Nhẫn Nhục Ba La Mật: Kshantiparamita

“Nhẫn nhục là một đức hạnh” như tục ngữ có nói. Vậy thì có phải mình chỉ đành mỉm cười và gánh chịu mọi thứ hay không? Nhẫn nhục trong đạo Phật là một pháp tu mạnh mẽ, không có nghĩa là đơn giản chịu đựng sự việc, mà là tích cực hoạt động trong tâm trí, để đảm bảo mình không trở thành nạn nhân của phiền não. Nhẫn nhục cho ta sức mạnh hoạt động để mang lại lợi ích cho bản thân và tha nhân, và là một trong những yếu tố thúc đẩy mình hướng đến giải thoát và giác ngộ.

Dẫn Nhập

Ba la mật thứ ba trong lục độ ba la mật (các hạnh hoàn hảo) là nhẫn nhục, một tâm thái không sân hận, thay vì vậy, lại có thể chịu đựng khó khăn và đau khổ. Ta có thể bị người khác hãm hại bằng đủ cách, nhưng điều đó không làm phiền mình. Không có nghĩa là ta không còn bất cứ kẻ thù nào, hay những người cố hãm hại mình, mà có nghĩa là mình không nổi giận, thất vọng, nản lòng hay giúp đỡ họ một cách miễn cưỡng. Nếu luôn luôn mất bình tĩnh thì làm sao mình có thể thật sự giúp đỡ người khác? Có ba loại nhẫn nhục trong thái độ này:

Không Bực Bội Với Những Người Làm Hại

Loại nhẫn nhục thứ nhất là không nổi giận hay bực bội với những người làm hại. Nó không chỉ nói về những người hành động một cách tiêu cực, mà ngay cả những người thật sự xấu xa, đối xử không tốt với mình, thật sự làm hại mình, cả về hai mặt thể chất lẫn tinh thần. Nó còn bao gồm những ai không cảm ơn hay cảm kích mình. Đặc biệt là nếu ta đang giúp đỡ ai thì điều quan trọng là không nổi giận với họ, nếu họ không nghe lời khuyên, hay lời khuyên của mình không hữu hiệu. Có nhiều người rất, rất là khó giúp đỡ, nên thay vì mất kiên nhẫn thì nên chịu đựng mọi khó khăn đối với việc này.

Nếu mình là thầy thì không được mất kiên nhẫn với đệ tử, không cần biết họ chậm hiểu hay thiếu thông minh đến mức nào. Dù đang thuyết Pháp hay giảng dạy điều gì khác, nếu đã là thầy thì phải kiên nhẫn và không bực bội. Giống như dạy dỗ một đứa bé thì cần phải thiện xảo; không thể trông mong đứa bé học hỏi nhanh như người lớn.

Chịu Đựng Khổ Đau

Loại nhẫn nhục thứ hai là chấp nhận và chịu đựng nỗi khổ của riêng mình, điều mà ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói đến rất nhiều. Ngài nói rằng nếu có một vấn đề mà mình có thể giải quyết được thì không cần phải nổi giận, bực bội hay lo âu. Chỉ cần làm những điều cần thiết để giải quyết nó. Nhưng nếu không có giải pháp nào để giải quyết hoàn cảnh ấy thì tại sao phải nổi giận làm gì? Nó chẳng giúp ích gì cả. Giống như nếu trời lạnh và mình có quần áo ấm thì tại sao lại phàn nàn và giận dữ vì trời lạnh, trong khi mình có thể mặc thêm vài lớp áo là xong? Nếu không có quần áo ấm thì dù có nổi giận cũng không giúp cho mình cảm thấy ấm áp hơn.

Ta cũng có thể nhìn vào nỗi khổ mà mình kinh qua như là cách tiêu trừ chướng ngại và hoan hỷ là nghiệp xấu ác đang trổ trong hiện tại, thay vì trong tương lai, khi mà nó có thể tệ hại hơn nữa. Theo ý nghĩa nào đó thì mình đang thoát nạn một cách nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như nếu lỡ đá chân vào cái bàn thì chân mình rất đau, nhưng như vậy cũng tốt thôi, vì mình chưa bị gẫy cẳng! Cách suy nghĩ như vậy có thể giúp ta không giận dữ. Nói cho cùng thì dù có nhảy đông đổng lên và làm lớn chuyện khi cái chân bị đau thì cũng không giúp ích được gì. Thậm chí nếu mẹ của mình có đến và hôn lên chỗ bị đau thì cũng không làm cho nó bớt đau!

