Phối Hợp Những Phương Diện Khác Nhau Trong Đời Sống

Mở Đầu

Đức Dalai Lama nói rằng có ba khía cạnh trong đạo Phật:

  • Tâm lý học và khoa học Phật giáo - cách tâm vận hành, cũng như vũ trụ học.
  • Triết học Phật giáo - một hệ thống nhân minh học phát triển rất cao, và sự phân tích rất sâu sắc về thực tại, nhân và quả, và cách thế giới vận hành.
  • Đạo Phật - nhiều cách khác nhau để phát triển bản thân trong bối cảnh của những kiếp quá khứ và vị lai, các nghi lễ, cầu nguyện và v.v...

Ngài cũng nói rằng các lãnh vực khoa học và triết học Phật giáo có rất nhiều điều để cung cấp cho thế giới, hoàn toàn riêng biệt với đạo Phật. Để phù hợp với điều này, tôi đã phát triển một bài thực tập gọi là “Kết Hợp Các Phương Diện Khác Nhau Trong Đời Sống”, là một sự pha trộn giữa khoa học và triết học Phật giáo. Nó có thể được sử dụng trong bối cảnh trị liệu, cá nhân hoặc trong nhóm, nhưng không phải và quả thật không nên chỉ được giới hạn cho những người đang gặp vấn đề về cảm xúc, mà có thể giúp đỡ tất cả mọi người.

Bản Ngã Trong Tâm Lý Học Tây Phương

Trong tâm lý học, chúng ta nói về một cái tôi lành mạnh và một cái tôi bị thổi phồng, và tôi nghĩ mọi người sẽ đồng ý rằng việc có một cái tôi lành mạnh thì rất quan trọng để có thể đối phó với những khó khăn và thực tại của đời sống hàng ngày. Một cái tôi lành mạnh có nghĩa là có một cái nhìn tích cực về bản thân (và do đó cũng thường có cái nhìn tích cực về người khác), ý thức tự tin và khả năng đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra trong cuộc sống. Một cái tôi bị thổi phồng hoặc không lành mạnh có nghĩa là ta nghĩ rằng mình quan trọng hơn bất kỳ ai khác, mình luôn luôn đúng, và mọi việc phải luôn luôn xảy ra theo ý mình. Điều này tự nhiên sẽ tạo ra vấn đề và sự xung đột với người khác, bởi vì ý thức về bản thân này không dựa trên cái nhìn thực tế. Có những thái độ không lành mạnh khác về bản thân mà không rơi vào loại bản ngã được thổi phồng, chẳng hạn như có một sự nhận thức về bản thân rất tiêu cực, cũng có thể tạo ra những vấn đề to lớn trong việc đối phó với đời sống.

Bản Ngã Trong Đạo Phật

Đạo Phật nói về bản ngã rất nhiều, nhưng chúng ta thường không sử dụng chữ cái tôi (ego), bởi vì nó là một thuật ngữ được các hệ thống triết học và tâm lý học định nghĩa một cách khá cụ thể, và không thật sự tương quan với ý niệm trong đạo Phật.

Đạo Phật nói về bản ngã thông thường và bản ngã giả dối. Khi có một bản ngã lành mạnh thì Phật giáo nói rằng chúng ta đang nghĩ về bản thân mình trên phương diện “cái tôi thông thường”. Khi có một cái tôi bị thổi phồng hay lòng tự ti thì mình đang nghĩ về “cái tôi giả dối”.

