Khai Triển Về Bồ Tát Giới 1-3

Khi thọ bồ tát giới thì mình hứa sẽ kềm chế hai loại hành vi. Tuy hai loại hành vi này thường được gọi là bồ tát giới trọng và bồ tát giới khinh trong ngôn ngữ phương Tây, nhưng đó không phải là thuật ngữ thật sự mà chúng được gọi trong ngôn ngữ chánh gốc. Có mười tám hành vi, nếu như vi phạm, thì sẽ trở thành một sự “suy đồi căn bản”. Một sự “suy đồi căn bản” có nghĩa là mất bồ tát giới, và nó được gọi là một sự “suy đồi”, vì nó sẽ khiến cho sự phát triển tâm linh của mình suy giảm, và cản trở việc phát triển những phẩm chất tốt đẹp. Nó được gọi là “căn bản”, vì đây là căn nguyên phải được đoạn trừ. Ta muốn nhổ cái rể, là điều sẽ khiến cho mình ngã gục. Đó là lý do nó được gọi là như vậy, theo các luận giải. Vậy thì nói ngắn gọn là ở phương Tây, chúng ta gọi nó là bồ tát giới trọng, nhưng thật ra là mình đang thệ nguyện sẽ tránh 18 sự suy đồi căn bản.

Sau đó, có 46 loại “hành vi sai lầm” (bản dịch theo nghĩa đen của thuật ngữ), và chúng thường được gọi là “bồ tát giới khinh”. Nếu như mình phạm một trong những bồ tát giới trọng, cùng với tất cả các yếu tố cần thiết để mất giới, thì sẽ mất giới nguyện trong dòng tâm thức. Điều này nghe không hay trong tiếng Anh, tôi xin lỗi, nhưng có lẽ bạn có khái niệm về điều này. Nói cách khác là có một số yếu tố phải có mặt, đó là bốn yếu tố, và nếu như chúng có mặt trong thái độ của mình, khi mình phạm một trong những trọng giới này, thì sẽ mất tất cả giới nguyện trong dòng tâm thức, và không còn bồ tát giới nữa, ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ. Trường hợp ngoại lệ là hai giới mà bạn không cần có bốn yếu tố đó; nếu như bạn phạm một trong hai giới này, thì sẽ mất giới ngay. Đối với những hành vi sai lầm này thì ngay cả khi bốn yếu tố đều hội tụ, bạn vẫn không mất bồ tát giới. Đó là sự khác biệt.

Nhân tiện đây, tôi nên đề cập là trước đây, chúng ta đã nói rằng mình sẽ thọ bồ tát giới cho tất cả mọi kiếp, cho đến khi giác ngộ. Nếu như tôi đã thọ giới trong đời này, và nếu như bốn yếu tố đều có mặt đầy đủ, thì tôi sẽ mất giới trong dòng tâm thức. Nhưng nếu như bốn yếu tố này đã hội tụ đầy đủ trước khi tôi thọ giới trong kiếp này, thì mình sẽ không mất bồ tát giới, mà việc thọ giới lần đầu tiên trong đời này sẽ củng cố những giới mình đã thọ trong những kiếp trước.

Vậy thì hãy xem những sự suy đồi căn bản này là gì, cái gọi là “bồ tát giới trọng”. Dù mình có thể thấy nhiều luận giải và giảng giải khác nhau về chúng có thể hơi khác biệt trong phần nhấn mạnh về điểm nào, nhưng chúng ta sẽ theo dõi luận giải của Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Nhân tiện đây, có một số truyền thống về bồ tát giới, xuất phát từ các kinh điển khác nhau của Đức Phật, nên truyền thống mà người Tây Tạng noi theo là một trong những truyền thống Ấn Độ, xuất xứ từ một bộ kinh (xin lỗi là tôi đã không tìm tựa đề và nhớ tên của bộ kinh này), nhưng các truyền thống Trung Quốc và các truyền thống bắt nguồn từ truyền thống Trung Quốc có một phiên bản bồ tát giới khác, bắt nguồn từ một bộ kinh khác, giống như các truyền thống giới luật trong Tăng đoàn (Vinaya) được các truyền thống Tây Tạng và Trung Quốc noi theo thì hơi khác nhau. Mặc dù trong Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), và có lẽ các truyền thống Tiểu thừa khác cũng vậy, thì người ta cũng khẳng định là có chư Bồ tát, và trước khi trở thành một vị Phật thì bạn là Bồ tát, nhưng đó không phải là đường tu mà hầu hết chúng ta sẽ noi theo; và tôi không bao giờ nghe nói về một phiên bản bồ tát giới trong Phật giáo Nguyên thủy mà những vị Bồ tát như vậy sẽ thọ giới. Chắc chắn là Phật giáo Nguyên thủy cũng có những câu chuyện về Đức Phật trong những tiền kiếp.

