ đại của Ấn Độ đã cố gắng sắp xếp tài liệu và viết luận giải về tất cả các giáo pháp. A Đề Sa (Atisha), một trong những đạo sư Ấn Độ đã đến Tây Tạng, đã sáng tác bản chánh văn của giáo pháp Lam-rim, vào thế kỷ thứ 11.

Bản chánh văn của A Đề Sa (Atisha) trình bày một phương pháp mà qua đó, mọi người có thể phát triển tự thân, hướng về trạng thái của một vị Phật. Nếu chỉ ngẫu nhiên đọc một số Kinh điển thì điều này không nhất thiết đề ra cho ta một con đường tâm linh rõ rệt về việc khởi đầu ở đâu, hoặc làm thế nào để đạt giác ngộ. Tất cả các tài liệu đều ở đó, nhưng không dễ để kết hợp tất cả lại với nhau.

Đây chính là điều mà Lam-rim thực hiện, bằng cách trình bày giáo pháp theo thứ tự được phân loại. Sau ngài A Đề Sa thì có nhiều phiên bản khác nhau, công phu hơn, được sáng tác ở Tây Tạng. Chúng ta sẽ xem xét phiên bản được ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) viết vào thế kỷ 15, có lẽ đã tạo ra một sáng tác công phu vĩ đại nhất về giáo pháp. Một đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của ngài Tông Khách Ba là nó bao gồm các trích dẫn từ Kinh điển và luận giải từ Ấn Độ, nên chúng ta có thể tin rằng ngài không chỉ thêu dệt ra điều gì.

Một đặc điểm nổi bật khác là ngài Tông Khách Ba đưa ra các luận chứng rất công phu và hợp lý về tất cả các điểm khác nhau, để chúng ta có thêm niềm tin mạnh mẽ hơn nữa về tính hợp lệ của các giáo pháp, dựa trên lý lẽ và lập luận. Đặc tính đặc biệt của ngài Tông Khách Ba là không giống như các tác giả trước đây có xu hướng bỏ qua những điểm khó nhất, ngài đã tập trung vào chúng.

Trong bốn truyền thống Phật giáo Tây Tạng, những gì bắt nguồn từ Tông Khách Ba được gọi là truyền thống “Gelugpa”.

Ý Nghĩa Của Đường Tu Tâm Linh Là Gì, Và Làm Thế Nào Để Tạo Dựng Nó?

Câu hỏi thật sự là làm thế nào để tạo dựng một đường tu tâm linh? Nhiều phương pháp khác nhau đã được giảng dạy một cách tổng quát ở Ấn Độ. Chẳng hạn như các phương pháp để phát triển định tâm thì phổ biến trong tất cả các truyền thống khác ở Ấn Độ vào thời Đức Phật. Nó không phải là điều gì mà Ngài đã phát hiện ra, hay đặt ra. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng cần phải xem xét cách làm thế nào để có thể kết hợp định tâm và tất cả những khía cạnh khác vào đường tu tâm linh, đối với cách phát triển tự thân.

Đức Phật có những cách giải thích khác nhau đối với việc lãnh hội nhiều điểm về cách phát triển bản thân, nhưng điều thật sự cụ thể là sự hiểu biết của Ngài về các mục tiêu tâm linh. Nguyên tắc chính của những mục tiêu tâm linh này, và những gì được đưa vào các giai đoạn khác nhau, là động lực của mình.

Thuật ngữ được đặt cho sáng tác này là Lam-rim, chữ “lam” được dịch là “đường tu”, và và “rim” đề cập đến các giai đoạn của đường tu này. Đường tu này là những tâm trạng khác nhau mà mình phải phát triển theo trình tự, để đạt được mục tiêu của mình. Giống như khi mình đi du lịch, nếu muốn đi trong đất liền từ Romania (Ru-ma-ni) đến Ấn Độ thì Ấn Độ là mục tiêu cuối cùng của mình. Nhưng trước hết, có thể ta phải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran v.v..., trước khi đến Ấn Độ. 

