Các Cõi Giới Khác Nhau Và Nghiệp

Thấu Hiểu Về Tái Sinh Trong Các Dạng Sống Khác, Ngoài Con Người Hay Thú Vật

Một chủ đề thường bị bỏ qua là về nỗi khổ của ba cõi thấp hơn, hay “ba cõi tồi tệ hơn”, như tôi thích gọi chúng. Thật ra thuật ngữ Tây Tạng là “ba cõi xấu”, nhưng “xấu” có vẻ hơi nặng nề, nên tôi gọi chúng là tồi tệ hơn. Không có chữ nào nói đến những cõi này là “thấp hơn”.

Một số người thích tạo ra phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-Lite) của những cõi tồi tệ nhất, trên thực tế là của sáu cõi. Chúng ta có thể chấp nhận là có con người và động vật, và một số người có thể chấp nhận là có ma hay linh hồn. Tuy nhiên, các dạng sống khác thì hơi khó khăn. Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng nói rằng các cõi giới thật sự nói về trạng thái tâm lý hay tinh thần của con người. Một khía cạnh của giáo pháp nêu ra rằng sau khi tái sinh ở một trong những cõi đó thì mình vẫn còn sót lại một chút kinh nghiệm của kiếp đó trong tái sinh làm người, nếu như tái sinh làm người sẽ xảy ra sau đó. Vì vậy, trên thực tế thì có điều gì tương tự trong kinh nghiệm của con người, nhưng đây không phải là sáu cõi của Pháp Thực Thụ (Real Thing Dharma).

Trong Pháp Thực Thụ thì mọi thứ đều dựa trên một dòng tâm thức vô thỉ hay vô chung. Nếu xem xét những gì được cảm nhận về mặt cảnh vật, âm thanh, cảm thọ qua thân thể, hạnh phúc và bất hạnh, v.v... thì ta có thể thấy rằng có nhiều tham số (parameter) khác nhau ảnh hưởng và tô điểm cho kinh nghiệm, sự quan tâm, không quan tâm, chú ý và không chú ý của mình. Đối với mỗi tham số này thì mình đang nói về toàn bộ quang phổ từ việc hoàn toàn quan tâm đến hoàn toàn không quan tâm, hoàn toàn chú ý đến không chú ý gì cả, hoàn toàn tức giận đến không tức giận, v.v... Chúng ta luôn trải nghiệm tất cả mọi việc theo một quang phổ như vậy.

Đây là trường hợp đối với thị giác, ví dụ như có toàn bộ quang phổ ánh sáng và với giác quan của con người thì chúng ta chỉ có thể cảm nhận được một số lượng nào đó của quang phổ đó. Chúng ta không thể thấy tia hồng ngoại hoặc tia cực tím, nhưng phải sử dụng phần cứng cơ học để nhận thức chúng. Nhưng giác quan của một con cú, chẳng hạn vậy, thì có thể thấy được những cảnh vật mà mình không thấy, như trong bóng tối.

Với lỗ tai của chó thì nó có thể nghe được âm thanh có tần số cao hơn tai người. Mũi chó nhạy cảm với mùi hơn nhiều, so với mũi người. Những điểm này khá rõ ràng. Chỉ vì giác quan của cơ thể con người không nhận thức được một phần nào đó của một quang phổ qua thông tin giác quan thì không có nghĩa là những chúng sinh khác không nhận thức được những phần vượt ngoài tầm nhận thức của mình. Chỉ vì mình không thấy được tia cực tím và hồng ngoại thì không có nghĩa là chúng không tồn tại. Nó chỉ đòi hỏi những thể chất khác nhau.

Những Mức Độ Đau Đớn Và Lạc Thọ Vượt Qua Khả Năng Của Con Người

Dòng tâm thức cá nhân của mình không bị hạn chế đối với việc có một loại thể chất nào, được kết nối với một loại cơ thể, và tâm hành của mình có khả năng nhận thấy bất cứ điều gì ở bất cứ vị trí nào trên quang phổ. Nếu đó là trường hợp đối với quang phổ của sắc, thanh, hương, vị và vân vân, thì có lý do nào khiến cho nó không phải là như vậy, trong trường hợp của phổ quang lạc thọ và đau đớn, hạnh phúc và bất hạnh? Nếu nói về cảm giác thể chất thì với cơ thể của con người, khi cơn đau trở nên quá mạnh thì mình sẽ tự động ngưng hoạt động và bất tỉnh. Điều này không có nghĩa là những nỗi đau mạnh mẽ hơn không tồn tại; chỉ là cơ thể của mình không có khả năng nhận thức chúng. Nó có một cơ chế an toàn để ngưng hoạt động.