Nói về 18 bồ tát giới trọng thì đây là 18 hành vi bất thiện, sẽ đưa đến một sự suy đồi căn bản, nếu như mình vi phạm chúng với tất cả các yếu tố hội tụ đầy đủ. Đối với mỗi một điều này thì phải hiểu rằng có một số điều được quy định, được nêu ra, về mặt nó có ý nghĩa gì.

(1) Khen Mình Và/Hay Chê Người

Trước tiên, đó là một hành vi bất thiện mà mình muốn tránh, và hứa sẽ kềm chế, là tự khen ngợi mình và xem thường người khác. Người mà mình nói những lời như vậy phải là một người có địa vị thấp hơn mình. Một mặt thì động lực của mình là dục vọng và tham lam, để được lợi nhuận vật chất, lời khen, tình yêu, sự tôn trọng, vân vân từ người đó; và mặt khác thì ganh tỵ với người mà mình coi thường. Điều mà mình nói, về việc ca ngợi bản thân và coi thường người khác, có thể đúng hoặc sai, nhưng đó không phải là vấn đề.

Thế thì trên cơ bản, mình đang cố gắng để có được điều gì từ người này, có địa vị thấp hơn mình, và đang cố gắng chiếm được nó từ phía họ, dù đó là lòng tôn trọng hay tiền bạc, hay bất cứ điều gì, bằng cách nói rằng mình là người tốt nhất, và tất cả những người khác thì không tốt. Một ví dụ là một nhà tâm lý học muốn kiếm khách hàng, nên quảng cáo rằng: “Tôi là một nhà tâm lý học theo đạo Phật, chỉ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác, và tất cả những nhà tâm lý học ngoại đạo thì chỉ chạy theo tiền bạc.”. Nhưng thật ra thì động lực của họ là để có được nhiều khách hàng hơn. “Tôi là giáo viên giỏi nhất. Tôi là giáo viên cao cấp nhất. Những người khác không giỏi bằng tôi”, và điều mà tôi muốn là có thêm học trò. Chẳng may là toàn bộ hệ thống dân chủ và bầu cử của chúng ta dựa trên nguyên tắc này, để ca ngợi bản thân và coi thường đối thủ trong cuộc bầu cử, để giành phiếu và quyền lực. Đó là lý do mà người Tây Tạng thấy rất khó áp dụng toàn bộ khía cạnh dân chủ và bầu cử này trên thực tế, bởi vì bất cứ người nào nói rằng, “Tôi là ứng cử viên tốt nhất, và người khác thì không tốt. Hãy bầu cho tôi!", thì người Tây Tạng sẽ tự động không tin tưởng một người như vậy, bởi vì họ đã vi phạm, đã đi ngược lại bồ tát giới. Hầu hết người Tây Tạng sẽ rất khiêm tốn: “Tôi thật sự không có trình độ, tôi thật sự không biết cách làm việc này”, và v.v... Họ sẽ rất khiêm tốn, và tất nhiên là không ai bỏ phiếu cho họ. Vì vậy, toàn bộ hệ thống bỏ phiếu trong một nền dân chủ trong các cuộc bầu cử là điều rất khó hiểu đối với người Tây Tạng.

Nhưng nếu như nghĩ về bồ tát đạo, đối với những giới nguyện này thì việc rất quan trọng là nếu như ta làm những điều mà mình nói là sẽ không làm, thì nó sẽ phá hoại khả năng giúp đỡ người khác. Bạn phải hiểu điều này. Vậy thì làm sao mà điều này sẽ làm hỏng khả năng giúp đỡ người khác của tôi? Thế là bạn phải phân tích, phải nghĩ về nó. Nếu như mình gặp người nào, và họ đã nói rằng, “Tôi là người tốt nhất, và tất cả những người khác đều không tốt!”, thì liệu mình sẽ tin tưởng họ hay không? Tôi không biết. Có lẽ nhiều người Tây phương sẽ tin tưởng người đó. Toàn bộ hệ thống quảng cáo của chúng ta dựa vào điều đó, đúng không? “Đây là bột giặt tốt nhất để giặt quần áo; tất cả những loại bột giặt khác thì không tốt. Hãy mua loại này!". Nhưng thật ra, nếu như phân tích sâu hơn, thì họ chỉ muốn lấy tiền của mình. Vậy thì phải xem xét rất kỹ, liệu ta có nên cố gắng quảng cáo về bản thân mình hay không: “Tôi là Bồ tát tốt nhất. Tôi là người tốt nhất để giúp bạn. Tôi sẽ giải quyết tất cả vấn đề của bạn. Hãy đến với tôi. Không có ai khác tốt bằng tôi.”. Ngay cả khi điều này có thể đúng, nhưng nó cho thấy một động lực rất vật chất. Ý tôi là nếu như nó dựa trên điều này, rằng tôi chỉ muốn có thêm đệ tử. Vậy thì mình phải coi chừng vấn đề này.