Trong Phật giáo, chúng ta hiểu bản ngã nhờ việc giải mã từng sát na trong kinh nghiệm của mình, được cấu tạo bằng nhiều thành phần:

  • Kinh nghiệm bằng giác quan – chúng ta đang nhìn thấy cảnh vật, nghe âm thanh, cảm nhận bằng thân thể, và vân vân, trong mỗi một sát na.
  • Các tâm sở cơ bản - luôn luôn có một mức độ chú ý, tập trung, quan tâm, mệt mỏi và vân vân.
  • Cảm xúc – các cảm xúc khác nhau đi kèm mỗi một khoảnh khắc. Chúng có thể tích cực, như lòng từ, kiên nhẫn và lòng bi, hoặc tiêu cực như sân hận, tham lam và ganh tỵ.
  • Cảm giác - ta luôn luôn cảm thấy một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh. Có thể nó không phải là cảm giác rất mạnh mẽ, nhưng luôn luôn có mặt ở đó.
  • Sự ép buộc - nhiều người trong chúng ta cảm nhận một sự ép buộc nào đó để hành động hay nói năng theo một cách nào đó, trong khi mình có thể cảm thấy có ý thức tự chủ, nhưng thường bị ảnh hưởng vì những điều kiện từ thói quen, cách được nuôi dạy, môi trường và vv...

Tất cả những điều này đang thay đổi ở những mức độ khác nhau trong mọi lúc, và là những điều tạo ra kinh nghiệm chủ quan của mình từ sát na này đến sát na khác. Sự tương tục này xảy ra từ khi mình được sinh ra, cho đến khi chết.

Mình trải nghiệm nó như thế nào? Mỗi người trong chúng ta đều trải nghiệm điều đó theo khía cạnh của “tôi”. Chúng ta quy gán một cái “tôi” đối với nền tảng của sự thay đổi liên tục này, đó là điều rất thú vị để phân tích. Có bất cứ điều gì về nó luôn luôn giống nhau hay không? Bạn nhìn vào bức ảnh của mình khi còn bé và nói rằng “Đó là tôi”, vào một tấm ảnh khi mình là một thiếu niên và nói rằng “Đó là tôi”, và một tấm hình khi bạn là người lớn, “Đó cũng là tôi”. Mình đang nhận diện điều gì về mặt cái “tôi” này? Không có gì thật sự vững chắc về cái “tôi” mà mình đang nhận diện trong mỗi một bức ảnh, nhưng dù sao thì đó vẫn là tôi, không phải là bạn. Thế thì mình quy gán cái “tôi” này trên những khoảnh khắc kinh nghiệm liên tục kéo dài trong cả một đời sống, giống như mình quy gán một năm trên 365 ngày liên tục.

Nếu mình giữ ý niệm trôi chảy này trong từng khoảnh khắc thì “Bây giờ tôi đang làm điều này. Bây giờ tôi đang làm điều kia. Bây giờ tôi đang trải nghiệm điều này. Bây giờ tôi đang trải nghiệm điều kia”, thì ta sẽ gọi đây là một cái “tôi” thông thường. Dựa trên cơ sở này, ta có thể có ý thức lành mạnh về bản thân. Vấn đề xảy ra khi mình có một ý tưởng cố định về một cái “tôi” vững chắc, và đồng hóa mình với một tấm ảnh trong chuỗi kinh nghiệm dài trong suốt cả đời. Nó giống như mình đóng băng bộ phim của một kiếp sống và đồng hóa mình với một bức hình duy nhất, hay một phần nhỏ của nó, còn khung hình thì thỉnh thoảng thay đổi.

Trong ngôn ngữ thông thường thì ta sẽ nói rằng mình đang tự sửa sang bản thân thành một bản sắc nào đó mà ta nghĩ mình là ai. Nó có thể là “Tôi là một người trẻ tuổi với một cơ thể mạnh mẽ, hấp dẫn”, điều mà có lẽ không phải lúc nào cũng phù hợp với những điều mình kinh nghiệm, nên tạo ra sự bất mãn. Chúng ta nhìn vào gương hay nhảy lên cân và nghĩ rằng, “Đó không phải là mình. Tôi không thể nào nặng đến mức đó.”. Theo một cách khác thì ta có thể đồng hóa bản thân với trí thông minh, hay tiền bạc, hoặc nghề nghiệp của mình. Danh sách cứ tiếp tục kéo dài.