Cũng có thể nói về mặt khác của quang phổ, là lạc thọ. Nếu như phân tích nó một cách khách quan thì tương tự như vậy, chúng ta cũng có một cơ chế trong thân thể của mình để tiêu diệt hay chấm dứt lạc thọ, khi nó đạt đến một mức nào đó. Nếu nghĩ về khoái cảm tình dục thì khi nó đạt đến một mức độ nào đó, trên cơ bản thì mình sẽ kết thúc nó bằng cảm giác cực khoái. Nó cũng giống như sự ngứa ngáy, nó không đau, nhưng thật ra là lạc thọ mãnh liệt. Nó rất dễ chịu đến nỗi mình phải tiêu diệt nó bằng cách gãi nó.

Thật ra thì đó không phải là một trò đùa! Tôi bị ngứa mãn tính trong vài năm, khi mà da đầu và trán của tôi bị ngứa kinh khủng. Các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Cách duy nhất để chung sống với nó là nhận thức rằng đó là lạc thú, nên chỉ cần thư giãn và tận hưởng nó. Mặc dù việc này đòi hỏi rất nhiều chánh niệm và định tâm, nhưng khi tôi có thể làm điều đó thì mọi việc ổn thỏa, và tôi không bị cơn ngứa làm phiền. Tuy nhiên, thông thường, nếu như bị muỗi cắn thì nó quá mức chịu đựng, và mình phải phá hủy cảm giác ấy. Cơ thể tự động cố gắng chấm dứt điều đó.

Theo cách phân tích này thì tại sao lại không có một cơ thể của một chúng sinh có khả năng nhận thức và trải nghiệm xa hơn về phổ quang đau đớn và phổ quang lạc thọ. Tại sao không? Không có lý do hợp lý nào để giải thích tại sao không. Điều tương tự cũng áp dụng cho phổ quang của tâm sở hạnh phúc và bất hạnh, mà ta không được nhầm lẫn với lạc thọ và đau đớn. Hạnh phúc hay bất hạnh có thể đi kèm với bất kỳ loại kinh nghiệm nào về thể chất hay tinh thần. Chúng ta có thể chịu đựng cái đau khi được xoa bóp mạnh, và cảm thấy rất vui, vì nó làm thư giãn bắp thịt. Ngay cả khi thấy đau nhưng mình thấy vui, vì nếu không đau thì không có ích lợi gì! Hạnh phúc và bất hạnh là một tham số khác với đau đớn và lạc thọ, ngay cả khi hai cặp này tương tự với nhau. Tại sao? Nếu như rất đau khổ thì mình sẽ bị trầm cảm nặng nề, vậy thì phải làm gì đây? Thì đi tự vận. Thế thì có những giới hạn về mức độ khổ đau mà mình có thể chịu đựng trong cơ thể của mình. Vậy thì tại sao lại không thể có nhiều bất hạnh và hạnh phúc lớn hơn ở hai thái cực của quang phổ mà con người có thể chịu đựng?

Nếu đó quả thật là trường hợp mà các giới hạn xa hơn của quang phổ có thể được cảm nhận bằng hoạt động tinh thần, thì kết nối với nó sẽ là cơ thể và giác quan thích hợp có thể cảm nhận chúng. Dòng tâm thức của mình có khả năng trải nghiệm bất kỳ phần nào của quang phổ, và tạo ra giác quan phù hợp để có thể cảm nhận chúng. Như tôi đã nói trước đây, chỉ vì cơ thể của con người không có khả năng chịu đựng đau đớn hay lạc thọ cao độ, điều này không chứng minh rằng cơ thể của những loài chúng sinh khác không thể chịu đựng, hay không tồn tại. Trên thực tế thì những cõi này và môi trường của chúng có tồn tại hay không? Chắc chắn là có  - chúng cũng tồn tại trên thực tế, giống như cõi người của chúng ta tồn tại. Điều đó chỉ có nghĩa là mình không nhận thức được chúng, nhưng rồi thì sao?