Nếu như nói rằng đạo Phật là tốt nhất, và tất cả những tôn giáo khác không tốt, những con đường tâm linh khác không tốt thì sao? Nếu như mình hành động như vậy, thì có phải là phá giới này hay không? Các bạn nghĩ sao?

Tùy theo động lực của mình.

Điều đó rất đúng, nhưng đâu là điều có thể là động lực đúng đắn để làm việc này?

Để tạo lợi lạc cho người khác.

Liệu điều này có ngây thơ không? Có phải đường tu nhà Phật là tốt nhất cho mọi người ngay trong hiện tại? Nếu như nhìn vào những điều Đức Dalai Lama nói về những tôn giáo khác, thì điều mà Ngài nói là tất cả những gì bạn có thể nói - và nó được dùng để đáp lại với toàn bộ lý thuyết về việc chỉ có một chân lý, một tôn giáo chân thật mà thôi - điều mà Ngài có thể nói là đạo Phật tốt nhất đối với tôi, nhưng không thể nói rằng đó là điều tốt nhất đối với các bạn. Mỗi truyền thống đang nói về mục tiêu tâm linh của riêng mình. Cơ Đốc giáo không khẳng định rằng nếu bạn theo đường tu của đạo Cơ Đốc, thì sẽ đạt được giác ngộ của Phật giáo, mà lại nói rằng bạn sẽ đạt được mục tiêu của Cơ Đốc giáo, nên không có lý do gì để tranh cãi về điều đó. Vậy thì nói theo ngôn ngữ đơn giản, nếu bạn cầu nguyện để lên thiên đàng của Phật giáo, thì bạn sẽ lên thiên đàng của Phật giáo; nếu như bạn cầu nguyện để được lên thiên đàng của Cơ Đốc giáo, thì bạn sẽ lên thiên đàng của Cơ Đốc giáo. Bạn sẽ không cầu nguyện để lên thiên đàng của Phật giáo, rồi cuối cùng lại lên thiên đàng của Cơ Đốc giáo, nếu như nói một cách rất đơn giản. Vậy thì những con đường tâm linh khác nhau có thể phù hợp hơn đối với những người khác, vào thời điểm này. Do đó, Đức Dalai Lama luôn rất tôn trọng các truyền thống tâm linh khác, và điều duy nhất mà Ngài nói về truyền thống Phật giáo là hiển nhiên, điều tốt nhất là đạt được mục tiêu của nhà Phật, đó là giải thoát và giác ngộ, cách mà nó được định nghĩa trong đạo Phật.

Vậy thì đây là giới đầu tiên. Tránh ca ngợi bản thân và coi thường người khác, khi động lực là dục vọng và tham lam ở một mặt, và mặt khác là ganh tỵ. Tất nhiên, điều này rất khó áp dụng, nếu như mình muốn kinh doanh. Làm sao để quảng cáo đây? Và tôi nghĩ nếu như mình sử dụng quảng cáo tiêu cực, để nói rằng những sản phẩm khác tệ hại đến mức nào, thì điều này chắc chắn không phù hợp với giới nguyện. Và nếu như ca ngợi chính mình - sản phẩm của tôi tuyệt vời như thế nào; tốt hơn tất cả những thứ khác, thì có lẽ nó cũng không phù hợp với giới nguyện này. Vậy thì phải quảng cáo như thế nào? Bởi vì khi quảng cáo thì động lực của ta là gì? Là để tạo ra nhiều lợi nhuận, hay là để cung cấp sản phẩm cho người khác, bởi vì nó sẽ ích lợi cho người khác, và giúp đỡ họ? Thế thì điều mà một người trong số các bạn có nói, rằng tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào động lực, là điều rất quan trọng. Đúng không?

