Trí Tuệ Ba La Mật: Prajnaparamita

Nếu thiếu trí tuệ có thể phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng một cách chính xác thì chúng ta thiếu công cụ quan trọng nhất để hoàn thành các mục tiêu thế tục và tâm linh của riêng mình và người khác. Trong trạng thái vô minh và mê lầm, chúng ta chỉ có thể ước đoán những điều sẽ giúp ích cho mình, hay cho người khác, và thường đoán sai. Với bát nhã ba la mật - trí tuệ hoàn hảo - kết hợp với tâm bi và bồ đề tâm, ta có thể trở thành một vị Phật và thấu rõ đầy đủ các phương tiện hiệu quả và phù hợp nhất, để tạo lợi lạc cho mỗi một chúng sinh.

Bát nhã ba la mật, được biết nhiều hơn như “prajnaparamita”, trí tuệ hoàn hảo, là hạnh cuối cùng trong lục độ ba la mật. Với nó, ta sẽ phân tích kỹ càng và phân biệt chính xác, với sự xác tín về bản chất và chi tiết tinh vi của tất cả mọi sự mà ta cần phải biết, để đạt giác ngộ và tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh một cách chu toàn. Có ba phân loại – bát nhã ba la mật thấu hiểu một cách chính xác:

  1. Pháp thậm thâm nhất - bản tánh của thực tại, cụ thể là vạn pháp đều thiếu vắng bản tánh tự thiết lập, được nhận thức bằng  khái niệm, qua phạm trù ý nghĩa hay vô niệm, theo cách nó hiển bày.
  2. Pháp thiển cận, quy ước - năm lãnh vực kiến thức chính: nghệ thuật thủ công và điêu khắc, y học, ngôn ngữ và ngữ pháp, nhân minh học và kiến thức nội tâm của Phật pháp hoàn chỉnh, đặc biệt là các giai đoạn chứng ngộ, cùng các phương tiện và chỉ dấu để thành tựu chúng.
  3. Cách tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh đang thống khổ – 11 loại người để ta giúp đỡ, cũng được bàn luận, liên hệ đến trì giới ba la mật, tinh tấn ba la mật và thiền định ba la mật.

Với trí tuệ ba la mật thì ta sẽ phân biệt một cách đúng đắn và dứt khoát về:

  • Các mục tiêu tích cực mà mình nhắm vào để đạt được
  • Lợi ích khi đạt được những mục tiêu này
  • Những điểm bất lợi khi không đạt được mục tiêu
  • Phương tiện hữu hiệu nhất để đạt những mục tiêu này
  • Cách tu tập những phương tiện này một cách đúng đắn
  • Những chướng ngại nào có thể phát sinh, trong khi cố tu tập các pháp tu
  • Cách tránh hay khắc phục những chướng ngại này

Nếu không có sự hiểu biết đúng đắn xuất phát từ trí tuệ ba la mật thì ta sẽ tu tập các phương tiện giáo pháp một cách mù quáng, không biết rõ mình đang nhắm vào điều gì, vì sao mình lại nhắm vào nó, cách để đạt được nó và ta sẽ làm gì với thành tựu của mình, khi đã đạt được điều này. Ta sẽ làm ô nhiễm việc tu tập vì tâm vị kỷ, động lực vô minh, làm ô uế chúng bằng cảm xúc và thái độ phiền não, do đó, phá hủy cơ hội của bất kỳ sự thành công nào.

Bát nhã ba la mật là điều cần thiết để đưa năm ba la mật kia vào việc tu tập, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, hay định. Với trí tuệ ba la mật này, chúng ta sẽ phân biệt một cách chính xác và dứt khoát:

  • Những gì phù hợp và không phù hợp để bố thí và nên bố thí cho ai, và hơn nữa, bản tánh trống rỗng của chúng ta, người nhận sự bố thí của mình và những gì mình đã bố thí, để ta có thể cho đi những gì hữu ích mà không cảm thấy tự hào hay chấp trước, và không hối tiếc.
  • Điều gì là hữu ích và có hại cho bản thân và người khác, và hơn nữa, những nỗi khổ trong luân hồi và những điều bất lợi của việc an trụ trong trạng thái tịch tĩnh, lãnh đạm của niết bàn, để thực hiện việc trì giới một cách thanh tịnh, và chỉ vì lợi lạc của tha nhân, chứ không phải để hoàn thành mục tiêu vị kỷ của mình.
  • Lỗi lầm của việc thiếu kiên nhẫn và lợi ích của sự kiên nhẫn, để ta có thể chịu đựng bằng lòng từ bi, đối với những phản ứng tiêu cực và thù địch, đối với nỗ lực giúp đỡ của mình, và tất cả những khó khăn liên quan đến việc thực hành Pháp, mà không sân hận.
  • Những lý do vì sao chúng ta đang nhắm vào các mục tiêu tâm linh, và cách thực hành các phương tiện tu tập sẽ đưa ta đến những mục tiêu này, để ta có thể tinh tấn tu hành mà không lười biếng hay chán nản, và bỏ cuộc nửa chừng.
  • Đâu là thực tại và đâu là vọng tưởng về cách hiện hữu bất khả, để định tâm với sự ổn định tinh thần sẽ tập trung vào chân tánh của thực tại, sẽ đưa ta đến giải thoát và giác ngộ. Hơn nữa, với trí bát nhã là mục tiêu, ta sẽ không để cho bất kỳ trạng thái tịch tĩnh và hỷ lạc nào mà mình đã đạt được trong việc hành thiền khiến ta đánh mất mục tiêu giúp đỡ chúng sinh.

Khi thập độ ba la mật được liệt kê thì bốn ba la mật cuối là phân loại thuộc về bát nhã ba la mật:

  • Phương tiện thiện xảo ba la mật – trí bát nhã đặc biệt liên quan đến các phương tiện hiệu quả và phù hợp nhất, hướng vào bên trong để viên thành giáo pháp và hướng ra bên ngoài để giúp tha nhân đạt được giải thoát và giác ngộ.
  • Nguyện ba la mật – trí bát nhã đặc biệt, liên quan đến những điều ta ước nguyện, cụ thể là không bao giờ xa lìa bồ đề tâm trong mọi kiếp, và trong các hoạt động làm lợi lạc cho tha nhân, để tiếp tục tu tập mãi mãi, không gián đoạn.
  • Lực ba la mật – trí bát nhã đặc biệt, đạt được nhờ thiền chỉ và thiền quán, được sử dụng để mở rộng bát nhã ba la mật, và để nó không bị các mãnh lực đối kháng như tham ái nghiền nát.
  • Bát nhã ba la mật – trí bát nhã đặc biệt được sử dụng để hội nhập tâm thức vào sự lãnh hội đúng đắn về Không tướng (tánh Không) của vạn pháp, để có thể nhận thức chân lý quy ước và cứu cánh về vạn pháp.

Tóm Tắt

Với bát nhã ba la mật, ta sẽ phân biệt rõ rệt và dứt khoát lợi ích của bất cứ hành trì nào mà mình tu tập, và những bất lợi khi tiếp tục sống với những điều sẽ được khắc phục nhờ việc tu tập. Được hỗ trợ với sự hiểu biết và niềm tin vững chắc ấy, và được trợ lực với động lực không lay chuyển của lòng từ, lòng bi và bồ đề tâm thì bất kỳ hành trì nào mà ta tu tập sẽ trở nên hữu hiệu, để thành tựu giác ngộ và khả năng làm lợi lạc tất cả chúng sinh một cách tối đa.

Top