Bài Tập Và Những Điểm Liên Quan Đến Ảnh Hưởng Tiêu Cực

Bình Luận

Suốt đời, chúng ta luôn luôn có ý tưởng về bản thân mình về mặt “tôi” và “cuộc đời của tôi”. Chúng ta đã kinh nghiệm điều này suốt đời, không chỉ trong một năm, và vì mình không phải là một thực thể cứng nhắc, vững chắc mà không thể bị bất cứ điều gì ảnh hưởng, nên ta đã chịu ảnh hưởng của tất cả những yếu tố. Để có cái nhìn thực tế về bản thân thì cần phải nghĩ về tất cả những gì mình đã trải qua, và tất cả những ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè, xã hội, v.v... Việc nghĩ về bản thân mình chỉ là một phần nhỏ trong đời sống của mình thì không hoàn toàn chính xác. Ý tưởng ở đây là tổng hợp tất cả các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, để có một cái nhìn toàn diện.

Khi nhìn vào điều này trên cơ sở lý thuyết thì ta sẽ thấy rằng mình có cả hai ảnh hưởng tiêu cực và tích cực. Mặc dù điều quan trọng là không chối bỏ ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nếu cứ phàn nàn và ôm ấp chúng thì cũng không có lợi ích gì. Tốt hơn là nên nhấn mạnh những ảnh hưởng tích cực mà mà mình đã tiếp nhận. Tất cả những điều này có thể được trình bày mà thậm chí không đề cập đến chữ “đạo Phật” gì cả, vì nó thuộc về phạm trù khoa học và triết học Phật giáo.

Tiếp Nhận Cảm Hứng Từ Người Khác

Một khía cạnh khác của cơ sở lý thuyết là tất cả mọi người đều cần có một nguồn cảm hứng nào đó. Tất cả chúng ta đều có những phẩm chất tốt ở một mức độ nào đó, và đây có thể là những tài năng tự nhiên mà mình có, hay được người khác dạy dỗ. Cần có nguồn cảm hứng để khuyến khích bản thân phát triển những khía cạnh tốt nhiều hơn nữa. Hình thức đào tạo này khiến cho ta nghĩ về những sự ảnh hưởng trong suốt đời, nhấn mạnh những phẩm chất tích cực từ người khác, môi trường, xã hội, văn hóa và vv. Nhờ vậy mà mình có được cảm hứng từ những điều này.

Chúng ta có thể sử dụng ví dụ về những bà mẹ của mình. Chắc chắn là có những phẩm chất tốt đẹp từ người mẹ mà chính mình cũng có, nên ta sẽ cố khám phá những điều này. Cũng nên cố gắng nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp khác của bà mà có lẽ tác động của chúng không quá rõ rệt đối với mình. Chẳng hạn như tùy vào tuổi tác của mình mà có thể cha mẹ mình đã sống qua chiến tranh hay những thời điểm khác thật khó khăn, và khi nghĩ đến cách họ đối phó với những vấn đề này thì đó là điều tạo ra nhiều cảm hứng.

Khi nhìn vào những ảnh hưởng mà mình tiếp nhận thì ta không chỉ nghĩ về những phẩm chất tích cực mà mình học hỏi được từ những người này, mà ngay cả những điều có thể không được trao truyền trực tiếp, như lòng can đảm của họ trong thời chiến. Khi bắt đầu nhìn thấy sự tích cực ở người khác thì điều này sẽ giúp mình tạo dựng một thái độ tích cực đối với bản thân. Nếu như có lòng tự trọng rất thấp, thì hãy nhớ đến tất cả những điều tích cực mà mình đã tiếp nhận từ người khác, khiến cho ta nhận ra là mình không quá tệ. Nếu như có một số phẩm chất tích cực, và mong muốn những điều này sẽ phát triển thì cũng có thể nghĩ rằng mình có một điều gì đó để cung ứng cho người khác, như chia sẻ chúng, để xây dựng lòng tự tin. Khi mình có lòng trắc ẩn, muốn giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, với nhận thức là “Tôi có những phẩm chất tốt đẹp, và đó là điều mình có thể chia sẻ với người khác”, rồi thì ta sẽ nhận ra là mình không tệ.