Rất nhiều nhà kinh doanh có vấn đề với những giới này. Làm sao để kinh doanh trên cơ sở của đạo đức nhà Phật? Đó không phải là một câu hỏi dễ dàng, nếu động lực duy nhất của mình là động cơ lợi nhuận, bởi vì tôi nghĩ một ví dụ điển hình là hệ thống y tế của Mỹ, mà trong những thập niên gần đây, toàn bộ hệ thống y tế của Mỹ đã hướng về phương tiện y tế vì lợi nhuận. Những nhóm nắm cổ phiếu của bệnh viện sẽ làm chủ bệnh viện đó, và toàn bộ ý tưởng là ngày càng đem lại nhiều lợi nhuận cho các cổ đông, nên họ muốn thu được nhiều lợi nhuận nhất từ các bệnh nhân, và sẽ để cho bệnh nhân xuất viện càng sớm càng tốt, để họ đem thêm bệnh nhân khác vào, vì không muốn ai sử dụng giường bệnh quá lâu. Toàn bộ định hướng dường như xa rời việc điều trị đúng đắn cho bệnh nhân, nên chúng ta thấy chất lượng của thuốc men xuống dốc rất thường xuyên. Vì vậy, nếu như động cơ giúp đỡ người khác chỉ là lợi nhuận, thì dường như chất lượng của sự giúp đỡ đó luôn luôn đi xuống. Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là khi noi theo bồ tát đạo, thì mình sẽ không làm như vậy, để đạt được điều gì cho bản thân, đặc biệt là nếu như mình muốn đạt được điều đó cho bản thân, bằng cái giá mà các hành giả khác phải trả, bạn biết mà, chẳng hạn như các đạo sư khác và vân vân.

(2) Không Chia Sẻ Phật Pháp Hay Tài Vật

Bồ tát giới thứ hai, hành vi tiêu cực mà chúng ta nguyện tránh, là không chia sẻ giáo pháp hay của cải của mình. Ở đây thì động lực là tâm tham ái và keo kiệt. Thế thì mình có thể khư khư giữ lấy bài ghi chép về giáo pháp, hoặc máy vi tính, tập hồ sơ trong máy vi tính của mình, và không muốn chia sẻ điều đó với người khác, và viện đủ lý do cho việc này. “Nếu tôi cho bạn mượn sách, thì bạn sẽ làm đổ cà phê lên sách, nên tôi không muốn cho bạn mượn.”. Chắc chắn là ta có thể có lòng chiếm hữu và không chia sẻ tiền bạc với người khác. Giống như khi bạn nói với người khác rằng, “Bạn không thể tham dự những buổi thuyết Pháp này, vì bạn không có tiền để trả học phí.”. Vậy thì mình đang ôm giữ giáo pháp cho bản thân bằng cách nào đó, không chia sẻ tiền bạc để giúp người khác tham gia khóa thuyết Pháp với mình.

Chúng ta cũng có thể rất quyến luyến với thời gian của mình, và không chia sẻ nó với người khác, để giúp đỡ họ. Chẳng hạn như có một số người rất quyến luyến với những ngày cuối tuần: “Đây là ngày nghỉ của tôi. Đừng có nhờ vả tôi nhé.”. Và đây là điều mà chúng ta thường thấy. Tôi có trang mạng này, đề án trang mạng này, và đôi khi những việc khác sẽ xảy ra, khi mà tôi phải giải quyết vấn đề tình nguyện viên và nhân viên làm việc cho trang mạng. Đôi khi, người ta sẽ nói rằng, “Xin đừng kêu tôi làm điều gì vào cuối tuần, vì đó là thời gian thiêng liêng của tôi.”. Điều đó thật sự không phải là bồ tát hạnh, đúng không? Nếu có ai cần sự giúp đỡ của mình, và chúng ta không nói về việc ai đó liên tục lạm dụng thời gian của người khác, nhưng nếu có ai thật sự cần sự giúp đỡ của mình, thì dù đó là ngày hay đêm, hay cuối tuần, hoặc bất cứ lúc nào, thì mình cũng sẽ giúp đỡ người đó. Giống như nếu như đứa bé của mình đang khóc, hay té xuống giường, thì mình sẽ không nói rằng, “Xin lỗi con nhé, bây giờ là giờ đi ngủ, nên sáng mai mẹ sẽ ẵm con lên giường.”. Nếu như mình thật sự giúp đỡ người khác, thì không nên lúc nào cũng phàn nàn. Từ quan điểm của bồ tát hạnh thì ta nên rất vui vẻ, khi người khác cần mình giúp đỡ, và nhờ vả mình. Đây là điều mà chúng ta đang tu tập để có thể thực hiện, đó là giúp đỡ mọi người trong mọi lúc như một vị Phật. Vậy thì nếu như người nào muốn mình giúp họ, thì rất tuyệt vời. Nếu như có ai muốn học hỏi điều gì với mình, hoặc muốn mượn bài chép Phật pháp của mình, hay bất cứ điều gì, thì ta sẽ rất vui khi có thể chia sẻ điều đó với họ, dĩ nhiên là nếu như họ chân thành, và nếu những giáo pháp này thích hợp với họ Đôi khi, người ta có thể có động lực hơi lạ lùng một chút, về những điều mà họ yêu cầu.

