Bồ Đề Tâm Và Bồ Tát Hạnh

Kệ Số 10 - 17

Bình Luận Ngắn

Sau khi bắt đầu với lòng tôn kính và lời nguyện sáng tác, Togme Zangpo đã nói về các giai đoạn động lực, lam-rim, khởi đầu với kiếp người quý báu, và hoàn cảnh thuận lợi nhất để tận dụng nó. Chúng ta đã học hỏi việc rời khỏi quê hương và sống ẩn dật là điều tốt.

Sau đó là nhớ đến cái chết và vô thường, và kiếp người quý báu này sẽ không kéo dài mãi mãi, có nghĩa là đối với việc tận dụng nó thì ta không có thời giờ để lãng phí. Nó không có nghĩa là mình sẽ trở thành những kẻ cuồng tín, với một trong những công án Zen mà tôi yêu thích nhất, có rất nhiều ý nghĩa, “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy thư giãn.”. Để có thể tận dụng kiếp sống này thì nên giữ một khoảng cách với những người bạn xấu, và nên nương tựa vào những thiện tri thức, và bậc thầy hội đủ trình độ.

Chúng ta thấy rằng phương hướng an toàn, hay quy y, là nền tảng cho toàn bộ đường tu nhà Phật. Chúng ta sẽ đưa một phương hướng đã được Pháp chỉ định vào đời sống, điều này sẽ đưa ta đến những chân diệt và chân đạo mà Tăng đoàn Thánh nhân đã đạt được một phần, và chư Phật đã thành tựu đầy đủ. Đây là phương hướng mà mình muốn hướng đến.

Xét về mức độ động lực sơ căn thì chúng ta sẽ nhắm vào tái sinh ở một trong những cõi tốt đẹp hơn, nhưng đặc biệt là tái sinh quý giá làm người. Đây là bước đệm do Tam Bảo nêu ra, giúp mình tiếp tục hướng về giải thoát và giác ngộ. Phải kềm chế ác hạnh, để đảm bảo mình sẽ không có những tái sinh tồi tệ hơn trong những kiếp tương lai.

Với động lực của phạm vi trung căn thì mình sẽ tu tập để giải thoát khỏi luân hồi. Cho dù mình có loại tái sinh nào, nếu như nó bị nghiệp và phiền não khống chế, và nếu như mỗi một sát na của nó đầy dẫy vô minh và nghiệp, thì nó chỉ sẽ tạo ra thêm nỗi khổ. Đây là những gì chúng ta đã đề cập đến từ đầu cho đến nay.

Phát Bồ Đề Tâm

Bây giờ thì mình sẽ tiếp tục với động lực của mức độ thượng căn, đó là hướng đến bồ đề tâm để giác ngộ viên mãn.

(10) Pháp tu Bồ tát là phát bồ đề tâm để giải thoát vô lượng chúng sinh, vì nếu những bà mẹ đã từng tử tế với mình từ vô thỉ đang chịu khổ đau, thì ta có thể làm gì với hạnh phúc của chỉ riêng mình? 

Nói một cách chính xác thì bồ đề tâm là gì? Bồ đề tâm là một tâm trạng được khơi dậy nhờ lòng từ, lòng bi và quyết tâm phi thường. Lòng từ là ước nguyện cho tất cả mọi người, và điều này có nghĩa là tuyệt đối tất cả mọi người, không chỉ những người mình ưa thích hay gần gũi, được hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc. Lòng bi mẫn là ước nguyện cho tất cả mọi người thoát khổ, và không chỉ là nỗi khổ thông thường, mà là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi của luân hồi, và nhân tạo ra nỗi khổ này. Điều này cũng bao gồm việc gánh lấy trách nhiệm để giúp đỡ tha nhân khắc phục nỗi khổ của họ, nhưng đối với điều này thì cần có bước tiếp theo, đó là quyết phi thường. Quyết tâm phi thường có nghĩa là mình sẽ nhất quyết gánh lấy trách nhiệm để giúp họ, không chỉ trên cơ sở tạm thời, mà là suốt cả đường tu đến giác ngộ. Dựa trên tất cả những điều này mà ta sẽ có bồ đề tâm.

Trong giai đoạn đầu tiên của bồ đề tâm thì mình sẽ tập trung vào tất cả chúng sinh, với chủ ý thành tựu giác ngộ, để giúp họ cũng lần lượt đạt được giác ngộ. Sau đó, giai đoạn chính của bồ đề tâm là tập trung vào giác ngộ cá nhân chưa xảy ra của mình. Chúng ta có thể quy gán hay suy diễn về giác ngộ cá nhân chưa xảy ra của mình, trên cơ sở của những nguyên nhân đang xảy ra trong hiện tại, giống như mình có thể quy gán về những bông hoa chưa nở, dựa trên cơ sở của hạt giống trong hiện tại. Nếu như tất cả nhân duyên để phát triển nó có mặt ở đó, thì hoa sẽ nở ngay trong hiện tại. Ta sẽ có một bông hoa hiện đang nở rộ, và không còn có một bông hoa chưa nở. Tương tự như vậy, nếu như mình khổ công tu tập, và thêm vào đó, còn có những trợ duyên để đạt giác ngộ, thì sự giác ngộ chưa xảy ra của mình sẽ không thể được quy gán trên dòng tâm thức của mình nữa, mà thay vì vậy thì ta sẽ có được nó ngay trong hiện tại.

Tất nhiên là những điều tôi vừa giải thích thì khá phức tạp và tinh tế, nên chúng ta phải chính xác 100% về thuật ngữ. Mặt khác thì rất khó biết mình phải làm gì, khi đang chú tâm vào bồ đề tâm. Chúng ta đang tập trung vào cái gì? Điều gì xuất hiện trong tâm ta? Đó là giác ngộ cá nhân của riêng mình. Nhưng điều đó chưa xảy ra, vậy thì liệu nó có nghĩa là điều này không tồn tại, nên mình đang tập trung vào điều gì không tồn tại? Điều này trở thành một câu hỏi rất rắc rối, và trừ khi mình biết phải tập trung vào điều gì, còn không thì rất khó phát bồ đề tâm. Giống như ngày mai thì sự giác ngộ của mình chưa xảy ra, nhưng nó có thể xảy ra, và ta có thể tập trung tâm ý vào đó, rồi lập kế hoạch. Tại sao nó có thể xảy ra? Nó có thể xảy ra, vì chúng ta có Phật tánh.

Điểm mấu chốt ở đây là mình không nhắm đến sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bởi vì đó là sự giác ngộ của Ngài. Nói chung thì mình không nhắm đến giác ngộ như thể nó là một chiếc bong bóng lớn bay trên bầu trời, và tất cả chúng ta đều nhắm đến điều tương tự ở ngoài kia. Không phải như vậy. Đó là giác ngộ cá nhân của mình. Chúng ta sẽ tập trung vào Phật tánh của mình, và trên cơ sở đó, có thể cho rằng điều đó chưa xảy ra đối với giác ngộ cá nhân của mình.