Một ví dụ điển hình cho điều này là khi mình có một mối quan hệ, và thường căn cứ bản sắc của mình là một thành viên trong một cặp vợ chồng. Đây là một cảnh trong phim của cuộc đời mình. Nhưng rồi người kia chia tay với mình, và ta đau khổ vô cùng, bởi vì mình vẫn giữ bản sắc là một thành viên của cặp vợ chồng đó, ngay cả khi không còn sống với người kia nữa. Cách duy nhất để khắc phục nó là càng có nhiều kinh nghiệm hơn sau khi chia tay, để có điều gì mới mẻ để quy gán ý thức về “tôi”: “Bây giờ thì tôi là một người như vậy.”. Cho đến khi có thêm một số kinh nghiệm sau mối quan hệ mà mình có thể nghĩ về “tôi” và “đời sống của tôi”, thì ta vẫn sẽ mắc kẹt khi nghĩ về bản thân mình như một thành viên của một cặp vợ chồng.

Phương pháp mở rộng cơ sở để quy gán về “tôi” rất hữu ích không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho người khác. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng nếu mình có một người bạn thân hay người yêu, hoặc ai đó, thì ta sẽ là người duy nhất trong đời của họ, và họ luôn luôn có mặt với mình, đánh mất đi sự thật là họ có những người bạn khác và những sự kiện xảy ra với họ. Vì vậy, khi họ không gọi điện thoại cho mình thì ta sẽ không kết luận ngay lập tức là họ không yêu mình, mà nhận ra có thể có những việc khác đang xảy ra trong đời họ. Chúng ta sẽ mở rộng cơ sở để quy gán họ không chỉ dựa vào mối quan hệ của họ với mình, và không chỉ trong một sự cố không gọi điện thoại này, mà còn bao gồm tất cả mọi việc và mọi người trong đời của họ nữa.

Thậm chí, chúng ta có thể sử dụng sự phân tích hợp lý trong nhà Phật để giúp mình trong tình huống này. Đâu là sự bao trùm giữa hai vấn đề “bạn tôi không gọi điện thoại cho tôi” và “bạn tôi không thương tôi”?

  • Có thể là bạn tôi gọi điện thoại cho tôi và anh ấy hoặc cô ấy thương tôi.
  • Hay bạn tôi gọi điện thoại cho tôi và anh ấy hoặc cô ấy không thương tôi.
  • Hay có thể là bạn tôi không điện thoại cho tôi và không thương tôi.
  • Hoặc bạn tôi không gọi điện thoại cho tôi, nhưng vẫn thương tôi.

Vậy thì nếu bạn tôi không gọi điện thoại cho tôi thì có khả năng là bạn tôi vẫn thương tôi. Thế thì ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao bạn mình không điện thoại cho mình? Có thể là vì những lý do khác, ngoài lý do bạn mình không thương mình. Có thể là họ bận rộn. Có thể là điện thoại của họ bị hư. Có thể là điện thoại di động của họ hết pin. Có thể là vì rất nhiều lý do. Vì vậy, thật là phi lý khi kết luận là bạn mình không yêu mến mình. Chỉ vì bạn mình không gọi cho mình thì không thể chứng minh là người đó không yêu thương mình. Đó là cách lý luận không hợp lệ. Đó là lý lẽ trong nhà Phật.

Phát Triển Một Ý Thức Lành Mạnh Về “Tôi”

Để phát triển một bản ngã lành mạnh, hay ý thức lành mạnh về “tôi” thì cần phải có khả năng quy gán “tôi” về mặt những gì đang xảy ra trong hiện tại và không bị kẹt trong những ký ức về quá khứ hay viễn ảnh về tương lai. Đó là nguyên tắc chung. Các thuật ngữ kỹ thuật là một “bản ngã” và “một nền tảng để quy gán bản ngã vào đó”. Nền tảng là những khoảnh khắc trong kinh nghiệm của mình.