Động Lực Tâm Linh: Đưa Ý Nghĩa Vào Đời Sống

Những gì được xếp loại trong lam-rim thường là động lực của mình, mà theo sự trình bày của đạo Phật, là một điểm gồm có hai phần. Động lực được kết nối với một mục tiêu hoặc chủ đích nào của mình, cộng với một cảm xúc thúc đẩy ta đạt được mục tiêu ấy. Thậm chí nói một cách chính xác hơn thì có lý do tại sao mình muốn đạt được mục tiêu, cộng với một cảm xúc thúc đẩy mình đến đích.

Điều này hoàn toàn có ý nghĩa, về mặt đời sống hàng ngày,, và chúng ta cũng có những mục tiêu khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ, mình muốn có một nền giáo dục, hay gặp được một người bạn đời, hay tìm một công việc tốt, v.v... Có thể có những cảm xúc tích cực, cũng như những cảm xúc tiêu cực liên quan đến điều này, và đối với mọi người thì chúng không giống nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự trình bày về trình tự động lực này là điều được áp dụng vào đời sống bình thường.

Điều tương tự cũng đúng về mặt động lực tâm linh. Đây là những tâm trạng hoàn toàn phù hợp với đời sống hàng ngày. Chúng ta đang làm gì với cuộc sống của mình? Khi mình có gia đình, công việc, v.v... thì có “phương diện thế gian”. Nhưng chúng ta đang làm gì ở phương diện tâm linh? Điều này cũng ảnh hưởng đến cách mình sống. Điều rất quan trọng là hai phương diện trong cuộc sống của mình không mâu thuẫn hay hoàn toàn tách rời nhau, mà lại hòa hợp với nhau một cách hài hòa.

Chúng không chỉ cần phải hài hòa, mà mỗi khía cạnh này cần phải hỗ trợ khía cạnh kia. Đời sống tâm linh nên cho ta sức mạnh để dẫn dắt đời sống thế gian thông thường, trong khi đời sống thế gian sẽ cung cấp cho mình vật chất, để có thể thực hành đời sống tâm linh. Tất cả những điều mà mình học hỏi qua các giai đoạn của Lam-rim cần phải được áp dụng vào đời sống hàng ngày.   

Trở Thành Một Người Tốt Hơn

Rồi thì chúng ta đang làm gì với pháp tu được trình bày ở đây? Nói chung thì pháp tu nhà Phật có thể được tóm tắt trong một vài chữ. Nói một cách đơn giản thì chúng ta đang nỗ lực để trở thành người tốt hơn. Có thể là chữ “người tốt hơn” nghe có vẻ phán xét, nhưng hoàn toàn không có sự phán xét nào được ngụ ý ở đây. Đó không phải là vấn đề. Chúng ta chỉ cố gắng khắc phục hành vi phá hoại và những cảm xúc tiêu cực mà đôi khi tất cả chúng ta đều có, như sân hận, tham lam, ích kỷ và vân vân.

Đạo Phật không có cách nào độc quyền đối với việc là tôn giáo hoặc triết học, hay pháp tu duy nhất nhắm đến mục tiêu này. Chúng ta sẽ tìm thấy điều tương tự trong Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, và cũng tìm thấy nó trong chủ nghĩa nhân đạo. Nó ở mọi nơi. Giống như những điều mình tìm thấy trong những tôn giáo khác thì các phương pháp của nhà Phật có thể giúp ta đạt được mục tiêu này, bằng cách đưa ra một cách tiếp cận để trở thành một người tốt hơn, theo cách phân loại.

Để trở thành một “người tốt hơn” thì trước tiên, ta sẽ muốn chấm dứt hành động phá hoại, khi mà mình gây hại cho người khác. Đối với điều này, ta sẽ phải thực hiện sự tự chủ nào đó. Ở mức độ sâu hơn, một khi có thể làm điều này thì ta sẽ tập trung vào việc khắc phục những gì khiến mình hành động một cách phá hoại, như sân hận, tham lam,  luyến ái, ganh tỵ, thù hận và vân vân. Để thực hiện điều này thì phải hiểu cách những cảm xúc tiêu cực này phát sinh và cách chúng hoạt động. Theo cách này, ta sẽ phát triển một số hiểu biết để giảm bớt hay đoạn diệt những phiền não này.