Chúng ta có thể đại diện cho điều này bằng hình ảnh của một vị Phật, nhưng phải biết hình ảnh đó đại diện cho cái gì. Việc chú trọng vào giác ngộ chưa xảy ra của riêng mình đi kèm với hai chủ ý. Đó là chủ ý để thành tựu giác ngộ, và chủ ý giúp tất cả chúng sinh khác thành tựu giác ngộ, bằng cách tự mình đạt giác ngộ. Ngày nay, tôi  dịch nó là “mục tiêu bồ đề tâm”, vì nó là điều mà mình luôn luôn nhắm tới. Đó là mục tiêu của mình trong cuộc sống, để đạt giác ngộ, để có thể tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh theo cách có ý nghĩa nhất, bằng cách giúp họ cũng đạt được giác ngộ.

Khi có bồ đề tâm một cách trọn vẹn, thì nó trở thành điều gọi là “bất dụng công”, có nghĩa là mình không phải đi qua tất cả những bước để tạo dựng, hay phát khởi nó. Nói cách khá thì chỉ trong tích tắc là mình có bồ đề tâm đầy đủ, dứt khoát, và cả ngày lẫn đêm. Dù cho mình có ý thức về mục tiêu đó hay không thì không quan trọng. Tất cả mọi việc trong đời sống của mình, tất cả mọi thứ mà chúng ta đang làm, ngay cả khi mình đang ngủ, đều nhắm vào việc đạt được giác ngộ.

Chủ ý của chúng ta là hoạt động vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, mỗi một chúng sinh, và nhắm vào việc đưa họ đến trạng thái toàn tri cao nhất, phát triển một cách toàn diện nhất. Đây là một tâm trạng rộng lớn và vô cùng bao la, khó mà tin được. Đó là ý nghĩa của Đại thừa, một cỗ xe vĩ đại của tâm thức. Đó là tâm thức sẽ hoạt động như một cỗ xe, để đưa ta đến mục tiêu cao cả nhất. Điều mà mình đang nhắm đến là có lý tưởng chủ yếu này trong đời sống, trong dòng tâm thức của mình, dù cho mình có nhận thức được điều đó hay không, thì đó là mục tiêu của mình trong cuộc sống.

Togme Zangpo đưa ra một số chỉ dẫn trong câu kệ này về cách phát bồ đề tâm. Ngài đề cập đến việc giải thoát vô lượng chúng sinh, những người mẹ của mình. Ngài nói rằng: vì nếu những bà mẹ đã từng tử tế với mình từ vô thỉ đang đau khổ, thì ta có thể làm gì với hạnh phúc của chỉ riêng mình? Điều này cho thấy phương pháp bảy điểm nhân quả để phát bồ đề tâm.

Trước tiên thì phải phát tâm bình đẳng, để không luyến ái một số người, và có ác cảm với những người khác, và thờ ơ với những người còn lại. Chúng ta sẽ cởi mở với tất cả mọi người, và điều đó rất quan trọng, khi nghĩ về lòng từ và lòng bi theo nghĩa Đại thừa. Hãy nhớ rằng chúng ta không nói về lòng từ bi đối với những người mà mình yêu thích, bởi vì đó không phải là lòng từ bi của Đại thừa. Cần phải có “tâm đại từ” và “đại bi” đồng đều cho tất cả chúng sinh. Hiển nhiên là rất khó để có được điều này, đặc biệt là khi một số chúng sinh hiện đang tái sinh thành muỗi. Điều đó đòi hỏi mình phải thấu hiểu tái sinh. Không có ai tồn tại một cách chân thật trong một dạng sống mà họ đang biểu hiện. Tất cả chúng sinh là một dòng tâm thức cá nhân đang trải qua vô hạn tái sinh, trên cơ sở nghiệp lực mà chúng sinh này đã tích tập.

Mỗi một dòng tâm thức trong số những dòng tâm thức này, hay đúng hơn là mỗi một chúng sinh trong số này, đã từng là mẹ của mình trong kiếp này hay kiếp khác, đó là lý do mà Togme Zangpo gọi họ là “những bà mẹ của mình”. Đó là vì có vô lượng lần, và con số chúng sinh thì có hạn. Nếu như nghĩ về điều đó trong toán học, thì người ta có thể chứng minh rằng nó là như vậy.

Các học sinh của tôi ở Đức đã đưa ra một bằng chứng tuyệt vời theo trường phái Cụ Duyên (Prasangika) về điều này. Trường phái Cụ Duyên đã tranh luận với những kết luận vô lý khác. Tất cả chúng sinh đều là mẹ của tôi, không chỉ vì thời gian thì vô thỉ, và số lượng chúng sinh thì có hạn, mà lý do chánh là vì tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Nếu như một người đã là mẹ của tôi, cụ thể là trong kiếp này, thì có nghĩa là tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ tôi trong một kiếp nào đó, bởi vì tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Nếu như nó không phải là như vậy, thì nếu như một chúng sinh nào chưa bao giờ là mẹ của tôi, thì sẽ không có ai đã từng là mẹ tôi cả, bởi vì tất cả chúng sinh đều bình đẳng với nhau, kể cả người mẹ của tôi trong kiếp này. Đó là một bằng chứng hoàn hảo của trường phái Cụ Duyên, ngay cả khi người Tây Tạng không xem qua một bằng chứng như vậy, nhưng họ cũng chấp nhận nó một cách dễ dàng. Tôi đã đưa bằng chứng này cho vị thầy ở trường biện luận tại Dharamsala, và thầy đồng ý rằng đó là một bằng chứng hợp lệ.

Thật ra điều này rất quan trọng như bước đầu tiên trong pháp tu bảy điểm nhân quả để phát bồ đề tâm: 

(1) Nhận thức rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình – mình phải vững tin về điều đó. Nếu không thì ta chỉ chấp nhận, mà không thật sự hiểu nó, thì điều này sẽ không ổn định. Nếu như một chúng sinh nào chưa từng là mẹ tôi, thì không có ai là mẹ của tôi cả, vì họ đều bình đẳng với nhau. Vậy thì nếu như một chúng sinh đã là mẹ của tôi, thì tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của tôi, bởi vì họ đều bình đẳng với nhau. Đó là điều thú vị, đúng không?

Rồi điểm kế tiếp là:

(2) Nhớ đến lòng nhân từ của mẹ - mức độ tử tế tối thiểu là mẹ của mình đã không phá thai, khi mình còn là bào thai trong bụng mẹ. Do đó, dù cho mối quan hệ giữa mình và mẹ có khó khăn đến đâu thì ít nhất bà cũng có lòng tốt ấy. Đối với hầu hết chúng ta thì mình sẽ không thể sống sót mà không có sự giúp đỡ của mẹ, khi còn là đứa trẻ sơ sinh.

(3) Tri ân lòng tốt ấy - thông thường thì đó là “đền đáp lòng tốt ấy”, nhưng tôi nghĩ nó hơi nặng nề, về mặt cảm giác tội lỗi mà nhiều người phương Tây có. Thuật ngữ này thật ra có nghĩa là “tri ân lòng tốt ấy”, hay “là lòng biết ơn”. Khi mình thật sự cảm kích lòng tốt của mọi người, và thật sự biết ơn điều đó, thì tự nhiên mình sẽ có cái gọi là “lòng từ ấm áp”. Bất cứ khi nào gặp chúng sinh nào, thì nó sẽ khiến cho lòng mình tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, giống như gặp đứa con duy nhất của mình, và sẽ cảm thấy đau lòng, nếu như điều gì không hay xảy ra cho họ.

(4) Phát tâm đại từ - dựa vào lòng từ ấm áp dành cho tất cả chúng sinh, mong muốn tất cả đều có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc.