Nghiêm Túc Về Tái Sinh Trong Những Cõi Khác

Tôi đang giải thích tất cả những điều này từ sự hiểu biết của riêng mình. Tôi chưa nghe ai khác giải thích nó như vậy, nhưng nó có ý nghĩa đối với tôi, và giúp tôi nhìn những cõi khác một cách nghiêm túc hơn. Nó có ý nghĩa, bởi vì tôi đang nhìn vào dòng tâm thức của tâm hành và khả năng mà nó kinh nghiệm toàn bộ quang phổ của sắc tướng, âm thanh, niềm vui, nỗi đau, hạnh phúc, bất hạnh và vân vân. Rồi tiếp theo là dòng tâm thức của mình phải có thể chất phù hợp của một thân thể có khả năng nhận thức và chịu đựng những cực đoan xa hơn nữa của những quang phổ của kinh nghiệm này. Với sự hiểu biết này thì việc thiền quán về sáu cõi không chỉ đơn thuần là sử dụng “trí tưởng tượng” để hình dung ra cảm giác đau đớn cực độ. Cần phải xem sự tồn tại của họ và khả năng mà mình sẽ trải nghiệm chúng một cách nghiêm túc.

Tôi hy vọng đây là một cách suy nghĩ hữu ích về những cõi khác. Việc thấu hiểu và chấp nhận sự tồn tại của chúng là hậu quả của việc thật sự quy y, hay noi theo phương hướng an toàn. Nếu mình thật sự tin rằng Đức Phật không si mê, và tất cả những điều Ngài nói đều có ý nghĩa, để giúp chúng sinh khắc phục khổ đau, và những điều này không ngu xuẩn, hay không phải là không thích hợp với họ, thì có nghĩa là mình phải xem tất cả những điều trong giáo pháp của Ngài một cách nghiêm túc. Nếu như không hiểu điều gì thì ta sẽ cố gắng tìm hiểu xem nó có nghĩa là gì. Khi Đức Phật nói về những cõi giới khác thì Ngài không chỉ nói một cách tượng trưng. Về mặt phạm vi sơ căn của Pháp Thực Thụ thì mình thật sự phải nghiêm túc với nó, vì không muốn trải nghiệm tái sinh trong những cõi ấy. Rồi thì có nhiều điều phụ thuộc vào sự hiểu biết của mình về tâm hành cá nhân đang xảy ra mãi mãi. Tôi biết nó không phải là một viên thuốc dễ nuốt.

Tích Tập Nhân Cho Tái Sinh Tốt Đẹp Hơn

Ở đây chúng ta sẽ bắt đầu bàn luận về nghiệp, ngay cả khi mình sẽ không đi vào nhiều chi tiết phức tạp về nó. Thay vì vậy, ta sẽ xem xét nó ở mức độ thực tế. Tôi sẽ sử dụng bản thân mình làm ví dụ, vì tôi đã nói một chút về cách tôi tiếp cận với tài liệu này, và phạm vi sơ căn thì không dễ dàng! Tôi đã thành lập một trang mạng khổng lồ về tài liệu Phật pháp, và một phần động lực của tôi là tạo lợi lạc cho những người có thể đọc nó. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng một phần động lực của tôi là vì lợi ích của riêng mình, bởi vì tôi nghĩ nếu mình dồn đủ năng lượng vào việc này thì trong những kiếp sau, tôi sẽ được những điều này thu hút theo bản năng, từ khi còn nhỏ, nếu tôi đủ may mắn để được sinh ra một lần nữa như một con người. Vì vậy, tôi đang cố gắng chuẩn bị cho những kiếp tương lai, bằng cách làm điều gì sẽ lôi cuốn tôi trở lại với Pháp, ngay từ khi còn rất nhỏ.

Có lẽ tôi đang tích tập nhân để mau kết nối lại với Pháp, khi có được một tái sinh làm người quý báu khác, nhưng thật ra tôi có tích tập nhân cho tái sinh quý giá làm người hay không? Có phải tôi đang tự lừa dối mình? Tôi có đang tu tập phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của phạm vi sơ căn không? Phải luôn luôn quán xét bản thân trong suốt ba phạm vi. Có phải mình đang bỏ qua một vài phần trong đó? Để trở thành một hành giả thuộc về bất cứ phạm vi nào thì nó phải là một điều gì ảnh hưởng toàn bộ thái độ của mình đối với cuộc sống.