Sau đó, ta có thể đi sâu hơn và làm việc với những gì tiềm ẩn đàng sau tất cả những phiền não này, bằng cách nhận ra tâm ích kỷ và vị kỷ, chỉ suy nghĩ cho bản thân mình. Ta thường nghĩ rằng, “Mọi việc phải xảy ra theo ý muốn của mình.”. Khi sự việc không xảy ra theo cách mình muốn thì mình thường tức giận. Dù ta luôn luôn muốn mọi việc phải diễn tiến theo ý mình, nhưng tại sao lại phải như vậy? Hoàn toàn không có lý do gì cả, ngoại trừ việc mình muốn nó như thế. Tất cả mọi người đều nghĩ giống nhau, nhưng không phải tất cả chúng ta đều đúng.

Theo thời gian, chúng ta sẽ dần dần tu tập đến mức có thể khắc phục điều tạo ra rắc rối cơ bản nhất này. Khi phân tích lòng ích kỷ thì nó phụ thuộc vào khái niệm về “mình” và “bản ngã” của tôi. Nói cách khác thì khái niệm về cách mình tồn tại dựa trên ý tưởng này, rằng “tôi là một người đặc biệt”, như thể mỗi một người là trung tâm vũ trụ, là người quan trọng nhất, độc lập với tất cả những người khác. Chúng ta phải khảo sát nhận thức này, bởi vì rõ ràng là có một điều gì rất sai lầm và bị bóp méo về nó. Đây chính là điều mà đường tu tuần tự giải quyết.

Những Mức Độ Tiến Triển Của Động Lực: Pháp Nhẹ Nhàng

Các phương pháp mà Đức Phật giảng dạy rất hữu ích đối với những mục tiêu này. Trên cơ bản thì chúng ta có một lý do tại sao mình muốn tránh hành vi phá hoại và những cảm xúc tiêu cực như sân hận và ích kỷ. Có lẽ lý do là vì chúng ta hiểu rằng khi mình hành động dưới ảnh hưởng của những yếu tố này thì sẽ không dễ chịu, và tạo ra vấn đề cho bản thân và người khác. Chúng ta không muốn những vấn đề này!

Chúng ta cũng có thể tiếp cận vấn đề này một cách tuần tự. Nếu tôi hành động theo cách nào đó thì sẽ tạo ra vấn đề và khó khăn ngay bây giờ. Ví dụ, nếu mình đánh nhau với ai và làm họ bị thương thì mình cũng có thể bị thương hay vào tù. Ở cấp độ sâu hơn, chúng ta cũng có thể xem xét tác động lâu dài của hành vi phá hoại của mình, bởi vì mình cũng muốn tránh rắc rối trong tương lai, và không chỉ ngay bây giờ. Khi phát triển điều này xa hơn nữa thì ta cũng có thể muốn tránh tạo ra rắc rối và vấn đề cho gia đình, người thân, bạn bè và xã hội. Tất cả những điều này được chứa đựng trong ranh giới của cuộc đời này. Để đi xa hơn thì có thể suy nghĩ theo những thuật ngữ chứa đựng nhiều điều hơn, như muốn tránh tạo ra khó khăn cho những thế hệ tương lai, chẳng hạn như hâm nóng toàn cầu.

Với tất cả những động lực này, không phải là mình từ bỏ những điều trước đó, khi ta phát triển những điều theo sau. Thay vì vậy, chúng được tích lũy và bổ sung cho nhau. Đây là nguyên tắc chung của đường tu tuần tự. Tất cả những điều được mô tả ở trên là cái mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”). Nó trình bày các giáo lý nhà Phật, tức là “Pháp”, về mặt chỉ riêng kiếp sống này, mà không đề cập đến tái sinh. Tôi đã đặt ra những thuật ngữ này, “Pháp Nhẹ Nhàng” và “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing Dharma”), song song với Coca-Cola ít đường và Coca-Cola thật sự, chứa đầy đường.