(5) Phát tâm đại bi – cũng dựa vào lòng từ ấm áp dành cho tất cả chúng sinh, mong muốn tất cả đều thoát khổ và nhân tạo khổ, và sẵn sàng làm điều gì để đem lại điều đó.

(6) Phát khởi quyết tâm phi thường - nhất quyết gánh lấy trách nhiệm để đưa họ đến giác ngộ.

Dựa trên sáu nhân này, thì bước thứ bảy là quả:

(7) Phát bồ đề tâm.

Như Togme Zangpo nói, nếu những bà mẹ của mình đang đau khổ, thì vì chúng ta đều tương quan và liên hệ với tất cả chúng sinh, thì ta có thể làm gì với hạnh phúc của chỉ riêng mình? Cần phải sử dụng niềm hạnh phúc bất diệt của giải thoát và giác ngộ mà mình sẽ đạt được, bằng cách trở thành một vị Phật, để tạo lợi lạc cho người khác, không chỉ thư giãn bên cạnh hồ bơi, uống một ly giải khát lạnh và ngon lành. 

Bình Đẳng Hóa Và Hoán Chuyển Ngã Tha

Trong vần kệ tiếp theo, Togme Zangpo nêu ra một phương pháp lớn khác để phát bồ đề tâm, là bình đẳng hóa, rồi hoán chuyển thái độ của mình về ngã và tha. 

(11) Pháp tu Bồ tát là hoán chuyển hạnh phúc tự thân với khổ đau của tha nhân, vì tất cả khổ đau đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình, trong khi Phật quả toàn giác bắt nguồn từ tâm nguyện vị tha. 

Một lần nữa, trước tiên là phải bình đẳng hóa thái độ của mình đối với mọi người. Điều này dựa trên cùng một loại tâm bình đẳng mà mình đã có trong phương pháp đầu tiên để phát bồ đề tâm, khi mà mình không có tâm luyến ái đối với một số người, và ác cảm hay thờ ơ với những người khác. Tuy nhiên, ở đây, trên cơ sở này thì ta sẽ tiến thêm một bước nữa, đó là bình đẳng hóa ngã và tha. Điều này có nghĩa là mình và người khác đều bình đẳng đối với ước muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều có quyền để có được hạnh phúc ấy, và không phải khổ đau, bất kể mình làm gì. Vậy thì tại sao ta chỉ chăm sóc cho hạnh phúc của chính mình? Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên đưa ra quan điểm như thế này: 

(VIII.95) Khi hạnh phúc là điều mà cả tôi và người khác đều yêu thích như nhau, thì có điều gì rất đặc biệt về bản thân mình, mà tôi chỉ phấn đấu cho hạnh phúc của riêng mình?

(VIII.96) Và khi đau khổ là điều mà cả tôi và người khác đều không thích như nhau, thì có điều gì rất đặc biệt về bản thân mình, đến nỗi tôi chỉ chăm sóc cho bản thân, và không chăm lo cho người khác?

Khi đã bình đẳng hóa tất cả chúng sinh như thế, như Tịch Thiên đã giải thích một cách rất hay ho, thì theo ý nghĩa nào đó, tất cả chúng ta sẽ tạo thành một cơ thể của sự sống, giống như tất cả các bộ phận trong cơ thể của mình tạo thành một thân thể. Ngài đã viết:

(VIII.91) Tuy có nhiều bộ phận như tay chân và vân vân, nhưng cơ thể vẫn được chăm sóc một cách toàn diện. Tương tự như vậy, bất chấp sự khác biệt giữa chúng sinh, nhưng về mặt hạnh phúc và nỗi đau thì họ đều bình đẳng với tôi, về mặt ước mong được hạnh phúc, (nên họ sẽ tạo ra) một tổng thể.

Chúng ta không thể nói rằng một bộ phận của cơ thể đó cần được chăm sóc nhiều hơn bộ phận khác, hay một bộ phận của cơ thể chúng ta không bị đau thì quan trọng hơn là một bộ phận khác không bị đau. Tất cả đều bình đẳng. Do đó, không thể nói rằng một bộ phận của cơ thể, giống như bàn tay, sẽ chỉ chăm sóc cho bàn tay. Nếu như bàn chân bị đau vì gai đâm, thì bàn tay sẽ giúp nó ngay lập tức, mà không cần suy nghĩ, bằng cách lấy gai ra. Lý luận tương tự như vậy cũng áp dụng cho lý do tại sao mình nên chăm sóc người khác. Ngài Tịch Thiên đã đóng khung điều này theo cách này:

(VIII.99) Nếu bất cứ người nào khổ đau phải tự chăm sóc cho bản thân họ, thì vì nỗi khổ của chân không phải là nỗi khổ của tay, tại sao chân phải được tay chăm sóc?

(VIII.100) Nếu như trường hợp (bỏ mặc) nó là phi lý, vậy thì nó đã thực hiện theo ý nghĩa từ một bản ngã (tổng thể); thì chắc chắn những điều bất hợp lý về (tổng thể được hình thành bằng) tôi và những người khác, phải được bác bỏ càng nhiều càng tốt.

Toàn bộ vấn đề ở đây thật ra là về cơ sở định danh “tôi”. Chúng ta định danh “tôi” chỉ dựa trên cơ sở bàn tay của mình, hay trên cơ sở của toàn bộ cơ thể của mình? Có phải chúng ta đang định danh “tôi” chỉ dựa trên cơ sở con người của mình, hay có thể định danh cho nó trên cơ sở của bất cứ ai và tất cả mọi người? Như Tịch Thiên đã nói:

(VIII.92) Tuy nỗi đau của tôi không làm tổn thương cơ thể người khác, nhưng giống như vậy, nỗi đau của một cái “tôi” thì không chịu đựng được, vì bám chấp vào một cái “tôi”.

(VIII.93) Tương tự như vậy, dù nỗi đau của người khác không xảy ra cho tôi, nhưng giống như vậy, nỗi đau của một cái “tôi” cũng khó chịu đựng được, vì bám chấp vào một cái “tôi”.

Như ngài Tịch Thiên giải thích, vào lúc mình đặt khái niệm “tôi” trên nền tảng của những bộ phận từ những cơ thể khác, điều đã phát triển từ tinh trùng và trứng của hai người khác. Nó không phải là từ tinh trùng hay trứng của mình, đúng không?! Về cơ bản thì chúng ta đang chăm sóc thứ gì xuất phát từ thân thể của những người khác, vậy thì có sự khác biệt gì giữa điều này, và việc chăm sóc thân thể của bất cứ ai khác, đã bắt nguồn từ cơ thể của những người khác? Đâu là sự khác biệt giữa việc lau mũi mình bằng tay của mình, và chùi mũi cho con mình bằng tay của mình? Chúng ta sẵn sàng làm cả hai, nếu như cần thiết. Việc này khác với việc lau mũi của người say rượu nằm trên đường như thế nào? Ngài Tịch Thiên nói theo cách này:

(VIII.111) Cũng giống như vì quen thuộc mà có một sự hiểu biết về một cái “tôi”, về những giọt tinh dịch và máu thuộc về người khác, dù nó không tồn tại như “cái gì đó”, (VIII.112) Tại sao tôi không thể xem thân thể của người khác như “tôi”? (Rốt cuộc) thì không khó để thiết lập nó, theo cách tương tự, như không khác gì là cơ thể “của tôi”.