Nhân Của Tái Sinh Tốt Đẹp Hơn: Trì Giới

Giáo pháp trình bày rất rõ ràng về các nhân tố tạo ra kiếp người quý báu. Nguyên nhân chính là trì giới, khi mà mình kềm chế hành vi tiêu cực. Nó cũng ngụ ý việc dấn thân vào hoạt động mang tính tích cực như hành thiền, giúp đỡ người khác và v.v... Ở đây, chúng ta sẽ nói một cách cụ thể về việc không có hành vi tiêu cực, vì mình có một danh sách về thập ác. Đây là những điều quan trọng nhất, nhưng rõ ràng là còn có rất nhiều điều khác:

  • Giết hại sinh mạng
  • Lấy những gì không mà không ai cho
  • Tà dâm
  • Nói dối
  • Nói lời chia rẽ
  • Nói nặng lời
  • Nói chuyện phiếm
  • Tâm tham
  • Ác ý
  • Tà kiến

Nên tránh những hành động này nghiêm túc đến mức nào? Chúng ta không nói về việc trở thành một kẻ cuồng tín và cứng nhắc đến mức chẳng bao giờ làm bất cứ điều gì tiêu cực, và tưởng tượng mình phải là một vị thánh. Chúng ta chưa tới mức đó. Tuy nhiên, phải phát triển khả năng quan sát những gì mình đang làm, để khi vừa bắt đầu hành vi tiêu cực thì mình sẽ chú ý đến nó, và có thể nhận ra khuyết điểm của nó, cụ thể là sẽ đem lại bất hạnh và đau khổ cho “tôi”. Không có gì bảo đảm điều này sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, nhưng có thể đảm bảo là ảnh hưởng đối với bản thân mình trong tương lai sẽ là bất hạnh. Nên kềm chế những hành vi phá hoại, nếu như mình không muốn trải qua điều này.

Điều gì sẽ ngăn cản việc không thể tự kềm chế hành vi? Trên cơ bản, nếu không được thuyết phục ở mức độ sâu sắc rằng bất hạnh và đau khổ là kết quả của hành vi tiêu cực, và nỗi bất hạnh, đau khổ và đau đớn mà mình hiện đang trải qua là kết quả của hành động tiêu cực trước đó, thì ta sẽ xem thường điều đó. Nhưng nếu không muốn tiếp tục trải qua những khó khăn này thì mình sẽ kềm chế bất cứ hành vi tiêu cực nào nhiều hơn nữa. Cần phải vững tin về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tiêu cực và bất hạnh, và giữa hành vi tích cực và hạnh phúc. Điều này không dễ, nhưng lòng tự tin này là yếu tố chính, để thật sự trở thành hành giả thuộc phạm vi sơ căn. Sau đó, đương nhiên là có sự lười biếng, v.v.., ngay cả khi mình được thuyết phục. Nhưng đó là một chuyện khác.

Tính Vững Chắc Của Giáo Pháp Về Nghiệp

Cách để có được sự xác tín và hiểu biết bằng suy luận (chân tỷ lượng) vững chắc về nghiệp, như đã được giải thích trong kinh sách, là dựa vào thẩm quyền. Nói cách khác là nếu như mình làm theo những gì Đức Phật nói về việc phát triển định tâm và chứng ngộ về tánh Không, thì phiền não sẽ được tiêu trừ. Từ kinh nghiệm của riêng mình, ta có thể thấy rằng điều này hữu hiệu. Thật ra, ta có thể đạt được hiểu biết nhờ kinh nghiệm, rằng giáo pháp sẽ chấm dứt phiền não. Nếu những gì Đức Phật dạy về những điều này là đúng, và lý do tại sao Đức Phật có thể giác ngộ và thuyết pháp là nhờ lòng từ bi của Ngài, và ước nguyện tạo lợi lạc cho tha nhân, thì không có lý do gì Ngài sẽ nói dối với mình về nghiệp. Do đó, ta sẽ xem Đức Phật là nguồn thông tin hợp lệ, nên mình suy luận rằng Ngài là một nguồn thông tin hợp lệ về nghiệp.

Tôi không biết bạn thì sao, nhưng ngay cả khi tôi có thể hiểu được lý lẽ ở đây, thì nó không thật sự thuyết phục tôi ở mức độ rất sâu sắc. Tôi muốn hiểu rõ hơn một chút, để giúp mình vững tin về giải thích theo kinh sách truyền thống. Rõ ràng là nếu chỉ dựa vào suy luận thông thường dựa trên lý lẽ thì người ta không thể chứng minh là bất hạnh là kết quả của hành vi tiêu cực. Nó nói về điều này rất cụ thể trong kinh sách. Nhưng vì không thể thấy cách nghiệp vận hành như thế nào với nhận thức trần trụi hay đơn sơ, nên điều đó có nghĩa là mình phải khảo sát sâu hơn, để có thêm thông tin, để thử hiểu mối quan hệ giữa hành vi tiêu cực và bất hạnh. Làm sao để kết nối hai điều này? Đức Dalai Lama luôn nói rằng mình phải tiếp cận điều này giống như các nhà khoa học. 