Một lần nọ, khi tôi đang dịch cho Serkong Rinpoche, thầy của tôi (đó là vào thời hippy), thì một anh chàng hippy rất nghiện ngập đã đến gặp Serkong Rinpoche và nói rằng, “Con muốn học sáu pháp du già của Naropa. Xin thầy dạy cho con sáu pháp du già.”. Rinpoche đã rất nghiêm túc với anh này và nói rằng, “Con muốn học hỏi điều này thì rất tốt. Đó là một nguyện vọng tuyệt vời. Nhưng nếu muốn học hỏi pháp này thì trước tiên, con phải tu học pháp này và pháp kia, trải qua toàn bộ quá trình và chuẩn bị bản thân để thọ nhận pháp tu này.”. Thế thì Thầy đã không keo kiệt về giáo pháp, về việc không dạy cho anh chàng này sáu pháp du già của Naropa. Tất nhiên là anh ta đã không sẵn sàng để thọ nhận giáo pháp này, nhưng Thầy đã hướng dẫn anh ấy theo cách mà cuối cùng thì sẽ dẫn dắt anh đến giáo pháp này, đó là cách xử lý phù hợp với anh ta.

Hãy nhớ nguyên tắc chung mà tôi đã đề cập trước đây: một vị Bồ tát có thành tựu ở mức thấp hơn, sẽ không cố gắng thực hiện pháp tu của một vị Bồ tát có thành tựu cao hơn, khi họ không có khả năng làm việc đó. Vậy thì nếu có ai yêu cầu mình giúp đỡ họ, mà ta không có khả năng làm điều đó, thì không được giả vờ là mình có thể làm nhiều hơn những điều mình có thể thực hiện, mà phải nói rằng, “Ước gì tôi có thể làm điều đó nhưng tôi thật sự không đủ điều kiện.”. Nếu bạn nói điều đó với một người Tây Tạng, thì họ sẽ thấy rằng bạn chỉ khiêm tốn, vì thật ra thì bạn có trình độ, nhưng bạn chỉ nói rằng, “Ồ, không, không, không, tôi không có đủ tiêu chuẩn. Tôi không thể làm điều đó”, và họ sẽ nài nỉ. Nhưng rồi thì bạn thật sự phải nhấn mạnh rằng, “Không đâu, không phải là tôi khiêm tốn, mà thật sự là không có đủ điều kiện để làm việc này.”.

Tôi sẽ lấy một ví dụ. Tại một học viện Phật pháp ở Ý, Học Viện Lama Tzong Khapa, có một chương trình gọi là Chương Trình Thạc Sĩ, để nghiên cứu các chủ đề chính của chương trình tu học trong tu viện, dành cho các cư sĩ và giới xuất gia. Đây là một chương trình sáu năm. Họ có một vị Geshe để dạy đề tài đầu tiên của khóa học này; nhưng sau đó, khi đến lúc bắt đầu đề tài thứ hai, đó là Trung quán (Madhyamaka), thì Geshe la nói rằng, “Tôi không đủ điều kiện để dạy môn này.”, và tất nhiên mọi người đều khăng khăng là dù sao thì Thầy sẽ cũng dạy môn đó, rằng Geshe la chỉ khiêm tốn thôi, nhưng Geshe la nói rằng, “Không, thật sự là tôi không đủ điều kiện.”. Và họ đã phối kiểm với các bạn cùng lớp và các thầy của Geshe la, và đúng là Thầy thật sự không có đủ trình độ, đó không phải là môn mà Thầy giỏi, dù Thầy là một Geshe. Tuy nhiên, Geshe la đã nói Thầy sẽ ở lại và giúp một Geshe khác có đủ điều kiện hơn, nếu như học viện có thể tìm được một Geshe như vậy để đến đây giảng dạy. Thế là học viện đã tìm ra một Geshe khác, người đã đến và đồng ý dạy môn này. Và vị Geshe đầu tiên, người đã nói rằng “Tôi không đủ điều kiện”, đang ở lại để giúp đỡ vị Geshe đến sau. Vậy thì vị Geshe đầu tiên không phạm bồ tát giới, khi không chia sẻ giáo pháp, mà trên thực tế thì Thầy đã noi theo pháp tu về lòng cam kết của bồ đề tâm nguyện, là không giả vờ có những phẩm chất mà Thầy không có.