Điều cuối cùng này xuất phát từ Phật pháp, nói về cách mình liên hệ với một vị thầy tâm linh. Ở đây, ta nên có thái độ khám phá ra và nhấn mạnh những phẩm chất tốt đẹp mà vị thầy sở hữu, và nhìn họ với lòng tự tin là mình có thể đạt được những phẩm chất này. Trên cơ sở này, ta sẽ kính trọng thầy thật nhiều, và khi nghĩ rằng thầy đã có lòng tốt dạy dỗ mình thì ta sẽ lòng cảm kích sâu xa. Sau đó, mình sẽ cố gắng phát triển những phẩm chất tốt đẹp mà thầy có được, nhờ nguồn cảm hứng từ tấm gương của thầy. Ta có thể làm điều này với tất cả mọi người mà mình đã gặp, cố gắng nhìn những phẩm chất tốt đẹp của họ và tôn trọng họ trên cơ sở đó. Như tôi đã đề cập trước đây, chúng ta có thể tưởng tượng một luồng ánh sáng màu vàng tỏa ra từ họ, truyền cảm hứng cho mình.

Bài Tập: Tư Duy Về Ảnh Hưởng Của Mẹ Mình

Vị trí tốt để bắt đầu là với mẹ mình, nhưng bạn cũng có thể bắt đầu với cha của mình. Không có vấn đề gì, vì cuối cùng thì bạn sẽ làm điều này với cả hai ông bà. Ta sẽ bắt đầu với những người đã nuôi dưỡng mình.

Trước tiên, cần phải tĩnh tâm. Hãy buông bỏ tất cả những ý nghĩ và cảm xúc đang phát sinh, và cố gắng tĩnh tâm. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách chú tâm vào hơi thở, thở hoàn toàn bình thường bằng mũi, nếu như bạn không bị nghẹt mũi, và thở không quá nhanh, không quá chậm. Nếu những ý nghĩ và cảm xúc cứ lặp đi lặp lại thì hãy cố buông bỏ chúng. Bởi vì hơi thở thường khá tĩnh lặng và đều đặn, nên việc chú tâm vào nó sẽ giúp mình bình tĩnh.

Người ta thường nghĩ bạn phải nhắm mắt khi ngồi thiền, nhưng thật ra điều này không được khuyến khích. Việc nhắm mắt có giúp ta tĩnh tâm một cách dễ dàng hơn; tuy nhiên, vì mình muốn bình tĩnh và im lặng trong những tình huống xảy ra hàng ngày, nên việc nhắm mắt có thể là một trở ngại. Chẳng hạn, nếu bạn lái xe và muốn bình tâm thì tốt hơn hết là đừng nhắm mắt lại! Thường thì tốt hơn là nên để cho mắt thư giãn, hơi hé mở và nhìn xuống.

Rồi thì mình sẽ nghĩ rằng: “Tôi là một con người. Cũng giống như mọi người, tôi muốn được hạnh phúc, và muốn tránh khổ đau. Tôi cũng có cảm xúc như người khác. Nếu mình suy nghĩ tiêu cực về bản thân thì điều này sẽ khiến mình cảm thấy tồi tệ. Vì không muốn khổ nên nếu có thể tìm cách để trở thành một người hạnh phúc hơn thì rất tốt.”.