Liên Hệ Nhân Quả Giữa Hành Vi Tiêu Cực Và Bất Hạnh

Chúng ta có A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma, các chủ đề kiến thức đặc biệt), trong đó, có những phiên bản khác nhau trong các trường phái khác nhau của Phật giáo Ấn Độ. Có một tác phẩm của Thế Thân (Vasubandhu) từ trường phái Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika), một truyền thống Tiểu thừa. Sau đó, có một phiên bản Đại thừa của Vô Trước (Asanga), cũng như một phiên bản Nguyên thủy của A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), cũng là Tiểu thừa. Khi khảo sát hành vi tiêu cực trong mỗi một tác phẩm truyền thống này, thì nó được định nghĩa như thế nào?

Chúng ta sẽ có tinh thần bất bộ phái đối với vấn đề này, với cách tiếp cận mà mỗi một cách phân tích khác nhau sẽ làm sáng tỏ chủ đề này. Chúng không mâu thuẫn nhau. Trong mỗi một cuốn sách, chúng ta thấy danh sách của các tâm sở mà luôn đi kèm với hành vi tiêu cực. Nếu như nhìn vào những tâm sở này thì ta có thể tự thấy rằng liệu đó là một tâm trạng hạnh phúc hay bất hạnh.

Các Tâm Sở Đi Kèm Với Hành Vi Tiêu Cực

Tôi sẽ xem xét một số điểm đặc trưng chính trong danh sách các tâm sở có mặt với hành vi tiêu cực, điều này sẽ cung ứng một bức tranh rõ ràng hơn về những gì mình đang nói đến. Chúng ta không chỉ nói về những hành động tiêu cực, mà còn cả tâm trạng đi cùng với chúng. Nói cách khác là cái gì khiến cho một hành vi trở nên tiêu cực? Nó có thể phá hoại, nhưng không chỉ đơn giản là hành vi tạo ra bất hạnh. Còn có nhiều tâm sở liên quan đến nó nữa.

Một số tâm sở đi kèm là:

  • Không có ý thức về giá trị (vô tàm) - không tôn trọng những phẩm chất tích cực, hay những người sở hữu chúng. Có thể hiểu được điều này, bởi vì chúng ta đều đã nhìn thấy những người không tôn trọng luật pháp hay bất cứ điều gì tích cực, hay không tôn trọng những người đang làm việc tốt; rõ ràng là họ không xem trọng bất cứ điều nào.
  • Không đắn đo (vô quý) – không kềm chế hành vi tiêu cực một cách trâng tráo hay công khai. Về cơ bản, nó có nghĩa là “Tôi không quan tâm đến những gì tôi làm”. Đây có phải là một trạng thái vui vẻ hay không vui? Nếu như có thái độ như vậy thì có lẽ mình không phải là người rất hạnh phúc.
  • Si mê - không biết hay không chấp nhận rằng nỗi khổ và bất hạnh thô thiển bắt nguồn từ hành vi tiêu cực. Chúng ta nghĩ mình có thể hành động một cách tiêu cực như mình muốn, và sẽ không có hậu quả gì.
  • Tham hay phẫn, nhưng chúng không nhất thiết phải có mặt. Chúng ta biết rằng khi mình rất quyến luyến thì đó không phải là một trạng thái vui vẻ cho lắm, và cũng không vui vẻ khi mình rất tức giận hay thù địch. “Tôi không thể sống mà không có điều này!” và “Tôi ghét bạn!” không phải là tâm trạng rất vui vẻ.
  • Không có ý thức về phẩm giá đạo đức (vô tàm) - không có lòng tự hào mà lại tự ti. Chúng ta cũng thấy điều này trong xã hội học. Nếu bạn nói với ai là họ không tốt, và không bao giờ để cho họ phát triển lòng tự hào hay tự trọng thì họ có thể cảm thấy mình có thể trở thành kẻ đánh bom tự sát, vì không coi trọng bản thân. Họ đã tin rằng mình là đồ bỏ đi. Điều tệ nhất mà bạn có thể làm với một người bị áp bức là đánh mất ý thức về phẩm giá của họ. Việc này không khó tưởng tượng, rằng khi không có cảm giác tự hào thì ta sẽ nghĩ mình vô dụng, và nó không bao giờ là một tâm trạng vui vẻ.
  • Không quan tâm đến cách hành động của mình sẽ phản ánh về người khác như thế nào (vô quý) - đây có thể là một tâm lý rất Á châu, để nghĩ rằng nếu mình hành động một cách tệ hại thì nó sẽ phản ánh về gia đình, đẳng cấp, giới tính, nhóm xã hội của mình, v.v... Chúng ta không quan tâm về bất cứ điều gì trong những điều này, và thái độ này đi kèm với hành động tiêu cực.
  • Trạo cử - một tâm sở khác được A Nậu Lâu Đà bổ sung thêm, trái ngược với tâm hài lòng và an lạc với chính mình. Tâm trạng của mình bất ổn và không thoải mái. Khi dấn thân vào hành vi tiêu cực thì không thể nào thoải mái được.