Như ngài Tịch Thiên nói, đau khổ phải được đoạn trừ, không phải vì nó là nỗi khổ của tôi, hay nỗi khổ của bạn. Đau khổ phải được đoạn trừ, đơn giản bởi vì nó là đau khổ, và nó đau đớn. Tịch Thiên nói rằng đau khổ không có sở hữu chủ. Cũng giống như chúng ta có thể chăm sóc cho “tôi”, trên cơ sở của thân thể duy nhất này, thì tương tự như vậy, cũng có thể chăm sóc cho “tôi”, trên cơ sở của thân thể của mọi người.

(VIII.102) Vì không có sở hữu chủ, nên tất cả khổ đau đều thiếu sự phân biệt: vậy thì (đơn giản) vì chúng là khổ đau, nên chúng phải bị ngăn chận. Tại sao lại có sự (hạn chế) cố định ở đây?

(VIII.94) Vì vậy, nỗi đau của người khác là điều mà tôi phải đoạn trừ, bởi vì (bản tánh) của nó là đau đớn, giống như nỗi đau của một cái “tôi”, và tha nhân là những chúng sinh phải được tôi giúp đỡ, vì (bản tánh) của họ là hữu tình, giống như cơ thể của một cái “tôi”.

Khi thực hành Tonglen, cho và nhận, được nêu ra trong bản văn, trong cụm từ hoán chuyển hạnh phúc tự thân với khổ đau của tha nhân, điều này có nghĩa là nhận lấy khổ đau của họ, như thể nó là của mình, và trao tặng hạnh phúc của mình, như thể mình đang trao hạnh phúc cho bản thân. Nếu như không hiểu được Không tướng (tánh Không) và sự định danh của một cái “tôi” quy ước, trong bối cảnh thực hành này, thì mình sẽ có nhiều vấn đề. Vấn đề mà mình sẽ có là gì? Đó là rắc rối của việc toàn bộ pháp tu này được dựa trên quan niệm sai lầm rằng mình là một “cái tôi” vững chắc, độc lập, thật sự được thành lập. Nếu như hiểu như vậy thì ta sẽ phải chịu đựng mặc cảm tử vì đạo, vì phải làm người gánh lấy khổ đau của cả vũ trụ, như trong, “Tôi sẽ cứu rỗi tất cả chúng sinh”, và điều này có thể tạo ra nỗi sợ hãi lớn, bởi vì mình cũng nghĩ rằng, “chắc chắn là tôi không muốn cảm nhận nỗi đau mà bạn cảm nhận, vì bạn đang hấp hối vì ung thư.”. Trong trường hợp này thì chúng ta đang nghĩ về một “cái tôi” rất vững chắc, tách rời với người khác, và chắc chắn là không muốn gánh lấy khổ đau của một người nào đang hấp hối. Nhưng nếu như hiểu được tánh Không của “cái tôi”, và nghĩ về khía cạnh của “cái tôi” quy ước được mở rộng trên cơ sở của tất cả mọi người, thì toàn bộ việc hoán chuyển ngã tha sẽ trở nên khá đơn giản và rất hợp lý. Nó chỉ đáng sợ, khi mình nghĩ về một “cái tôi” vững chắc. Đây là một điểm rất quan trọng về pháp tu bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha.

Tại sao mình muốn nghĩ đến tha nhân và hạnh phúc của họ, mà không chỉ nghĩ về tự thân và hạnh phúc của mình? Togme Zangpo nói rằng đó là vì tất cả khổ đau đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình. Khi tạo ác nghiệp thì thật ra mình làm điều đó chỉ vì muốn có được hạnh phúc cho riêng mình. Ví dụ như: “Tôi không thích con bọ cánh cứng này. Tôi sợ nó và muốn được vui vẻ, khi không có nó ở đây. Đó là một dạng sinh tồn không thể chấp nhận được.”. Vì vậy nên mình quyết định giết nó, vì tư tưởng ích kỷ về lợi ích của riêng mình. Một ví dụ khác của việc chỉ nghĩ cho hạnh phúc cá nhân là: “Tôi muốn có những gì người khác có”, nên mình ăn cắp nó. Chúng ta muốn hạnh phúc cho riêng mình, nên sẽ ăn nằm với bạn đời của người khác. Chúng ta muốn sự việc xảy ra theo ý mình, nên mới nói dối. Như vậy thì ta có thể nói về mỗi một hành động trong thập ác. Việc nhận diện cách chúng phát sinh, dựa trên mong muốn chỉ vì hạnh phúc của riêng mình, và không quan tâm đến ai khác thì không quá khó khăn.

Ngay cả khi mình hành động một cách thiện hảo, nhưng nếu như dựa vào ý nghĩ về hạnh phúc của riêng mình, thì nó cũng chỉ khiến cho vòng luân hồi tồn tại mãi mãi. Chẳng hạn như “Tôi tốt với bạn vì muốn bạn yêu thích tôi”, “Tôi muốn cảm thấy hữu dụng, và được người khác cần” vân vân. Điều đó cũng đơn giản là nghĩ về hạnh phúc của riêng mình. Theo thuật ngữ đạo Phật thì chúng ta gọi đây là “thái độ ái ngã”.

Dòng này giải thích rằng Phật quả toàn giác bắt nguồn từ tâm nguyện vị tha. Nếu như mình kềm chế hành động tiêu cực như giết hại con bọ cánh cứng đó, thì đó là vì ta nghĩ đến hạnh phúc của nó. Nếu như mình kềm chế được việc ăn cắp món gì từ người khác, thì đó là vì mình nghĩ đến hạnh phúc của họ, chứ không phải của mình. Tương tự như vậy, ta có thể liệt kê hết thập thiện. Tất cả đều dựa vào việc nghĩ về hạnh phúc của người khác, không phải của mình, và từ đó, chúng ta sẽ tiến đến bồ đề tâm. Làm thế nào để người nào trở thành một vị Phật? Đó là nhờ bồ đề tâm. Bồ đề tâm dựa vào việc nghĩ đến tha nhân.

Để ôn lại hai phương pháp phát bồ đề tâm thì hệ thống bảy điểm nhân quả vận hành theo cách xem mọi người là mẹ của mình, rồi thì có pháp tu bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha. Một khi đã phát bồ đề tâm trên cơ sở của hai phương pháp này để phát khởi nó, thì đó là thành tựu của bồ đề tâm nguyện. Chúng ta sẽ có nguyện vọng để đạt giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Thêm vào đó, ta sẽ tiếp tục với bồ đề tâm hành, khi mà mình thọ bồ tát giới, và thật sự dấn thân vào hành vi sẽ đưa ta đến giác ngộ.

Bồ Tát Hạnh: Đối Phó Với Sự Hãm Hại

Bồ tát hạnh bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là cách mình đương đầu với sự hãm hại từ người khác. Cách cơ bản được Togmey Zangpo mô tả, để đối phó với hãm hại và khó khăn là Tonglen, cho và nhận. Đây là một trong những cách cơ bản nhất để chuyển hóa hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực, và là một chủ đề được thảo luận rộng rãi trong các tác phẩm luyện tâm (lojong). Hãy nhớ rằng Togme Zangpo đã viết một bài luận giải về Luyện Tâm Thất Điểm của Geshe Chaykawa, nên ta sẽ thấy có nhiều điểm ở đây không chỉ tương tự với tác phẩm ấy, mà còn tương tự như tác phẩm Bát Đoạn Luyện Tâm của Langri Tangpa, là bản văn mà bảy điểm này dựa vào.