Nhìn vào cả một dòng đời của mình cho đến nay thì ta đã trải nghiệm và chịu ảnh hưởng của tất cả mọi điều xảy ra trong đó, dù mình có nhớ hay không. Điều này có nghĩa là ta đã chịu sự ảnh hưởng của tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè của mình, của việc đi học, thầy cô và tất cả những điều mà mình đã học được. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng của tất cả những công việc mà mình đã làm. Ta đã chịu ảnh hưởng của tất cả các phương tiện truyền thông và giải trí mà mình đã xem. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng của tất cả những nơi chốn mà mình đã sống và đi du lịch. Cuộc đời của chúng ta, cuộc sống của mọi người, chứa đầy những kinh nghiệm và tác động to lớn, ảnh hưởng đến những gì mình cảm nhận hiện nay: cách mình suy nghĩ, cư xử và nói năng. Tất cả đều tạo ra một sự ảnh hưởng, có thể không phải là tất cả những điều này ở mọi thời điểm, nhưng toàn bộ kinh nghiệm rộng lớn kết hợp với nhau để định hình cách mà mình đang hiện tiền.

Một trong những nguồn gốc chánh của vấn đề là khi không ý thức được tất cả những ảnh hưởng này tác động đến cách mình suy nghĩ, nói năng và hành xử, hoặc khi mình đồng hóa bản thân một cách mạnh mẽ với ảnh hưởng nào đó, và loại trừ những ảnh hưởng khác. Cũng có những ảnh hưởng vô thức mà mình không thừa nhận, và những ảnh hưởng nào đó mà mình đang phủ nhận một cách chủ động.

Toàn bộ quá trình kết hợp những khía cạnh khác nhau trong đời sống liên quan đến việc có một cách tiếp cận toàn diện hơn, bằng cách cố nhận thức được tất cả những ảnh hưởng mà mình tiếp nhận, và kết hợp chúng vào một bức tranh toàn diện. Theo cách đó thì khi ngày càng có nhiều kinh nghiệm xảy ra trong cuộc sống thì nền tảng mà mình quy gán là “tôi” cũng sẽ tiếp tục phát triển. Mặc dù những gì đang xảy ra là một khoảnh khắc duy nhất trong một thời điểm, và chúng ta đang quy gán cái “tôi” vào khoảnh khắc đó, dù sao đi nữa thì trong khoảng khắc ấy, ảnh hưởng của cả đời mình sẽ có mặt ở đó.

Tôi biết có một số liệu pháp mà bạn cố xác định những ảnh hưởng tiêu cực mà mình đã tiếp thu từ cha mẹ. Bạn sẽ lập toàn bộ danh sách về những thói quen và những điều xuất phát từ mẹ của bạn, và một danh sách khác từ cha bạn, để thử ý thức về nó. Trọng tâm thường là những khía cạnh tiêu cực, nhưng đôi khi cũng bao gồm những điều trung lập, như tôi muốn giữ nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, hay tôi thích vứt bỏ mọi thứ, hoặc không vứt bỏ các thứ. Tôi thích ăn vào thời gian nào đó trong ngày. Đây là những điều trung lập, phải không?

Nhưng những điều tiêu cực và trung lập này chỉ là một phần của bức tranh. Việc ý thức về tất cả những điều tích cực mà mình đã học hỏi hay chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, cũng như từ những thành phần còn lại của gia đình và bạn bè, học đường, nghề nghiệp, v.v... cũng rất quan trọng.

Có một xu hướng tự nhiên mà con người muốn trung thành: trung thành với gia đình, trung thành với nghề nghiệp, trung thành với giới tính của họ, trung thành với rất nhiều điều khác nhau. Vấn đề là mình trung thành với khía cạnh tiêu cực một cách vô thức. Vì vậy, nếu như cha mẹ mình luôn nói rằng mình không tốt, thì chắc chắn là ta sẽ hành động một cách tồi tệ, để được chấp nhận là đúng, mình không tốt. Nhưng nếu trung thành với khía cạnh tiêu cực thì không ích lợi gì, đúng không? Đương nhiên, mình không chối bỏ những tác động này, nhưng thật ra thì việc phàn nàn về điều đó chẳng giúp ích gì. Tuy nó phải được thừa nhận, “Được rồi, tôi đã chịu những ảnh hưởng tiêu cực này”, nhưng nếu đổ lỗi cho phụ huynh hay trường học, hay xã hội về những điều tiêu cực mà mình đã thừa hưởng thì thật ra, chẳng có ích lợi gì.