Nếu mình học hỏi về những loại tâm sở khác nhau có thể đi kèm với hành vi tiêu cực thì sẽ thấy rõ hơn mối quan hệ giữa hành vi tiêu cực, thường được biểu thị bằng những tâm sở này, và nỗi bất hạnh. Mặc dù tôi vẫn có thể suy luận một cách hợp lý rằng bất hạnh là kết quả của hành vi tiêu cực, nhưng sự liên đới này làm cho nó có ý nghĩa hơn nhiều. Sau đó, tôi sẽ quay trở lại với những gì được nêu ra trong kinh sách, tự tin hơn rằng Đức Phật là nguồn thông tin hợp lệ về mối quan hệ này.

Các Tâm Sở Đi Kèm Với Hành Vi Tích Cực

Bây giờ, ta có thể xem xét các tâm sở có thể đi kèm với loại hành vi tích cực, để thấy mối quan hệ của nó với hạnh phúc. Danh sách này dài hơn danh sách trên, khi chúng tôi tổng hợp tài liệu từ ba nguồn A Tỳ Đạt Ma khác nhau:

  • Tín – tin tưởng rằng hạnh phúc bắt nguồn từ việc kềm chế hành vi tiêu cực, và bất hạnh bắt nguồn từ hành vi tiêu cực và tâm trạng bướng bỉnh, gây gỗ mà không tin bất cứ điều gì, khi sự thật được trình bày. Nếu như mình nghe điều gì là sự thật, thì sẽ tin nó.
  • Quan tâm đến hệ quả mà hành động của mình sẽ tạo ra cho bản thân và người khác (tàm và quý)
  • Khinh an - cảm thấy tốt đẹp về bản thân, để có thể kềm chế, không làm tổn thương người khác, ví dụ vậy. Một cảm giác tốt về tính tự chủ là một tâm trạng vui vẻ hơn tâm trạng hoàn toàn bất tự chủ. Nó giống như khi mình đã ăn no mà có thêm một miếng bánh thì mình sẽ ăn nó, khi không tự chủ. Sau đó, mình sẽ thấy hơi tồi tệ và không hài lòng về bản thân, “Bây giờ thì mình thật sự quá no, và thấy không khỏe.”. Nhưng nếu có thể kềm chế và không thêm ăn miếng bánh đó, thì mình sẽ thấy hài lòng về bản thân, “Ừ, mình có thể tự chủ và không giống như một con heo!”
  • Hành xả - một tâm trạng không trạo cử và hôn trầm. Khi kềm chế hành động tiêu cực và la hét người nào thì tâm mình sẽ không tán loạn khắp nơi. Nó cũng không hôn trầm đến nỗi không biết mình đang làm gì. Tâm mình sáng suốt và thanh thản, và ta biết mình đang làm gì.
  • Ý thức về giá trị và tôn trọng (tàm) - ngưỡng mộ và nhìn lên những người có phẩm chất tích cực, và ngưỡng mộ phẩm chất tích cực nói chung.
  • Đắn đo (quý) - quan tâm đến những gì mình làm, nên không có hành vi tiêu cực.
  • Vô tham - không chấp thủ vào việc phải đưa ra ý kiến không ai muốn nghe, và nói điều gì ngu xuẩn và vô nghĩa, hoặc phải la hét, hay phải làm điều gì tiêu cực.
  • Vô sân
  • Bất hại
  • Cần - mạnh mẽ và kiên trì hành động một cách tích cực, nghĩa là dù việc nhịn ăn miếng bánh cuối cùng đó có khó khăn đến đâu thì mình cũng sẽ không ăn nó!

Tất cả những điều này sẽ cho mình hương vị của một tâm trạng hạnh phúc, đúng không?