Dành Cho Vấn Đề Tái Sinh Chút Ít Nghi Ngờ, Trong Khi Chỉ Nghĩ Về Việc Cải Thiện Kiếp Này

“Pháp” là một danh từ tiếng Phạn, đề cập đến giáo huấn của Đức Phật. “Nhẹ Nhàng” không có nghĩa là có điều gì sai trái, chỉ là nó không phải là phiên bản mạnh mẽ, chân thật. Trình bày thật sự của Lam-rim mà chúng ta tìm thấy trong các truyền thống Tây Tạng là phiên bản thật, nhưng điều này có thể quá mức đối với nhiều người trong chúng ta ở giai đoạn đầu. Lý do chính đối với điều này là vì nó cho rằng mình hoàn toàn tin tưởng vào tái sinh, và tất cả các chủ đề được trình bày với tiền đề là có sự tái sinh. Từ quan điểm này mà mình bắt đầu tu tập để tránh khó khăn và cải thiện những kiếp tương lai.

Nếu không tin vào những kiếp tương lai thì làm sao mình có thể có động lực chân thành để cải thiện những kiếp sau? Điều đó bất khả dĩ. Khi chúng ta có những thắc mắc về ý niệm kiếp quá khứ và kiếp vị lai, và khi không vững tin, hay thậm chí không hiểu điều này thì cần phải bắt đầu với Pháp Nhẹ Nhàng. Cần phải trung thực với chính mình về những gì mình đang thật sự hướng đến trong việc tu tập tâm linh.

Có lẽ đối với hầu hết chúng ta thì mình đang nhắm vào mục đích giúp cho cuộc sống này tốt hơn một chút, và đó là mục tiêu hoàn toàn có giá trị. Nó là sự khởi đầu, và một bước rất cần thiết. Tuy nhiên, khi ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng này thì điều quan trọng là phải thừa nhận rằng đó là Pháp Nhẹ Nhàng, không phải là Pháp Thực Thụ. Khi bị nhầm lẫn giữa hai điều này thì mình sẽ hạ thấp đạo Phật thành một hình thức trị liệu, hay tự giúp đỡ bản thân (self-help). Điều đó khá hạn chế và không công bằng đối với đạo Phật.

Ta cũng phải thừa nhận vấn đề, nếu như mình không hiểu được Pháp Thực Thụ là gì, đừng nói gì đến việc tin rằng đó là sự thật. Nên cởi mở và nghĩ rằng, “Không chắc là những gì họ nói về kiếp tương lai và giải thoát là đúng hay không, nhưng ngay bây giờ, tôi sẽ tu tập ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng. Khi đã phát triển hơn nữa, nghiên cứu và hành thiền nhiều hơn thì có lẽ mình sẽ hiểu nhiều hơn về Pháp Thực Thụ.”. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn có giá trị và hợp lý, dựa vào lòng tôn kính Đức Phật và niềm tin rằng Ngài không nói những điều vô nghĩa, khi giảng dạy những điều này.

Ta cũng có thể thừa nhận rằng một số ý tưởng nào đó mà chính mình có thể có, chẳng hạn như việc xác định và giải thích về kiếp tương lai và giải thoát có thể hoàn toàn sai trái, và đạo Phật cũng không chấp nhận những định nghĩa hay giải thích tiền định. Thế thì nếu mình nghĩ điều gì có nghĩa là gì, hoặc những gì mình thấy kỳ cục thì Đức Phật cũng có thể thấy nó kỳ cục, bởi vì đó là sự hiểu biết hoàn toàn sai lầm. Chẳng hạn như mình giống như một linh hồn có cánh bay ra khỏi cơ thể, rồi đi vào cơ thể khác là điều mà Đức Phật cũng không chấp nhận. Phật cũng sẽ từ chối ý niệm rằng ta có thể trở thành Thiên Chúa toàn năng.