Thế thì mình thừa nhận và cố gắng thấu hiểu nó. Nhưng rồi thì sao? Vấn đề không phải là phóng đại và ôm ấp nó. Ta có thể thấy mình đã tiếp nhận những ảnh hưởng tiêu cực, và hiểu rằng đó không phải là điều mà mình muốn duy trì. Thay vì vậy thì nên cố nhấn mạnh những khía cạnh tích cực mà mình đã thừa hưởng. Nếu như làm như vậy thì mình sẽ tự động có thái độ rất tích cực, có lòng biết ơn thay vì đổ thừa. Nếu ta nghĩ cha mẹ mình không tốt thì cha mẹ không tốt sẽ sinh ra cái gì? Những đứa trẻ không ngoan! Ngay cả khi đó là điều vô thức thì rất có thể là những gì mình nghĩ sẽ tạo ra đủ các vấn đề về việc thiếu tự tin và tự ti.

Đương nhiên là có ngoại lệ, có những người có thể vượt qua tất cả, nhưng tôi đang nói về những điều thường xảy ra. Nếu như cố gắng có một thái độ tích cực về những điều mình đã thừa hưởng từ cha mẹ, bạn bè, học đường và xã hội thì điều đó sẽ giúp cho mình có cái nhìn tích cực hơn về bản thân, dẫn đến lòng tự tin. Đối với điều này thì miễn là mình không thổi phồng cái “tôi” đó thành “Tôi rất tuyệt vời!”, mà giữ nó ở mức độ thực tế, thì đó là một cái tôi lành mạnh, ý thức lành mạnh về tự ngã.

Kết Hợp Những Khía Cạnh Khác Nhau Trong Đời Sống

Ý thức tôn trọng bản thân này là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta có thể học cách phát triển điều này và lòng tự tin, bằng cách kết hợp các khía cạnh khác nhau, đặc biệt là những khía cạnh tích cực vào đời sống.

Xem Xét Mỗi Một Lãnh Vực Khác Nhau

Một phương pháp đơn giản là xen xét các lãnh vực đã tạo ra ảnh hưởng cho bản thân mình, từng lãnh vực một:

  • Mỗi một thành viên trong gia đình mình, cũng như bạn bè của chúng ta, từ thời thơ ấu cho đến hiện tại.
  • Quê hương hay vùng đất mà mình thuộc về, nền văn hóa và tôn giáo (hoặc không có tôn giáo) mà mình lớn lên trong đó.
  • Các lãnh vực nghiên cứu chính mà mình đã học hỏi trong đời sống, và những môn thể thao mình đã chơi.
  • Các thầy cô, những người mà mình đã học hỏi điều gì có ý nghĩa trong đời sống, dù là tâm linh hay phi tâm linh.
  • Những người bạn đời mà mình đã chung sống, và con cái, nếu mình có con.
  • Những sự cố đáng kể đã xảy ra trong cuộc sống, ví dụ như tai nạn hoặc bạo bệnh, hay trúng số.
  • Những công việc và địa điểm khác nhau mà ta đã làm việc, và đồng nghiệp của mình.
  • Tình hình kinh tế của mình, tốt và xấu.                                                                                         

Có một danh sách dài về những điều tạo ra kinh nghiệm của mình trong suốt đời này, và đã ảnh hưởng đến mình trong hiện tại, và cách ta đối phó với mọi việc.