A Nậu Lâu Đà còn trình bày thêm nhiều tâm sở nữa:

  • Hành xả - sự trưởng thành về cảm xúc và tâm vững chãi, giúp mình thoát khỏi tâm luyến ái và ác cảm.
  • Chánh niệm - chất keo tinh thần giúp mình không đánh mất một tâm trạng nào đó.
  • Khinh an
  • Sở hữu khinh thân và sở hữu khinh an - trái ngược với tâm u mê hay buồn ngủ.
  • Nhu Nhuyễn - trái ngược với bướng bỉnh và kiêu căng, nó loại bỏ sự cứng nhắc. Một ví dụ về điều gì nó sẽ loại bỏ là, “Nếu nó làm tổn thương cảm xúc của bạn thì cũng không sao, nhưng tôi phải nói rằng bạn đang mặc một cái áo đầm xấu quá.”. Đó là sự bướng bỉnh và kiêu căng. Trái ngược với điều này là phải nhu nhuyễn.
  • Thích ứng - một sự khinh an và sẵn sàng để có thể áp dụng bản thân vào điều gì có lợi. Nó đối ngược với sự ngần ngại về mặt tinh thần hay cảm xúc. Chúng ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì mình phải làm, như là, “Tôi sẵn sàng thọt tay vào bồn cầu, ngay cả khi nó rất bẩn, để vớt con ruồi bị chết đuối trong đó. Tôi không ngần ngại gì về điều đó.”. Đây là điều mà mình đang nói đến. Khi không có sự ngần ngại về tinh thần hay cảm xúc thì mình sẽ có tâm trạng vui vẻ hơn nhiều. Nếu như mình có những vấn đề này thì sẽ sợ sệt và bất an, đó không phải là một trạng thái hạnh phúc. Nếu có khả năng thích ứng thì mình sẽ nghĩ, “Bồn cầu dơ thì đâu phải là chuyện gì lớn. Tôi có thể rửa tay mà. Mạng sống của con ruồi này quan trọng hơn.”.

Một ví dụ khác về ngần ngại tinh thần có thể là có người bị chết đuối, và mình phải làm hô hấp nhân tạo bằng miệng, nhưng người đó có cùng giới tính với mình, hay mình nghĩ họ thật là xấu xí, hay bất cứ điều gì. Nếu ngại kê miệng mình vào miệng họ thì điều này sẽ ngăn cản mình giúp đỡ họ. Nếu không ngần ngại thì mình sẽ giúp họ ngay lập tức. Đây là cảm giác sung sức và sẵn sàng làm hô hấp nhân tạo bằng miệng cho bất cứ người nào cần cấp cứu. Hai tâm sở cuối cùng là:

  • Thành thạo – trái ngược với thiếu tự tin.
  • Chính trực - chúng ta thật thà, không đạo đức giả, và không giả vờ có những phẩm chất mà mình không có, cũng không che giấu những điểm yếu của mình.

Có thể hiểu rằng nếu mình bình tĩnh, tự tin, sung sức, không ngần ngại, quan tâm đến những gì mình làm và có ý thức về các giá trị, thì chắc chắn sẽ có tâm trạng vui vẻ hơn. Nhờ có niềm tin vào điều này mà ta sẽ ngày càng tin tưởng hơn vào luật cơ bản nhất của nghiệp, đó là hành vi tiêu cực sẽ đưa đến bất hạnh và hành vi tích cực sẽ dẫn đến hạnh phúc. Mối liên hệ nhân quả này không đi theo cách này là vì Đức Phật đã tạo ra vạn pháp, và tạo ra luật như thế này. Hơn nữa, hạnh phúc không phải là phần thưởng cho hành động tích cực, và bất hạnh không phải là hình phạt cho hành động tiêu cực. Thay vì vậy, ta sẽ hiểu theo cách hợp lý hơn nhiều về mối liên hệ giữa loại hành vi mà mình tạo tác, và kinh nghiệm của mình về hạnh phúc và bất hạnh.

Khi hiểu được cơ chế mà chủng tử nghiệp, tập khí nghiệp và nghiệp lực từ hành vi của mình có thể tiếp tục đi vào những kiếp tương lai, thì ta sẽ nhận ra cách mình hành xử trong kiếp này sẽ ảnh hưởng đến những gì mình sẽ trải nghiệm trong những kiếp tương lai.

Tóm Lược Về Động Lực Của Phạm Vi Sơ Căn

Chúng ta có thể thấy việc thật sự chuyển hóa thành một hành giả của phạm vi sơ căn là một thành tựu không nhỏ. Với thành tựu này thì ta sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng dòng tâm thức của mình sẽ tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác mà không có sự kết thúc. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng cách mình hành xử hiện nay sẽ ảnh hưởng đến kinh nghiệm của mình trong tương lai. Ta hoàn toàn nhận thức rằng mình có được kiếp người quý giá này, khi mà hành vi của mình không hoàn toàn bị bản năng thống trị, như động vật ăn thịt phải giết hại con mồi, hay con chó động tình sẽ nhảy lên bất cứ cái gì. Chúng ta có khả năng thông minh của con người để có thể phân biệt giữa những gì có lợi và có hại, và khả năng hành động về điều này. Mình cũng biết rằng cơ hội này sẽ không kéo dài mãi mãi, mà sẽ mất đi khi mình chết.