(12) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ vì lòng tham khôn cùng, trộm cắp hay xúi dục người khác cướp đoạt toàn bộ tài sản của mình, hãy dâng hiến cho họ thân thể, của cải và công đức trong ba thời của mình. 

Nếu như mình thật sự hướng về bồ đề tâm, để đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ, trạng thái cao nhất, và hoàn toàn sẵn sàng trao cho họ niềm hạnh phúc ấy, theo một nghĩa nào đó thì mình đã trao tặng nó cho họ. Chúng ta có thể không thật sự làm điều đó về mặt thể chất, nhưng trong lòng thì đã trao cho họ mọi thứ mà mình có thể cho đi. Do đó, nếu như họ ăn cắp món gì của mình, hay xúi dục người khác cướp đoạt tài sản của mình, như Togmey Zangpo, vì lòng tham khôn cùng, thì họ đã lấy đi những thứ đã thuộc về họ rồi.

Tịch Thiên đã nói điều gì khá giống như vậy, khi ngài nói rằng:

(III.12ab) Khi đã trao tặng thân này cho chúng sinh có thân thể hạn hẹp, thì hãy để họ làm gì tùy ý, (III.14ab) Hãy để cho họ làm bất cứ điều gì với cơ thể (của tôi), miễn là điều đó không gây hại cho họ;

Vậy thì nếu như họ lấy món gì của mình thì cũng tốt thôi, vì về mặt tinh thần thì mình đã trao tặng nó cho họ. Ta sẽ dâng hiến tất cả những thứ khác cho họ luôn. Tất nhiên, như Togme Zangpo nói, hãy dâng hiến cho họ thân thể, của cải và công đức trong ba thời của mình. Ở đây, “dâng hiến” có nghĩa là, ví dụ như mình nghĩ rằng, “Bạn đã ăn cắp tiền, hay đã lấy máy vi tính của tôi”, hay bất cứ món gì, “Tôi hy vọng bạn sẽ tận hưởng nó. Tôi muốn bạn hạnh phúc, nên hy vọng bạn sẽ có được hạnh phúc từ những điều này.”. Tôi sẽ nhận lấy bất cứ hậu quả khổ đau nào có thể xuất phát từ hành động này của bạn, và chỉ trao trả cho bạn hạnh phúc mà thôi.

Một lần nữa, chúng ta được nhắc nhở về những điều Togme Zangpo đã nói trước đây, rằng tất cả những bất hạnh và đau khổ đều xuất phát từ việc nghĩ cho riêng mình, và tất cả hạnh phúc đều bắt nguồn từ việc nghĩ đến hạnh phúc của tha nhân. Khi sống ở Dharamsala, Ấn Độ thì tôi có một vườn hoa, và một ngày nọ, những đứa trẻ trong vùng đã hái hết hoa trong vườn. Là một chúng sinh trong luân hồi thì tôi hơi tức giận, và muốn la hét để đuổi mấy đứa nhỏ đi. Nhưng rồi tôi đã cố nhớ lại lời khuyên này, rằng nếu như mình đang hành trì tất cả những pháp thiền và pháp tu như là “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, nguyện cho tất chúng sinh đạt giác ngộ”, và đồng thời lại bắt bẻ họ về việc lấy vài bông hoa, thì đó là điều hoàn toàn lố bịch. Việc bực bội và không vui về việc người khác hái hoa hoàn toàn dựa trên ý tưởng chỉ vì mình. Chúng là những bông hoa của tôi, và tôi muốn tận hưởng việc nhìn thấy chúng. Nhưng khi tôi nghĩ về mặt “Nguyện cho bạn tận hưởng những bông hoa này”, thì đó là việc nghĩ đến hạnh phúc của người khác, và sẽ đem lại tâm an lạc.

Hãy nhớ điểm bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha: Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa việc tôi tận hưởng bông hoa và họ tận hưởng nó? Nên ta sẽ dâng hiến cho họ nhiều hạnh phúc hơn từ thân thể, của cải và công đức trong ba thời, quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tất cả những câu kệ này nói về sự hãm hại của người khác, đều nhằm giúp mình không sân hận. Một vị Bồ tát sẽ không sân hận với bất cứ ai, bởi vì trên cơ bản thì tâm sân là mong muốn người kia bất hạnh. Mình muốn diệt trừ họ, và ngăn chận bất cứ điều gì họ đang làm. Rõ ràng là việc mong muốn người nào gặp bất hạnh là đối nghịch với việc muốn cho họ hạnh phúc, đúng không? Như vậy, như người ta nói thì tâm sân sẽ phá hủy công đức mà mình đã tích tập bằng tất cả các thiện hạnh khác. “Phá hủy” có nghĩa là nó làm cho công đức của mình rất yếu ớt, nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để chín, và kết quả mà nó mang lại sẽ nhỏ hơn. Chúng ta phải phát tâm nhẫn nhục. Với hạnh nhẫn thì mình sẽ không giận dữ, và một trong những cách tốt nhất để làm điều này là Tonglen, cho và nhận.

(13) Pháp tu Bồ tát là dù sắp bị kẻ khác chặt đầu, trong khi mình vô tội, hãy nhận lấy hậu quả xấu của họ cho mình, bằng mãnh lực của lòng bi mẫn. 

Điều này nói về một ví dụ rất cực đoan về việc người nào chặt đầu mình, nhưng điều mà ta phải hiểu từ ví dụ này là nếu như có ai hãm hại mình một cách trầm trọng, và ngay cả khi đó không phải là lỗi của mình, thì ta vẫn không sân hận. Thay vì vậy thì ta sẽ cố hành trì Tonglen, nghĩ về tất cả những hậu quả tiêu cực và đau khổ mà người này sẽ trải qua, vì kết quả của việc chặt đầu mình, hay bất cứ điều gì họ đã làm để hại mình. Chúng ta sẽ thực hành Tonglen để nhận lãnh những hậu quả đó cho chính mình, bằng sức mạnh của lòng bi mẫn, mong muốn cho họ thoát khổ hoàn toàn.

Rất thú vị khi nhìn vào giáo lý về nghiệp, về mặt các yếu tố giúp cho việc trổ quả của nó mạnh mẽ hơn. Có một danh sách trong giáo lý nói về những điều làm cho hậu quả nặng nề hơn. “Nặng nề hơn” là một thuật ngữ theo nghĩa đen, và một trong những điều được liệt kê này đề cập đến mức độ đau khổ mà ác nghiệp của mình đã tạo ra cho đối tượng. Nếu như nó tạo ra nhiều khổ đau, thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Nếu như nó không gây ra quá nhiều đau khổ, thì hậu quả sẽ nhẹ hơn. Các ví dụ thường được nêu ra là sự khác biệt giữa việc tra tấn ai từ từ cho đến khi họ chết, và giết chết họ một cách nhanh chóng, ngay lập tức.