Về mặt tinh thần thì sau đó, ta sẽ hình dung mẹ của mình. Không cần phải chính xác, nhưng chỉ cần có ý tưởng về điều gì đại diện cho bà. Nếu cần thì có thể nhớ lại những khuyết điểm của bà, thấy rằng chúng đã phát sinh từ các nguyên nhân và hoàn cảnh, và nếu cứ ôm ấp những điều này thì không có ích lợi gì. Ta sẽ không chối bỏ bà, nhưng cũng không phóng đại về bà, nghĩ rằng đó chỉ là cách bà đã sống. Ai cũng có khuyết điểm, đó là chuyện bình thường. Hãy để việc suy nghĩ xa xôi về điều này qua một bên.

Lấy một ví dụ, mẹ tôi có trình độ học vấn rất thấp. Bà phải đi làm rất sớm và chẳng bao giờ có thể giúp tôi làm bài tập ở trường. Đó là một điều thiếu sót, nhưng đó không phải là lỗi của bà: bà đã lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, gia đình bà rất nghèo, và bà phải đi làm. Tôi cần phải hiểu điều đó, và để nó qua một bên. Đó là thực tế, không phải là chuyện lớn.

Rồi ta có thể nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp của mẹ mình, chú tâm vào những khía cạnh này với lòng xác tín. Ta sẽ thấy mẹ đã tạo ra lợi lạc cho mình, ngay cả những chuyện đơn giản như nấu thức ăn cho ta mỗi ngày khi mình còn nhỏ. Hãy nhìn vào tất cả những điều này và chú tâm vào đó với lòng tri ân và tôn trọng sâu xa.

Hãy tưởng tượng một luồng ánh sáng màu vàng phát ra từ mẹ của mình, và thân ta tràn đầy ánh sáng màu vàng, và mình cảm nhận được nguồn cảm hứng để phát triển những phẩm chất tốt đẹp này hơn nữa. Ta cảm thấy thăng hoa, và tưởng tượng ánh sáng này tỏa ra từ thân mình, truyền cảm hứng cho người khác để phát triển những phẩm chất tốt đẹp này. Rồi thì hãy ổn định lại, tập trung vào hơi thở, kết thúc bằng ý nghĩ, “Nguyện cho cảm giác tích cực này ngày càng trở nên sâu sắc hơn, ngày càng mạnh mẽ hơn, để có thể tạo lợi lạc tối đa cho bản thân mình và tất cả mọi người mà mình gặp gỡ.”.

Những Ứng Dụng Khác Về Cách Tiếp Cận Toàn Diện Này

Với cách tiếp cận toàn diện này thì chúng ta đang cố gắng chuyển hóa quan điểm vững chắc mà mình có về cuộc sống. Chúng ta không muốn bị mắc kẹt trong một sự kiện, đồng hóa mình với điều đó và không nghĩ đến bối cảnh rộng lớn hơn trong suốt cuộc đời. Ví dụ như mối quan hệ của bạn với người nào đã đổ vỡ, và bạn nghĩ mình sẽ không bao giờ tìm được người tình khác nữa. Nếu bạn nghĩ đến cả đời thì có thể bạn sẽ gặp một người khác, và có thể bạn cũng đã có bạn gái hay bạn trai khác trước, khi gặp người này. Bạn đã làm cho sự việc ra quá mức của bối cảnh, bằng cách lưu luyến và thổi phồng sự cố của sự đổ vỡ này. Việc nhìn thấy mọi việc trong bối cảnh lớn hơn là điều quan trọng.

Hơn nữa, khi một mối quan hệ tan vỡ, và bạn có thể nghĩ rằng, “Tất cả là lỗi tại tôi. Tôi là người xấu. Tôi là người thua cuộc. Thật tội nghiệp cho tôi.”. Nhưng bạn phải thấy rằng mọi việc xảy ra đều chịu sự ảnh hưởng của vô số yếu tố khác, nên có các yếu tố từ tất cả những việc khác đang xảy ra trong cuộc sống của người kia, toàn bộ bản chất tâm lý của họ, và những điều khác đang diễn ra trong cuộc sống của mình cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ - công việc của tôi, gia đình tôi, v.v. , kinh tế. Vì vậy, nếu bạn thấy bối cảnh lớn hơn, thậm chí sử dụng hình ảnh của một mạn đà la, nếu điều đó hữu ích, thì bạn không chỉ cô lập vấn đề, “Đó là lỗi của tôi và tôi là nguyên nhân duy nhất, bởi vì tôi là một người xấu và không tốt. Tôi không xứng đáng được yêu thương” - đó là lý do tại sao mối tình này tan vỡ. Bạn cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người kia là người xấu. Việc chia tay xảy ra vì một mạng lưới các lý do và yếu tố tác động đến nó.