Sau khi chết thì mình sẽ tiếp tục tồn tại. Mình có thể tồn tại dựa vào hành vi tiêu cực trong những sắc tướng mà mình không có khả năng phân biệt giữa những gì hữu ích và có hại, và sẽ hành động một cách tiêu cực theo bản năng hết lần này đến lần khác. Điều này sẽ tạo ra thêm bất hạnh và đau khổ. Thay vì vậy thì mình có quy y Tam Bảo, điều được nêu ra bằng chân diệt và chân đạo, một phương hướng đoạn diệt mọi khổ đau và nhân tạo khổ. Do đó, phải đảm bảo rằng mình sẽ tiếp tục có những tái sinh quý báu làm người.

Dù nhắm vào việc đoạn trừ phiền não và vô minh v.v..., nhưng những khuynh hướng vẫn còn đó trong dòng tâm thức của mình. Dù nhắm vào việc thành tựu sự chân diệt của chúng, tuy nhiên, vào thời điểm này, mình không thể hoàn toàn đoạn trừ tâm tham và sân hận, v.v..., nhưng ít nhất mình có thể đi một bước đầu tiên này. Bước đó là, chẳng hạn như, khi mình nổi giận và muốn la hét với ai thì ta sẽ phân biệt giữa những gì hữu ích và những gì không hữu ích, và thấy rằng đó sẽ là một nguyên nhân khiến cho mình phải nếm khổ. Vì vậy, ta sẽ kềm chế, để không tạo tác hành vi ấy.

Đây là khuôn khổ tinh thần cơ bản của hành giả thuộc phạm vi sơ căn. Nếu muốn bổ sung thêm những nhân tố khác nhau để hoàn thành những trợ duyên để có được kiếp người quý báu, thì như kinh sách khẳng định, mình phải có tâm bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, v.v... Ngoài ra, việc có mối liên hệ chặt chẽ với các vị thầy tâm linh và Pháp sẽ tạo ra xu hướng để điều này chín muồi, và xảy ra một lần nữa, khi mình may mắn có được tái sinh quý giá làm người.

Ngoài ra, mình có việc cầu nguyện. Đó là nói về việc hồi hướng công đức mà mình muốn hướng vào mục tiêu đạt được kiếp người quý báu. Chẳng hạn, có rất nhiều lời cầu nguyện: “Nguyện cho con được chư bổn sư tôn quý bảo vệ và gia trì trong mọi kiếp.”. Đây là chỗ mà những điều này sẽ ăn khớp vào đó.

Nếu như trong kiếp này mà ta thật sự làm một hành giả thuộc phạm vi sơ căn, thì sẽ có những tiến triển tâm linh lớn lao trên đường tu nhà Phật. Không nên nghĩ rằng đó là một điều tầm thường, dễ dàng, bởi vì mình đang nói về một sự hiểu biết và niềm tin thành tâm, chân thành. Đó là một thành tựu cao cả và, như mình đã thấy trước đó, ta là nhân chứng chủ yếu để phán xét và đánh giá xem mình có chân thành như vậy hay không, hay chỉ đùa cợt với chính mình.

Tóm Tắt

Rất dễ gạt bỏ ý tưởng về những cõi khác nhau như sự tưởng tượng nào đó, nhưng nếu muốn tiến triển trên đường tu nhà Phật thì điều quan trọng là phải nghiêm túc với chúng. Có thể sử dụng lý luận dễ hiểu để thấy có những chúng sinh ngoài kia có thể nhìn xa hơn và thính tai hơn mình, và không có lý do nào để giải thích tại sao không có những chúng sinh ngoài kia có thể cảm nhận nhiều lạc thọ hơn mình, và cảm thấy đau đớn nhiều hơn mình.

Một khi hiểu được điều này, và cũng được thuyết phục về tính hợp lệ của nghiệp, thì tự nhiên mình sẽ nhất định tránh những hành vi tiêu cực. Không chỉ vậy, mà ta sẽ hoan hỷ tham gia vào những hành vi tích cực, đem lại cho mình hạnh phúc và những tái sinh tốt hơn trong tương lai.

Top