Sử dụng ví dụ về việc “chặt đầu mình”, nếu như người nào sẽ xử tử mình, bắn mình trong một cuộc chiến giữa các sắc tộc, hay điều gì tương tự như vậy, và nếu như mình sân hận và đau khổ nhiều vì vậy, thì hậu quả xảy ra cho người kia sẽ nặng nề hơn nhiều. Nếu như bị họ chặt đầu, thì mình sẽ chết khá nhanh. Nhưng quay trở lại vần kệ trước đó, khi mà có ai ăn cắp món gì của mình, thì ta sẽ tức giận và thù hận, sẽ đau khổ và nghĩ về nó trong một thời gian thật dài. Chúng ta có thể dự tính làm sao để trả thù người đó, với tất cả những phiền não này, kết quả là mình không chỉ khổ tâm nhiều hơn trong hiện tại và tương lai, mà nghiệp quả của người kia cũng sẽ nặng nề hơn. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như mình không tức giận? Thay vì vậy, nếu như mình nghĩ về người kia với lòng bi mẫn, thì sẽ muốn cho hậu quả từ hành vi của họ trở nên nhẹ nhàng hơn càng nhiều càng tốt. Vì lòng bi mẫn của mình đối với họ, nên toàn bộ tình huống sẽ thay đổi, không chỉ đối với mình, mà còn đối với người kia nữa.

Đây là lý do tại sao nó rất quan trọng, khi có ai làm điều gì tiêu cực với mình, thì ta sẽ bỏ qua. Chẳng hạn như có thể có người vay tiền của mình, rồi không trả lại thì cũng được thôi, vì có một số tình huống mà người ta không bao giờ trả lại tiền cho mình. Hãy bỏ qua! Điều này hoàn toàn khác với khái niệm tha thứ của Tây phương, thường ngụ ý một sự tự tôn, một loại thái độ như là, “Tôi sẽ tha thứ cho bạn, thật là tội nghiệp cho bạn.”. Nó dựa trên khái niệm về mặc cảm tội lỗi, rằng người khác tội lỗi, và mình sẽ tha thứ cho họ. Điều đó tạo ra một bản sắc chân thật cho người kia như là “người tội lỗi”, là người mà mình sẽ tha thứ, vì lòng độ lượng. Trong khi ở đây, đơn giản là vì lòng bi mẫn mà ta sẽ thấy rằng càng giận dữ thì mình càng bực bội, và người kia sẽ đau khổ nhiều hơn. Vì muốn cho họ hạnh phúc, nên ta sẽ không sân hận. Mình còn chúc họ được hạnh phúc hơn nữa.

Ngay cả khi chưa là Bồ tát, thì đây là kim chỉ nam để mình cố gắng thực hành càng nhiều càng tốt.

(14) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ đi loan truyền đủ điều không hay về mình ở hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ thế giới, hãy đáp lại bằng lòng từ tâm, ngợi khen đức hạnh của họ. 

Khi người khác nói những điều khó chịu với mình, la hét, làm nhục mình, v.v..., thì điều quan trọng là không trả đũa bằng lời xấu xa. Nếu như mình liên tục chỉ trích và nói những điều xấu xa về người khác, thì người ta sẽ có nhận xét rất thấp về mình, và sẽ không tin tưởng để mình giúp đỡ họ, bởi vì họ sẽ tự hỏi ta có thể nói gì về họ. Do đó, Langri Tangpa đã viết trong Luyện Tâm Bát Đoạn:

(5) Khi người khác, vì lòng ganh tỵ, bạc đãi con, bằng những lời trách mắng, sỉ nhục và thậm tệ hơn nữa, con nguyện nhận lấy thua thiệt, và dành thắng lợi cho người khác. 

Hơn nữa, ngài Tịch Thiên đã nói rằng tất cả chúng sinh đều có một số phẩm hạnh. Ngài đã viết nhiều câu kệ, nói rằng nếu như muốn người khác hoan hỷ về phẩm hạnh của mình, thì tại sao mình lại không hoan hỷ về phẩm hạnh của người khác. Tất cả mọi người đều cảm nhận giống nhau về vấn đề này. Ngài đã viết:

(VI.79) Khi phẩm hạnh của bạn được ca tụng, thì bạn cũng mong muốn người khác được vui; nhưng khi phẩm hạnh của người khác được ca tụng, thì bạn lại không vui. (VI.80) Khi đã phát bồ đề tâm vì ước nguyện tất cả chúng sinh được hạnh phúc, vậy thì sao bạn lại sân hận, vì chúng sinh đã tự mình có được hạnh phúc?

Nếu như tùy hỷ với hạnh phúc và phẩm hạnh của người khác, thì mình sẽ thấy vui hơn. Nếu như mình rất tiêu cực với họ, và bác bỏ bất cứ phẩm hạnh nào của họ, thì kết quả là gì? Cuối cùng thì mình sẽ không vui. Khi mình chỉ trích người khác thì tâm trạng đó là gì? Đó một tâm trạng rất không vui. Việc tùy hỷ với những phẩm hạnh của người khác, dù có nhỏ bé đến đâu, chắc chắn là một tâm trạng vui vẻ hơn. Người kia cũng có được lợi lạc từ việc này: họ sẽ có thêm tự tin và tôn trọng mình, điều này sẽ cho phép mình giúp họ. Người kia sẽ tin tưởng và cởi mở với mình nhiều hơn.

Nếu như nghĩ về việc công khai tiêu cực của người Trung Quốc đối với Đức Dalai Lama, thì Ngài là ví dụ cao cả nhất về điều này. Họ nói rất nhiều điều tiêu cực, và lan truyền nó trên khắp thế giới. Dù những điều họ nói hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng Đức Dalai Lama không chỉ trích, và không nói những điều xấu xa rằng chánh phủ Trung Quốc kinh khủng ra sao. Thay vì vậy thì Ngài nói về những điều tích cực mà Trung Quốc có thể tạo ra cho Tây Tạng, và không bác bỏ họ. Nhờ vậy mà Ngài sẵn sàng đàm phán với họ. Đó là một thái độ rất khác biệt với thái độ của loại tội phạm khủng bố, hay một phong trào nổi dậy vì thấy chánh phủ xấu xa, và chỉ tìm cách tiêu diệt nó.

Vấn đề ở đây là không nói về những phẩm chất tiêu cực của người khác, ngay cả khi họ nói những điều rất tiêu cực về mình, mà là nhấn mạnh những phẩm chất tốt đẹp của họ, và làm như vậy bằng thái độ từ ái, mong cho họ được hạnh phúc. Mọi người đều có những phẩm chất tốt, nên hãy tùy hỷ với hạnh phúc mà họ có được từ những phẩm chất tốt đẹp ấy. Nếu như mình không thể chịu đựng người nào nói xấu về mình với người khác, thì làm sao ta có thể chịu đựng được những điều mà Đức Dalai Lama phải chịu đựng, khi mà cả một quốc gia nói xấu về mình? Điều đó thật sự tóm tắt rất nhiều về bồ tát hạnh của Đức Dalai Lama, đúng không?

(15) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ phơi bày lỗi lầm hay nói xấu ta giữa đám đông, hãy kính cẩn nghiêng mình và xem người ấy như thầy. 

Langri Tangpa đã sử dụng phép ẩn dụ về một vị thầy, theo cách tương tự:

(6) Thậm chí, khi người mà con đã từng giúp đỡ và đặt nhiều kỳ vọng, hãm hại con một cách hoàn toàn bất công, nguyện xem họ như đạo sư thiêng liêng. 