Vậy thì nếu có ai nhờ mình giải thích giáo pháp, hay chia sẻ bài ghi chép của mình, thì bạn có thể nói, “Rất tốt, bạn có thể xem bài của tôi, nhưng chúng không tốt lắm nhé”, hoặc là “Bài của tôi không rõ ràng lắm”, hay “Hiểu biết của tôi không tốt lắm”. Hãy trung thực về điều đó. Nếu như không hiểu điều đó, thì hãy nói rằng, “Tôi không hiểu điều đó. Tôi không thể giải thích cho bạn.”. Đối với việc không chia sẻ thời gian của mình, v.v..., thì cũng phải dùng trí tuệ. Một phần của việc tu bồ tát hạnh là phải biết khi nào thì mình phải nghỉ ngơi, để có đủ sức tiếp tục giúp đỡ người khác. Trong những trường hợp như vậy thì mình sẽ nói rằng, “Tôi muốn giúp bạn, nhưng thật sự là tôi kiệt sức rồi. Tôi cần phải nghỉ ngơi. Tôi thật sự không thể giúp bạn.”.

Điều cũng khó khăn là khi nhiều người yêu cầu sự giúp đỡ của mình trong cùng một lúc, và ta không thể phân thân ra hàng ngàn thân tướng khác nhau để giúp đỡ mọi người trong cùng một lúc. Vậy thì mình không phải là Phật. Tôi không thể giúp tất cả mọi người trong cùng một lúc, tất cả chúng sinh trong cùng một lúc. Trong những trường hợp như vậy thì điều không may là mình phải chọn lựa. Vậy thì làm sao để chọn, làm sao để quyết định mình phải ưu tiên cho ai? Đức Dalai Lama đã đưa ra một số tôn chỉ về việc này. Ngài nói rằng: “Hãy xem bạn có trình độ tốt nhất để giúp đỡ về mặt nào, và không có rất nhiều người khác đang làm cùng một công việc giống như vậy, thì hãy chú trọng vào lãnh vực đó. Đối với những việc mà người khác có thể làm tốt như bạn có thể làm, thì hãy giới thiệu họ. Hãy tập trung vào những điều mà chỉ có bạn mới có thể làm được thôi.”. Tôi sẽ lấy ví dụ riêng về mình. Nếu như có ai đến gặp tôi và nói rằng, “Tôi muốn học tiếng Tây Tạng. Xin hãy dạy tiếng Tây Tạng cho tôi”, thì có nhiều người khác dạy tiếng Tây Tạng, và có nhiều điều khác tôi có thể dạy, mà không có nhiều người dạy. Vậy thì trong tình huống đó, tôi sẽ nói rằng, ”Có những người khác có thể dạy bạn tiếng Tây Tạng.”, và tôi sẽ giới thiệu họ cho một vài người khác, để họ đi học tiếng Tây Tạng với những người đó, đặc biệt là lớp Tạng ngữ vở lòng.

Một nguyên tắc khác, về cách ưu tiên sự việc, là nếu như mình có mối liên hệ rất, rất đặc biệt với người kia, và họ rất cởi mở với mình. Vậy thì tôi sẽ cho một ví dụ rất hay. Đức Dalai Lama có các vị trợ giáo, nên có vị tái sinh của vị trợ giáo chánh là Ling Rinpoche, và tái sinh của những vị được gọi là trợ giáo phụ, như thầy của tôi, Serkong Rinpoche. Thật ra danh hiệu của Serkong Rinpoche không phải là trợ giáo phụ, mà là “Thầy đối tác tranh luận”, nhưng không cần phải đi sâu vào những chi tiết này. Ngài là một vị thầy của Đức Dalai Lama. Và hai ngài ra đời cách nhau khoảng một năm, nên tuổi tác rất gần nhau. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ khi các ngài lên ba hay bốn tuổi, thì Đức Dalai Lama đã dạy cho ngài bài học đầu tiên về cách đọc bảng chữ cái Tây Tạng. Hiển nhiên là Đức Dalai Lama đã không tiếp tục trở thành thầy dạy bảng chữ cái, và dạy cho ngài cách đọc chữ, nhưng xét về mối quan hệ gần gũi rất đặc biệt mà Đức Dalai Lama đã có với các vị thầy của mình, nên khi tái sinh của các vị được tìm thấy, thì Ngài là người đã dạy cho họ bài học đầu tiên.