Ta sẽ xem từng điểm một, và đầu tiên nghĩ về những ảnh hưởng tiêu cực. Điều quan trọng là không chối bỏ nó, nhưng rồi mình buông tay, biết rằng không có lý do gì để phàn nàn, bởi vì điều đó không giúp ích gì cả. Sau đó, ta sẽ nhìn vào những điều tích cực mà mình đã đạt được, và thấy rằng chúng rất quan trọng và hữu ích cho mình trong cuộc sống. Ta sẽ quyết định trung thành với chúng, thay vì vô tình trung thành với những phương diện tiêu cực.

Trước Tiên Là Tĩnh Tâm

Trước khi làm việc này thì tĩnh tâm là một cách tốt để có đầu óc sáng suốt, để suy nghĩ về những điều này. Chỉ cần rèn luyện một cách đơn giản là buông bỏ những ý nghĩ và cảm giác cưỡng ép, đặc biệt khi những ý tưởng tiêu cực xuất hiện. Khi khơi lại những điều tiêu cực đã ảnh hưởng đến mình thì dễ bị mắc kẹt với những điều này - “Điều đó thật là khủng khiếp. Người đó thật kinh khủng. Họ làm tôi tổn thương rất nhiều” - và tiếp tục một vòng đối thoại nội tâm, với áp lực rất bắt buộc. Cần phải làm lắng dịu điều này, để có thể chú tâm vào những điều tích cực.

Có rất nhiều phương pháp được đề xuất từ pháp tu nhà Phật, nhưng cách dễ nhất là phương pháp mà mình có thể gọi là “Buông Bỏ”. Bạn nắm tay lại, rồi mở nó ra, và buông tay. Trong khi thực hiện cử chỉ đó thì bạn làm một cái gì đó tương tự trong tâm thức của mình, tưởng tượng là tâm mình giống như nắm đấm, đang giữ chặt một ý nghĩ nào đó, rồi thì bạn thư giãn và buông bỏ nó. Tất nhiên, ý nghĩ phiền não đó có thể quay trở lại ngay lập tức, nên có thể bạn phải lặp lại việc này.

Một phương pháp khác là quán sát tâm mình - toàn bộ phạm vi ý nghĩ và cảm xúc - như một đại dương rộng lớn. Những suy nghĩ tiêu cực giống như những con sóng dữ dội trên bề mặt, nhưng mình là cả đại dương, và sóng không làm xáo trộn chiều sâu của đại dương. Chúng ta không muốn giống như chiếc thuyền trên mặt nước bị sóng đánh tung lên, nhưng cũng không giống như một chiếc tàu ngầm ở sâu thẳm, đang cố gắng tránh sóng. Việc nghĩ rằng những suy nghĩ này là một phần nhỏ của toàn bộ đại dương có thể giúp mình tĩnh tâm.

Tái Khẳng Định Ước Muốn Được Hạnh Phúc

Ý nghĩ tiếp theo mà mình cần phải có là “Tôi muốn được hạnh phúc. Mọi người đều muốn hạnh phúc, và không ai muốn đau khổ. Tôi có cảm giác và cảm xúc, giống như người khác. Giống như cách người khác đối xử với tôi sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của mình thì cách tôi đối xử với bản thân mình cũng ảnh hưởng đến cảm giác của tôi. Vậy thì tại sao phải tự hủy hoại mình? Không phải là tôi xấu và cần phải tự trừng phạt mình. Điều đó thật ngớ ngẩn. Ai sẽ phải chịu đựng điều đó, ngoài bản thân tôi? Nó không giúp ích gì cả. Nếu muốn được hạnh phúc thì tôi phải hành động theo hướng tích cực, sẽ đem lại hạnh phúc.”.