Khi người khác chỉ trích ta, hay phơi bày lỗi lầm của mình, v.v..., thì thật ra họ rất hữu ích, khi chỉ cho mình thấy những sai lầm của bản thân, để mình sửa sai. Rốt cuộc thì nếu như mình nghĩ một người bạn tốt thật sự là gì, thì đó là người sẽ nói với ta rằng mình đã hành động như một thằng ngốc, khi ta thật sự hành xử như một thằng ngốc. Ở trường, nếu như thầy cô đã không chỉ ra những sai sót hay lỗi lầm mà mình đã tạo ra, mà chỉ luôn nói, “Ồ, bài em viết rất hay”, thì ta sẽ không bao giờ học hỏi được gì, hay cải thiện. Theo cách này thì bất cứ người nào phơi bày lỗi lầm của mình sẽ thật sự giống như đạo sư của mình, giúp ta khám phá và sửa chữa những khiếm khuyết của mình.

Khi những điều người khác cáo buộc mình là sai, thì sẽ cho mình cơ hội để phối kiểm lại, và xem điều này có đúng hay không. Ngay cả khi họ phơi bày lỗi lầm hay nói xấu ta giữa đám đông, thì Togme Zangpo nói rằng mình vẫn nên coi họ là thầy. Nếu như mình thật sự muốn có khả năng giúp đỡ người khác, thì điểm quan trọng là không che giấu lỗi lầm và thiếu sót của mình, hay giả vờ mình có phẩm chất tốt, khi mà mình không có. Người nêu ra sai lầm của mình trong đám đông sẽ cho ta cơ hội để biểu hiện lòng trung thực với họ.

Ví dụ, nếu như mình là một giáo viên, và người nào trong lớp sửa sai mình thì thay vì thấy xấu hổ, ta có thể cảm ơn họ, vì đã chỉ ra điều đó. Không cần phải suy nghĩ, “Ồ, thật là kinh khủng. Mọi người sẽ nghĩ gì về mình?”. Thay vì vậy thì ta có thể nói một cách đơn giản là, “Cảm ơn bạn. Tôi đã nói lộn, hay đó là một sự sai lầm.”. Nhờ vậy mà mọi người trong lớp sẽ tôn trọng mình hơn. Thỉnh thoảng, khi Đức Dalai Lama thuyết Pháp thì Ngài sẽ nói điều gì không đúng. Ngài sẽ nhận ra điều đó, và cười xòa về việc này, nói rằng, “Tôi mới vừa nói sai điều gì.”. Ngài không làm chuyện lớn về việc đó. Ngài không cảm thấy rằng, “Ồ, mình thật là kinh khủng.”.

Khi nói về việc phân biệt người này như thầy, thì chữ “phân biệt” thường được dịch là “nhận thức”, nhưng “phân biệt” có nghĩa là thấy một đặc điểm hoặc tính năng nào đó của người nào hay điều gì đó, và để xác định đặc điểm ấy. Người đó có thể có nhiều đặc điểm, khiến cho họ trở thành đủ thứ, nhưng một trong những điều mình có thể phân biệt là họ đang đóng vai trò làm thầy của mình trong thời điểm đó, bằng cách nêu ra những sai lầm của mình. Do đó, đó là một cách phân biệt đúng, bởi vì họ có điểm đặc trưng là giúp cho mình học hỏi.

(16) Pháp tu Bồ tát là dù người mình đã chăm sóc yêu thương như con, lại xem mình như thù địch, hãy đặc biệt yêu thương người ấy, như bà mẹ chăm sóc đứa con bệnh hoạn. 

Hãy tưởng tượng trong đêm khuya, và mình nói với đứa con là đã đến giờ đi ngủ, nhưng nó rất bực bội và la hét, “Con ghét ba!”, thì liệu mình ta có tin đứa bé, và cũng bực bội hay không? Liệu ta có nghĩ rằng “Ồ, con mình không còn yêu mình nữa!”. Không, thay vì vậy thì ta sẽ có tình thương, và tiếp tục nghĩ về phúc lợi của đứa bé. Ta sẽ tắt truyền hình và cho con đi ngủ. Hoặc nếu như đứa bé bị bệnh và khóc suốt đêm, thì ta có tức giận và xem nó là kẻ thù, vì đã phá giấc ngủ của mình không? Không, thậm chí mình còn thương yêu đứa bé hơn nữa.

Điều tương tự cũng đúng đối với bất cứ người nào mà mình đã chăm sóc và giúp đỡ rất nhiều, nhưng lại bắt đầu xử tệ với mình, rất tức giận và xem mình như thù địch. Vào thời điểm đó thì rất hữu ích để xem họ như đứa con đang bị bệnh, bởi vì trên thực tế thì họ bị bệnh vì những phiền não nào đó.

(17) Pháp tu Bồ tát là khi có kẻ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, vì kiêu mạn mà làm nhục ta, hãy tôn kính đặt họ trên đỉnh đầu, như vị bổn sư. 

Khi người khác, vì kiêu mạn mà làm nhục ta, đặc biệt là nếu họ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, thì bằng cách này hay cách khác, điều quan trọng là không nên kiêu căng và la lối với họ. Điều này nhắc đến những giáo huấn mà ngài Tịch Thiên đã viết về việc khắc phục tâm kiêu mạn và ganh tỵ. Khi cảm thấy kiêu căng đối với người nào thì ngài đề nghị nên nhìn vấn đề từ quan điểm của người thấp kém hơn mình. Từ quan điểm của họ thì ta nghĩ mình là ai? Chúng ta có tất cả những điều kiện tốt trong đời sống, nhưng lại không chia sẻ điều gì với họ, mà còn xem thường họ nữa. Tự nhiên là họ sẽ cảm thấy rất buồn về điều đó:

(VIII.141) “Người này đã tỏ lòng tôn trọng, nhưng tôi thì không; tôi không giàu sang như người kia. Người này được khen ngợi, nhưng tôi thì bị xem thường; người này được hạnh phúc, nhưng tôi thì khổ đau;

(VIII.142) “Tôi làm tất cả mọi việc, trong khi người này sống (một cuộc sống) thanh nhàn. Người này nổi tiếng trên thế giới, trong khi tôi thì thấp kém, không có phẩm hạnh gì.

(VIII.143) “Nhưng làm sao một người không có phẩm hạnh   gì lại có thể làm được (bất cứ công việc nào) ? Vậy thì tất cả chúng ta đều có những phẩm chất tốt đẹp! (Và, sau cùng)    thì có những người trong số này là người thấp kém hơn tôi, và có những người thì tôi vượt trội hơn.

(VIII.144) “Những điều như giới luật và quan điểm đạo đức của tôi sút giảm là vì phiền não, và không phải vì chúng thuộc quyền kiểm soát của tôi. Tôi phải được chữa bệnh, bằng khả năng tốt nhất của anh ấy: thậm chí, tôi sẵn sàng chấp nhận nỗi đau.

(VIII.145) “Nhưng người này (không những) không xem tôi là người phải được chữa bệnh, thì tại sao họ lại xem thường tôi?

Đây là cách giảng dạy mà ngài Tịch Thiên nêu ra về mặt hoán chuyển quan điểm về ngã và tha. Ngay cả khi người nào ở vị trí thấp kém đã xúc phạm và kiêu ngạo với mình, thì điều rất quan trọng là phải nhớ những giáo huấn này, và không trả đũa bằng cách hành động giống như vậy. Thay vì vậy thì ta nên kính cẩn nghiêng mình và xem người ấy như thầy. Nói cách khác là thay vì xem thường họ với lòng kiêu căng, thì nên tôn trọng họ như thầy, bởi vì một lần nữa, họ lại dạy ta điều gì. Họ đang dạy mình đừng kiêu ngạo.