Người bạn của tôi, Alan Turner, có mối liên hệ rất mật thiết với Serkong Rinpoche. Alan chưa bao giờ học tiếng Tây Tạng, nhưng Serkong Rinpoche đã dạy cho anh bài học đầu tiên, để gieo chủng tử về tiếng Tây Tạng cho anh. Dĩ nhiên là ngài đã không làm điều đó với người khác. Đức Dalai Lama đã không dạy tiếng Tây Tạng cho người khác, ngoại trừ thầy của mình, người mà Ngài có mối quan hệ mật thiết như vậy. Thế thì mình sẽ ưu tiên như vậy. Đâu là nhu cầu đặc biệt? Nếu tôi dạy người này, thì họ sẽ có thể mang lại bao nhiêu lợi ích cho người khác? Về cách sử dụng thời gian, thì mình có một mối liên hệ rất gần gũi hay không? Liệu người đó có thật lòng cởi mở với mình không? Hay nói chung hơn thì tôi hội đủ điều kiện để làm việc gì tốt nhất, mà không có rất nhiều người đang làm việc đó? Về mặt người khác yêu cầu mình dành thời gian cho họ, thì ta có thể cố gắng làm một chút, và đưa ra đề nghị. Mình sẽ không nổi giận và nói rằng: “Hãy để tôi yên. Đi chỗ khác đi.", bạn biết mà, vì điều đó đối nghịch với bồ tát hạnh.

Điều rất thú vị là tôi đã nêu ra thắc mắc này với Ringu Tulku, là một đạo sư Kagyu rất vĩ đại, và ngài nói rằng đó cũng là một yếu tố mà mình có thể thấy trên thực tế là mình vẫn là chúng sinh, không phải là Phật, về mặt làm sao để sắp xếp thời giờ của mình, cũng là về vấn đề mình thích làm việc gì, và một chút động lực ích kỷ này thì cũng ổn thôi, vì nó sẽ giúp cho mình có thêm sức mạnh và nhiệt huyết. Điều đó tốt thôi, miễn là nó không phải là điều chủ yếu mà mình quan tâm đến.

Vậy thì có một số yếu tố mà mình có thể xem xét về cách dành thời gian để giúp đỡ người khác, làm việc vì lợi lạc của người khác.

Sau đó thì mình phải xem xét: Liệu mình có thể giữ gìn điều này hay không, mình có thể làm việc này không? Nếu như sẽ thọ bồ tát giới, thì liệu mình có thể làm điều đó hay không? Hãy xem xét, liệu tôi có thể giữ giới này hay không? Được rồi, vậy thì mình muốn tránh việc ca ngợi bản thân và xem thường người khác vì tâm luyến ái, tham lợi và ganh tỵ với người khác. Phải tránh việc không chia sẻ giáo pháp, hay tiền của, tài sản của mình, hoặc thời gian, hay bất cứ điều gì, vì tâm tham ái và keo kiệt.

Nếu như mình không chia sẻ giáo pháp vì những động lực khác, như lười biếng hay sân hận, “Tôi không thích bạn, nên sẽ không giúp bạn, hay chia sẻ điều gì với bạn”, thì đó là một trong những bồ tát giới khinh, để tránh điều đó. Nó không phải là một giới trọng. Thế thì câu hỏi là tại sao? Tại sao điều này là giới trọng, và điều kia là giới khinh? Bởi vì là một Bồ tát thì mình phải sẵn sàng bố thí cho tất cả mọi người, không chỉ giữ nó cho riêng mình. Vì vậy, khi mình có tâm tham ái và keo kiệt, thì có nghĩa là tôi không muốn chia sẻ, điều đó thật sự đi ngược lại toàn bộ mục tiêu của Bồ tát. Nếu như chỉ đơn giản là vì tôi quá lười biếng, thì đó chỉ là một cách suy nghĩ hoàn toàn khác, phải không? “Tôi có thể giúp bạn, nhưng tôi rất làm biếng.”.