Một điểm khác có thể áp dụng là khi mình đang cố gắng làm những việc rất tích cực hay có tính cách xây dựng, như bắt đầu một khóa nhập thất dài, làm một chuyến đi dài để giúp người khác, hay làm việc với đề án Phật giáo nào đó, nếu có nhiều chướng ngại và khó khăn vào lúc đầu thì thật ra, đó là điều tốt. Nó giống như tất cả các chướng ngại đang bị thiêu cháy, nên phần công việc còn lại có thể được suông sẻ. Chúng ta nên thấy vui là hiện giờ, nó đang bị thiêu cháy, thay vì tạo ra một khó khăn lớn sau này.

Ngài Tịch Thiên nói rằng đau khổ và khó khăn cũng có những phẩm chất tốt. Không phải là ta nên tìm kiếm thêm vấn đề để tra tấn bản thân, nhưng khi đang khổ thì có những phẩm chất tốt đẹp mà mình có thể coi trọng. Khổ đau làm giảm tâm kiêu mạn và giúp mình khiêm tốn hơn. Nó cũng giúp ta phát lòng bi mẫn đối với những người có nỗi khổ giống mình. Giống như nếu mắc phải một chứng bệnh nào đó thì ta sẽ có sự  cảm thông tự nhiên và lòng bi mẫn đối với những người có cùng chứng bệnh. Đến khi già nua thì cuối cùng, ta có thể thật sự thấu hiểu nỗi đau của tuổi già. Lúc mới 16 tuổi thì mình thường không có lòng bi mẫn đối với người già, vì khó mà hiểu được hoàn cảnh của một người 70 tuổi là như thế nào. Nhưng đến lúc già và trải nghiệm tất cả mọi sự thì ta mới thông cảm và có lòng bi mẫn đối với người già nhiều hơn.

Hơn nữa, nếu có chút hiểu biết về nhân quả, tức là nghiệp, thì khi chịu khổ, nó sẽ nhắc nhở mình tránh hành xử một cách tiêu cực. Vì sao? Đơn thuần là vì hành vi tiêu cực là nhân tạo khổ. Nó sẽ khuyến khích mình làm những điều có tính cách xây dựng nhiều hơn, đó là nhân hạnh phúc.

Chịu Đựng Khó Khăn Vì Giáo Pháp

Loại nhẫn nhục thứ ba là chịu đựng khó khăn trong việc tu học và thực hành Pháp. Sẽ mất rất nhiều công sức và nỗ lực để đạt được giác ngộ, và mình phải thực tế về điều này, để không thấy nản lòng, nên cần phải kiên nhẫn với bản thân mình.

Điều quan trọng là hiểu và chấp nhận rằng bản chất của luân hồi là sự thăng trầm, không chỉ về những tái sinh cao hơn hay thấp hơn, mà nói chung là trong mọi lúc. Đôi khi, ta sẽ thấy thích tu tập, đôi lúc thì không. Đôi khi, việc tu hành sẽ tốt đẹp, có lúc thì không. Ta có thể trông đợi gì? Nói cho cùng thì đó là luân hồi. Mỗi ngày, sự thể sẽ không trở nên tốt đẹp hơn và tốt hơn nữa, nên ta cần phải kiên nhẫn và không bỏ cuộc, khi một ngày nào đó, sự việc không xảy ra như mình dự tính. Có thể ta nghĩ rằng mình đã đương đầu với tâm sân và sẽ không bao giờ nổi giận nữa, nhưng bỗng dưng điều gì xảy ra, và mình mất hết bình tĩnh. Điều đó có xảy ra. Ta sẽ không hoàn toàn đoạn trừ được tâm sân, cho đến khi giải thoát và trở thành một A la hán. Vậy thì nhẫn nhục là chìa khóa.

Video: Geshe Tashi Tsering — “Lời Khuyên Cho Cuộc Sống”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tịch Thiên Nói Về Phát Tâm Nhẫn Nhục

Ngài Tịch Thiên có giải thích một vài cách để phát tâm nhẫn nhục trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Hãy xem một vài ví dụ:

Nếu tay mình bị phỏng vì lửa hay bếp lò thì mình không thể nào nổi giận với ngọn lửa vì nó nóng. Đó là bản chất của lửa. Tương tự như vậy, ta có thể trông mong gì với cõi luân hồi? Dĩ nhiên là người ta sẽ làm mình thất vọng, sẽ hại mình, và mọi sự sẽ khó khăn. Nếu có nhờ ai làm việc gì thì nên nghĩ là họ sẽ làm sai. Nếu họ không làm theo ý mình muốn thì đó là lỗi của ai? Đó là lỗi của mình, đã không tự làm vì quá lười biếng, nên mới nhờ họ làm. Nếu nên nổi giận với bất cứ ai thì mình nên giận chính sự lười biếng của mình!