Lợi Thế Của Cách Suy Nghĩ Về Tái Sinh Vô Thỉ

Hầu hết các phương pháp được trình bày trong đường tu tuần tự này có thể được áp dụng trong Pháp Nhẹ Nhàng hay Pháp Thực Thụ. Tuy nhiên, có một số phương pháp thật sự phụ thuộc vào việc hiểu biết về kiếp tương lai. Ví dụ, để có thể phát triển lòng từ bình đẳng với tất cả mọi người thì một trong những phương pháp là nhận ra mọi người đều có những tái sinh từ vô thỉ, và số lượng chúng sinh thì hữu hạn. Từ điểm khởi đầu này, ta sẽ suy diễn một cách hợp lý rằng ở một thời điểm nào đó thì mỗi một hữu tình đều đã từng là mẹ của mình, và là mẹ của tất cả những chúng sinh khác. Mình cũng đã là mẹ của  tất cả những hữu tình khác. Người ta có thể đưa ra chứng minh toán học theo lý luận này, của một sự vô thỉ, mà lại có hữu hạn chúng sinh. Nếu có cả thời gian vô hạn và chúng sinh vô hạn thì không thể chứng minh rằng nó vận hành theo cách này.

Rõ ràng đây là một chủ đề rất khó tiếp cận, đặc biệt nếu như mình không bao giờ nghĩ về những tái sinh vô hạn đã xảy ra trước đây. Trên cơ sở tái sinh vô hạn thì ta có thể nghĩ về tình mẫu tử mà tất cả chúng sinh đã bày tỏ đối với mình, cảm kích điều này và muốn đền đáp lại bằng lòng tử tế và thương yêu đối với họ. Có toàn bộ sự phát triển  dựa trên điều này. Một phần của quá trình này là thấy rằng đó chỉ là vấn đề thời gian, khi người này hay người kia đã là mẹ của mình. Dù ta chưa nhìn thấy mẹ trong mười phút, mười ngày hay mười năm thì bà vẫn là mẹ của mình. Tương tự như vậy, nếu mình chưa gặp lại bà trong mười kiếp thì bà vẫn là mẹ của mình. Đây là một cách suy nghĩ có thể rất hữu ích, nếu mình tin vào tái sinh. Nếu không có niềm tin này thì nó sẽ vô nghĩa.

Điều này đặc biệt áp dụng khi chúng ta nghĩ về muỗi, không chỉ về con người. Con muỗi này là mẹ mình trong một kiếp trước, bởi vì tái sinh có thể là bất cứ sắc tướng nào có hoạt động tinh thần. Còn có phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng về điều này, khi mà mình thấy bất cứ ai có thể đưa mình về nhà của họ, chăm sóc và cho mình ăn uống. Tất cả mọi người đều có khả năng đó. Trong khi đi du lịch, ta thường thấy những người hoàn toàn xa lạ có thể thật sự rất tử tế, và bày tỏ lòng hiếu khách đối với mình. Không cần biết đó là một người đàn ông hay phụ nữ, tất cả mọi người đều có thể hành động như một người mẹ đối với ta. Một đứa trẻ, khi lớn lên, có thể chăm sóc chúng ta. Điều này có thể rất hữu ích, ngay cả khi nó bị hạn chế một chút. vì rất khó nghĩ rằng con muỗi mà mình thấy có thể đưa ta về nhà và chăm sóc ta như một người mẹ.

Điều đó minh họa một chút về cách các phương pháp có thể được áp dụng ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng và Pháp Thực Thụ. Cả hai đều rất hữu ích theo cách riêng của chúng, nhưng phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng thì bị hạn chế. Pháp Thực Thụ mở ra khả năng rộng lớn hơn nhiều. Bất kể mình áp dụng mức độ nào thì điểm chính là áp dụng nó trong đời sống hàng ngày. Khi bị kẹt xe hay xếp hàng dài, và mình tức giận hay thiếu kiên nhẫn với người khác thì ta có thể xem tất cả những người này giống như mẹ của mình. Chúng ta có thể nghĩ về điều này trong kiếp trước hoặc kiếp này, và nó sẽ làm dịu cơn giận, giúp mình kiên nhẫn. Nếu như mẹ của mình thật sự đứng trước mình trong khi xếp hàng thì tôi chắc chắn là chúng ta sẽ không phiền hà gì để mẹ được phục vụ trước mình. Trên thực tế, có lẽ mình sẽ rất vui khi bà được phục vụ trước. Có thể cố gắng áp dụng sự hiểu biết này bằng cách như vậy. Ta không chỉ phát triển những tâm thái này trong khi ngồi thiền trên tọa cụ, mà còn thực hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày.