(3) Không Nhận Lời Xin Lỗi Của Người Khác, Hay Đánh Đập Người Khác         

Bồ tát giới thứ 3, điều mà mình muốn tránh là không nhận lời xin lỗi của người khác, hay đánh đập họ. Có hai điều liên quan ở đây. Việc đầu tiên là không nghe người khác xin lỗi, hay đánh họ, động lực cho cả hai điều này chủ yếu là tâm sân. Vậy thì điểm đầu tiên đề cập đến một lần mà mình la hét hay đánh đập người nào, chẳng hạn như đứa con nghịch ngợm, và một là người đó xin mình tha thứ, hay là người khác, như vợ của mình xin mình dừng tay, nhưng ta lại từ chối. Hai là chỉ đánh đập người nào. Nếu như không nhận lời xin lỗi của người kia sau khi chuyện này đã xảy ra, khi mình còn ôm lòng thù hận, thì đó là bồ tát giới khinh. Vậy thì có hai tình huống ở đây. Người nào van xin bạn tha thứ, bạn biết đó, “Làm ơn đừng la hét với tôi nữa”, khi mình đang la mắng họ, hay đánh họ, hoặc rất ác độc với họ, vì tức giận. Vậy thì rõ ràng là lúc đó mình là một Bồ tát, ngay cả khi ta sân hận. Người khác sẽ nói, “Làm ơn dừng lại. Tôi xin lỗi.". Rõ ràng là mình phải dừng lại, tha thứ cho họ, chấp nhận lời xin lỗi của họ, dù tha thứ là một khái niệm rất kỳ lạ, đúng không? Tôi không nghĩ rằng điều đó thật sự khá chính xác..., trên thực tế thì thậm chí tôi không thể nghĩ ra từ ngữ trong tiếng Tây Tạng dành cho chữ “tha thứ”. Trên cơ bản là hãy ngưng tức giận và đừng đánh họ nữa. “Tha thứ” đóng vai trò như thể mình có quyền tách rời người khác ra khỏi nghiệp quả của họ; đó không phải là Phật pháp. Vậy thì nó chỉ đơn giản là vấn đề đừng giận dữ với tôi nữa, đừng la hét và đánh đập tôi nữa, hay đừng chối bỏ tôi – trong lúc chúng ta đang la hét với họ, v.v...

Giới khinh là về sau, khi mình vẫn còn giận dữ với họ, hay oán hận, rồi họ lại nói, “Tôi xin lỗi”. Lúc đó thì mình không chấp nhận lời xin lỗi hay buông bỏ mối thù và tâm sân hận. Tôi nghĩ sự khác biệt ở đây là giữa một cơn giận mạnh mẽ đang thúc đẩy mình tạo ra hành vi tiêu cực như la mắng hay đánh đập người đó, hoặc làm điều gì tiêu cực với họ, và tình huống khác là oán hận, giữ tâm sân hận bên trong, nhưng không tạo ra hành động bên ngoài. 

Thế thì rõ ràng là nếu như mình muốn giúp đỡ người khác, ngay cả khi tạm thời thì mình đang tức giận, nhưng cũng phải buông bỏ nó, buông bỏ tâm sân hận hay oán hờn đó. Khía cạnh khác của giới nguyện này là để không đánh người khác, đó là đánh đập họ vì tức giận. Vậy thì có thể có những tình huống mà việc đánh đập có thể cần thiết, có thể có lợi, nhưng không được thực hiện vì sân hận. Tất nhiên là mình có thể sử dụng một ví dụ của người Ấn Độ: để con trâu nước của bạn chịu đi đâu đó, thì có thể bạn phải vỗ vào lưng nó. Nếu như bạn chỉ nói với con trâu nước rằng: “Hãy đi qua bên kia”, thì có lẽ con trâu nước sẽ không hiểu. Vậy thì không phải là vì tức giận mà mình đánh con trâu nước. Trâu nước là một loại thú mà bạn thấy ở khắp nơi ở Ấn Độ và Nepal. Nó rất là to lớn, lớn hơn con bò nhiều. Nó đen, có sừng, và cho sữa rất béo bổ. Có lẽ bạn không có trâu nước, thậm chí, bạn không biết trâu nước là gì, và hầu hết chúng ta không có trâu nước, hay ngay cả ngựa hay lạc đà, mà bạn có thể phải đánh để cho nó đi. Nhưng đôi khi, ngay cả với một đứa trẻ rất nghịch ngợm, nếu như đứa bé sắp sửa chạy ra đường, và có nguy cơ nó sẽ bị giết hại hay bị đụng xe, thì đôi khi, mình phải sử dụng một cách khá mạnh bạo để tóm lấy chúng, hoặc đánh chúng, để chúng không chạy ra đường. Mình sẽ không làm điều này với lòng sân hận. Thế thì một lần nữa, hiệu ứng của hành động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì động lực; và ở đây thì động lực là sự tức giận hay ác ý. Mình muốn làm tổn thương người khác. Nếu như vào thời điểm này mà người kia nói, “Làm ơn đừng làm như vậy, xin hãy dừng lại”, mà ta từ chối, thì điều đó sẽ vi phạm giới nguyện này. Thế thì đó là bồ tát giới thứ 3.

Top