Xử Lý Với Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Mình Đã Tiếp Nhận

Để đối phó với một ảnh hưởng tiêu cực thì chắc chắn mình phải thừa nhận tác động có hại của nó, nhưng điều quan trọng là không nhấn mạnh nó và ôm giữ nó. Sự khác biệt là bạn có phóng đại nó hay không, nên bạn sẽ cố gắng khách quan: “Đây là những khuyến điểm của người đó. Đây là những ưu điểm của người đó (hoặc của đất nước hay bất cứ điều gì). Tất cả mọi việc và mọi người đều có những thiếu sót và điểm yếu, cũng như điểm mạnh. Đó là chuyện bình thường.".

Hiện nay, tất nhiên bạn có thể thực hiện một sự phân tích toàn diện về lý do tại sao cha mẹ của bạn, chẳng hạn vậy, có những thiếu sót mà họ có: đó là vì cha mẹ của hai người và tất cả những điều đó. Nhưng vấn đề là không chỉ đồng hóa họ với những phẩm chất tiêu cực của họ. Hãy thừa nhận chúng mà không phóng đại chúng. Nếu như bạn hiểu được tại sao họ lại như vậy thì tốt thôi. Nếu không thì đó không phải là điểm nhấn trong loại bài tập này. Bạn có thể làm điều đó trong bối cảnh khác. Rồi hãy để nó qua một bên. Nếu ta phàn nàn về mặt tiêu cực thì có ích gì? Nó chắc chắn sẽ không làm cho mình hạnh phúc. Mình không thể có cảm hứng từ những phẩm chất tiêu cực; ta sẽ bị trầm cảm vì cứ nghĩ về những phẩm chất tiêu cực.

Nhưng tôi không nghĩ việc nêu ra ý niệm tha thứ sẽ hữu ích ở đây, “Tôi tha thứ cho cha mẹ vì những lỗi lầm mà họ đã gây ra.”. Thật ra điều đó rất kiêu ngạo, rằng tôi ở trong một địa vị cao cả, nên tôi xem thường cha mẹ và tha thứ cho họ. Việc thông cảm và xả bỏ hoàn toàn khác với việc tha thứ.

Tịnh Hóa Những Tác Động Tiêu Cực Trong Bản Thân Mình

Ngoài việc thừa nhận, chấp nhận và buông bỏ những ảnh hưởng tiêu cực mà mình đã tiếp nhận, ta có thể áp dụng phương pháp tịnh hóa của đạo Phật. Vấn đề chính mà mình phải đương đầu với những ảnh hưởng tiêu cực này là việc biểu lộ chúng, như tánh nóng nảy. Quá trình tịnh hóa là như thế này:

  • Trước tiên, ta thừa nhận vấn đề là gì, đó là tính tiêu cực của mình.
  • Sau đó, ta cảm thấy hối hận, điều đó không giống như cảm giác tội lỗi. Cảm giác tội lỗi là cảm thấy bản thân mình tệ hại, và không để cảm giác này trôi qua, trong khi hối hận là đơn thuần ước gì mình chưa hề tạo tác hành động nào đó.
  • Sau đó, ta sẽ quyết định cố gắng không lặp lại những gì mình đã làm.
  • Sau đó, ta sẽ tái khẳng định phương hướng mà mình muốn noi theo trong đời sống, đó là hướng tới hạnh phúc bằng cách khắc phục những khiếm khuyết. Trong bối cảnh Phật giáo thì điều này sẽ tái khẳng định chủ ý của mình, để đạt giải thoát và giác ngộ.
  • Rồi thì ta cố gắng chống lại xung động tiêu cực bằng cách nhấn mạnh những xung động tích cực của mình. Càng quen thuộc với những phẩm chất tích cực thì chúng sẽ càng xuất hiện nhanh hơn trong tâm mình, thay vì những xung động tiêu cực, khi mình ở trong tình huống khó khăn.