Bất kể là người thấp kém hay ngang hàng với mình làm nhục ta, thì điều rất quan trọng là có thái độ tôn trọng họ. Rốt cuộc thì nhờ họ mà mình mới thành tựu giác ngộ, và có thể giúp đỡ rất nhiều người khác. Phải nghĩ rằng, “Vì lòng bi đối với họ, vì lòng từ đối với họ, và vì đã giúp đỡ họ mà mình sẽ đạt được giác ngộ và tạo lợi lạc cho tha nhân. Vậy thì chắc chắn là họ rất đáng được tôn trọng.”.

Khi nói về việc có được nguồn cảm hứng để thành tựu giác ngộ, thì cảm hứng bắt nguồn từ cả hai hướng, trên và dưới. Ở trên thì nó bắt nguồn từ Tam Bảo và chư đạo sư của mình, vì các ngài ban nguồn cảm hứng bằng cách làm gương cho mình. Nhưng ta cũng có được nguồn cảm hứng đồng đều như vậy từ các hữu tình đang đau khổ, được gọi là “chúng sinh”, vì khi nhìn thấy họ thì mình sẽ có nguồn cảm hứng với lòng từ bi để thành tựu giác ngộ, để giúp đỡ họ.

Ngài Tịch Thiên nói rằng tất cả chúng sinh và chư Phật đều bình đẳng, vì dựa vào lòng tốt của cả hai bên mà mình mới đạt được giác ngộ. Do đó, ngài Tịch Thiên nói tại sao chỉ thể hiện lòng tôn trọng với chư đạo sư và chư Phật, mà không tôn trọng tất cả những chúng sinh đang đau khổ? Ngài đã viết:

(VI.113) Khi việc (thành tựu) giáo pháp nhờ vào chúng sinh và đấng Chiến Thắng đều ngang hàng như nhau, thì sao lại không tôn trọng chúng sinh giống như tôn trọng đấng Chiến Thắng?

Câu Hỏi

Có phải bước đầu để khống chế tâm sân hận, khi mình nhận thấy nó đang phát sinh, là tránh xa tình huống đó, để bình tĩnh lại, và sau đó làm việc với nó, để cuối cùng thì tiêu diệt nó?

Đúng, đó là một bước tốt, và nó phù hợp với những điều mà Togme Zangpo nói, rằng một vị Bồ tát nên rời xa quê hương, nơi mà tham, sân, si sẽ làm phiền họ rất nhiều. Việc tránh xa tình huống mà mình không thể đối phó với cơn giận một cách bình tĩnh thì tương tự với điều này. Việc lắng dịu xuống và lấy lại bình tĩnh là tốt. Tương tự như vậy, người kia cũng có thể buồn bực và tức giận, nên sẽ khó lắng dịu và làm hòa với mình. Phải đợi cho đến khi nào họ cũng dịu lại, và cả hai đều ở trong tâm trạng thuận lợi hơn để giải quyết sự xung đột.

Tôi đã lẫn lộn về tài liệu tham khảo trong câu kệ số 17, đối với những người thấp kém hơn, bởi vì chúng ta đã nói về việc tất cả mọi người đều hoàn toàn bình đẳng. Vậy thì một người thấp kém hơn có nghĩa là gì?

Đúng là mọi người đều bình đẳng, đối với vấn đề tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc, và không ai muốn khổ đau. Trên hết thì tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng để nhận ra điều này. Mọi người đều tử tế với chúng ta, khi họ đã từng làm mẹ của mình, ví dụ vậy. Như ngài Tịch Thiên nói thì chư Phật và tất cả chúng sinh đều tử tế với mình như nhau, nên họ xứng đáng được tôn trọng như nhau. Tuy nhiên, ngài Tịch Thiên nói rất rõ ràng là chúng sinh thì không bình đẳng về mọi phương diện. Xét về phẩm chất tốt đẹp như lòng từ, lòng bi, trí tuệ và vân vân thì chư Phật vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Ngài Tịch Thiên nói rằng họ chỉ ngang hàng với nhau về sự kiện là mình phải dựa vào cả hai bên một cách đồng đều - dựa vào tấm gương của chư Phật, là điều mà mình đang nhắm vào để thành tựu, và chúng sinh là những người vì họ mà mình muốn thành tựu điều này – thì tất cả chúng ta sẽ thành tựu giác ngộ.

Tuy nhiên, trong chương thứ tám của Tịch Thiên về định tâm, khi nói về việc hoán chuyển ngã tha, thì ngài có nói về những người vượt trội hơn mình, những người ngang hàng, và những người thấp kém hơn mình. Phải khắc phục lòng kiêu căng đối với những người thấp kém hơn mình, chẳng hạn như những người có ít tiền hơn mình. Phải khắc phục tính cạnh tranh mạnh mẽ với những người ngang hàng với mình. Một lần nữa, ta có thể sử dụng ví dụ về tiền bạc, vì ta có thể cảm thấy mình phải cạnh tranh với những người ngang hàng, để kiếm được nhiều tiền hơn họ. Thêm vào đó thì phải khắc phục lòng ganh tỵ với những người vượt trội hơn mình, hay có nhiều tiền hơn. Trên thực tế thì toàn bộ ý tưởng về sự vượt trội, ngang hàng và thấp kém hơn là ở một mức độ rất thông thường, thường liên quan đến các phẩm chất như giàu có, quyền lực, địa vị, sức mạnh thể chất, sắc đẹp, vân vân.

Trong câu kệ số 12 về trộm cắp thì có phải điều này chỉ liên quan đến nghiệp của người kia, đang ăn cắp đồ của mình, hay cũng là nghiệp của chính mình, khi chúng ta phản ứng theo cách này hay cách khác, đối với điều họ làm?

Ngài Tịch Thiên nói rằng vì mình mà người kia đang tạo ra những hậu quả tiêu cực, bởi vì họ ăn cắp đồ của mình. Khi ta phát tâm nhẫn nhục đối với họ, nghĩa là, nhờ có họ mà mình mới tạo ra hạnh phúc. Vì mình mà họ đã tạo ra nỗi khổ cho bản thân họ, và vì họ mà mình mới tạo ra hạnh phúc cho mình, vậy tại sao mình lại làm cho họ đau khổ hơn, bằng cách tức giận với họ? Vì mình mà họ sẽ có một tái sinh tồi tệ hơn, và nhờ có họ mà mình sẽ đạt được giác ngộ. Rõ ràng là điều này rất kỳ lạ, phải không? Vậy thì tại sao tức giận với họ?

Chúng ta có thể nhìn vào hoàn cảnh theo một cách khác, như trong Pháp Luân Của Vũ Khí Sắc Bén (The Wheel of Sharp Weapon), một tác phẩm luyện tâm khác. Trong phương pháp này thì ta sẽ nhận ra rằng chính mình đã tạo ác nghiệp trong quá khứ và ăn cắp của người khác, và bây giờ thì điều này đang trở lại với mình. Đó là một cách khác để chuyển hóa tình huống. Vậy thì xin lập lại là khi có ai ăn cắp đồ của mình thì ta có thể nghĩ về ác nghiệp của mình đang trổ, hoặc có thể nghĩ về việc tạo tác thiện nghiệp, nhờ vào việc không sân hận với họ.

Top