Ý tưởng mà “mọi người đều muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ” là một tiền đề cơ bản trong giáo lý nhà Phật. Nếu bạn nghĩ về điều đó thì chắc chắn là có ý nghĩa. Định nghĩa về “hạnh phúc” trong kinh sách nhà Phật là “một cảm giác mà khi nó xảy ra thì bạn không muốn chia lìa với nó, và muốn nó tiếp tục”. “Khổ đau” là “một cảm giác mà khi trải nghiệm nó thì bạn muốn xa lìa nó, và muốn nó kết thúc”. Toàn bộ bản năng sinh tồn, bản năng tiếp tục, bảo tồn các loài, đều dựa trên điều đó. Bạn muốn tiếp tục điều gì? Bạn muốn tiếp tục được hạnh phúc, và thực tế là bạn muốn tiếp tục là một sự minh chứng rằng bạn muốn hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là tiếp tục. Vì vậy, đây được coi là một tiền đề cơ bản từ sinh học.

Đó là điều thú vị. Bạn có thể muốn trừng phạt bản thân và làm cho mình không vui, nên bạn thọt tay vào lửa. Nhưng bản năng là lấy tay ra khỏi lửa, và bạn sẽ phải cố gắng hết sức để vượt qua điều đó, điều đó cho thấy chúng ta có xu hướng tự nhiên là không muốn khổ, và muốn hạnh phúc.

Thế thì ta sẽ nghĩ về những điều tích cực mình đã thu thập được từ bất cứ người nào hay bất cứ điều gì là chủ đề của buổi nói chuyện hôm nay, với thái độ cảm kích và tri ân. Nếu đó là một người trong đời mình, thì có thể là về cách người đó đối xử trực tiếp với mình, như cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, hoặc thầy cô dạy dỗ mình điều gì rất hữu ích. Mình không chỉ nhận diện ra những phẩm chất tốt đẹp trong bản thân người khác, mà cũng nhìn xem mình có những phẩm chất này trong bản thân mình hay không.

Hình Dung Ảnh Hưởng Tích Cực Đi Vào Thân Mình Theo Dạng Ánh Sáng Màu Vàng

Khi thực hiện quá trình này thì việc có một tấm ảnh của người đó có thể hữu ích, nhưng cũng có thể tưởng tượng ra họ. Chúng ta có thể áp dụng pháp quán tưởng nhà Phật trong thực hành này, khi tưởng tượng ánh sáng vàng phát ra từ thân người này và đi vào thân ta, giúp cho ta tràn đầy cảm hứng để phát triển những phẩm chất tốt đẹp nhiều hơn nữa. Pháp quán tưởng thật sự khiến cho việc phát triển một tâm trạng nào đó dễ dàng hơn. Để tiến xa hơn với việc này thì bạn sẽ tưởng tượng ánh sáng vàng phát ra từ thân mình, truyền cảm hứng cho người khác, con cái, bạn bè, đồng nghiệp hoặc cả thế giới, nếu bạn muốn đi trọn con đường để phát triển tha nhân.

Kết Hợp Tất Cả Những Ảnh Hưởng Này

Khi đã trải qua quá trình này với mỗi một phạm trù ảnh hưởng thì mình sẽ kết hợp tất cả lại với nhau một cách toàn diện. Ta sẽ kết hợp ảnh hưởng của cha mẹ của mình lại với nhau. Ta sẽ làm điều này với anh chị em, bạn bè, trường học và vân vân. Mình đã tiếp thu những điều tích cực nào từ việc học toán ở trường? Có thể ta không sử dụng nó trong nghề nghiệp hiện tại, nhưng nó có giúp ích gì trong đời sống của mình hay không? Cần phải loại bỏ cảm giác rằng bất cứ điều gì trong đời sống của mình đều lãng phí thời gian. Không có gì là lãng phí thời gian cả, bởi vì luôn luôn có điều gì mà ta có thể được lợi lạc. Ngay cả những điều khó khăn nhất mà mình trải qua trong cuộc sống có thể cho ta những bài học, để mình phát triển, và cho ta sức mạnh để đối phó với những khó khăn khác. Đó là điều tích cực mà chúng ta có thể thoát khỏi bất cứ điều gì.