Tuy quá trình tịnh hóa này xuất phát từ bối cảnh Phật giáo, nhưng nó không cần phải gắn liền với đạo Phật để có hiệu quả.

Nếu mình đã tiếp nhận những ảnh hưởng tiêu cực vô cùng nghiêm trọng, chẳng hạn như từ những tình huống liên quan đến việc hành hạ thể xác hay lạm dụng tình dục, v.v..., thì những phương pháp mà chúng ta đã thảo luận sẽ không phù hợp. Cần có những phương pháp trị liệu khác để đối phó với những tình huống cực đoan.

Nói chung, các phương pháp được đề xuất trong đạo Phật không thật sự phù hợp với những người bị rối loạn cảm xúc một cách nghiêm trọng. Bạn phải có tinh thần khá ổn định để áp dụng những phương pháp này, trong hay ngoài bối cảnh của đạo Phật. Với phương pháp này thì bạn đang khơi lại những ký ức cũ, là điều có thể quá thảm khốc đối với những người có tinh thần rất bất ổn. Không nên nghĩ rằng phương pháp của nhà Phật có thể được sử dụng trong mọi tình huống, cho bất cứ ai.

Các Phương Pháp Để Sử Dụng Đối Với Những Sự Xung Đột Ở Quy Mô Lớn

Nếu đang nói về một xã hội có sự xung đột thì hiển nhiên, điều này khá khó khăn. Các phương pháp nhà Phật cần được áp dụng một cách riêng lẻ, và cách duy nhất để làm việc trên quy mô lớn hơn có lẽ là qua hệ thống giáo dục, bằng cách trình bày một cái nhìn khách quan, quân bình hơn về lịch sử, xã hội, v.v...

Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh rằng việc đưa một số giá trị đạo đức vào nền giáo dục cơ bản cho trẻ em là điều rất hữu ích. Đây sẽ là đạo đức thế tục, tôn trọng tất cả các tôn giáo, nhưng không dựa trên bất kỳ tôn giáo nào. Đó phải là đạo đức hoàn toàn dựa trên sinh học, theo cách là mọi người đều phản ứng một cách tích cực đối với tình thương - yếu tố cơ bản mà bạn có giữa mẹ và con. Trên cơ sở này, bạn sẽ nhận thức tất cả mọi người như một con người, những người muốn được hạnh phúc, thích được đối xử một cách tử tế. Đối với điều này thì tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Bạn sẽ học cách phân biệt giữa một người và hành động, hay cách cư xử của họ. Mình có thể không chấp nhận hành vi của họ, nhưng không có nghĩa là không thể chấp nhận người đó. Người đó vẫn là một con người. Nếu con bạn nghịch ngợm thì bạn không đồng ý với hành vi của nó, nhưng không phải vì vậy mà bạn không thương con nữa. Đây là điều có thể được hướng đến tất cả mọi người. Cách suy nghĩ này sẽ giúp ích ở quy mô lớn hơn, nhưng rõ ràng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Thực Tập Những Phương Pháp Này Trong Nhóm, Hay Trong Một Gia Đình

Các phương pháp mà chúng tôi giới thiệu ở đây có thể được thực hiện riêng lẻ, hay trong một nhóm. Ưu điểm của việc thực hành chúng trong một nhóm là điều này sẽ đem lại ý thức kỷ luật, và mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình, nếu họ cảm thấy có một không gian an toàn, nơi mà người khác sẽ không phán xét hay chế nhạo họ, điều đó cần phải có một quy luật chung. Người trưởng nhóm cần phải có kỹ năng để tạo ra không gian an toàn đó.