Thiền Là Phương Pháp Tự Cải Thiện Bản Thân

Khi quá trình giáo pháp được mô tả là tự cải thiện bản thân mình thì nó có nghĩa là như vậy. Khi hành thiền trong bầu không khí yên tĩnh, được kiểm soát trong phòng thì ta đang tập phát khởi những cách hiểu biết này, và những tâm trạng tích cực hơn. Ta sẽ sử dụng trí tưởng tượng để nghĩ về người khác, và phát triển thái độ có tính xây dựng đối với họ. Mặc dù nó hoàn toàn không phải là một phương pháp truyền thống, nhưng tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn hợp lệ để nhìn vào tấm ảnh của người khác trong thời thiền. Người ta không có hình ảnh vào 2500 năm trước, nhưng tôi nghĩ là không có vấn đề gì trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình này.

Một khi đã đủ quen thuộc với một tâm trạng tích cực nào đó thì mình sẽ cố gắng áp dụng nó trong đời sống hàng ngày. Đó là toàn bộ mục đích. Nếu chỉ có những tư tưởng yêu thương khi ngồi trên tọa cụ, nhưng rồi lại tức giận với gia đình và đồng nghiệp thì đó không phải là kết quả mà mình mong muốn. Vì vậy nên đừng bao giờ xem việc hành thiền là cách trốn tránh đời sống, khi mà mình chỉ muốn dành một vài phút để tĩnh tâm. Nó cũng là một cách trốn tránh, nếu như mình đi vào một vùng đất giả tưởng nào đó, nghĩ ra đủ điều khó tin. Việc hành thiền nên hoàn toàn khác biệt, vì chúng ta đang luyện tập, để có thể đối phó với các vấn đề trong cuộc sống.

Đây là công phu khó nhọc, và không nên tự lừa dối mình, hoặc để cho các quảng cáo lừa gạt mình và nghĩ rằng việc tu tập sẽ nhanh chóng và dễ dàng. Không dễ khắc phục tâm ích kỷ và những phiền não tiêu cực khác, bởi vì chúng dựa vào những tập khí rất sâu dày. Cách duy nhất để khắc phục chúng là thay đổi thái độ của mình đối với sự vật, và đoạn diệt tâm vô minh tiềm ẩn đằng sau những tâm trạng tiêu cực này.

Video: Matthieu Ricard — “Đưa Lòng Bi Vào Hành Động”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm Tắt

Pháp tu nhà Phật có thể được phân chia thành Pháp Nhẹ Nhàng và Pháp Thực Thụ. Với Pháp Nhẹ Nhàng thì ta muốn cải thiện chất lượng của kiếp sống này, bằng cách trang bị cho mình những công cụ tinh thần, để có thể giải quyết tốt hơn những vấn đề mà đời sống tạo ra cho mình. Hoàn toàn không có gì sai trái đối với Pháp Nhẹ Nhàng cả, nhưng cũng giống như Coca-Cola ít đường thì không bao giờ ngon bằng Coca-Cola thật sự.

Theo truyền thống thì giáo huấn Lam-rim không tham khảo bất kỳ ý tưởng nào mà chúng ta đã thảo luận về Pháp Nhẹ Nhàng, bởi vì nó giả định niềm tin về kiếp quá khứ và tương lai. Tuy nhiên, việc muốn cải thiện đời sống và trở thành người tốt hơn là bước đầu tiên cần thiết trên con đường dẫn đến việc tu tập Pháp Thực Thụ.  

Top