Mục đích của khóa đào tạo là có một cái nhìn toàn diện về bản thân mình, với cơ sở rộng lớn để tranh luận và suy nghĩ về “tôi”. Trên cơ sở này, dù thấy rằng có những điều tiêu cực đã ảnh hưởng đến bản thân, nhưng chúng không phải là những điều mà mình muốn nhấn mạnh. Chúng ta sẽ quyết định một cách có ý thức, để tập trung vào những điều tích cực.

Lập Danh Sách

Có thể lập một danh sách khi bạn thực tập những điểm này, nếu như cách làm việc có tổ chức hơn sẽ giúp ích cho mình. Chẳng hạn như:

  • Đây là những điều tích cực tôi đã thừa hưởng từ mẹ tôi; đây là những điều tôi đã học hỏi từ cha tôi.
  • Đây là ảnh hưởng tích cực tác động vào cuộc sống khi tôi trưởng thành - đối với quý vị đã trưởng thành đủ - ở Liên Xô.
  • Đây là ảnh hưởng tích cực từ tình hình kinh tế hiện tại đối với tôi.

Chúng ta sẽ nêu ra tất cả các điểm này, giống như một bài tập ở nhà. Đó là một phần của toàn bộ quá trình mà trong ngôn ngữ đơn giản, được gọi là “tìm hiểu chính mình”. Khi thật sự thấu hiểu bản thân mình thì ta có thể phân biệt giữa điều gì là tích cực và điều gì là tiêu cực, tôi muốn nhấn mạnh điều gì và muốn giảm bớt điều gì. Nhờ vậy, ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về bản thân.

Sử Dụng Mô Hình Mạn Đà La

Một mô hình khác mà mình có thể sử dụng để nối kết tất cả những ảnh hưởng này và kết hợp chúng là một mạn đà la, có tính cách tạo hình hơn một chút. Trong một mạn đà la thì có nhiều nhân vật, và mình là tất cả. Ta là tất cả những nhân vật đó. Không phải mình chỉ là nhân vật trung tâm, mà là tất cả các nhân vật. Điều này xuất phát từ mô hình thân thể của mình: cơ thể của chúng ta không chỉ là hệ thống tiêu hóa, mà còn là hệ thống tuần hoàn, hệ thần kinh, vân vân và mình là tất cả những điều này.

Ta sẽ bắt đầu bằng cách nhận diện những ảnh hưởng tích cực mà mình đã tiếp nhận, hãy cho là từ tám lãnh vực trong đời sống của mình - ví dụ như gia đình, bạn bè, bạn đời, thầy cô, lãnh vực nghiên cứu, công việc, nơi mình đã sống và tôn giáo. Tôi chắc chắn là chúng ta có thể nghĩ ra nhiều điều hơn nữa, như những tài năng mà mình có. Thậm chí, mình có thể tập trung vào chỉ một trong những phạm vi này, và chia nó ra thành tám phần, như gia đình thành mẹ, cha, mỗi một anh chị em của mình, và nếu mình đã kết hôn và có con thì sẽ có tất cả những người này nữa. Sau đó, bạn sẽ sử dụng một tấm ảnh của một người hay điều gì để đại diện cho mỗi phạm vi này, và sắp xếp chúng xung quanh mình theo hình thức một mạn đà la. Bạn ở trung tâm. Nếu điều này quá khó tưởng tượng thì bạn có thể hình dung tất cả được sắp xếp trước mặt mình. Sau đó, hãy tưởng tượng rằng ảnh hưởng tích cực, dưới dạng ánh sáng màu vàng như trước đây, tỏa ra từ tất cả những người này và thấm vào thân mình trong cùng một lúc. Hãy cảm nhận rằng bây giờ, bạn là toàn thể nhóm người ấy, toàn bộ mạn đà la của những ảnh hưởng tích cực - đây là “tôi”. Hãy kết luận bằng cách suy nghĩ, “Đây là điều mà tôi muốn tiến xa hơn. Đây là những gì tôi phải cung ứng cho thế giới.”. Phương pháp này không phải là điều đơn giản nhất trên thế giới, nhưng nếu bạn có thể thực hành nó thì nó rất là thăng hoa.

Top