Nếu nhóm người đang thực hành các phương pháp này là một gia đình trong trị liệu gia đình, thì hoàn cảnh trị liệu sẽ tạo ra không gian an toàn. Sau đó, nếu mỗi người có thể lắng nghe các thành viên khác trong gia đình nói về những điều tích cực mà họ đã học hỏi được và tiếp nhận từ mọi người, thì tôi nghĩ điều này có thể rất hữu ích. Đặc biệt là nếu bạn có những thanh thiếu niên nổi loạn và cha mẹ có ấn tượng rằng “Chúng không chấp nhận tất cả những gì tôi làm, và chúng ghét tôi, và chỉ muốn bỏ đi. Chúng xấu hổ về tôi”, và vân vân, có thể là điều sẽ hàn gắn hai bên, nếu thiếu niên đó cởi mở và thừa nhận rằng họ thích thú, ngưỡng mộ và đã học hỏi được một vài điều từ cha mẹ họ. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra về phía cha mẹ, đối với những điều mà họ ngưỡng mộ ở con cái họ. Không phải là chúng luôn luôn không hài lòng với cha mẹ.

Sau đó, nhà trị liệu cần tạo ra không gian mà mỗi thành viên trong gia đình có thể phân tích, chiêm nghiệm và suy nghĩ về những phẩm chất tích cực của mỗi một thành viên khác trong gia đình mà họ đã có được lợi lạc từ những phẩm chất ấy, mà họ đã ngưỡng mộ và cảm thấy tích cực đối với chúng. Hiển nhiên, điều đó sẽ trở thành một sự hỗ trợ để nghĩ về những khó khăn trong gia đình.

Thời Điểm Mà Ta Đã Khắc Phục Những Ảnh Hưởng Khó Khăn Trong Đời Sống

Nếu có một tác động đặc biệt tiêu cực trong cuộc sống, đã thật sự ảnh hưởng đến mình một cách tệ hại thì ta sẽ vượt qua nó, khi mình đạt đến trạng thái có thể gọi là “bình đẳng”. Đây là một tâm trạng không ác cảm, không luyến ái, cũng không dửng dưng. Ta không giận dữ về điều đó, hay liên tục suy nghĩ và ôm ấp nó, cũng không hoàn toàn bỏ mặc nó.

Khi có thể hoàn toàn cởi mở và thoải mái về ảnh hưởng tiêu cực này thì hãy nghĩ rằng nó chỉ đơn giản là một phần trong lịch sử của mình, giống như bất cứ điều gì khác, và đó là điều khó khăn, nhưng ai cũng có những thời điểm khó khăn, nên không cần phải chú tâm vào nó nữa. Một số người có thể mô tả điều này như sự chấp nhận.

Tóm Tắt

Kể từ khi mình mới sinh ra thì tất cả chúng ta đều đã chịu những tác động tiêu cực. Đó là chuyện bình thường, bởi vì con người không hoàn hảo. Tuy phải thừa nhận những tác động này, nhưng không cần phải ray rứt về chúng, bởi vì nói một cách đơn giản thì điều đó sẽ không đem lại lợi ích gì cho mình. Thay vì vậy, ta có thể phân tích và thấy những tác động vô cùng tích cực mà mình đã tiếp nhận từ cha mẹ, từ văn hóa, xã hội và trường học, v.v..., để tạo cho mình một cái nhìn trọn vẹn hơn về bản thân. Khi thấy được những điều mình sở hữu thì ở một mức độ nào đó, bản thân ta có những phẩm chất tốt này, thì mình sẽ thấy tự tin, nhờ đó mà có thể cố gắng cải thiện và phát triển chúng, không chỉ cho bản thân mà còn mang lại lợi ích tối đa cho tha nhân.

Top