“Mình có thể mong đợi gì từ cõi luân hồi” là một câu hữu ích để ghi nhớ cho tất cả các loại nhẫn nhục mà ta cần phải phát triển. Ta có nghĩ rằng cuộc đời sẽ dễ dàng và mọi việc sẽ xảy ra một cách tốt đẹp, luôn luôn và mãi mãi như vậy không? Bản chất của mỗi một sát na trong đời mình là luân hồi, và điều đó ngang hàng với nỗi khổ bất tự chủ cứ mãi tái diễn, cùng những khó khăn, nên khi sự việc không xảy ra như mình mong muốn, hay người ta hãm hại hoặc làm mình thất vọng, thì đừng lấy làm ngạc nhiên. Ta có thể trông đợi điều gì khác hay sao? Đây chính là lý do mà mình muốn thoát ra khỏi chốn này.

Nó giống như việc phàn nàn mùa đông thì lạnh và tối tăm. Vậy chứ mình mong đợi gì ở mùa đông, rằng nó sẽ đáng yêu và ấm áp, và mình có thể tắm nắng à? Giống như bản chất của lửa là nóng, và nếu thò tay vào lửa thì mình sẽ bị phỏng, còn mùa đông thì sẽ tối tăm và lạnh lẽo. Không có lý do gì để nổi giận cả.

Một phương pháp khác mà ngài Tịch Thiên đề nghị là hãy xem người khác như thể họ là người điên, hay trẻ con. Nếu một người điên hoặc say rượu la lối với mình thì thậm chí mình sẽ nổi điên hơn và la mắng họ, đúng không? Nếu đứa bé hai tuổi của mình la lên “Con ghét ba!”, khi mình tắt truyền hình và bắt nó đi ngủ thì mình có xem điều đó là nghiêm trọng, rồi nổi giận và bực mình vì đứa nhỏ ghét mình hay không? Không, bởi vì nó là một đứa bé. Nếu mình có thể xem những người đang hành động một cách kinh khiếp như thể họ là một đứa bé cáu kỉnh, hay một người điên, thì điều đó sẽ thật sự giúp mình không nổi giận với họ.

Thêm vào đó, nếu như có người đang làm khó dễ ta thì việc xem họ như thầy của mình sẽ rất hữu ích. Ai cũng gặp một người cực kỳ khó chịu, mà dường như mình không bao giờ tránh được họ, đúng không? Vậy thì khi ở gần họ, mình nên nghĩ rằng, “Người này là vị thầy dạy ta hạnh nhẫn nhục.”. Đúng ra, nếu người ta không làm phiền, hay tạo khó khăn cho mình, thì mình sẽ không bao giờ có thể học cách nhẫn nhục. Ta sẽ không bị thử thách, nên ta có thể thấy rằng những người này rất tử tế, đã cho mình cơ hội này. Đức Dalai Lama luôn luôn nói rằng các lãnh tụ Trung Quốc là những vị thầy của Ngài, và Mao Trạch Đông là người thầy cao cả nhất về hạnh nhẫn nhục.

Tóm Tắt

Mỗi một ngày mắc kẹt trong luân hồi thì mình sẽ phải đương đầu với khó khăn và thất vọng. Đôi khi, sự việc sẽ xảy ra y như cách mình muốn, và đôi khi, cuộc đời dường như thoát ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Tất cả mọi sự mà mình làm có khả năng đi sai đường, tất cả bạn bè có khả năng trở thành kẻ thù. Không cần biết mình đã giúp đỡ bạn thân của mình bao nhiêu, họ vẫn có thể nói những lời xấu xa về mình, sau lưng mình.

Trong những trường hợp này thì việc nổi giận có vẻ là việc tự nhiên, điều này khiến cho mình tin rằng nếu như tiêu diệt được kẻ thù thì cuối cùng, mình sẽ có được sự bình tâm mà mình ao ước. Không may là dù có tiêu diệt được kẻ thù của mình hôm nay thì ngày mai và ngày hôm sau nữa, những kẻ thù mới sẽ xuất hiện. Ngài Tịch Thiên khuyên ta nên đơn giản dùng tấm da bọc chân mình, thay vì trải thảm da khắp cả hành tinh. Nói cách khác là không có cách nào cố gắng khắc phục tất cả ngoại thù, khi mà điều mình chỉ cần làm là tiêu diệt nội thù, đó là lòng sân hận. Tấm da ở đây, đối với mình là tâm kham nhẫn, cửa ngõ đưa ta đến sự chịu đựng những khó khăn mà người khác tạo ra cho mình, mà ta sẽ gặp phải, trên con đường đi đến giải thoát.

Top